Thursday 14 September 2017


Tiếng lóng Sài Gòn
một thời xa


Đoàn Xuân Kiên


Gửi Phước của những ngày xa xăm...
(Bình Chánh, th. 10/1980)      

Trong một cộng đồng ngôn ngữ có hiện tượng khác biệt ngôn ngữ vì có nhiều kiểu dáng sử dụng ngôn ngữ khác nhau; vì thế có thể nói rằng hễ có một nhóm người là có một kiểu ngôn ngữ.  Nhận xét trên có ý nghĩa  trong chừng mực những khác biệt ở một số khía cạnh nào đó, mà khía cạnh nổi bật trong số đó là sự khác biệt về cách dùng từ ngữ.  Trong trường học hay trong giới sinh hoạt văn hoá (truyền thông đại chúng, sách vở, diễn thuyết), hoạt động ngôn ngữ  dựa trên tiếng nói phổ thông, hay còn gọi là ngôn ngữ chuẩn. Nhưng ngoài xã hội, hoạt động ngôn ngữ còn có một bộ phận tiếng nói - hay đúng hơn là một số vốn từ và một số kiểu nói - không phổ thông, chỉ lưu hành trong một số thành phần xã hội, gọi là biệt ngữ xã hội.  Chiếm một phần lớn trong loại tiếng xã hội này là loại tiếng lóng.  Trong bất cứ cộng đồng xã hội lớn nhỏ nào cũng có hiện tượng ngôn ngữ đặc biệt này. 

Ở Sài Gòn cũng như bất cứ nơi nào khác, có khá nhiều tiếng lóng cuả giới bình dân rất đáng chú ý. Sinh hoạt hàng ngày cuả những người trong giới dân nghèo ở thành thị thường rất phức tạp khiến người ta phải tạo ra những phương tiện để giữ an toàn, để bảo vệ chính mình trước sự dòm ngó cuả luật pháp, cuả người khác giới … Những năm gần đây, giới dân nghèo thành thị càng ngày càng thêm bần cùng hoá, nảy sinh nhiều hiện tượng xã hội phức tạp, do đó mà “hệ thống” tiếng lóng - công cụ tự bảo vệ cuả từng lớp dưới đáy, bên lề xã hội - càng thêm phức tạp và do vậy phong phú hơn nhiều so với tiếng lóng cuả các giới khác trong xã hội.  Trong bài này, người viết giới hạn tìm hiểu cuả mình ở phạm vi tiếng lóng cuả lớp “bụi đời” bến xe miền Tây trong khoảng thời gian những năm trước và sau 1975 không lâu. 

Cấu tạo từ ngữ tiếng lóng

Tiếng lóng có thể thuộc nhiều từ loại khác nhau:
Danh từ: vé bay, suông, xế nổ/xế điếc, khoén, vãng, đồng, ken/lính cô ba, ghệ, khứa
Động từ: ăn bay/bốc vãng, ăn gio/ăn xào, chôm chỉa, nhập nha, bốc/mổ/hồ/dua/hổ, , chỏ, bán cái, choác, phi/vã, nghiá, ăn lẩu, ăn hủ tíu, đá xê ri, bắn lôi, thua, đoi/đọi, , , …
Tính từ: mút chỉ, dỏm, châm

Việc tạo từ lóng thường theo nhiều phương thức như sau:

1. Thông thường nhất là lối biến âm những từ ngữ thông thường trong kho từ vựng phổ thông.  Một từ có thể biến đổi một số trong ba yếu tố sau đây:

(1a) Âm đầu:  Phương thức thay đổi âm phụ đầu tương đối ít so với các phương thức biến âm khác. Trong số từ biến đổi âm đầu, có thể kể đến dỏm. Theo ý nghiã cuả dỏm (giả dối không thực, chỉ có vẻ hào nhoáng bên ngoài)  thì có thể dỏm đã biến âm từ rởm.  Ta nói “trí thức rởm” là có ý chê bai, miệt thị kẻ khoa trương kiến thức một cách lố bịch.  Ý nghĩa cuả rởm thường chỉ dành khi nói về người, nhưng dỏm lại có thể dùng để chỉ cả đồ vật: đồng hồ dỏm, quần dỏm

(1b) Vần: Biến đổi vần là một phương thức phổ biến.  Các tiếng lóng thường được chế tác bằng cách làm thay đổi vần cuả từ phổ thông để  làm biến dạng, lệch lạc bộ mặt thật cuả từ ngữ phổ thông.

