Friday 15 September 2017





Sơ lược về phương pháp
Học Kĩ Đọc Đúng

Đoàn Xuân Kiên



1

Bộ sách Học Kĩ Đọc Đúng (1) là bộ sách giáo khoa dạy tiếng Việt dành cho các em học sinh bắt đầu học đọc

Điểm khởi hành của phương pháp Học Kĩ Đọc Đúng những suy nghĩ xung quanh câu hỏi: làm thế nào để có thể dạy trẻ mới học tiếng Việt ở giai đoạn đầu tiên cho được hiệu quả nhanh chóng? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xác định lại hai đối tượng dạy học: một là, âm tiết tiếng Việt được cấu thành như thế nào; hai là, dạy trẻ thực tập các thao tác phân tích và tập kết hợp âm tiết như thế nào.

            Duyệt lại những hệ thống mô tả ngữ âm tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy còn có nhiều vấn đề cũng cần phải giải quyết, trước khi có thể bắt tay vào việc biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng Việt theo phương pháp ‘học kĩ đọc đúng’. Trước hết là vấn đề đơn vị cơ bản của tiếng Việt: âm tiết. Bài học vần tất yếu phải dựa trên cấu trúc âm tiết của một từ đơn. Một âm tiết tiếng Việt thường được phân tích theo cấu trúc tầng bậc như sau:

                                


                                                Hình1 : Sơ đồ âm tiết ba tầng

              Sau khi kiểm nghiệm lại các phân tích cấu trúc âm tiết, chúng tôi đi đến sơ đồ cấu trúc hai tầng như sau:

                      

                                           Hình 2 : sơ đồ cấu trúc âm tiết hai tầng

              Hai mô hình cấu trúc âm tiết trên khác nhau ở chỗ hơn kém nhau một lớp cấu tạo: sơ đồ (1) có thêm một tầng, vì có thành phần ‘vần’. Các sách ngữ âm tiếng Việt không giải thích thoả đáng về chức năng âm vị học của ‘vần’ trong âm tiết, mà chỉ lập luận theo âm vận học Trung Hoa. Chúng tôi cho rằng thành phần gọi là "vần" trong âm tiết tiếng Việt không nhất thiết là một bậc kết hợp ngữ âm cuả cấu  trúc âm tiết. Do vậy, chúng tôi dùng sơ đồ (2) về cấu trúc âm tiết để soạn phương pháp ‘học kĩ đọc đúng’, với sơ đồ cấu trúc âm tiết hình khung chữ nhật gồm bốn ô, dùng cho mọi bài học:



                                                Hình 3 : khung cấu trúc âm tiết tiếng Việt

2

Một vấn đề cũng gây tranh luận khá lâu dài: phần âm chính (còn gọi là hạt nhân ) của mỗi âm tiết. Trước nay, trong các sách ngữ âm tiếng Việt có nhiều khác biệt về quan niệm thế nào là nguyên âm tiếng Việt. Chúng tôi phải làm lại công việc xác định lại các nguyên âm tiếng Việt mà bao lâu nay vẫn còn nhiều giải thuyết nhưng không thật xác đáng, và chỉ làm mờ tính hệ thống của các nguyên âm tiếng Việt. Nguyên âm tiếng Việt thật ra không đi ra ngoài hệ thống của nguyên âm. Chúng có thể là một âm đơn, một âm kép với những nét đặc trưng âm vị học rõ rệt: trượt, tăng dần về cường độ. Chúng đều có giá trị âm vị học ngang nhau về trường độ, về cấu tạo, và chức năng của chúng là làm thành phần cốt lõi của âm tiết. Nhờ nhận ra tính hệ thống của các nguyên âm trượt-tăng dần, vấn đề cấu trúc âm tiết tiếng Việt trở nên đơn giản và nhất quán; và tất nhiên chỉ giúp cho việc giảng dạy thêm xác đáng.

