TÌM
HIỂU CÁCH NÓI PHỦ ĐỊNH
TRONG
“QUỐC
ÂM THI TẬP” CỦA NGUYỄN TRÃI
Đoàn Xuân Kiên
1
Trong tình trạng thư tịch cũ hiện nay, Quốc Âm Thi Tập (QÂTT) là một tác phẩm lớn viết bằng quốc văn của
văn học thành văn những thời kì đầu mà ta còn may mắn giữ được. Lai lịch tác
phẩm khá phức tạp. Văn bản hiện hành chỉ là những bài tập hợp lại non ba
mươi
năm sau khi Nguyễn Trãi bị án tru di. Bản khắc in lần đầu tiên là do Trần Khắc
Kiệm thu thập từ năm 1467 đến năm 1480. Về sau, loạn lạc mấy trăm năm liền, bộ
sách Ức Trai Di Tập (trong đó quyển 7
là Quốc Âm Thi Tập) bị thất truyền.
Mãi đến đời vua Minh Mạng, Tự Đức đời nhà Nguyễn, các nhà nho Nguyễn Năng Tĩnh,
Dương Bá Cung, Ngô Thế Vinh cùng chung sức sưu tập lại và đem khắc in năm 1868.
Thời điểm hai lần sưu tập và khắc in cách nhau 400 năm hẳn là có ý nghĩa về mặt
văn bản học. Thật vậy, ngoài 20 bài trùng hợp với Bạch Vân Quốc Ngữ Thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người nghiên cứu dễ
dàng nhận ra một số bài có cách hành văn, cách dùng từ, cả đến cách cấu tứ nữa,
có vẻ mới, chứng tỏ rằng nếu không vì nhầm lẫn của người sưu tập thì có thể là
có tình trạng: ý thơ là của Nguyễn Trãi nhưng lời văn thì đã bị người đời sau
sửa đổi đi [1] .
Tuy vậy, ở một chừng mực nào đó, QÂTT là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử
tiếng Việt, vì qua nó ta có thể nhận dạng ít nhiều tình trạng tiếng Việt - ít
nữa cũng là tiếng Việt văn học- ở thế kỉ XV.
![]() |
Di cảo Ức Trai khắc in thế kỉ XIX |
Về mặt ngôn ngữ, có thể ghi nhận điều này: cấu trúc ngữ pháp
tiếng Việt văn học trong QÂTT không xa
với tiếng Việt văn học những thời kì sau này, nhất là về mặt cú pháp ( trật tự
các thành phần câu, cấu trúc cụm từ). Ngày nay chúng ta vẫn có thể hiểu được
lời thơ trong QÂTT chứ không phải qua một lần phiên chuyển trung gian. Nói thế
không phải là khẳng định trong tập thơ không có những câu nói “lạ tai”, chẳng
hạn:
1 Chăng đã khôn
ngay khéo đầy (bài 25)
2 Đường thế nào nơi
chẳng thấp cao (b.
47)
Tuy thế, xét về cú pháp, câu 1 là câu khuyến lệnh với một
thành phần vị ngữ; câu 2 là câu tường thuật có đủ hai thành phần chủ ngữ (nào nơi) và vị ngữ (chẳng thấp cao), ở đầu câu có thành phần khởi ngữ (đường thế). Hai câu này đều có cấu trúc
quen thuộc của tiếng Việt. Những câu thơ gọi là khó hiểu như trên chẳng phải do
cấu trúc xa lạ mà phần lớn là ở lối dùng từ cổ của thời Nguyễn Trãi; thảng hoặc
mới có trường hợp đảo vị trí các từ trong câu (như tiếng nào trong câu 2, đáng
lẽ ở vị trí sau từ nơi ). Có nhiều cách nói quen thuộc ở thời Nguyễn Trãi nhưng
trở nên không phổ biến ở thời đại chúng ta nữa; có những từ dùng thông thường
thời trung cổ nhưng đến bây giờ thì hoặc đã rơi mất nghĩa cũ, hoặc đã thay đổi
cách tổ hợp ( âu, nghèo, lệ, miều nay
chỉ còn dùng làm thành tố của từ ghép), thậm chí có khi không còn dùng nữa (mựa, tua, cóc...).
Trong bài này, chúng tôi bàn về một phong cách riêng của
tiếng Việt văn học ở thế kỉ XV: tìm hiểu cách nói phủ định trong tập thơ QÂTT.
2
Để diễn đạt ý phủ định, QÂTT dùng nhiều cách nói khác nhau,
tùy theo tính cách phủ định, tùy theo sắc thái tình cảm người nói trong mỗi ngữ
cảnh khác nhau. Phủ định ngữ pháp được thể hiện qua lối dùng các phó từ phủ
định chăng/chẳng, mựa, chớ,
khôn, chưa/chửa. Bên cạnh đó cũng có lối phủ định tu từ, được thể hiện
qua lối dùng các phó từ nào, kẻo, khỏi,
chi, đâu, ai, mấy, há, nỡ, lọ, sá.
PHỦ ĐỊNH NGỮ PHÁP
Lối nói phủ định trong tiếng Việt được thể hiện qua phương
tiện từ vựng. Các phó từ phủ định là những công cụ ngữ pháp chính. Khi phát
biểu những câu nói phủ định, người nói hoàn toàn phủ nhận một sự kiện, một hành
vi thái độ nào đó. QÂTT dùng khá nhiều phó từ phủ định: trong trường hợp bình
thường, không thể hiện sắc thái tình cảm nào đặc biệt, QÂTT thường dùng từ phủ định chăng/chẳng; khi nói phủ định kèm theo ý
khuyến lệnh thì dùng từ phủ định mựa, chớ;
phủ định một khả năng nào đó thì dùng từ khôn,
chửa, chưa. Ngoài ra còn một vài phó từ phủ định khác như nào, kẻo, khỏi cũng được dùng phổ biến
trong tiếng Việt thời Nguyễn Trãi rồi.
Chăng - chẳng
Phổ biến nhất là lối nói phủ định với Chăng/Chẳng. Theo bản phiên âm Đào Duy Anh thì trong QÂTT lối nói
này xuất hiện 178 lần, gồm có 74 từ chăng
庄
, 104 từ chẳng 拯. Tuy vậy, trong số các tiếng viết
với 拯
có 13 tiếng đọc hẳn là chẳng;
ngược lại có thể nhận ra 14 tiếng viết bằng 拯
nhưng có thể đọc là chăng. Ngoài ra
còn có thể nhặt ra 28 trường hợp hai tiếng chăng/chẳng
có thể đổi lẫn nhau, tùy theo âm luật cho phép, ta đọc theo giọng bằng hay
giọng trắc. Chẳng hạn:
Triều quan chăng/chẳng phải, ẩn chăng/chẳng phải (b. 1)
Thuyền mọn còn chèo, chẳng/chăng khứng đỗ (b. 14)
Trần thế chẳng/chăng cho bén mới hào (b. 52)
Chăng/Chẳng thường
đứng trước động từ và tính từ. Chỉ có một số ít trường hợp đứng trước danh từ.
