Saturday 4 January 2020




nói thêm về chữ i và y trong chính tả tiếng Việt
Đoàn Xuân Kiên



Tôi bắt đầu có ý kiến về chuyện i và y từ khi viết bài "Chữ quốc ngữ qua những biển dâu" (1991): http://www.xn--phtnh-s81bqb.com/2017/09/chu-quocngu-qua-nhungbien-dau-oan-xuan.html. Khi viết bài "Chữ i và y trong chính tả tiếng Việt" (1998): http://www.xn--phtnh-s81bqb.com/2017/09/chu-i-va-y-trong-chinh-ta-tieng-viet.html, tôi đã duyệt lại vấn  đề này từ góc nhìn lịch đại và đặt lại một vấn đề chuẩn hoá  chính tả. Có những học giả đây đó đọc bài của tôi lại xem đó là một thứ hô hào "cải  cách", "cải tiến"  - điều tôi không hề nghĩ tới. Có những người khác lại mải miết đem một số kiến thức giáo khoa ngữ học ra có ý thể thao chữ nghĩa cho vui câu chuyện. Liên tiếp trong mấy bài viết, tôi chỉ nhìn lại những bất nhất trong chính tả hiện hành do thiếu tôn trọng những quy ước của chính hệ thống chính tả hiện hành. Thế thôi. Và tôi quy trách nhiệm lên ba thành phần xã hội: nhà  nước - thông tấn & xuất bản sách báo - nhà trường, trong việc thả nổi chính tả tiếng Việt đã rất lâu dài. Thay vì cùng nhìn lại nghiêm chỉnh một vấn đề tồn tại do chính sự vô trách nhiệm của xã hội chúng ta thì có những người gọi là trí thức chỉ làm rối nát thêm để chạy tội cho nhà nước và cho chính họ. Một chứng liệu mới nhất là quyển sách của Cao Tự Thanh về chuyện iy. Người viết thiếu kiến thức về ngữ học, không hiểu lịch sử chữ quốc ngữ, cũng chẳng hiểu gì về hoạch đinh chính sách ngôn ngữ quốc gia, nhưng lại cao ngạo và đưa đẩy chuyện chuẩn hoá chính tả vào hoả mù. (Xem: Cao Tự Thanh, I và Y trong chính tả tiếng Việt. Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2014)Quan điểm của tôi vẫn không thay đổi: cần một thay đổi tư duy của những kẻ có trách nhiệm chứ không nên và không thể quy trách nhiệm cho "chữ quốc ngữ". Những bài viết dưới dạng tranh biện dưới đây vừa tìm thấy lại cũng có thể xem như chút lòng gứi lại những người mai sau.


1.

Trên diễn đàn Talawas (1), anh Vũ Dũng có đặt lại vấn đề một số vấn đề liên quan đến chính tả tiếng Việt, trong đó có chuyện "I dài I ngắn". Trước anh, đã nhiều người bàn về chuyện chữ I và Y. Có người đề nghị thay đổi cách viết vì hợp lí hơn, có người cho rằng phải sửa lại cho đúng cách viết truyền thống. 
Trong bài viết khá công phu, anh Dũng đã tìm cách giải quyết vấn đề bằng lối dùng kĩ thuật vi tính để thay thế y bằng i trong một số cấu trúc vần. Cần nói ngay là biện pháp máy móc này không xác đáng, vì anh đã sử dụng một số cấu trúc rất hình thức, chẳng hạn: iay, iai… Kế nữa là thiết tưởng chúng ta không nên bàn đến chuyện "có cần thay thế, và có thể thay thế" hay không, mà nên giải quyết theo hướng: "tại sao phải sửa đổi một vài lối viết (chứ không nhất loạt thay thế) chữ và y ?"
Sách báo trong nước và hải ngoại thỉnh thoảng vẫn đặt vấn đề theo hướng nói trên. Chẳng hạn trong mục "Bạn Đọc Viết" trong tập san Thế Kỷ 21 số 111 (tháng 7.98) có đăng ý kiến một độc giả về chuyện này. Đại khái các ý kiến có thể tóm trong mấy ý như sau: (1) viết i trong một số trường hợp "làm vướng mắt người đọc"; (2) cách viết đổi y thành i là sự cưỡng bức từ nhà nước Hà Nội đối với miền Nam; (3) viết i trong một số trường hợp là cải cách hay một cách viết cho "lạ" để độc giả chú ý đến bài viết hoặc tờ báo. 

Để trả lời những thắc mắc nêu trên, trước nay chúng ta thường nghĩ đơn giản như ban biên tập tạp chí Thế Kỷ 21 khi cho rằng: (1) tiếng Việt có thể chấp nhận cả I và Y trong một số trường hợp; (2) "và cũng không có luật chính tả nào quy định chữ nào thì phải dùng I, chữ nào phải dùng Y để diễn tả âm I"; (3) nhưng có một "trường phái" muốn thống nhất cho tiện; (4) "công việc vận động này đã có từ ba bốn thập niên, nhưng chưa tới đâu, vì tuy hợp lý nhưng không thắng được thói quen". 

Nói chung thì cho đến nay, người mình thường xem chuyện "I dài I ngắn" chẳng qua cũng chỉ là thứ nhiễu sự chữ nghĩa cuả mấy thầy đồ gàn.

2.

