Thursday 28 September 2017


 đọc sách:

DẪN NHẬP NGHIÊN CỨU
TIẾNG VIỆT VÀ CHỮ QUỐC NGỮ
cuả Võ Long Tê
(Reichstett: Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ, 1997)

Đặng Mi Lộc



           
0       Quyển sách gồm hai phần: phần I là nội dung bài giảng cùng tên cuả tác giả dành cho lớp Đại Học Hè Việt Nam Hải Ngoại 1996 tại Orsonnens (Thuỵ Sĩ), phần II là một bảng Thư Mục chi tiết, giúp cho việc tìm hiểu Tiếng Việt và Chữ Quốc Ngữ. Đây là một nỗ lực lớn cuả tác giả và Định Hướng Tùng Thư cuả Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ đối với việc nuôi giữ lòng quan tâm cuả giới trẻ hải ngoại đối với văn hoá dân tộc.

         Trong ngót trăm trang đại cương bài giảng này, tác giả giới thiệu ba vấn đề: (a) lịch sử tiếng việt; (b) lịch sử phát triển chữ quốc ngữ; (c) đặc điểm cuả tiếng Việt. Bài giảng dẫn nhập nghiên cứu tiếng Việt cuả tác giả, cùng với bảng thư mục rất dồi dào tư liệu, chưá đựng một khối lượng thông tin rất lớn cho các bạn trẻ thiết tha với việc tìm hiểu sâu về tiếng Việt. Các bạn có thể dò tìm được rất nhiều điểm mốc lớn về các vấn đề liên quan đến tiếng Việt, để từ đó tra cứu thêm tài liệu thư tịch mà tác giả đã kĩ lưỡng ghi chú trong bài giảng và sau đó lên một danh mục khá phong phú. Độc giả không khỏi thán phục hùng tâm cuả tác giả, thể hiện qua lề lối làm việc cẩn trọng, sự chăm chút đối với thế hệ trẻ bằng sự thu thập những tài liệu gợi ý. Với một bản đồ hướng dẫn chu đáo như vậy, tác giả quả là đã đạt được mục đích hướng đạo và gợi ý cho độc giả Việt Nam trẻ tại hải ngoại, để họ biết hướng để tìm về nguồn mà không sợ mông lung lạc lối.

1       Mở đầu bài giảng là khái quát về nguồn gốc cuả tiếng Việt. Tác giả đã tóm lược ngắn gọn một vài giải thuyết khoa học trước đây để quy về kết luận là tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á, và tiếng Việt là một nhánh lớn cuả ngữ hệ này. Đây là một đề tài nghiên cứu rất thú vị, và phức tạp; cho nên tác giả không thể gói hết ý trong ít trang ngắn ngủi được. Tuy nhiên, trong chừng mức các tài liệu trưng dẫn, người đọc dễ nhận thấy là tác giả dụng công giới thiệu quan điểm cuả Henri Maspéro qua bài nghiên cứu nổi tiếng cuả vị học giả này: "Études sur la Phonétique historique de la langue annamite: les initiales" (tài liệu số 72 trong thư mục). Maspéro đã nhìn ra từ rất sớm mối quan hệ giưã tiếng Việt và nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, nhóm Thái, và một yếu tố thứ ba mà chính ông cho rằng đã có vai trò rất lớn đối với việc hình thành tiếng Việt ở những thời kì xa xưa. Yếu tố đó là gì, các nhà nghiên cứu sau Maspéro vẫn cố gắng truy tìm. André Haudricourt, đã xác định trong các công trình tiếp nối cuả ông. Haudricourt cho rằng tiếng Việt có yếu tố ngôn ngữ Nam Á. Những tìm tòi cuả Haudricourt về nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt đã góp phần rất lớn để ông nhận ra mối quan hệ giưã tiếng Việt cổ và nhóm ngôn ngữ Nam Á.1 Có thể nói là Maspéro và  Haudricourt đã nhìn mối quan hệ giưã tiếng Việt và Môn-Khmer và Thái khác nhau mà đi đến những kết luận khác nhau về nguồn gốc tiếng Việt.