Nhưng dù trong trường hợp nào đi nữa, ý nghĩa của chăng/chẳng đều có nghĩa là “không”, mang tính phủ định dứt khoát.
Về ý nghĩa và vị trí, hai từ này tương đương với phó từ không trong tiếng Việt
hiện đại.
1 Nào đâu là chẳng
đất nhà quan (b. 17)
2 Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá (b. 28)
3 Lời chăng phải
vuỗn khôn nghe (b. 44)
Trong cả ba câu, danh từ, động từ và tính từ đi sau chăng/chẳng chỉ những sự vật, hành động,
trạng thái bị phủ định: “không phải đất nhà quan”, “không thả cá”, “không
đúng”.
Từ chăng/chẳng
trong QÂTT chỉ là hai biến thể của một từ phủ định mà thôi. Nhưng chỉ hai trăm
năm sau đã có sự phân biệt ranh giới giữa hai từ này: chăng dùng để hỏi trong câu nghi vấn; chẳng dùng để diễn ý “không có gì hết” “chả” trong câu phủ định[2].
Bức thư của Bento Thiện viết năm 1659 có 36 từ chẳng với nghĩa phủ định, và 4 từ chăng dùng để diễn ý hoài nghi trong câu hỏi [3] :
4 Song le chẳng
biết là có ai gưởi cho đến thầy hay chăng.
5 Chẳng biết là tôi
có được gặp Thầy nữa chăng.
6 ...tôi gưởi hai thư cho, chẳng biết là có đến cùng chăng.
7 Chẳng biết có ai
đến đấy chăng mà gưởi.
Cả bốn từ chăng
trong bức thư trên đều là tiếng cuối câu hỏi tự vấn, nhưng câu hỏi dưới đây rút
ra từ một tài liệu in năm 1631 rõ ràng là một câu hỏi đối thoại [4] :
8 Con
gno muan bau tlom laom Hoalaom chiam
?
(Con
nhỏ muốn vào trong lòng Hòa Lan chăng
?)
Sự phân biệt chăng
(phó từ nghi vấn) và chẳng (phó từ
phủ định) như thế đã xảy ra sau thời Nguyễn Trãi, và chậm lắm là đến thế kỉ
XVII thì ổn định cho đến nay. Về ý nghĩa, mức độ dứt khoát của từ chẳng trong QÂTT và trong bức thư của Bento Thiện
đều như nhau, và tương đương với không
của tiếng Việt hiện đại. Nhưng chẳng
trong tiếng Việt hiện đại có ý nghĩa dứt khoát triệt để hơn cả các phó từ phủ
định khác.
Trong QÂTT còn một hiện tượng đặc biệt là chăng/chẳng kết hợp với đã và thà thành
một cụm từ cố định: chẳng đã (xuất
hiện 5 lần) có nghĩa là “không ngoài”, và chăng
thà (xuất hiện 1 lần) nghĩa là“không thèm”:
9 Chăng đã khôn
ngay khéo đầy (b. 25)
10 Áo người vô nghĩa mặc chăng
thà (b. 39)
Câu 9 được hiểu là “[Cái gì cũng] không ngoài chuyện khôn
ngoan thật thà và sự khéo léo một cách phúc hậu”. Câu 10: “Không thèm mặc áo
của người bất nghĩa”. Ngày nay, hai cụm từ trên không còn ý nghĩa và cách dùng
như trong QÂTT nữa: “chăng đã” nay kết hợp trong cụm từ cực chẳng đã nghĩa là “không thể đừng”, còn “chăng thà” đã chuyển
thành thà/chẳng thà cũng với ý nghĩa
nhấn mạnh vào một hành vi chọn lựa biểu thị ở nhóm từ đứng sau nó:
11 Chẳng thà chịu vất
vả còn hơn ăn bám người khác
Phó từ phủ định không
trong tiếng Việt hiện đại đã thay thế vai trò của các phó từ phủ định chăng/chẳng. Trong tình hình văn liệu lưu
trữ tại thư viện Ban Ngôn Ngữ VKHXH thành phố HCM đầu những năm 1980 thì có thể
là phó từ không xuất hiện lần đầu
tiên trong một văn bản do giáo sĩ Majorica chủ biên, hoàn tất vào năm 1680,
nhan đề là Các thánh truyện. Câu ấy
như sau:
Ai
nghe truyện này, chưa xem sự trước, không
phải xem sự sau với.
Như vậy có thể là phó từ phủ định không xuất hiện trong tiếng Việt muộn lắm là từ thế kỉ XVII [5].
Bảng 1 dưới đây dùng dữ kiện ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học cổ từ thế kỉ
XV (Quốc Âm Thi Tập [QÂTT] của Nguyễn
Trãi và Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập
[HĐQÂTT] đời Lê Thánh tông), thế kỉ XVI (Bạch
Vân Quốc Ngữ Thi [BVQNT] của Nguyễn Bỉnh Khiêm), thế kỉ XVII (Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa [CNNÂGN] của
Hương Chân Pháp Tính, 17 văn bản các sách truyện viết bằng chữ quốc ngữ và chữ
nôm cuả Bento Thiện, Văn Tín, và Majorica [Majorica] [6], bản
dịch nôm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân
trọng kinh [PMÂTK] [7]), thế
kỉ XVIII (Inê tử đạo vãn [ITĐV], Truyện Ỷ Lan [YL]) , Truyện Song Tinh [8] của
Nguyễn Hữu Hào [ST], Cung Oán Ngâm Khúc
của Nguyễn Gia Thiều [CONK], đến thế kỉ XIX (Đoạn Trường Tân Thanh [ĐTTT] của Nguyễn Du), cho thấy xu hướng giảm
tần số sử dụng của chăng/chẳng song
songvới sự gia tăng tần số sử dụng của phó từ không trong các tác phẩm văn học qua các thời kì từ thế kỉ XV đến
thế kỉ XIX:

Mựa - Chớ
Để diễn tả
ý phủ định trong câu khuyến lệnh, ngoài cụm từ chăng thà nói ở trên, QÂTT thường dùng phó từ mựa (33 lần) và chớ (34
lần). Sắc thái ngữ nghĩa của hai từ này đều giống nhau, cùng có tính cách dứt
khoát mạnh và nhất là có tính cách khuyên bảo và ra lệnh:
1 Mựa cậy sang, mựa cậy tài (b. 91)
2 Bất nghĩa lòng nào mựa
nỡ toan (b. 144)
3 Thấy có ai han chớ đãi
đằng (b. 23)
4 Chớ người trọc
trọc, chớ ta thanh (b. 156)
Cả bốn câu trên đều có ý khuyên bảo nên tránh những hành vi,
những thái độ xấu. Câu 1 nghĩa là “đừng cậy mình giàu, đừng ỷ mình có tài”, có
ý khuyên rằng hãy cư xử khiêm tốn; câu 2 khuyên đừng toan tính làm điều bất
nghĩa; câu 3 khuyên không nên hớn hở xuôi lòng khi được hỏi han đến; câu 4
khuyên không nên hợm mình. Ý khuyên răn hiện rõ qua cách nói phủ định với phó
từ mựa và chớ.
