MỘT ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHIÃ
CUẢ TỪ LÁY
CUẢ TỪ LÁY
TRONG PHƯƠNG NGỮ LỤC TỈNH
Đoàn Xuân Kiên
1 Tiếng Việt có một số lượng từ vựng khá lớn mà các nhà ngữ
pháp thường xếp vào loại "từ láy". Đặc điểm chung cuả loại từ láy là
chúng thường diễn tả những sắc thái tình cảm cuả người nói; về ý nghiã thì tứ
láy thường là khúc xạ khỏi ý nghiã cuả các từ phái sinh ra nó. Ai cũng biết là
trong kho từ vựng tiếng Việt có từ thấp
và héo. Nhưng khi Nguyễn Du viết
"Sè sè nắm đất bên đường, Dàu dàu ngọn cỏ nưả vàng nưả xanh"
thì sè sè không chỉ là
"thấp", và dàu dàu còn ngụ
ý gì khác hơn là chỉ diễn ý "héo". Nói chung thì từ láy tận dụng
những phương pháp diễn đạt qua âm thanh để chuyên chở những ấn tượng, cảm xúc,
hay ý nghĩ chủ quan cuả người nói. Vì
sắc thái diễn cảm cuả từ láy mà một học giả đã gọi chúng là những "cảm
từ" (impressifs) (Durand: 1961). Phương thức diễn tả ý nghiã từ bằng những ấn tượng gợi
ra từ chính âm thanh cuả nó, thường được gọi là phương pháp biểu trưng hoá ngữ
âm.
Từ láy là một loại từ vựng đặc biệt cuả loại hình ngôn ngữ
cách thể như tiếng Việt. Vì một đặc điểm loại hình cuả nó, từ láy tiếng Việt là
một phương thức tạo từ mới từ những từ đã có sẵn, mà các nhà ngữ pháp gọi là
phương thức tạo từ phái sinh. Khả năng phái sinh cuả từ láy khá mạnh: từ một từ
đơn có thể tạo ra những từ láy đôi, láy ba, bốn âm tiết. Chẳng hạn: bùng > bập bùng > bập bà bập bùng.
Các sách giáo khoa về từ vựng tiếng Việt đã nói nhiều về các phương thức láy từ
cuả tiếng Việt. Chuyên luận cuả Hoàng Văn Hành gần đây có thể xem là một nghiên
cứu khá cặn kẽ về hiện tượng láy từ trong tiếng Việt.
Hoàng Văn Hành phân loại các lối kết cấu từ láy qua mười dạng như sau (Hoàng, 1985:40):[1]
Các tài liệu tìm hiểu về từ láy tiếng Việt thường chỉ để ý
đến các phương thức láy từ "cổ điển" trong tiếng Việt phổ thông và
thường được ghi trong từ điển. Chẳng hạn, dịu
cho ta các từ láy dịu dàng, dìu dịu, [2]
nhưng một từ láy như dịu nhiễu, dịu oặt thì
chỉ tìm thấy ở phương ngữ "đàng trong" [3]. Do đó mà
tìm hiểu cơ chế láy cuả các từ láy thường gặp ở phương ngữ đàng trong cũng là
một điều đáng làm.
2 Bảng 1 trên kia cho thấy những kiểu kết cấu về mặt ngữ âm cuả
từ láy, hay nói cách khác là những cơ chế láy cuả từ láy tiếng Việt. Nếu nhìn
từ láy trong phương ngữ lục tỉnh theo những mô hình kể trên thì chẳng có gì
đáng nói, vì từ láy đàng trong cũng theo những phép láy như trong các phương
ngữ khác mà thôi. Đáng nói chăng là ở sự kiện này: phương ngữ "lục
tỉnh" có nhiều từ láy mà người đàng ngoài thấy "lạ tai",
"ngộ nghĩnh". Các từ láy này tạo nên sắc thái riêng cuả chúng, nếu so
sánh với toàn bộ hệ thống từ láy cuả tiếng Việt. Trước hết, chúng tôi nhặt ra
một số từ láy trong mục từ B và C cuả Việt
Nam Tự Điển cuả Lê Văn Đức, và dùng lại chính bảng phân loại kết cấu láy
cuả Hoàng Văn Hành ở Bảng 1 trên kia:
Xem thế thì từ láy đàng trong không có gì khác lạ nếu xét
từ kiểu kết cấu ngữ âm. Cùng lắm thì chúng ta chỉ thấy là từ láy đàng trong hay
dùng kết cấu Cà - X mà chúng ta ít
thấy xuất hiện ở các phương ngữ khác: Cà
xóc, cà tửng.
Điểm đặc sắc cuả từ láy lục tỉnh nằm ở cơ chế ý nghiã cuả chúng.
