Wednesday 13 September 2017

Nguyễn Trãi -
Một điển hình cho phong cách
và thái độ sống của người trí thức dân tộc

Đoàn Xuân Kiên



1

Người trí thức ngày xưa được đào luyện trong trường học để trở thành những con người trung thứ, biết đạo làm người trong xã hội.  Đạo làm người trong xã hội chúng ta ở phương đông cũng chẳng ra ngoài đạo trung hiếu.  Học hành, đỗ đạt, ra làm quan, người trí thức bắt đầu con đường trưởng giả hoá theo nếp sống nếp nghĩ của vua chúa phong kiến; vạn nhất, nếu không hiển đạt, hay là hiển đạt mà vì một lí do nào đókhông chịu ra làm quan, lui về chốn dân dã thì họ vẫn sống, suy nghĩ, hành động, ước mơ như những người anh em bà con khác ở quanh làng, những ông đồ nho về làng mà cùng chia sẻ vui buồn cùng những người nông dân lam lũ khác – số phận những con người bạch đinh, những người thấp cổ bé họng muôn đời vật lộn với cuộc sống bên luỹ tre làng.  Đời sống trong một xã hội nông thôn không phải là không có những buổi âu ca hoan lạc, nhưng nhìn chung thì từ khi guồng máy nhà nước dùng hệ tư tưởng Tống Nho làm cơ sở văn hoá giáo dục, xã hội phương đông trầm mặc của chúng ta đã nhiều phen sa xuống tăm tối nhục nhằn.  Tư tưởng Tống Nho giam hãm tầm mắt bao nhiêu thế hệ nho sĩ quan lại, khiến họ trở thành những kẻ bầy tôi ngoan ngoãn, cúc cung tận tuỵ phục tùng mệnh lệnh nhà vua, xem số phận mình là những ơn ích mà vua chúa ban phát cho, được sao nhận vậy.  Nhà trường rút lại chỉ là lò đào tạo những con người bị “điều kiện hóa” bằng mớ giáo điều của một thứ tư tưởng Nho học sa đoạ, do vậy mà cũng tàn úa tính nhạy bén cần thiết ở một con người tự chủ với tư suy độc lập.  Không mấy người còn nhận ra được rằng lịch sử chẳng phải là sản phẩm của một ông vua, rằng quần chúng “tứ phương manh lệ” (đám vác gậy cầm cờ ở khắp nơi) là nước, mà vua chỉ là thuyền.  Phải là người có nhận thức sáng suốt như thế nào mới có thể hình dung được hướng đi của lịch sử dân tộc, phải là người gắn bó với nỗi vui cơn buồn của quần chúng thì mới mong cảm thông và chia sẻ niềm mơ ước của họ đối với cuộc sống.  Đó là phẩm cách của một người trí thức dân tộc – những người đại dịên trung thực của quần chúng, của cộng đồng dân tộc trong một thời kì lịch sử.  Những người trí thức dân tộc ấy không bị cuốn trôi vào mê lộ tư tưởng giáo điều của thời đại, họ sống với hoài bão “lo trước cái lo của dân, vui sau nỗi vui của dân” (“tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”), lấy hạnh phúc của xã hội làm niềm hạnh phúc của đời mình.  Những nhà nho này không phải là hiếm hoi trong suốt dọc dài lịch sử, và thế hệ sau noi theo gương người trước, cứ thế họ đã hình thành một truyền thống cao đẹp của người trí thức Việt Nam.

Suy nghĩ về sự nghiệp người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một điều là: người trí thức này chính là biểu tượng của truyền thống kẻ sĩ ngày trước.  người trí thức ấy đã trải đời mình gắn bó với niềm vui và nỗi đau của dân chúng: tâm hồn ông lộng căng bão táp của thời đại nên đời ông cũng gắn bó với tâm tình của thế hệ ông.  Cuộc đời ông đã vượt ra ngoài cái chật hẹp của một đời người giá áo túi cơm mà đã đạt đến mức độ đạt đến những nét độc đáo của một phong cách.  Phong cách của một trí thức sống no đầy cảm thức thời đại.

Thới đại nào cũng tự nó có những tiếng dội vào con người, réo gọi con người, rồi từ đó nảy sinh ra những con người tuấn kiệt có thể xứng đáng là người đại biểu cho tâm tình nguyện vọng của xã hội vào thời kì họ sống; những con người như thế thường được quần chúng ưu ái gửi gấm vào tay họ những tâm tình ước mơ của quần chúng.  Ngày xưa, Nguyễn Công Trứ thường tự hào là mình sinh ra vốn đã mang sứ mệnh cao cả của kẻ sĩ, chính là một biểu hiện của quan niệm ít nhiều có tính thần bí này.  Thật ra thì thiên tài chẳng bao giờ là một sự lớn lao lạc lõng; những bậc cái thế xưa nay vẫn thường là những tụ điểm sáng nhất của những anh hoa mà dân tộc và thời đại đã chung đúc nên – trong ý nghĩa rằng những con người xuất chúng kia đã nung nấu những suy gẫm về thời thế và nhận ra phương hướng chèo chống con thuyền đời qua cơn bão của lịch sử.  Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc, người yêu nước vĩ đại, một nhà văn hoá kiệt xuất, một nhà nghệ sĩ có tâm hồn sáng hơn sao Khuê, một thiền sư… - là một trường hợp như thế.  Con người vĩ đại của dân tộc ở thế kỉ XV ấy đã thừa thụ những tinh ba của truyền thống dân tộc, đã chở trên vai cả khí phách của một dân tộc.  Đấy có thể là những lời khen tặng đẹp đẽ nhất mà một con người của tổ quốc có thể nhận được.  Nhưng mà, không phải hễ cứ bảo lưu truyền thống dân tộc là đủ làm nên tài năng đâu.  Nguyễn Trãi vĩ đại, xét cho cùng, là vì dân tộc và thời đại đã cho ông cái lớn lao của nó.  Hẳn nhiên là yếu tố quyết định vẫn là khí phách của chính con người, cái đảm lược của con người đã mang cái khí phách ấy.  Nói cách khác, con người gọi là xuất chúng vì họ có trọn vẹn cái ngạo nghễ của tầm vóc lớn mới đủ sức mang mể cái khí phách dân tộc trong mìng.  Người trí thức có khí phách – người xưa gọi là tiết tháo, và ngày nay gọi là lương tâm trí thức – là có được cái yếu tố quyết định sự lớn lao của mình giữa cuộc đời.  Khí phách kẻ sĩ chính là cái đã làm nên sự lớn lao của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

2

Nguyễn Trãi sống trong một thời đại đặc biệt.  Suốt cuộc đời hơn sáu mươi năm của ông là một thời nhiễu nhương, một xã hội đang bên triền dốc sa đà.  Thế kỉ ông sống đã xa xăm thời kì vàng son của dân tộc.  Nhà nước phong kiến Đông A sau những năm tháng đấu tranh hào hùng để bảo vệ độc lập cho dân tộc, dần dà bước sang giai đoạn thoái trào của triều đại.  Những cuộc dấy động của các thành phần chống đối trong dân chúng đã phơi trần những mâu thuẫn bên trong xã hội.  Mầm loạn lạc, suy vong đã tiềm phục trong các chính sách thuế khoá và hạn điền.  Một nhà quý tộc thân thích của dòng họ nha Trần lúc bấy giờ là Hồ Quý Li đã ra tay cứu vãn cơ đồ đang xuống dốc.  Nhưng những cải cách táo bạo của ông không ra ngoài mưu đồ triển hạn thêm quyền thế của một triều đại trên đà suy vong.  Đó là nguyên nhân vì sao nhà Hồ cũng không chinh phục nổi lòng người.

