Tuesday 4 May 2021

                          Ngày 30 Tháng Tư: nhìn về tương lai

Đoàn Xuân Kiên





 Ngày 30 Tháng Tư năm nay đã là dịp cho nhiều tiếng nói công dân về một đòi hỏi cấp thiết là: nhìn lại di sản của nó trong đời sống Việt Nam hôm nay để có thể nhìn ra con đường hướng về tương lai tốt đẹp. 46 năm là một thời gian đủ dài cho một đầu tư tương lai thoả đáng cho cả cộng đồng dân tộc. Thực tế trên đất nước ta 46 năm qua không phản ánh một cuộc đầu tư tương lai như mong muốn của cả nước thống nhất. Sở dĩ như vậy là vì vẫn còn một cuộc chiến khác trong lòng dân tộc chưa thấy hồi kết.

Trong suốt 46 năm qua, chưa hề thấy đảng cầm quyền, giới trí thức cung đình và những trí thức phản biện trong nước có một nỗ lực nghiêm túc nào để nhìn lại bản chất cuộc chiến tranh mà miền Bắc đã ra công tô chuốt những hào quang cho nó. Có lẽ, trong một phút giận dữ lắm, vào năm 1979, chỉ có ông Tổng bí thứ đảng CSVN Lê Duẩn đã buột miệng buông ra lời nói thật về cuộc chiến "thần thánh" mới kết thúc trước đó 4 năm, rằng chúng ta đã đánh đế quốc Mỹ thay cho Liên Xô và Trung Quốc. Một phát ngôn bất ngờ đó đã nói lên khá mộc mạc mà chính xác bản chất cuộc chiến mà ông xưng tụng là chiến thắng thần kì của dân tộc. Có nhận ra bản chất cuộc chiến Nam-Bắc khốc liệt vừa qua mới có thể chọn lựa một thái độ đúng. Điều này chưa xảy ra, cho mãi đến hôm nay, sau 46 năm.

Cho đến thời điểm hiện nay, ngày 30 Tháng Tư vẫn được mặc nhiên ca ngợi là ngày giải phóng, ngày thống nhất đất nước. Đảng CSVN đã đồng hoá mình và nửa nước phía bắc là lực lượng dân tộc Việt Nam chiến thắng đế quốc Mĩ. Lối nhìn thiển cận và ngạo mạn ấy đã dẫn theo khối trí thức cung đình hết lời xưng tụng kẻ chiến thắng và vùi dập nửa nước phía Nam xuống hàng ngũ Nguỵ: nguỵ quân , nguỵ quyền.

Sau ngày thống nhất đất nước, đảng cầm quyền đã tự xem mình là đảng lãnh đạo duy nhất của đất nước. Mười năm đầu sau ngày thống nhất, đảng và nhà nước đã đề ra những chính sách xã hội dựa trên đường lối đấu tranh giai cấp, nêu cao chủ nghĩa thù hận đối với nửa nước phía Nam. Các mặt sinh hoạt xã hội đều dựa trên cơ sở hãnh tiến và kì thị. Quân nhân công chức chế độ VNCH bị lùa vào trại cải tạo. Nhà văn nhà báo, nghệ sĩ miền Nam bị bách hại bằng những đợt truy quét. Một nửa nước bị đày ải xuống thành phần công dân hạng hai. Một chiến dịch dài hạn và rộng khắp được tung ra để lăng mạ những thành tựu củachế độ Việt Nam Cộng Hoà, bao gồm toàn bộ văn hoá giáo dục của miền Nam.

Đến nay, đã dứt cuộc chiến tranh Nam-Bắc gần nửa thế kỉ, một thời gian quá dài đủ để hàn gắn lại vết thương dân tộc qua cuộc tương tàn được phủ thêm lớp sơn hận thù giai cấp, hận thù vì những chủ nghĩa ngoại lai. Việc cần thiết hiện nay của cộng đồng dân tộc chính là: nhìn lại anh em, nhận lại bạn bè. Nói khác đi, đất nước ta bây giờ cần một nỗ lực hoà giải-hoà hợp dân tộc thật sự vốn đã bị trễ nải quá lâu. Trong thời gian qua, đã có nhiều tiếng nói đòi hỏi một thay đổi về mặt chính sách nhà nước đối với vấn đề hoà giải và hoà hợp dân tộc, một vấn đề cấp thiết và đúng đắn để có thể tạo sức mạnh đoàn kết dân tộc trên đường tương lai.

