Friday 22 September 2017




những câu hỏi

chung quanh một vấn đề lịch sử


Đoàn Xuân Kiên

                                                       


        Tìm hiểu lịch sử với một thái độ đứng đắn sẽ cho ta những bài học quý giá cho hoạt động xã hội bây giờ và mai sau. Vì lịch sử là chính trị cuả thời đã qua, và chính trị hôm nay là lịch sử cho mai sau mà thôi. Không riêng gì sử gia, mà chắc ai ai trong chúng ta cũng muốn tiếp cận lịch sử một cách trung thực. Bóp méo lịch sử chỉ là biểu hiện cuả một tình trạng chính trị xã hội kém cỏi, trong đó điạ vị người công dân hãy còn mỏng manh như con ong cái kiến. Một số ý kiến cuả Nguyễn Gia Kiểng chung quanh vấn đề một nhân vật lịch sử là Quang Trung [1] đã không ngừng gây tranh luận từ dạo nó xuất hiện lần đầu cách nay bốn năm trên tập san Thông Luận. Thật ra, có lẽ khi nêu lên vấn đề cần xem xét lại một số vấn đề lịch sử, chủ ý cuả Nguyễn Gia Kiểng là đặt ra một vấn đề khác phức tạp hơn mà ông gọi là vấn đề di sản tâm lí do lịch sử và văn hoá để lại. Nhưng để minh hoạ cho luận điểm cuả mình, tác giả đã nêu ra trường hợp Quang Trung mà ông cho là biểu tượng điển hình cuả tính cách võ biền, hung bạo, và độc đoán. Cho nên, đáng ra thì cuộc thảo luận nên bắt đầu từ những luận đề lớn trong quyển sách đó, để tránh tình cảnh tìm cây mà quên rừng.

        Nhìn lại một vấn đề lịch sử như vấn đề Quang Trung, ông NGK dưạ trên hai cơ sở: một phần là sử liệu, phần khác là dưạ trên suy diễn riêng. Khi dẫn sử liệu, tác giả thường dưạ trên một nguồn tài liệu là Hoàng Lê Nhất Thống Chí và một số thư từ cuả giáo sĩ phương tây. Suy diễn riêng thì thường dưạ trên kí ức (chẳng hạn khi đưa ra hồi ức về buổi diễn thuyết cuả Tưởng Quân Chương). Chỉ chừng ấy cơ sở tài liệu thì lập luận cuả tác giả trong luận thuyết vưà kể không tránh khỏi giản lược đối với một nhân vật lịch sử cuả một thời đại phức tạp.

        Trước hết, chẳng phải đợi đến khi ông NGK nhìn lại vấn đề, hình ảnh Quang Trung mới hiện ra với một dáng vẻ khác. Người anh hùng dân tộc này đã không ngừng tái hiện qua thời gian với những hình ảnh khác nhau, tuỳ theo quan điểm khác nhau cuả người sau. Chỉ riêng điều này cũng đã nói lên tính cách lớn lao cuả một nhân vật lịch sử, khiến cho tấm áo nào cũng trở thành chật chội đối với con người ấy.

        Tưởng cũng nên nhắc đến ở đây là: chung quanh vấn đề Quang Trung, văn học hiện đại tỏ ra đã thoáng hơn các sử quan. Hình ảnh Quang Trung tái hiện trong Kiếm Sắc cuả Nguyễn Huy Thiệp, Sông Côn Muà Lũ cuả Nguyễn Mộng Giác, và gần đây trong Gió Lưả cuả Nam Dao, dường như gần gũi với cuộc đời hơn, và tất nhiên cũng phản ánh những khác biệt quan điểm người đời sau hơn. Tuy nhiên, văn học có những nguyên lí xây dựng nhân vật riêng, rất khác biệt với nguyên tắc tái hiện nhân vật lịch sử. Cách nhìn lịch sử trong văn học vẫn có thể chấp nhận được theo nghiã rằng chúng là một cách nhìn đời riêng cuả nhà văn, hoặc giả chỉ xem nhân vật lịch sử là một hình tượng văn học (nghiã là sản phẩm cuả hư cấu) để biểu tượng cho một thông điệp văn học nào đó. Do vậy, nhân vật cuả tác phẩm văn học không thể dùng để tái hiện nhân vật lịch sử, mà chỉ nên dưạ vào sử liệu mà thôi. Đến đây thì có một khó khăn: các nguồn sử liệu khác nhau, các quan điểm viết sử khác nhau sẽ cho ta hình ảnh khác nhau về một nhân vật lịch sử.

