Tuesday 19 September 2017

Thí dụ, bây giờ
Đoàn Xuân Kiên


Nghe nhạc:Thí dụ, bây giờ:
 https://www.youtube.com/watch?v=BSggcvVzmiY

Dạo

Thí dụ: bây giờ không phải là ngày anh đã chia tay cùng đời sống này? Tôi sẽ vẫn hình dung không gian của anh là như thế, với những nụ hồng tàn, những đoá hoa vàng rơi lả tả, những sen xanh sen hồng trong chiều sương đục… Không có sắc màu gì thay đổi trong không gian quen thuộc đó. Đó là một cảnh giới riêng anh, nơi anh vẫn đi về bên đời hiu quạnh.


1

Một bài hát của anh mở đầu như thế này: "Thí dụ bây giờ tôi phải đi. Tôi phải đi, tay chia li cùng đời sống này. Có chiều hôm đưa chân tôi về biên giới mới. Nghe ra quanh tôi đêm dài, có còn ai, có còn ai trong yên vui còn yêu dấu ngồi rơi lệ ru người từ đây?" (Rơi lệ ru người) [1])… Cứ thế, cả bài hát là một lời giả thiết, hay là một lối nói nước đôi, chẳng cần chấp trụ vào một chiếc cọc luận lí nào. "Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tay chia li cùng đời sống này…; thí dụ hôm nào em bỏ đi, đôi tay em dù ưu ái đời…".

Giả thiết được đưa ra là: tôi sẽ ra đi khỏi cuộc sống trần gian, nơi có nhiều kỉ niệm với em, với phố phường, với những hàng quán đêm đêm cùng anh em bè bạn… Giả thiết rằng bây giờ là lúc hồi chuông báo tử gióng lên, đưa tôi về … Chuyện gì xảy ra? Có chiều hôm đưa tôi vào tối… Rồi hàng cây loan tin nhau rồi im bặt tiếng … Tôi nghĩ giá như bây giờ em bỏ đi, đôi môi ngon dù chưa chín tới thì cũng đành thôi, trăm năm quanh em khép lại; chắc sẽ không còn ai ngồi im lìm trong chiều hôm rơi lệ cho người tình… Khi tôi ra đi, chắc không còn những sen xanh sen hồng, với dòng sông, với những gì yêu dấu không thể mang theo… Chắc lòng sẽ khó bình an… Mạch suy cảm cứ nhảy múa theo những hình ảnh xem ra không xa lạ gì, nhưng đặt cạnh nhau lại hiện thành một khối màu, một khối hình nét lạ lẫm mà hài hoà. Mối quan hệ giữa những hình ảnh không phải là những liên hệ nhân quả, tương giao,… trong một trật tự suy lí thông thường. Đấy là những mối liên hệ của một bố cục hội hoạ, trong đó vẻ đẹp của tranh là một vẻ đẹp cấu trúc.

Đến với ca khúc TCS là một dịp tiếp xúc với những bất ngờ.
"Thí dụ, bây giờ…" cũng như những bài hát TCS khác, mỗi lời hát là một dòng suy cảm mới trải rộng trên thảm ngôn từ và những hình tượng thơ trong lời ca, như thể chúng mới đến với đời sống ngôn ngữ lần đầu tiên.


2

Nhưng hãy giả thiết là những lời hát kia không phải là những giả thiết, mà là một điều có thật, vì bài hát đã được in ra, đã được hát lên từ lâu (có lẽ là từ 1992). Giả thiết như thế là bởi vì, ai cũng sẽ một lần chia xa, ai cũng sẽ vui buồn với cuộc sống này ở một giới hạn thời gian nhất định. Cho nên hôm nay có suy nghiệm trước về cái ngày chia tay ấy thì cũng chẳng phải là chuyện viển vông, mà chính là một điều giả thiết nhưng không phải là giả tưởng.

Hãy nhìn lại, chúng ta cùng nói chuyện với nhau không phải qua những đối thoại ngôn từ ồn ào, mà chỉ qua những dòng suy cảm lặng lẽ, sâu kín. Dù tôi đang ngồi đây bên bờ sông vắng lặng hay giữa căn phòng im lìm trong chiều hôm, hoặc nữa là nơi quán không trong buổi chiều đông người qua… Là hãy giả thiết như thế! Không gian quanh tôi chẳng có ý nghĩa gì của không gian có thể đo lường bằng thước tấc cụ thể đâu. Không gian của tôi là của tâm tưởng tôi, nó rất hiện thực trong tâm cảnh của tôi, nhưng không nhất thiết là một không gian hiện thực như thế trong tâm tưởng của người khác. Mỗi chúng ta là một cõi đời riêng, rất riêng. Trong cõi riêng ấy, ngọn nến tôi vẫn từng đêm vơi cạn niềm riêng.