            Tiếng phổ thông                       Tiếng lóng
            súng                                           suông
            khuyên(tai)                                 khoén
            (xì) ke                                         ken
            (tri) hô                                         hê
            gái                                              ghế /ghệ

(1c) Thanh điệu:  Xem ra đây là phương thức phổ biến nhất, có lẽ vì dễ dàng hơn cả.  Có điểm đáng để ý là các dấu giọng thường biến đổi tuỳ tiện: có khi theo qui tắc thuận thanh âm (các thanh huyền-ngã-nặng biến đổi theo nhau, các thanh ngang-hỏi-sắc biến đổi theo nhau):
          vàng                                          vãng
đồng (hồ)                                   đỗng
giỏ                                              gio

Có khi thuận theo luật bằng-trắc (các thanh ngang-huyền biến theo nhau, các thanh trắc sắc-hỏi-ngã-nặng biến đổi theo nhau):
            đói                                           đọi
            nhà                                          nha

Nhưng có lắm khi lại chẳng theo luật lệ nào, chỉ cốt sao làm biến đổi thanh cho khác lạ so với từ ngữ phổ thông nhằm mục đích nguỵ trang: sợ  > so
           
2. Ngoài phương thức biến âm, tiếng lóng cũng có thể được tạo ra từ phương thức rút gọn từ, thường thấy nhất là rút các từ láy:
            vật vã                                           vã
            chích choác                                  choác
            khách khứa                                   khứa
            chỉ trỏ                                            chỏ
            châm chích                                   châm

Có một điều cần lưu ý: về ý nghiã thì các tiếng lóng sản sinh cách này không hẳn tương đồng với từ ngữ trong vốn từ phổ thông: không có nghiã là "lăn qua trở lại  vì đau đớn" mà là “đói”, khứa không quan hệ gì với người khách mà chỉ một người đàn ông nào đó, choác chỉ có ý nghiã là chích thuốc phiện bằng ống tiêm, và châm cũng chỉ có nghiã là đau, là khó khăn (như bị ong châm chẳng hạn).

3. Một phương pháp tạo từ khác cuả tiếng lóng Sài Gòn là mượn một từ  phổ thông để nói về một sự vật/ hiện tượng khác có tính cách hơi giống về một khía cạnh nào đó:

            bay                                                   vé bay
   (di chuyển trên không)           (vé giả, vé không có ghi số)
          nổ/điếc (có/không                      xế nổ/xế điếc
       phát ra tiếng động cơ)                  (xe gắn máy/xe đạp)                mổ (dùng dao,                             mổ (túi)
       cắt vạch cho đứt)                         (rạch túi người khác)
            đua   (thi tài)                         đua (chạy trốn người                                                                            đang đuổi bắt)  
        thua (không thành công)               thua (bị bắt) 
            

4. Còn một phương thức tạo tiếng lóng dựa trên cách hiểu nghiã bóng cuả từ phổ thông.  Các tiếng  lóng  tạo ra bằng cách này cũng chỉ hơi giống từ phổ thông về mặt ý nghiã, chỗ khác nhau giưã phương thức này với phương thức trên đây là: tiếng lóng loại này không chỉ mượn điểm tương đồng mà còn thường thu hẹp hay mở rộng ý nghĩa cuả từ phổ thông:

         gồ ghề (sần sùi, nhô lên               gồ ghề (văm, hấp                  cao hơn mức bình thường)                  dẫn)
       bán cái (nhường vai chủ             bán cái (đổ trách 
              trong một ván bài)                    nhiệm cho người
                                                                     khác, đổ vạ)
            bốc (dùng tay lấy                    bốc (vãng) (giựt dây
       đồ ăn đưa vào mồm)                 chuyền vàng bằng tay)               đi tàu suốt                                  đi tàu suốt
 (đi tàu chạy đường dài)            (đi không trở lại, chết)
mút chỉ  (đầu mút cuốn chỉ)    mút chỉ  (rất lâu, rất  xa)
một cuốn  (một tập giấy)         một cuốn  (một năm tù)
                                               
5. Có khi tiếng lóng mượn từ trong vốn từ vay mượn nước ngoài.

(5a) Loại này có thể vẫn giữ nguyên nghiã cuả từ mượn tiếng ngước ngoài (tiếng Hoa):
       nhập    (đi vào)               nhập (nha) (vào nhà ăn trộm)
       y (áo)                                  y (áo)
      xịn (chiến)                            xịn
 (hơn mức thường)               (tốt đẹp hơn mức thường)
                                               
(5b) Nhưng thường thì tiếng lóng đã chuyển hẳn nghiã cuả từ mượn mà chỉ có người cùng giới mới hiểu nhau dựa trên những qui ước riêng giữa họ với nhau, lắm khi không có quan hệ gì với ý nghiã gốc cuả từ mượn nữa:

            ăn lẩu (ăn món                          ăn lẩu
            cù lao - tên một món nhậu       (giựt đồng hồ)
            ở miền nam)
            ăn hủ tíu                                    ăn hủ tíu
            (ăn món hủ tíu)                        (giựt dây chuyền)
            bắn lôi                                      bắn lôi
            (bắn thuỷ lôi)                          (lấy cắp hành lý cuả                                                                            hành khách ở bến xe)
            đá xê ri                                     đá xê ri
            (đá liên tục)                        (ăn mày húp đồ ăn thừa 
                                                            cuả thực khách ở tiệm)

6. Cũng có thể tạo một tiếng lóng bằng cách đặt một từ mới hoàn toàn “lạ tai” mà chỉ giới sử dụng mới hiểu rõ nội dung, ý nghiã cuả nó mà thôi.  Do đó chôm là lấy cắp, là bỏ đi, thông qua, đi cốc có nghĩa là đi ăn xin, và lính cô ba hoặc ken chỉ người nghiện ma tuý, hồ có nghiã là móc túi.

Ngoài ra chúng tôi nghe nói có cách tạo tiếng lóng bằng nói lái nhưng chưa sưu tầm được cứ liệu cụ thể.

Trên thực tế, không phải tiếng lóng chỉ đơn giản như thế. người bình dân Sàigon thường phối hợp sử dụng tất cả các lối tạo từ cuả tiếng lóng để tạo ra những từ khá ngộ nghĩnh, vì chúng có được một cái vỏ âm thanh khá kín đáo để che giấu khỏi con mắt tò mò cuả người ngoài giới.  Ghệ mẫu chẳng hạn, được kết hợp phương thức biến âm (gái > ghệ, có nghiã là người phụ nữ) và phương thức mượn từ Hán Việt (mẫu  = mẹ, ở đây chuyển rộng ra là người già), và có nghiã đơn giản là một bà lão (phương thức 1b-c và 5b). Cũng thế, ghệ linh (phương thức 1b-c và phương thức 5b) là cô gái xinh xắn, và khứa lão (phương thức 1b và phương thức 5a) là một ông già. Cứ như thế, người ta linh động biến đổi bộ mặt thực cuả tiếng phổ thông “quần áo” thành quỡn y (phương thức 1b-c và phương thức 5a) “giựt dây chuyền vàng” thành bốc vãng (phương thức 4 và 1c), xe gắn máy được gọi là xế nổ (phương thức 5a và 3).

Cơ cấu ý nghĩa tiếng lóng

Tìm hiểu tiếng lóng cuả giới “bụi đời” Sài Gòn không chỉ lí thú về mặt cấu tạo từ, mà còn cả về mặt ý nghiã. Như đã nêu ở trên, tiếng lóng là công cụ thông tin cuả những người cùng giới, cùng thành phần xã hội nào đó. Đó là những từ ngữ mang tính phong cách chứ không phải là những từ ngữ phổ thông. Khi ta nói ăn là ta dùng một từ trong kho từ vựng phổ thông, nhưng nói đớp, đá là nói về chuyện ăn uống trong một ngữ cảnh khác: người nói hoặc là diễu cợt miả mai, hoặc muốn nói một cách dễ dãi, suồng sã. Một trường hợp khác: báo chí Sài Gòn trước 1975 thường hay dùng tiếng nghị gật, dân biểu gia nô để chỉ những đại biểu dân cử chỉ biết ngậm miệng bỏ phiếu biểu quyết tán thành các dự luật do sự mua chuộc  hay cưỡng ép từ Phủ Tổng thống. Hiển nhiên là khi dùng từ này, người nói và người viết chỉ hàm ý miả mai, phê phán và do đó những từ này hẳn nhiên là không thể dùng tuỳ tiện, bất chấp ngữ cảnh. 

Như thế thì ý nghiã cuả tiếng lóng không bao giờ trùng khít với một từ phổ thông cho dù là vay mượn cuả nhau: vẫn biết y là “áo”, nhưng khi nói quỡn y người ta còn muốn biểu hiện thêm nét nghiã khác bên ngoài nghiã ngôn từ; nét nghiã ấy không nằm ở bản thân từ ngữ mà nằm quanh quất trong khung cảnh không gian, thời gian, sâu cả trong tâm lý người nói và người nghe nưã.  Ngữ cảnh ở đây đã là một yếu tố nổi bật nếu không nói là quan trọng; tách nó đi người ta không thể hiểu gì về các tiếng lóng nưã mà chỉ thấy chúng kỳ quặc, lạ lẫm.  Gồ ghề1 là một từ trong vốn từ phổ thông, có nghiã là “mấp mô, cao hơn mức thường”, khi chuyển dịch sang gồ ghề 2 là một tiếng lóng, có nghiã  là “có hình thức bắt mắt, dễ thương”, cái vỏ ngữ âm vẫn nguyên vẹn mà ý nghiã cuả từ thì đã bị khúc xạ, bị tước bỏ đi nghiã quen thuộc để treo lên đó một nội dung có tính cách qui ước mới.  Quan hệ giưã vỏ ngữ âm và ý nghiã ở đây không khác nào mối quan hệ giưã một dấu hiệu và ý nghiã mà người ta mặc cho nó.  Không có lý do gì để bảo rằng màu đỏ là màu cấm, và bảng đỏ gạch trắng là bảng cấm qua lại; ý nghiã này là do xã hội tự qui định với nhau. 

