Sunday 24 September 2017

KHI CON DẾ HÁT RONG 
BƯỚC VÀO CÕI LỚN

Đoàn Xuân Kiên



            1

            Hơn nửa thế kỉ qua, Phạm Duy - con dế hát rong (1) hay người du ca đầu tiên (2) ấy - đã sống và hát về bao nhiêu là cảnh đời bi hoan trong một phận nước nổi trôi. Hình ảnh con dế hát rong trong trường hợp này khá gần gũi với hình ảnh người bõ già trong Cung Oán Ngâm Khúc (3). Phạm Duy cũng là một nhân chứng của thân phận Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua đấy chứ ! Đứng trước ngưỡng cửa vào thế kỉ mới, người bõ già của thế kỉ cất lên tiếng hát phóng về năm 2000 mà ông gọi là Rong Ca. Mười bài Rong Ca trong album mang tựa đề đầy đủ là Mười Bài Rong Ca “Người Tình Già Trên Đầu Non”- Hay Là Hát Cho Năm 2000. (Phạm Duy Cường Musical Productions, California, 1988).

            Mười bài Rong Ca đánh dấu một bước chuyển biến mới trong nghệ thuật sáng tác của Phạm Duy tại hải ngoại. Trước đó, trong khoảng hơn mười năm, ông cũng như bao nhiêu người Việt lưu vong khác, vướng bận tâm tư trong nỗi dằn vặt về niềm nhớ quê, nỗi hoang mang về một thân phận biệt xứ, và nỗi bất bình về cảnh ngộ của dân tộc trong cơn đồ thán. Hát Trên Đường Tị Nạn (1978), Ngục Ca (1981), Hoàng Cầm Ca (1984) ra đời trong hoàn cảnh ấy. Khi những nét nhạc cuối của Bầy Chim Bỏ Xứ tương đối hoàn tất vào năm1985 thì người nghệ sĩ Phạm Duy cũng tìm thấy lại phong thái của một người bõ già của thế kỉ, và hát lên những khúc Rong Ca vừa thanh thản mà vững chãi, vừa trữ tình mà sâu lắng, “rất Phạm Duy”. Rong Ca mang tính cách những trầm tư của một người đã qua cầu, một dấu tích tư liệu của một người chứng thời đại. Nhưng Rong Ca vẫn là một tác phẩm mang đầy đủ những nét tâm tình Phạm Duy.

2

Tầm cao của một sức trẻ

            Trước hết là cái tựa. Từ Rong Ca có một cấu trúc từ pháp khập khiễng nửa hán nửa nôm, nghe ra có vẻ nghịch ngợm dí dỏm. Phạm Duy đã nhiều lần dùng cách nói này để gọi tên các bài hát của ông, chẳng hạn ông gọi một số bài là “vỉa hè ca”, “bé ca”với ý nghĩa là loại bài hát đùa ngoài đường ngoài ngõ (đạo lộ ca) và loại thiếu nhi ca. Có lẽ ông không muốn dùng lại từ  “ du ca” khi đặt tên loạt “bài hát của gã hát rong” này vì những nét khác biệt về nội dung, nên ông đặt tên chúng là “rong ca” chăng ? Tên gọi thật dung dị nhưng phản ánh tính cách con người ông. Như đã nhắc ở trên, ông có lần tự gọi mình là con dế hát rong. Đây là lời tự tình của con dế mà qua đó là vài nét phác chân dung tự họa thật sắc nét:

             Con dế đã theo làn mây lãng tử
             Vượt khỏi trần gian vào ngủ vườn tiên tìm thấy lãng quên
             Nhưng nhiều khi mây về đầu non
             Mây làm tranh vân cẩu sầu thương...
             Anh còn đây !
            Anh vào nghìn sau bằng muôn tiếng nhạc
                                                (Con dế hát rong -1983)

            Tất cả mười bài rong ca đều viết ở thể truyện ca (ballad), một thể loại bài hát của truyền thống những người hát rong (troubadour). Những bài hát kể thường kết cấu đơn giản, nội dung là những lời tán tụng tình yêu hay những suy ngẫm siêu hình, lời hoạt kê thời sự xã hội. Nói về số lượng những bài truyện ca thì Phạm Duy vẫn là quán quân. Kể từ những bài dân ca kháng chiến đến  những bài rong ca lần này, những bài truyện ca của Phạm Duy vẫn đậm đà âm sắc dân giã, gần gũi tâm tình quần chúng Việt Nam mọi lứa tuổi. Lần này, Duy Cường phối khí album Mười Bài Rong Ca theo phong cách nhạc new age rất trẻ trung, mới mẻ. Cũng là một thú vị được thưởng thức một Phạm Duy ở những xông xáo về phía những thể nghiệm phong cách mới như ông vẫn liên tục lao về hướng tiên phong trong những sinh hoạt âm nhạc từ mấy mươi năm nay: từ những thể nghiệm sáng tác “dân ca mới” đến “ trường ca”, rồi những bài hát giàu tính cách tâm linh hướng nội, từ kĩ thuật truyền thống đến kĩ thuật điện tử, từ phong cách dân tộc đến phong cách hiện đại.

