Thursday 28 September 2017

ĐÔI NÉT VỀ TIẾNG VIỆT
Đoàn Xuân Kiên



      Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của cộng đồng dân chúng hơn 90 triệu người ở trong nước Việt Nam. Ngoài ra, tiếng Việt cũng được dùng trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, với số dân tổng cộng trên dưới 4 triệu người.

Xuất xứ của tiếng Việt

2       Tìm hiểu nguồn gốc tiếng Việt là một công trình dài lâu và có tính cách liên khoa: khảo cổ, dân tộc học, ngữ học... Những hiểu biết về ngôn ngữ các cộng đồng dân tộc đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay chưa được đầy đủ, cho nên những giải thuyết đưa ra cho đến nay hãy còn cần tìm hiểu thêm nhiều.

Tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, là một trong hai nhánh cuả chi ngôn ngữ Việt-Chứt nằm trong khối Việt-Katu thuộc khu vực Đông cuả ngành Môn-Khmer , họ ngôn ngữ  Nam Á. Họ ngôn ngữ Nam Á là một ngữ hệ lớn, bao trùm điạ bàn rộng khắp vùng Đông Nam châu Á. Đại gia đình ngôn ngữ to lớn này sách cũ thường gọi là Bách Việt này có thể là đại gia đình ngôn ngữ cuả  nhánh Tạng-Miến, nhánh Nam Á, và nhánh Nam Đảo từ những thời xa xăm. Họ ngôn ngữ Nam Á hình thành khi ba nhánh lớn phân tán ra khắp vùng Đông Nam Á và châu Đại Dương.

Ngược về thời tiền sử (khoảng hơn mười ngàn năm trước tây lịch), đại gia đình họ ngôn ngữ Bách Việt đã phân tán từ cao nguyên Tây Tạng, theo hướng các dòng sông lớn (Dương Tử, Cửu Long, Mê Nam, Saluen, Irauadi) mà đi về phiá đông và phiá nam dải lục điạ Đông Nam châu Á. Nhánh Nam Á di chuyển xuống bán đảo Đông Dương, Miến Điện,  và một vài vùng nhỏ ở đông và trung Ấn Độ. Nhánh Mã Lai-Đa Đảo di chuyển xuống miền trung và nam Trung Hoa, rồi theo đường biển mà đi về duyên hải bán đảo Đông Dương và bán đảo Mã Lai. Nhánh Tạng-Miến ở lại điạ bàn cũ, và mãi về sau này (khoảng 2000 năm trước tây lịch) mới di chuyển một phần xuống bắc Miến Điện và tây nam Trung Hoa. Những đợt di dân khác nhau cuả đại gia đình Bách Việt đã góp phần hình thành cộng đồng dân tộc và ngôn ngữ Việt Nam thời cổ đại.

Khi đợt di dân đầu tiên thuộc nhánh Nam Á tới điạ bàn Đông Dương thì vùng đất này đã có giống dân Melanesian  cư ngụ. Đây là đợt di dân thứ nhất cuả nhánh Nam Á trên lãnh thổ Việt Nam cổ đại. Nhóm di dân này nói thứ ngôn ngữ Môn-Khmer cổ mà những nét chung cuả nó cũng là những nét chung cuả các nhóm ngôn ngữ Nam Á (như nhóm Munda ở Ấn Độ) và những nhóm Môn-Khmer (như Bahnar, Khmer, Môn...), và một số nét chung với chi Việt-Katu thuộc khu vực Đông.

Khoảng ba-bốn ngàn năm trước tây lịch, một đợt di dân thứ nhì cuả đại gia đình Bách Việt đi theo đường biển mà đổ bộ lên vùng duyên hải suốt từ điạ bàn Bắc Việt Nam đến vùng bán đảo Malacca. Riêng tại điạ bàn Đông Dương, nhóm người đến sau đã dồn lớp người đến trước vào sâu trong lục đia để trở thành những sắc tộc Bru, Katu, Bahnar, Sedang, Mnong . Lớp người đến sau này đã hình thành ba quốc gia Văn Lang, Chiêm Thành và Phù Nam. Nhánh Nam Á đã tạo dựng một nền văn minh cao với kĩ thuật canh nông luá nước và kĩ thuật đúc đồng tinh vi.