Cho nên có thể gọi việc chuyển dịch ý nghiã từ gồ ghề 1 sang gồ ghề 2 là một quá trình biểu trưng hoá (symbolisation) trong một ngữ cảnh các ý nghiã cuả tiếng lóng.  So sánh như vậy không hẳn đã chính xác, vì quá trình biểu trưng hoá ngữ nghiã cuả tiếng lóng chẳng phải là từ một hình ảnh đơn thuần vô nghiã và được mặc ý nghiã có tính cách chấp định.  Một tiếng lóng, ngược lại, là một biểu trưng hoá ý nghiã từ một từ ngữ đã có nghiã sẵn; ngữ tố cuả tiếng lóng vẫn mang yếu tố ý nghiã cuả từ phổ thông, cho nên mặc dù ý nghiã cuả từ phổ thông trong trường hợp này (gồ ghề 1) chỉ tiềm ẩn chứ không nằm trong bản thân tiếng lóng (gồ ghề 2) nhưng ta không thể không liên hệ đến nó khi nghe tổ hợp âm thanh gồ ghề cuả tiếng lóng.

       cấu trúc ngữ nghiã                           cấu trúc ngữ âm

        gồ ghề 2                gồ ghề 1                 / gồ ghề /
         (ngữ tố)          (ngữ tố tiềm ẩn)
           
Từ tính cách biểu trưng hoá ý nghiã các ngữ tố trong tiếng lóng, có thể thấy tính quán ngữ cuả tiếng lóng, vì về ý nghiã, các tiếng lóng có thể gọi là những quán ngữ hạn chế (restricted idiom) – mượn cách nói cuả Chafe (1970). Quá trình quán ngữ hoá cuả tiếng lóng cũng như quá trình quán ngữ hoá cuả một quán ngữ mà thôi.  Tính cách nổi bật cuả ý nghiã một quán ngữ là tính chấp định cuả nó: đá nát vàng phai không có ý nghiã bao gồm ý nghiã cuả bốn ngữ tố “đá”, “nát”, “vàng”, “phai”, mà là một sự kiện khác hoàn toàn: “gặp một tai biến làm thay đổi tình trạng ổn định trước đó”.  Ý nghiã này nằm bàng bạc trong toàn cục cấu trúc hình ảnh phù hợp với ý hướng mục đích người nói và cũng phù hợp với quy ước ngôn ngữ giưã người nói và người nghe.  Ý nghiã cuả bốn ngữ tố “đá”, “nát”, “vàng”, “phai” là ngữ tố tiềm ẩn, được biểu trưng hoá ở cấu trúc âm thanh cuả quán ngữ.  Ta tìm thấy quá trình quán ngữ hoá đó trong tiếng lóng: vé bay là một tiếng lóng có hai âm /vé bay/.  Nghiã cuả nó không nằm ở “vé” và “bay” là hai ngữ tố nổi ở bề ngoài, vì người nói và người nghe quy định với nhau là tổ hợp âm thanh /vé bay/ chỉ mượn cấu trúc nghiã nổi cuả từ để nguỵ trang một ý nghiã kín đáo ẩn dấu dưới sâu: “chiếc vé không có ghi số, vé giả”.
           

Một tiếng lóng có nghiã cuả từ phổ thông; cái phần khác là ở chỗ nó mượn vỏ ngữ âm để đánh lưà người ngoài bằng phần ngữ nghiã nổi thường thấy trong từ phổ thông và nhân đó nguỵ trang phần ý nghiã riêng kín đáo có tính chấp định cuả tiếng lóng. Tính cách biến ảo cuả cấu trúc ngữ nghiã chìm khuất khiến cho tiếng lóng có vẻ hàm hồ về ý nghiã, bởi vì một mặt, nhìn từ phiá từ vựng phổ thông, tiếng lóng thường không có ý nghĩa quen thuộc, thậm chí ngô nghê không có ý nghiã gì; mặt khác, nhìn từ phiá người sử dụng, tiếng lóng lại rất sáng tỏ.  Yếu tố nào đưa đến việc truy nhận được ý nghiã một tiếng lóng: chính là yếu tố tâm lí chi phối quá trình biểu trưng hoá ý nghiã từ ngữ; đó có thể là sự loại suy, có thể là sự loại suy, có thể là sự liên tưởng mà ra.  Ý nghiã cuả tiếng lóng có tính mơ hồ hay chấp định (arbitrary) là do sự chi phối cuả yếu tố tâm lí này đây.  Cho nên tam giác ngữ nghiã cổ điển giờ đây phải thêm một chiều cạnh mới để hình thành một tứ diện ngữ nghiã.


