Saturday 8 July 2023

 

Giáo dục Việt Nam không nên hãnh tiến vì một bài báo hời hợt

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
05-07-2023


Nhà nghiên cứu: Giáo dục Việt Nam không nên hãnh tiến vì một bài báo hời hợtThí sinh và phụ huynh xin chữ cầu may tại Văn Miếu trước một kỳ thi. Ảnh chụp ngày 7/2/2013.
 Hoàng Đình Nam/AFP

Bài báo trên tờ The Economist của Anh cuối tháng 6/2023 ngợi ca giáo dục Việt Nam ‘đứng vào nhóm hàng đầu thế giới’, và truyền thông Nhà nước Việt Nam trích lại, giới thiệu rầm rộ như một thành tích. Đó chỉ là một bài báo ‘làm đẹp lòng giới chức quản lý giáo dục Việt Nam’, ‘một giọt nước mát giữa cơn nắng hạn của giáo dục’ nước này, trong lúc về thực chất, một nền giáo dục mà nhiều giáo viên phải chuyển nghề, bỏ nghề, học sinh, sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, xuất phản điểm còn thấp, lại chưa đứng trên vai 'người khổng lồ' v.v… làm sao có thể coi được là đứng hàng tốp đầu thế giới.

Nhà nghiên cứu giáo dục và ngữ học Đoàn Xuân Kiên từ London, và Tiến sĩ Tạ Long, nhà nghiên cứu nhân học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ Hà Nội, đã dành cho Đài Á Châu Tiếng Việt một cuộc trao đổi bình luận bài báo nói trên có tựa đề “Tại sao các trường học của Việt Nam tốt đến như vậy?” (*) đăng trên The Economist, mà sau đây là nội dung.

 ‘Chỉ làm đẹp lòng chính quyền Việt Nam và giới chức quản lý giáo dục’

RFA: Quý vị nghĩ thế nào khi bài báo trên gợi ý rằng Giáo dục Việt Nam trẻ em ở Việt Nam ‘đang được học tại một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới’?

Ông Tạ Long: Trước tiên, nền giáo dục Việt Nam chưa dựa trên hai bệ phóng sau đây, thứ nhất Việt Nam chưa phải nước phát triển, và thứ hai Việt Nam chưa có nền giáo dục tự chủ và khai phóng, vì riêng hai lẽ đó, tôi cho rằng Việt Nam chưa thể có nền giáo dục trong nhóm tốt nhất thế giới được.

Ông Đoàn Xuân Kiên: Theo tôi, bài báo trên tuần báo The Economist cố nhiên là làm đẹp lòng chính quyền và các giới chức quản lí giáo dục Việt Nam. Chúng ta không quên những than phiền, những trăn trở về hiện trạng nền giáo dục nước nhà trên khắp các mặt: định hướng giáo dục, chương trình học, đào tạo thầy cô giáo theo phương hướng giáo dục hiện đại... Cho nên bài báo nói trên theo tôi như một giọt nước mát giữa cơn nắng hạn của giáo dục Việt Nam.

Nói thế cũng có nghĩa là bài báo nói trên chưa thể gọi là một đánh giá đúng và toàn diện về nền giáo dục Việt Nam, cho nên bảo rằng "trẻ em Việt Nam đang được học trong một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới" thì có phần quá đáng nếu không nói rằng ảo tưởng. Nhà giáo dục Việt Nam cần quan tâm đến những nghiên cứu khoa học thực sự để có những bài học quý cho việc hoạch định và phát triển giáo dục nước nhà. Trong chiều hướng học hỏi nghiêm túc như thế, một bản đánh giá về giáo dục khu vực (**) đáng cho ta suy nghĩ hơn nhiều so với bài báo trên The Economist.

Thực ra, nội dung bài báo chỉ so sánh và lượng giá thành quả giáo dục cấp cơ sở (năm năm đầu trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia). Trong chừng mức ấy thì những lời khen tặng giáo dục nước ta có thể tạm chấp nhận được nếu chỉ nhìn ở giáo dục bộ môn. Nhưng một nền giáo dục quốc gia không chỉ hạn định trong các môn học riêng rẽ mà là một tổng thể những yếu tố cấu thành nên giáo dục đó.