Mựa và chớ là hai từ phủ định phổ thông trong
tiếng Việt thời trung cổ. Trong bài phú Cư
trần lạc đạo (khoảng thế kỉ XIII - XVI), Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (trong khoảng thế kỉ XV-XVII), và Bạch Vân quốc ngữ thi (thế kỉ XVI) đều
dùng phó từ mựa:
5 Chìn tính sáng, mựa lạc
tà đạo (CTLĐ)
6 Mựa cười rằng mất
nết thì quê (CNNÂGN)
7 Mựa chê người
vắn, cậy ta dài (BVQNT)
Đến thế kỉ XVIII thì lối dùng mưạ đã giảm nhiều. Truyện Ỷ
Lan chỉ ghi được 1 trường hợp dùng phó từ phủ định này:
8 Tam tòng tứ đức tóc tơ mưạ
lầm (YL)
Từ điển A.de Rhodes (th. k. XVII), J.M. Génibrel, Huình Tịnh
Của (th.k. XIX), Khai Trí Tiến Đức, G. Hué (th.k. XX) đều có ghi từ mựa. Nhưng đến các từ điển tiếng Việt ra
đời giữa thế kỉ XX từ này đã thành một từ cổ. Trừ một số những địa phương thuộc
Bình-Trị-Thiên, ngày nay ta không còn nói mựa
nữa mà chỉ còn dùng chớ với nghĩa phủ
định khuyến lệnh như trong QÂTT. Về sau này, tiếng Việt có xu hướng dùng đừng làm phó từ phủ định khuyến lệnh. Bảng kê dưới đây cho thấy tần số
sử dụng các từ phủ định Mựa - Chớ -Đừng trong các tác phẩm văn học cổ như ở bảng 1
trên đây:

Khôn - Chửa/Chưa
Cuối cùng, nhóm phó từ phủ định Khôn - Chửa/Chưa cũng có tính dứt khoát. Nhóm này có những nét
nghĩa khác các nhóm trên ở chỗ là chúng diễn đạt ý phủ nhận một khả năng nào
đó. QÂTT dùng khôn (20 lần) với ý
nghĩa là “không thể”, hoặc “khó có thể”:
1 Ao
bởi hẹp hòi khôn thả cá (b. 1)
2 Lưng khôn uốn lộc nên từ (b.
36)
3 Lòng xuân nhẫn động ắt khôn gìn (b. 201)
Trong hai
câu đầu, khôn phải hiểu là “không
thể”; khôn trong câu 3 hiểu là “khó
có thể”. Ý phủ định trong cả ba câu đều dứt khoát, rõ ràng.
Từ phủ định
khôn khá phổ biến trong tiếng Việt
suốt từ thời trung cổ đến thời cận đại. các tác phẩm nôm từ thế kỉ XVI ( Bach Vân Quốc Ngữ Thi) sang thế kỉ XVII
(như là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa)
đến thế kỉ XIX ( chẳng hạn Đoạn Trường
Tân Thanh của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc
[CPNDÂTK] của Phan Huy Ích) đều có từ này với ý nghĩa là “không dễ”, “không
thể”:
4 Cây cao ngần ngật thế khôn rung (BVQNT)
5 Người thiểu học khôn biết, khôn xem (CNNÂGN)
6 Giọt châu lã chã khôn cầm (ĐTTT)
7 Bộ khôn
bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền (CPNDÂTK)
Ngày nay, khôn không còn dùng trong câu nói phủ
định nữa.
Chưa/Chửa (xuất hiện 27 lần) chỉ khái niệm phủ định dứt
khoát, nhưng khác với chăng/chẳng, nó
muốn nhấn mạnh đến một khả năng nào đó không có thực trong lúc nói nhưng có thể
sẽ xảy ra về sau; nghĩa này của chưa/chửa
diễn đạt khái niệm ngược với của phó từ đã:
1 Nợ quân thân chưa báo được (b. 12)
2 Tơ hào chưa báo hẵng còn âu (b. 30)
3 Hầu đi lại chửa biết đường (b. 100)
Ở thời điểm
người nói phát biểu ba câu trên, ba sự kiện đi sau phó từ chưa/chửa (báo đáp nợ quân thân, báo ơn quân thân, biết đường đi)
đều không xảy ra . Ý nghĩa phủ định của câu nói rõ ràng là dứt khoát.
Cần phân
biệt là trong Quốc Âm Thi Tập có nhóm từ chưa dễ (xuất hiện 3 lần) mang ý nghĩa là “không chắc”, “không
hẳn”, tức là một khái niệm hoài nghi, không chắc chắn:
4 Chưa
dễ bằng ai đắn mấy đo (b.20)
5 Xuân xanh chưa dễ hai phen lại (b.
201)
6 Chưa
dễ ai đà ba bảy mươi (b.
203)
Một chi
tiết đáng chú ý nữa là trong QÂTT không có chưa/chửa
dùng làm phó từ nghi vấn [10]
.
PHỦ ĐỊNH TU TỪ
Ngoài các
nhóm phó từ phủ định trên đây, QÂTT còn một số những phó từ phủ định khác dùng
trong những tình huống không dứt khoát, khi một phát biểu còn chen lẫn ý hoài
nghi, phân vân. Những câu phủ định không triệt để này thường thể hiện dưới dạng
một câu hỏi, hay một câu tán thán. Những câu hỏi loại này thường không phải là
những câu hỏi đối thoại mà chỉ là những câu hỏi tự vấn, hoặc câu hỏi tu từ [11]
. QÂTT sử dụng khá nhiều cách nói phủ định này bằng các phó từ nào, kẻo, khỏi, chi, đâu, ai, mấy, há, lọ,
nỡ, sá. Dựa trên sắc thái ngữ nghĩa của các từ này, chúng ta có thể tạm xếp
các từ phủ định trên vào hai nhóm: nhóm các từ
nào, kẻo, khỏi, chi, đâu, ai, mấy,
và nhóm các từ há, lọ, nỡ, sá.