            Một nét đáng chú ý khác nữa là những bài truyện ca thường vẫn láy đi láy lại nhiều lần một giai điệu, lời hát dễ sa xuống kể lể dông dài, cho nên một bài hát xẩm của ta trước kia hay một bài ballad của những người hát rong bên tây có giá trị đều là những bài thơ đúng nghĩa. Trong Mười Bài Rong Ca, nghệ thuật lời ca của Phạm Duy vẫn là nghệ thuật bậc thầy. Lời hát trong tập này dùng ngôn ngữ ẩn dụ, do vậy mà nhiều chất thơ. Lời hát bóng bẩy như ngôn ngữ tượng trưng của ca dao. Hãy nghe một câu hát bất kì:

                        Chớ buồn gì khi tan nắng, đêm về
                        Cho thuận đường âm dương bước đi
                                                (Nắng chiều rực rỡ)

            Đêm đã không phải là khoảnh khắc thời gian sau khi tắt nắng, mà trở thành ẩn dụ về cái chết để sẽ ứng với hình ảnh “đường âm dương bước đi”. Phong cách lời hát này không khác gì lối nói ý nhị trong câu ca dao: “Núi cao chi lắm núi ơi, Núi che mặt trời chẳng thấy người thương”, trong đó ẩn dụ “núi cao” không còn là khối đá sừng sững mà là một khoảng cách ngăn tình cảm đủ “che mặt trời” tình yêu của người con gái. Ngôn ngữ thi ca đã làm mới không gian ngoại giới và biến nó thành ngôn ngữ nội tâm của nghệ thuật. Nguyễn Du sử dụng ngôn ngữ tượng trưng một cách tân kì trong truyện Kiều để có được hơn năm trăm câu thơ vào hạng “lục bát hôm nay”. Hình ảnh mùa thu trong câu thơ này chẳng hạn, đến nay vẫn rất mới: “Người lên ngựa, kẻ chia bào, Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. Màu quan san? Tuyệt !

            Hãy so sánh với những lời hát trong các bài truyện ca trước kia sẽ thấy rõ sự thay đổi phong cách đặt lời hát trong Rong Ca. Trong một bài truyện ca ra đời trong thời kháng chiến, ông viết:

                        Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
                        Mà không nhớ thương người mẹ già...
                                                (Nhớ người ra đi)

Lời hát bình dị mộc mạc như lời nói thường ngày. Đến Rong Ca, nghệ thuật thể hiện lời ca không dừng lại ở ngôn ngữ kể chuyện  mà chờn vờn trong cõi hư ảo của ngôn ngữ thơ. Cho nên câu hát sau đây chẳng hạn:

                        Nghìn thu Anh là suối trên ngàn
                        Thành sông Anh đi xuống Anh tuôn tràn biển mơ
                        Nghìn thu Em là sóng xô bờ
                        Vào sông Em đi mãi không bao giờ biển vơi
                                                (Bài hát nghìn thu)

cần phải được lí hội không cùng một lối với bài kháng chiến ca ở trên, vì phong cách ngôn ngữ đã rất khác nhau. Nghệ thuật đặt lời của nhiều bài trong Rong Ca là nghệ thuật sử dụng hình tượng; hình ảnh trong lời hát do vậy mặc ý nghĩa biểu trưng, và những hình tượng thơ trong lời hát là một hiện thực khác trong thế giới cảm xúc nghệ thuật. Mối liên hệ với thế giới hiện thực khách quan là một mối liên hệ huyền ảo, một phong cách khá quen thuộc trong văn chương châu Mĩ-Latinh. Và đấy lại là một nét độc đáo khác của Phạm Duy.
           
Một thế kỉ của những đổ vỡ

            Như vừa nhắc ở trên, Rong Ca là một dấu tích tư liệu của một người chứng thời đại. Thật thế,  Rong Ca là những tiếng hát về đời người Việt Nam chúng ta trong một thế giới bạo động, một thế kỉ nhiều bi kịch nhiều đổ vỡ. Bài hát “Ngụ ngôn mùa xuân” là khúc hát về một điển hình của thân phận nhược tiểu bị mắc kẹt trong lưới xung đột ý thức hệ của một thời chiến tranh lạnh dài dằng dặc. Không riêng gì Việt Nam, các nước thế giới thứ ba đều chứng kiến  cảnh nồi da xáo thịt nhân danh những chủ nghĩa, những lí tưởng vĩ đại. Người ta hợm hĩnh với nhau  trong cõi vô minh, tự đắc với nhau trong trạng thái tâm lí “thắng lợi tinh thần” kiểu Ả Q. của Lỗ Tấn. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào ấy:

