Thursday 21 September 2017

Thư về Phố Tịnh

Những nhân vật của tôi


Ngày... tháng... năm...

Phố Tịnh thương mến,

Có nhiều khi tôi thấy mình nhớ quay quắt về những ngày tháng ở cồn phố tịnh ấy. Ở đấy có một quãng đời ngắn ngủi nhưng nhiều kỉ niệm. Những con người thực quanh tôi trong thời gian ấy cũng có thể gọi là những nhân vật của một thiên truyện nào đó chưa viết. Nhân vật của tôi có thể là một cô bé hiền lành đến độ nhút nhát tên là Kiêm Hà của lớp 7 năm ấy. Kiêm Hà và các bạn cùng lớp thật là dễ thương vì sự hồn nhiên ngây thơ trong một khung cảnh cuộc sống xô bồ bát nháo chung quanh. Một hôm, tôi nhìn những đôi mắt tròn như những hòn bi ấy mà hát thành bài “Rồi một mai” theo thể ballad, trong đó có những câu thế này:

Rồi một mai em sẽ lớn khôn, một sớm mai tiếng thở chợt dài
Hàng phượng đìu hiu trong sân, bao năm qua đi lá vẫn rơi vàng
Bài vở ngày nào có nói gì đâu những đắng cay phận người
Em bước ra đi bơ vơ, có nghĩa chi đâu sách đèn...
    (“Rồi một mai” - Phượng trong thành phố ấy. Phố Tịnh 1972)
Nghe nhạc: https://www.youtube.com/watch?v=kNH9U524Xik

Cũng những đôi mắt bi ve của Kiêm Hà và các bạn đã ngước trông lên hàng phượng hai bên lối sân để sống mãi trong tôi màu xanh tư mã của những tà áo dài trắng học trò những ngày cuối năm học đầu tiên ấy.

         Trên áo em hoa cài nụ thắm hôm nào còn ngượng ngùng 
              thả gió đưa bay
Đã có những chiều nhạc vàng réo rắt với hàng phượng hồng
Đã có những sớm mai nào áo xanh...
                 (“Phượng còn xanh” - Phượng trong thành phố ấy. Phố Tịnh, 1972)

Nếu Kiêm Hà là nhân vật của sự ngây thơ trong sáng tuổi học trò thì Hồng Phúc và Cúc Hoa là hiện thân sự nát nhàu của tuổi trẻ giữa khung cảnh thị trấn vắng lặng buồn hiu nhưng nhiều sóng ngầm.

Bìa tập nhạc Phượng trong thành phố ấy 
do Trần Văn Thảo (hoc sinh TPH) vẽ
 Hồng Phúc là học sinh Lớp 10C khi tôi mới về. Tôi chú ý đến nét mặt buồn buồn, đôi mắt to lúc nào cũng mở lớn như bỡ ngỡ. Hồng Phúc ít nói, phong thái hiền dịu, kín đáo. Chưa đầy nửa năm học thì Hồng Phúc phải rời trường về Sài Gòn theo mẹ vì hoàn cảnh gia đình. Vì là hàng xóm lúc ấy, rất ngẫu nhiên tôi biết được cảnh ngộ gia đình cô bé nên càng cảm thương cho em. Qua Hồng Phúc, anh giáo trẻ là tôi lúc ấy đã có những "liên hệ thực tế" giữa văn học và cuộc đời. Năm học đầu tiên tại trường này cũng là năm mà tôi giảng về Truyện Kiều với rất nhiều cảm thụ văn học sâu sắc mà trước đó tôi không hiểu được như thế. Kiến thức sách vở có sẵn trong đầu chỉ thực sự nâng cánh bằng kinh nghiệm sống thực. Năm ấy tôi đã "hiểu" được thân phận đoạn trường của Kiều qua một hình tượng của thực tiễn cuộc sống gần gũi quanh tôi. Tôi sẽ còn ám ảnh lâu với hình ảnh cành lan gầy bay vào trong giông gió của đời bất trắc mà Hồng Phúc đã để lại.  Cành lan gầy guộc năm xưa nay đã trôi dạt về đâu?