              Xác định được thành phần âm chính cuả cấu trúc âm tiết, và xác định được đặc tính âm vị học cuả loại âm vị nguyên âm đã là yếu tố quyết định cho việc duyệt xét lại cấu trúc âm tiết tiếng Việt được sử dụng trong toàn bộ giáo trình Học Kĩ Đọc Đúng này. 

3

Có một khái niệm cơ bản khác nữa về âm tiết tiếng Việt thường vẫn bị lẫn lộn trong các sách giáo khoa về học vần. Mỗi âm tiết đều có hai mặt biểu hiện: khi phát âm thì âm tiết được cấu tạo bằng bốn âm vị (thanh điệu cũng là một âm vị); nhưng khi viết thì lại dùng các kết hợp chữ cái và 'dấu' thanh để thành bốn đồ vị tương ứng với các âm vị. Ví dụ: từ nghiêng nghiêng gồm mười bốn chữ cái và hai thanh điệu; nhưng về mặt âm vị thì mỗi tiếng chỉ có bốn âm vị và được thể hiện bằng bốn đồ vị như sau:

nghiêng
Û  /ngh/ - /iê/ - /ng/ - / - /
Û  / ŋ  / - /ie/ -/  ŋ / - /  1 /
   Từ
         Phân tích đồ vị
          Phân tích âm vị

              Khái niệm đồ vị thật ra không có gì mới. Bloomfield (1933:85-89) đã nhận ra sự bất tương ứng giữa hệ thống chữ cái và âm vị, và đã thấy vai trò của hệ thống phiên âm quốc tế như là giải pháp cho những bất tương ứng giữa âm vị và chữ viết. Tuy nhiên, đối với tiếng Việt thì sự thể có khác hơn, vì hệ thống chữ viết hiện nay tương đối rất sát hợp với phát âm; hiện tượng sai chạy giữa âm vị và chữ viết không nhiều, nên không phải dùng đến hệ thống phiên âm quốc tế.

            Đưa khái niệm đồ vị vào dạy đọc ở bước đầu tiên là việc có ý nghiã cả về mặt ngữ học lẫn sư phạm. Về ngữ âm, đồ vị sẽ giúp học viên sớm nhận ra tính hệ thống của những đồ vị dùng để ghi chép các từ, nghĩa là sự tương ứng một đối một giữa các âm vị và chữ viết. Học sinh sẽ sớm ghi nhận hệ thống đồ vị ngay từ giai đoạn đầu của việc học đọc. Làm như thế còn là một bước tiến về mặt phương pháp sư phạm, vì khi học đọc, trẻ liên kết âm vị và đồ vị, chứ không phải với những con chữ rời (Goswami & Bryant, 1990:26). Có thể nói là chữ viết vẫn là và phải là những cỗ xe chuyên chở các từ, chỉ khác với các phương pháp biên soạn trước đây là chúng tôi quy những chữ viết thành các tổ hợp trong lúc dạy đọc để giúp học sinh ghi nhận từ sớm tính cách hệ thống của đồ vị.

4

Mục đích tổng quát của phương pháp Học Kĩ Đọc Đúng là:

1- Kích thích các em quan tâm tới chữ viết. Chỉ khi nào đánh động được mặt tình cảm của các em thì việc học đọc mới làm cho các em muốn tiếp nhận các giá trị văn hoá xã hội trong thế giới chung quanh các em. Quan tâm là một bảo đảm chẳng những giúp các em tiếp thu được mặt kĩ thuật nghĩa là có thể đọc được mà còn giúp các em sẽ đọc những gì các em thấy cần thiết và bổ ích cho các em.
     2- Các em phải có thể tự đọc được những bài văn đơn giản nằm trong vốn ngôn ngữ của các em. Gọi là đọc được khi nào các em có thể đọc đúng, trôi chảy và phát âm các thanh chính xác.
     3- Các em phải hiểu và tiếp thu được nội dung của bản văn. Các em có thể tự giải quyết được những khó khăn đơn giản các em gặp phải khi đọc. Các em cũng phải bắt đầu tập phát triển tinh thần phê phán đối với bản văn.