Rất nhiều từ láy nghe rất "lạ tai", nhưng không làm chúng ta ngỡ
ngàng, vì chúng vẫn bộc lộ giá trị ngữ nghiã từ ngữ ngay lập tức. Đây cũng là
điều mà công trình nghiên cứu từ láy cuả Hoàng Văn Hành đã nêu lên khi bàn về
cơ chế láy: ông cho là "phép biểu trưng hoá ngữ âm" đã làm bật ra
những tính cách riêng cuả từ láy: có tương quan giưã âm và nghiã cuả từ láy, có
liên hệ đến ngữ nghiã cuả từ gốc, và có làm bộc lộ ý nghiã các kiểu từ láy khác
nhau (Hoàng, op. cit., tr. 73). Theo
phép biểu trưng hoá ngữ âm thì các từ láy có thể gồm ba loại:
(a) từ láy biểu trưng hoá
ngữ âm đơn giản: kính coong, thùng thùng,
lộc cộc, ái ái, oái oái, í ới, nhéo nhéo;
(b) từ láy biểu trưng hoá
ngữ âm cách điệu: đăm đăm, chồm hổm, lổm
ngổm, bâng khuâng;
(c) từ láy vưà biểu trưng
hoá ngữ âm vưà chuyên biệt hoá về nghiã: chim
chóc, hội hè, cây cối, nước nôi.
Chúng tôi thử áp dụng các mô hình biểu trưng hoá ngữ âm nêu
trên cuả tác giả, để tìm hiểu đặc sắc cuả từ láy lục tỉnh. Thử dùng lại các dữ
kiện tài liệu trong Việt Nam Tự Điển
cuả Lê Văn Đức nói trên kia, nhưng sắp xếp lại thành ba nhóm, theo mô hình cuả
Hoàng Văn Hành:
Qua bảng trên, chúng ta
thấy:
Nhóm (a) là những từ đơn được lặp lại hoàn toàn, hoặc chỉ
thay đổi thanh điệu theo luật bổng trầm cuả thanh tiếng Việt [4]. Do
đó mà chằng > chằng chằng, cụp > cụp cụp
hoặc cùm cụp...;
Nhóm (b) là nhóm đặc trưng nhất cuả từ láy "lục
tỉnh", vì gồm những từ khá "lạ tai", không tìm thấy trong các từ
điển tiếng Việt phổ thông. Các từ này chỉ có thể thấy ghi trong các từ điển
tiếng điạ phương miền nam, như bộ Đại Nam
Quấc Âm Tự Vị cuả Huình Tịnh Paulus Cuả, và Việt Nam Tự Điển cuả Lê Văn Đức: hì hợm, quằn quện, bí beng...
Nhóm (c) gồm những từ nguyên là một từ đơn nhưng được láy bằng cách thêm một tiếng thứ nhì có âm thanh gần gũi với nó. Đặc biệt là phương ngữ nam rất thường dùng các âm tiết cà, hoặc âm đầu / l- / : rà > cà rà, thọt > cà thọt, bã > bã chã, bịt > bì bịt, vụn > lụn vụn, sượng > lượng sượng... Nhóm này cũng có thể bao gồm những từ láy trong tiếng Việt phổ thông nhưng được biến đổi một yếu tố. Chẳng hạn, chập chựng < chập chững, chầm hầm < hầm hầm, rũ riệt < rũ liệt, bãi buôi < đãi bôi...
Đến đây thì có lẽ đã có thể kết luận là từ láy trong phương
ngữ lục tỉnh cũng không ra ngoài quy luật chung cuả từ láy tiếng Việt, vì chúng
đã khớp với ba mô hình ngữ nghiã cuả từ láy kể trên. Nhưng nhìn kĩ lại nhóm (b)
thì dường như vẫn còn một tính cách nào đó chưa được nêu lên, vì những từ láy
cuả phương ngữ lục tỉnh, khi đưa vào nhóm này vẫn không hoàn toàn trùng khít
với mô hình ngữ nghiã các từ láy đàng ngoài.
Chính nhóm (b) này đã khiến chúng tôi nghĩ nên chọn hướng
phân tích sao cho nổi lên tính cách đặc sắc cuả loại từ láy "lục
tỉnh", chứ không theo lối phân tích quen thuộc trong các sách giáo khoa mà
nhìn chúng theo phương thức cấu tạo ngữ âm. Thật vậy, về mặt phương thức láy
thì từ quằn quện chẳng hạn, không
khác gì từ vằn vện cả, vì cùng láy
theo phương thức lặp lại âm đầu / q / , âm cuối / -n/ và thanh láy theo luật
bổng trầm (thanh huyền hoà phối với
thanh nặng); chỉ khác nhau ở âm chính,
một từ có nguyên âm chúm môi / uă /, từ kia có nguyên âm / uê/. Cũng thế, từ bí beng có cấu trúc láy hệt như bí bô, vì cùng lặp lại âm đầu và thanh,
chỉ khác nhau phần còn lại cuả âm tiết. Nhóm (b) trong bảng trên nói lên tính
cách riêng cuả từ láy miền nam, là đều láy theo phương thức liên tưởng ngữ âm, và từ chính cơ chế liên tưởng ngữ âm
mà gợi lên ý nghiã cuả từ theo phép
biểu trưng hoá ngữ âm quen thuộc. Nói khác đi, đặc sắc cuả từ láy miền nam là ở
mặt ngữ nghiã cuả chúng. Chúng tôi cho rằng liên tưởng ngữ âm chính là một nét
riêng cuả từ láy phương ngữ miền nam.
Ba mô hình từ láy trên đây là những kiểu láy từ phổ biến
trong phương ngữ miền nam. So sánh với những từ láy mà Hồ Biểu Chánh - một nhà
văn có phong cách hành văn đặc sắc nam bộ, qua cách dùng khẩu ngữ rặt nam bộ.