Trước hết, chúng tôi thấy cần đính chính rằng chuyện dài về chữ i và đã tròn thế kỉ rồi chứ chẳng phải là gần đây mới có chuyện này. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1902. Năm đó có mở một Hội Nghị Khảo Cứu Viễn Đông, trong đó có một Uỷ ban xét việc sưả đổi chữ quốc ngữ. Uỷ ban này đã đệ trình một bản đề nghị lên chính phủ thuộc điạ để chuẩn y. Bản đề nghị rất dài cuả Uỷ ban này có nói đến việc sưả đởi cách viết chữ và y đại khái như sau: "Uỷ ban cũng nghĩ rằng ta phải bỏ hẳn thói quen mà vài tác giả vẫn có., trái với phương pháp do cố De Rhodes đặt ra, là thay y vào chỗ cuả i trong một số trường hợp (chẳng hạn kylymy) mà không có gì chứng minh được". Bài tường trình đầy đủ về những đề nghị cuả Uỷ ban sưả đổi chữ quốc ngữ này được đăng trong Kỉ Yếu Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. (Xem: "Compte-rendu du premier Congrès international des Etudes Extrême-Orient", in trong BEFEO, tome III, 1902, tr. 126-127.) Nói cách khác những nhà trí thức dạo ấy đã chủ trương khôi phục lại cách chính tả hai chữ i và mà họ xem là những nguyên tắc chính tả "truyền thống" từ thời mới hình thành chữ quốc ngữ.
Như thế thì chắc những vị đó không phải là những kẻ hiếu sự, thích lập dị để gây chú ý cuả công chúng đâu. Việc làm như thế hẳn phải là rất có ý thức. Sở dĩ gần một thế kỉ qua, việc chưa đi đến đâu, thì chẳng phải vì "không thắng được thói quen" đâu, mà là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là đất nước mình thiếu một chính sách ngôn ngữ hợp lí. Thật ra thì chuyện chính tả tiếng Việt đã tốn khá nhiều giấy mực, nhưng cho đến nay vẫn chỉ là giữa những người sử dụng chữ viết hoặc dăm ba nhà nghiên cứu mà thôi. Cuộc thảo luận chưa có nhiều cơ duyên đến với những người có trách nhiệm trực tiếp đến chính sách ngôn ngữ. Chính vì có sự can dự của những người làm chính sách nên mới có trường hợp nước Đức mà anh đưa ra như một minh chứng cho sự thành công của việc cải cách chữ viết.

Ai trong chúng ta cũng có thể đã hơn một lần để ý thấy những điều "bất hợp lí" trong cách viết chính tả tiếng Việt, vì chúng đi chệch khỏi nguyên tắc chính tả ghi âm của "chữ quốc ngữ". Một trong những điều bất hợp lí ấy là vấn đề chữ i và y. Trong số những điều bất hợp lí kia, có những điều đã đi vào tập quán ngôn ngữ: chẳng hạn, chúng ta có bài và bày, khi nói ra chỉ khác nhau ở âm chính a đọc bình thường, và ă là thể ngắn cuả a. Thế nhưng khi viết, thể ngắn cuả âm chính đã chuyển trách nhiệm về âm cuối i và để phân biệt a ngắn và a dài.
Tuy nhiên, cũng có những bất nhất tạo ra do sự nhầm lẫn hay tuỳ tiện của một số người biên soạn từ điển và sách báo. Để tiện theo dõi, xin bắt đầu từ cái mốc năm 1651. Năm 1651 đánh dấu sự ra đời của bộ từ điển Dictionarium Annamiticum-Lusitanum et Latinum (thường gọi là Từ điển Việt-Bồ-La) của Alexandre de Rhodes. (Xin xem các phân tích chi tiết trong bài viết "Chữ i và y trong chính tả tiếng Việt"http://www.xn--phtnh-s81bqb.com/2017/09/chu-i-va-y-trong-chinh-ta-tieng-viet.html).
Chúng tôi nhận thấy là ẩn dưới mớ bòng bong tùy tiện về cách viết hai chữ và y, có một nguyên tắc chung mà người viết chữ quốc ngữ từ thời Alexandre de Rhodes đến thời chúng ta đều thừa nhận. Nguyên tắc đó gồm có năm điểm như sau:

Chỉ viết y trong những trường hợp sau đây:
1.   khi tổ hợp âm / iê / ở đầu một tiếng. Ví dụ: yên, yêu, yết.
2.   trong các tổ hợp âm chúm môi / ui / và / uiê / (viết là uy, uyê, uya). Ví dụ: uy, chuyện, khuya, nguy, tuy.
3.   ở sau âm ngắn của a [ trong chính tả hiện nay cũng viết bằng đồ vị / a/ ] và âm ngắn của ơ [tức là đồ vị /â/ ]. Ví dụ: cay, dày, may, cây, đây, mây.

Chỉ viết i trong những trường hợp sau đây:
4.   khi âm / i / là nguyên âm, hay là phần âm chính của âm tiết. Ví dụ: ỉ, bí, chim, hí, kìm, lì, lính, sĩ, tị, vì, vinh.
5.   khi âm / i / là âm cuối, đứng sau phần âm chính ở thể thường, để khép âm tiết. Ví dụ: ngùi, đói, người, củi, hời, trai.