                        Có khi mù này đánh lui mù đó
                        Hả hê về nhà mắt ốc ngước lên
                        Có khi thằng câm thắng cơn cãi lộn
                        Hả hê về nhà ú ớ mừng rên !
                        Có khi thằng mù, gã câm, thằng điếc
                        Gác chân tự đắc nằm trong chòi nghèo
                        Buồn thiu mà cứ ngỡ là lầu cao !
                                                (Ngụ ngôn mùa xuân)

            Có lẽ vì vậy mà người nghệ sĩ mơ ước một thế kỉ tốt đẹp hơn có khả năng mở mắt cho các chính khách thiển cận. Bằng những nét châm biếm ý nhị, bài hát là một bức hí họa về một thời bất hạnh của thế kỉ này.

            Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người nghệ sĩ ấy hát tiếp về “mộ phần thế kỉ”, trong đó ông hình dung bao nhiêu đau thương chồng chất trên vai oằn của nhân loại sau khi trải qua những cuộc chiến tranh, đói rách triền miên gần hết một thế kỉ. Nạn nhân của thế kỉ là những người đã bỏ đời vì chiến tranh thù hận. Những oan hồn kia đi về đâu? Chỉ biết là chính những kẻ còn sống sót đây cũng nhếch nhác không kém:

                        Có bóng dáng triệu người
                        Phiêu diêu nơi thế chiến I, thế chiến II...
                        Một trăm năm bao trẻ em mang thần Đói lên đường
                        ...Người đi trong mùa đông
                        Đội khăn tang mang tình thương
                        Theo người phu đi đào lỗ bên tường...
                        ...Những xác úa từng miền
                        Những xác ướp bạo quyền
                        Chôn ngay đi !
                        Vứt chúng vào hố lãng quên
                                                (Mộ phần thế kỷ)

            Việt Nam trong một thế kỉ như vậy là một phần số không may. Nó là hình ảnh của con ngựa hồng, ngày nào xưa cũng đã từng oai phong lẫm liệt như con ngựa chiến, nhưng đến cuối thế kỉ này thì chỉ còn là con ngựa già còng lưng, bị bịt mắt dẫn đi trên thân phận của kẻ nô dịch. Nô lệ cho ý thức hệ ngoại lai hay bất cứ thứ quyền lợi ngoại bang thì cũng dẫn đến tình cảnh tang thương là bị cột chặt vào những xiềng xích:

                        Ngựa dù hôm nay đeo yên gấm vóc hay đưa xe loan
                        Cũng là kiếp nô !
                        Kiệu vàng trên lưng nhưng đôi mắt đã che ngang
                        Bơ vơ trên đường nhấp nhô...
                        ...Từng ngọn roi đau tàn bạo
                        Từng gò dây cương nghẹn ngào
                        Một hàm thiếc khóa miệng vào
                        Cuộc đời lao đao của kẻ vong thân
                        Khiêng voi cõng rắn trên lưng...
                                                (Ngựa hồng)

            Trong một đất nước trầm luân như thế, có thể hình dung được số phận những người con dân đất nước. Có lẽ điển hình cho những thống khổ của thân phận Việt Nam là những người Mẹ.

                        Việt Nam ngày nào rạng rỡ yên vui
                        Nhờ trong quá khứ có Mẹ lên ngôi
                        Thắm thiết tình người gửi tới nhân loại
                                                (Mẹ năm 2000)

            Mẹ Việt Nam đã bao lần tiễn đưa cha, rồi chồng, rồi con ra đi chiến tranh  -một chuỗi chiến tranh thảm khốc đã góp phần làm rách nát đất nước, rách nát cả tình người.

Tiếng hát người nghệ sĩ cất lên như một lời cấp báo thống thiết:

                        Nào ai đang nhìn Mẹ ta hấp hối
                        Mẹ đau, Mẹ nghèo, Mẹ yếu, không vui
                        Nhin nhau bối rối, ta cùng hối lỗi
                        Xúm xít lại rồi giải cứu cho Người
                                                (Mẹ năm 2000)

            Mẹ Việt Nam đang bệnh. Đó là một lời báo động rất đỗi kinh hoàng về tương lai dân tộc. Người nghệ sĩ cũng nhạy cảm để cũng nhìn thấy như những nhà nhân văn, khi đứng trước những sa đà về giá trị tinh thần. Nếu ngày mai bắt đầu từ hôm nay thì chúng ta thấy gì ở ngày hôm nay? Bé thơ nhếch nhác, đói ăn thiếu mặc và thiếu học hành. Vì vậy mà có câu hỏi - những câu hỏi nhức nhối đặt ra cho mọi người chúng ta khi nhìn lại hiện trạng của dân tộc:

                        Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới
                        Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai
                        Sinh con anh hùng, người hiền nhân ái ?
                        Hay sinh kẻ hèn, bạo chúa vô loài ?
                                                (Mẹ năm 2000)

            Dù anh là người tin theo lí thuyết “tình yêu bú mớm nâng niu của vòng tay mẹ hiền sẽ cho gia đình những đứa con ngoan, và ươm trồng cho xã hội những công dân tốt” của John Bowlby (4), hay anh là người tin vào lẽ luân hồi của đạo Phật, hay là gì đi nữa, thì hình ảnh người Mẹ Việt Nam năm 2000 như được hình dung trong bài hát cũng sẽ là hình ảnh ray rứt khôn nguôi.

            Dù vậy, trong hoang tàn đổ nát hôm nay, người nghệ sĩ vẫn hi vọng một mùa hoa nhân loại sẽ nở rộ trên những nấm mồ của thế kỉ bất hạnh:

                        Rồi tan trong mộ sâu
                        Một thây ma mang buồn đau
                        Thế kỉ sau sẽ dùng bón hoa mầu
                        ...Đi qua nấm mồ sẽ thấy ngọn cỏ mềm
                        Cho êm cõi đời, cho tình nhân ngã lên
                        Khi trên nấm mồ còn nở rộ bông hoa mới...
                                                (Mộ phần thế kỷ)

            Hôm nay cũng như ba mươi năm trước, Phạm Duy tin tưởng rằng tình yêu là khí giới để xóa hận thù (Việt Nam! Việt Nam!). Thông điệp của ông trong Mười Bài Rong Ca là: thế kỉ này đầy bi kịch chỉ vì nó chồng chất quá nhiều oan khiên mà chỉ có thể hóa giải chúng bằng tình thương. Và ông hát vang lời tình yêu trong buổi hoàng hôn của thế kỉ, nguyện rằng những người yêu nhau sẽ được gần gũi bền lâu chẳng vì đời đã ban chiều:

                        Ước nguyện thầm cho đôi lứa ân cần
                        Nuôi thật dài hoàng hôn ái ân
                        Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về
                        Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa
                                                (Nắng chiều rực rỡ)

            Tình yêu sẽ là lẽ sống nhiệm mầu của đời mỗi chúng ta, cho nên:

                        Đã trót đưa Em tới miền yêu dấu
                        Anh cũng theo em bước vào khổ đau
                        Khi thấy ai trong cõi trần khô héo
                        Anh đã dâng cho trái tim nhiệm mầu
                                                (Rong khúc)

            Cho dù có chết đi thì rồi họ sẽ được hóa sinh, chẳng khác chi những cây khô mùa đông vẫn không ngừng trẻ lại:
    Người trở thành cây mùa đông
    Lá úa rơi vun cao cội nguồn
    Nhưng cuối bước đi trăm năm  một lần
   Đầu cành khô có hoa nở tràn
   ...Người tình vào cuộc tủ sinh
   Sống chết lung linh
                (Hoá sinh)

            Cứ thế người đời sẽ không ngừng vun đắp cho tình yêu vững bền:

                        Nghìn thu Anh là đã Em rồi
                        Và Em trong muôn kiếp Em đã ngồi ở Anh
                        Nghìn thu ta bù đắp không ngừng
                        Tình âm dương chan chứa chất xoay vùng tử sinh
                                                (Bài hát nghìn thu)

            Thế kỉ XX đã chứng kiến sự tung hoành của những guồng máy quyền lực liên tiếp xô đẩy thế giới xuống chết chóc, tan lìa. Phơi trải trong Rong Ca là những số phận vui ít buồn nhiều. Những số phận con người như thế đã nhan nhản trong tiểu thuyết của những nhà văn  khắp nơi. Cũng chẳng phải Phạm Duy nặng lời thóa mạ thế kỉ son vàng của ai đó. Thế kỉ này là thời buổi chó má dưới mắt V.C . Gheorghiu và Gunter Grass, thời dịch hạch (A. Camus), thời thổ tả (G. Garcia Marquez)... Hoá ra nghệ sĩ là “giống nòi tình thương người đồng điệu”, ở mãi tận đâu đâu mà sao vẫn thanh khí. Vinh và nhục của người nghệ sĩ là sống với niềm vui nỗi khổ của nhân sinh, làm chứng cho đời bằng tác phẩm của mình. Phạm Duy cất lên tiếng hát trong truyền thống “hát để nhớ đời” đó vậy. Có điều là ông không viết một bài ai điếu như Văn Chiêu Hồn (Nguyễn Du), ông cũng chẳng thuyết lí như những nhà văn hóa phương tây (Oswald Spengler chẳng hạn). Ông chỉ hát về nỗi đau phổ quát của đất nước và cộng đồng dân tộc chúng ta: đất nước thì long đong trong một thế giới nhiều bi kịch, dân tộc thì bị tha hóa, sa đà về những giá trị tinh thần. Tấm lòng non nước của người nghệ sĩ rung những cung bậc thắm thiết khi hát về thân phận con ngựa hồng phi về hướng những mộ phần thế kỉ.