         Nhưng việc tìm hiểu nguồn gốc tiếng Việt sẽ còn là một việc dài lâu, và những giải thuyết dưạ trên cứ liệu ngôn ngữ cổ có thể sẽ không đầy đủ. Trước nay, đã có nhiều công phu tìm hiểu nguồn gốc dân tộc qua các cứ liệu dân tộc học, nhân chủng học, khảo cổ học, và cả cứ liệu văn hoá dân gian. Trên ngưỡng cưả vào thế kỉ XXI, có lẽ bạn trẻ Việt Nam nay cũng đã có thể nhận ra là việc tìm hiểu nguồn gốc tiếng Việt - và qua đó có thể góp phần tìm hiểu nguồn gốc dân tộc - đòi hỏi nhiều kiến thức liên khoa: khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học, và ngữ học. Công việc này khó có một cá nhân đơn thương độc mã mà có thể thực hiện đến nơi đến chốn được. Đất Việt là điạ bàn cư dân cuả hơn năm mươi dân tộc, việc tìm hiểu ngôn ngữ và các mặt khác cuả các cộng đồng dân tộc này sẽ góp phần làm sáng thêm mối quan hệ giao lưu ngôn ngữ giưã ngôn ngữ Việt-Mường và các ngôn ngữ khác trong ngữ hệ Nam Á. Đó là một bài toán khoa học mà thế hệ các nhà ngữ học Việt và quốc tế hiện nay chưa có những giải đáp đầy đủ.

         Nói cho đúng thì các nhà nghiên cứu trước đã bắt đầu đi vào khảo hướng này. Bình Nguyên Lộc là một. Những gợi ý cuả Georges Coedès đã dẫn nhà văn tài danh này vào hướng tìm hiểu nguồn gốc dân tộc qua những cứ liệu khảo cổ, nhân chủng học, nhân học và ngữ học. Ông đã lao vào một điạ hạt nghiên cứu liên khoa với một nhiệt tâm nóng bỏng. Trực giác cuả một nghệ sĩ (ông là một nhà văn xuất thân) đã đưa ông đến những nhận xét độc sáng, có khả năng nối kết những luận cứ khoa học khảo cổ, nhân học, nhân chủng, ngữ học với những tư liệu văn hoá dân gian, để rồi ông phác hoạ lại quá trình tiến hoá cuả nhóm dân Lạc trong đại gia đình Nam Á mà ông gọi là 'Mã Lai' cổ. Nhiều người công kích ông chỉ vì cái tên 'Mã Lai' mà không hề tìm hiểu nội dung cuả thuật ngữ ông dùng, dẫn đến những tranh cãi phù phiếm. Giả thuyết cuả Bình Nguyên Lộc về đại gia đình Bách Việt rất đáng được tìm hiểu thêm. Bằng tinh thần và phương pháp khoa học thấu triệt, thế hệ ngày mai sẽ có thể hiểu rõ hơn về dĩ vãng nghìn năm cuả dân tộc chúng ta.

         Mặc dù kịch liệt công kích Bình Nguyên Lộc, một nhà ngữ học Việt Nam khác lại cũng đã đi bước đầu nghiên cứu theo chiều hướng liên khoa như thế: Nguyễn Bạt Tuỵ đã âm thầm đi vào điạ hạt dân tộc ngữ học trong hơn mười năm ròng rã, và đã có những phát kiến ban đầu về nguồn gốc cuả "ngữ Giao" trong mối quan hệ với các chi nhánh ngôn ngữ khác cuả ngữ hệ Nam Á mà ông gọi là 'nhóm Môn-Khâme', và nhóm 'ngữ Nê'. Theo ông Nguyễn thì tiếng Việt ngày nay là hậu thân cuả họ ngôn ngữ Giao (ngày xưa phát âm là / kao /, thuộc nhóm ngôn ngữ Giao-Thái.2 Tiếc rằng cho đến khi ông qua đời (1995), chưa có dịp nào ông được trình bày giải thuyết về nguồn gốc tiếng Việt, ngoại trừ ít trang ngắn ngủi trong hai bài viết, và loạt bài phê bình sách kể trên cuả Bình Nguyên Lộc. Các công trình quan trọng về đề tài nghiên cứu này cũng như về ngữ học tiếng Việt nói chung cuả ông để lại đến nay vẫn đang còn đợi được phổ biến cho học giới các nơi.