Xem thế thì không phải là tiếng Việt chúng ta không có "chuẩn" nào, không có nguyên tắc chính tả nào. Những ngoại lệ ít ỏi trong chính tả là những hiện tượng thông thường, ngôn ngữ nào cũng có. Nhưng hiện tượng i và y không thế. Chúng tôi nhận thấy là những hiện tượng bất nhất về i và y hoàn toàn là do sự tuỳ tiện kéo dài quá lâu.
Những tìm tòi vừa kể sẽ có ý nghĩa cho những ai có trách nhiệm (những người quản lí vấn đề chính sách ngôn ngữ quốc gia, báo chí & xuất bản, và nhà trường) để góp phần vào tiến trình chuẩn hoá ngôn ngữ. Có thể trong tương lai xa - khi chúng ta có được một chính quyền dân chủ thật sự, và các nhà chính trị biết lắng nghe người trí thức để có chính sách ngôn ngữ, có thể năm quy tắc kia sẽ được đặt trở lại nghiêm chỉnh chăng. Nhưng đó là chuyện về sau. Trong điều kiện hiện nay, năm quy tắc đó có thể rút xuống mức thấp nhất những rối rắm về chính tả chữ i và y mà nguyên nhân chính là việc dùng một đồ vị để ghi hai âm vị khác hẳn nhau: i/y đều dùng để ghi nguyên âm / i / và âm cuối / j /. Sự lẫn lộn này đã có từ thời De Rhodes chứ không phải hoàn toàn là do người đi sau.

3.

Trước nay các bộ từ điển tiếng Việt được biên soạn tuỳ theo quan điểm chính tả cuả các soạn giả. Duy có bộ Việt Nam Tự Điển do Hội Khai Trí Tiến Đức biên soạn (Trung Bắc Tân Văn xuất bản, Hà Nội 1931) là theo sát nguyên tắc chính tả chữ i và y như nêu ra trong Bảng trên đây. Uy tín và giá trị học thuật cuả bộ từ điển này đã góp phần rất nhiều cho những công trình tiếp nối về sau này.
Thời gian sau 1975, cuộc giao lưu văn hoá-xã hội lớn lao giữa hai miền Nam-Bắc đã tác động đến ngôn ngữ phổ thông rất nhiều. Và hẳn nhiên cuộc giao lưu này đã không tránh được nhiều chuyện lố bịch, trong đó có những kiểu dùng từ ngữ lạ tai so với thói quen ở trong Nam. Có lẽ cũng là tâm lí dễ hiểu khi có nhiều người ở miền Nam cho rằng lối viết chữ i và y "lạ mắt" là do sự cưỡng bức cuả chính quyền Hà Nội đối với công chúng miền Nam. Nhưng nói thế thật oan cho công phu của một số học giả Nam Bắc đã đi bước tiên phong trong việc "cải cách" chính tả mà chúng ta đang bàn ở đây.
Xin nhắc lại trường hợp đi tiên phong trong việc định chuẩn mực cho cách viết i và y trong bộ từ điển Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931). Lật lại một số trang sách in tại miền Nam trước 1975 ta thấy một số tác giả in sách ở Sài Gòn đã có ý thức rất cao trong việc định "chuẩn" chính tả tiếng Việt. Từ nhà báo Nguiễn Ngu Í (một biên tập viên chính của tạp chí Bách Khoa nổi tiếng suốt thời kì 1956-1975), đến Gs. Trần Ngọc Ninh (nhà bác học Việt Nam, giáo sư y khoa và từng là Phó Thủ Tướng đặc trách văn hoá-xã hội năm 1965), từ Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê đến Hoàng Xuân Hãn, những vị này đã thật sự là những cánh én đầu muà đối với việc chỉnh đốn chính tả chữ quốc ngữ tại miền Nam suốt thời kì 1954-1975. Một vị khác tại miền Nam cũng bỏ rất nhiều công lao tìm hiểu và hô hào việc gìn giữ lối viết chính tả i và y suốt từ 1958 đến nay, là Nguyễn Khắc Xuyên.
Chúng tôi kê ra đây những quyển sách in của các vị vừa nhắc tên, trong đó các vị áp dụng lối viết chữ và y như nói đến ở đây. Nguiễn Ngu Í là tác giả quyển Sống Và Viết Với… do nhà xuất bản Ngèi xanh xuất bản tại Sài Gòn (1965). Trần Ngọc Ninh viết và giảng về văn hoá Việt Nam tại Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn). Hai công trình đã xuất bản là Đức Phật Giữa Chúng Ta (Lá Bối, 1972) và Cơ Cấu Việt Ngữ (Lửa Thiêng, 1973-74). Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê là tác giả bộ sách lớn: Khảo Luận về Ngữ Pháp Việt Nam (Đại Học Huế xb, 1963). Hoàng Xuân Hãn in quyển Bích Câu Kì Ngộ (Đại Học Huế, 1964). Nguyễn Khắc Xuyên đã nhiều lần xem xét vấn đề chính tả chữ i và y qua các bài viết của ông. Xem: Nguyễn Khắc Xuyên, "Chung quanh vấn đề thành lập chữ quốc ngữ" in Văn hoá nguyệt san số 39 (1959), tr. 167-177 và số 48 (1960), tr. 1-14, "Nguồn gốc hai chữ i và y trong quốc âm" in Văn hoá nguyệt san số 61 (1961) tr. 519-526, và gần đây nhất là bài "Về i hay y trong chính tả việt ngữ" in Văn học (California) số 75 (th.7.1992), tr.3-13.
Trang sách in và bài báo của các vị đều rất nhất quán với năm nguyên tắc ghi ở bảng trên đây. Trong khi đó thì tại miền Bắc không hề có một nhà trí thức uy tín nào làm một việc như thế. Dăm ba học giả tại Viện Ngôn Ngữ Hà Nội viết bài nghiên cứu, nhưng mấy quan chức ở Viện (chẳng hạn như ông viện trưởng Hoàng Tuệ) thì vẫn tuyên bố thản nhiên là có thể chấp nhận cả và y! (Hoàng Tuệ "i hay y ?", báo Văn Nghệ, số 46 (18/11/1995), tr. 5). Một nhà ngôn ngữ học nổi danh khác cũng mới lên tiếng trong bài nhận xét về chữ quốc ngữ của ông, đại khái là ông không chấp nhận có thay đổi gì cả. (Cao Xuân Hạo "Mấy nhận xét về chữ quốc ngữ" in trong tuyển tập Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Hà nội: nxb. Giáo Dục, 1998, tr. 157-161). Ý chừng ông cho rằng trong ngôn ngữ, chẳng có gì qua thói quen tập thể? Nhưng mà nói cho cùng, nước mình mới thật sự dùng chữ quốc ngữ với tư cách là chữ viết chung cho cả nước, là kể từ năm 1945. Trước đó tiếng Việt còn chưa được kể là môn học chính thức, làm gì có thể gọi là có quy củ, có chính sách để có thể gọi một thói quen là thói quen tập thể? Tôi rất hoài nghi lập luận này, dựa trên một chứng cứ rất hiển nhiên: hai quyển từ điển Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức và Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh cùng ra đời một năm (1931) mà lại theo hai thói quen trái ngược khi viết chữ i và y (chứ không phải là dùng tuỳ tiện, tự do như thường thấy).