Một điều
khá dễ thấy là: các phó từ dùng để diễn ý phủ định trong trường hợp này đều
không hoàn toàn là những phó từ phủ định thuần túy. Chúng được dùng trong những
ngữ cảnh nhất định, và sắc thái phủ định không phải là dứt khoát hay đơn thuần.
Với tính cách những công cụ ngữ pháp, những phó từ này thường có hơn một vai
trò. Phó từ ai chẳng hạn là đại từ
phiếm chỉ, nhưng cũng đóng vai trò phó từ phủ định trong những ngữ cảnh nhất
định. Trong bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu vai trò phó từ phủ định của các từ
nói trên. Lẽ tất nhiên là chúng tôi chỉ giới hạn việc phân tích ở trong phạm vi
ngữ nghĩa và tu từ là chính.
Nào
QÂTT còn
dùng nào (45 lần) để diễn ý phủ định.
Có 5 lần nào đứng phía sau bộ phận
cần phủ định:
1 Đòi thì vậy, dễ hơn nào
(b. 89)
2 Bất nghĩa lòng nào mựa nỡ toan (b. 144)
Còn lại là
40 lần phó từ phủ định nào đặt trước
danh từ hay động từ chỉ sự vật hay sự việc cần phủ định:
3 Bằng tôi nào thuở ích chưng dân
(b. 37)
4 Quan cao nào đến dáng người ngây (b.
137)
Nhưng dù
đứng trước hay sau, nào vẫn có thể hiểu là “không”. Mức độ ý nghĩa dứt khoát
của nào cũng tương đương như chăng,
nhưng nó còn thêm một sắc thái ngữ nghĩa khác: khi diễn ý phủ định với phó từ nào, người nói không tỏ ra là kẻ phán
quyết mà chỉ khiêm tốn phát biểu ý kiến như để phân trần, thuyết phục mà thôi;
dù vậy vẫn không thiếu tính xác quyết. Như vậy, câu 3 hiểu là “như tôi đây
không có ích gì cho dân cả”, và câu 4: “không có kẻ ngây dại nào mà làm quan to
được cả”.
Về sau,
chậm lắm là đến thế kỉ XVII, nào có khuynh hướng phát triển thành một phó
từ nghi vấn cùng tồn tại song song với
phó từ phủ định. Nhưng nào phủ định
sau này không có ý nghĩa dứt khoát như trong QÂTT, mà thường chen lẫn ý nghi vấn,
nên có nhà nghiên cứu xem đây là một phó từ thêm ý chủ quan [12]:
5 Nào
thày ? (A. de Rhodes)
6 Nào
ai có biết nỗi này chăng ? (Lâm Tuyền Kỳ Ngộ)
7 Nào
người phượng chạ loan chung ? (Kiều)
8 Đứa nào vu oan cho mày, hử ?
(Học Phi)
9 Việc quan nào phải việc trẻ con ? (Nguyễn
Công Hoan)
10 Nào
ai đã hỏi vào lúc nào được ? (Ngô Tất
Tố)
Trong sáu
câu trên, nào đều có ý hoài nghi, và
các câu nói có nào là các câu hỏi. Ở hai câu 9 và 10, nào còn có nét nghĩa phủ định như đã từng có trong QÂTT, nhưng ý
thiếu dứt khoát mà xen lẫn ý hoài nghi ít nhiều nên ý phủ định được che đậy
dưới hình thức câu nghi vấn-phủ định. Câu 10 chứng thực rằng nào trong tiếng Việt hiện đại cùng tồn
tại song song hai cách dùng: vừa để hỏi (nào
thứ hai), vừa dùng để diễn ý hoài nghi-phủ định (nào thứ nhất).
Kẻo - Khỏi
Trong QÂTT
còn có hai từ mang nét nghĩa phủ định, là kẻo
và khỏi. Trước hết, kẻo xuất hiện 7 lần, biểu thị khái niệm
về sự chấm dứt một tình trạng bị động, và như vậy nó có nghĩa là “thoát khỏi”,
“không (bị)”:
1 Dưỡng người cho kẻo nhọc chân tay (b. 146)
2 Hay đỗ hay đừng mới kẻo âu (b. 153)
3 Khỏi quyền đã kẻo lụy chưng danh (b. 156)
Mô hình ngữ
nghĩa của cả ba câu trên là: “ hành động a --- kẻo (không bị) --- hành động b”. Câu 1 có nghĩa là “người ta được
giáo hoá giỏi thì không phải nhọc nhằn tấm thân”. Câu 2: “Biết lúc nào nên đứng
lại thì không phải lo âu”. Câu 3: “ Ra khỏi chỗ quan quyền thì không bị lụy vì
cái danh”.
Khỏi (3 lần) chỉ khái niệm phủ định về một điều
kiện, và có nghĩa là “không” “hết”:
1 Nếu khỏi tiểu nhân, quân tử nhọc (b.
133) [13]
2 Chúa ràn nẻo khỏi tan con nghé (b.
150)
3 Khỏi
quyền đã kẻo lụy chưng dân (b.
156)
Câu 1 có
nghĩa là: “Nếu không có người thấp kém thì kẻ cao sang sẽ phải mệt”. Câu 2:
“Người chăn dắt biết rào dậu thì nghé không phải xa đàn”. Câu 3: “Hết ở chỗ
quyền thế thì không bị lụy vì danh”.
Cách dùng
phó từ khỏi trong QÂTT không khác mấy
với tiếng Việt hiện đại. So sánh câu dưới đây:
4 Thư gửi về toà soạn khỏi dán tem.
Chi/Gì - Đâu - Ai - Mấy
Chi/Gì được
dùng 40 lần với ý nghĩa là “không”, và thường đi sau động từ:
1
Áo mặc nài chi gấm là ! (b. 4)
2 Bền tiết ngọc kể chi sương ! (b. 217)
Ngữ điệu
của hai câu trên có thể phát triển theo hướng câu hỏi hay câu tán thán, nhưng
về mặt ngữ nghĩa thì chi/gì ở cả hai
câu hỏi đều hiểu là “không + (động từ) + chi/gì”. Như thế, câu 1 hiểu là: “Áo
mặc không đòi hỏi chi gấm vóc lụa là”. Câu 2: “Giữ chắc danh tiết của mình,
không kể chi sương tuyết”. Điều đáng chú ý là ở đây, ý phủ định không trực tiếp
như khi nói chăng hay khôn, bởi vì khi nói câu phủ định với chi, người nói không hề có ý xác quyết
lập trường, hoặc là lưỡng lự, phân vân, hoặc nữa cũng là làm ra vẻ khiêm cung,
làm cho nhẹ lời phủ quyết. Chính ở khía cạnh này mà các câu phủ định có phó từ chi có thể xem là những câu hỏi:
3 Ẩn cả lọ chi thành thị nữa (b.