        Mà nói gì hậu thế ! Ngay người đương thời còn ghi lại hình ảnh rất khác nhau về người anh hùng này. Quang Trung xuất hiện trong một tác phẩm kí sự lịch sử đương thời là Hoàng Lê Nhất Thống Chí  (HLNTC) hay trong tài liệu thư từ cuả giáo sĩ phương tây, thật là khác nhau; do đó không thể dưạ trên một nguồn tài liệu duy nhất để tái hiện nhân vật cuả thời kì lịch sử này. Người sau thường hay trích dẫn HLNTC, xem như một nguồn tư liệu có thẩm quyền về thời kì lịch sử này. Tuy nhiên, chỉ riêng một HLNTC cũng đã cho hai ba hình ảnh Quang Trung khác nhau rồi: ở bảy hồi đầu, ông xuất hiện như là một người ở xứ ngoài đến đất cuả vua Lê. Ông chỉ là một kẻ "địch", một mối đe doạ đối với nhà chuá. Giọng văn cuả tác giả mấy hồi này không tránh khỏi sự thán phục ông là người thông minh, quyết đoán, và cầm quân lệnh rất nghiêm. Nhưng nói chung thì tác giả phần chính biên này vẫn giữ một giọng văn, một thái độ quan sát bàng quan một nhân vật cuả thời thế lúc bấy giờ; cho nên Nguyễn Huệ cũng biết hoài nghi, biết bông đuà, và cũng hỉ nộ ái ố như bao người. Thời thế khi ông kéo quân ra Bắc Hà lần đầu là một thời nhiễu nhương vô cùng, vua thì ươn hèn, chuá cũng bạc nhược, triều đình xiêu vẹo hết cả.

        Đến những hồi sau cuả HLNTC, hình ảnh Quang Trung càng trở nên sáng chói. Giọng văn càng sảng khoái, rõ là giọng tán tụng một anh hùng cuả thời tao loạn, đã nổi lên như một biểu tượng tự hào cuả một đất nước đã kiệt quệ vì chiến tranh, phân hoá, tham nhũng hối lộ, giá trị suy đồi. Hình ảnh ấy lại càng được lưu dấu bền chặt trong lòng người qua những tác phẩm văn học đương thời, như Ai Tư Vãn, văn tế cuả triều thần, thơ văn cuả các quan chức nổi tiếng văn học... Xem thế thì những hình ảnh đẹp đẽ nhất về Quang Trung đã được chính người đương thời nói lên cả rồi, chứ không hẳn là người sau lợi dụng, vẽ vời ra cả đâu. Cũng không vì người sau lợi dụng được hình ảnh Quang Trung mà ông trở thành anh hùng! Người sau nếu có lợi dụng hào quang có sẵn cuả người anh hùng chỉ là để làm hào quang cuả họ mà thôi.

        Nhưng hình ảnh sáng chói cuả Quang Trung trong HLNTC tắt rất sớm. Mấy chương cuối cùng cuả sách này đã nói đến "Nguỵ" Tây, đối lập với quân "hoàng triều". Sự quay chiều giọng văn này là do thái độ chính trị cuả tác giả mấy chương sách đó. Khi chấp bút viết nốt mấy chương này, người con cháu trong họ Ngô Thì đã không đứng trên lập trường chính trị cuả người đi trước ông là Ngô Thì Chí. Đã qua rồi thời ngang dọc cuả một ông tướng anh hùng. Lúc bấy giờ hình ảnh Nguyễn Ánh đã lớn lên như một nhà chính trị có những ưu thế rõ rệt, một người cuả thời thế mới, cuả hi vọng mới.

        Xem thế thì khó mà tìm được một hình ảnh chân thực cuả Quang Trung trong bộ kí sự lịch sử tiểu thuyết hoá này. Khó, chẳng phải vì ba bốn bản dịch từ ba bốn bản sao khác nhau đâu. Khác biệt đó chỉ là tiểu tiết. Khó, là vì tất cả các bản phiên dịch khác nhau đều chỉ là để trình bày một sử liệu có giá trị, nhưng chúng chỉ là một nguồn tài liệu trong nhiều nguồn khác nhau, phản ảnh một quan điểm nào đó (đúng hơn, phải nói là ba quan điểm khác nhau -như đoạn trên vưà phân tích). Cho nên muốn tìm hiểu cục diện xã hội chính trị cuả thời kì này, thiết tưởng nguồn tư liệu phong phú sống động trong HLNTC chưa hẳn đã là một nguồn tư liệu khách quan trọn vẹn.