Cho nên, mãi đến năm 1984 nhà cầm quyền Hà Nội mới ra quyết định về chính tả bằng quyết định 240/QĐ kí ngày 5.3.1984 thì phải nói đó là một quyết định đúng. Chúng tôi nghĩ rằng làm như thế là chính quyền đã phải công nhận việc làm của những người tiền phong ở miền Nam trước 1975 và những nhà tiền phong trước kia là đúng. Thế nhưng cũng rất là khôi hài nếu chúng ta biết được sự thật này: ngoài một số sách giáo khoa bậc phổ thông tiểu học và trung học, cho đến nay các trang sách báo in ở trong nước vẫn không thèm đếm xỉa gì đến nguyên tắc chính tả ghi trong Quyết Định vừa nói. Hãy cứ lật bất cứ trang sách báo in ở trong nước sẽ thấy rõ điều này. Cho nên chúng tôi tưởng là không riêng gì người mình ở hải ngoại không thấu suốt vấn đề như anh Dũng nghĩ đâu. Đấy là một vấn đề của chung cả nước, bao gồm cả trong nước lẫn bên ngoài. Đối với một vấn đề như thế này, chúng ta hãy thận trọng hơn khi quy "công lao" cho những người không có công trạng gì. Vả chăng, không phải cái gì "lạ mắt" cũng là "sản phẩm của Việt Cộng", của Hà Nội hết cả. Bộ từ điển Việt Nam Tự Điển (1931) nào có liên hệ gì đến Việt Cộng mà vẫn nhất quán lối viết chữ và y?

4.

Có người sẽ nghĩ rằng những chuyện như chúng ta đang bàn đây là việc cuả mấy ông hàn lâm chứ không phải việc của một vài cá nhân. Tuy nhiên, Viện Hàn Lâm là một cơ chế tổ chức của các vị trí thức giỏi chữ nghĩa, thì hiện nay chưa có. Và cứ cái chiều hướng như thế này, việc định chuẩn ngôn ngữ có lẽ cũng còn lâu lắm. Đất nước chúng ta hiện nay có hiện tượng lạ lùng là thả nổi ngôn ngữ, mạnh ai nấy đặt ra chữ nghĩa bất chấp luật lệ. Chẳng hạn kiểu dùng từ ngữ sặc mùi lính tráng trong ngôn ngữ hằng ngày: "tiến công vào trận địa khoa học". Hoặc kiểu nói chắp vá hán việt và thuần nôm: siêu sao. Hoặc nữa là hiện tượng sản sinh vô tội vạ loại tiếng lóng, kiểu như "anh ta còn máu lắm", "Sao mà Quát lắm thế ! Xin hãy Khiêm cho một tí !" … Cứ theo cái đà loạn ngôn ngữ như thế thì không lạ gì người mình đang 'choáng' trong những cơn say "bùng nổ" (?) phát triển, trong sinh hoạt báo chí người ta còn mải vinh danh các "siêu sao người mẫu" (!), người ta đua nhau sáng tạo từ ngữ bất chấp quy luật tạo từ của tiếng Việt. Liệu có thể trông mong gì lúc này một viện hàn lâm giúp đỡ cho thế hệ con em chúng ta hay chăng? Chúng tôi không lạc quan đợi viện hàn lâm đâu, vì rằng thế kỉ XX đã có rất nhiều cơ hội để các vị hàn lâm ngồi lại làm việc. Tiếc thay, bàn cãi thì nhiều mà một nghị quyết đủ thẩm quyền thì quá hiếm hoi. Liệu chúng ta có thể đợi các ông hàn bàn cãi thêm một thế kỉ nữa hay không ?
Tưởng cũng nên nói thêm là: chúng ta đang bàn chuyện chỉnh đốn chính tả tiếng Việt khỏi căn bệnh tuỳ tiện, chứ không phải là chuyện "cải cách chính tả", hoặc chuyện "thay đổi chữ viết". Không một ai có thể bắt ép một cộng đồng ngôn ngữ phải "cải cách" hay phải "thay đổi" một cách chấp định cả. Nếu chính tả tiếng Việt đã được định chuẩn qua thời gian thì chúng ta phải theo tập quán ngôn ngữ thôi. Nhưng trường hợp chính tả tiếng Việt khác rất xa trường hợp tiếng Anh hay tiếng Đức. Khi hô hào cải cách chính tả tiếng Anh theo kiểu những nhà cách mạng kiểu trường phái phiên âm quốc tế thì lố bịch là phải. Nhưng khi chúng ta bàn chuyện chỉnh đốn chính tả tiếng Việt thì đó là vấn đề khác hẳn.
Trong suốt ba trăm năm hình thành và phát triển, hệ thống "chữ quốc ngữ" chẳng lúc nào được san định chuẩn mực cả. Dọc dài ba thế kỉ XVII, XVIII và nhất là XIX, các nhà soạn sách và từ điển (phần lớn là người phương tây) tuỳ tiện theo thói quen của mình mà tạo ảnh hưởng lên thói quen quần chúng rải rác tại các xóm đạo hay chủng viện, rồi sau này là những trường dạy tiếng Việt tại địa phương. Đến năm 1945 tiếng Việt mới chính thức là chuyển ngữ trong xã hội. Các chính quyền tiếp nhau đều không đưa ra được một chính sách ngôn ngữ xác đáng. Các nhà trí thức cũng không quan tâm đúng mức đến cội nguồn vấn đề. Một tập quán 60 năm do kết quả của căn bệnh tuỳ tiện thì chưa thể gọi là một tập quán ngôn ngữ cần tôn trọng. Huống nữa, đối với vấn đề i và y thì không phải chỉ có một thói quen mà có nhiều thói quen cùng một lúc. Vậy thì phải định chuẩn trước khi đặt vấn đề tôn trọng chuẩn nào.
Việc sử dụng ngôn ngữ là của mọi chúng ta. Việc chăm lo giữ gìn nó là trách nhiệm chung của mọi người. Nếu người nghiên cứu có thể đưa ra những luận điểm xác đáng thì sẽ là những gợi ý tốt cho những ai quan tâm đến việc chính tả tiếng Việt (người quản lí chính sách ngôn ngữ, báo chí, nhà trường). Họ sẽ làm những phần việc tiếp theo trong phạm vi chức năng của họ. Những tìm tòi về ngôn ngữ như thế sẽ không là những việc làm vô ích, mà sẽ có góp phần vào việc thúc đẩy sinh hoạt ngôn ngữ tiến bộ. Trên bình diện quốc gia, một cải cách ngôn ngữ hợp lí vẫn có thể thực hiện được nếu có được một kế hoạch hoạt động nhịp nhàng giữa nhà nước, nhà trường và báo chí truyền thông. Về vấn đề này, đã có những kinh nghiệm từ các nước có đầu tư vào việc chuẩn hoá ngôn ngữ, trong đó có kinh nghiệm của một số nước thuộc thế giới thứ ba. (Xin xem: Rubin & Jernudd (eds) (1971) Can Language Be Planned? Honolulu: An East-West Center Book).