Bài báo tỏ ra hời hợt nếu chúng ta nhìn nhận giáo dục một cách toàn diện chứ không chỉ riêng lẻ một vài môn học ở cấp cơ sở (trong độ tuổi 5 đến 8 tuổi) như bài báo đã cho thấy.

giáo dục 2.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại Hoa Kỳ vào ngày 19/9/2022

‘Giáo dục không đạt được một bước nhảy qua 48 năm ĐCS nắm quyền’

RFA: Một nhóm lý do về điều được cho là dẫn tới ‘thành công’ của nền giáo dục ‘đứng vào nhóm đầu thế giới’ của Việt Nam mà tác giả bài báo trên The Economist đã đưa ra, một cách cụ thể, quý vị có ý kiến gì?

Ông Tạ Long: Đầu tư cho giáo dục luôn là ưu tiên số một ở Việt Nam từ thời phong kiến tới nay vì nó là hướng thoát nghèo và lập nghiệp tốt nhất, an toàn nhất, lại có thể bỏ vốn dần dần rất phù hợp với hoàn cảnh đa số dân cư là tiểu nông, tiểu công, tiểu thương và làm thuê ăn lương ‘ba cọc ba đồng’ phổ biến trong xã hội Việt Nam.

Nhưng sự phát triển giáo dục của đất nước hiện nay lại theo phương thức quản lý mang tính áp đặt, rập khuôn, xin – cho, dạy nhồi nhét, học thuộc đề thi, dạy và học vì thành tích, sách giáo khoa hệ tiểu học và trung học cơ sở không thống nhất và luôn thay đổi, điều không thấy trong giáo dục trước đây của Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, chế độ sử dụng và đãi ngộ giáo viên chưa được thỏa đáng khiến nhiều giáo viên công lập bỏ nghề hoặc chuyển sang hệ tư thục.

Ngoài ra, nền giáo dục không mang tính cạnh tranh, thiếu tính tự chủ, khai phóng, thiếu dạy tư duy và thực hành. Tất cả những vấn nạn đó, theo tôi, đã hạn chế sự bứt phá của giáo dục Việt Nam cũng như của các học sinh khiến nhiều gia đình khá giả đã cho con du học ngay từ hệ phổ thông, thậm chí từ phổ thông cơ sở. Và những vấn nạn trên đã khiến nền giáo dục Việt Nam trì trệ, khó có thể nằm trong nhóm tốt nhất trên thế giới.

Ông Đoàn Xuân Kiên: Như đã đề cập, bài báo chỉ giới hạn trong thành quả dạy học trong vòng năm năm đầu của một nền giáo dục nhìn từ thành quả ba bộ môn: đọc và viết tiếng mẹ đẻ; toán, và khoa học. Những thành tích về đọc và viết, về toán và khoa học hẳn nhiên là những điểm mạnh của giáo dục cơ sở của Việt Nam từ bao lâu nay, chứ không phải riêng của nhà nước và chính quyền ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta không quên là trước 1975, các đoàn học sinh thi giải toán quốc tế từ hai miền Nam, Bắc của Việt Nam đều từng đạt thành tích đáng ghi nhớ. Việc học đọc và viết tiếng Việt trong nhà trường cơ sở cũng đạt thành quả đáng ghi nhận so với các ngôn ngữ khác. Biểu đồ về thành tích đọc và viết không có gì khó hiểu nếu ta so sánh việc dạy đọc và viết các ngôn ngữ khác ở Đông Nam Á hay Ấn Độ (!) như trong bài báo của The Economist.

Bài báo có nhắc đến điều được cho là ‘sự quan tâm’ của đảng cộng sản cầm quyền và nhà nước ở Việt Nam trong việc quản lí giáo dục. Tác giả bài báo chỉ không biết được là sự quan tâm lãnh đạo đó suốt 48 năm qua đã không tạo được một bước nhảy cho giáo dục Việt Nam. Những ai quan tâm đến giáo dục Việt Nam, theo tôi, sẽ không an tâm khi đọc đến phần cuối của bài báo khi tác giả nói về vài vấn nạn của giáo dục Việt Nam hiện nay, mà theo đó, thứ nhất là nhà giáo bỏ dạy học để chuyển nghề khác thu nhập khá hơn; thứ hai là sản phẩm của giáo dục ("đầu ra") không tương ứng với nhu cầu của nền kinh tế nước nhà. Một nền giáo dục đứng hàng tốt nhất thế giới sao lại có thể như thế được.