Khung cảnh đổ nát của triều chính Trần- Hồ đã như dầu đổ thêm vào ngọn lửa tham vọng của bọn vua quan nhà Minh bên Trung Hoa lúc bấy giờ đang nuôi tham vọng bành trướng xuống phương Nam.  Chúng kéo đại binh sang giả danh giúp con cháu nhà Trần lập lại trị an, nhưng thật sự là để cướp nước ta và tái diễn những thủ đoạn độc ác mà trước kia các triều đại Hán, Lương, Đường, Tống đã từng sử dụng để vét đến kiệt sinh lực dân tộc chúng ta.  Cuộc xâm lăng của đoàn quân viễn chinh của nhà Minh lần này không phải là một cuộc thôn tính êm ả.  Những người yêu nước khắp nơi đã liên tiếp đứng dậy ứng nghĩa.  Suốt hai mươi năm chiếm đóng đất nước ta, quân Minh chẳng khi nào được ăn ngon ngủ yên vì phải lo đối phó và trấn áp các phong trào khởi nghĩa của dân chúng Đại Việt.  Trong số các phong trào khởi nghĩa ấy, nghĩa quân Lam Sơn đã vượt lên trên tính chất một phong trào địa phương để trở thành một mặt trận toàn dân, nên đã tổng hợp được sức mạnh của dân tộc, thu hút đủ mọi tầng lớp dân chúng, đẩy sự nghiệp giải phóng đất nước đến thành công.

Sau hoan ca khải thắng, vua Lê Lợi lập ra nhà nước mới để cai quản giang sơn, Một vương triều mới ra đời sau bao công khó đấu tranh, nhưng cuối cùng lại đã đi tiếp vòng lẩn quẩn của thời đại sa đà về giá trị tinh thần mà dân tộc chưa làm sao gỡ thoát ra được.  giữa một vũng lầy văn hoá tư tưởng như thế, thật không có gì ngạc nhiên là người trong một nước lại tiếp tục cuộc tương tàn đến mòn hơi kiệt sức.  Những cuộc sát phạt lẫn nhau chung quanh miếng đỉnh chung mà bọn quý tộc mới hưng nghiệp liên tiếp gây nên đã kéo chậm lại biết bao công cuộc xây dựng đất nước lúc ấy đang như một con bệnh chưa khỏi hẳn.  Về căn bản, xã hội Đại Việt sau khi kháng chiến thành công  vẫn là một xã hội nghèo đói, rách rưới về mọi mặt.

Cùng với sự dựng dậy một nhà nước, triều đại vua Lê ra sức củng cố uy quyền của giới quý tộc mới, dựa trên nền tảng hệ thống tư tưởng Tống Nho.  Trong hoàn cảnh xã hội mà mối quan hệ càng ngày càng kết chặt vào vương quyền, hệ tư tưởng và các thứ lễ giáo phong kiến sẽ như thể một khung rào bảo vệ thành trì quyền lợi và địa vị của giới quý tộc, cũng đồng thời sẽ làm mê mờ ý thức của tầng lớp nho sĩ quan lại và tác động đến cả nếp sống, nếp nghĩ của quần chúng nhân dân.  Bọn quý tộc mới nổi ấy, vì lợi ích thiển cận của mình, sẵn sàng cấu kết với nhau để làm hại bao nhiêu người thương nước yêu dân.

 Cơn lốc của một thời nhiễu nhương dài dằng dặc như thế đã như một dấu hỏi lớn ném vào tâm thức những người con đất nước.  Những người không bán rẻ lương tri, những người nặng lòng vì hạnh phúc mọi người như Nguyễn Trãi chẳng hạn, hẳn là phải thao thức vì những tiếng dội của thời đại:  phải làm gi?  Phải sống như thế nào cho khỏi thẹn?

Thời đại réo gọi lương tâm mọi người, không trừ một ai.

Thời đại bão tố ấy đã dội mạnh vào tâm thức Nguyễn Trãi.  Từ thời tuổi trẻ.  Ta biết là gia đình bên ngoại ông vốn là một thế gia vọng tộc thời bấy giờ.  Ông ngoại là vị quan Tư Đồ và là tông thất nhà Trần; thế nhưng bố ông lại là một ông đồ nghèo thuộc thành phần dân dã.  Đấy là một thiệt thòi cho gia đình, vì như thế bố ông không được bổ làm quan, dù học hành vào hạng giỏi.  (Luật lệ nhà Trần cấm dân thường lấy vợ thuộc dòng dõi tông thất nhà vua.) Sinh ra trong gia đình quyền quý nhưng chắc Nguyễn Trãi chẳng được sung sướng bao lăm:  loạn lạc làm gia đình xiêu tán, rồi mẹ mất sớm, vài ba năm sau ông ngoại cũng ra đi.  Cha ông phải gà trống nuôi con bằng nghề thầy đồ.  Lặn lộn chốn dân dã, hẳn là cha con ông thấu hiểu nỗi khổ đau của quần chúng trong một thời nhiễu nhương.  Chính sự đổ nát của vương triều Trần-Hồ đã khoét sâu những vết lở nhức nhối của xã hội, mà Nguyễn Phi Khanh đã chấm phá bằng hình tượng sắc cạnh:  “Vạn tính ngao ngao đãi bộ cầu, Thuỳ gia kim ngọc á cao khâu!”  (Muôn họ đang nhao nhác chờ miếng ăn, Nhà ai kia vàng ngọc sánh ngang gò cao!) (2, tr.449)

Thời trẻ, Nguyễn Trãi học say mê và học giỏi, tiếng thơm nức rừng nho (1, tr. 364) nên mới hai mươi tuổi đã đậu Thái Học Sinh, được bổ làm quan to triều nhà Hồ.  Mấy năm ở triều làm quan Ngự Sử, Nguyễn Trãi đã thấy tận mắt những hiện tượng đáng khinh bỉ mà bọn quan lại thời bấy giờ không sao che đậy nổi.  Ông sẽ nhiều lần nhắc lại hình ảnh đó trong các chiếu cáo biểu.  Dưới mắt ông, “Họ Trình (tức nhà Trần, vì kiêng huý mà phải đổi) cậy mình mạnh giàu, mặc dân khốn khó, chỉ ham vui chơi, đắm đuối tửu sắc.  các việc vô ích bày ra hàng ngày: nào là đánh bạc, vây cờ, chọi gà, thả chim; nào là cá vàng nuôi chậu, chim rừng nhốt lồng.  Khoe tốt tài năng nhỏ mọn, giành lấy hơn thua, quên hẳn thiên hạ lớn lao chẳng hề đoái nghĩ.  Kẻ oan uổng bị khổ ở chốn câu giam, hai ba năm không được xét hỏi; người thân sơ phải khuất ở tay nội giám, hai ba tháng mà việc chưa xong. Khanh tướng lập đảng riêng tây, triều đình thiếu người can gián.  Cho đến nỗi con vua cháu chúa phải hại bởi kẻ gian thần, quyền lợi việc to đều lọt vào tay xiểm nịnh.  Dân oán ghét mà không biết, lòng trời khiển trách mà chẳng kinh.  Chính giáo do đó mà suy đồi, kỉ cương do đó mà rối loạn.” (1, tr.196-197).  Nhà Hồ thừa kế di sản đổ nát ấy nên cũng không hơn gì:  “Họ Hồ dùng gian trí để cướp lấy nước, lại lấy gian trí để hiếp lòng dân.  Lệnh “bảo sao” ban bố mà mọi người oán nỗi thương sinh, việc di dân thi hành mà mọi người kêu bề thất sở.  Gia dĩ, thuế má phiền, giao dịch nặng, luật pháp ngặt, hình phạt nghiêm.  Yêu người gần, vị tình riêng, họ hàng thì người thấp cũng tôn quý, tiểu nhân mà người của mình cũng cứ tin dùng.  Nhân mừng mà thường khen, nhân giận mà phạt giết.  người trung trực phải khoá miệng, kẻ lương thiện thì ngậm oán.” (1, tr.197)