5.

Hiện nay thì bệnh tuỳ tiện dường như đã trở thành bất trị, cho nên có người đã đồng hoá bệnh tuỳ tiện này với "tập quán ngôn ngữ;" hậu quả là những người có trách nhiệm đều lẩn tránh trách nhiệm, thả nổi việc sử dụng ngôn ngữ. Chính sự kiện thả nổi tuỳ tiện này đã dẫn đến những lúng túng cho những ai quan tâm đến giáo dục lớp trẻ - nhất là lớp trẻ tại hải ngoại.*
Đoàn Xuân Kiên
Talawas, ngày 01/07/2002

(1) Xem: Dũng Vũ, "Tiếng Việt - Vài vấn đề chữ viết". Talawas, ngày 22/06/2002http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=53&rb=06


* Sau khi tôi viết bài "Nói thêm" trên đây, anh Dũng Vũ lại có bài thảo luận thêm nữa.  Xem: Dũng Vũ, "Trả lời anh Đoàn Xuân Kiên về "y" và "i". Talawas, ngày12/7/2002. Vì thế lại có bài "thảo luận" dưới đây. Xin tham khảo bài viết của anh Dũng Vũ trên trang talawashttp://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=54&rb=06




Thảo luận cùng anh Vũ Dũng
Đoàn Xuân Kiên


1. Mới đây anh Vũ Dũng có viết bài gọi là để trả lời tôi về vấn đề chính tả chữ i và y. Anh cho rằng bàn về ngôn ngữ thì cần chính xác và khoa học. Trên tinh thần mà anh muốn đề nghị, tôi cũng xin bàn thêm về bài "nói thêm" đã phổ biến trên Talawas hôm 1/7/2002.

Trước tiên, tưởng cũng nên nói lại cho rõ là trước nay khi bàn về chuyện chính tả "i dài i ngắn", tôi không nghĩ là có ai lại muốn tạo cơn bão trong tách trà. Sự thực là nó có vấn đề, và từ trăm năm nay đã xảy ra nhiều đợt thảo luận rồi. Cho nên hôm nay chúng ta có kế thừa vấn đề này thì cứ bàn luận thêm để phát triển những tìm tòi mới. Không nên vừa bàn về nó lại vừa cho rằng vấn đề này không đáng bàn. E thiếu tinh thần khoa học. Sau nữa, anh cho rằng tôi xem xét vấn đề nghiêng theo hướng ngữ âm học. Đây là sự hiểu lầm, vì bài của tôi bàn về một vấn đề chính tả. Tuy bàn về vấn đề chính tả (nghĩa là viết đúng theo một chuẩn mực nào đó), tôi xem xét vấn đề có phần khác những vị khác ở chỗ là tôi nhìn vấn đề dưới ba khía cạnh:
(a) trước hết là đặt nó vào trong chiều lịch sử để cố nhận ra sự lộn xộn trong lối viết chữ i và y qua thời gian kể từ thời các nhà sáng chế chữ quốc ngữ;
(b) kế đó là tôi cần xem lại vấn đề chính tả trong mối quan hệ với ngữ âm để nhận diện những sai chệch giữa ngữ âm và chữ viết;
(c) và cuối cùng tôi xem xét vấn đề dưới lăng kính của vấn đề chuẩn hoá ngôn ngữ để nhận ra ý nghĩa xã hội và vai trò của xã hội đối với vấn đề chính tả i và y.

