Sunday 24 September 2017

tản mạn:


Chữ Nghĩa Và... 

Phố Tịnh




Gần đây, có một số độc giả bàn (với báo Thông Luận ở Paris) về lối viết hoa chữ “Đảng” trên mặt báo Việt ngữ tại hải ngoại, xem đó như một vướng mắc cần gỡ bỏ.  Có lẽ vì khuôn khổ giới hạn của mục thư độc giả không thuận tiện để tỏ bày hết mạch suy nghĩ của quý vị độc giả đó chăng, chỉ thấy các vị đề nghị vắn tắt là chúng ta ở hải ngoại không cần và không nên viết tên Đảng Cộng Sản Việt Nam theo lối tắt như ở trong nước.  Và cũng có lẽ vì thế mà toà báo Thông Luận đã có lí khi trả lời độc giả một cách vắn tắt rằng: viết hoa chữ “Đảng” chỉ là viết tắt chữ “Đảng Cộng Sản” mà thôi chứ không có ý tôn kính gì.  Câu trả lời vắn tắt quá thành ra lại càng gây thêm thắc mắc: viết hoa là viết tắt sao? Ý nghĩa về mặt tu từ của lối viết này là sao mà có nhiều vị độc giả thắc mắc? Chuyện thật ra cũng không lớn lao gì, nhưng ngẫm ra thì cũng... lắm điều hay.  Cũng vì vậy mà có lời bàn thêm này cho rộng đường dư luận. 

Trong chính tả, viết hoa và viết tắt là hai khái niệm khác hẳn nhau và có ý nghĩa khác nhau.  Không thể lẫn lộn.  Viết hoa một chữ vì nó ở đầu câu, hoặc vì nó là tên riêng.  Chúng ta viết Đảng Cộng Sản (chữ viết hoa) vì nó là tên riêng của một đảng phái chính trị, để phân biệt với các đảng phái khác như Đảng Xã Hội, Đảng Tự Do... Loại danh từ này trong ngữ pháp tiếng Việt gọi là danh từ riêng.  Danh từ riêng này được ghép bởi hai bộ phận:

(1)                                                                    (2)
             Tiếng chỉ loại (khái quát)         +         tiếng chỉ định (cá biệt)
Ví dụ:
                   Rau                                                     cải bắp
                   Mèo                                                     tam thể
                   Anh                                                      phu xe
                  Đảng                                                    Cộng Sản

Viết “Đảng” thôi như ta vẫn thường thấy thì chưa đủ nghĩa, vì chữ Đảng chỉ là một bộ phận khái quát, còn thiếu hẳn bộ phận chỉ định nhằm ca biệt hoá đối tượng được gọi tên.  Quy định chính tả tiếng Việt về phép viết tắt những trường hợp tên riêng này ra sao? Có hai lối: lối thứ nhất là viết tắt chữ cái đứng đầu: chẳng hạn, Đảng Cộng Sản – ĐCS.  Cũng có thể nói và viết tắt bằng cách bỏ bớt phần (1) hoặc lược bớt phần (2): Đảng Cộng Sản – Đảng Cộng (hay là Cộng Sản).  Tuyệt nhiên không thể cắt trụi lủi phần cá biệt hoá ở sau đi được.  Trên thực tế, có những trường hợp chúng ta gọi tắt một tên riêng nào đó chỉ với phần khái quát, nhưng chỉ là trong một ngữ cảnh cụ thể trong đó mọi người cùng thừa nhận là không có sự lẫn lộn đối tượng bàn bạc.  Trong một buổi họp nội bộ của Đảng Cộng Sản, họ có thể nói và viết “Đảng” mà không sợ bị hiểu nhầm.

Những người cộng sản trong nước thừa biết điều này.  Nhưng đã thành một thói quen từ lâu, người ta chỉ viết trơ trụi một tiếng Đảng.  Có thể là người cộng sản cũng hiểu viết như thế là đã vi phạm quy định chính tả, viết như thế là nêu gương xấu cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, nhất là khi nhà nước luôn hô hào quốc dân cùng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Nhưng chuyện đáng bàn ở đây lại là chuyện bên ngoài địa hạt chính tả.  Người cộng sản ở Liên Xô trước đây hay ở Việt Nam thời hiện đại cho rằng trong thời đại cách mạng vô sản, chỉ có Đảng Cộng Sản mới là Đảng chính trị đúng nghĩa vì nó có tính tiền phong cách mạng.  Ngoài ra chỉ là những đảng phái phản động hết cả.  Người cộng sản lí luận rằng điều kiện lịch sử đã khiến cho đảng của họ là đảng duy nhất đóng nổi vai trò lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ cho đất nước.  Đó là đảng quang vinh bách chiến bách thắng, đáng tôn kính.  Cho nên yêu nước có nghĩa là phải yêu cái đảng đó; ngoại giả là phản động! Nói cách khác, Đảng Cộng Sản = Đảng. “Rất ư là lô gích.” Hơn thế nữa, Đảng là của mọi chúng ta.  Đảng ta!