        Và cũng là điều hiển nhiên khi chúng ta tìm đến những tư liệu khác, như là những ý kiến nhận xét về phong trào Tây Sơn cuả các thương nhân phương tây, những lá thư cuả các giáo sĩ đương thời - những người chứng, người quan sát viên cuả một thời nhiễu nhương đó.  Hình ảnh Tây Sơn trong mắt những người này là "những tên cướp", "những kẻ soán đoạt", "tên bạo chuá", "những kẻ phản loạn"... Nhưng chính những người bàng quan này cũng phải thưà nhận rằng đó là những tên cướp nhân từ, chỉ cướp cuả kẻ giàu và tham nhũng hối lộ để chia cho dân nghèo. (2) Qua nguồn tư liệu này, người sau biết thêm những khiá cạnh khác cuả một lực lượng chính trị đương thời. Họ là lực lượng sấm sét cuả một thời rệu rã khắp nơi. Hiển nhiên là không thể có một cái nhìn khách quan trọn vẹn về Quang Trung từ nguồn tài liệu này. Vì, nói chung, tuy đa số những người chứng này không tham gia trực tiếp vào những biến động chính trị cuả hai miền phân tranh lúc ấy, họ chỉ là những kẻ đứng bên lề mà thôi, thậm chí có khi chỉ nghe qua nghe lại những thông tin lắm khi cũng phiến diện từ trong dân dã. Không nhiều những thông tin trực tiếp. Cho nên, chỉ riêng nguồn tư liệu này thôi cũng lại chưa thể phản ảnh đúng và đủ diện mạo cuả một thời kì, hay cuả một người như Quang Trung.

        Muốn tiếp cận những hình ảnh bao quát và trung thực về thời kì lịch sử này, thiết tưởng còn phải tìm tư liệu từ các sách sử cuả người đương thời nưã: sách vở do cựu thần nhà Lê viết ra, chính sử và dã sử thời Tây Sơn, cùng với nguồn văn liệu cuả Nam Hà và sử quan nhà Nguyễn về sau này nưã. Cũng trong nhóm sử liệu này, cần thêm vào tài liệu từ Thanh Sử. Có điều cần chú ý là những sử quan này không thoát khỏi thái độ chính trị cuả cá nhân, cuả chế độ mình phục vụ. Cho nên Quang Trung có thể trở thành "Nguỵ Tây", một tên "nhập khấu" (ăn cướp). Nhưng các sử liệu nhà Nguyễn vẫn có thể là những tấm gương phản ánh chừng mức nào đó những sự kiện cuả lịch sử. Nói như thế là để dè chừng về một hiện tượng quen thuộc trong sách sử cũ: triều đại sau không tiếc cơ hội để thoá mạ triều trước trong các sách chính sử. Mà mối cừu thù giưã Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu thì đã trở thành điển hình cho những vết nhơ cuả thời loạn phong kiến. Oán thù đến mức đào mả người đã quá cố, thì cũng dễ hiểu tại sao những trận đòn thù chữ nghiã trong các sách sử thật là trầm trọng. Cho nên nguồn sử liệu từ các chính sử chỉ có giá trị trong chừng mức là nó có thể cung cấp sự kiện cho đời sau phối kiểm.

        Tổng hợp sử liệu như thế thì có thể vẽ lại diện mạo Quang Trung trong một bối cảnh xã hội bấy giờ, là một thời nhiễu nhương cùng cực. Ông như một ánh chớp xẹt ngang qua lịch sử cuả thời đau thương đó. Sự nghiệp chính trị cuả ông chưa đủ dài để công luận có thể phê phán ông điều gì với tư cách là một nhà chính trị. Sự nghiệp chủ yếu cuả ông vẫn chỉ là một nhà tướng vưà bắt đầu bước vào lãnh đạo chính trị. Những quyết định nhanh nhạy, sáng tạo cuả một nhà chính trị gốc "nhà binh" này đã hé cho thấy sinh lực mới nơi một lực lượng chính trị mới trong một xã hội suy kiệt với một tầng lớp trưởng giả phong kiến cũ lúc ấy đã tàn tạ không thể chối cãi. Chính trị cuả Quang Trung hãy còn quá ngắn ngủi, và tất nhiên là vẫn bị quy định bởi những hạn chế cuả thời đại. Nhưng ông là một nhà chính trị mới nổi, và tỏ ra có nhiều đức tính cuả một nhà chính trị giỏi: chịu học hỏi để tiến bộ, biết lắng nghe người khác, và có thể cũng có lí tưởng xã hội.