Tiếng lóng và từ ngữ phổ thông

Xem vậy thì tiếng lóng là một hiện tượng đặc biệt trong sinh hoạt ngôn ngữ.  Tìm hiểu hiện tượng tiếng lóng sẽ có thể có nhiều khám phá bất ngờ về nhiều mặt.  Nhưng mặt xã hội-ngôn ngữ học thì không thể bỏ qua. Và dường như cho đến nay không ai bỏ qua ý nghiã xã hội cuả hiện tượng ngôn ngữ này.  Tuy nhiên thái độ cuả những người nghiên cứu xưa nay thường không đồng nhất.  Có người cho rằng tiếng lóng có tiếng lóng “hay” và tiếng lóng “dở”.  Không biết có thể nghĩ như thế được chăng, vì tiếng lóng dù dở dù hay thì cũng chẳng bao giờ có thể tiến lên điạ vị tiếng phổ thông được.  Ngôn ngữ phổ thông là ngôn ngữ kiểu mẫu, ngôn ngữ nhà trường, cho nên không thể dạy văn học bằng tiếng lóng, dù đó là thứ tiếng lóng cuả giới quí tộc thượng lưu!  Nhưng hãy tạm gác bỏ những cách đánh giá có tính cách mô phạm như thế. 

Tự thân tiếng lóng quả có hiện tượng thăng trầm như mọi hiện tượng xã hội khác. Có nhiều tiếng lóng không tồn tại lâu bền, và ngược lại cũng có nhiều tiếng lóng rất phổ biến trong hoạt động lời nói ngoài xã hội.  Những tiếng lóng bị đào thải chẳng phải vì nó nhớp nhuá quá, hoặc là vì nó là thứ ngôn ngữ cuả những tên lưu manh, những bọn người khả ố nhất trong xã hội.  Những tiếng lóng gọi là “tiêu cực” không được quần chúng chấp nhận chỉ là vì chúng không tuân theo quy ước ngôn ngữ cuả xã hội vào thời buổi đó mà thôi. Ngược lại, có những tiếng lóng “tích cực” vì nó phù hợp với quy ước ngôn ngữ đương thời, nghiã là những tiếng lóng này đáp ứng nhu cầu sử dụng và lưu hành cuả một cộng đồng ngôn ngữ cụ thể nào đó trong một thời điểm nhất định nào đó. Một tiếng lóng được một nhóm người thừa nhận là khi nó thể hiện được tính quy ước cuả ngôn ngữ, nghiã là ý nghiã biểu đạt cuả tiếng lóng được cộng đồng ngôn ngữ sử dụng nó thưà nhận.  Hết sảy hoặc bỏ đi tám sẽ không bao giờ đi vào được kho từ ngữ Việt Nam nếu chúng không  được quần chúng bảo dưỡng nó. Sự kiện này ngộ nghĩnh đến độ nghịch lí như bao nhiêu thứ thời thượng khác ngoài xã hội.  Sử dụng tiếng lóng cũng là một thứ thời thượng, lắm khi “lố lăng” kì quặc nhưng cộng đồng ngôn ngữ đã chấp nhận những quy ước như thế!

Nhưng như thế vẫn chưa đủ để một tiếng lóng “đứng” được. Tiếng lóng được tạo ra không phải từ ý muốn độc đoán cuả một ai, một nhóm người nào, mà thường nó có nguyên nhân xã hội.  Không phải lúc nào người nói cũng cần trịnh trọng, đạo mạo nói “như sách vở”.  Trong một số cảnh huống, người ta muốn thể hiện ý thân mật, sinh động cuả lời nói để tạo được sự ấm cúng chan hoà giưã người nói và người nghe. Sự thân mật có lúc sa xuống mức suồng sã, dễ dãi (vì không trân trọng, kính nể người đối thoại). Trong trường hợp này, có thể bảo rằng tiếng lóng thể hiện tính diễn cảm riêng cuả nó chứ không chuyên chở ý nghĩa trung tính của một từ trong tiếng nói phổ thông.