5

Nhưng để đạt được các mục đích trên thì phải có được một số điều kiện sau:

* Các em phải có một số vốn từ nói tương đối trước khi học đọc. Nói cách khác các em phải hiểu được một cách tương đối ngôn ngữ nói của ngôn ngữ mà các em sẽ học.
* Các em phải học phân tích  các từ nói ra thành các âm. Hệ thống chữ viết của chúng ta là hệ thống ghi âm. Vì vậy để có thể hiểu rõ hệ thống đánh vần của chúng ta các em phải học phân chia từ ra thành âm vị.
* Các em phải có thể phân biệt và nhận ra được các chữ cái trong các dạng vẽ khác nhau. Các em chỉ cần học biết các đặc tính của một chữ cái để nhờ đó các em có thể phân biệt được chữ cái này với chữ cái kia. Nói cách khác các em phải học được các đặc tính khu biệt của từng chữ cái. Những sự khác biệt về kiểu chữ không phải là cái chính. Ngoài ra các em phải học phát âm các chữ cái đúng theo như âm vị mà các chữ cái này đại diện.
* Phải biết hướng đọc và viết từ trái qua phải. Phải biết là âm vị các em nghe hay nhìn thấy đầu tiên là bắt đầu từ trái.
* Các em phải biết được mối liên hệ giữa đồ vị và âm vị. Vì vậy phải học các chữ cái trong dạng đồ vị và biết kết hợp được đồ vị với âm vị.
* Các em phải học biết giải mã chữ viết. Trong việc giải mã này các em cũng phải học biết ý nghĩa của từ và mối liên hệ của nó với câu.
* Trong việc chuyển chữ viết thành từ nói, các em phải hiểu được ý nghĩa của toàn bản văn. Vì vậy các em phải làm sao chuyển sang được giai đoạn đọc mà ít phải quan tâm tới việc phát âm. Nói cách khác việc đọc đã có thể tự động hoá được.
       * Các em phải học suy nghĩ về những gì các em đã đọc và đối chiếu với những gì các em đã biết và trải qua. Do đó việc tập cho các em có tinh thần phê phán nội dung bản văn là cần thiết để giúp các em phát triển.
  

6

Phương pháp dạy học đọc như thế nào có thể giúp việc dạy và học đọc được hiệu quả?

            Giáo học pháp trên thế giới đã đầu tư nhiều về mặt lí luận dạy học trong kỉ nguyên phát triển. Đối với lí luận dạy đọc, những thể nghiệm phương pháp dạy đọc tại Hoa Kì và Hoà Lan đã hình thành một xu hướng mới trong ngành giáo dục lưá tuổi mầm non. Phương pháp 'dạy đọc ban đầu' đòi hỏi một công phu nhiều mặt: tâm lí sư phạm, giáo học pháp, và tâm lí ngôn ngữ.

            Đặc điểm đầu tiên cuả phương pháp dạy đọc trong Học Kĩ Đọc Đúng là sự ý thức về cơ cấu. Trước hết, ngôn ngữ là một cấu trúc. Hệ thống ngữ âm tiếng Việt là một cấu trúc nhiều cấp độ, vì vậy học một từ đơn là học một âm tiết trong một mối tương quan giưã âm tiết đó trong một tổng thể.

            Chương trình dạy đọc cũng là một cấu trúc, trong đó các bài học trong một trật tự được chương trình hoá. Đối tượng học tập (học sinh) cũng là một cấu trúc, trong đó các yếu tố phát triển tâm-sinh lí và các mối quan hệ xã hội cũng cần phải được quan tâm để giúp cho việc học đọc đạt được mục đích là góp phần làm thăng tiến sự phát triển cá nhân trong quá trình học tập. Phương pháp dạy đọc theo cơ cấu không tách rời cái tổng thể là phương pháp giáo dục toàn diện, trong đó ngôn ngữ chỉ là một thành phần mà thôi.

