Saturday 16 September 2017

Thư về Phố Tịnh


                         Ngày mới


Ngày... tháng... năm...
Phố Tịnh thương mến,

Hôm tôi về Vĩnh Long nhận nhiệm sở trời thật nắng.  Tôi và Vĩnh đến khá sớm, nhưng chưa vội vào trường. Chúng tôi ngồi xe lôi vào phố.

Đấy là lần đầu tôi đến thị xã này cho nên cần tận hưởng cái thú tìm thấy cảm giác mới mẻ của một người khách từ nơi xa đến. Ngày còn ở Sài Gòn, cái tên Vĩnh Long đối với tôi chỉ là một cái tên, không cho tôi một ấn tượng gì ngoài một vài hiểu biết sách vở về Long Hồ Dinh, về Phan Thanh Giản... Mãi đến hôm nhận giấy bổ nhiệm tôi mới lục tìm quyển sách Vĩnh Long xưa và nay của Huỳnh Minh để hiểu thêm về địa danh này. Vĩnh và tôi, hai đứa chọn Vĩnh Long rất thoải mái, chỉ vì ở đây có hai chỗ cho môn Quốc Văn, một ở Tống Phước Hiệp, một ở Thủ Khoa Huân. Thế thôi. Vào những ngày ấy tôi cứ để mọi thứ đến với mình tự nhiên, như là ngẫu nhiên thôi. Vả chăng, rời khỏi Sài Gòn lúc đấy thì nhiệm sở nào cũng đại khái như nhau thôi. Đâu cũng là đất nước quê hương cả thôi mà...

Từ xe đò bước xuống, thị xã nhỏ bé hiện ra trước mắt tôi với nhiều bí ẩn. Phố sá nhỏ nhắn, thưa vắng, nghèo nàn nhưng mà rộn ràng lời nói tiếng cười.

Khi chiếc xe lôi ì ạch leo lên dốc Cầu Lộ, hai chúng tôi thả bộ theo con đường dốc đi tìm căn nhà Vĩnh nhờ người tìm thuê sẵn từ mấy hôm trước đó. Nguyên là ông thân của Vĩnh có một anh lính trẻ trong đơn vị người gốc Vĩnh Long nên có nhờ anh tìm hộ căn phòng trọ cho hai chúng tôi. Khi vào đến nhà, chúng tôi chuyện trò qua quýt cùng chị chủ nhà, đóng tiền thuê phòng, rồi trở ra tiếp tục dạo quanh thị xã. Chúng tôi đi qua khu miếu nằm tròn lọt thỏm giữa một khu dân cư, qua một ngôi trường chỉ gồm mấy dãy nhà trệt xây cất sơ sài, có tên Long Hồ. Những con đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn không có vỉa hè, cỏ mọc sát đường.

Chúng tôi tìm đến nhà một người được giới thiệu trước là một vị “thổ công” ở đất Vĩnh Long. Chủ nhân là một bác giáo già đã hưu trí. Bác là một trong số những nhà giáo từ lớp xưa còn lại. Bác kể chúng tôi nghe những kỉ niệm trong đời nghề dạy, những thăng trầm của trường học trong thị xã từ thời tây cho đến giờ. Bác kể chúng tôi nghe những háo hức lúc bác mới vào nghề dạy học, những mơ ước được cống hiến cho tuổi trẻ. Có thời bác còn mở trường riêng để thi thố những hoài bão của mình. Đến nay đã xấp xỉ thất tuần mà tinh thần bác vẫn sảng khoái, hứng khởi mỗi khi nói chuyện về nghề dạy học. Bác nói chuyện mình mà nghe như bác nói lời nhắn nhủ của một thế hệ đi trước gửi lại thế hệ những người trẻ là chúng tôi. Ngày còn ở Sài Gòn, có những khi nóng lòng vì những trì trệ của việc đào tạo giáo sư Việt Văn đương thời, tôi và hai người bạn đồng khoa là Huỳnh Phan (tác giả Câu chuyện thầy trò, nay đã quá cố) và Vĩnh hẹn nhau là sẽ trở lại trường Đại Học Sư Phạm để làm mới lại nó, vì lúc đó chương trình đạo tạo của Ban Việt Hán thật là thảm hai: không có định hướng giáo dục rõ ràng, chương trình học nghèo nàn và thiếu sót nghiêm trọng mảng giáo dục học và phương pháp học. Nay được nghe tâm sự một nhà giáo đã về hưu, lòng tôi chùng xuống để nghe ra tiếng trầm của tâm sự một thế hệ, nhưng rồi tôi cũng nghe ra lời giục giã của tiếng kèn đồng thúc quân để cho một ngày mai. Hai thế hệ cách xa nhau nhưng hoài bão không khác.

Chúng tôi lưu lại nhà bác giáo Cẩn dùng bữa cơm trưa có cá kho và lá cách. Đấy là lần đầu tôi biết đến món lá cách. Buổi viếng thăm bác giáo Cẩn đã lưu lại trong tôi những cảm xúc khó tả. 