Những từ xếp trong bảng dưới đây là một số từ láy rút từ chương đầu tiên cuả
tiểu thuyết Ngọn Cỏ Gió Đuà cuả ông:
Có lẽ phép tạo sinh từ láy theo liên tưởng ngữ âm đã thành
một nét cá tính ngôn ngữ điạ phương. Những từ láy trên đây có thể bắt gặp lại
đây đó trong các bản văn viết ra tại các điạ phương miền nam. Chẳng hạn, một số
từ dưới đây trích ra từ quyển tiểu thuyết Ven
Rừng Tràm cuả Anh Động xuất bản tại Cà Mau (1978), cũng viết dưạ trên ngôn
ngữ hằng ngày tại miệt vườn:

Số lượng các từ láy kiểu (a) và (b) chiếm số lượng nhiều
hơn cả. Bảng dưới đây cho thấy tỉ lệ số từ giưã bốn nhóm:
Nhóm (a) được ưa chuộng thì đã đành, vì láy lại nguyên vẹn
một âm tiết, hoặc là dùng một tiếng tượng thanh để nhại theo âm thanh tự nhiên.
Đây là một phương thức láy cổ điển, vì
văn bản cũ còn lại cho thấy kiểu láy này đã có từ rất sớm, có thể là từ
thế kỉ XIII. Các từ láy trong một số văn bản các thời kì xa xưa cho thấy kiểu
láy (1) chiếm khối lượng hầu như tuyệt
đối:
..."Nhận biết làu làu lòng bản, chẳng ngại bề thì tiết nhân
duyên;
Chùi cho vặc vặc tính gương, nào có nhiễm
căn trần huyên náo.
...Lơi ý thức chớ chấp trừng trừng;
Nén niềm võng mưạ còn xốc xốc."...
(Trần Nhân Tông, Cư
Trần Lạc Đạo Phú)
..." Ngàn cây
phơi cánh phượng, vườn thượng uyển dặng tốt rờn rờn;
Hang nước miệng hàm rồng,
rã li châu hạt san mộc mộc.
Gác vẽ tiếng bồ lao
thúc,gió vật đình đình;
Điện ngọc phiến bối diệp
che, mưa tuôn tốc tốc."
(Huyền Quang, Vịnh Hoa Yên Tự Phú)[5]
Đến các từ láy kiểu (b) cũng có thể là đã có mặt từ rất lâu
rồi. Có bằng chứng cho thấy là tiếng Việt thời Nguyễn Trãi (thế kỉ XV) có sử
dụng các từ láy loại này:
" Cưả
quyền hiểm hóc ngại chon chăn " (Bài 27)
" Dương
trường đường hiểm khúc co que" (Bài 73)
" Ý
còn bìu rịn lấy chi vay "
(Bài 75)
" Khong khảy thái bình đời thịnh trị " (Bài 188)
(Nguyễn
Trãi, Quốc Âm Thi Tập )[6]
3 Có thể có mối liên hệ nào giưã những hiện tượng ngôn ngữ ở hai
vị trí quá xa nhau trong không gian (tiếng Việt ở đàng ngoài và đàng trong),
cũng như trong thời gian (tiếng Việt ở thời trung cổ và tiếng Việt hiện đại) ?
Chúng tôi nghĩ là có. Ngược lại lịch sử, có thể thấy dấu vết cuả cuộc di chuyển
ngôn ngữ theo bước nam tiến cuả người Việt. Thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII có
những biến động xã hội có tầm quyết định đến những thay đổi nhiều mặt trong xã
hội nói chung và trong sinh hoạt ngôn ngữ nói riêng. Những đợt di dân từ đàng
ngoài vào vùng đất phiá nam trong thời kì này đã di chuyển theo những tập quán
ngôn ngữ cuả đàng ngoài vào, và được quần chúng duy trì cho đến ngày nay. Có quan tâm đến sự kiện di chuyển ngôn ngữ
này mới hiểu được là tại sao ngày nay ở nhiều nơi người dân lục tỉnh hãy còn
nói "cái gổ", "đi ga", trong khi trên khắp nước chúng
ta nói "cái rổ", "đi ra". Lí do là đồng bào ở những nơi
đó vốn là những hậu duệ cuả lớp người di dân từ Nghệ Tĩnh vào lập nghiệp ở đồng
bằng sông Cửu Long, theo kế sách trồng người cuả chính quyền chuá Nguyễn thời
bấy giờ. [7]
Hiện tượng từ láy trong phương ngữ lục tỉnh cũng có thể là
một dấu vết cuả hiện tượng di chuyển ngôn ngữ vưà nói ở trên. Người miền nam có
thể đang giữ gìn những từ láy mà tổ tiên họ đã đem theo trên bước đường di dân,
hoặc giả họ đã tạo ra những từ láy mới theo những mô hình có sẵn mà họ thưà kế
từ tập quán ngôn ngữ cha ông. Như đã nói ở trên, cấu tạo từ láy trong phương
ngữ lục tỉnh không ra ngoài những quy cách chung cuả từ láy tiếng Việt. Vậy thì
bản sắc cuả những từ láy lục tỉnh nằm ở đâu ?