Đấy là những kinh nghiệm mắt thấy tai nghe của chính ông về thời làm quan lúc trẻ.  Trải mấy năm ở chốn quan trường, ông đã suy nghĩ những gì về đất nước, về xã hội?  Tự nhận mình là người “để tâm đến dân chúng, mình lo trước điều thiên hạ phải lo (1, tr. 204), hẳn là người nho sĩ trẻ tuổi đã phải nhiều đêm trằn trọc, chăm chắm với lòng một câu hỏi:  phải làm gi?

Từ khi quân Minh sang cướp nước, ông bắt đầu quãng đời “phiêu chuyển bềnh bồng những mười năm”, chàng tuổi trẻ nhiều đêm không ngủ, nằm nghe mưa mà lòng đau buồn như con thuyền tròng trành mất hướng; có nhiều khi say quên trong rượu nhạt, thở dài mà nhìn tháng ngày trôi (1, tr.276). Dù vậy, tấc lòng đất nước vẫn còn nguyên vẹn, mắt còn đăm đăm về làng cũ mà nhớ rằng mồ mả cha ông còn đang chìm trong đau nhục.  Mười năm gió bụi làm người nho sĩ trẻ tuổi có chí khí như già đi nhiều vì bao nhiêu biến cố đã chảy dưới cầu (1, tr. 269).  Chàng đã trải tận mắt những tội ác mà “tát cạn nước Đông Hải cũng không đủ rửa hết vết nhơ; chặt hết trúc Nam Sơn chẳng ghi hết tội ác” của bọn cướp nước.  Chàng ghi nhớ mãi ấn tượng về những hành vi lang sói của bọn cướp nước và sẵn sàng nhắc lại cho đồng bào không mơ hồ, ngủ quên.

Mười năm phiêu chuyển bềnh bồng đó, ông đã nghĩ gì? Làm gi?

Có dạo ông lánh về Côn Sơn ẩn cư.  Đây chẳng phải là hành động chốn chạy, mà có lẽ ta nên hiểu là một dấu lặng cần thiết của một câu nhạc.  Ông cần có một thời gian để suy ngẫm về những thành bại đã qua cho thấu đáo hơn nữa “mệnh trời”.  Có lắm khi ông cũng chán chường như bao người ngã ngựa, chẳng biết mơ ước gì hơn là mơ thấy quê hương thanh bình (1, tr. 431), nhưng rồi cũng chính ông thức dậy để nhận ra rằng chẳng thể ngồi rung đùi mơ ước mà bọn cướp sẽ ban cho cuộc sống làm người.  Thế thì, Côn Sơn không thể chôn đời ta trong niềm đau nhục.  Chàng tuổi trẻ lên đường, phiêu chuyển đó đây.  Ai có hỏi ông đâu, xin mách hộ rằng ông còn bận kiếm ăn nơi góc biển chân trời (1, tr. 391).  Lòng nặng trĩu u uất vì món nợ đối với đất nước, tổ tiên, khiến ông thao thức mãi không yên giấc ngủ, đành ôm gối chong mắt đến hừng đông (1, tr. 278).  Trên bước phiêu chuyển giang hồ, ông có bài thơ ví mình như Vương Thức, Quản Ninh, Đỗ Tử Mĩ (là những danh sĩ Trung Hoa ngày trước, thà lui về giữ tiết tháo chứ không cam tâm làm tôi bọn vô đạo (1, tr. 268,270, 390).  Điều ấy có nghĩa gì nếu không phải là nó nói ra phần nào tâm sự Nguyễn Trãi trong giai đoạn này?  Đấy là thái độ chọn lựa của ông trước cuộc sống.  Điều đó cũng còn chứng tỏ rằng trong quãng đời bềnh bồng này, ông đã không nguôi một tấc lòng.  Ta gặp đó đây hình ảnh làng cũ, quê nhà – cụ thể hơn, Côn Sơn trong thơ ông giai đoạn “thập niên phong trần” này;  đó là những hình tượng về một quê nhà, một đất nước thiêng liêng yêu dấu.  Hướng về Côn Sơn mà thấy cả một mối ràng buộc gắn bó với tổ tiên, với tổ quốc.  Chính là tấm lòng son sắt ấy đã là yếu tố quyết định cho những chọn lựa về sau.

Nay ta không biết được là trong mười năm ấy, đã có lần nào Nguyễn Trãi tìm đến một trong các phong trào kháng chiến.  Có thể là ông đã gia nhập một phong trào nào đó trước khi đến với nghĩa quân Lam Sơn.  Mà cũng có thể là không.  Có điều không nghi ngờ gì được là ông biết rất rõ các phong trào đó với những điểm mạnh điểm yếu của chúng.  Chẳng hạn, ông nói về phong trào khởi nghĩa Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng như sau:  “…ngày trước về thời Hưng Khánh, Trùng Quang, chỉ uổng hư danh, không nên sự nghiệp, đó là vì nhiều người nắm quyền…” (1,tr.143).  Một phong trào kháng chiến có quy mô, có tiếng vang một thời như thế mà vẫn còn vướng vào những khuyết điểm là thiếu đường lối lãnh đạo giỏi khả dĩ đẩy sự nghiệp chung đến thành công.  Đại khái có thể hình dung những nhược điểm của các phong trào kháng chiến địa phương lúc bấy giờ là thiếu lãnh đạo, thiếu phương lược đấu tranh, tổ chức lỏng lẻo… Dù sao đi nữa, vẫn có thể thấy rằng quãng đời mười năm bềnh bồng này không làm tiêu mòn ý chí con người, ông không khoanh tay nhìn đất nước như một người vô can, không chịu yên phận làm thân tù binh.  Trong thơ ông thấp thoáng hình tượng một người trằn trọc canh khuya vì canh cánh một nỗi niềm (1, tr.270, 278).  Nó chứng nhận rằng ông không quên nghĩ về con đường tương lai.  Kế sách Bình ngô hẳn là phải hình thành từ những ngày tháng này.