Không gian của tôi có đấy: có em im lìm trong chiều hôm, có con phố dài và tiếng xe ngựa lao xao, có phố phường và bạn bè anh em tôi, có hàng cây im tiếng nói, có những nụ hồng, những búp sen xanh,… Không gian đó thực có trong tâm cảnh của tôi, cho nên nó có thể hiện ra hay lẩn chìm trong góc khuất mờ sương là do tâm tôi điều khiển. Khi nhắm mắt lại, tôi thấy em đi quanh từng ngọn nến tắt, tôi có thể thấy tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống đời làm sóng lênh đênh. Trong không gian đó, tôi nghe tiếng gà trưa, tiếng xôn xao của con người trong hàng quán trống không. Tôi thấy tôi đi ra phố, thấy mình cũng như quán không kia, như bàn im hơi bên ghế ngồi, như một tiếng hư không.

Cho nên đừng hỏi tại sao trong giờ tôi chia tay cùng đời sống thì hàng cây loan tin nhau rồi im tiếng nói, tại sao tiếng cười xôn xao lại chen cùng nỗi hoang vu tiếng cười. Thời gian trong cõi riêng tôi không có phân chia, mà quá khứ và vị lai cùng lẩn khuất trong một cõi vô phân biệt. Nhìn sợi nắng hôm nay mà tôi thấy dáng hình em từ nghìn xưa trở về. Cũng như có lần tôi nghe tiếng gà trưa gáy khan bên đồi mà thấy gần cõi thiên thu không bến không bờ. Trong không gian hình tượng đó, lời ru không phải là là lời ru mà chỉ là một biểu tượng, như những biểu tượng khác trong kho hình tượng của anh: nụ hồng, đoá quỳnh, hòn đá cuội, dòng sông, ngọn nến, ngựa hồng…

"Thí dụ, bây giờ…" chỉ là những hình ảnh siêu thực trong một không gian siêu thực.


3

Từ đã lâu trước khi lìa đời, lúc hãy còn rất trẻ, anh đã từng hát lời chia tay khi anh tâm sự rằng: "mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa (một ngày nào đó) cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia sẻ những buồn vui cùng mọi người." (Bên đời hiu quạnh, tr. 12). Mà chia xa là gì? Là một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình. Là khi xếp lại những hẹn hò, thân nhẹ nhàng như mây. Là khi sợi nắng vàng dường như cũng vội khép lại từng đêm vui. Là khi đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời, là nụ hồng ngày xưa rớt lại bên cạnh đời tôi đây. Có khi tôi chợt thấy bất nhẫn vì chưa nói hết được những lời muốn nói cùng bình minh, cùng trưa nắng, cùng bao nhiêu sen xanh sen hồng, cùng bao nhiêu phố phường thân quen…, lòng tôi chợt gợn chút xao xuyến, thoáng thấy lòng như chưa bình an. Dẫu thế, ngày xưa khi còn thanh xuân, tôi đã tưởng cõi riêng mình chỉ toàn những tro than nguội lạnh, tưởng chừng cõi địa đàng chỉ là những lời phúc âm buồn bã thê lương. Ngày ấy nụ hồng xanh xao quá, tay em buông xuôi muốt dài như dáng liêu trai. Ngày ấy cỏ xót xa đưa, vóc hạc hao gầy chới với trong rừng hoang vu… Đã có một quãng cách khá dài kể từ cái thuở liêu trai mộng dữ kia đến những ngày tôi hát về một cõi đi về riêng tôi, về những lời chia tay. Quãng cách dài như là từ cõi tuyệt vọng người hành hương bước qua bờ bên kia là nơi cội nguồn của một sự bình an, tịch lặng.

"Thí dụ, bây giờ…" là một bản lề của hai cảnh giới: một bên là cõi đời của phận người bi đát tuyệt vọng, bên kia là cõi hạnh phúc an nhiên tịch lặng.