Lối suy nghĩ như thế là sản phẩm của những người nặng óc chuyên chế, họ mặc nhiên phủ định sự có mặt của mọi chính đảng hoặc phong trào quần chúng đã và đang góp phần đấu tranh cho mục tiêu phồn vinh của đất nước.  Thật không khác gì lối suy nghĩ thời phong kiến, cho rằng kẻ đứng đầu là ke có uy quyền tuyệt đối, bất khả xâm phạm.  Thói phong kiến dẫn đến uy quyền độc tôn; vua là con trời, vua không bao giờ sai lầm.  Thời đại ngày nay, Đảng Cộng Sản đã không úp mở gì, họ thay vai vua chúa phong kiến để làm một thứ trời con.  Một thi sĩ ngoại hạng của Cộng Sản Việt Nam đã chẳng từng hồ hởi ngợi ca rằng Đảng là mặt trời là gì!  Mặt trời chân lí đã soi sáng chân lí vào đầu dân con,cho ai nấy được sáng mắt sáng lòng!  Nói cách khác, dân ta mà không có Đảng ta thì 73 triệu con dân đều mù dở.

Thực tiễn cuộc sống đã phơi bày sự thật không chối cãi là cái thời mà Đảng Cộng Sản có thể làm trời đã qua rồi.  Lịch sử thế giới đang vẽ ra một thời đại mới, trong đó dân chủ không còn là độc quyền của giai cấp, trong đó đất nước không là của riêng cá nhân hay tập đoàn nào.  Trật tự thế giới mới đang hình thành, trong đó thành trì của mọi hình thái độc quyền đều đang gặp khủng hoảng: tư bản độc quyền hay chuyên chính vô sản cũng thế thôi.  Kỉ nguyên dân chủ mới đang hình thành. 

Hoá ra, viết chữ Đảng thế nào lại là chuyện nhiêu khê, chuyện thuộc về lối nghĩ, chuyện quan điểm chính trị.  Người cộng sản thách thức những người dân chủ từ một chữ cỏn con.  Nhưng người cộng sản không lơ là vì chuyện cỏn con này, họ xem đây cũng là một trận địa, là chuyện “ai thắng ai”.  Những người có tinh thần dân chủ hẳn là sẽ không khoan nhượng với thái độ ngạo mạn của người cộng sản mà viết “Đảng” trần trụi theo kiểu viết của báo Nhân Dân, chỉ vì họ không chấp nhận việc người cộng sản nắm độc quyền chính trị.  Thái độ như vậy rất là trịch thượng và ngạo mạn một cách thiển cận, khi mà toàn cảnh thế giới đang đổi thay rất nhanh chóng.  Thời huênh hoang của dòng thác cách mạng đã thuộc về quá khứ rồi.

Trên con đường xây dựng dân chủ, thiết tưởng chúng ta nên cảnh giác trước những cái bẫy ngôn từ vốn là tàn dư của trình độ tư duy ở “tầm văn hoá thấp”, loại ngôn từ “cha thiên hạ” theo kiểu Đảng ta.  Người Cộng Sản đang phải đứng trước một thách thức của lịch sử là: mọi công dân yêu nước không ai được phép ngồi xổm trên đầu người anh em mình.  Luật chơi dân chủ không cho phép ai trên góc đời này được quyền làm thế.

Tôi vốn không câu nệ việc tìm học và sử dụng tiếng Việt sao cho khỏi lạc hậu với thời đại.  Kho từ vựng tiếng Việt hiện đại đã được làm cho phong phú lên nhiều lắm chứ.  Điều này có phần công lao sàng lọc của học giới hai miền Nam Bắc sau 1975.  Nhưng kho từ ngữ của chúng ta không thể đơn giản tăng tiến theo kiểu toán cộng toán trừ, cái gì của ta cũng là chuẩn, còn của địch thì đều là rác rưởi. Kiểu suy nghĩ này chỉ gieo mầm độc cho dân tộc.

Có khá nhiều kẽ hở khiến cho ngôn từ tiếng Việt lắm khi sượng.  Nhiều kiểu dùng từ nghịch nhĩ mà suy cho cùng chỉ là do cái óc câu chấp, kênh kiệu, hoặc là do óc sính tây mà ra.  Bệnh kiêu mạn đã đẻ ra lối nói lính nguỵ nhưng anh bộ đội, đại học mở chứ không chịu đại học hàm thụ, hải quan chứ không quan thuế, lô gích mà không thể là luận lí. Chê xa lộ nhưng lại là đường cao tốc.  Kiểu nói sính tây có khi làm nghèo tiếng nước mình: ăn tốt, mặc tốt, học tốt, ngủ tốt, nói tốt... Giở tờ báo Tuổi Trẻ mà xem, sẽ thấy kiểu chuyển ngữ sống sít từ tiếng Anh, bất chấp ngữ lí tiếng Việt, nào là bùng nổ thông tin, siêu sao người mẫu, đảo giao thông...


Nhịp độ phát triển xã hội phải dẫn đến việc tạo thêm từ mới. Có điều là việc tạo từ mới không phải là chuyện chỉ hôm nay mới có.  Chúng ta đã liên tục làm việc này từ những năm đầu thế kỉ XX.  Phương châm của mọi thế hệ tạo từ mới là: hãy khiêm cung, đừng mặc cảm và phải hết sức tôn trọng cấu trúc từ và câu tiếng Việt. 

                                                               Phố Tịnh 
                                                       (Thế Kỷ 21 số 86 (th. 6/1996), tr. 55-56)

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...