         Ngoài ra, những công trình cuả giới nghiên cứu ở Hà Nội về nguồn gốc tiếng Việt cũng đáng chú ý. Trong một công trình xuất bản gần đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Đông Nam Á khẳng định thêm bằng những tư liệu ngôn ngữ, và cho rằng tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ  Nam Á, là một họ ngôn ngữ bao trùm điạ bàn rộng khắp vùng Đông Nam châu Á. Đại gia đình ngôn ngữ Nam Á này có ba chi nhánh lớn là nhánh Munda, nhánh Môn-Khmer và nhánh Nam Đảo. Tiếng Việt có nguồn gốc cổ sơ là nhóm ngôn ngữ Việt-Chứt - là một thành phần cuả nhánh ngôn ngữ Môn-Khmer định cư ở điạ bàn Đông Dương ngày nay. Đến khoảng hơn hai ngàn năm trước, nhóm Việt-Chứt này đã giao tiếp với nhóm ngôn ngữ Thái mà hình thành một nhóm ngôn ngữ mới: nhóm Việt-Mường cổ. Sau đó khoảng hơn một ngàn năm, nhóm Việt-Mường cổ lại chịu một thay đổi lớn khác, khi  tiếp xúc với ngôn ngữ Hán: nhóm Việt Mường tách làm hai nhóm: nhóm Việt và nhóm Mường. Mối quan hệ họ hàng giữa tiếng Việt và Mường ngày nay có thể được diễn tả như trong bảng dưới đây, phối hợp kết quả nghiên cứu cuả Phạm Đức Dương và Nguyễn Tài Cẩn 3 :





2       Sau khi hướng dẫn tìm hiểu nguồn gốc tiếng Việt, tác giả giới thiệu vấn đề lịch sử tiếng Việt. Qua lịch sử hơn bốn nghìn năm, tiếng Việt đã trải qua sáu thời kì tiến hoá: 

Bảng khái lược lịch sử sáu thời kì cuả tiếng Việt cũng là phần dưạ trên công trình nghiên cứu cuả Henri Maspéro. Mà Maspéro thì - như vưà trình bày ở trên - đã bỏ sót một yếu tố can hệ đến sự hình thành tiếng Việt cổ, là yếu tố Nam Á, cho nên những luận điểm cuả ông ở hai thời kì đầu cuả lịch sử tiếng Việt, đến bây giờ cần phải xem lại.

         Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, rất khó xác định đâu là giới thuyết cuả hai thời kì đầu, và đâu là đặc tính cuả mỗi thời kì. Nhưng những gợi ý quan trọng cuả Maspéro về quá trình tiến hoá cuả tiếng Việt vẫn rất có giá trị. Chẳng hạn, gợi ý về tiếng Hán Việt cuả ông đã dẫn đến phát hiện khá quan trọng cuả Nguyễn Bạt Tuỵ về tiếng "nho xưa", "nho nay" và "nho xưa-nay" trong mối quan hệ với "nôm trước" , "nôm sau" và "nôm xưa-nay" - rất đáng cho chúng ta suy ngẫm. 3

         Trong lúc trình bày, có đôi khi tác giả cho rằng trình độ tiến hoá cuả tiếng Việt qua các thời kì là sự tiến hoá theo trình độ nậng cao về phẩm chất. Chẳng hạn, khi tác giả cho rằng tiếng Việt ở thời kì thượng cổ đạt đỉnh cao là ngôn ngữ văn học trong Quốc Âm Thi Tập cuả Nguyễn Trãi (tr. 19), rồi chữ quốc ngữ dần dà trở nên một ngôn ngữ văn học (tr. 20), lịch sử tiếng Việt hiện đại đồng nhất với lịch sử phát triển chữ quốc ngữ (tr.25). Cách nhìn nhận như trên có mấy điểm cần làm sáng tỏ:

         Trước hết, nhìn nhận trình độ tiến hoá ngôn ngữ qua trình độ ngôn ngữ văn học có thể dẫn đến một thái độ xét đoán giá trị về sự tiến hoá ngôn ngữ. Thật ra, ở đây nên tách sự tiến hoá khỏi ý niệm tiến bộ: nếu tiếng Việt ở thời Nguyễn Trãi nói là đá mà ngày hôm nay chúng ta nói đá thì không phải bây giờ chúng ta nói tiến bộ hơn, hay hơn thời Nguyễn Trãi; cũng thế, tiếng Việt trung cổ còn nói con tlai, trong khi ngày nay chúng ta nói là con trai, thì chỉ là do sự tiến hoá đã dẫn đến những cách nói khác nhau để diễn đạt ý nghĩ cuả con người mà thôi.