            Nhóm di dân sau cùng đã tới điạ bàn Đông Dương khoảng hai ngàn năm trước tây lịch. Nhóm này định cư trên các vùng thượng du Bắc Việt Nam. Nhóm này nói thứ tiếng Tày-Thái cổ. Khi xảy ra cuộc giao tiếp ngôn ngữ giưã nhóm này và nhóm Nam Á trong thời lập nước Âu Lạc, nhóm Môn-Khmer đã giao tiếp với nhóm ngôn ngữ Thái mà hình thành một nhóm ngôn ngữ mới: nhóm Việt-Chứt. Ảnh hưởng cuả giao tiếp ngôn ngữ với nhóm Tày-Thái cổ còn dẫn đến sự phân hoá nhóm Việt-Chứt thành hai nhóm khác về sau: nhóm Chứt-Poọng và nhóm Việt-Mường cổ. Mối quan hệ lịch sử giưã các ngôn ngữ thuộc họ Nam Á có thể được tóm lược trong sơ đồ dưới đây (phỏng theo Phạm Đức Dương 1983: 89):
     

        Hình 1: mối quan hệ lịch sử giưã các nhóm ngôn ngữ ở khu vực Đông Nam Á

Sau đó khoảng hơn một ngàn năm, nhóm Việt-Mường cổ lại chịu một thay đổi lớn khác, khi  tiếp xúc với ngôn ngữ Hán, khi Triệu Đà thôn tính Âu Lạc và sáp nhập với nước Nam Việt. Nhóm Việt Mường tách làm hai nhóm: nhóm Việt và nhóm Mường. Mối quan hệ họ hàng giữa tiếng Việt và Mường ngày nay được diễn tả theo Ferlus (1979) trong bảng dưới đây (phỏng theo Phạm 1983 và Nguyễn 1995):

 Hình  2: Mối quan hệ giưã hai ngôn ngữ Việt - Mường

            Người Mường hiện là một trong số các nhóm dân tộc thiểu số đông dân nhất, với khoảng 1,5 triệu người, sống trên các vùng cao ở Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam.
           
            Tóm lại, tiếng Việt là một chi nhánh ngôn ngữ cuả họ ngôn ngữ Nam. Đại gia đình ngôn ngữ này đã di dân nhiều đợt đến điạ bàn Việt cổ, và tiếng Việt đã hình thành từ những đợt giao tiếp ngôn ngữ lớn trong suốt mấy ngàn năm trước tây lịch. Dấu vết cuả những đợt giao tiếp ngôn ngữ này còn lưu lại trong kho từ vựng và cấu trúc tiếng Việt ngày nay.
                                                           
Đặc tính của tiếng Việt

3       Tiếng Việt hiện đại có mấy đặc tính điển hình sau đây cuả một ngôn ngữ thuộc loại hình đơn tiết:

(1) Tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ đơn tiết, không biến hình.

            Đơn tiết là vì mỗi một tiếng là một âm tách rời nhau chứ không chắp dính như trong các ngôn ngữ thuộc họ Ấn-Âu chẳng hạn. Mỗi tiếng phát ra là một đơn vị lời nói, sắp xếp với nhau theo một thứ tự hoặc trước sau, hoặc chính phụ. Tiếng Việt không  có các hình vị nhỏ hơn âm tiết. Không như các ngôn ngữ biến hình như các tiếng Ấn-Âu, tiếng Việt không biến hình vì mỗi tiếng phát ra hoặc viết ra là những đơn vị ngữ pháp trong câu nói, chúng không thay đổi hình thức ngữ âm và hình vị.

           Ngôn ngữ nào cũng có những đơn vị xét trên các bình diện khác nhau:

           về mặt ngữ âm, một lời nói là một chuỗi những " âm tiết" rời nhau, tức là phần âm thanh cuả các "tiếng", có đơn vị gọi tên là âm vị;
           về mặt cấu tạo các phần làm nên ý nghĩa ngữ pháp của một tiếng đó thì có đơn vị là hình vị;
           về mặt kết hợp các tiếng thành một câu nói thì có đơn vị của ngữ pháp là từ.
            