            Ý thức về cấu trúc còn thể hiện ở cả chính phương pháp dạy đọc nưã. Thật thế, nhóm biên soạn ý thức rõ rằng một phương pháp dạy đọc cho trẻ mới bắt đầu vào ghế nhà trường, tất không phải là giản dị. Phương pháp cấu trúc trong dạy đọc không loại trừ một biện pháp nào có giá trị là giúp trẻ học đọc một cách nhanh chóng, có hiệu suất cao, và góp phần phát triển cá nhân. Có thể thấy dáng dấp cuả các 'phương pháp' trong lịch sử dạy đọc trong phương pháp cấu trúc mà tập thể biên soạn đang theo đuổi. Cốt lõi cuả phương pháp cơ cấu chính là ý thức về cái hệ thống (cái toàn thể) và cái bộ phận, cái đa dạng và cái thống nhất.

            Lợi thế cuả phương pháp dạy đọc theo cơ cấu chính là đã dung nạp vào nó một cách ý thức những ưu điểm cuả các phương pháp dạy đọc đã được áp dụng trước nay. Một phương pháp cổ điển nhất là phương pháp a-b-c chẳng hạn, nhìn theo lăng kính cơ cấu, cũng cho thấy sự cần thiết cuả chữ viết trong việc học đọc. Phương pháp cơ cấu sẽ phải quan tâm đến những phương thức hữu hiệu để giúp học sinh ghép âm vị với đồ vị (chữ viết). Lẽ dĩ nhiên, chữ viết đã được quan tâm trong chừng mức nó là một thành phần không thể thiếu cuả một tiến trình học đọc.

            Phương pháp ngữ âm đã một thời từng được đề cao, và nay giáo dục thế giới vẫn xem là một phương pháp ưu việt trong dạy đọc bước đầu. Phương pháp này vẫn là then chốt cuả phương pháp cơ cấu, nhưng nó vẫn không thể thoát li khỏi cấu trúc chung cuả phương pháp cơ cấu.

            Ngoài ra, những phương pháp gọi là tổng quát hay phương pháp ngữ học cũng cống hiến những điểm khả thủ cho phương pháp dạy đọc theo cơ cấu. Khái niệm tổng quát sẽ không trái ngược với ý niệm về cái toàn thể cuả cấu trúc. Và đó là một cống hiến quan trọng cho phương pháp dạy đọc.

            Tóm lại, phương pháp dạy đọc theo cơ cấu là một phương pháp nhắm đến hiệu năng cao nhất cho việc học đọc ở bước đầu.


7
Để giảng dạy các âm vị và đồ vị tương ứng, cho các em được dễ dàng, chúng tôi chọn cho mỗi âm vị và đồ vị tương ứng một từ cơ cấu mẫu. Các nhóm từ cơ cấu mẫu trong bộ sách được sắp xếp như sau:

Nhóm 1: mẹ, đèn, võng, em, hộp, bảng, sách.
Nhóm 2: dê, đi / y tá, núi, táo, da, lều, cây / kéo / quạt.
Nhóm 3: gánh / ghế, rùa, thỏ, nhái, khỉ, trâu, chó, giun.
Nhóm 4: pin, thư, phố, gà, ăn, phở, nấm, ngựa / gươm.
nhóm 5: cô, tủ, xoài, chuông/vua, ngọc/nghé, nho, viết/mía, xoong.
Nhóm 6: tuyết/khuya, huệ, quýt, loa/quà, xoắn, ngoé/que, quơ, quần.