Điều đáng nói ngay ở đây là: cho đến nay, nhà nước Việt Nam đã hiểu sai ý nghĩa của hoà giải-hoà hợp dân tộc, và do vậy chưa hề có hoà giải-hoà hợp dân tộc thực sự ở cấp nhà nước.

Hoà giải-hoà hợp dân tộc không phải là đảng cầm quyền tự hoà hợp giới hạn giữa một số thành phần nào đó trong cộng đồng dân tộc như việc làm của nhà nước trong bao lâu nay. Đó là thái độ phủ dụ chiêu an để làm màu mè trình diễn.

Hoà giải-hoà hợp dân tộc cũng chẳng phải là quay lưng lại nỗi đau của cộng đồng dân tộc, hay là để mặc thời gian làm phai nhoà nỗi đau của đất nước. Sau 46 năm, thế hệ những người trực tiếp tham dự chiến tranh Nam Bắc đã nhiều người ra đi. Tuy vậy, sẽ là một sai lầm tiếp nối nếu cho rằng thái độ thù nghịch của đảng CS  và nhà nước hiện nay có thể sẽ được thời gian bôi xoá, phai nhạt đi. Những người thân của một nửa nước phía Nam có thể đã và sẽ ra đi, nhưng nỗi đau của kì thị Nam-Bắc vẫn còn đó, và nó đang thể hiện trên thực tế xã hội hằng ngày qua những lối ứng xử đáng ngại: thái độ thờ ơ, bàng quan về những vấn đề xã hội, và sự phản kháng tiêu cực khác, chẳng hạn, qua việc làm sống lại cái gọi là "nhạc vàng", "nhạc sến"  hay "nhạc boléro" khắp hang cùng ngõ hẻm hiện nay. Sức sống của dân tộc sẽ không thể phục hưng được từ thái độ phản kháng tiêu cực vẫn âm ỉ trong bao nhiêu năm qua và cũng chưa có dấu hiệu nào tàn lụi.

Hoà giải-hoà hợp thực sự phải là một hoạt động cấp nhà nước, và đều khắp mọi mặt sinh hoạt quốc gia. Hoà giải-hoà hợp dân tộc phải được bắt đầu bằng việc phục hồi danh dự cho tất cả những công dân hai miền Nam Bắc đã hi sinh vì cuộc chiến tương tàn. Hoà giải-hoà hợp dân tộc cần thể hiện qua chính sách phục hồi danh dự cho các công dân miền Nam bị đối xử tàn ác sau khi hoà bình lập lại. Hoà giải-hoà hợp dân tộc phải thể hiện qua giáo dục nhà trường bằng việc duyệt lại quan điểm giáo dục, xét lại nội dung nặng thù hận chủ nghĩa và giai cấp đã truyền đạt trong sách giáo khoa. Hoà giải-hoà hợp dân tộc cần thể hiện trong hoạt động văn hoá nghệ thuật bằng việc phục hồi danh dự cho văn hoá văn nghệ "phi vô sản".Hoà giải-hoà hợp dân tộc cần thể hiện qua việc khởi động các choạt động nghiên cứu học thuật thực sự tôn trọng tinh thần khoa học chứ không thể làm công cụ cho thế lực chính trị đương quyền... 

Hoà giải-hoà hợp dân tộc không hề là một hoạt động cho phải đạo, mà phải là một hoạt động đặt mục tiêu tối thượng là đoàn kết dân tộc. Có thế thì sức mạnh của cộng đồng dân tộc mới được củng cố và phát huy trong công cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước trong tương lai. Không thể có hoà giải-hoà hợp dân tộc bằng thái độ độc quyền, mà cần có sự tham gia góp phần của mọi thành phần công dân Viẹt Nam.

Có như thế thì ngày 30 Tháng Tư năm 1975 sẽ xứng đáng là một ngày lễ lớn của một Việt Nam mai sau, ngày của hoà giải-hoà hợp, của đoàn kết dân tộc.

                                                                                                         Đoàn Xuân Kiên


 

 

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...