Trước hết là xu hướng. Trong khi phương ngữ đàng ngoài nói
chung có khuynh hướng bảo thủ các từ láy đã được ổn định, thì phương ngữ đàng
trong có khuynh hướng ưa chuộng loại từ láy mới mẻ, "lạ tai", lắm khi
được tạo ra tức thì trong lời nói. Từ láy trong phương ngữ lục tỉnh thường tạo
nên những ấn tượng thú vị vì những nét bất ngờ và tươi tắn cuả nó. Trong các từ
điển tiếng Việt phổ thông có ghi từ láy phập
phồng, phập phều, nhưng phập phòm, phập phềnh thì phải tìm trong
từ điển cuả Lê Văn Đức -là bộ từ điển có ghi rất nhiều tiếng điạ phương miền
nam. Cũng tân kì như vậy là kiểu cắt bỏ một thành tố cuả từ láy quen thuộc để
tạo thành một từ đơn: hau háu > hau (mắt), bon bon > bon (đi).
Lối tạo từ như vậy kể là khoáng đạt, thoát sáo - hiểu theo nghiã là không đi
theo những khuôn phép tạo từ đã thành "cổ điển" trong tiếng Việt.
Trên kia đã nhắc đến phương pháp liên tưởng ngữ âm dùng để
tạo ra từ láy mới trong phương ngữ miền nam.
Đây cũng có thể gọi là một bản sắc khác cuả từ láy lục tỉnh. Khi đọc từ
láy lục tỉnh rúng rẩy để làm trắc
nghiệm với một nhóm người nghe, chúng tôi ghi nhận hai lối hiểu nghiã cuả từ
này như sau: (a) sợ hãi + run rẩy; (b) rung động, không vững. Lối hiểu (a) đã
dưạ trên liên tưởng ngữ âm với từ láy run
rẩy, trong khi lối hiểu thứ hai đã dưạ theo từ ghép rung động và từ láy lẩy bẩy.
Cả hai lối hiểu đều không xa với ý người nói, vì rúng rẩy trong ngữ cảnh cuả câu nói có ý chỉ dáng đi tung tẩy như
chim ! Một trắc nghiệm khác với từ hệch
hạc cho thấy rằng người nghe liên tưởng ngữ âm với hềnh hệch, càng cạc, nhếch nhác; và " cười hệch hạc " là cười toác miệng,
cười dòn dã.
Vài thí dụ kể trên cho thấy hiện tượng liên tưởng ngữ âm
qua một số sự gần gũi, quen thuộc giưã các bộ phận cuả âm tiết cuả mỗi từ. Ta
biết rằng mỗi âm tiết tiếng Việt gồm bốn thành phần: âm đầu + âm chính + âm
cuối + thanh điệu. Mỗi thành tố này đều có thể gợi liên tưởng: bí beng có âm / b / và thanh điệu gợi
liên tưởng với từ bí bô và khuôn vần
/eng/ gợi liên tưởng với từ leng keng.
Những hiện tượng lặp đi lặp lại khiến chúng ta nghĩ đến một mô hình nào đó cuả
mối tương quan ngữ âm - ngữ nghiã cuả một từ.
Dưạ trên sự liên tưởng ngữ âm, chúng ta có thể lập mối quan
hệ ngữ nghiã cuả một số từ láy dưới đây qua sự liên hệ với âm thanh cuả các từ
láy gợi lên:
Tóm lại, trường hợp những từ láy trong phương ngữ lục tỉnh
cho thấy một phong cách riêng về lối tạo từ cuả một vùng đất. Khuynh hướng sử
dụng phương thức liên tưởng ngữ âm đã tạo nên sắc thái riêng về mặt tạo từ láy.
Tất nhiên là láy từ trong tiếng Việt đã hình thành những quy tắc ổn định dưạ
trên những quy tắc biến âm mà mọi phương ngữ đều phải tuân theo. Nhưng cách
thức biến âm một số từ để tạo từ mới trong phương ngữ lục tỉnh đã không chịu đi
theo con đường quen thuộc là chỉ biến đổi âm thanh một từ đơn, mà còn triệt để khai
thác âm hưởng do liên tưởng ngữ âm đem lại. Từ đó dẫn đến hệ quả đặc sắc là từ
láy trong phương ngữ lục tỉnh rất nhiều khi là những từ hoàn toàn mới lạ, chưa
hề được đưa vào từ điển. Chúng ta có thể đã nghe quen bẽn lẽn hoặc e thẹn, thẹn
thùng, thẹn thuà; nhưng xẻn lẻn
là một từ cũng có nét nghiã gần như những từ kể trên, thì có lẽ chỉ mới được
nghe, được biết trong tự vị cuả Huình Tịnh Paulus Cuả, hay trong văn Hồ Biểu
Chánh.
4 Cũng qua trường hợp từ láy trong phương ngữ lục tỉnh, chúng
ta có thêm một chứng cứ để làm sáng tỏ điều này: từ láy không chỉ là một cấu
trúc cuả những yếu tố có quan hệ thuần tuý ngữ âm, mà các thành phần từ láy có
thể là những yếu tố tự thân nó có mang một nét nghiã cuả từ láy đó.