4

Dù là đi và về ở cõi sống nào, tiếng hát của anh vẫn chỉ là những lời thầm thì của tự sự, hơn thế, là những suy cảm kín nhiệm. Đấy không phải là lời gào thét của cuồng nộ, cũng chẳng phải những than khóc ai oán sướt mướt. Cùng lắm chỉ là những lời cảm thán, lời thở dài im lặng về nỗi đời, về phận người. Phần khác là những lời hát về nỗi hân hoan hạnh phúc của một cõi tâm đã lên đường trở về với nguồn cội. Niềm vui hay nỗi buồn trong ca khúc TCS là những cảm xúc hiền hậu chứ không xô bồ náo động, phát biểu qua cung bậc âm thanh giàu nữ tính và đậm chất phiêu hốt của người thoát vòng tục luỵ.

Đã hơn bốn mươi năm rồi, nhiều người hát một bài "Lời buồn thánh" chẳng hạn, nhưng dễ chừng hiếm người ca sĩ biết dừng lại ở cảm thức băng giá nhưng không nức nở, cảm thức buồn mà không đau, lạnh mà không giá. Giai điệu ca khúc TCS không phải là những giai điệu quá phức tạp, nhưng cái thần lực của ca khúc TCS là ở sắc thái tâm tình của chúng. Đấy là những khúc điệu buồn mà không bi luỵ, không ê chề đau khổ; lại cũng chẳng từng nhơn nhơn tự mãn một thứ hạnh phúc dung tục. Làm một thống kê số lượt những ca khúc TCS được nhiều người khác nhau cùng hát, sẽ thấy nổi lên một số bài dường như chỉ dành riêng cho ai đó hát mà thôi. Bài "Phúc âm buồn", "Đoá hoa vô thường", "Tự tình khúc", "Níu tay nghìn trùng", "Khói trời mênh mông","Như một lời chia tay", "Rơi lệ ru người"… là những trường hợp như thế. Những ca khúc đó là những bài hát chừng như chỉ để dành riêng cho giọng hát nào cảm nhận được vẻ đẹp sâu kín và nhã đạm của từng lời hát TCS. Không cần kiểu dáng màu mè, không cường điệu niềm vui nỗi khổ, chỉ cần hát như con chim ngứa cổ hát chơi, như ta thở hít khí trời. Chỉ sa đà một chút là làm mất chất an nhiên đến lạnh lùng của những lời hát vừa như ma quái mà lại vừa nồng ấm một niềm hạnh phúc kín nhiệm sâu thẳm. Hoá ra muốn hát cho được tâm tình của những ca khúc kia thì tâm người hát cũng cần lắng xuống chứ không thể xung động trong những tình cảm đục và vẩn.

Tình cảm trong các ca khúc TCS là thứ tình cảm bao hàm những mảnh tâm tình khác nhau nhưng đều là sự chia sẻ về những sướng khổ của phận người trong một tâm giới an nhiên đượm màu thiền vị
.


Coda

Thí dụ: bây giờ là ngày anh đã chia tay cùng đời sống này? Tôi vẫn hình dung không gian của anh là như thế, với những nụ hồng tàn, những đoá hoa vàng rơi lả tả, những sen xanh sen hồng trong chiều sương đục… Không có sắc màu gì thay đổi trong không gian quen thuộc đó. Đó là một cảnh giới riêng anh, nơi anh vẫn đi về bên đời hiu quạnh. Như cánh hạc lẻ bên trời sương lạnh, như tiếng lá cỏ hát lời thì thầm. Cõi không mênh mông.

                                                                                  Đoàn Xuân Kiên
                                                                                (talawas2003)




[1]Bài hát "Rơi lệ ru người" của Trịnh Công Sơn, in trong tập Bên đời hiu quạnh (Nhân bản xuất bản, Sài Gòn, 1993). Bài hát được thu thanh qua tiếng hát Khánh Ly trong album ca khúc Im lặng thở dài (California: Khánh Ly productions, 1992). Khánh Ly đề tên bài hát là "Thí dụ", có lẽ là đề tựa ban đầu chăng? Đây không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, trong một album khác do TCS hát chung với nhiều người, có bài hát mang tựa đề là "Ở trọ" (Thanh Hải, Bài hát Trịnh Công Sơn. Paris: Vietnam Diffusion, 1980, sau này in trong tuyển tập Bên đời hiu quạnh nói trên), nhưng trước đó lại thấy mang tên là "Cõi tạm" trong một album của Khánh Ly (Lời buồn thánh. California: Khánh Ly productions, 1981)

Nghe nhạc: Như một lời chia tay:
https://www.youtube.com/watch?v=sZDlrmzhTGg


No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...