            Nhờ học từ cơ cấu mẫu này các em sẽ dễ dàng, trước hết nhớ được âm vị và sau đó biết được đồ vị tương ứng. Thí dụ để giảng dạy âm vị /m/ và đồ vị tương ứng m chúng tôi chọn từ cơ cấu mẫu mẹ. Từ cơ cấu mẫu có nhiệm vụ giúp để học biết về cơ cấu của chữ viết chúng ta. Một số mục đích của từ cơ cấu mẫu, sẽ có liên quan tới việc thực tập học đọc, được ghi nhận như sau :

1. Hệ thống chữ viết của chúng ta là hệ thống chữ viết ghi âm, nghĩa là các nét vẽ thành đồ hình có mục đích diễn tả một từ đang được nói và từ ấy sẽ diễn tả một ý nghĩa. Phần nhiều các em mẫu giáo đã có ý thức là các bài viết có thể đọc thành từ được. Nhưng ý thức ấy cần phải được đào sâu và làm cho rõ ràng hơn bằng cách diễn tả các sự việc hoặc các sự vật bằng hình cùng lúc với một bài viết bằng chữ. Trẻ em sẽ thấy là việc đọc chữ viết khác hơn là việc coi hình và việc viết cũng khác hơn là việc vẽ. Việc đọc và viết  xảy ra trong thực tế như thế nào đó còn là câu hỏi lớn cho các em.  Và câu hỏi này có thể sẽ là bước đầu tiên giúp các em tìm hiểu thêm.  Cũng có thể việc làm quen với sách vở là động lực thúc đẩy các em học đọc.

2. Việc làm quen với các từ cơ cấu mẫu sẽ giúp các em khám phá ra là các từ được viết ra, được cấu tạo bởi các thành phần là dấu giọng và các nét vẽ con chữ hoặc đồ vị. Thí dụ từ bảng: không kể phần âm vị/đồ vị của thanh điệu, từ này được viết bằng 4 nét vẽ con chữ nhưng chỉ là 3 đồ vị đại biểu cho 3 âm vị. Trẻ em cũng khám phá ra là số lượng nét vẽ con chữ và đồ vị chỉ có giới hạn. Trong các từ khác nhau cũng thấy xuất hiện lại các nét vẽ ấy nhưng dưới các cách kết hợp khác nhau. Các con chữ được phân biệt với nhau bằng một số đặc tính nhất định. Không phải mọi sự khác biệt giữa các con chữ và đồ vị đều cần phải quan tâm đến. (Thí dụ sự khác biệt về hình thức của a hoặc g do các kiểu chữ khác nhau). Để có thể phân biệt được các con chữ và các đồ vị phải biết là sự khác biệt nào quan trọng và sự khác biệt nào không quan trọng trong việc phân biệt con chữ và đồ vị. Bằng nhiều bài tập khác nhau với các từ cơ cấu mẫu dần dần vấn đề này sẽ được sáng tỏ.

3. Nhờ vào các từ cơ cấu mẫu các em có thể có kinh nghiệm  để phân biệt được các thành phần khác nhau trong một từ được phát âm. Phần lớn các từ cơ cấu mẫu - không kể âm vị thanh điệu - gồm 3 âm vị.  Âm vị đầu dễ phân tích nhất. Âm vị cuối khó phân tích hơn. Âm vị giữa khó phân tích nhất. Việc học phân tích các từ cơ cấu mẫu được phát âm  thành các âm vị là một đích quan trọng trong việc học hiểu về cấu trúc của hệ thống chữ viết của chúng ta.

4. Chìa khoá của hệ thống chữ viết của chúng ta là một đồ vị nhất định sẽ chỉ diễn tả một âm vị nhất định. Trong đời sống thường nhật người ta hay nói là “biết các chữ cái”. Đúng ra phải nói là biết liên kết âm vị với đồ vị thay vì biết liên kết âm với chữ cái.

Cả đồ vị lẫn âm vị đều là những thành phần chẳng có ý nghĩa gì đối với các em.  Vì việc thiếu ý nghĩa ấy làm cho việc liên kết giữa đồ vị và âm vị khó khăn hơn. Do  đó cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần nhất là với các em có trí nhớ yếu. Bao lâu mà việc liên kết này còn mắc lỗi và không nhanh đủ thì việc phân tích một từ còn là một khó khăn.

5. Hướng mà âm vị được ghi bằng đồ vị trong hệ thống chữ viết của chúng ta đi từ trái qua phải. Trong tiếng Ả rập thì hướng ấy ngược lại với hướng trên. Phần lớn các em không gặp trở ngại trong việc đọc hoặc viết theo đúng hướng. Tuy nhiên cũng có những em khi viết không theo đúng hướng quy định.