Trước nay đã có nhiều giải thuyết về nét nghiã cuả các bộ
phận cấu tạo từ láy nói riêng và các từ diễn cảm nói chung. Chẳng hạn, Maurice
Durand cho rằng những bộ phận cuả âm tiết tiếng Việt có thể có một số nét nghiã
nào đó; ông tìm thấy rằng những từ có âm đầu / k / chẳng hạn thường mang nét
nghiã "cong cong", "uốn lượn":
cung, cong, cõng, co, cò, còm cọm, còm cõi..., và những khuôn vần như ép/ẹp
chẳng hạn thường mang nét nghiã bị nén xuống, bị đè bẹp xuống... [8]
Những gợi ý như thế đã dẫn đến những ý kiến cuả Trương Văn Chình & Nguyễn
Hiến Lê trong thiên khảo luận về ngữ pháp tiếng Việt cuả các vị, như sau:
" Những điều nhận xét trên (về nét nghiã cuả các âm tiếng Việt) tuy không
phải là luôn luôn đúng, như ng cũng đủ làm cho ta phải suy nghĩ để nghiên cứu
thêm." [9]
Trong số các tác giả Việt Nam thì có Đàm Quang Hậu và Lê
Văn Siêu có lẽ đã để tâm tìm hiểu các nét nghiã cuả các bộ phận cuả âm tiết
tiếng Việt. Chẳng hạn, ý kiến cuả Đàm Quang Hậu được tác giả Khảo Luận Ngữ Pháp Việt Nam trích và
nhận xét dè dặt ở trên. Còn Lê Văn Siêu tìm hiểu những nét nghiã cuả âm chính
trong các từ diễn cảm cuả tiếng Việt. Ông cho rằng "âm U chỉ những gì
đương bằng phẳng mà vồng lên. U đầu là có một miếng thịt ở đầu lồi lên. Cái mu
ruà hình giống như miếng thịt u ở đầu người ta. Đương khi không mà khóc to lên
như làm lồi tiếng khóc ấy trên cái yên lặng, gọi là khóc chu lên. Lộc non trên
một cái cây mới đội vỏ sắp trồi ra là nhu nhú ra..." [10]
Mấy trang viết cuả hai tác giả về những nét nghiã cuả một
số "khuôn âm" tiếng Việt như thế có lẽ đã là đề tài để một tác giả
khác phê phán là "đặt vấn đề theo chiều hướng ấn tượng và công dụng cuả nó
có chăng cũng chỉ là một phần nào đó trong lãnh vực thơ văn" [11]
Nhưng một tác giả khác lại nhìn những trường hợp như thế dưới khiá cạnh dạng vị học (morphology) và cho
rằng tiếng Việt có những yếu tố dưới âm tiết mang ý nghiã. Chẳng hạn, dạng vị
/s-/ trong sẽ và sắp, dạng vị / ch-/ trong chẳng, chả, chưả/chưa, chỉ, chớ, dạng vị
/t-/ trong tao, tôi, tớ, ta có lẽ là
những yếu tố nào đó trong một hệ thống dạng vị chứ không phải là tình cờ, vì
tác giả cho rằng có dấu vết như thế trong một vài hiện tượng lặp đi lặp lại
trong tiếng Việt, như dạng vị tiếp đầu /b-/ chỉ sự chủ quan: bẻo lẻo, bồn chồn, bần thần, bộp chộp,
dạng vị tiếp đầu / l-/ chỉ sự giảm thiểu: lơ
thơ, lẩn thẩn, lẩm cẩm, lộn xộn.[12]
Các soạn giả tập Ngữ
Pháp Tiếng Việt cũng thưà nhận là từ láy có những yếu tố mang nét nghiã, mà
tác giả gọi là có giá trị hình tượng. Ví dụ: khuôn vần -um mang nét nghiã "thu nhỏ lại, tụ lại": xúm xít, chúm chím, khúm núm...; khuôn
vần -âp biểu thị trạng thái không ổn
định, trạng thái chuyển động có tính cách chu kì: thập thò, thấp thỏm, khập khiễng, hấp háy...[13]
Đi tìm nét nghiã cuả các bộ phận âm tiết thực chất là tìm
hiểu hình vị trong tiếng Việt, tức là những yếu tố cuả âm tiết mang nét nghiã.
Có hay không những hình vị ở cấp dưới âm tiết thì hãy còn tranh luận, nhưng các
tác giả đều có khuynh hướng thưà nhận giá trị biểu đạt ý nghiã cuả những thành
tố trong từ láy, và xem là một hiện tượng đặc thù cuả ngữ hệ Nam Á. Hiện tượng
liên tưởng ngữ âm mà có tác giả gọi là "suy phỏng ngữ âm" đã được ghi
nhận đó đây trong những công trình nghiên cứu cấu tạo từ tiếng Việt. Đỗ Hữu
Châu cho rằng " có thể miêu tả các từ láy suy phỏng như sau: người nói
hoặc người viết căn cứ vào hiện tượng ngữ nghiã mà các từ láy để lại trong các
bộ phận trong âm thanh cuả chúng, lấy bộ phận ngữ âm cuả từ láy này ghép với âm
thanh cuả từ láy kia nhưng vẫn theo kiểu láy để diễn đạt cái hiệu quả ý nghiã
mong muốn." Ông có dẫn một vài thí dụ trong văn học hiện đại và có đưa ra
một cách suy phỏng về ý nghiã cuả những lối dùng từ độc đáo cuả nhà văn: "
(Những cánh tay) nhua nhuá" (Tô
Hoài) là do / nh-/ cuả nhộn nhịp, nhốn
nháo, nháo nhào... ghép với / -ua/ như trong tua tuả. Từ vậm vạp trong
ngữ đoạn" một ông lão vậm vạp" (Nguyên Hồng) là do /v-/ trong vạm vỡ ghép với vần /-âm/ và /-ap/ trong mập mạp. [14]
Trong một số sách ngữ pháp, có một loại từ láy cấu tạo theo
kiểu cum cum, ngoay ngoay, lúp lúp,
thường được xem là những từ ghép nên từ những ngữ tố "rỗng" - nghiã
là những âm tiết vô nghiã. Nhưng như thế thì người dưạ vào đâu để liên tưởng
-hay suy phỏng- để tạo ra những từ mới và hiểu được từ mới ấy ? Lấy lại những
từ láy ở nhóm (1) trên kia, những từ đơn được lặp lại nguyên vẹn ấy có thể là
những từ có ý nghiã thực (nghiã là chỉ một sự vật, một trạng thái hay động tác
cụ thể) như vòng (chỉ hình tròn), bõm (tiếng nước rơi xuống), hầm (trạng thái giận dữ).