RFA: Tuy thế, liệu có thể rút ra được điều gì hữu ích từ bài báo trên The Economist, còn có câu hỏi nào khác có thể đặt ra hay không qua nhận định của tác giả?

Ông Tạ Long: Những thông tin và nhận định trên báo Anh The Economist ngày 29/6 về thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trong các đánh giá của quốc tế về khả năng đọc, làm toán và khoa học và của Ngân hàng Thế giới (WB) về vượt trội của học sinh Việt Nam về tổng điểm học tập so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan, mà còn so cả Anh và Canada, theo tôi chưa đủ sức thuyết phục vì nó chỉ dựa trên những khảo sát sơ bộ cũng như những kết quả thi quốc tế, chưa phải những khảo sát mang tính đại diện trong cả nước.

Khi đánh giá tầm mức của giáo dục Việt Nam cần xem xét nó dựa trên nền tảng phát triển nào của đất nước và tính chất của nền giáo dục cũng như phương thức quản lý của nền giáo dục đó là gì. Tức nó có mang tính tiên phong, cạnh tranh, tự chủ và khai phóng hay không.

Ông Đoàn Xuân Kiên: Tôi cho rằng bài báo trên The Economist thiếu hẳn một quan sát rộng và sâu về nền giáo dục Việt Nam. Cũng không thể đòi hỏi một nhà nhà nghiên cứu kinh tế học người nước ngoài làm quá khả năng của họ khi nghiên cứu trong thời gian ngắn gọn về nền giáo dục Việt Nam. Có chăng đó chỉ là một nỗ lực tìm hiểu và so sánh về một vài mặt thành tựu của một số nền giáo dục cơ sở tại một số quốc gia đang phát triển như chủ đích bài báo có nhắc đến.

Nhưng sử dụng bài báo cạn cợt, một chiều này để lảng tránh trách nhiệm vô cùng lớn là canh tân giáo dục Việt Nam theo chiều hướng hiện đại hoá, sao cho nhân cách học sinh và sinh viên được phát triển tối đa, theo tôi là điều không nên.

Để làm được điều này thì Việt Nam không nên chỉ hài lòng với thành tích một vài bộ môn nào đó, mà cần chú trọng các mặt của một nền giáo dục toàn diện và phát triển. Có thế mới có thể nói đến niềm tự hào là "trẻ em Việt Nam đang được học trong một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới".

giáo dục 3.jpeg
Sinh viên dự kỳ thi vào đại học ở trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội hôm 1/7/2015. AFP

‘Chưa đứng trên vai người khổng lồ, bệ phóng xuất phát điểm còn thấp’

RFA: Theo quý vị, nhìn vào giáo dục Việt Nam hiện nay, nếu có một cái nhìn khách quan, thực chất nhất, thì đâu là (những) điểm nên quan tâm nhất? Có gì cần lưu ý để cải thiện hay không?

Ông Tạ Long: Điểm nên quan tâm nhất về giáo dục Việt Nam theo tôi là cần giải quyết các vấn nạn sau đây trong giáo dục: thứ nhất là vấn đề đào tạo, tuyển dụng và chế độ đối với đội ngũ giáo viên và giảng viên, thứ nhì là giảm tải chương trình và vấn đề dạy thêm, học thêm, thứ ba là vấn đề sách giáo khoa, thứ tư là vấn đề học ngoại ngữ, thứ năm là gian lận trong thi cử, thứ sáu là gian lận bằng cấp, thứ bảy là vấn đề đạo đức học sinh và bạo lực học đường, thứ tám là lạm thu và quản lý nhà trường, và thứ chín, nhưng chưa phải là cuối cùng, là vấn đề cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy còn hạn chế ở vùng sâu, vùng xa thuộc biên giới, hải đảo.