            Hát về thế kỉ ? Hẳn đây không phải là những phán quyết của một thứ quan ngự sử, hay những trầm tư của nhà văn hóa dày công nghiên cứu về những hưng vong của xã hội con người đó đây mà lên lời tiên báo đường tương lai. Đây chỉ là những cảm nhận của nhà nghệ sĩ, cảm xúc của ông rung động về số phận đồng bào mình đang trải qua một thời nhiều ô nhiễm. Sứ mệnh của văn nghệ xưa nay vẫn là thế: “bất bình tắc minh”. Hát về thế kỉ ? Dễ thường cũng có mấy ai ngông và can đảm như vậy. Hát về những chiều kích không gian thoáng và thời gian dài không thể là tiếng hát từ cõi tâm chật hẹp bị vướng mắc trong những khoảng cách, những phân biệt. Phải đủ sức nặng của cánh chim bằng mới bay lên khỏi tầm nhìn hữu hạn của thế gian mà “nhìn xuống” nhân gian mênh mang dưới kia.

            Hát về thế kỉ mình đang sống, người nghệ sĩ cũng đồng thời hát về những con người với những tình cảm yêu thương và sự phẫn nộ, có hoan lạc nhưng cũng bàng bạc nỗi ngậm ngùi. Nhưng bao trùm lên hết thảy là tình cảm độ lượng bao dung của một hiền giả. Những bài hát kể trong tập Rong Ca đều có nhịp tiết thong thả, an hòa. Cho dẫu là những tiếng hát âu lo về tương lai dân tộc (Mẹ năm 2000) hay nỗi ngậm ngùi về phận người (Trăng già), thậm chí cái chết (Nắng chiều rực rỡ), tiếng hát vẫn không sa xuống nét buồn thảm mà cùng lắm chỉ để lại dư hưởng nỗi bâng khuâng, khắc khoải. Bài hát viết ở thể thứ như  “Mẹ năm 2000” hay “Mộ phần thế kỷ” là những bài như thế. Trong Rong Ca chúng ta thấy ngồn ngộn những nạn nhân của thế kỉ, họ xuất hiện trong dáng vẻ nhẫn nhục như trong một thứ  Guernica (5) của người nhạc sĩ : này là những người tình xa cách, kia là những em bé lạc loài thiếu ăn thiếu mặc và thiếu học hành; đây là người phu dọn xác, và cả kia nữa những con ngựa thồ khốn khổ vì gánh nặng, những kẻ câm điếc mù lòa trong kiếp vong thân... Tất cả những nhân vật trên sân khấu đời kia đều được nói đến bằng niềm thương cảm sâu xa. Cũng như những nhân vật trong Guernica ngoái cổ trông lên trên cao, Phạm Duy cũng cho Rong Ca nhiều ước mơ về một đổi thay tốt đẹp.

Tiếng gọi càn khôn

            Ở trên có nhắc đến nỗi ước mơ của người nghệ sĩ về một thế kỉ ngày mai. Niềm lạc quan của người tình già được gửi gắm trong vòng hóa sinh của tình yêu. Thậm chí người tình già vẫn thấy tình yêu lúc chiều đời ấm nồng như thuở nào, vẫn nắng chiều rực rỡ. Cả mười bài Rong Ca đều kết thúc “có hậu”: hoặc là có hoa nở rực, hoặc một ước vọng tươi sáng được nói ra, hoặc nữa là một sự đền bù cho những mất mát đã qua. Thế mà len lỏi đâu đây vẫn có những tiếng thở dài của người tình già hiu hắt nơi đầu non khi nhìn xuống “thế gian mông mênh vời vợi”. Nỗi đơn côi của người nghệ sĩ bảng lảng đó đây trong toàn tập Rong Ca.

            Khi nhận thức điều này, thoáng chốc thế giới hiện ra vẻ trần trụi khô gầy tàn héo như mùa đông của thế kỉ. Ta tưởng như  nhìn thấy người tình già đang lầm lũi độc hành , nghe niềm riêng khắc khoải cùng “tình ta mãi mãi đơn côì”. Ta gặp lại ở đây lời đối thoại (hay độc thoại ?) giữa người nghệ sĩ và thế giới của sự vật - một biểu hiện của tâm trạng lẻ loi cô quạnh. Ở đây nữa ta lại gặp những người thanh khí với nhau dù ở những quãng cách không gian và thời gian xa nhau mà như rất đồng điệu. Này là lời thì thầm với trăng (Phan Huy Thực: Tiết thu dạ thiên quang vân tĩnh,Chốn lữ đình giấc tỉnh canh khuya... - Tản Đà: Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi !),  kia là kẻ nói chuyện với bóng (Ca dao: Một duyên hai nợ ba tình, Chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh!)...Hóa ra, người tình già trong Rong Ca vẫn như một cánh nhạn lẻ loi, ôm một khối tình riêng mà bay trong cõi nhân gian. Con nhạn lạc loài có khi lên đỉnh non cao nghe tiếng càn khôn vang lạnh một trời (6).