Nhưng cũng có thể là những từ có ý nghiã tiềm tàng (nghiã
là những yếu tố có ý nghiã chỉ hiện rõ lên trong một tổ hợp từ nhất định).
Chẳng hạn, từ cum hàm chưá ý nghiã co
cụm, thu tròn lại (như là các từ khúm
núm, lum cum, lụm cụm đều có ý nghiã này), ngoay diễn tả ý nghiã một chuyển động đường cong không ổn định (ngọ ngoạy, loay hoay, quay quắt... có
nét nghiã như thế), và lúp lại diễn
tả một nét nghiã thu kín lại (lúp xúp,
chùm hụp, lụp xụp đều diễn tả những ý gần nhau). Để hiểu từ láy tiếng Việt,
không thể bỏ quên hoạt động liên tưởng ngữ âm. Điều đó nói lên tính cách biểu
đạt ý nghiã cuả những ngữ tố trong một từ láy. Cho nên rụp rụp cho ta hình dung một động tác nhanh và gọn như một tiếng
động khô khốc như tiếng cắc bụp cuả
viên đạn, hay tiếng rung bật lưỡi khi phát âm / r /. Cũng thế, oặt oà oặt oại cho ta ấn tượng gần gũi
với "quằn quại", "uể oải", "bải hoải". Và khi nhà
văn viết "con sóng dập duạ, vật
nhào" thì người đọc có thể hình dung con sóng tung bọt trắng xoá khi ập vào bờ đá, và tung bọt dãy duạ trên điểm sóng vỡ trước khi tan
đi.
Nhìn chung thì những tìm hiểu về những nét nghiã cuả từ láy
chưa phải là đã được nghiên cứu cặn kẽ, mà mới chỉ ở những bước đầu. Các tác
giả đi sau vẫn chỉ bằng lòng lặp lại những gợi ý cuả những người tiên phong từ
những năm 60 mà thôi. Từ cách đánh giá rằng lối đặt vấn đề như thế là mang màu
sắc "duy tâm", "chiều hướng ấn tượng". "chủ quan"
đến sự thưà nhận rằng có hiện tượng "suy phỏng ngữ âm","liên
tưởng ngữ âm", đã là một bước tiến dài. Nhưng để có thể nhìn rõ hơn hiện
tượng liên tưởng ngữ âm, thiết tưởng còn cần đến việc mô hình hoá những phương
htức liên tưởng ngữ âm trong phạm vi các từ láy nói riêng và các cảm từ nói
chung.
5 Bài viết này không nhằm mục đích mô tả các phương thức tạo từ
láy cuả phương ngữ miền nam, mà chỉ cốt nêu lên một phong cách đặc sắc cuả các
từ láy này để chứng minh rằng có hiện tượng biểu đạt ngữ nghiã qua lối
"biểu trưng hoá ngữ âm" . Bình thường thì mỗi một âm tiết tiếng Việt
là một tín hiệu âm thanh về một khái niệm nào đó liên quan đến một đối tượng
(sự vật hay một sự trạng). Nhưng cũng có những âm tiết là những tín hiệu âm
thanh gợi lên ý nghiã từ bản thân chúng. Thử so sánh từ ao (chỉ khoảnh đất trũng sâu ở làng quê có chưá nước) và từ áo (đồ vật mặc ở phần trên mình) không
có quan hệ ngữ âm với nhau, vì lẽ hai âm tiết này chỉ là những vỏ âm thanh cuả
một khái niệm bên ngoài chúng. Nhưng ào
ào, lao xao, rào rào, xì xào, cũng có khuôn âm -ao, nhưng không biểu thị một sự vật, một hiện tượng nào; trái lại
khuôn âm này gợi tả ý nghiã tiềm ẩn trong chính nó (tiếng động nhỏ nhưng dồn
dập không ngừng, không có gì chận lại).