Quên ăn vì giận, thường nghiền ngẫm những sách lược thao;  Lấy xưa nghiệm nay, suy xét mọi cơ hưng phế;  Chí phục thù, thức ngủ chẳng quên…” (1, tr.78)

Trong một thời tao loạn như buổi ấy, hình ảnh những con người như Đặng dung, Nguyễn Trãi là những biểu tượng đẹp: một người thì bạc đầu vì thù nước chưa xong, người kia thì bạc đầu vì suy gẫm về con đường hành động.  Với Nguyễn Trãi, quãng đời bềnh bồng phiêu chuyển mười năm này mang ý nghĩa một giai đoạn thể nghiệm hướng sống, tích luỹ hành trang cho một cuộc lên đường.  Thông thường, người ta chú tâm vào những hình tích phi thường của những danh nhân mà quên rằng họ cũng chỉ là người với đầy đủ những tình cảm và suy nghĩ, những vui sướng và khổ đau như bao người khác.  Nhìn lại thời kì đau thương ấy, chúng ta bồi hồi nhận ra rằng ông quan đại thần trẻ tuổi Nguyễn Trãi bước vào tuổi ba mươi khi nước mất nhà tan.  Người trí thức trẻ tuổi ấy quả đã trọn vẹn – do đó không hổ thẹn – với tiết tháo kẻ sĩ, một đời hiến con tim và khối óc cho đất nước.  Thời đại như bão táp lộng căng trong tâm hồn người.

Đầu năm 1418, hào trưởng Lê Lợi và các bạn đồng tâm đồng chí dựng cờ khởi nghĩa.  Khi mới dấy khởi, phong trào không khác gì các phong trào ở các địa phương khác.  Địa bàn hoạt động của nghĩa quân không đi quá xa vùng rừng núi Lam Sơn.  Ngoài phong trào này ra cũng cần ghi nhận rằng trong khoảng thời gian từ 1418 đến 1420 còn nhiều cuộc khởi nghĩa khác cùng nổ ra tại các địa phương; có phong trào đã kéo dài từ ít năm trước đó.  Đáng ngại nhất là cuộc dấy binh của đội quân theo giặc Minh đồn trú ở nghệ An; loạn quân chiếm được Nha Nghi rồi toả ra các huyện khác, và rồi thành Nghệ An.  Quân Minh chưa dẹp được đám loạn này thì các huyện quanh đấy lại vùng lên ứng nghĩa.  Tại Thanh Hoá chẳng hạn, ngoài nhóm nghĩa quân Lam Sơn hoạt động mạnh ở vùng Lỗi Giang thì miền Nga Lạc cũng có một nhóm khác nổi lên.

Trong lúc ấy, về phía bắc, thành Đông Quan cũng đương bị các phong trào nghĩa quân địa phương uy hiếp.  Tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, nghĩa quân Áo Đỏ mở rộng hoạt động xuống tận địa bàn vùng Thanh –Nghệ để tiếp sức cho phong trào binh biến tại Nghệ An.  Tại Lạng Sơn, Hà Đông, Hải Phòng và các địa phương khác ở trung châu sông Hồng, nghĩa quân nổi dậy khắp nơi, trong đó quan trọng nhất phải kể đến nhóm nghĩa quân của nhà sư Phạm Ngọc ở Đồ Sơn và phong trào nghĩa quân của Lê Ngã toả rộng hoạt động ở vùng sông Hồng.  Cả hai phong trào cùng có hàng vạn nghĩa quân tham gia, hoạt động trên những địa bàn rất rộng; Lê Ngã còn lập được hẳn một triều đình có vua quan, có đúc tiền riêng chứ không phải là những đám giặc cỏ không có được sự hậu thuẫn của quần chúng.

Những phong trào nghĩa quân đã làm cho quân Minh mất ăn mất ngủ, hao binh tổn tướng rất nhiều.  Minh Sử (bộ thông sử của triều đại nhà Minh) cũng thừa nhận là như vậy.

Xem thế thì những năm đầu, tình hình có vẻ thuận lợi cho nghĩa quân Lam Sơn lắm, vì quân Minh phải căng mỏng lực lượng trấn áp ra khắp nơi.  Thế mà địch vẫn đủ sức gây khó khăn cho nghĩa quân.  Chỉ riêng trong ngay năm đầu, nghĩa quân đã phải cố thủ ở trong vùng núi hiểm trở miền Lạc Thuỷ, rồi Chí Linh.  Có lần bị vây mấy tháng trường, bị tuyệt lương, lực lượng tiêu hao chỉ còn hơn trăm người.  Đến cuối năm 1421, khi quân Minh đã diệt được các phong trào khác thì nghĩa quân Lam Sơn cũng đã lớn mạnh, trở thành một mối lo cho chúng.  Chúng đã ba lần đem đại quân lên đánh nghĩa quân, nhưng cả ba lần đều thất bại.  Sức mạnh của chính nghĩa được cộng với khả năng tổ chức của phong trào đã có tiếng vang lớn, giục giã những người yêu nước khắp nơi tìm về với hàng ngũ kháng chiến.  Chính trong những ngày tháng này, Nguyễn Trãi tìm đến Lỗi Giang tham gia phong trào Lam Sơn và hiến kế sách Bình Ngô.  Sách vở cũ ghi lại rằng sau buổi ra mắt nghĩa quân, Nguyễn Trãi nhanh chóng trở thành một nhân vật trong hàng ngũ lãnh đạo của phong trào.  Một số nhà nghiên cứu thời nay cũng cố công chứng minh rằng Nguyễn Trãi đã có mặt trong phong trào Lam Sơn từ những năm tháng đầu tiên; nhưng tất cả những lí lẽ và chứng cứ đưa ra đều không có gì xác đáng cả, nếu không nói là vô tình hay cố ý thần thánh hoá khôn cần thiết một con người nổi tiếng trong lịch sử.

Sự có mặt của Nguyễn Trãi hẳn là đã góp phần quan trọng vào bước chuyển hướng chiến lược của nghĩa quân:  từ vị trí một phong trào địa phương, nghĩa quân sau đó đã lớn mạnh thành một phong trào toàn dân toàn quốc; từ một đội quân nặng về võ biền co thủ trong rừng núi, phong trào bùng ra trên những địa bàn khác nhau, phối hợp chiến tranh chính trị với chiến tranh quân sự.  Bước chuyển hướng chiến lược này diễn ra sau khi nghĩa quân tạm đình chiến một năm, nghĩa là từ năm 1423, với chiến dịch tiến quân về Nghệ An để tìm một căn cứ địa an toàn cả về nhân lực lẫn vật lực.  Sách vở cũ ghi lại rằng một vị tướng gốc gác nông dân là Nguyễn Chích đã có công trạng đưa ra ý kiến đánh Nghệ An; Nhưng không có gì chứng tỏ rằng Nguyễn Chích là người đầu tiên chuyển hướng chiến lược lớn như thế.  Vả chăng, chiến lược này có quan hệ với kế sách Bình Ngô hay không, vẫn còn là điều đáng tìm hiểu.  Có bằng chứng rõ ràng trong một bái thơ của Nguyễn Trãi cho biết rằng ông rất tự hào về bước ngoặt quan trọng này (1, tr.291).  Mạch văn không có gì cho ta hiểu là ông chỉ ngưỡng phục việc làm của một ai khác.  Nói cách khác, Nguyễn Trãi và Bình Ngô Sách của ông có thể đã đóng vai trò đáng kể trong giai đoạn chuyển hướng chiến lược quan trọng đánh dấu một bước tiến phù đổng củ phong trào Lam Sơn.