        Một vài đề quyết khác trong chương sách cuả NGK đã dưạ trên suy luận riêng cuả tác giả. Chẳng hạn ý kiến cuả ông về quân số Quang Trung đánh quân Thanh cũng như nguyên nhân quân Thanh sang nước ta, là những ý kiến khác hẳn những tài liệu sử khác. Đúng hay sai, chỉ có thể kiểm lại từ các nguồn sử liệu khác nhau mới dứt khoát được. Ý kiến cho rằng Nguyễn Huệ tàn ác là nhắc lại một nhận xét cuả người chứng đương thời. Tuy nhiên, nói cho công bằng thì trong thời buổi loạn li cùng độ ấy, có ông tướng nào nhân ái, có lực lượng nào nhân từ? Sách vở ghi rành rành về thành tích chém giết cuả mọi phe phái chứ có riêng ông nào ! Trong một thời thế đó cứ nhì nhằng như mấy ông triều thần chuá Trịnh và vua Lê thì có ai coi ra gì! Bảo rằng mấy ông võ biền kia tàn ác cũng được, nhưng chắc cũng sai là mấy nếu bảo rằng họ là những con người cuả những guồng máy sắt thép mà nếu không ‘tiên hạ thủ’ thì chính họ sẽ nát thây.

        Bảo rằng vì ghét nhà Nguyễn mà Trần Trọng Kim ngợi ca triều đại Tây Sơn có lẽ chỉ nên xem là một giả thuyết để tìm hiểu thêm. Trong một hoàn cảnh nghiên cứu sử học còn sơ sài như ở xứ mình thời buổi duy tân đầu muà, Trần Trọng Kim đã làm hết sức cuả mình để xem xét các triều đại lịch sử khác nhau. Đặc biệt là triều đại Tây Sơn ngắn ngủi đã được nhìn nhận một cách nghiêm túc và công tâm, ít ra cũng là thoát khỏi ảnh hưởng cuả các sử quan nhà Nguyễn. Điều đó càng có ý nghiã hơn khi tác giả là người sống trong thời kì vua nhà Nguyễn còn đang trị vì. Công tâm cuả một sử gia như TTK là xét rộng rãi hơn, từ cách nhìn vấn đề, từ thái độ cân nhắc sử liệu. Thái độ ấy hẳn nhiên là vượt khỏi định kiến cuả một trí thức Bắc Hà đối với triều nhà Nguyễn.

        Quyển Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam 1771-1802 cuả Tạ Chí Đại Trường (3) có lẽ là quyển sử duy nhất ở nưả sau thế kỉ XX đã đặt lại vị thế cuả phong trào Tây Sơn trong lịch sử, và qua đó gián tiếp nói về hào quang có giới hạn cuả anh hùng Quang Trung. Tác giả cuả nó đã nếm đủ bao nhiêu chua cay cuả thân phận một sử gia độc lập. Nhưng thái độ đối chứng sử liệu nghiêm túc, cốt dưạ trên những sử kiện xác đáng và một quan điểm nhìn lịch sử như là những xung đột văn hoá, tác giả đã góp phần xứng đáng trong kho sách sử nghiêm túc cuả thời chúng ta. Ngoài một vài sử gia hiếm hoi như Trần Trọng Kim và những người sau như Tạ Chí Đại Trường, có sử gia nào đã thật lấy đức công bình để viết về một thời phức tạp cuả lịch sử? Phần lớn nhà viết sử cuả mình chỉ là những sử quan ăn lương cuả ai đó mà viết sử cho đẹp lòng người phát lương. Cho nên muốn đọc sử đúng cuả mình thì  -như đã nói- còn phải biết đối chứng sử liệu đã. Chẳng thể tin hết được mọi chữ mọi câu trong sách cũ.

        Trần Trọng Kim hay Tạ Chí Đại Trường viết về Quang Trung đã giữ vững được thế đứng độc lập cuả sử gia mà các sử quan khó có được. Không hề giản lược quá đáng, cũng chẳng tô vẽ hay bóp méo lịch sử để chiều lòng "lãnh đạo", đối với sử gia độc lập đúng nghiã, sửsự trước đã. Sau đó mới là ý nghiã cuả sự. Nhưng sử không thể là sử cuả người viết sử, muốn đổi trắng thay đen gì cũng được.