        Ở tiếng Việt, các lớp đơn vị ngôn ngữ trùng lên nhau: âm tiết = hình vị = từ. Tuỳ theo cấp phân tích mà chúng ta sẽ gọi tên các đơn vị. Hai tiếng cái bàn là hai đơn vị lời nói trong tiếng Việt, có thể được phân tích ở những bậc phân tích khác nhau:

           về mặt ngữ âm, hai âm tiết, và mỗi âm tiết đều gồm có 4 âm vị: âm đầu + âm chính + âm cuối + thanh điệu;
           về mặt cấu tạo từ, hai tiếng này cũng là hai đơn vị hình vị;
           về mặt cú pháp, hai tiếng này là hai từ.

            Các ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ đa tiết và biến hình sẽ có những đơn vị ngữ âm, từ pháp và ngữ pháp khác nhau. Từ "schools" (tiếng Anh) là một đơn vị của ngữ pháp tiếng Anh, về mặt từ pháp thì có hai hình vị : 'school' và '-s', và về mặt ngữ âm thì có một âm tiết: / sku:lz /. Trong khi đó, từ " trường"  trong tiếng Việt, là đơn vị ngữ pháp và từ pháp, và về mặt ngữ âm thì cũng chỉ có một âm tiết.

(2)       Tiếng Việt là một ngôn ngữ có thanh điệu, nghĩa là mỗi tiếng phát ra luôn có một bậc âm thanh cao thấp khác nhau.
            
Yếu tố thanh điệu có vai trò ngữ âm quan trọng trong một tiếng. Tiếng " ba " và tiếng " bà" có hai bậc thanh khác nhau, làm nên hai tiếng khác nhau. Trên thế giới có nhiều ngôn ngữ thanh điệu, nhưng thanh điệu của tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Thái là những thanh đúng nghĩa, khác với tiếng Nhật hay các ngôn ngữ châu Phi nhiều khi chỉ có mực cao thấp đi kèm theo các âm vị tuyến tính trong một chuỗi lời nói, tương tự những dấu nhấn của ngôn ngữ phương tây.

4       Trên đây là những đặc tính cuả tiếng Việt hiện đại. Nhìn từ mặt lịch sử thì tính cách tiếng Việt có thể khác thế. Tiếng Việt hiện đại là kết quả cuả những đợt giao tiếp ngôn ngữ phức tạp và lâu đời. Trước khi giao tiếp với ngôn ngữ Tày-Thái, tiếng Việt thời xa xăm (cách nay cũng trên 6 ngàn năm) còn mang tính cách cuả ngôn ngữ Môn-Khmer: song tiết, có phụ tố ở giưã, và không có thanh. Tính cách này còn tồn tại đến nay trong các ngôn ngữ nhánh Môn-Khmer, cho thấy là có thể cũng là tính cách cuả tiếng Việt thời trước khi có xu hướng đơn tiết hoá ở thời kì Tiền Việt-Mường. Cấu trúc chung cuả các từ thuộc nhánh Môn-Khmer cổ thuộc họ ngôn ngữ Nam Á là một cấu trúc song tiết trước khi chuyển sang cấu trúc đơn tiết có hai phụ âm:
                       


            Một nét chung cuả ngôn ngữ Nam Á cổ là có phụ tố ở giưã. Tính cách này còn tồn tại về sau, khi các ngôn ngữ Môn-Khmer đã đơn tiết hoá:
                      

           
           Quá trình phân tán các kết hợp âm tiết cuả họ ngôn ngữ Nam Á có thể được hình dung lại như sau (dưạ theo Phạm Đức Dương, 1983: 80):                                                          