Trở lại câu chuyện khác cũng đáng suy gẫm ở đây là:  tại sao nguyễn Trãi không tìm đến với phong trào nghĩa quân nào khác trong khoảng thời gian 1418-1423?  Trong số thư từ đối đáp với giặc về sau này, ông có bày tỏ ít nhiều quan niệm nhìn nhận và đánh giá việc đời, đại khái là người tuấn kiệt phải là người biết thời thế, hiểu sự biến (1, tr. 131, 138, 140, 144, 151, 154, 155 ).  Thời thế lúc bấy giờ là gì? Quân Minh tàn ngược đã đến điều  “bại nghĩa thương nhân,trời đất tưởng chừng muốn dứt”, chúng tìm đủ trăm nghìn mánh khoé dối trời lừa người để vơ vét, bóc lột dân ta.  Cảnh tượng đã rất bi thảm, đến cỏ cây sâu bọ cũng không loài nào được yên thân với chúng (1, tr. 77-78).  Lẽ chính tà ở đây đã rất phân minh, không cần bàn cãi gì:  vào buổi ấy, bất cứ ai có lương tri đều phải biết căm giận bóng tối và biết hướng về phía có ánh sáng.  Đối với người trí thức trong hoàn cảnh buổi ấy, không có con đường nào khác đúng đắn hơn, khẩn thiết hơn là con đường đấu tranh cho độc lập dân tộcvà quyền sống của dân chúng đang quằn quại dưới nanh vuốt kẻ thù.

Để đối đầu với thế lực bóng tối xâm lược, đủ mọi thành phần dân chúng đã đứng lên.  Nhưng các phong trào khởi nghĩa của quý tộc nhà Trần thì – như đã trình bày – bị vấp khuyết điểm là chuộng hư danh, ít quan tâm đến sinh linh nên không lôi cuốn được đông đảo quần chúng.  Các phong trào nghĩa quân của quần chúng nông dân thì lại vấp một nhược điểm lớn là thiếu kết hợp tổ chức, không vượt lên khỏi tình trạng manh động, nên vừa nổi dậy là bị dập tắt, hoặc có cầm cự được vài năm thì cũng tan rã vì tổ chức ô hợp quá.  Mang hoài bão “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”, Nguyễn Trãi hẳn là ý thức được sự đau khổ của người dân mất nước và trách nhiệm của kẻ sĩ trước sự thúc bách của tình thế đất nước đòi hỏi phải thể hiện bằng hành động yêu nước cụ thể.  Nhưng Nguyễn Trãi đã không muốn đi vào ngõ cụt bế tắc của các phong trào kháng chiến do quý tộc nhà Trần lãnh đạo.  Ông cũng không muốn rẽ vào ngõ cụt khác là các phong trào nổi dậy của nông dân các nơi.

Phong trào khởi nghĩa Lam Sơn có gì khác với những phong trào trên đây?  Phải nói rằng phong trào Lam Sơn lúc ban đầu cũng chỉ là một phong trào nông dân “yết can vi kì, manh lệ tứ phương chi đồ tụ tập”  (dùng gậy gộc làm cờ, dân xóm dân lân khắp nơi tập họp lại), như được mô tả trong Bình Ngô Đại Cáo.  Nhưng nhờ tổ chức chặt chẽ (Lê Lợi là một phìa tạo của một bản Mường), lại biết phát huy chính nghĩa dân tộc để kết tập hào kiệt và nung nấu ý chí dân chúng vì nước phong trào Lam Sơn đã tìm dược nguồn cổ vũ và cơ sở nuôi dưỡng phong trào để từ đó lớn dần lên thành một phong trào cả nước.

Những người trí thức như Nguyễn Trãi và bè bạn cùng thời như Trầng Nguyên Hãn hẳn là phải nhìn thấy sức mạnh tiềm tàng của lẽ phải tất thắng của một phong trào bắt rễ sâu trong quần chúng, khiến có thể sống sót qua nhiều lần bị đàn áp vây khốn trong rừng sâu.  Không bị huyễn hoặc với danh vị và quá khứ vàng son của nhà Trần, không bồng bột theo thế mạnh bộc phát bộc tàn của các phong trào nông dân khác, người trí thức dân tộc ấy tuy có thời đã làm quan rất to nhưng vẫn nhìn thấy được sức chỗi dậy từ lực lượng sóng cuộn của dân manh lệ (người dân cày và hạng tôi tớ - tức là hai hạng người lao khổ nhất trong xã hội nông nghiệp xưa) để sẵn sàng đầu quân với phong trào nghĩa quân của họ.

Đây không phải là một quyết định đơn giản ở một người như Nguyễn Trãi.  Thơ văn ông cho thấy ông quan niệm khá dứt khoát về thái độ chọn lựa này.  Ông đã trải qua những ngày suy ngẫm về thời thế để hiểu ra rằng một vài nhà quý tộc họ Trần không thể níu kéo một tập đoàn quý tộc về chiều (1, tr. 198).  Vượt bỏ não trạng của người mù không sợ cái chết, vượt bỏ được nhãn quan tĩnh tại chỉ “khăng khăng câu nệ và kiến thức hẹp hòi” (1, tr. 157), người trí thức dân tộc mới nhận rõ hướng đi của xã hội là thuộc về lực lượng xã hội trẻ trung sung sức. 

Chính cái nhìn sáng suốt, không cố chấp đã nâng cánh cho nhận thức, giúp ông vượt bỏ được tầm nhìn hạn hẹp của đẳng cấp sĩ phu thời bấy giờ.  Nếu “đại học chi đạo” là ở thân dân thì Nguyễn Trãi đã không lặp lại những giáo điều cứng đọng của Tống Nho, mà phơi phới trong tư duy trong và sáng của dân tộc, của văn hoá phương đông lành mạnh trước khi bị tù hãm trong vòng vây của hệ tư tưởng phong kiến.  Gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi dường như đã thể hiện bằng hành động “thân dân” mà ông gọi là tư tưởng “Nhân Nghĩa”.  Ông cho rằng Nhân Nghĩa là phương châm chỉ đạo kháng chiến, mà cũng là triết lí soi đường cho việc chính sự.  Quần chúng và phong trào nuôi dưỡng và hỗ trợ nhau trong thế trận toàn dân to đẹp nhất lúc bấy giờ mà thế hệ Nguyễn Trãi đã thực hiện được.

Trước đó, khi chưa tham gia nghĩa quân, người trí thức Nguyễn Trãi đã có thái độ đối kháng giặc: không hàng phục, không chịu mua chuộc và nay đây mai đó (đi lẩn tránh hay đi giang hồ vặt? ).  Một số bài thơ của ông có nói đến “giang hồ”, “chân trời góc biển” (1, tr.284, 313, 332).  Cho nên một công trình nghiên cứu về Nguyễn Trãi trước đây có suy đoán rằng ông đã từng đi du lịch khắp nơi, sang đến tận Trung Hoa.  Đấy là những chứng tích về một thái độ, một chọn lựa.  Nay, ông chọn tham gia hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn thì chỉ là tiếp nối một ý chí, một nhận thức, một hành động.  Thời đại đã réo gọi, Nguyễn Trãi cùng thế hệ của ông đã lên đường để trả lời cho những câu hỏi chung và riêng cho mỗi người con đất nước.  Ở đây, cái chung và cái riêng đã hòa quyện vào nhau thật là khắng khít.