            Vậy thì những lời hát về thế kỉ và phận người trong Rong Ca không dừng lại ở việc vẽ lại bức tranh nhân thế, mà còn mở lối về thế giới của cõi tâm. Thế kỉ này chẳng qua cũng chỉ là một gợn mây giúp chỉ hướng vành trăng tâm linh người tình già mà thôi. Nói cách khác, Rong Ca là nhận thức mới về nghĩa đời mà người nghệ sĩ đã ngộ được qua hành trình nhân gian. Hình ảnh cuộc đời sẽ mang màu sắc khác hẳn, khi nhìn từ chiều kích đó. Mười bài Rong Ca không phải là những bài hát đầu tiên của Phạm Duy chứa đựng những chiêm nghiệm về chữ thời, về hành trình của con người trong thời gian. Hẳn thế. Nhưng ở tập bài hát này, những chiêm nghiệm như thế được cô đúc lại thành một chủ đề nhất quán.

            Hiện thực thế giới hiện bày nét vô thường trong chu kì luân chuyển của nó. Sau những thời oanh liệt của mình, chung cục những hào quang (có khi chỉ là giả trá) rơi vào lãng quên hoặc bị vùi xuống mộ phần. Đấy là hình ảnh hư huyễn của thế gian phơi trải trong Rong Ca. Người tình già đã đi qua hết những ảo hình như thế trong suốt một đời rong chơi nơi dương thế có mặn mà đấy nhưng cũng quay cuồng vật vã (Rong khúc), thấy vật đổi sao dời trong thân phận một đất nước oan khổ (Ngụ ngôn mùa xuân, Ngựa hồng) hay của cả thế giới này (Mộ phần thế kỉ), để ngậm ngùi hát cùng đất đá mà nghe như đất đá cũng biết thở dài vì sự vật đổi sao dời (Trăng già). Thế giới vật chất đã vậy, đến cả thế giới nội tâm cũng đi hết con đường biển dâu của nó. Rong Ca vẽ lại một cảm thức muôn thuở của triết lí về chữ thời: “người ta không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông”.

                        Tình ta biến hóa trong từng sát na
                        Tình ra ánh sáng, tình về tối đen
                                                (Bài hát nghìn thu)

            Khi cụ thượng Trứ “hiêu hiêu nhiên” cưỡi bò vàng ngất ngưởng cũng là lúc cụ ngộ ra lẽ đời huyễn hóa, như một nhà thơ cùng thời với cụ từng ngâm nga:”Ôi nhân sinh là thế, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao...” (7). Phạm Duy thì hát thế này: “ Người tình vào cuộc tử sinh sống chết lung linh”. Đời sống vẫn đắp đổi không ngừng trong chu trình của nó thôi: “Chớ buồn gì khi tan nắng đêm về, Cho thuận đường âm dương bước đi”. Cả chính con người đây cũng chỉ là hiện thân của trùng trùng duyên khởi, của lẽ “sinh sinh”: “Nghìn thu Anh là suối trên ngàn, Thành sông Anh đi xuớng Anh tuôn tràn biển mơ. Nghìn thu Em là sóng xô bờ, Vào sông Em đi mãi không bao giờ biển vơi”. “Bài hát nghìn thu” đẹp long lanh dáng vẻ của thế giới vĩnh hằng là Nghệ thuật. Bài hát là vọng âm của những cảm thức mà Phạm Duy đã chiêm nghiệm từ thuở “Bên cầu biên giớì”, hay“Lữ hành”,“Xuân hành”. Hát về Vẻ Đẹp ! Thì đã hẳn. Nhưng bắt được cái Đẹp thiên thu trong cái khoảnh khắc hữu hạn thì phải là một công phu của đời sống nội tâm.