6. Việc liên kết các âm vị thành một từ (tổng hợp thính giác và cơ quan phát âm) là một phần khó nhất trong việc học đọc. Ở đây là cái tổng thể chứ không phải là tổng số các thành phần. Việc phát âm các âm vị /t/, /ô/, /i/ khác hẳn việc phát âm từ tôi.

Việc nhận được các từ cơ cấu mẫu không phải là mục đích chính. Mà mục đích của nó là giúp học được các ký hiệu để chúng ta có thể đọc và viết được. Vì vậy các từ cơ cấu mẫu chỉ giới hạn trong số âm vị và đồ vị tương ứng. Nhiệm vụ của từ cơ cấu mẫu có thể được tóm tắt như trong bảng sau đây:

Nhiệm vụ của các từ cơ cấu mẫu:
     Phát hiện được cấu trúc của hệ thống chữ viết
     của chúng ta sẽ giúp chúng ta  biết được:
1   từ được viết ra khi đọc lên sẽ cho một ý nghĩa
2   một từ được viết ra gồm các đồ vị
3   một từ được nói ra gồm các âm vị
4   những đồ vị nhất định diễn tả những âm vị nhất định
5   hướng đọc và viết theo chiều từ trái qua phải
6   các âm vị có thể kết hợp lại với nhau để làm thành các từ.


              Như vậy, nhờ biết được các âm vị và đồ vị tương ứng, nên khi nghe các em có thể chuyển các âm vị thành đồ vị và viết ra thành chữ. Và ngược lại, khi đọc các em cũng có thể chuyển các đồ vị thành âm vị rồi ghép lại theo thứ tự để phát thành tiếng.

8

Để giúp các em làm quen với từ cơ cấu mẫu và nhớ được từ cơ cấu mẫu chúng tôi sẽ kể cho các em một đoạn truyện xoáy quanh từ cơ cấu mẫu ấy trước khi cho các em học phân tích và tổng hợp kĩ lưỡng từ cơ cấu mẫu này.
            Trong khi biên soạn bài giảng, chúng tôi sắp xếp các âm vị và đồ vị tiếng Việt thành 6 nhóm như sau:
Nhóm 1 :  m, đ, v, e, h, b, s.
Nhóm 2 :  ê, i/y, n, t, d, l, c/k/q.
Nhóm 3 :  g/gh, r, th, nh, kh, tr, ch, gi.
Nhóm 4 : p, ư, ph, a, ă, ơ, â, ươ/ưa.
Nhóm 5 : ô, u, x, uô/ua, ng/ngh, o, iê/ia, oo.
Nhóm 6 : uyê/uya, uê, uy, oa/ua, oă, oe/ue, uơ, uâ.

               Mục đích cuả việc chia nhóm là để chương trình hoá việc học các âm vị và đồ vị: chẳng hạn, học sinh được học các phụ âm môi và nguyên âm hàng trước, được kết hợp trong một cấu trúc âm tiết đơn giản. Sau đó đến các âm vị và đồ vị khác, các cấu trúc rộng hơn. Việc sắp xếp này chỉ có tính cách quy ước chứ không nhất thiết là hoàn toàn theo thứ tự từ dễ đến khó.

            Để tạo hứng thú cho bài học, và nhất là để tăng thêm vốn từ nói cho học sinh, trước khi vào bài học mới, chúng tôi chọn cho mỗi nhóm một câu truyện kể xoay quanh một từ cơ cấu mẫu. Thí dụ Nhóm 1: Món quà quý nhất.  Với câu truyện Món quà quý nhất chúng tôi nhằm dạy các em các từ cơ cấu mẫu: me, đèn, võng, (em), hộp, bảng, sách, để qua đó các em học được các âm vị:  m , đ, v, (e), h, b, s.