         Một điểm khác cũng đáng chú ý là ngôn ngữ văn học với ngôn ngữ viết là hai phạm trù ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ văn học thời bây giờ có thể là ngôn ngữ viết. Nhưng ngôn ngữ văn học cũng còn có thể là ngôn ngữ nói, nếu văn học đó là loại văn học truyền khẩu. Ngôn ngữ văn học có thể tiến lên một đỉnh cao ở một thời kì văn học nào đó, nhưng ngôn ngữ viết ở thời kì đó có thể không tiến lên cùng nhịp. Sự phát triển ngôn ngữ không nhất thiết phải đi đôi với sự phát triển một hệ thống chữ viết. Xét về mặt sâu sắc cuả ngôn ngữ văn học thì câu văn truyện Kiều (ở thời kì tiếng Việt trung cổ) có thể vẫn là những mẫu mực về ngôn ngữ văn học cho những giai đoạn sau này cuả tiếng Việt thời hiện đại. Nhưng chữ nôm ở thời điểm sáng tác truyện Kiều vẫn không tiến bộ vượt trội hơn những thời kì trước. Cũng thế, hệ thống chữ viết bằng mẫu tự Latin ngày nay đã hoàn chỉnh ngay từ khá sớm, nhưng ba trăm năm nay chữ quốc ngữ vẫn không trách nhiệm gì về những thăng trầm và đình đốn cuả ngôn ngữ văn học tiếng Việt.

         Chúng tôi cũng hiểu là tác giả có ý đặt song hành giưã sự tiến hoá cuả tiếng Việt và sự phát triển cuả chữ quốc ngữ, chứ không có ý đồng nhất chúng. Nhưng như thế thì vẫn cần trả lời thêm: đâu là những tính cách đặc trưng cuả tiếng Việt thời kì hiện đại, kể từ cái mốc 1838 - là năm Taberd xuất bản bộ Từ điển tiếng Việt đồ sộ tại Serampore? Việc hình thành và phát triển ‘chữ quốc ngữ’ chỉ là một tính cách về hệ thống văn tự mà thôi. Chúng tôi thấy còn vài tính cách khác rất đáng chú ý, nhưng chưa thấy bàn đến, đó là: thứ nhất, tiếng Việt đã đóng vai trò rộng khắp trong mọi hoạt động xã hội (tiếng Việt bây giờ là chuyển ngữ ở mọi cấp bậc sinh hoạt xã hội, sự phổ biến bộc phát truyền thông bằng ngôn ngữ viết, cụ thể là qua báo chí, sách vở); sau nưã là hoàn cảnh đất nước từ ba trăm năm nay đã dẫn đến một sự giao tiếp với ngôn ngữ phương tây không thể tránh được, mà kết quả cuả nó là hệ thống chữ quốc ngữ, là một khối lượng từ vay mượn, và nhất là những ảnh hưởng đến cú pháp tiếng Việt.

         Qua kinh nghiệm giao tiếp ngôn ngữ phương tây, chúng ta nhìn thấy rõ hơn tính cách đồng văn cuả tiếng Việt và tiếng Hán: đó là những ngôn ngữ cách thể, có quan hệ giao tiếp trên ngàn năm. Tiếng Hán đối với tiếng Việt không phải là "một chữ ngoại quốc" - hiểu theo cơ tầng văn hoá. Ngay ở thời kì hiện đại, người Việt vẫn cần trau dồi vốn từ Hán Việt nếu muốn làm phong phú vốn ngôn ngữ tiếng Việt. Đó cũng là một điểm đáng được nhắc đến trong một quyển sách dẫn nhập vào tiếng Việt như sách này.

3       Sách dành một phần khá phong phú để phác lại lịch sử phát triển chữ quốc ngữ. Đây là một bản phác hoạ khá đầy đủ quá trình phát triển cuả chữ quốc ngữ trong suốt ba trăm năm. Trước kia chỉ có một vài công trình nghiên cứu về từng thời kì, mà nổi bật là công trình tìm hiểu lịch sử phát triển chữ quốc ngữ ở thời kì đầu tiên (1620-1659) cuả Lm. Đỗ Quang Chính ( xem tài liệu số 235 trong sách). Lần này, tác giả giới thiệu một bản tường trình theo thứ tự biên niên các chặng phát triển cuả chữ quốc ngữ, từ khi là phương tiện truyền giáo cuả cộng đoàn Thiên Chuá Giáo, đến khi được chính quyền thuộc điạ và bảo hộ quyết định dùng chữ quốc ngữ làm hệ thống chữ viết chính thức cuả nhà nước (tr. 55-56). Sự phát triển chữ quốc ngữ đã có hai yếu tố rất thuận lợi, là chính quyền đã dùng phương tiện nhà trường và báo chí làm phương tiện phát triển hệ thống chữ viết này. Việc các nhà trí thức yêu nước trong phong trào Đông Kinh Nghiã Thục cổ vũ cho việc học chữ quốc ngữ, là do một đông cơ khác hẳn với nhà đương cục thuộc điạ. Đó chính là đòn "tương kế tựu kế" như tác giả đã nhận xét rất đúng (tr. 53).