Cũng để diễn đạt tình cảm, người nói có khi dùng tiếng lóng như một lợi khí tấn công.  Đây là trường hợp tiếng lóng cuả các tầng lớp xã hội thấp kém trong một xã hội có quãng cách xã hội sâu sắc, và dùng tiếng  lóng là một cách thế phê phán tính cách “trưởng giả” tính cách “lãnh cảm” cuả từ phổ thông. Tại các thành thị miền Nam trước 1975, khi muốn diễu cợt một nhân vật kệch cỡm, người ta không nói anh ta mệt (là một từ trung tính) mà lại nói ná thở hay se mình.  Một dạo ở Sài gòn, báo trào phúng Con ong  đã dùng nhiều -quá nhiều- tiếng lóng, trong cả những bài xã luận chính trị, không phải là không có hậu ý: nhà báo hẳn đã ít nhiều đánh giá thấp các nhân vật chính trị mà nét lố bịch cuả họ không khỏi làm trò cười cho quần chúng. Dùng tiếng lóng trong trường hợp này chẳng phải vì muốn thân mật dễ dãi gì nưã, mà là một thứ vũ khí tấn công vào thế lực hợm hĩnh, lố bịch mà xã hội nào cũng có thừa những đối tượng điển hình. Tiếng lóng đã sắm vai trò một công cụ phê phán những hiện tượng tiêu cực, lố bịch trong xã hội.  Nghệ thuật phê phán cuả tiếng lóng có phần tương tự các vai hề chèo trong ca kịch dân gian miền bắc: lố bịch hoá đối tượng để làm hạ giá, thậm chí lật tẩy sự giả hình được nguỵ trang bằng những chiếc mặt nạ đẹp đẽ. Ai đã xem hề chèo đuà cợt nhân vật vẫn thường được gọi là lớp vai vế chốn đình trung sẽ thấy rõ chất hài hước ở nhân vật hề chèo cũng là những viên đạn bọc đường bắn vào bọn người đạo đức giả. Khi dân Sài gòn gọi Tổng thống cuả mình là Tông tông và gọi dinh tổng thống là Phủ đầu rồng thì ý nghiã cuả những từ này không có tính cách kính trọng đã đành, mà cũng không có tính cách bình thường, trung tính nưã.  Biện pháp có khác nhau, nhưng nghệ thuật phê phán thì cùng đạt những mục tiêu giống nhau tấn công vào cái xấu bằng cách phơi bày cái lố bịch, cái giả trá.

Ba nét đặc trưng trên đây nói lên tính phong cách cuả tiếng lóng, và cũng vì là tiếng nói có tính phong cách như thế chỉ sử dụng hạn hẹp trong một số ngữ cảnh đặc biệt nên tiếng lóng không được xem là loại ngôn từ phổ thông để đưa vào giáo dục nhà trường hay phương tiện truyền thông đại chúng.

Tiếng lóng luồn lách trong những ngõ ngách cuả xã hội, ngoài hè phố để tồn tại. Có quan niệm cho rằng tiếng lóng không có giá trị gì vì nó không phải là ngôn ngữ phổ thông; cho nên sử dụng tiếng lóng không khỏi làm vẩn đục ngôn ngữ. Nhưng hiện nay các nhà ngôn ngữ- nhất là trường phái miêu tả ở Mỹ- rất quan tâm đến các dạng ngôn ngữ xã hội, và vì thế không ai còn xem tiếng lóng là loại ngôn ngữ nhớp nhuá hạ cấp cuả bọn du thủ du thực.  Người ta tìm ra lí do tồn tại và giá trị xã hội cuả tiếng lóng.  Trong lời tưạ một sưu tập lớn các tiếng lóng ở Mỹ, tác giả tập sách đã cho rằng : “Bởi vì tiếng lóng không chuẩn mực, không lịch sự và không được chấp nhận trong mọi tình huống nên nó thường bị xem là thô tục, hạ cấp.  Tuy nhiên đại đa số các tiếng lóng không mang một ý nghĩa, âm hưởng hay hình ảnh gớm ghiếc nào.  Không có lí do gì phải tránh không được sử dụng một tiếng lóng tốt, chính xác, chỉ vì nó bị gọi là tiếng lóng” (Partridge, 1984). Một tác giả khác, Mencken (1921), thì cho rằng tiếng lóng có khả năng tạo từ cao, có ý nghĩa phê phán mạnh và tính phong cách dồi dào: “Tiếng lóng hay nhất không những tài tình mưu trí, hóm hỉnh mà còn biểu hiện được ý tưởng phê phán, lên án xã hội”.