9

Tóm lại phương pháp giảng dạy tiếng Việt "Học Kĩ Đọc Đúng" là phương pháp dạy đọc theo cơ cấu. Những nét chính cuả phương pháp cơ cấu là:

(1)   học tiếng Việt theo phương pháp học tập toàn diện: nghe, nói, nhìn, đọc, viết;
(2)   học tiếng Việt theo phương pháp ngữ âm: học âm vị trước khi học đồ vị tương ứng;
(3)   học tiếng Việt thông qua các bước: (1) nghe truyện kể để làm tăng vốn từ ngữ, mà cũng là làm quen với từ cơ cấu mẫu; (2) nhận ra và nhớ được toàn khối từ cơ cấu mẫu; (3) biết được các thành phần âm vị/đồ vị cấu tạo nên từ cơ cấu mẫu và có thể đọc ra được các thành phần ấy; (4) biết ghép được các thành phần ấy thành từ để phát âm hoặc viết.

10

"Học đánh vần"

Trong tiến trình học đọc bước đầu thì đánh vần có một ý nghiã và vai trò đặc biệt. Tập đánh vần chính là một hoạt động để tăng cường khả năng nhận biết từ. Chương II đã nói về việc nhận diện từ, và mối quan hệ cuả nó với việc đọc hiểu. Chúng ta biết rằng học sinh có thể nhận diện từ bằng nhiều kĩ thuật khác nhau. Những kĩ thuật nhận diện từ trải rộng từ mức độ nhỏ hơn từ lên đến cấp độ từ và trên từ. Để giúp học sinh tăng nhanh khả năng nhận diện từ, học đánh vần là phương pháp hữu hiệu để học sinh nắm vững kĩ thuật đọc sơ đẳng ở buổi đầu. Những thành phần của việc học đọc sơ đẳng là:

1. đọc từ trái qua phải;
2. phân tích một từ thành các đồ vị, thí dụ t - ê - n  (phân tích thị giác)
3. đổi các đồ vị thành các âm vị thích hợp và phát thành âm  /t/ ê/ n/
4. ghi nhớ các âm theo đúng thứ tự (nhớ ngắn hạn);
5. ghép các âm vị thành một từ /tên/ (tổng hợp thính giác);
6.    nhận được nghĩa của từ (mặt ý nghĩa).

Trong tiến trình này, giai đoạn 2  đến giai đoạn 5 là những giai đoạn kĩ thuật giúp học sinh nắm vững cách đọc đúng một từ đơn mới học.

Học sinh tập phân tích từ nói và từ viết để nhân ra lằn ranh phân chia ba âm vị tuyến tính và âm vị phi tuyến tính cuả một âm tiết. Khi tách được bốn âm vị và bốn đồ vị tương ứng cuả âm tiết rồi, đến giai đoạn 5 là ghép các âm vị thành một từ. Làm được như thế là nhờ kĩ thuật “đánh vần”.

11

Kĩ thuật “đánh vần” có thể được thực hiện qua các lối sau đây, trong đó lối thứ nhất là lối thực tập nên khuyến khích, vì sẽ giúp học sinh phân tích chính xác lằn ranh các âm vị và đồ vị cuả âm tiết trong những buổi đầu:
(1)       1 Phát âm từng âm vị tuyến tính    --->  2 Phát âm tổ hợp các âm vị tuyến tính  --> 3 Định bậc thanh: lối này khác lối trên là  học sinh được tập phát âm từng âm vị  rời, sau đó mới ghép các âm vị tuyến tính lại với nhau, trước khi định bậc thanh cao thấp cho từ.  