4       Phần bàn về các đặc điểm cuả tiếng Việt cũng là một bản tập hợp những nét đặc trưng cuả tiếng Việt về mặt ngữ âm, từ ngữ và về cú pháp.

         Về mặt ngữ âm, tác giả giới thiệu những "luật" ngữ âm quan trọng trong tiếng Việt: luật bổng trầm, luật thanh trọc, luật hỏi ngã, luật tương đồng đối xứng... (tr. 74). Phần này hãy còn khá sơ sài. Chúng tôi nghĩ rằng đặc sắc cuả tiếng Việt về mặt ngữ âm trước hết là sự hoà phối ngữ âm (phonological harmony), ở mọi thành phần âm tiết tiếng Việt, mà nổi bật lên là sự hoà phối âm chínhhoà phối thanh điệu qua luật bổng trầm. 

         Về mặt từ vựng,tác giả có bàn về từ thuần Việt và từ vay mượn. Tác giả có nêu một nhận xét mà chúng tôi nghĩ là rất đáng bàn thêm: ông đưa ra một bảng các tiếng vay mượn từ tiếng bắc Phạn, tiếng Tamoul, tiếng Môn-Mên, tiếng Thái (tr. 69). Tác giả cho rằng các nhà ngữ học cho đó là những từ tiếng Việt có vay mượn, nhưng ông lại cẩn thận cho rằng: nếu có vay mượn thì "đã Việt hoá từ thuở xa xưa đến độ xuất hiện như tiếng Việt thuần tuý, nhưng cũng nên nghĩ đến trường hợp tương đồng hơn là liên hệ thân tộc" (tr. 68). (chúng tôi gạch dưới).

         Tất nhiên là không thể đồng nhất giưã vay mượn và tương đồng, cho dù có nhiều hiện tượng ngôn ngữ tương đồng trong tình cờ. Trong trường hợp tiếng Việt chúng ta, hiện tượng vay mượn trong thân tộc ngôn ngữ là hiện tượng có thật, và rất sâu sắc. Qua sự đối chiếu ngôn ngữ, nhà nghiên cứu có thể truy tầm những nét vay mượn giưã các ngôn ngữ có quan hệ tiếp xúc với nhau. Hãy tưởng tượng, ngày xa xưa khi cộng đồng ngôn ngữ Môn-Khmer ở đất Văn Lang giao tiếp với cộng đồng dân Thái cuả Thục Phán, để hình thành nước Âu Lạc, sự hôn phối ngôn ngữ đã xảy ra phức tạp đến mức nào ! Ngày nay, chúng ta nói tre pheo, heo cúi, chó má, chợ buá, đường sá..., trong đó cả hai từ đều cùng một nghiã, nhưng một từ là cuả gốc Môn-Khmer và một từ gốc Thái. Trong những trường hợp như thế khó mà trả lời được đâu là vay mượn, và đâu là từ thuần tuý, bởi vì ngày nay, những từ ghép vưà kể đã là bộ phận "từ thuần tuý" cuả tiếng Việt cả rồi. Hiện tượng vay mượn sẽ trở nên rõ ràng, khi ta nói đến từ mượn trong vốn từ vựng các tiếng Ấn-Âu, do cuộc giao tiếp ngôn ngữ ở thế kỉ XX. Những từ như xà phòng, cùi dià, (nhà) ga, cao bồi... hiển nhiên là những từ vay mượn trong vốn từ ngữ tiếng Việt ở thế kỉ XX.

         Chúng tôi nhìn kho từ vựng tiếng Việt như một vùng đất do nhiều cơ tằng phù sa đắp bồi: lớp cổ nhất là gốc Môn-Khmer, rồi lớp Thái, lớp Hán, và ai biết sẽ ra sao sau cuộc giao tiếp ngôn ngữ với phương tây từ ba trăm năm nay. Nhân nói về chuyện vay mượn và vốn từ riêng trong ngôn ngữ, chúng ta cũng nên nhìn qua trường hợp tiếng Hán-Việt. Tiếng Hán-Việt đã là kết quả cuả cuộc giao tiếp ngôn ngữ lớn, kéo dài hơn nghìn năm, khi dân tộc Lạc Việt bị nhà Hán đô hộ. Tiếng Hán Việt là một bộ phận từ ngữ quan trọng, đã góp phần hình thành ngôn ngữ văn hóa cuả dân tộc chúng ta trong hơn ngàn năm qua. Luận điểm về "nho xưa", "nho nay" cuả Nguyễn Bạt Tuỵ rất đáng chú ý, vì ông đã truy tìm được mối quan hệ như được hình dung ở hai thí dụ dưới đây (tr. 55 và 62) 4:


Qua những gợi ý trên đây, chúng ta có thể nói lại một lần nưã với các bạn trẻ, rằng tiếng Hán-Việt là một bộ phận không thể thiếu được trong việc phát triển vốn ngôn ngữ văn hoá cuả người Việt.