Chọn lựa kháng chiến là một hành động có ý nghĩa của một người trí thức lúc bấy giờ - nhất là lại chọn lựa một phong trào nghĩa quân của “tứ phương manh lệ”.  Bởi vì phải có tầm nhìn sáng suốt đến thế nào mới có thể nhận thức được một mầm xanh nhú lên giữa cả một hoàn cảnh tàn tạ nếu ta không quên rằng trí thức thời bấy giờ đã bị “điều kiện hoá” sâu sắc trong tín điều trung quân kiểu Tống Nho.  Bởi vì từ đây ông sẽ phải cởi bỏ nếp sống của tầng lớp nho sĩ quan lại mà mộng tưởng một đời là được nhàn nhã nhởn nhơ đọc sách thánh hiền, tưởng chừng như cuộc sống êm ả thời Nghiêu Thuấn sẽ trở về cùng với việc đọc sách bình văn.  Từ đây, người nho sĩ ấy sẽ bước vào cuộc sống gai lửa, đói rét của người chiến sĩ nghĩa quân.  Tham gia kháng chiến, thế hệ trí thức Nguyễn Trãi chứng thực rằng: người sĩ phu chân chính không thể tách lìa nhịp đập con tim của mình với nhịp đập con tim của xã hội.  Và đó là một chọn lựa sáng suốt nhưng không dễ dàng.

Từ đây, Nguyễn Trãi ra sức cống hiến trí tuệ mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước.  Cống hiến to lớn nhất của ông, ở cương vị một nhà tham mưu chiến lược, là vận dụng sức mạnh của chiến tranh chính trị mà ông gọi là phương lược “mưu phạt nhi tâm công” (mưu việc đánh vào lòng người) (1, tr.80).  Đánh vào lòng người, ấy là cách tiến hành cuộc chiến tranh một cách tiết kiệm nhất mà vẫn đạt hiệu năng cao, và nhất là thể hiện cao nhất tư tưởng thương yêu bảo vệ sinh linh.  Vận dụng sách lược “tâm công” nói cho cùng chỉ là thể hiện cụ thể tư tưởng “nhân nghĩa” mà Nguyễn Trãi thường nhắc đi nhắc lại mãi trong các tác phẩm còn để lại.  Tư tưởng “nhân nghĩa” theo quan điểm của ông có thể tóm gọn vào hai chữ “yên dân”:  “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (Bình Ngô Đại Cáo).  Vì dân mà đuổi giặc, vì dân mà ra sức làm việc nước.  Nói cách khác, việc nhân nghĩa trong thời loạn lạc là kháng chiến trừ bạo; và trong thời bình thì làm việc mưu hạnh phúc cho dân.  Quan niệm như thế thật ra sẽ rất là bình thường nếu đừng dựa theo sách vở Tống Nho, mà hãy quy chiếu vào quan niệm dân gian truyền thống.  Hình ảnh những nhân vật văn học như Thạch Sanh hay Từ Hải chẳng hạn là những biểu tượng của quan niệm dân gian, quan điểm phi Nho.

Trong số thơ văn còn lại có những ý nghĩ thật lạ lùng từ nội dung quan điểm đến thi tứ và văn khí.  Có được một phong cách nhận thức như thế phải là một khối óc và con tim khoẻ mạnh giữa một thời phức tạp.  Có được những quan niệm như thế Nguyễn Trãi sẽ sống quên mình vì nước vì dân, có thể vượt mọi gian khổ, bởi vì sự chịu đựng và vượt thắng hoàn cảnh tất yếu này chính là một thước đo giá trị làm người trong một tình thế thúc bách (1, tr.417).

Kháng chiến thành công, Nguyễn Trãi cũng như bao nhiêu nghĩa sĩ khác, ai cũng mong muốn đem hết sức mình ra xây dựng đất nước và bảo vệ thành quả của cuộc đấu tranh gian lao.  “Nhân Nghĩa” trong thời bình chính là “yên dân” – theo nghĩa rằng phải ra sức xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho dân chúng-.  Công việc xây dựng đất nước quả là một công việc nặng nề, từ việc thiết lập một guồng máy chính quyền đến việc kích thích sản xuất, so ra triều đình nhà Lê đã có những thành tích xứng đáng (4, tr. 59).  Nhưng bên cạnh đó không phải là không có những tệ lậu:  một số tướng sĩ nhiều công lao sinh ra kiêu căng tự mãn, một số khác mê đắm trong địa vị tư dục, đầu óc đa nghi của nhà vua, căn bản tư tưởng Tống Nho, đất nước sau chiến tranh và bóc lột lâu dài đã kiệt quệ nghiêm trọng.  Tất cả những yếu tố tiêu cực vừa kể là những điểm non yếu của thời thế , và sẽ tác động đến con đường kiến thiết và phát triển đất nước.

Những nét tiêu cực của xã hội cũng sẽ cản trở hoài bão “an dân” của Nguyễn Trãi.  Những xâu xé trong nội bộ giới quý tộc mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sống của người dân trong nước.  Điều này sẽ khiến ông suy nghĩ nhiều, và hơn một lần phải đương đầu với nó.  Sách vở kể lại những cuộc đấu tranh giữa Nguyễn Trãi với bọn quan lại bất tài vô tướng và cả nhóm lộng thần trong triều, do Lê Sát cầm đầu, bọn chúng không thể hiểu và chia sẻ quan niệm của Nguyễn Trãi về dân về nước, chẳn hạn quan niệm cho rằng “dân là nước mà vua chỉ là thuyền” (1, tr. 198), rằng làm việc quan là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc” (lo trước cái lo của dân, vui sau niềm vui của dân).  Ngay từ những ngày đầu mới giải phóng, về đến Đông Quan, ông đã liên tiếp thay lời vua Lê mà ra chiếu căn dặn đại thần hết sức chăm lo đời sống cho dân, nhắc nhở các quan phải thường xuyên can gián vua để hạn chế tối đa các sai sót trong việc trị nước.  Bài chiếu cầu hiền của ông là một bằng chứng khác cho thấy quan điểm của ông về vai trò của quần chúng đối với việc nước (1, tr.194-206).  Đó là những việc làm xuất phát từ đáy lòng một trí thức yêu nước thương dân, hết lòng vì hạnh phúc của dân.  Nhưng những lời trung thực như thế không làm vừa lòng bọn lộng thần xiểm nịnh và kiêu xỉ.  chúng chỉ muốn duy trì những kẽ hở vô tổ chức để duy trì đặc quyền đặc lợi mà chúng đã mua bằng giá của bao nhiêu năm kháng chiến gian lao.  Từ đó mà nảy sinh mối xung đột giữa đám quan lại phong kiến hoá và những người trí thức dân tộc thuỷ chung với tư tưởng nhân nghĩa.  Mối xung đột này là tất yếu của tình thế, và chỉ càng ngày càng thêm trầm trọng.  Chính nhà vua cũng dung dưỡng mối mâu thuẫn này để mà giữ yên ngôi vị của mình.  Do vậy mà triều đình nhà Lê những năm đầu phơi rõ những cảnh sát phạt nhau:  bọn lông thần ra sức hại người có công lao nhưng không ăn cánh với chúng, bằng những thủ đoạn chèn ép đê tiện, bằng những lời dèm pha bẩn thỉu.  Có người đã phải chết oan, có người thì phải chìm nổi cay đắng.  Đó là cái giá phải trả của lòng cương trực, của tiết tháo kẻ sĩ trong một thời nhiễu nhương.  Lê Lợi  dù có mắt tinh đời để nhận ra tài năng trác việt của Nguyễn Trãi thì cũng không thoát được bệnh thường tình của những ông vua phong kiến xuất thân võ biền:  nghi kị, chuyên đóan.  Từ đấy mà kéo theo những sự sai lầm khác trong quan hệ vua tôi.

