Friday 21 October 2022


Giáo sư NGUYỄN VĂN TRUNG 
(1930-2022)


 Giáo sư Nguyễn Văn Trung vừa qua đời hôm 19/10/2022. Ông là một khuôn mặt lớn của sinh hoạt văn hoá miền Nam trong suốt 21 năm tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng Hoà (1954-1965). Sau 1975, ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá, phần lớn vẫn còn ở dạng bản thảo.

Trong thời gian làm chủ bút trang báo mạng Thông Luận (2005-2011), chúng tôi có biên tập, hiệu đính và giới thiệu tập Hồ sơ Lục Châu Học mà ông hoàn tất đã lâu nhưng chưa có cơ duyên xuất bản. Phiên bản đăng trên Thông Luận có một số khác biệt với bản in trong nước gần đây, cụ thể là chúng tôi bổ sung phần viết về truyện Thầy Lazaro Phiền mà Gs Trung xác định đó là một phần trong bản thảo Lục Châu Học.
Nay thì giáo sư Trung đã ra đi nhưng sự nghiệp văn hoá của ông còn mãi. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh hồn giáo sư.
*
Thầy Trung tại Strasbourg (Pháp), 2003

Thầy Trung tại nhà (Montreal, Canada), 2005


Dưới đây chúng tôi xin trích lại Lời Giới Thiệu bản hiệu đính Lục Châu Học trên báo mạng Thông Luận, trong đó chúng tôi có nêu lại những nét lớn của một sự nghiệp văn hoá mà giáo sư cống hiến cho sinh hoạt học thuật Việt Nam nửa sau thế kỉ XX.



HỒ SƠ VỀ LỤC CHÂU HỌC
Dựa vào sách báo văn, sử, tôn giáo bằng chữ quốc ngữ
xuất bản ở miền Nam (1865-1930)
TÌM HIỂU CON NGƯỜI Ở VÙNG ĐẤT MỚI
Nguyễn Văn Trung

 Lời giới thiệu:


Giáo sư Nguyễn Văn Trung là một khuôn mặt quen thuộc của sinh hoạt học thuật tại Sài Gòn suốt những thập niên 1950, 1960 và 1970. Ông đã tạo được những ảnh hưởng sâu rộng trong sinh hoạt tri thức thời đó là do ông là một giáo sư đại học nổi tiếng, lại viết và xuất bản đều đặn nhiều công trình nghiên cứu có những khám phá mới mẻ, và còn là người hoạt động báo chí rất bền bỉ. Nhưng giới trí thức trẻ ở Sài Gòn ngưỡng mộ ông là qua những công trình học thuật giàu chất cấp tiến, luôn mang tính cách “đặt lại vấn đề”.


Phong cách trí thức đó đã không biến ông trở thành một trí thức miệt mài với sách vở mà xa cách hiện thực sống động của xã hội miền nam lúc đó. Ông là người chủ suý của những diễn đàn trí thức dấn thân tại miền Nam thời kì chia cắt đất nước. Quan điểm văn hoá và chính trị của ông được phổ biến sâu rộng cũng là qua các diễn đàn đó, từ Đại Học (1957), đến tập san ronéo Hành Trình (1964-65), rồi Đất Nước (1966), Trình Bày (1967-72), ông đã là một khuôn mặt trí thức dấn thân tiêu biểu của miền Nam trong suốt thời kì dài.
Sau năm 1975, người trí thức dấn thân trước kia sớm bị “đặt trong tầm ngắm" của giới lãnh đạo chính trị mới, và do vậy đã gặp nhiều khó khăn trong công việc giảng dạy và nghiên cứu. Mặc dầu vậy, ông vẫn giữ phong thái tích cực của người trí thức, và sẵn sàng góp lời “thanh nghị” khi người ta cần.

Trong sinh hoạt riêng tư, giáo sư Trung vẫn không ngừng đam mê viết và nghiên cứu. Khối lương công trình nghiên cứu của ông thời kì sau 1975 cũng phong phú không kém thời trước 1975, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn.
Điểm nổi bật từ các công trình nghiên cứu thời gian sau 1975 là ông có thay đổi quan điểm trước một số đề tài. Ông trở nên khoan dung hơn đối với những nhân vật mà trước kia ông phê phán rất nghiêm khắc (như trường hợp Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Nhu…) Một nét khác nữa, là ông có nhiều điều kiện thời gian và phương tiện để tìm “về nguồn”. Ông say mê khai quật lại những kho tàng văn hoá dân gian và truyền thống mà trước kia con người trí thức tây học cấp tiến và theo chủ trương hiện đại trong ông chưa từng tìm hiểu nhiều. Một số công trình về luận lí dân gian trong kho tàng câu đố, về nghệ thuật ẩm thực truyền thống, về Lục châu học, và một đề án nghiên cứu liên văn bản… là những thành tựu đáng chú ý. Chính trong thời gian về nguồn này, giáo sư Trung đã phát hiện một số điều rất quan trọng có ý nghĩa đảo lộn những điều trước nay thường được học giới chấp nhận như là đương nhiên. Có thể nói, Gs. Nguyễn Văn Trung luôn luôn là một người khám phá những điều mới lạ trên hành trình trí thức của mình.
Phần lớn những công trình nghiên cứu của ông sau 1975 đều còn ở dạng bản thảo. Hẳn nhiên là trong thời gian biên soạn, ông từng có chia sẻ thành tựu nghiên cứu với đồng nghiệp trong môi trường nghiên cứu và giảng dạy đại học ở trong và ngoài nước. Nhờ thế mà một số luận điểm nghiên cứu của giáo sư Trung đã được công chúng nghiên cứu biết đến, mặc dù không thật đầy đủ.
Để giúp bảo tồn và phổ biến những công trình văn hoá như công trình Hồ sơ về Lục Châu Học mà ông đã cơ bản biên soạn xong từ năm 1986, được sự đồng ý của giáo sư Nguyễn Văn Trung, Thông Luận hân hạnh chuyển đến bạn đọc khắp nơi công trình văn hoá học đồ sộ của ông, và mong được những nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm và tìm tòi thêm về Lục Châu Học này.
Ghi chú về việc biên tập: Chúng tôi hiện có trong tay bốn bản thảo Lục Châu Học: một bản thảo đánh máy có nét chữ viết tay tác giả sửa, thêm, bớt, ngoài lề trang giấy khi đọc lại bản thảo đánh máy, và ba bản gõ trên computer. Xét ra thì các bản gõ trên computer chỉ là các dị bản từ một bản gốc, vì có cùng một số những sai sót giống nhau. Chúng tôi dùng bản thảo đánh máy làm bản khung để đối chiếu và hiệu đính những chỗ đánh máy sai, và kiểm chứng văn liệu trong trường hợp cần thiết. Công việc này là rất cần thiết, vì bản thảo được đánh máy do những người không chuyên trong ngành nên có nhiều sai sót không đáng có.
Chúng tôi cũng sử dụng một bản in ronéo tập Truyện ngắn sớm hơn cả viết theo lối tây phương: Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (Sài Gòn, 1987) trong khi hiệu đính văn bản lần này. Theo tác giả thì tập này là một phần của bản thảo Lục Châu Học, nhưng tập bản thảo chúng tôi có không thấy phần này.

                                                                             Phạm Đỉnh

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...