Cúc Hoa chưa hề học lớp Quốc Văn của tôi, nhưng tôi thấy lạ là thỉnh thoảng em ghé lại nhà trọ của tôi chuyện trò những chuyện vui buồn trong ngày. Em kể cho tôi đủ thứ chuyện tâm tình của tuổi mới lớn, những buồn giận cùng những hân hoan của nhóm bạn học cùng lớp em trong ngày. Rồi bẵng đi rất lâu, không thấy em ghé lại nhà tôi như trước. Ngày 30/4, em lúc ấy đang học Lớp 11 thì bỏ ngang, sang Cần Thơ công tác trong Phòng Văn Hoá Thông Tin tại thành phố Cần Thơ.

Tình cờ một hôm, tôi lang thang buổi chiều trên phố vắng tìm quán trọ thì nghe tiếng người gọi tên mình đâu đó.  Cúc Hoa đang từ sở làm trên đường về nhà. Em mời tôi ghé qua nhà. Căn nhà lá xơ xác trong một ngõ hẻm trông thật tạm bợ, tư bề gió lộng. Chúng tôi hỏi thăm nhau về cuộc sống từ sau ngày dâu bể ấy. Do mối quan hệ gia đình, sau ngày 30/4, Cúc Hoa bỏ học để đi làm biên tập đài phát thanh địa phương. Cúc Hoa tâm sự rằng em thấy nghẽn lối ra sau ba bốn năm làm việc với những khẩu hiệu, những bài viết cổ động lòng người đến nhàm chán. Lại thêm một lần gãy đổ hôn nhân vì người chồng trẻ qua đời đường đột. Tôi nhìn vào mắt Cúc Hoa và nhận ra vẻ mệt mỏi quá sớm của một người tuổi trẻ. Tôi nói với Cúc Hoa rằng tôi xót xa cho những vốn liếng nhân văn mà Tống Phước Hiệp cho em bây giờ trở nên lãng phí quá, hãy quay trở về khung cảnh nhà trường, tìm lại môi trường thân thiết với con người hiền lành.  Vốn đau khổ của em như thế đã đủ làm dậy chất men tâm hồn để sống với những ngày tháng lâu dài về sau. 

Chia tay Cúc Hoa lần ấy tôi không gặp lại em lần nào. Bây giờ em ở đâu, Cúc Hoa thương mến? Bao nhiêu năm qua rồi, em có được sống thoả những ước mơ của đời mình thời tuổi trẻ không, hay vẫn kẹt vướng trong ngõ cụt của đời mình?

Sau cuộc biến tang thương, tôi trải qua những năm tháng lang thang vì bị vây khổn.  Tôi gặp lại Hân Nhi trong một ngày tàn tạ như thế. Lúc ấy em đang chờ được xếp công tác sau khi học xong bốn năm đại học sư phạm. Hân Nhi là một học sinh lớp C đầu tiên của tôi tại Tống Phước Hiệp. Em và các bạn cùng lớp đã từng chia sẻ với tôi những ngày tháng sôi động của tuổi trẻ. Từ những chuyện nhỏ như một đề thi in ronéo phát ra tại hôm thi môn Quốc Văn, đến những mẩu tâm tình giữa giờ hoặc những giờ gọi là sinh hoạt hiệu đoàn đậm đặc những bàn luận về mọi thứ chuyện trên đời. Đó là một khung cảnh gia đình trong đó tôi sống cùng học trò những thao thức, những ước mơ của một thế hệ tuổi trẻ. 

Sau năm học đầu tiên ấy, tôi không còn theo lớp C này nữa. Quan hệ gắn bó giữa thầy trò chúng tôi về sau chỉ đậm nét nhất là qua việc thực hiện một Phòng Triển Lãm về bản sắc văn hoá Việt tại miệt vườn. Lớp C đảm nhận may một loạt y phục truyền thống của người Việt từ thời kì Đại Việt về sau. (Tôi phải cất đi thời kì Văn Lang vì ngại có người dèm pha rằng tôi báng bổ tiền nhân, cho ông bà mình đóng khố, đội mũ hình lông chim...) Trong một ngày hội tết linh đình của trường năm 1972 ấy, phòng triển lãm thực sự là tinh hoa của trí sáng tạo tuổi trẻ Tống Phước Hiệp. Niềm say mê hào hứng ấy thể hiện qua nguyên một phòng dành cho bích báo và báo tập do học sinh các lớp thực hiện. Phòng triển lãm các nét đặc sắc của miệt vườn qua các hạng mục triển lãm về các giống lúa Vĩnh Long, các loại gỗ Vĩnh Long, cây trái miệt vườn. Và phòng triển lãm y phục Việt. Những ngày tháng sôi động ấy đáng tự hào lắm, vì nó là công trình của trí tuệ và nhiệt tâm tuổi trẻ Tống Phước Hiệp. Hân Nhi của tôi chắc cũng đem theo niềm tự hào ấy vào trường sư phạm ba năm sau đó.