Xem vậy thì, trái với cách luận giải cuả một số tác giả
trước đây, chúng tôi nghĩ là không có những "từ láy nghiã" và
"từ láy âm" hiểu như hai loại từ láy riêng rẽ, vì tự thân mỗi từ láy
tiếng Việt đã có ý thức rõ ràng đó là biện pháp dùng âm thanh để diễn đạt ý
nghiã biểu hiện cuả từ. Nhà thơ đã "chơi" âm thanh để thể hiện tính
cách gian nan vất vả cuả con đường đoạn trường:
Vó câu khấp
khểnh bánh xe gập ghềnh.
(Nguyễn
Du, Truyện Kiều)
hoặc là ý nghiã lâng lâng
bay bổng trong lòng riêng, khi lạc trong không gian sương mờ lãng mạn:
Sương
nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng
lòng lên chơi vơi
(Xuân
Diệu, Tương tư chiều)
Ý nghiã biểu trưng cuả âm thanh trong những trường hợp trên
đây không khác gì nhau: dù là từ láy hay không, âm thanh cuả các từ đã thể hiện
ý nghiã cuả chúng. Khi nói lụn vụn thì
người nói không chỉ có y thông báo cho ta ý "vụn" (nát, nhỏ), mà còn
muốn thêm sắc thái tình cảm cuả người nói vào trong từ này, có thể hàm ý miả
mai, hoặc là chê trách.Đó là ấn tượng ghi nhận được qua sự truyền thông ngôn
ngữ cuả người bản ngữ mà một người nước ngoài khó cảm nhận được hết.
Từ láy trong phương ngữ lục tỉnh đã được cấu tạo theo quy
tắc nào để người lục tỉnh chấp nhận sử dụng, và người đọc người nghe các vùng
khác vẫn nhận hiểu được ? Như đã trình bày, về mặt cấu tạo, những từ láy ghi
trong các bảng trên kia đều theo đúng các phương thức láy âm chung cuả tiếng
Việt, nghiã là chúng tuân theo những nguyên tắc hoà phối ngữ âm "có ý
nghiã", "hợp quy luật" mà hệ thống từ tiếng Việt cho phép. Thảng
hoặc, có những trường hợp biến âm một từ láy, thì vẫn đòi hỏi các thể biến trại
cũng phải "hợp quy luật", "có ý nghiã". Ví dụ: từ láy trọc lóc cuả ta hiện nay có thể là thể
biến cuả từ trọc lốc (nghiã là đầu
tròn nhẵn như hòn lốc, theo Việt Nam Tự
Điển cuả Hội Khai Trí Tiến Đức), nhưng cách nói trọc lóc vẫn được chấp nhận mặc dù nó đã làm thay đổi cấu trúc cuả
từ (trọc lốc là một từ ghép, trong
khi trọc lóc là một từ láy), và cũng
làm thay đổi ý nghiã ban đầu cuả từ; vì dù sao thì lóc cũng biến âm theo nguyên tắc thuận thanh âm với trọc. [15]
Một từ láy "lạ tai" bao nhiêu đi nưã cũng cần
phải phù hợp với những phép kết hợp có ý nghiã, nghiã là "hợp quy
luật" láy từ. Nhưng điều đáng kể hơn là ý nghiã những từ láy này. Ý nghiã
cuả chúng không gãy gọn ở dạng từ điển mà đòi hỏi ở cảm quan bén nhạy do tập
quán liên tưởng ngữ âm. Nói cách khác, trong mỗi từ láy lục tỉnh nói riêng và
trong từ láy tiếng Việt nói chung, quan hệ âm thanh và ý nghiã là mối quan hệ
gắn bó.
Từ đó, có thể nói thêm rằng từ láy tiếng Việt là một minh
hoạ cho tính cách điệu âm thanh trong ngôn ngữ. Không bao giờ ngôn ngữ là sự
bắt chước máy móc tiếng động tự nhiên. Nếu ghi âm thật chính xác thì tiếng gà
gáy không phải là ò ó o o, tiếng chim
cu không kêu cúc cu, tiếng suối không
róc rách, tiếng gió không rì rào. Từ tượng thanh chỉ là những từ
gợi lên một cách tượng trưng những âm thanh cuả tự nhiên mà thôi, như ý nghiã
cuả tiếng "tượng thanh" đã nói đủ. Xem thế, trong cơ cấu ý nghiã các
từ láy cuả ta không thiếu vai trò cuả hoạt động liên tưởng ngữ âm, hiểu như một
yếu tố thứ tư thêm vào trong một sơ đồ chỉ mối quan hệ ngữ nghiã mà trước nay
chúng ta chỉ lưu ý đến ba yếu tố mà thôi.
Biểu trưng hoá ngữ âm trong từ láy là một hoạt động tâm lí
gần gũi với tâm lí sáng tạo cuả nhà thơ khi chắt lọc ý nghiã cuả sự vật vào hệ
thống hình tượng thơ, vào ngôn ngữ thơ. Đó là một hoạt động sáng tạo. Điều đó
cắt nghiã tại sao khó phiên chuyển ý nghiã hàm súc cuả những từ láy sang tiếng
nước ngoài. Nét tế nhị cuả tiếng Việt trong trường hợp này xem ra khó tìm được
người đồng hành. Không lạ, vì tính cách điệu âm thanh trong ngôn ngữ Ấn-Âu
không được triệt để so với loại hình ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt hay các
ngôn ngữ Môn-Khmer khác trong họ ngôn ngữ Nam Á, cho nên loại từ gợi tả bằng âm
thanh như từ láy là một đặc trưng cuả ngôn ngữ đơn lập vậy.