Từ đây lại bắt đầu những ngày trầm tư mới của người trí thức Nguyễn Trãi.  Thơ văn ông không dấu nổi tiếng thở dài.  Tâm trạng ông lúc này giống như Khuất nguyên khi xưa, hoài bão thì lớn mà không thi thố được, tấm lòng thì ngay thẳng mà lại bị kẻ tiểu nhân hãm hại đến nỗi phải gặp cảnh ghẻ lạnh.  Nghĩ đến nguy cơ rối loạn của triều chính nhà Lê, nghĩ đến thân phận dân chúng khổ cực và bị khinh thường, người trí thức Nguyễn Trãi không khỏi đau buồn rơi nước mắt.  thơ chữ Hán của ông ít tiếng cười như có người nhận xét, là chủ yếu thuộc về giai đoạn này.  Tuy nhiên, dù bị khốn đốn về những chuyện không như ý, Nguyễn Trãi vẫn không lơi lỏng nghị lực và lí tưởng của mình.  Ông không bỏ lỡ cơ hội nào xét ra có thể là một dịp làm được việc có ích cho đám “thương sinh” (dân xanh đầu) mà ông rất trân trọng:  mới từ nhà ngục bước rasau khi bị nghi ngờ mưu phản, thế mà ông vẫn điềm nhiên bắt tay vào việc soạn thảo tờ chiếu răn bảo đại thần hãy giữ lòng liêm chính, không được xao lãng việc quan, không được xa hoa hoang phí trên đầu trên cổ dân chúng (1, tr.196).  Bài chiếu cầu hiền ra đời khoảng thời gian này (1, tr. 194).  Phong cách sống tích cực ấy còn nguyên vẹn mãi đến tuổi già:  khi vua Thái Tông cho vời ông ra giúp việc sau bao nhiêu ngày bỏ phế, ông vẫn hăng hái chống gậy ra giúp việc nước, quên đi cái buồn, cái mất mát của riêng ông.

Dù trong hoàn cảnh bị vây chặt trong đám lộng thần nhà Lê, Nguyễn Trãi vẫn tìm ra cơ hội để sống và làm việc theo tư tưởng nhân nghĩa.  Thơ văn ông phản ánh tấm lòng thương yêu bao la dành cho những người cùng khổ mà có khi ông gọi là “thương sinh”, dân “manh lệ”… Ông tâm niệm tấm lòng “lo trước”.  Tình cảm sâu nặng dành cho quần chúng không thể một sớm một chiều mà có được.  Đó là thứ tình cảm tích luỹ từ những năm tháng xa xưa theo bố đi độ nhật bằng nghề thầy đồ (1, tr. 196,204,445).  Tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi xem ra có khác tư tưởng “thân dân” của tiên nho, vì nó xuất phát từ tấm lòng của kẻ sĩ gắn bó với quần chúng chứ không phải là tình thương của bậc thượng trí ở trên cao ban phát xuống cho kẻ thấp cổ bé miệng.

Thuỷ chung với lí tưởng an dân của mình, ông đã nêu cao tấm gương cao khiết cho đời.  Một đời ông, giàu có không làm mờ lương tri, lúc đối đầu với quyền thế lòng vẫn không chịu khuất, lúc nào lòng cũng thênh thang như ông tiên vô cầu.  Hình ảnh tự hoạ của ông trong Quốc Âm Thi Tập (trong loạt bài “Thuật Hứng”, “Bảo Kính Cảnh Giới”, Tự Giới”, “Huấn Nam Tử”) cho ta biết đến một Nguyễn Trãi khắc khổ, bận lòng giữ gìn đạo đức hơn là mưu cầu danh lợi.  Hình ảnh ấy được chứng thực qua lời tán tụng của người đương thời:  “Nhất điều thuỷ lãnh truy tam quán, tứ bích gia bần phú lục kinh” (chỉ lạnh lẽo một dòng nước xuôi dù làm đến quan cao ngất ngưởng, bốn vách xác xơ chỉ thấy sách nghìn pho”  {Nguyễn Mộng Tuân, “Hạ Thừa Chỉ Ức Trai Tân Cư”}.  Tất cả những tính cách của một cuộc đời như thế ấy quyện thành một phong cách cao cả mà người trí thức Nguyễn Trãi đã trao gửi lại cho đời sau.  Phẩm cách ấy thật là đối lập hẳn với tư cách của những con người chỉ biế lấy việc chà đạp lên đầu người khác mà sống.  Bọn người ấy thì nhan nhản trong những thời tao loạn nhiễu nhương cộng thêm sự sa sút băng hoại về giá trị văn hoá (1, tr. 410, 453).

Chìm nội trong chốn quan trường, càng ngày nguyễn Trãi càng trở nên lạc lõng giữa lũ người “ngưu mã” kia.  Có khi ông giấu nổi tiếng thở dài mà cho rằng rồi đến phải theo gương ông ngoại, bởi vì một kẻ sĩ không biết uốn lưng luồn cúi trước bạo lực thì nên rút lui khỏi chốn bụi bặm.  Người trung thực vẫn khó kiếm thay! (1, tr.407).  Kể chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh (tức Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi) mà sao mỗi lời như gủi gấm nỗi niềm riêng:  “Công (tức Băng Hồ tiên sinh) tuy thân gửi suối rừng mà chí thì ở tông xã, tấm lòng ưu ái chưa từng một ngày quên.  Hoặc đi hoặc ở, khi động khi tĩnh, đều là có ý can gián.  Rút cục Nghệ Tông không xét đến.  Do đó họ Hồ uy thế càng thịnh, kẻ xu phụ càng ngày càng nhiều, thế nước càng ngày càng suy, không làm sao được nữa, cái chí lui về hưu của Công mới quyết.” (1, tr.92).  Những câu thơ giai đoạn về già vẽ ra hình ảnh một ông tiên vui với cảnh thôn dã nhưng sao vẫn không dấu nổi mối ưu uất của một người có tấm lòng “vì dân lo trước, dạ khôn nguôi” (1,tr. 335).  Ông lại có những đêm trắng “thức nhẫn nẻo sơ chung”, chỉ vì “còn một tấm lòng âu việc nước” (xem những bài Thuật Hứng in trong 1, tr. 414-419).  Lời ca phóng dật của bài Côn Sơn Ca (1, tr. 375) sao rất đỗi ngậm ngùi.  Xem vậy thì cái nhàn dật trong thơ Nguyễn Trãi chỉ là cái bề ngoài, nó không làm nhẹ lòng người mà chỉ chất chứa dần dà nỗi u buồn của một kẻ sĩ bó tay.  Cái buồn trong thơ Nguyễn Trãi lúc về già là biểu hiện của một bi kịch nội tâm của một người trí thức không đất đứng trong vùng đất cấm mà tập đoàn quan lại xu phụ cùng giới quý tộc nhà Lê đã rào kín lại.  Địa vị, quyền bính chẳng phải để phục vụ cho ai ngoài chuyện vinh thân phì gia.  Bi kịch của Nguyễn Trãi phát sinh từ mâu thuẫn không thể nào giải quyết được giữa tâm hồn cao rộng vì người, với óc đố kị bẩn chật của đám vua quan đương thời.  Mâu thuẫn ấy chỉ chấm dứt khi giới thống trị muốn chấm dứt, như nó đã làm với Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm hoặc là với Cao Bá Quát.

Tại sao Nguyễn Trãi lại phải chết oan nghiệt như thế?