Gặp lại nhau trong tình cảnh cùng đường, Hân Nhi cho tôi nghe nỗi hoang mang hồi hộp của em trong những ngày chờ quyết định bổ dụng sau khi đã mãn khoá học cả năm trời rồi. Các bạn cùng khoá thì đã ổn định công tác hết cả. Hồi hộp chỉ là vì cái lí lịch thôi, chứ khả năng và nhiệt huyết của em thì tôi không nghi ngờ gì. Hân Nhi cho biết là ba em, một sĩ quan cảnh sát, lúc ấy còn đang trong trại cải tạo ở một nơi rất xa. Lớn lên giữa những đổ vỡ phân li, cô bé không dám mơ nghĩ về tương lai. Tôi và Hân Nhi ngồi rất lâu bên li cà phê bên đường, cạnh trường đại học sư phạm. Đôi khi cười với nhau như chế giễu những ảo mộng cuộc đời của nhau. Từ hôm đó, tôi gặp Hân Nhi thường ngày. Sau những thảng thốt buổi đầu, những ngày sau đó Hân Nhi chủ động nhắc lại tôi nghe những dư âm ngày tháng cũ ở trường Tống Phước Hiệp. Em kể tôi nghe về những người bạn học năm xưa, giờ đây tan tác mọi phương, vốn chữ nghĩa văn chương không vực nổi nhiều phận người. Tôi nghĩ đến Cúc Hoa với nỗi cảm thương tương tự.

Tôi nghe Hân Nhi kể chuyện thật lưu loát, đôi khi hăng say nhưng vẫn đằm thắm. Mỗi lần gặp nhau tôi lại có thêm một mảnh ghép về tâm cảnh cô bé học trò cũ. Hân Nhi vẫn là cô bé suy nghĩ sắc và nhanh, vẫn lạc quan yêu đời như ngày xưa cho dẫu ngày hôm nay có bấp bênh và nhiều buồn lo. Hân Nhi còn đủ sức mạnh để lo giùm tôi về cái tương lai đen ngòm của anh giáo trẻ đang đi bên em. Rất tự nhiên, thầy trò chúng tôi chia sớt cho nhau nỗi ngậm ngùi cùng niềm hân hoan. 

Hai thầy trò như cùng sống lại tâm thế tự do mà ngày trước tôi có lần nói đến trong một giờ học. Tôi không bao giờ quên những giờ phút đẹp đẽ ấy, vì nó cho tôi lại những hào hứng mà cuộc sống chung quanh đã khiến nó khuất lấp. Những ngày ấy, tôi thấy không khí nồng ấm của những giờ học Quốc Văn tràn về lại trong mình. Hai thầy trò giờ đây đang sống với những tâm cảnh lung linh khác nhau của cuộc đời thực, chứ không phải chỉ là những trang sách vở xa xôi, huyền hoặc. Hiện thực bi thương có thể nuôi lớn tâm tình con người chứ có phải đâu chỉ là vùi dập, cùng khốn. Tôi nghĩ đến tâm sự của một người xưa: “Cùng một lứa bên trời lận đận, Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau”. 

Trước ngày em chia tay lên đường nhận nhiệm sở, chúng tôi gặp lại nhau để trao gửi những nguyện ước tốt lành cho những ngày sắp tới. Em nói đến một địa danh Chợ Bưng khỉ ho cò gáy nào đó, như thể một chỗ dựa mong manh cho thân gái dặm trường của một thời bất trắc. Tôi dõi theo bóng em mất hút dần phía xa, lòng thấy xót.

Bây giờ Hân Nhi đang ở đâu? Chợ Bưng hay Vĩnh Long? Hay một địa danh xa lạ nào ở xứ người? Những người muôn năm cũ của tôi cũng theo dòng thác lũ của cuộc sống mà phiêu dạt, mà lạc mất nhau đã hơn ba mươi năm. Lòng tôi vẫn thường lẩn khuất theo ngọn mây tần, bay về cố xứ xa khơi, hỏi thăm những nhân vật của tôi một thời ngắn ngủi nhưng mãi mãi thường còn.