        Trở lại ý kiến cuả NGK về vấn đề Quang Trung. Vượt lên khỏi những luận cứ có thể còn đang tranh cãi, vẫn có thể thấy nổi lên một ý lớn, là ông đặt dấu hỏi về bản chất chế độ quân chính điển hình trong lịch sử nước ta. Ba tính cách mà NGK cho là biểu hiệu cuả tính cách anh hùng cuả Quang Trung (võ biền, hung bạo, độc đoán) có thể xem là tính cách chung cuả một thời kì lịch sử mà giới nhà binh được trọng vọng, chẳng kể họ là người thuộc hàng ngũ Tây Sơn, hay Trịnh và Nguyễn. Thời thế loạn lạc suốt ba trăm năm ròng rã, thì anh hùng phải là người trưởng thành trong chiến tranh thôi. Điều đáng nói là sau hơn hai trăm năm, dường như chế độ độc tài (theo kiểu phát xít, quân sự hay đảng trị) vẫn còn được dân tộc chúng ta chấp nhận như một cơ chế chính trị không thể thay thế! Không phải là không có lí khi tác giả Tổ Quốc Ăn Năn chất vấn rằng có phải tâm lí chuộng sức mạnh võ biền đã ăn sâu trong tâm thức dân tộc ta rồi chăng?

        Phong trào nổi dậy Tây Sơn ra đời sau hai trăm năm li loạn, tưởng không thể đòi hỏi họ phải làm những sứ giả hoà bình bằng biện pháp hoà bình, vì thời thế đó chưa có đủ những yếu tố phù hợp với não trạng và căn cơ cuả một dân tộc đã quen với phân hoá, loạn li, nhiễu nhương. Đòi hỏi dân chủ, hoà giải trong tình thế đất nước cách nay hai trăm năm có thể là một đòi hỏi không chính đáng, "phi lịch sử". Đặt một sự việc trong bối cảnh cuả nó có thể giúp ta nhận đúng được lịch sử "như nó là" hơn. Vậy thì tính cách võ biền là tính cách chung cuả thời kì đó. Một chế độ như thế sẽ dẫn quốc gia đi đến đâu? Dường như tác giả bài "Một vấn đề lịch sử" muốn giả định rằng nó sẽ tất yếu dẫn đến những phiêu lưu quân sự để sẽ kết cuộc bằng sự sa lầy hoặc thậm chí phá sản. Nhưng lịch sử đã diễn ra như chúng ta đã biết. Chế độ quân chính đã chấm dứt rất nhanh bằng chiến thắng cuả Nguyễn Ánh. Nếu (xin nhắc lại, chỉ là nếu) nó không kết thúc như vậy thì những trí thức nổi tiếng đương thời như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp... có phương lược nào để chuyển biến nó không? Dưạ trên một số tài liệu rải rác, chúng ta có thể tin rằng họ có thể thay đổi được tình thế, nếu không hơn thì cũng phải như triều đình Gia Long sau đó. Vì tất cả thế hệ nho sĩ đó đều chung một ý thức hệ đương thời mà thôi.

        Xem thế thì không chừng sự kiện Quang Trung có lẽ phức tạp hơn những gì được phác hoạ trong chương viết "Một vấn đề lịch sử" cuả sách Tổ Quốc An Năn. Bởi lẽ rằng, cho dù cuộc tranh luận về Quang Trung có ngã ngũ theo chiều hướng nào thì một câu hỏi lớn vẫn còn đó: một chế độ độc tài quân phiệt có thể nào là giải pháp cho phát triển, cho nền dân chủ Việt Nam  được không? Câu hỏi này sẽ tất yếu dẫn đến một vấn đề khá lớn tiếp sau đó: đâu là mô hình cơ chế chính trị khả dĩ tạo điều kiện cho mọi công dân cùng cống hiến khả năng mình cho xã hội, và chế tài những mưu đồ cuả những cá nhân và tập thể muốn nổi lên làm những anh hùng theo kiểu những anh hùng võ biền mà ta thấy nhan nhản ở những xứ lạc hậu! Và như vậy thì những luận điểm chính cuả chương sách bàn về "Một vấn đề lịch sử" có lẽ vẫn đáng để bàn bạc thêm. Vì đó mới là vấn đề chính đối với chúng ta hôm nay.

                                                            Đoàn Xuân Kiên
                                                                                                 (Thế Kỷ 21 số 155 (th.3.2002), tr. 81-84)
                                                                               





(1) Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc An Năn. Tác giả tự xuầt bản, Paris, 2001
(2) Theo thư viết ngày 12.2.1774 cuả Jumilia. Xem:BSEI, t.XV, 1940, p. 74
(3) do nxb. Văn Sử Học (Sàigòn) xb năm 1973, và nxb. An Tiêm (California) tái bản năm 1991)

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...