Saturday 16 September 2017



TỔ KHÚC BẦY CHIM BỎ XỨ -
HUYỀN TRUYỆN VỀ ĐẤT NƯỚC HÔM NAY

Đoàn Xuân Kiên



            Tổ khúc Bầy chim bỏ xứ được thai nghén từ thời gian trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Phạm Duy đã cùng Phạm Thiên Thư khởi soạn những tiểu khúc đầu tiên. Đến năm 1985, tác phẩm tương đối hoàn chỉnh. Nhưng phải đợi đến 1990, tác phẩm mới chính thức ra mắt công chúng trong những đợt lưu diễn của tác giả nó. Tác phẩm đã được ghi âm với phần hòa âm của Duy Cường, và phát hành năm 1990 (Phạm Duy Cường Musical Productions, 1990). Nhưng quyển sách đẹp khổ lớn chỉ được in ra năm sau đó (Phạm Duy, Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ. California: Lời Vàng xb, 1991, 240 tr.)

            Tập nhạc đồ sộ, không chỉ về chiều dày mà cả về giá trị âm nhạc và chiều kích nhân bản. Ngoài phần in toàn bộ tổ khúc Bầy chim bỏ xứ , tập sách còn thu thập khá nhiều những ý kiến  của thân hữu và thính giả các nơi từ khi tác phẩm còn trong vòng bản thảo. Có rất nhiều nhận xét tinh tế có trọng lượng ở bên cạnh những ý kiến có thể gây tranh cãi. Dầu sao, mong ước của người du ca già khi còn ở trên giường bệnh ngày nào nay đã được thành đạt: tác phẩm lớn và khổ công chăm chút này đã lên đường phiêu linh theo phần số của nó.

            Hình tượng đàn chim Việt hôm qua bay đi khắp bốn phương trời tha hương, bỗng một hôm nào nghe ra tiếng gọi của chim Hồng, chim Lạc - những cánh chim thời huyền sử xa xăm, chợt tỉnh thức và tái sinh từ tro tàn của chính mình, để cất lời chim én gọi mùa xuân. Thế là hết nỗi u sầu của cảnh tượng những cánh chim rũ chết tức tưởi vì bão tố, mà đã thấy một ngày chim về đậu ở thôn Đoài “sưởi ấm nóc rơm”.

            Tôi nghe ra đầy đủ một chu kì tâm tưởng của chúng ta trong diễn trình phát triển hình tượng âm nhạc của tổ khúc này. Xiết bao bồi hồi khi theo dõi vết chim bay, vì thấy chính lòng ta trong cung bậc ấy.

            Người nghệ sĩ trọn kiếp ca nhân ấy nghe được bão tố của thời đại khi bão đang còn đang tích tụ. “Cảm năng của loài chim báo bão” (1), hay là sự bén nhạy của người nghệ sĩ đã bao lâu “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”(2), ngày hôm nay không chỉ nghe ra phận nước mà như chừng cả phận người trong một cõi trăm năm.

            Hãy trở lại cái cảm năng báo bão. Người nghệ sĩ vốn là những người nhạy cảm nên có thể cảm nhận thân phận của mình, và nếu anh ta gắn bó nhịp đập của trái tim mình với nhịp đập của tổ quốc thì cũng có thể thị kiến ngày điêu linh của vận nước và cả đến dấu chỉ báo của ngày bầy chim hồi xứ về quê cũ yêu thương dựng mùa mới. Trực giác nhạy bén của người nghệ sĩ là yếu tố giúp anh ta đi trước thực tại cuộc sống. Đấy là nghiệp dĩ và vinh dự của họ. Có lẽ vì vậy mà có người đã bảo rằng “người du ca gia” của chúng ta đã tiên tri về sự hồi hương của bầy chim lữ thứ.

            Lich sử đã phơi bày những tính toán sai lạc của những con người chính trị về những đường bay của vận mệnh dân tộc. Trực giác của người nghệ sĩ ở đây đã nâng cánh cho bầy chim Việt thênh thang bay trên đường bay của nghệ thuật. Âm thanh thoáng, và hùng tráng, bát ngát tình yêu thương. Mười sáu năm lưu vong, không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn tiếp nhận được một tác phẩm nghệ thuật ở tầm mức như vậy. Thật chứ, thời đại của chúng ta đầy những biến động bi tráng, số phận con người và của đất nước đầy những vinh quang và cay đắng. Chỉ mười mấy hai mươi năm thôi mà như đã thế kỉ dài. Trong một thời đại bi tráng tương tự như thế, Nguyễn Du và Phan Huy Ích đã sáng tác những tác phẩm sừng sững trong lâu đài văn học dân tộc. Thời đại bão táp của chúng ta hôm nay xem ra thật nghèo nàn những con người “có con mắt nhìn cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (3). Quanh đây chỉ nghe tiếng những con cút lủi trong bụi và hót những tiếng nấc nghẹn ngào, hoặc những con đà điểu chúi đầu trong cát và tự bằng lòng với những bóng đêm. Trong không khí vật vã ngột ngạt đó, tiếng hót lảnh lót của những con vành khuyên, của những cánh én, cánh nhạn gọi mùa Xuân. Đã nghe vang vang trời vào Xuân khi bầy chim hoài xứ cất lời.