17)
4 Ở thế tin gì miệng đãi bôi (b.
106)
Ý nghĩa cả
hai câu là muốn tỏ thái độ phủ nhận cả hai sự kiện (không kể gì thành thị,
không tin tưởng gì nơi miệng lưỡi đãi bôi), nhưng lối diễn đạt lại không dõng
dạc đanh thép mà chỉ nhẹ nhàng như không có ý muốn thuyết phục người nghe.
QÂTT dùng
12 lần phó từ đâu với ý nghĩa phủ
định lồng trong câu hỏi tu từ [14]:
1 Nào
đâu là chẳng đất Đường Nghiêu ? (b.24)
2 Lồng
lộng trời tư chút đâu ? (b.40)
3 Qua
ngày tháng lấy đâu nhiều ? (b. 67)
4 Nghiệp
Lưu Quí thịnh đâu truyền báu? (b. 130)
5 Ngày
khác hay đâu còn việc khác ? (b. 189)
Trong cả
năm câu đâu đều có nghĩa là “không có...đâu”. Câu 1 chẳng hạn có nghĩa là:
“Không có nơi nào không là đất Đường Nghiêu”. Câu 4: “ Cơ đồ của Lưu Quí không
có truyền lại ngôi cho con cháu”. Vị trí của đâu có khi là ở trước động từ (câu 4), nhưng thường khi đặt sau các tiếng muốn phủ định.
Ai
Trong QÂTT
có hai từ ai: một là từ phiếm chỉ,
một là từ phủ định. Từ ai thứ nhất (16 lần) có nghĩa là “người
nào đó”, “mọi người”.
1 ai thì lại làm nuôi miệng (b. 149)
Từ ai thứ nhì là một từ phủ định (18 lần),
có nghĩa là “không có ai”.
2 Giữ khăng khăng ai nỡ phụ ? (b. 87)
3
Phong nguyệt dầu ta ai kẻ đoán ! (b. 114)
4 Bằng rồng nọ ai phen kịp ! (b.
180)
5 Quân tử ai chẳng mắng danh ? (b.221)
Câu 2 hiểu
là: “[Nếu] bền lòng gìn giữ thì không ai nỡ phụ”. Câu 3: “Ta hưởng thú gió
trăng thỏa chí, không ai biết được”. Câu 4: “Nuôi chí lớn như rồng thì không ai
theo kịp”. Câu 5: “Không ai là không biết tiếng người quân tử”.
Từ mấy
trong QÂTT có khi là lượng từ (7 lần), có khi là giới từ (4 lần). Để diễn ý phủ
định, QÂTT cũng dùng lối nói với từ mấy
( 3 lần).
1 Mấy
kẻ công danh nhàn lẵng đẵng (b.
121)
2 Thức xuân kể được mấy phen tươi (b.
203)
3 Đống lương tài có mấy bằng mày (b.
219)
Trong cả
bốn câu, mấy có nghĩa là “không bao
nhiêu”. Câu 1 nghĩa là: “Không có bao nhiêu kẻ đeo đuổi công danh mà được nhàn
nhã”. Câu 2: “Kể về vẻ Xuân tươi đẹp thì không có mấy”. Câu 3: “Không mấy người
có tài cán như mày”.
Há
QÂTT còn
dùng các từ há, lọ, nỡ, sá để diễn ý
phủ định tu từ. Há xuất hiện 16 lần,
đều có nét nghĩa là “không” nhưng được che giấu dưới hình thức một câu hỏi.
1 Bụt ấy là lòng bụt há cầu ! (b.
30)
2 Nguyệt xuyên há dễ thấu lòng trúc! (b.
49)
3 Há
chẳng biến dời cùng thế thái! (b.
96)
4 Khí dương hoà há có tư ai ! (b.
230)
Các từ điển
đều không xem há là phó từ phủ định,
nhưng đều phải dùng khái niệm phủ định để giải nghĩa từ ghép với Há. J.M. Génibrel giải nghĩa là “À Dieu
ne plaise que. Comment ?”. Từ điển Huình Tịnh Của giải nghĩa Há là “lẽ đâu”, “có lẽ nào”. Nhưng khi
giải nghĩa các từ ghép với Há, ông
phải dùng đến khái niệm phủ định: “Há dễ:
đâu dễ - Há dám: đâu dám -Há nỡ: đâu nỡ, đâu không, đâu đành”. Đến
quyển từ điển mới nhất cũng không làm sáng tỏ hơn việc giải nghĩa từ Há này: “Há (cũ): Từ biểu thị ý như muốn hỏi, nhưng thật ra là để khẳng định
rằng không có lẽ nào lại như thế.” [15]
. Những định nghĩa trên đây dù cách này hay cách khác, đều thừa nhận nét nghĩa
phủ định của phó từ Há trong một số
ngữ cảnh nhất định. Và những ngữ cảnh đó có trong QÂTT. Câu 1 nghĩa là: “Bụt ở
trong lòng ta chứ không thể cầu mà thấy được”. Câu 2: “ Trăng chiếu không soi
tới lòng cây trúc”. Câu 3: “Không lẽ không biến dời theo thế thái”. Câu 4: “Khí
lành không có tư vị ai”.
Nỡ
Nỡ xuất hiện 11
lần trong QATT.
1 Giữ
khăng khăng ai nỡ phụ ! (b.87)
2 Quê cũ chẳng về nỡ để hoang ! (b.
117)
3 Người kia phú quí nỡ quên lòng ! (b. 178)
4 Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc ? (b.