6 Từ láy trong phương ngữ lục tỉnh cũng như bao nhiêu di sản
văn hoá khác cuả vùng đất mới này, hiện đang cần được quan tâm tìm hiểu. Có
nhiều tứ láy nghe khá "lạ tai", vì có thể những từ này là tiếng điạ
phương, vì vậy chúng chưa xuất hiện trong các từ điển tiếng Việt phổ thông.
Nhưng có một điều đáng nói là tính cách tân kì, thoát sáo cuả những từ láy điạ
phương này. Thật thế, tính cách điệu âm thanh tiếng Việt đã là yếu tố giúp phát
huy phép biểu trưng ngữ âm trong từ láy tiếng Việt. Phương ngữ lục tỉnh sáng
tạo những từ láy cho mình dưạ trên quy luật chung cuả phép láy từ, nhưng những
từ mới lại đi rất xa khỏi những khuôn phép cũ. Về mặt ngôn ngữ thì những từ láy
trong phương ngữ lục tỉnh đầy sức trẻ trung, tươi tắn. Như tính cách chung cuả
vùng đất tạo sinh ra chúng.
Đoàn Xuân Kiên
(tạp chí Hợp Lưu (USA), số 40 (th. 5&6/1998), tr. 23-37)
[1] Xem Hoàng Văn Hành (1985) Từ
láy trong tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. KHXH.
[2] Bên cạnh các từ láy có thể có các từ ghép, chẳng hạn mục từ dịu trong Từ Điển Tiếng Việt (Hà Nội: Nxb. KHXH,1988) có ghi dịu ngọt, dịu hiền, êm dịu. Nhưng loại từ ghép không thuộc phạm vi bài này.
[3] Tên gọi "Đàng Trong" dùng ở đây là một tên gọi đã từ lâu đời,
từ thời kì Nam Bắc phân tranh dưới thời
các chuá Trịnh và Nguyễn. Tên gọi này về sau chỉ vùng đất Nam Bộ ngày nay. Vùng
đất này còn một tên gọi khác nưã, là "Nam Kì Lục Tỉnh" (sáu tỉnh ở miền
nam) như cách gọi trong sách Đại Nam Nhất
Thống Chí soạn dưới đời Tự Đức.
[4] Luật bổng trầm cuả thanh tiếng Việt là: các thanh hoà phối với nhau
theo bậc bổng (thanh ngang - hỏi - sắc)
hoặc bậc trầm (thanh huyền - ngã - nặng).
Do đó một từ láy có một từ ở thanh sắc
thì từ còn lại phải là thanh ngang
hay thanh hỏi, vì cùng ở bậc bổng.
[5] Trích theo Đinh Gia Khánh et
al.(1976) Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam
- thế kỷ X-thế kỷ XVII. (Bản in lần thứ nhì). Hà Nội: Nxb. KHXH. Chúng tôi
có sưả vài chỗ.
[6] Theo bản phiên âm cuả Paul Schneider (1987) trong Nguyen Trai et son Receuil de Poèmes en
Langue Nationale. Paris: Centre
National de la Recherche Scientifique.
[7] Người dân ở một số nơi vùng Nghệ Tĩnh hãy còn nói âm / g / trong những trường hợp chúng ta nói
/ r /. Bản Chinh Phụ Ngâm cuả Phan Huy Ích ra đời đầu thế kỉ XIX còn viết
"Hà Lương chia ghẽ đường này "
(Chữ nôm viết chữ hán kĩ đọc là ghẽ, theo quy tắc chuyển âm /k/ (hán việt)
> /g/(nôm), như kỉ > ghe, các
> gác... Chúng tôi đã nói đến một
vài hệ quả về mặt văn hoá cuả hiện tượng di dân này trong bài " Ca dao miệt
vườn - sản phẩm cuả hoàn cảnh lịch sử đặc biệt". Cf: Thế Kỷ 21 số 32 (th.12.1991), tr. 10-15.
[8] M. Durand " Les impressifs en vietnamien " Bulletin de la Société des Études
Indochinoises. T. XXXVI, N: 1 (1er Trimestre 1961), pp 5-50.
[9] Trương Văn Chình &Nguyễn Hiến Lê (1963) Khảo Luận về Ngữ Pháp Việt Nam. Huế: Nxb. Đại Học, tr. 115.
[10] Lê Văn Siêu (1964) Văn Minh Việt
Nam. Sài Gòn: Nam Chi Tùng Thư, tr. 318.
[11] Nguyễn Phú Phong (1977) "Vài chuyển biến trong phụ âm đầu tiếng
Việt và các hiện tượng láy từ liên hệ" in trong Tập San Khoa Học Xã Hội (Paris) số 3 (th. 11.1977), tr. 80.
[12] Trần Ngọc Ninh (1974) Cơ Cấu
Việt Ngữ t. 2. Sài Gòn: Lưa Thiêng, tr. 149-150.
[13] Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội (1983) Ngữ
Pháp Tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. KHXH, tr. 54.
[14] Đỗ Hữu Châu (1986) Các Bình Diện
Cuả Từ và Từ Tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. KHXH, tr. 197.
[15] Nguyễn Phú Phong, bài đã dẫn,
tr. 79.
No comments:
Post a Comment