Có một nhân vật của tôi đến một lần thật ngắn ngủi trong thời gian tôi về Tống Phước Hiệp, nhưng sẽ ở lại bền lâu trong tôi mãi về sau này. Năm 1972 bác Nguyễn Minh Tâm đã già lắm, dễ chừng trên dưới 70. Tuy vậy gương mặt bác luôn quắc thước, hồng nhuận. Cặp mắt lắm khi ánh lên nét tinh nhanh. Nhờ duyên chữ nghĩa, nhóm bạn chúng tôi chung nhau xuất bản tập san văn hoá Vượt Thoát. Tôi nghe tên bác từ khi còn ở Sài Gòn, qua những bản dịch cẩn trọng và lưu loát một số tác phẩm của Krishnamurti. Năm đó, anh em chúng tôi thường gặp nhau đàm đạo những đề tài về đạo, về thiền tại cái cốc nhỏ nhắn bác dựng trong khu vườn rộng thênh thang sau nhà. Sau này, hai  bác cháu thường gặp nhau chỉ để nói chuyện về buông xả, về cái nhìn sự vật quen thuộc quanh ta lúc nào cũng mới tinh như gặp nhau lần thứ nhất. Có nhiều hôm hai bác cháu, một già một trẻ, ngồi bên chén trà, yên lặng chẳng nói gì, nhưng thật là sảng khoái, thanh bình.  Sau ngày 30/04, bác Tâm có một thời gian bị tập trung. Tôi tin là bác không bị tù túng vì những rào chắn, những bức tường của thế tục. Bác Tâm cho tôi sự vững chãi tâm hồn, về lòng không sợ và sự yêu cái đẹp. Tôi sống sót qua cơn sóng gió mười năm là nhờ những vẻ đẹp mà tôi nhận được từ những nhân vật của tôi đấy, Phố Tịnh ơi.

Ở một nơi khác, một cơ duyên khác, Điển đến với tôi và các em đoàn viên Du Ca Quê Hương (Vĩnh Long) thật tự nhiên như một cơn gió nhẹ.

Cuối năm 1971, tôi nhận điều khiển đoàn Du Ca. Nhiều buổi chiều tối, sau những buổi họp mặt tập ca hát, anh em kéo nhau lại Café Đỡ Buồn ở mé Cầu Công Xi đi ra. Quán là một địa điểm khá đặc biệt: những vách ngăn các ô chỗ ngồi đều là tranh của Lê Triều Điển. Nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi: sao lại có người xử tệ với nghệ thuật đến mức đem những bức tranh sơn dầu thật đẹp ra làm vách nhà như thế. Hỏi ra mới biết tác giả những tấm tranh lớn nhỏ kia là của con bà chủ quán vui tính. Tôi nhủ thâm rằng ông nghệ sĩ này thật là có hiếu, đem tranh của mình tô điểm cho quán văn nghệ của gia đình thì không còn gì quý hoá hơn!

 Khi đoàn Du Ca tổ chức buổi trình diễn ra mắt tại Phòng Khánh Tiết trường Tống Phước Hiệp, Điển có đến dự, và chúng tôi thân quen ngay trong buổi gặp mặt đầu tiên ấy. Chàng hoạ sĩ lúc ấy đang là quân nhân ở Cần Thơ nhưng lại có mối quan hệ bạn bè rộng rãi với anh em văn nghệ miền Tây. Từ duyên gặp gỡ của du ca, tôi và Điển còn nhiều sinh hoạt văn nghệ từ đó và còn lâu về sau, khi tôi đi xa. Điển chính là người thực hiện bìa cho hai tập san Vượt Thoát (Cần Thơ, 1972) và Khai Nguyên (Vĩnh Long, 1973) do tôi chủ biên. Anh cũng tham gia phụ trách mĩ thuật bìa sách cho một loạt các ấn phẩm thơ, truyện của nhà xuất bản Con Đuông do các bạn văn nghệ miền tây thực hiện trong thời gian ba năm 1973-1975. Biết tôi đang sưu tập ca dao miệt vườn, anh tạo cơ hội cho tôi gặp mặt anh em bạn bè tại hội quán Góp Gió (Cần Thơ) để nói về công trình này. Điển cũng chính là người tạo cơ duyên cho tôi được gặp bác Tâm.
  