202)
Từ điển
giải nghĩa Nỡ là “yên vậy”, “chịu
vậy”, “đành vậy” (HTCủa, Sđd, T.II, tr. 152). Génibrel giải nghĩa là
“permettre, tolérer” (Génibrel, Sđd, tr. 500). Từ điển Viện Ngôn Ngữ thì giải
nghĩa là “ Nỡ: (thường dùng có kèm ý phủ định) Bằng lòng làm cái việc biết rằng
người có tình cảm không thể làm” (VNN, Sđd, tr. 769). Nhưng hiểu như thế thì
không thể giải nghĩa được câu thơ Nguyễn Trãi. Câu 4 chẳng hạn, ý tác giả muốn
phủ định việc người trẻ tuổi cười chế giễu người đầu bạc, chứ không có ý bằng
lòng (tolérer) thái độ như vậy. Khi Paul Schneider cắt nghĩa câu thơ này của
Nguyễn Trãi là “Que les cheveux noirs ne rien pas des cheveux blancs !”, chính là ông đã nhận
ra nét nghĩa phủ định của Nỡ. Những
câu trên có thể giải nghĩa như sau: (1) Bền lòng giữ (đạo) thì không ai bỏ quên
mình; (2) Không về quê cũ đành để đất hoang hóa; (3) Người kia phú quí không
đành lòng quên; (4) Tuổi trẻ không dám cười nhạo kẻ tóc trắng.
Lọ
Lọ xuất hiện trong QÂTT 17 lần, tất cả đều mang
nét nghĩa là “không cần”, “không kể gì”.
1 Lọ
phải chon chăn đến cửa quyền (b. 53)
2 Cảnh thanh lọ ước cảnh non Bồng (b.
62)
3 Lọ chi tiên bụt
nhọc tầm phương (b. 82)
4 Người
xưa ẩn cả lọ lâm tuyền (b.
103)
Huình Tịnh Của giải nghĩa “Lựa là: nào phải, can chi phải” (Huình Tịnh Của, Sđd, T. I, tr.
593). Génibrel cũng hiểu tương tự: “ Lọ
= Lựa là: À quoi bon, Pourquoi.”
(Génibrel, Sđd, tr. 405 và 426.) Từ điển Viện Ngôn Ngữ : “ Lọ: (cũ) 1. Huống nữa, huống chi. 2. Cần gì, chẳng cần gì.” (Viện
Ngôn Ngữ, Sđd, tr. 597). Giải nghĩa như thế thì mặc nhiên các tác giả đều thừa
nhận nét nghĩa phủ định của lọ, bởi
vì các câu nói dùng phó từ lọ đều
không phải là những câu nghi vấn mà chỉ là những câu phủ định tu từ mà thôi. Vả
chăng, cũng như nỡ, từ lọ thường đi kèm phó từ phủ định (chăng, chẳng) để làm gia tăng ý phủ
định. Các câu thơ Nguyễn Trãi ghi trên sẽ hiểu như sau:
(1) Chẳng cần phải chen chúc đến cửa
quyền;
(2) Cảnh trí thanh tú thế này thì chẳng cần mơ gì cảnh non Bồng nữa;
(3) Chẳng cần chi tiên với phật mà phải đi tìm cho mệt;
(4) Những ẩn sĩ cao đạo
ngày xưa chẳng cần gì cảnh lâm tuyền.
Sá
Sá xuất hiện trong
QÂTT khá nhiều lần, với những nghĩa khác nhau. Sá 1 có nghĩa là “nên, lấy làm trọng”:
Sá lánh thân nhàn thuở việc rồi (b.
2). Sá 2 có nghĩa là “hãy, đành”:
Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo (b.
32). Cuối cùng còn một chữ Sá 3 mang nét nghĩa phủ định, có nghĩa
là “sao lại”, “không nên”:
1 Sá
tiếc mình chơi đóa thủy vân (b.
29)
2 Sá
để thuyền cho nguyệt chở nhờ (b.
108)
3 Sá
mựa cho ai quẩy đến bên (b. 193)
Câu 1 nghĩa
là “Không nên tiếc mình mà chơi sông nước, mây trời”. Câu 2: “Không nên để
thuyền cho trăng chở hộ”. Câu 3: “Chớ để ai đem đến gần”.
Sá trong từ điển Huình Tịnh Của thấy có: “Bao sá: chẳng kể chi” (Sđd,
T.II, tr. 276). Génibrel cũng giải nghĩa tương tự: “ Sá: 1. Estimer grandement.- Sá bao: Quelle estime faire de? Quel cas
faire de ? À quoi bon? Faire peu de cas; Et qu’importe... Ne compter pour rien;
Estimer fort peu; Se mettre peu en peine de.” (Sđd, tr. 677). Từ điển Viện Ngôn
Ngữ: “Sá 1: (cũ; dùng có kèm ý phủ
định, hạn chế trong một số tổ hợp). Kể đến. Sá gì gian lao. Sá chi. Sá nào. 2:
(cũ; dùng phụ trước động từ, trong một số tổ hợp). Từ biểu thị ý phủ định dứt
khoát, nghĩa như đâu. Sá kể. Sá quản.
(Sđd, tr. 872). Định nghĩa 2 của Viện Ngôn Ngữ tỏ ra không nắm được nét nghĩa
và cách sử dụng của từ cổ này.
Trên đây là
những trường hợp phủ định được ghi nhận trong QÂTT. Những câu phủ định đó hoặc
được viết ra dưới dạng một câu có phó từ phủ định, hoặc một câu hỏi hay câu tán
thán có dùng các từ không hoàn toàn là phó từ phủ định nhưng vẫn mang nét nghĩa
phủ định. Về mặt ngữ pháp, các câu có dùng phó từ phủ định là những câu phủ
định có tính cách dứt khoát; các câu phủ định tu từ ngược lại thường kém tính
dứt khoát nếu không có kết hợp với một phó từ phủ định trong câu nói.
PHỦ ĐỊNH KÉP
Trong QÂTT
có một số tình huống dùng hình thức phủ định kép để diễn tả ý khẳng định. Đây
là những trường hợp dùng hai phó từ phủ định. Cần phân biệt hai cách tổ hợp
khác nhau và sẽ dẫn đến hai ý nghĩa khác nhau: (1) nếu hai phó từ phủ định cùng
tổ hợp với nhau thì ý nghĩa câu nói là sự khẳng định về một khẳng định; (2) nếu
một phó từ phủ định tổ hợp với một phó từ mang nét nghĩa phủ định tu từ thì ý
nghĩa câu nói là sự khẳng định về một phủ định.