Việt Nam luôn có truyền thống ưu tiên đầu tư cho giáo dục để đào tạo hiền tài, khơi nguồn nguyên khí quốc gia. Truyền thống này sẽ được toàn xã hội chung tay vun đắp nếu giáo dục đất nước mang tính tiên phong, cạnh tranh, tự chủ và khai phóng; hiền tài được trọng dụng.

Ông Đoàn Xuân Kiên: Nhà giáo dục Việt Nam cần để tâm theo dõi những nghiên cứu khoa học khu vực để nhìn rõ hơn vị thế đất nước chúng ta trong toàn cảnh giáo dục khu vực. Cụ thể là chúng ta cần quan tâm đến mấy điều này:

Thứ nhất, cần hiện đại hoá nền giáo dục Việt Nam theo kịp đà tiến chung của thế giới. Không nên lấy cớ là đất nước ta chưa phát triển để quanh quẩn trong những "cải cách" vá víu giả tạo, làm chậm lại đà tiến cần thiết cho giáo dục Việt Nam trong một thời đại của thế giới phẳng như hiện nay;

Thứ nhì, cần hoạch định chương trình nâng cao phẩm chất giáo dục cho các cấp, từ cơ sở lên phổ thông và đại học, cao học. Ngoài ra cũng cần quan tâm phát triển giáo dục tráng niên hay giáo dục suốt đời (lifelong learning) trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay;

Tiếp đến, thứ ba là cần định hướng lại giáo dục Việt Nam, thoát li giáo dục ý thức hệ giáo điều, cần xây dựng nền giáo dục phát triển nhân cách để xây dựng thế hệ con người Việt Nam tương lai thật thà, có tư duy khoa học và tình yêu thương người và xã hội sâu sắc.

RFA: Tóm lại, nếu có thể kết luận ngắn gọn nhất có thể, theo quý vị, giáo dục Việt Nam hiện nay có thực sự ‘đứng trong nhóm tốt nhất thế giới’ hay không?

Ông Tạ Long: Như trên tôi đã nói giáo dục Việt Nam chưa đứng trên vai người khổng lồ, tức bệ đứng phát triển của đất nước còn thấp, lại còn nhiều tồn tại trong dạy và học, trong sử dụng nguồn nhân lực, chẳng hạn với đội ngũ giáo viên và những người đã được đào tạo, nên theo tôi chưa thể "đứng trong nhóm tốt nhất thế giới".

Ông Đoàn Xuân Kiên: Điểm qua những khái lược đã được đề cập, câu trả lời của tôi cũng là ‘chưa thể’, và tôi xin nhấn mạnh thêm rằng những ai thật lòng yêu thương Việt Nam và hướng tới tương lai, sẽ không hãnh tiến, tự mãn với hiện trạng giáo dục Việt Nam bây giờ, càng không nên dựa vào một bài báo hời hợt, phiến diện về giáo dục Việt Nam để lơi lỏng những việc làm cấp thiết mà đất nước chúng ta đã hoài phí thời gian gần nửa thế kỉ nay.

Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng của hai nhà quan sát: Tiến sĩ Tạ Long, nhà nhân học có nhiều năm làm việc tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tại Hà Nội, ông từng tham gia nhiều dự án, nghiên cứu, tư vấn, hội thảo và tọa đàm về phát triển bền vững, giáo dục, giới và trẻ em, đặc biệt nghiên cứu cả ở các địa bàn có các cư dân sắc tộc bản địa ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; và Nhà nghiên cứu giáo dục; ngữ học Đoàn Xuân Kiên từ London, ông Đoàn Xuân Kiên tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1970, từng giảng dạy Trung học tại tỉnh Vĩnh Long; sau 1975, định cư tại London, ông từng làm việc cho các tổ chức British Refugee Council, Refugee Action, Save The Children Fund, trước khi trở lại ngành giáo dục và làm việc tại Phòng Giáo Dục quận Lambeth, thuộc London, Anh quốc.

Tham khảo: (*) https://www.economist.com/asia/2023/06/29/why-are-vietnams-schools-so-good

(**) https://clarivate.com/lp/global-research-report-on-south-and-southeast-asia/

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...