Tiếng lóng gắn bó với ngữ cảnh, cho nên nếu sử dụng đúng mức trong chừng mực của ngữ cảnh, tiếng lóng có giá trị biểu đạt phong phú như mọi phương tiện diễn đạt biểu trưng hoá khác của ngôn ngữ.  Ngôn ngữ nào cũng có khuynh hướng tiết kiệm, muốn diễn đạt tối đa một ý tưởng bằng một lượng ngôn từ tối thiểu.  Những ngôn từ thuộc phạm trù này gồm có thành ngữ, quán ngữ, điển cố và các loại thuật ngữ. Thiết tưởng cũng cần phải thêm vào bảng liệt kê này các loại biệt ngữ và tiếng lóng. Bàn về giá trị gợi tả của thành ngữ, quán ngữ hay điển cố trong ngôn ngữ thường ngày và ngôn ngữ văn học là một việc đã nhiều người làm, nhưng về giá trị sử dụng của loại tiếng xã hội như biệt ngữ và tiếng lóng thì hãy còn trong vòng tranh cãi. 

Văn học tỏ ra đã đánh giá đúng giá trị của biệt ngữ.  Đọc lại đoạn văn nói chuyện uống trà trong một truyện ngắn Nguyễn Tuân, ta sẽ gặp rất nhiều biệt ngữ của giới nho sĩ trí thức thời xưa và những lạc thú tinh thần của các cụ.  Những lời nói một thời ấy nay chỉ còn là vang bóng mà thôi, cho nên tác giả đã rất thành công khi gợi lại cả một phong vị quá khứ qua phong cách sử dụng văn từ.  Có thể tìm dễ dàng trong bất cứ trang sách nào của Vang bóng một thời những “chữ mắt” làm nên phong thái cổ kính của một thời dĩ vãng.  Chẳng hạn, trong mẩu văn đối thoại dưới đây, phong vị cổ điển đã toát ra từ những chữ mắt được in nghiêng:
     “Chủ khách cả cười , uống thêm mỗi người hai chén nữa.
      Cụ Sáu tiễn khách ra cổng với một câu :
- Thỉnh thoảng có đi qua tệ ấp xin mời ông khách ghé thăm tôi như một người bạn cũ; mỗi lần gặp, ta lại uống vài tuần nước. Hà, hà.”

Ngôn từ trong ngữ cảnh thích hợp sẽ nói được nhiều hơn bao nhiêu dẫn giải dài dòng.  Đây là giá trị sử dụng của biệt ngữ. Cũng thế, tiếng lóng có giá trị biểu đạt mang tính phong cách của nó. Cũng thì để nói về người cha, có trường hợp ta nói bố, thầy, ba, cha; khi ta cần biểu hiện lòng kính cẩn, nể trọng, lại có thể gọi là ông thân, thân sinh; nhưng khi cần thoải mái, thân mật, ta có thể nói dễ dãi là ông già, ông cụ, ông bô, ông via.  Những tiếng sau cùng này lẩn quất vào kho tiếng lóng đã từ lâu.  Một trường hợp khác: từ đá trong khung cảnh không gian khác nhau đã có nghiã khác nhau. Giới đứng bến ở bến xe miền tây Sài gòn dùng từ đá có nghĩa là “ăn vội vàng” (đá xê ri); sang các trại tị nạn ở Mã lai, đá  lại có nghĩa là bị bác đơn xin định cư ở nước thứ ba! Nhưng dù thế nào đi nữa, không thể dùng tiếng lóng đá với nghĩa đặc thù như thế trong một khung cảnh ngôn ngữ khác nếu không muốn bị xem là loạn ngữ.  Những yếu tố thuộc ngữ cảnh, do vậy, có thể xem là những yếu tố gắn bó với ý nghĩa sử dụng tiếng lóng.  Những yếu tố đó là yếu tố tâm lí người nói (tự qui ước mật ý nghĩa biểu hiện của từ ngữ, diễn đạt tình cảm, thái độ phê phán), yếu tố thời gian và không gian.

Đến đây có thể đặt câu hỏi: trong chừng mức nào chúng ta cần tiếng lóng? Câu trả lời là: tuỳ ở ngữ cảnh, và ở chuyện gia giảm liều lượng cho phải chăng! Trong khung cảnh bến xe miền Tây Sài Gòn, một khưá bụi (thành viên của một băng bụi đời) phải hiểu hết hệ thống tiếng lóng của tập thể thì mới được công nhận là người cùng hội cùng thuyền, và đó là một thứ mật hiệu để nhận ra nhau.  Tưởng tượng một người chuyên “đứng bến” đó nói chuyện văn nhã như một người bình thường ngoài phố Sài Gòn, sẽ thấy là bất thường! Tính phong cách của tiếng lóng đã quy định vị trí của nó trong sinh hoạt ngôn ngữ. Nếu thưà nhận rằng một ngôn ngữ văn hoá là ngôn ngữ có khả năng biểu hiện phong phú các cấp độ phong cách ngôn ngữ, thì có thể nói tiếng lóng là một dạng hoạt động có chỗ đứng trong  ngôn ngữ; cho nên sử dụng tiếng lóng trong mức độ chừng mực phải chăng mà ngữ cảnh cho phép thì không những không làm mất sự trong sáng của ngôn ngữ mà còn có thể làm phong phú đa dạng thêm tiếng nói.