1. Trước hết là những câu khẳng định về một khẳng định:
1 Có chẳng
có tài dùng chẳng đến (b. 137)
2 Phu phụ đạo thường chăng được chớ (b. 190)
3 Đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi (b. 196)
4 Nào
chốn nào chăng gió xuân (b. 211)
Câu 1 có
nghĩa là: “[Xưa nay] không ai có tài mà không được dùng đến”, tức là có ý khẳng
định rằng hễ có tài thì có chỗ dùng. Câu 2 có nghĩa là: “Đạo vợ chồng không
được không nhớ”, hay nói cách khác, đạo vợ chồng là việc cần phải nhớ thường
xuyên. Câu 3 khẳng định về một sự vật/hiện tượng đi kèm sau nào và chẳng: không
có hoa nào mà chẳng tốt tươi, nghĩa là mọi thứ hoa đều tươi tốt cả. Câu 4 khẳng
định một hiện tượng thiên nhiên khác: không có nơi nào không có gió xuân.
Dùng hai
phó từ phủ định trong một phát biểu ngôn ngữ là một biện pháp thông thường
trong mọi ngôn ngữ chứ chẳng riêng gì trong tiếng Việt, vì đây là một kiểu phán
đoán trong luận lí ngôn ngữ mà thôi: phủ định của phủ định là một khẳng định.
2. Khác với trường hợp trên, khi QÂTT dùng một phó từ phủ định tổ hợp với
một phó từ mang nét nghĩa phủ định, thì ý nghĩa câu nói lại là một khẳng định
về phủ định:
1 Thế gian đường hiểm há chăng hay? (b. 112)
2 Bất nghĩa lòng nào mựa nỡ toan ! (b. 144)
3 Của ấy nào ai từng được chầy ? (b.
171)
4 Tiết lành mựa nỡ để cho qua (b.
189)
5
Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon (b.
192)
6 Sá mựa cho ai quẩy đến bên (b. 193)
7 Trung cần há nỡ trễ cân xưng (b.
188)
8 Nâng niu ai nỡ để tay không ? (b.
253)
Các câu 1,
2, 3, 4, 5 và 6 dùng hai từ phủ định, một là phó từ phủ định (chăng, mựa, nào), còn từ kia là một phó
từ mang nét nghĩa phủ định (há, nỡ, ai).
Ý nghĩa phủ định sẽ mang thêm sắc thái của nét nghĩa của từ phủ định thứ nhì.
Câu 1 có nghĩa là: “ Đường đời nguy hiểm, không lẽ lại không biết hay sao ?”.
Câu 2 hiểu là: “ Không có bụng dạ nào mà đành đoạn làm chuyện bất nghĩa”. Câu
3: “ Của cải ấy không có ai mà giữ được bền lâu”. Câu 4: “Chớ đnh lòng bỏ lỡ
tiết lành”. Câu 5: “Cơm ăn không nề hà gì phải kén chọn thức ngon”. Câu 6: “Chớ
đành lòng để cho ai đem lại bên mình”.
Câu 7 và 8
kết hợp hai phó từ mang nét nghĩa phủ định. Sắc thái ngữ nghĩa của cả hai từ
phủ định này sẽ làm nên đặc sắc của câu nói. Câu 7 hiểu là: “Đạo trung cần
không thể đành trễ nải phép công bằng”. Câu 8: “[Khi thái cầu đến tay] ai cũng
nâng niu chứ không đành tâm để tay không”.
Ngày nay,
tiếng Việt đã thay đổi vài từ phủ định, nhưng cách nói phủ định kép mang sắc
thái tình cảm vẫn được duy trì.
9 Ai
chẳng biết chán đời là phải
Nhưng vội gì đã mải lên
tiên ! (Nguyễn Khuyến -
thk.XIX)
10 Nào ai đã hỏi vào lúc nào được ! (Ngô Tất Tố - thk. XX)
3
Tóm lại, tiếng Việt ở thế kỉ XV -qua tác phẩm QÂTT- sử dụng
nhiều biện pháp diễn đạt ý phủ định, tùy theo tình huống và ngữ cảnh khác nhau.
Về mức độ phủ định, các từ phủ định khác nhau sẽ mang nét nghĩa riêng của
chúng. Các phó từ phủ định chăng/chẳng,
khôn được dùng trong những ngữ cảnh thông thường; khi có ý muốn khuyến
lệnh, ngăn cấm, thì dùng mựa, chớ; từ
chưa được dùng trong trường hợp muốn
phủ nhận một khả năng nào đó. Trong rất nhiều trường hợp nói năng, biện pháp tu
từ có thể làm nên sắc thái tình cảm cho câu nói. Các phó từ mang nét nghĩa phủ
định như chi, đâu, ai, mấy, há, nỡ, lọ,
sá được dùng để diễn tả ý phủ định nhưng có kèm theo sắc thái tu từ. Ngoài
ra còn có các phó từ nào, kẻo, khỏi cũng biểu thị phủ định khá dứt
khoát, rõ ràng.
Những phân tích trên đây về cách nói phủ định của tiếng Việt
trong một tác phẩm văn học ở thế kỉ XV cho phép chúng ta đi đến kết luận là cú
pháp tiếng Việt không thay đổi quá nhiều trong vòng năm trăm năm qua. Thật ra
rất dễ nhận thấy một số thay đổi về cách nói phủ định giữa thời Nguyễn Trãi và
chúng ta: trước hết là đến thời hiện đại, trừ ba từ mựa,
khôn, và lọ nay đã không còn sử
dụng trong ngôn ngữ hàng ngày, các từ khác còn giữ hầu như nguyên vẹn sắc thái
ngữ nghĩa và chức năng ngữ pháp như trong thơ Nguyễn Trãi. Sau nữa là sự thay
đổi xảy ra đối với từ nào: Nào đã thôi đi kèm trước danh từ khi
diễn ý phủ định nữa, mà chỉ còn đi với động từ. Tuy vậy, sự thay đổi này không
gây trở ngại lớn nào, trái lại người đọc hôm nay vẫn hiểu nghĩa của câu nói cũ
trong QÂTT. Đặt vấn đề cách nói phủ định trong lịch sử tiếng Việt, có thể thấy
ngay là sự đổi thay đã xảy ra ở lĩnh vực từ vựng là chủ yếu. Nguyễn Trãi nói mựa trong khi ngày nay chúng ta nói đừng.
Đặc sắc của một tác phẩm văn học là tính cách uyển từ của
nó. Ngôn ngữ văn học trong QÂTT được xây dựng khá phong phú và đa dạng, nói lên
tính cách tế nhị của tiếng Việt văn học
trải qua một lịch sử lâu dài. Tìm hiểu phong cách ngôn ngữ của Nguyễn Trãi nói
riêng và của thời kì trung cổ nói chung sẽ giúp chúng ta nhận ra tính cách liên
tục và phát triển của bản sắc ngôn ngữ dân tộc. Hôm nay đây, chúng ta nói nhiều
về niềm tự hào dân tộc và tự hào được kế thừa vẻ giàu đẹp của ngôn ngữ cha ông.