            Hình 3: quá trình phân hoá kết cấu âm tiết cuả các ngôn ngữ Nam Á

            Thanh điệu tiếng Việt cũng chỉ là một quá trình tiến hoá mà có, chứ không phải là một sự nhất thành bất biến. Thanh điệu tiếng Việt có thể chỉ mới xuất hiện đầu tây lịch mà thôi, vì trước đó tiếng Việt cũng như khác ngôn ngữ khác thuộc nhánh Môn-Khmer, chưa có thanh điệu, mà chỉ có phụ âm đầu và các phụ tố, và phụ âm cuối họng, hầu và xát. Trong tiến trình đơn tiết hoá có hiện tượng khép âm tiết, các phụ âm cuối hầu, họng và xát mất đi, và ba thanh đầu tiên thành hình. Theo Haudricourt thì quá trình hình thành thanh điệu tiếng Việt ở giai đoạn đầu có thể tóm lược như sau:

           các âm tiết mở sẽ mang âm vị tuyến điệu 1 gồm thanh ngang và thanh huyền;
           các âm tiết có âm cuối tắc họng /ʔ / rụng âm cuối này để cho tuyến điệu 2 gồm thanh sắc và nặng;
           các âm tiết có âm cuối hầu / h / chuyển thành tuyến điệu 3 gồm thanh hỏi và ngã.

            Đến sau thế kỉ VI sau công nguyên, do hệ quả cuả giao tiếp ngôn ngữ với tiếng Hán với những phụ âm đầu hữu thanh trong khi tiếng Việt không có, các âm Hán hữu thanh đã chuyển thành âm vô thanh. Và thanh điệu cũng chuyển biến theo:

           phụ âm đầu vô thanh Hán chuyển sang âm vô thanh Việt-Mường sẽ cho thanh bậc bổng: ngang-sắc-hỏi;
           phụ âm đầu hữu thanh Hán chuyển sang âm đầu vô thanh Việt sẽ mang các thanh bậc trầm: huyền-ngã-nặng.

            Từ đó mà sáu thanh tiếng Việt đã thành hình cho đến nay. Bảng dưới đây do Haudricourt tóm lược quá trình hình thành thanh điệu tiếng Việt (cf. Haudricourt, 1972: 159):

              Bảng.1: quá trình hình thành thanh điệu tiếng Việt (theo Haudricourt 1954)



            Gần đây, Nguyễn Văn Tài (1980) có bổ sung thêm về sự phân cách hai thanh hỏi và ngã trong tiếng Việt. Tác giả cho rằng thanh ngã hình thành sau cùng, do kết quả cuả cuộc tiếp xúc giưã tiếng Việt với tiếng Hán, còn năm thanh khác đã hình thành hoàn toàn từ hiện tượng rụng âm cuối, như phát kiến cuả Haudricourt.

            Tóm lại, thanh cuả tiếng Việt hình thành trong quá trình chuyển hoá cuả tiếng Việt qua thời gian mà thôi.

                                                 Đoàn Xuân Kiên
                                                                      Cơ sở ngữ âm tiếng Việt  (1998)


Tài liệu tham khảo

Bình Nguyên Lộc (1971): Nguồn Gốc Mã Lai cuả Dân Tộc Việt Nam. Sài Gòn: Bách Bộc.
Haudricourt, André (1954): "De l'origine des tons en vietnamien" in Problèmes de Phonologie diachronique. Paris: Selaf, 1972, pp 147-160.
Nguyễn Bạt Tuỵ (1966): "Các ngữ ở Việt Nam" in Nghiên Cứu Việt Nam (Huế) số 2 (Hè 1966),                     tr. 3-24.
Nguyễn Tài Cẩn (1995): Ngữ Âm Lịch Sử Tiếng Việt (sơ thảo). Hà Nội: KHXH.
Nguyễn Văn Tài (1980): "Tìm hiểu thêm về sự hình thành thanh điệu trong tiếng Việt" in                               Ngôn Ngữ (Hà Nội) số 45 (4.1980), pp. 34-42.
Phạm Đức Dương (1983): "Nguồn gốc tiếng Việt: từ Tiền Việt-Mường đến Việt-Mường chung"  in Phan Ngọc & Phạm Đức Dương (1983), Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á. Hà Nội: Viện ĐNÁ, pp 76-133.
Thompson, Laurence (1965): A Vietnamese Grammar. Seattle: Uni. of Washington Press.


No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...