         Về mặt ngữ pháp, tác giả tập hợp bốn đặc điểm cuả tiếng Việt, là: quy luật xác minh, quy luật liên tục, quy luật bất định, và quy luật tiết điệu.(tr. 89-92). Chúng ta tự hỏi: liệu bốn đặc điểm nêu ra trong sách đã phải là những tính cách cốt lõi cuả tiếng Việt chưa ? Chúng tôi ngờ rằng hai đặc điểm đầu chỉ là kết quả cuả một đặc điểm bao trùm hơn cuả loại hình ngôn ngữ cách thể, không biến hình, và ngữ pháp dưạ trên trật tự trước sau cuả từ. Nếu ta nói:"người nông phu cầm cuốc cuốc đất" thì ai cũng hiểu từ cuốc thứ nhất là một công cụ (danh từ), còn tiếng cuốc thứ nhì chỉ động tác (động từ). Đó là vì cú pháp tiếng Việt là một cú pháp không biến hình các từ mà hoàn toàn dưạ trên vị trí cuả từ trong câu nói. Đặc điểm loại hình này đã dẫn đến các quy luật xác minh, và liên tục. Ở đây cũng cần nói thêm là: ngôn ngữ nào thì cũng có chức năng xác minh. Khác nhau về cách xác minh qua lối diễn đạt câu nói, là do tính cách cuả ngữ pháp mà thôi. Cho nên nói quy luật xác minh trong tiếng Việt có lẽ là thưà. Bảo rằng cú pháp  tiếng Việt hoạt động theo nguyên tắc trật tự các từ, thì phải hơn.

         Quy tắc mà Cadière gọi là bất định có thể cần phải bàn lại. Hiện tượng ngôn ngữ là một hiện tượng đa nguyên. Nếu chúng ta bàn về nó ở bình diện ngữ pháp (grammar) thì nên tạm đóng ngoặc các dữ kiện khác như  phong cách nói, chủ đích người nói, và ngữ cảnh. Vì đó là đối tượng cuả nghiên cứu ngữ dụng học (pragmatics). Xét về cấu trúc ngữ pháp thì một câu tiếng Việt hoàn chỉnh phải là một câu xác định chứ không thể bảo là bất định. Xét rộng ra hơn thì quy tắc bất định không phải là một đặc trưng riêng cuả tiếng Việt, mà có lẽ ngôn ngữ nào cũng có; không thể dưạ trên một vài lối nói phiếm chỉ để bảo rằng tiếng Việt là ngôn ngữ bất định, nếu không sai lạc thì cũng hàm ý khinh miệt một ngôn ngữ dưạ trên tiêu chuẩn ngữ pháp Ấn-Âu.

         Đặc điểm thứ nhì cuả tiếng Việt là sự nhịp nhàng cân đối, do đặc tính cuả thanh điệu mà có. Tiếng Việt có sáu thanh, và chúng hoà phối với nhau theo quy luật bổng trầm cuả thanh, mà tác dụng cuả hoà phối là tiết điệu nhịp nhàng cuả lời nói. Đây là một đặc tính thuộc loại hình ngôn ngữ chúng ta - là một ngôn ngữ cách thể và có thanh điệu. Cũng từ đặc điểm này mà trong văn học dân tộc, luật thơ phú rất chú trọng luật bằng trắc, và sự đối xứng nhịp nhàng. Điều thú vị cho bạn trẻ Việt Nam là khi xem xét tiếng Việt theo tinh thần và phương pháp khoa học thì chúng ta sẽ nhận ra tính hệ thống và khả năng diễn đạt cao cuả nó. Vì tiếng Việt cuả chúng ta đã nghiễm nhiên là một ngôn ngữ văn hoá từ lâu đời rồi.

         Hai đặc điểm có tính loại hình cuả tiếng Việt đã dẫn đến những đặc điểm về ngữ âm (luật bằng trắc, luật bổng trầm, nói chung là sự hoà phối ngữ âm), về từ vựng (không biến hình thể cuả từ theo hình vị), về ngữ pháp (cú pháp theo trật tự cuả từ, diễn đạt theo trật tự thời gian). Nhìn nhận vấn đề như thế có lẽ sẽ bao trùm hơn, hệ thống hơn là bốn quy luật như đã nêu ra trong sách.