Từ giã bác Cẩn, tôi và Vĩnh lại lang thang qua góc phố mé gần sông cái. Buổi trưa, ngồi trên chiếc ghế đá trước dinh tỉnh trưởng, tôi hít thở hương vị mát mẻ của con sông trước mặt và không khí trong lành êm ả. Thuyền bè qua lại dập dìu. Một cô bé ôm mẹt chuối nấu nóng hổi đi ngang qua, mùi thơm toả nhẹ thật dễ thương. Tôi tưởng chừng đang thưởng thức miếng bánh madeleine của  Proust, hay miếng bánh mật dân dã của tuổi thơ. Hai đứa ngồi nhâm nhi chuối nấu Vĩnh Long và nhìn mông ra sông nước, tận hưởng những giờ phút cuối cùng được làm người khách lạ trước khi bị nhận diện là hai thầy giáo vừa nhập tịch nơi này. 

Khoảng 3 giờ chiều tôi mới vào trường đưa giấy Sự Vụ Lệnh để chính thức nhận nhiệm sở. Mọi thủ tục chỉ chừng nửa tiếng đồng hồ là xong. Tôi lại ra xe đò trở về Sài Gòn để tiêu cho xong dăm ba ngày còn lại tại một thành phố tôi đã quen nhịp điệu mấy năm nay rồi. Những ngày còn lại ở Sài Gòn sao mà hối hả thế. Ngày nào tôi mới vào Sài Gòn cảm giác nao nao tìm tòi khám phá những góc phố, những nhịp điệu mới. Ngoài các giảng khoá chính thức tại Đại Học Văn Khoa, tôi còn say mê đến dự từng buổi chiều tối các giảng khoá văn và triết tại Đại Học Vạn Hạnh. Tôi nhận ra từ rất sớm tính cách rất khác biệt của hai trường đại học này. Đến khi vào Sư Phạm, tôi lại thêm một kinh nghiệm khác về sự lạc hậu của giáo trình đào tạo ở đây. Tôi trở thành một sinh viên thường xuyên vắng mặt, vì mải mê với sách thư viện hay tại các tiệm sách cũ nhan nhản trên hè phố Sài Gòn. Từ những bức bối về nhà trường, tôi đã nung nấu một ước mơ làm mới. Tôi say với niềm đam mê cái mới. Không biết từ bao giờ, Sài Gòn đã gần như là nơi trú ẩn an toàn của giấc mơ tôi. Nay thì những ngày ở Sài Gòn gần như cạn dần đến điểm chấm cuối. Nhiều thoáng hụt hẫng trong lòng như thể sắp mất đi một vật quý. Tôi thường đi dạo khuya một mình dưới hàng cây sao cao vút trước khu đại học xá mà nghe lòng mình vấn vương một thời gian sắp mất mà chưa tìm thấy thời gian mới tại không gian mới có tên là Vĩnh Long.

Ngày trở xuống Vĩnh Long, tôi nhận ra những xao động những ngày trước đó thật dễ thương nhưng cũng thật là chóng qua. Khi phác lại những dự toán cho công việc, tôi lao vào những ngày tháng mới thật nhanh và trọn vẹn.

Sau những buổi dạy, tôi thường tản bộ qua những con đường nhỏ nhắn từ nhà trọ đến quán cơm Tân Tân, rồi len qua những dốc phố những chân cầu. Tôi cười thầm một mình khi lẩm nhẩm câu hát của Hợi (Đi qua chân cầu nhìn xuống dòng sông sâu, lòng buồn như thế đó...) (1) Làm gì mà phải buồn! Nước lên rồi lại ròng, hết cầu thì lại dốc phố thôi! Cuộc sống vẫn nhịp hai mà! Tôi thì hát với tôi thế này: “Thuyền ai trôi qua sông mà lòng tôi trôi trên vai cầu...  Đây hồn tôi thương nhớ sa mưa, đem chia nhau lời hát mong chờ...” (2) Rất nhanh, sông nước miệt vườn sẽ trôi nhịp hai trong tâm tư một anh giáo trẻ từ một nơi xa vừa đến đây như nhịp thở, nhịp đập con tim sôi động.

Có một lần tôi đi tản bộ một mình rất lâu, thầm thì với lòng mình về một “tâm tư khoác kín”, tôi đọc lên câu thơ: “Mình tôi với tuyết non cao, với cồn phố tịnh buốt vào xương da”. Trong một khung cảnh khác, một tâm cảnh khác, nhưng Cung Trầm Tưởng và Phạm Duy đã hát lên cùng một tâm tư khoác kín. Chiều hôm ấy, tôi hát lên câu thơ của bài thơ phổ nhạc “Chiều Đông” mà Phạm Duy giao duyên cùng thơ Cung Trầm Tưởng trong tập thơ phổ nhạc Tình Ca (1959), và thấy mình gắn bó lạ lùng với cồn phố tịnh của tôi lúc này. Tại sao không? Có những kẻ luôn thấy thiếu quê hương và phải đi tìm một nơi  trú ẩn cho mình. Nhưng mà quê hương có thể ngay lập tức có mặt khi ta nhận diện được nó. Phải không?

Hẹn em thư sau,

Đoàn Xuân Kiên

(1) Vũ Đức Sao Biển, ca khúc "Qua một chiếc cầu, một giòng sông" (1969)
(2) ĐXK, ca khúc "Dưới Cầu" (1971): http://youtu.be/OrqzOPyZBDI

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...