Bàn về các vấn đề liên quan đến chữ quốc ngữ - một hệ thống chữ viết theo lối ghi âm - thì nhất thiết phải xét đến mối quan hệ ngữ âm và chữ viết; tuy nhiên nếu chỉ bàn về nó trên cơ sở thuần ngữ âm thì sẽ không lí giải được những sai chệch giữa âm và chữ vì lí do là hệ thống chữ quốc ngữ ra đời trong điều kiện là những nhà sáng chế là những nhà truyền giáo nước ngoài từ nhiều cộng đồng ngôn ngữ khác nhau (Latin, Bồ Đào Nha,Tây Ban Nha, Pháp) đã dựa theo ngôn ngữ của họ mà đặt ra những lối viết nay đã trở thành quen thuộc mặc dù ngày nay ta thấy chúng không thật theo sát quy tắc ngữ âm.

2. Bài trả lời của anh Dũng đưa ra bốn thực nghiệm ngữ âm. Về việc lựa chọn các thực nghiệm, tôi có ý kiến hơi khác với anh. Nếu muốn soát xét lại vấn đề i và y trên cơ sở ngữ âm thì tôi sẽ phác ra một vài tiêu chuẩn và phương hướng tìm tòi trước khi đi vào thực nghiệm. Ở đây cần nhận rõ là chữ i và y là hai đồ vị (grapheme) để ghi lại hai âm (phoneme) / i / khác hẳn nhau: một âm / i / là nguyên âm đóng vai trò âm chính trong âm tiết tiếng Việt, âm / j / kia là một âm cuối luôn luôn đặt sau âm chính để khép âm tiết lại.

Phân định hai âm / i / và / j / như thế thì có thể nhận ra ngay rằng ba trong số bốn thực nghiệm ngữ âm của anh Vũ Dũng chỉ liên quan đến âm / j / là âm cuối (Hình 1 và hình 2: AIAY2, hình 3: AYAY1). Những thực nghiệm này chỉ có ý nghĩa xác nhận lại chức năng âm cuối của âm / j / mà lâu nay vẫn được viết bằng chữ y và i. Nhưng vấn đề không phải là bản chất của các âm / j / đó, mà là chính tả của những âm ấy ra sao. Trước nay không thấy có tranh luận gì về các đồ vị y và trong trường hợp này. Hai chữ cái này dùng để ghi hai âm cuối / j / khi kết hợp với hai nguyên âm / a / dài và ngắn, không có sự lẫn lộn nào. Và vì thế cũng chưa thấy ai đặt vấn đề thay thế chúng. Trong bài trước tôi cũng ghi nhận hai "quy tắc" (3) và (5):
(a) "quy tắc 3: khi âm chính của âm tiết là một nguyên âm ngắn thì chữ quốc ngữ hiện nay đều chọn viết bằng y: rày, rảy, thay, nấy, đứt dey (dây), ley, léy (trong từ điển De Rhodes);
(b) "quy tắc" 5: khi âm chính là một nguyên âm dài thì chữ quốc ngữ đều nhất loạt viết i. Ví dụ: bói, xôi, ngôi, nuôi, ủi, uoi (voi) (trong từ điển De Rhodes).

Do vậy, những thực nghiệm ngữ âm về hai âm cuối do anh Dũng đưa ra thật ra không cung cấp thêm thông tin mới nào để xem xét lại vấn đề chữ y và i trong trường hợp này cả về mặt ngữ âm cũng như về mặt chính tả.

Cũng xin bàn thêm cùng anh Vũ Dũng về mấy điểm dưới đây trong đoạn phân tích về tần số âm học của "y" và "i" khi đi sau nguyên âm / a / : trước hết, anh Vũ Dũng đã chỉ nhìn về chính các âm / j / đó mà không quan tâm đến sự kết hợp giữa chúng và hai âm / a / khác nhau nên đã dẫn đến sự khác nhau giữa hai âm / j / này. Sau đó, anh kết luận như sau: "y" mô tả âm /i/ rõ hơn "i" (vì tần số cao hơn), và do đó đáng được dùng để mô tả / i / như một trong âm hơn là dùng "i". Có hai điều xin được góp ý với anh: một là tần số của âm / j / đi sau âm a ngắn có phần trội hơn âm / j / đi sau âm / a / thường; nhưng chúng đều là những âm cuối mà thôi, cho nên độ vang của nó kém xa âm / i / là âm chính; hai là âm / i / là âm chính thì dù là có âm phụ đầu và âm phụ cuối đi kèm hay không đều có tần số cao xấp xỉ ngang nhau và khác xa hai âm cuối / j /.

Cũng từ điều trên đây, tôi thấy khó có thể dùng cứ liệu thực nghiệm về hai âm cuối / j / để nói về âm chính / i / như khi anh phát biểu:"muốn mô tả / i / là trọng âm trong một chữ chỉ có một nguyên âm duy nhất là "y" hoặc "i" thì phải chọn "y" mới đúng". Nếu quan sát kĩ các âm phổ của những âm tiết có chứa những âm / i / này thì không thấy có gì khác nhau cả. Tất cả những khác biệt về lối viết hiện nay chỉ là do kết quả của việc dùng hai đồ vị để ghi cùng một âm / i / mà thôi. Mà đó là những gì chúng ta kế thừa từ những nhà sáng chế chữ quốc ngữ từ thế kỉ XVII.