5       Chúng tôi muốn dành một ít hàng để thảo luận với tác giả về việc dùng một số thuật ngữ ngữ pháp tiếng Việt: ông theo quan điểm Trần Trọng Kim và Lê Văn Lý, mà nhất luật gọi tên các tiếng từ loại là - tự, còn - từ thì để chỉ  vai trò, chức năng ngữ pháp cuả các "tự" đó trong câu. Để bàn luận về vấn đề này, cần trở lại hai vấn đề nền tảng: một là vấn đề định nghiã 'từ', hai là giới thuyết phạm vi đối tượng nghiên cứu ngôn ngữ. 

         Vấn đề thứ nhất, chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng: 'từ' là một 'tiếng', một đơn vị phát âm cuả tiếng nói có ý nghiã tối thiểu. Từ có thể nói lên hay viết ra. Khi phát ra thì từ cuả tiếng Việt thường là một âm tiết. Nhưng một chữ viết chưa hẳn đã là một từ. Ví dụ: trái cà là hai từ, nhưng chớn trong từ cà chớn thì chưa thể gọi là từ đúng nghiã. Một từ có thể nghiên cứu ở nhiều bình diện khác nhau: về mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, ý nghiã, ngữ dụng.

         Vấn đề thứ nhì, cần dưạ vào một luận điểm quan trọng cuả Saussure (xem tài liệu 296) về đối tượng cuả ngữ học là xem xét ngôn ngữ nói, ngôn ngữ sống cuả xã hội. Văn tự (chữ viết) chỉ là đối tượng thứ yếu. Trên thế giới có năm ngàn ngôn ngữ, nhưng không phải ngôn ngữ nào cũng có chữ viết. Cho nên ngôn ngữ học phải xác định cho mình đối tượng nghiên cứu là tiếng nói trước tiên, sau đó mới xét đến mặt chữ viết cuả tiếng nói đó. Vậy thì đối tượng cuả nghiên cứu ngôn ngữ trước hết, và trên hết vẫn là các "từ" (tiếng nói và chữ viết) chứ không phải chỉ là "tự" (chữ viết).

         Từ tiên đề này, có thể thấy là dù nhìn từ mặt từ loại (parts of speech) hay mặt từ vụ (grammatical function) cuả từ trong câu, chúng ta cũng đều dưạ vào "từ" chứ không nên dừng lại ở "tự". Để giải quyết vấn đề thuật ngữ phân biệt hai phạm trù ngữ pháp trên đây, các nhà ngữ học đã có những cố gắng giải quyết.  Chẳng hạn,Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê dùng các thuật ngữ  thể từ, trạng từ trợ từ để chỉ từ loại các tiếng, và dùng các thuật ngữ  chủ ngữ, thuật ngữ, trạng ngữ, phó ngữ  để chỉ từ vụ cuả từ trong câu nói. (Xem tài liệu số 204 và 226). Nguyễn Kim Thản và các tác giả khác thì dùng: danh từ, động từ, tính từ, phó từ, trợ từ ...(từ loại) và cũng dùng  chủ ngữ, vị ngữ, ... để chỉ  vai trò ngữ pháp cuả từ trong câu. Cố gắng cuả các tác giả vưà kể là đã xem xét vấn đề trong tinh thần mà Saussure đề xướng: san định thuật ngữ để đẩy nghiên cứu khoa học hơn, chính xác hơn.

         "Ngữ" là cấu trúc cấp trên "từ". Trong câu nói, không phải chỉ một từ sắm một vai trò ngữ pháp, mà có khi là cả một nhóm từ. Vì thế mà đưa khái niệm 'ngữ' vào trong cú pháp để chỉ công năng cuả một nhóm từ là xác đáng hơn. Chẳng hạn, câu dưới đây có hai nhóm từ: một nhóm đứng làm chủ ngữ (subject) trong câu, nhóm thứ nhì làm thuật ngữ (predicate). Câu "Hai con chim non đang bay là là ngoài sân" có thể phân tích ngữ pháp như sau:

 

         Cho nên việc chọn lưạ một cách định danh trong ngữ pháp tiếng Việt phản ảnh quan điểm nghiên cứu cuả chúng ta. Trong tình trạng nghiên cứu ngữ học cuối thế kỉ XX này, vấn đề định danh đã được giải quyết khá trọn vẹn, thiết tưởng chúng ta không nên quay trở lại những dụng ngữ cũ đã tỏ ra thiếu bao quát. Theo cách đó, chúng tôi cũng thấy là có thể theo Lm. Nguyễn Khắc Xuyên khi ông dịch bài cuả Durand sang tiếng Việt. Ông Nguyễn hiểu "impressifs" là những "cảm từ" hơn là những "ấn tự". (Xem tr. 77 và tài liệu 195 kê trong sách ). Chúng tôi cũng nghĩ rằng những ấn tượng mà các từ thuộc loại này chỉ là một mặt cuả sắc thái biểu cảm cuả từ đó.