            Mười bài Rong Ca là cuộc hẹn hò với trăm năm, với thế giới vĩnh cửu. Người tình già an nhiên hát về lời hẹn với thế kỉ ngày mai với những dự phóng mới (Hẹn em năm 2000), như cánh chim thoắt bay từ mùa đông lạnh giá qua mùa xuân, như cây khô bỗng nở tràn hoa mới (Hóa sinh). Thời gian đã trở thành một thể miên viễn, chẳng còn phân biệt thu/đông bởi vì xuân đã không còn có mùa nữa mà đã trở thành không tuổi.  Trong tập Rong Ca, những bài Hóa sinh (hay là Người tình già trên đầu non), Hẹn em năm 2000, Nắng chiều rực rỡ, Bài hát nghìn thu, Rong khúc là những bài hát về cuộc hẹn hò này. Đấy là những tiếng hát từ một cõi tâm bừng nở những cảm thức mới lạ đẹp đẽ, những tình cảm trinh nguyên thanh khiết. Tâm hồn chúng ta được tung tăng trong không gian khoáng đạt không bị ngăn chia biên giới của tâm thức hẹp hòi. Tầm mắt chúng ta phóng xa vào thời gian vô cùng  không chia quá khứ vị lai. Tiếng hát phiêu bồng khoáng đãng trong cõi an hòa chứ không đắm chìm trong mộng mị của một tâm cảnh khác chỉ muốn lảng tránh hiện thực bất như ý. Khi một nhà thơ bảo rằng: “Thoáng hiện em về trong đáy cốc, Nói cười như chuyện một đêm mơ” (8), thì có phải thời gian đã phân chia và đối lập nhau giữa bây giờ và hôm qua ? Rất khác với tâm cảnh của “người tình vào cuộc tử sinh sống chết lung linh”.

            Người tình già nghe tiếng gọi càn khôn nên có thể “đạp tung lưới sinh tử” để rong chơi với vô cùng.

                        Người tình vào cuộc tử sinh
                        Sống chết lung linh
                        ...Thành người tình đang trẻ ngây
                        Sẽ đứng lên mê say từng ngày
                        Cất bước xuân đi qua hạ dài
                        Người hẹn người leo thế kỉ chơi
                        ...Rồi lại từng thế kỉ sau
                        Cứ hóa sinh theo...
                                                (Hóa sinh)

            Em bên tôi trong khoảnh khắc này cũng là Em của nghìn thu tình đầy:

                        Nghìn thu Anh là đã Em rồi
                        Và Em trong muôn kiếp
                        Em đã ngồi ở Anh
                        Nghìn thu Ta bồi đắp không ngừng
                        Tình Âm Dương chan chứa...
                                                (Bài hát nghìn thu)

            Kinh Thánh có một ẩn dụ: người giàu muốn bước vào nước Chúa còn khó hơn là lạc đà chui qua lỗ kim. Công phu lắm. Nhưng khi đã bước vào cõi Lớn và nghe được tiếng Càn Khôn là đạt đến niềm hạnh phúc lớn lao, vượt thoát những tình cảm thế gian chật hẹp. Con người trở nên cao lớn trong tâm thức một Đại Trượng Phu:

                        Thôi nhé ! Cho Anh giã từ Trái Đất
                        Anh đã nghe vang tiếng gọi Càn Khôn
                        Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi Lớn
                        Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường
                        Một đường hành tinh...
                                                (Rong khúc)

            Từ thế kỉ đổ vỡ tang thương mà cõi tâm của người nghệ sĩ ngộ được tiếng gọi nghìn thu, để ung dung bước vào cõi lớn. Từ một tâm thức như thế thì con đường vào thế kỉ ngày mai sẽ không còn chật chội như đường ngựa hồng hôm nay, cũng sẽ không là đường dẫn về mộ địa. Đường tình thương sẽ làm lớn con người như sương tuyết vẫn nuôi lớn cội tùng. Nếu tình thương có thể khâu vá lại đời sau thì thông điệp của Rong Ca chính là thông điệp của tình yêu lớn. Tình thương yêu sẽ điều hợp lại con người trong một thế giới đã nhiều bi kịch. Rong Ca như thể một kết tinh những cảm thức siêu hình mà Phạm Duy đã từng thể nghiệm dọc dài đời sáng tác của ông. Những kinh nghiệm tâm linh huyền nhiệm như thế thường được thể hiện qua những giai điệu trầm mặc êm nhẹ. Ở mười bài Rong Ca, giai điệu thường sáng, nhịp tiết vững chãi mà thung dung.
  
3

             Ba mươi năm trước đây, khi viết Mười Bài Tâm Ca (1965), Phạm Duy đã gây xúc động lớn. Công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật lúc bấy giờ đang khao khát một sự đổi thay trong sinh hoạt âm nhạc trong các thành phố miền Nam. Phạm Duy với Tâm Ca mang phong thái của người nghệ sĩ muốn dứt bỏ thái độ ngoảnh mặt lại cuộc đời, để sáng tác những bài hát trĩu đầy chất hướng nội và dũng cảm nhận diện sự thật đang vây bủa xã hội tha hóa nặng nề vì những thế lực chiến tranh lúc bây giờ. Tâm Ca có tham vọng vạch trần thái độ ngụy tín của con người, nó mời gọi mọi người cùng trực diện cõi Tâm của mình mà đừng giả trá quanh co. Tâm Ca khởi đầu một nẻo đường mới của “tân nhạc” Việt Nam, cho nên đã nghiễm nhiên trở thành một hiện tượng văn nghệ lúc bấy giờ (9).