Cuối cùng, tôi ngờ rằng anh đã thiết kế mấy thí nghiệm dựa trên một cách giải thích hơi xa cách hiểu của những người sáng chế chữ quốc ngữ về cái gọi là "sự cách biệt". Trong đoạn văn De Rhodes nói về chữ i, có lẽ ông chỉ muốn nói về sự khác biệt giữa chữ y/i này trong tiếng Việt và một âm tương tự trong tiếng Latin hay tiếng Bồ. Vả lại, chính ông có nói thêm là ông "không muốn dùng thêm hai chấm ở chữ i để tránh sự gia tăng các dấu hiệu" thì tôi hiểu là ông chỉ muốn tránh dùng chữ ï trong bảng chữ cái các ngôn ngữ phương tây vì có thể gây hiểu lầm rằng chữ ï đó cũng phát âm dài như hai âm / i / đi liền nhau nhưng "tách biệt" thành hai âm tiết. Hoàn toàn không hề có ý nói gì về âm dài / a: / như anh Dũng diễn giải.

3. Vấn đề chính tả chữ iy trong chính tả tiếng Việt hiện nay thật ra chỉ lộn xộn khi chuyển tải âm / i / là âm chính của âm tiết mà thôi. Mà trong trường hợp nó là một âm chính thì về mặt ngữ âm có ba trường hợp cần xem xét: (a) âm / i / là thành phần hạt nhân của một âm tiết; (b) âm / i / đứng một mình và làm thành một âm tiết hoàn chỉnh; (c) âm / i / kết hợp với một âm chính khác (trường hợp các nguyên âm kép). Hình 4 (IAIYEN) trong bài anh Dũng là một thực nghiệm về trường hợp thứ ba: âm / i / trượt sang một nguyên âm khác. Hãy bàn về hình 4 này. Theo tôi nét đặc trưng làm nên sự khác biệt giữa hai âm tiết nằm ở chỗ một đằng âm tiết đầu là một vần mở (ia), đằng kia là một vần khép (iêng). Về mặt ngữ âm khó nói được là âm / i / nào khác về tân số hoặc trọng âm, vì thật ra chúng chỉ là một âm / i / trượt đi sang một âm rộng hơn. Vấn đề ở đây chỉ là chính tả, khi có âm phụ đầu thì thói quen chấp nhận chữ i, khi nó đứng đầu âm tiết thì dùng y.

Thế còn hai trường hợp chỉ một âm / i / làm hạt nhân của âm tiết thì sao ? Như đã trình bày, về mặt ngữ âm không có gì khác nhau giữa các âm / i / trong các âm tiết [ầm] ĩ [lại] cả. Nói khác đi, trong trường hợp âm / i / là một âm chính thì chính tả có vấn đề. Tiếc thay bài góp ý của anh Dũng lại không soi sáng hơn về trường hợp này. Mà đây mới là mấu chốt của vấn đề chúng ta đang bàn.

4. Tôi thử làm một thống kê dựa trên một trang đầu của hai văn bản là bài của tôi (tài liệu 1) và bài của anh Dũng (tài liệu 2). Dưới đây là thống kê tỉ lệ các chữ có i và y mà tôi nhặt ra theo tiêu chuẩn bảy nhóm phân loại mà tôi trình ra trong bài trước:

tài liệu 1
tài liệu 2

(246 chữ)
(164 chữ)
1. nhóm si/sy - li/ly - kí/ký
25 (10%)
30 (18%)
2. nhóm sinh - lính - kính -xỉu
24 (9%)
12 ( 7%)
3. nhóm hia - bìa - đĩa - hiền - biết - giếng
59 (23%)
36 (21%)
4. nhóm yêu - yến - yểng
1 (0.4%)
4 (2%)
5. nhóm im - ỉu - ý - y - ỷ/ỉ
38 (15%)
21 (12%)
6. nhóm quí/quýt - huyện - thuý - nguy
16 (6%)
8 (4%)
7. nhóm mai - cúi - mây - cay - cai
83 (33%)
53 (32%)

Tỉ lệ trên có thể xê xích trong các bản văn dài ngắn khác nhau, nhưng tỉ lệ giữa chúng với nhau thường khá ổn định. Trong tình hình chính tả hiện nay, nhóm 2, 3, 4 và 7 thường không gây ra nhiều rắc rối; trong khi hai nhóm 1 và 6 thường có vấn đề chính tả, ngoài ra nhóm 5 cũng ít nhiều có sự dùng i/y thông lẫn nhau. Tổng cộng ba nhóm thường lẫn lộn thì thấy khoảng 31% (tài liệu 1) hay 34% (tài liệu 2) chữ viết có i và y đặt ra cho chúng ta vấn đề chuẩn mực chính tả cho chúng. Một tỉ lệ như thế là khá cao. Cho nên tôi nghĩ rằng chuyện chữ i và y là một vấn đề có thật chứ không nên nói là chúng không đáng đặt thành vấn đề. Thử hỏi cứ ba chữ thì có một chữ khiến phải đắn đo về cách việt thì đâu có phải là ta muốn vẽ việc ? Nếu đã là một vấn đề của chính tả tiếng Việt thì người Việt chúng ta phải suy nghĩ mà chỉnh đốn thôi.