Tuy nhiên, đâu là “chừng mực phải chăng” để tiếng lóng giữ được tính phong cách của ngôn ngữ?  Trước hết cần lưu ý rằng tiếng lóng thuộc về ngôn ngữ nói hơn là thuộc ngôn ngữ viết. Lạm dụng tiếng lóng trong văn viết -dù là văn báo chí- chỉ làm vẩn đục ngôn ngữ. Vả chăng, tiếng lóng chỉ là loại ngôn từ riêng của một nhóm người nào đó trong xã hội, và chỉ có ý nghĩa trội bật đối với nhóm người đó. Về mặt tạo từ, các tiếng lóng thường chỉ được ứng tác vội vàng ngẫu phát, và không dựa theo những chuẩn mực ngôn ngữ phổ thông. Cho nên, để diễn tả khái niệm “rất đẹp, có giá trị hay có phẩm chất cao”, chúng ta nói xuất sắc, đẹp quá, hay tuyệt...sẽ có ý nghĩa biểu đạt cụ thể và phong phú hơn một tiếng lóng hết sảy! Nhận rõ điều này sẽ có ý nghĩa đối với việc dạy và học ngôn ngữ phổ thông trong gia đình và ngoài học đường.

Trong văn học có những tác phẩm đã dùng tiếng lóng để phản ảnh hình ảnh một nhóm người nào đó trong một hiện thực xã hội nhất định. Bỉ Vỏ  của Nguyên Hồng (1938) là một thí dụ trong văn học thời kì 1932-1945. Gần đây, tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 cuả Bùi Ngọc Tấn (2000) cũng tràn ngập tiếng lóng của giới tù nhân. Cũng là một điều dễ hiểu thôi, khi các tác giả muốn dùng tiếng lóng trong tác phẩm văn học, vì đấy là một thủ pháp thể hiện phong cách của ngôn từ những nhân vật được xếp chung trong thành phần những kẻ bị tước đoạt, bị đẩy xuống dưới đáy của xã hội. Phong cách ngôn ngữ hằn học vật vã như thế khi tái hiện trong một tiểu thuyết khác không phải của những thành phần dưới đáy nữa, như trong Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà (1999) chẳng hạn, thì tác dụng của nó lại khác hẳn. Nó nói lên tính cách của những kẻ gọi là "trí thức" (!) trong tuyến nhân vật tiểu thuyết này là một bọn trí thức lưu manh hoá trong một bối cảnh xã hội đang trượt nhanh xuống vũng lầy sa đoạ. Trong chừng mức ý nghĩa xã hội của văn học, có thể xem những tác phẩm văn học như thế là những chứng tích của một xã hội đang có nhiều bức xúc chăng? Bức xúc đến nỗi ngôn từ văn chương nghệ thuật cũng lây nhiễm cái bẳn gắt, hằn học ngoài đường phố.

Là một thành phần của sinh hoạt tiếng nói trong cộng đồng ngôn ngữ, tiếng lóng của giới bình dân Sài Gòn thể hiện tính cách đa dạng phong phú của sinh hoạt nói năng trong  một khu vực địa phương như thế. Đấy là những cứ liệu xã hội-ngôn ngữ học có thể gợi mở nhiều chỉ báo về sinh hoạt xã hội chung quanh nó. Là một hiện tượng ngôn ngữ, tiếng lóng đóng góp vào việc tìm hiểu ngữ nghĩa học. Nhưng trước hết, tiếng lóng là một sinh hoạt lời nói. Làm sao sử dụng lời nói để biểu đạt tính phong cách của nó mà không hại đến việc giữ gìn cho tiếng Việt được trong sáng, đó là một câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta, những người sử dụng ngôn ngữ.

                                                                Đoàn Xuân Kiên
                                                       


Tham khảo
W. Chafe (1970), Meaning and the Structure of Language. Chicago: The University of Chicago Press.
Nguyễn Văn Khang (2001), Tiếng lóng Việt Nam. Hà Nội: Nxb. KHXH.
H. L.  Mencken (1921)  The American language - An Inquiry into the Development of English in the United States. New York: Alfred Knopf
E. Partridge (1984)  A Dictionary of Slang and unconventional English. London: Routledge and Kegan Paul.

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...