Một số bìa sách báo do Lê Triều Điển vẽ
Đời lính trong thời gian ấy thật nhiều khó khăn mọi mặt, nhưng lúc nào Điển vẫn an nhiên, vẫn không thiếu nụ cười. Mấy năm sau 1975, cuộc sống nói chung còn khó khăn nhiều hơn so với trước kia. Nhưng cũng chính những năm khó khăn ấy lại giúp Điển tìm thấy niềm vui trong sách báo, vẽ tranh, và ngoài ra còn cả một lớp đào tạo một nhóm hoạ sĩ trẻ tại thị xã Vĩnh Long. Đây là những năm tháng thử thách lớn của người nghệ sĩ trong anh. Tôi có những ngày sinh hoạt với anh em hội văn nghệ Cửu Long và Cổ Chiên thời gian ấy thật ấm cúng và tràn đầy hạnh phúc. Tôi nghĩ là có phần của nụ cười ấm áp và hồn hậu của Điển.

Bên cạnh những sinh hoạt sách báo, Điển còn có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực riêng của anh: hội hoạ. Sức sáng tạo của Điển thật phong phú, và thể hiện qua nhiều chất liệu tranh khác nhau, trong đó phải kể đến tranh sơn dầu trên lụa, và nhất là hai chất liệu không giống ai lúc đó là tranh mỏ hàn trên ván và trên các tấm foam trắng. Trong thời gian hai năm qua lại Cần Thơ sinh hoạt với các bạn, tôi được xem khá nhiều tranh sơn dầu trên lụa của Điển thật đặc sắc, tân kì, rất khác với tranh lụa truyền thống. Đây chỉ là một thử nghiệm mới có lẽ vì sẵn vật liệu trong tay chứ tranh sơn dầu vẫn là thể loại quen tay của anh trong thời gian này. Phong cách tranh luạ của Điển cách tân rất xa so với tranh lụa của Ngy Cao Uyên thuở ấy. Nét bút -dẫu là bút mỏ hàn- của Điển thường phóng túng, lạc phách, lắm khi bạo liệt như thể hắt ra những cảm xúc nóng và mạnh. Tranh của Điển làm tôi nhớ đến những nét cọ mãnh liệt của những lọn mây và sóng lúa trong tranh Van Gogh trước kia.

Sau 1975, trong ý hướng tìm tòi chất liệu cho tranh và tượng, anh có những thử nghiệm với chất liệu dân gian địa phương: đất sét Cổ Chiên. Phát hiện bất ngờ nhưng rất đúng lúc đã đem lại một lối thoát mới và có thể bền lâu cho hoạt động nghệ thuật tại miệt vườn. Điển sẽ ở lại rất lâu với chất liệu đất sét rất phong nhiêu của vùng đất Cổ Chiên. Sức sáng tạo của người nghệ sĩ ấy không hề cạn kiệt, dẫu là trong những lúc khó khăn khắc nghiệt trong suốt thập niên 1970. Găp lại anh ở tuổi già, Điển vẫn nguyên vẹn nụ cười nhẹ thoảng, và tranh của anh vẫn mạnh mẽ, đặc biệt là những công trình gốm mĩ thuật của Điển là những bảo chứng đặc sắc cho phong cách mĩ thuật miệt vườn của một thời hiện đại. Tôi nghĩ tên tuổi của Lê Triều Điển và những công trình gốm mĩ thuật sẽ gắn kết với quê hương Cổ Chiên.

Nếu đời mình là một vở kịch dài thì những người quanh tôi là những nhân vật đã góp phần làm nên vở kịch đời ấy. Năm năm của một đời người không phải là dài, nhưng năm năm ấy là những "khúc dạo đầu của một giấc mơ một đời người" -theo cách nói của ai đó khi nghĩ về Hải Phòng của một Văn Cao. Tôi rời trường Tống Phước Hiệp trong một tình huống rất bất đắc dĩ, phải xa quê miệt vườn nhưng lòng không hề nguôi quên những nhân vật một thời. Những nhân vật của tôi thoắt biến thoắt hiện trong những chớp mắt nhìn lại như thế.

Hẹn em thư sau,

Đoàn Xuân Kiên







No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...