            Bầy Chim Bỏ Xứ là tác phẩm lớn của một thời đại lộng căng bão táp. Tác phẩm không hề chứa một khẩu hiệu lừa mị nào, cũng không ngợi ca hạnh phúc giữa hai tà áo hẹp. Ở đây là niềm thương vô bờ những phận người lênh đênh trong một mệnh nước không nguôi thù hận. Phạm Duy vẫn thế, vẫn hát ngợi ca tình người và hạnh phúc của những con người yêu thương nhau. Ở Phạm Duy không có sắt và máu.

            Biến cố đau thương của lịch sử đã đẩy con người chỉ biết yêu thương kia phải ra đi. Đã có những ngày “ta ngồi ta khóc, đã thấm sâu khổ nhục kiếp lưu đày. Ma mất mả tìm không thấy cuộc đời. Bên bờ sông Seine ta thành tượng đá” (Phạm Duy, Hát Trên Đường Vượt Biển). Khổ đau luôn là một sự thử thách phẩm hạnh con người. Đối với người nghệ sĩ, đau khổ sẽ nuôi lớn trái tim anh ta, tôi luyện tâm hồn anh lớn lên mà có được con mắt nhìn suốt sáu cõi và tấm lòng nghĩ cả nghìn đời. Hoa nghệ thuật thường vẫn nở trên bi kịch của con người.

            Phạm Duy đã trải qua bi kịch của đời người: một người ôm tổ quốc vào tâm hồn, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, mà rồi phải bỏ nước ra đi như một kẻ phụ rẫy; một người nguyện hát ngợi ca tình yêu mà phải lâm cảnh “đàn mốc trên tay”, “đàn đứt tung dây”. Con chim hoàng khuyên năm nào đã lâm cảnh bi thương: cấu cổ chết không hay. Chính trong những ngày tháng cùng quẫn đó, nghệ thuật sẽ nở hoa.

             Ý thức khoáng đãng về cuộc sống, về con người thật nồng nàn trong tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ. Không hận thù, chim vẫn chỉ nguyện hát âu ca. Chẳng phải vì tâm thức còn mơ hồ giữa thù và bạn; cũng  chẳng phải vì chim không biết là “bầy ác bầy ưng nạt nộ chim hiền. Thành lũ thần nanh đỏ mỏ chuyên quyền”. Biết lắm chứ, “chim quyên từ độ bỏ đi rồi, quê nhà tôi heo hắt đìu hiu. Nghe bình minh lơ láo vẹt kêu. Đêm sập về đem cú vọ theo”. Có tấm lòng quảng đại mới nhìn thấy được là kẻ thù của ta không phải là người mà chính là ý muốn độc quyền, óc hẹp hòi đố kị trong lòng người.

            Trong lòng dân tộc bao dung, những đứa con bạo dữ đã gây bao thù hận, tan lìa, cũng như thân phận những con chim diều hâu bạo dữ, có thể vẫn được tha thứ, vẫn có thể được một vị trí nào đó trong lòng quê hương:

                        Chim đi một buổi chim về
                        Cho tình yêu nở khắp miền quê
                        Vì đã không làm nên mùa xuân thắm
                        Thì một ngày chim dữ cũng lui chân
                        Để thấy giang sơn là không riêng rẽ
                        Của lũ chim nào, là chốn vui chung

Lời hát của phân khúc 17 (Bầy Chim Hồi Xứ) và phân khúc 18 (Chim Quyên Về Đậu Ở Thôn Đoài) là những lời hát bao dung của một tấm lòng đã bay lên trên những nhỏ nhen của tị hiềm, thù hận, bay lên trên những tranh chấp nhị nguyên. Tổ khúc đã kết thúc một cách đẹp đẽ trong niềm khẳng định rằng chỉ có tình thương mới khâu vá lại đời sau.

            Tấm lòng đại độ như thế không thể thấy được ở bất cứ loài chim nào muốn xây uy quyền độc tôn. Căn bệnh nhị nguyên đã làm điêu đứng dân tộc tự bao lâu nay. Chiến tranh, thù hận, phân lìa, dằng dặc bao nhiêu năm đã soi rõ thân phận “ôi đất nước u mê ngàn năm” (Trinh Công Sơn). Tấm lòng của những người con đất nước như Phạm Duy thật không hổ với mẹ Âu Cơ khi thắp sáng lên ánh lửa Tin Yêu như là thứ vũ khí để xua tan bóng tối hận thù. Để có thể sống ngạo nghễ như thế, không thể không có trái tim lớn. Những người nghệ sĩ có đôi mắt và trái tim khoáng đạt sẽ gặp nhau trên hành trình nhân gian.

            Hành trình nghệ thuật của Phạm Duy đã viên mãn: từ khúc hát xuân xanh ở những bước lên đường đến những bài nghìn thu, chu trình âm nhạc của ông là một trường ca của tình yêu. Tôi nghĩ rằng, trên tầm nhìn thoáng rộng của Yêu Thương - mà có người gọi đó là chiều kích vũ trụ, tấm lòng của những nghệ sĩ lớn như  Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn sẽ gần gũi Nguyễn Du.
                                                                                                            
                                                        Đoàn Xuân Kiên
                                           (Bài thuyết trình tại Câu Lạc Bộ Việt Nam, London, Tháng 4/1992)


(1) Chữ dùng của Phạm Duy trong lời tựa tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ
(2) Chữ dùng của Phạm Duy trong lời bài hát Tình Ca (1953)
(3) Chữ dùng của Mộng Liên Đường chủ nhân trong lời tựa bản khắc Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...