                                                                        


(2)       1 Phát âm các âm vị tuyến tính trước  --->   2 Định bậc thanh sau:  chúng ta biết là mỗi âm tiết tiếng Việt chỉ gồm tối đa là ba âm vị tuyến tính và thanh. “Đánh vần” theo lối này dưạ trên một giả định là khi phát âm tổ hợp âm vị tuyến tính chúng ta nâng lên bậc cao cuả thanh ngang. ; do vậy, những từ mang thanh ngang tiết  kiệm được một bước. Học đánh vần có thể tiến hành như sau:

                                                                      


(3)       1 Phát âm chậm các âm vị tuyến tính  --->  2 Phát âm tổ hợp âm vị tuyến tính    -->    3 Định bậc thanh: lối này cũng đánh vần như lối thứ nhất, nhưng phát âm chậm hơn. Chỉ cần lưu ý rằng đối với những âm tiết kết hợp chặt, phần âm chính và âm cuối có phụ âm tắc đều bị rút ngắn:

                                                                        bước 1                 bước 2                 bước 3
      âm tiết có thanh ngang:              dê  :      / zzz-eee /             / zzzeee /                   -                                     / ze /
                                                     măng: / mm- ɑ - ŋ ŋ /             / mm ɑ  ŋ ŋ /           -                   măng /mɑ ŋ/
                                                      băm:   /bb- ɑ - m/              /bb ɑ m/                      -                    băm / bɑm /

       âm tiết có thanh khác:               xoài :/ ss-uu-aa-jj /               /ssuuaajj /           / `/                 xoài /suàj /                                                                    mẹ :    / mm- ɛ ɛ /                  /mm ɛ ɛ /           / . /                  mẹ  / m /
                                          tắp :   /tt- ɑ -p/                     / tt ɑ p /               / ' /                  tắp /t ɑ p/


* Ở trên ta chỉ nói tới âm vị mà không nói tới âm. Âm có thể khác biệt nhưng không có ảnh hưởng tới ý nghĩa. Những âm chính của một từ có thể ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các âm chung quanh. Âm / ɑ / của tan nghe có vẻ khác / ɒ / của tát. Đó là hai âm khác nhau. Nhưng theo âm vị thì chúng chỉ là biến thể của cùng một âm vị / ɑ / .Vì vậy nên nói tới âm vị hơn là nói tới âm. Âm vị là một đơn vị âm của ngôn ngữ có chức năng khu biệt về ý nghĩa.

* Cũng có khác biệt về con chữđồ vị. Một đồ vị là một biểu tượng của một âm vị. Có những đồ vị có hơn một con chữ như ch, ia, iê, uô v.v..
* Việc học đọc đánh vần cũng tùy thuộc vào một số yếu tố như:
·     Độ dài của từ: thí dụ oà, hòa, huyên, huynh, huênh huếch.
·     Cấu trúc của từ: thí dụ ngoao, hươu.
·     Âm của từ: thí dụ hoãng, hoẵng.
·     Hoàn cảnh xảy ra sự việc.

12

Có hai thành phần của việc học đọc đọc đánh vần gây nhiều khó khăn nhất:

. Việc liên kết đồ vị với âm vị. Việc liên kết này đòi hỏi một tiến trình học đọc lâu dài để có thể liên kết và phát âm không trở ngại và nhanh chóng.

. Việc liên kết các âm vị thành một từ. Việc tổng hợp thính giác bị khó khăn vì các lí do sau đây:  

+Âm vị, khi được phát âm thường ít khi giống đúng như âm trong từ liên quan được phát âm. Các phụ âm chỉ có thể phát thành âm khi có âm phụ đi theo. Phụ âm /b/ phát thành âm /bơ/.
+Việc phát âm một từ đòi hỏi có sự chuyển đổi giữa các âm được biểu thị bằng các con chữ (thí dụ tr.ươ.ng).
+Để có thể tổng hợp các âm của một từ nào đó đòi hỏi phải nhớ các âm theo đúng thứ tự.  Các âm /c/, /a/ và /t/ có thể làm thành từ cát tác. Vì vậy việc nhớ vị trí của các âm khác nhau rất quan trọng.

Đoàn Xuân Kiên

 (1) Phạm Thị Tú Minh, Nguyễn Văn Thế & Đoàn Xuân Kiên (1998), Học Kĩ Đọc Đúng. Tilburg: Nxb. Zwijsem.


No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...