5. Khi tôi dựa trên những cứ liệu chính tả ghi trong sách báo để lên bảng phân loại 7 nhóm các chữ viết có i/y, tôi chỉ có ý khái quát hoá các "quy tắc" chính tả mà hiện nay người Việt chúng ta đều thừa nhận chứ chẳng phải là tôi sáng tạo ra đâu. Anh Dũng thì cho rằng năm quy tắc trong bài của tôi cũng không khác gì ba "quy tắc" anh đưa ra cho những ai muốn thay đổi lối viết i/y. Tôi e rằng lại có ngộ nhận. Thực sự thì chúng rất khác nhau. Mà nói cho cùng thì khác biệt trong nghiên cứu chẳng có gì đáng bàn. Chỉ đáng nói hay không là hiệu quả thực tế của các giải pháp.

Về phần tôi, tôi rất ngại phải sáng tạo thêm một giải pháp cho chữ i/y như anh Dũng đã làm đối với quy tắc (1) của anh: có thể thay y bằng i khi nào nó không thay đổi nghĩa. Nếu thế thì tiếng Việt sẽ tạo thêm rất nhiều từ không có trong từ điển hiện tại, kiểu như *"bâi giờ", *"ngâi thơ"… vì chúng không làm thay đổi ý nghĩa của các từ đó. Giải pháp này sẽ còn làm rối loạn tiếng Việt thêm do hậu quả của việc sản sinh thêm hàng nghìn chữ viết mới. Ý nghĩa chỉ là vấn đề quy ước về cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Đối với người bản ngữ đã có số vốn từ vựng lớn lao lưu trữ trong óc thì không cần thiết phải quy chiếu vào ngữ nghĩa; nhưng với người ngoại quốc và trẻ em thì chúng ta làm sao giúp học viên giải quyết chuyện này ? Có lẽ chúng ta lại phải quay trở lại với giải pháp chính tả (nghĩa là dựa vào mặt chữ viết). Đến đây thì cần phải cùng suy nghĩ để đạt đến một giải pháp triệt để. Năm quy tắc mà tôi trình bày vẫn hãy còn rớt lại một số điểm cần phải bàn thêm, nhưng ít ra nó cũng đã được thử nghiệm trong giáo dục trẻ song ngữ, và có lợi điểm là rút xuống mức thấp nhất những cái gọi là ngoại lệ mà hiện nay chúng ta thấy nhan nhản.

Trong bài góp ý, nhiều lần anh Dũng cũng thấy là cách mô tả âm của bảng đồ vị chữ quốc ngữ không phải bao giờ cũng chính xác, rằng có nhiều điều bất ổn trong bảng mẫu tự Latinh. Mục đích bài viết của tôi cũng chỉ là nêu lên một vài chứng cứ nhỏ cho luận điểm trên mà thôi. Đồng ý là nó chưa hoàn chỉnh rồi thì chúng ta tính sao đây? Quan điểm của tôi là chúng ta có thể chỉnh đốn những lộn xộn trong việc định chuẩn mực cho chính tả chữ quốc ngữ. Tôi nói ra những gì có trong bài của mình là do sự tìm tòi suy nghĩ mà có chứ hoàn toàn không dính dáng gì đến những cái gọi là "niềm tin" mà anh Dũng ưu ái tặng cho.

Nếu có thể gọi là một "niềm tin" như anh Dũng nói, thì tôi tin là ngôn ngữ có mặt tập quán tự nhiên, nhưng không phải là không có thể hoạch định được một chính sách ngôn ngữ cho một cộng đồng. Tôi đề nghị trong bài viết của mình là cần giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng tập quán ngôn ngữ lâu đời, nhưng khi có những tập quán đối nghịch nhau vì ảnh hưởng từ những thói quen khác nhau (ở đây là từ ảnh hưởng của các từ điển do người tây phương biên soạn trong các thời xa xưa), thì cần đến bài toán của cả xã hội. Trên thế giới không phải đâu đâu người ta cũng theo chủ trương của các nhà ngữ học miêu tả Mĩ, là chấp nhận những tập quán ngôn ngữ của xã hội, và nhà nghiên cứu chỉ là miêu tả chứ không được phép đề ra bất cứ biện pháp nào để thay đổi tập quán ngôn ngữ. Tôi nhớ đã đọc từ lâu một quyển sách bàn về kinh nghiệm hoạch định chính sách ngôn ngữ tại một số nước (Rubin & Jernudd (eds) (1971) Can Language Be Planned? Honolulu: An East-West Center Book). Những kinh nghiệm như thế đáng cho ta suy ngẫm.

6. Để kết thúc, lại xin trở lại tính khoa học trong nghiên cứu. Một nghiên cứu khoa học thì không phải chỉ dừng lại ở việc sử dụng công cụ máy móc khoa học mà thôi, mà còn cần phải có tinh thần tư duy khoa học (trong sự chính xác, dựa trên sự kiện chứ không suy diễn). Hai lần được đọc bài anh Dũng tôi thấy anh dùng rất nhiều công cụ khoa học cho bài viết. Như thế là một điều đáng quý trong tình hình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. Tuy vậy, công cụ khoa học vẫn không thể thay thế được tư duy khoa học của con người. Lại thêm một điểm tôi đồng ý với anh. Mà đã nói đền tư duy khoa học trong nghiên cứu thì tôi nghĩ không có vấn đề nào là vặt vãnh cả. Một luận án khoa học khởi đầu từ một đề tài rất nhỏ hẹp mà có thể giúp người nghiên cứu đi sâu vào các ngõ ngách của vấn đề thì ý nghĩa của công trình nghiên cứu như thế cũng đáng trân trọng. Không cứ là phải bàn về những đề tài to tát.


Đoàn Xuân Kiên
Talawas, ngày 24/07/2002



                                                

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...