            Bây giờ, khi hát mười bài Rong Ca, tư duy nghệ thuật của Phạm Duy vẫn tiếp nối phong cách Tâm Ca ở tính cách hướng nội và ý hướng điều hợp con người. Tâm thức người nghệ sĩ vượt lên trên những thái độ hẹp hòi, sân hận, thù nghịch mà xã hội Việt Nam đang triền miên chìm đắm trong đó. Đã từ hơn năm trăm năm qua, kể từ khi dân tộc đánh rơi truyền thống dung hóa mà lao vào vào đạo học nhị nguyên thì con người Việt Nam trở nên bẩn chật và quay quắt trong sự tha hóa. Con người bị vây trói giữa những biên giới. Trong tình cảnh như thế, thì cũng như bao nhiêu thời kì trong lịch sử nhân loại, trăm hoa đua nở, trăm thầy cùng lên tiếng rao giảng. Tất cả cùng lên tiếng gọi mời yêu thương. Trong muôn lối mời gọi yêu thương, người nghệ sĩ chọn cách lên tiếng của mình là dùng hình tượng nghệ thuật. Nguyễn Du thì bảo rằng kiếp phong trần của Kiều và những Kiều trên thế gian này là do từ cái Tâm còn chưa tỉnh thức cho nên cứ “ma đưa lối quỉ đưa đường, cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”, rồi nên cái nghiệp đoạn trường suốt mười lăm năm. Phạm Duy thì nghĩ rằng tình thương yêu ở chiều kích vũ trụ sẽ giúp hóa giải những oan khiên ở một góc địa cầu đó.

            Quãng cách ba mươi năm có cộng thêm vào đó sự kinh lịch của tuổi tác của tác giả, khiến Rong Ca mang dáng vẻ những chiêm nghiệm về lẽ đời. Những cảm thức nội tâm của những hiền giả xưa nay thường vẫn chỉ phả vào những trang kinh sách, hoăc những triết tụng. Đưa nhạc lại gần triết lí như Rong Ca là một táo bạo. Nhưng đó là nghệ thuật theo nghĩa đẹp nhất của nó là làm mới và làm đẹp thế giới hiện thực.

            Rong Ca ra đời năm 1988. Đặt trong toàn khối tác phẩm của Phạm Duy, Rong Ca là sự tiếp nối của những bài Tâm Ca ở một bối cảnh khác. Đặc biệt là trong hoàn cảnh ra đời của nó, dù tác giả có trăm điều “trông thấy mà đau đớn lòng”, tấm lòng nhân hậu của người nghệ sĩ đã vươn lên tầm cao khỏi những chấp trước của nhân thế. Người nghệ sĩ trong Phạm Duy đã dọn mình đi vào cõi lớn, vứt bỏ lại sau những eo xèo của tình đời và sự nghiệt ngã của thân phận riêng chung. Rong Ca là một dấu ấn về chiều sâu và sức trẻ của tâm hồn Phạm Duy.

            Trước sau Phạm Duy vẫn là một nghệ sĩ với tất cả những hàm ý tốt đẹp của từ ngữ. Ông đến với đời bằng tiếng hát yêu thương. Cả sự nghiệp ông là những tiếng ngợi ca tình yêu con người trong những cảnh đời khác nhau. Rong Ca đã nâng cảm thức về tình yêu lên một chiều cao mới: hát về tình yêu trong một không gian rộng và thời gian của vô cùng. Ở đó, những được mất hơn thua của nhân gian sẽ đều bé mọn.
                                                                    Đoàn Xuân Kiên 
                                                                (Thế Kỷ 21, số 87 (th.7/1996), tr. 51-56)

 (1) Tên một tựa bài hát của Phạm Duy

(2) Biệt danh do Văn Cao tặng Phạm Duy vào những năm 1940 khi ông hành nghề ca sĩ lưu động từ Bắc vào Nam

(3) Bài thơ dài Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều có một nhân vật kì dị, chỉ im lặng từ đầu đến cuối bài, nhưng là một người chứng kiến hết mọi diễn biến tâm tình, và có lẽ rất thấu hiểu thân phận người Cung Nữ.

(4) Xem:John Bowlby,Child Care and the Growth of Love. London: Penguin, 1953 và The Making and Breaking of Affectional Bonds.London: Tavistock/Routledge, 1979.

(5) Tên một bức tranh nổi tiếng của Pablo Picasso

(6) Mượn ý câu thơ Không Lộ đời Lý: Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng, Một tiếng kêu vang lạnh cả trời)

(7) Thơ hát nói tương truyền là của Cao Bá Quát

(8) Thơ Quang Dũng







No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...