Và sự kế thừa tốt đẹp nhất là ở chỗ phát triển tiếng nói dân tộc thêm giàu đẹp,
thêm trong sáng.
ĐOÀN
XUÂN KIÊN
1980
1980
(Tập san Hợp Lưu số 32 (th. 10 & 11/1996), tr. 5-19)
[1] Một số bài như Thơ Tiếc Cảnh (bài 202, 207), Tùng (b.
219, 220), Cây Thiên Tuế (b. 235), Cây Đa Già (b. 239) chẳng hạn, có cách hành
văn mới quá so với văn phong thế kỉ XV.
[2] Xem A.de Rhodes (1651), Từ Điển An Nam-Lusitan-La Tinh (bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân
Việt và Đỗ Quang Chính). Sài gòn: Nxb. KHXH, 1991, tr. 97.
[3] Theo bản chụp in trong
Đỗ Quang Chính (1972), Lịch sử chữ
quốc ngữ 1620-1659. Sài gòn: Nxb. Ra Khơi, tr. 100, 105, 106.
[4] Đỗ Quang Chính, Sđd, tr. 30.
[5] L. Cadière cho là phó từ không xuất hiện khá muộn, thế kỉ XIX. Xem: Léopold Cadière (1958), Syntaxe de la Langue Vietnamienne. Paris : EFEO, tr. 190.
[6] Theo tài liệu thống kê tại thư viện Ban Ngôn Ngữ, Viện
Khoa Hoc Xã Hội Tp. HCM.
[7] Theo Hoàng Thị Ngọ (1999), Chữ nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân
trọng kinh. Hà Nội: nxb. KHXH.
[8] Chúng tôi dùng bản phiên âm của Hoàng Xuân Hãn, Truyện Song Tinh. Hà Nội: Nxb. Văn Học,
1987. Nên chú ý là văn bản hiện còn chỉ là bản sao lại vào khoảng thế kỉ sau,
cho nên căn cứ vào văn bản này có thể không chính xác lắm. Số lượng 18 phó từ không ghi nhận được trong bản văn Truyện Song Tinh xác nhận giả thuyết của Hoàng xuân Hãn rằng văn bản này
đã phần nào đổi mới khi sao lại. Vả chăng, một truyện nôm khác viết ra vào nửa
sau thế k ỉ XVIII (1759), Truyện Ỷ Lan, chỉ có 2 trường hợp dùng
phó từ phủ định không. Xem bản phiên âm cuả Hoàng Xuân Hãn, in trong Tập san Khoa Học Xã Hội số 12 (th.
1-1986), tr. 48-84.
[9] Theo bản phiên âm của Đào Duy Anh: “Rỉ sứ chim xanh đừng chuốc lối” (b. 228). Bản phiên mới
nhất của Paul Schneider: “Dẽ sử chim xanh đừng
chuốc lốì” (P. Schneider (1987), Nguyễn
Trãi et son receuil de poèmes en langue nationale. Marseille: Ed. CNRS, tr.
339). Tuy cách phiên này có vẻ thuận nghĩa, nhưng về mặt văn bản, phó từ đừng
duy nhất đứng lạc lõng trong QÂTT là hiện tượng đáng chú ý. Chữ này viết nôm là
亭, có thể đọc là dừng,
đừng, đành, và rình [cách đọc
chót này tìm thấy trong bản thảo của Maiôrica, nghĩa là “sắp sửa”]. Chúng tôi
thấy nếu đọc câu thơ trên đây là “Rỉ sứ chim xanh đành chuốc lối” cũng thuận nghĩa. Lại xét toàn thể sáu bài thơ “Hoa
Đào” (b.227-232), có ít ra là bốn bài văn phong khá mới, hẳn là giọng văn của
thời kì sưu tập lần thứ nhì (thế kỉ XIX), hoặc nữa là do người sao chép bản ghi
cũ nhưng có sửa đổi theo ý riêng.
Chúng tôi nêu ra đây một nghi vấn thuộc về khảo đính văn bản: theo tình hình tiếng
Việt như ghi nhận ở Bảng 2 trên đây, có thể nào tiếng Việt thời QÂTT và Hồng
Đức (sau Nguyễn Trãi non 50 năm) đã xuất hiện phó từ đừng chưa ?
[10] Thế mà trong bản HĐQÂTT -là một tuyển tập thơ ca đời
Hồng Đức- cùng ở thế kỉ XV lại có ba trường hợp phó từ chưa/chửa là phó từ nghi vấn (b. 17, b. 33, b. 224). Đây là một
hiện tượng lạc lõng, hay sự phiên chép sai lạc, hay là kết quả của sự thay đổi
tiếng nói trong khoảng thời gian 50 năm? Chúng tôi nghiêng về giả thuyết sau.
[11] Câu hỏi tu từ
là những câu hỏi nhưng không phải để hỏi, vì nội dung câu hỏi đã bao hàm
ý trả lời rồi. Không phải ngẫu nhiên mà có tác giả gọi chúng là những câu hỏi
hư vấn. Thực chất những câu hỏi tu từ này là những câu phủ định hay khẳng định.
Ngữ pháp tiếng Hán gọi loại câu hỏi này là 反問句 phản
vấn cú. Xem: Đinh Thanh Thu (1963), Hiện
đại Hán ngữ ngữ pháp giảng thoại. Bắc kinh: Thương vụ ấn thư quán, tr. 206.
[12] Trương Văn Chình (1970), Structure de la Langue Vietnamienne. Paris :Nxb. Paul Geuthner,
tr. 410-411.
[13] Một số bài thơ thấy chép trong cả QÂTT lẫn BVQNT. Câu
1 này có trong BVQNT (b. 69), nhưng chữ khỏi được thay bằng chẳng.
[14] Ngoài ra còn từ đâu
thứ nhì, là một phó từ nghi vấn, nghĩa là “ở nơi nào”: “Trời ban tối ước về đâu?”
(b. 14).
[15] Huình Tịnh Paulus Của (1895), Đại Nam
Quấc Âm Tự Vị. Saigon : Impri. Rey, Curiol
& Co, Tome I, tr. 385 - J.M. Génibrel (1898), Dictionnaire Annamite-Francais. Saigon :
Impri. de la Mission Tân Định, tr. 282.
- Viện Ngôn Ngữ Học (1988), Từ Điển Tiếng
Việt. Hà Nội: Nxb. KHXH, tr. 437.
No comments:
Post a Comment