Đấy là sự trả công của vua quan nhà Lê dành cho vị công thần đệ nhất từng lăn lộn với bao nhiêu gian khổ để vỡ hoang cho cơ nghiệp của vương triều.  Cái chết ấy là kết cục phải có dành cho những ai dám đi chệch ra ngoài con đường mà giới cầm quyền muốn dành cho họ.  Nguyễn Trãi sống trung thực với hoài bão “nhân nghĩa” của mình, những nhận thức đành là sáng suốt của người trí thức như thế thật là một chướng ngại cho ý đồ nô dịch kẻ sĩ của giới thống trị phong kiến mà chiếc áo thụng lộng lẫy của hệ tư tưởng giáo điều Tống Nho chính là công cụ văn hoá đã trở thành chính thống của bất cứ triều đại nào ở khung cảnh xã hội nông nghiệp Đông Á.

Nguyễn Trãi có nói nhiều đến trung hiếu trong thơ ông thật đấy, và có lẽ ông vẫn muốn làm một bề tôi trung thành với vua thật đấy, nhưng ông không mê muội vì chữ “trung” để nhắm mắt xuôi tay theo cái xấu.  Chính vì thế mà mâu thuẫn giữa ông và tập đoàn vua quan ở trong triều đã không thể giải quyết được.  Chế độ chính trị thời ấy buộc phải khai trừ ông và những người như ông.  Cho nên, nguồn gốc của bản án tru di kia cũng chính là nguồn gốc của mâu thuẫn giữa tư tưởng Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi với tư tưởng Tống Nho đương thời, giữa phong cách sống thanh liêm trung thực của Nguyễn Trãi với óc tư lợi vị kỉ của những kẻ trong guồng máy nhà nước thời phong kiến.

Nhưng cái chết ấy cũng đánh thức lương tri của những người đời sau.  Chỉ hơn hai mươi năm sau thôi, người ta đã phải nhìn lại con người hào kiệt có tâm hồn sáng như sao Khuê đó.  Chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi cũng chính là thừa nhận tính cách cao đẹp của phong cách và thái độ sống của ông, đồng thời cũng tự thú nhận tính cách thô bạo của cách xử sự trước đó của triều đình vua Lê.  Sự kiện này nổi lên khá rõ cái tâm lí rất đỗi mâu thuẫn của nội bộ tập đoàn phong kiến nhà Lê - nói riêng- và của các triều đại vua chúa -nói chung- ở khắp các xứ nông nghiệp lạc hậu ngày xưa:  giới thống trị rất trân trọng và ghi công những cống hiến của người trí thức nhưng lại e sợ người trí thức trung thực – vốn là những người không chịu phong kiến hoá. 

3

Nguyễn Trãi đã sống no đầy khí phách kẻ sĩ của mình, thời loạn thì hết sức đấu tranh trừ bạo, thời bình thì hết lòng mưu cầu hạnh phúc cho dân.  Cuộc đời ông là một bài thơ lớn – bài thơ Nhân Nghĩa. Tư tưởng nhân nghĩa là ngọn hải đăng soi đường, nên Nguyễn Trãi vào trận là một chiến lược gia xuất sắc, vào triều đường là một nhà chính trị hành khiển việc nước rất liêm chính, và bước vào lĩnh vực văn hoá là một người có trái tim và khối óc hơn người.  Nhưng trước hết, Nguyễn Trãi là một người trí thức với tất cả ý nghĩa đẹp nhất của nó.  Mỗi bước đời của người trí thức là mỗi chọn lựa.  Bằng vào trí tuệ và tình thương, ông phóng tầm mắt vào cuộc cờ xã hội để nhìn ra con đường đi tới, nhờ đó mà ông có được những chọn lựa sáng suốt mà người trí thức phải thường trực đặt ra cho chính mìnhtrước mỗi biến chuyển của cuộc sống.

Hơn cả sự chọn lựa, Nguyễn Trãi còn có những cống hiến:  người trí thức nho sĩ ấy đã vượt bỏ những vòng vây trói của mớ giáo điều Tống Nho.  Hoài bão an dân của ông thật là xa lạ với nhận thức thiển cận của đám vua quan lúc bấy giờ, do đó nó không được thực hiện như mơ ước của ông.  Nói cách khác, Nguyễn Trãi chết vì những kẻ ngu muội đương thời còn đang lẩn quẩn trong ao tù tư tưởng nô dịch của một thời phong kiến.

Nhưng cái chết đã làm Nguyễn Trãi sống mãi với dân tộc, bởi vì ông thắp sáng ngọn lửa truyền thống của sĩ phu trong những tình thế thúc bách.  Ngọn lửa ấy đã truyền tiếp qua bao nhiêu đời, từ những Chu An ngày trước cho đến những Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Châu Trinh… sau này.  Người trí thức dân tộc không bao giờ là những người nhìn xã hội và lịch sử đi qua bằng con mắt lạnh lùng bàng quan.  Tính cách năng động của người trí thức là ở chỗ họ luôn có mặt trên khắp các địa trận của cuộc sống, gắn bó hạnh phúc của đời mình với hạnh phúc của cả và thiên hạ, hoặc –nói như tiên nho- “lo trước điều thiên hạ phải lo”.  Hoà nhịp đập con tim mình với nhịp đập con tim của tổ quốc, người trí thức hôm qua đã làm sáng lên rỡ ràng ngọn lửa truyền thống qua các phong trào, các cuộc vận động xã hội, nối tiếp nhau qua mỗi thời.  Tất cả những phong trào hay những vận động xã hội dù mỗi thời có khác nhau nhưng đều nhằm mưu cầu hạnh phúc của người trong nước.

Bối cảnh đất nước chúng ta từ thế kỉ XV đến nay liên tiếp là một chiến trường xâu xé của những thế lực giáo điều nhị nguyên.  Bắt đầu là cuộc khủng hoảng nội bộ của tập đoàn phong kiến nhà Lê dẫn đến cuộc khủng hoảng tiếp sau đó của chính triều đình phong kiến.  Hơn ba trăm năm tạo loạn thời Trịnh Nguyễn đã nối tiếp con đường khủng hoảng của xã hội Đại việt trước ngã ba đường canh tân và bảo thủ.  Kéo theo sau đó là hệ luỵ của hơn một trăm năm bi thảm khác gồm đủ các trào lưu tư tưởng giáo điều nhị nguyên đã dẫn đến những chủ nghĩa độc quyền khác nhau, mà hậu quả là đất nước tan hoang nhiều mặt:  chính trị thì không dứt được thời kì khủng hoảng, kinh tế thì quẩn quanh trong lạc hậu nghèo nàn, văn hoá thì bế tắc trong ao tù tư tưởng nhị nguyên.

Thời đại hôm nay đang kêu gọi một cuộc lên đường mới về một kỉ nguyên mới.  Thời đại cũng đang réo gọi những người con của tổ quốc.  Trong tình hình như thế, hình ảnh của Nguyễn Trãi có còn là ngôi sao Khuê đưa dắt ta ra khỏi những vũng bùn nhân sinh hôm nay?

Đoàn Xuân Kiên         
1980                     

Tài liệu tham khảo

1          Nguyễn Trãi, Toàn Tập.  Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1976.
2          Viện Văn Học, Thơ Văn Lý Trần, t. III. Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1978.
3.         Viện Văn Học, Mấy Vấn Đề Về Sự nghiệp Và Thơ Văn Nguyễn Trãi. Hà Nội:     Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1963.
4          Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, (bản dịch của Viện Sử Học),t.III. Hà Nội: Nxb.Khoa Học Xã Hội, 1967.
5          Phan Huy Lê& Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội 1976.






















No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...