6       Nhân đọc sách, chúng tôi nhặt ra một vài điểm nhỏ, cũng xin bàn góp với tác giả:

         Trước hết, xét trong mạch văn thì khi Ngô Thì Nhậm tán dương văn nôm và tiếng nói dân tộc, ông muốn nói đến "quốc ngữ" chứ không phải "quốc tự" (tr.6).

         Trang 47 có nhắc đến tiếng là-đá trong Từ Điển Việt-Bồ-La, với nghiã là "toàn đá". Đây là một từ cổ có hai âm tiết, nhưng chỉ có nghiã là "đá" mà thôi. Từ này có thể là dấu vết hiếm hoi cuả mảng từ cổ mà phụ âm đầu có mang tiền tố. Trong Quốc Âm Thi Tập cuả Nguyễn Trãi có ba lần dùng từ này, và các nhà phiên âm trước đây ( Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh) đều thất giải. Riêng câu ở bài 87 đã phiên sai thành Bia, mặc dù bản nôm khắc là "la" ( võng trên duy dưới), rất rõ:

                           Dấu người đi là-đá mòn (b. 21)
                           Cội cây là-đá lấy làm nhà (b. 54)
                           Là-đá hay mòn nghiã chẳng mòn (b.87)

         Cả ba trường hợp chỉ cần hiểu là-đá là "đá". Từ điển Việt Pháp cuả E. Gouin (1957) (tài liệu 174bis trong sách), cuả Génibrel (1898) (tài liệu số 58 trong sách) cũng có ghi từ này. Trong một số tài liệu chữ nôm viết tay cuả giáo sĩ Jeromino Maiorica (thế kỉ XVII) cũng có từ này:

         "Đức chuá Giê Su thấy Si Mông đến liền phán rằng: 
          mày là Si Mông con Giu Ông. Tao cải tên mày là Phê Rô 
          nghiã là là-đá..." (MB 20-14 d 8/t 41, h.1)
                  
          " Vì hòm gỗ để bia là-đá trong ấy..." (MB 8a 10 / t.20 , h.9)

         Tập Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghiã ở thế kỉ XVII (xem tài liệu số 17 trong sách) cũng có hai trường hợp dùng là đá để giải nghiã từ thạch (đá):

                  Thach Khối hòn là-đá chồng (Điạ lí bộ II)
                  Bàn  Thạch là-đá cả thay (Điạ lí bộ II)

         Ngôn ngữ nhóm Việt-Mường hiện nay vẫn còn dùng từ này : la tá (Mày Rục), ta tá (Mã Liềng), a té (A Rem).5  Như thế thì rõ là là đá là một từ cổ mà nay tiếng Việt không còn dùng nưã, nhưng các ngôn ngữ cùng hệ ngôn ngữ Nam Á thì vẫn còn dùng nó. Có thể ở một thời kì nào đó, người Việt còn nói / la đá/ hay gọn hơn: / lđá/ (đá), như đã từng nói  /blăng/ (trăng), /klâu/ (trâu)... chăng ?

7       Phần đóng góp cuả sách, theo chúng tôi, là ở nưả sau: một Thư Mục khá hoàn bị từ trang 97 đến trang 168 cuả sách, bao quát được hầu hết những công trình nghiên cứu ngữ học Việt Nam từ khá xa xưa đến gần đây nhất: xưa thì có thể kể đến quyển An Nam Dịch Ngữ ở thế kỉ XVI (tài liệu số 165 trong sách); gần đây nhất thì có quyển Tiếng Việt: Sơ Thảo Ngữ Pháp Chức Năng cuả Cao Xuân Hạo (1991) (tài liệu số 262 trong sách). Thư mục này sẽ rất có ích cho những ai muốn đi vào tìm hiểu nghiên cứu tiếngViệt một cách sâu sắc và khoa học. Chúng tôi tưởng là chỉ riêng phần Thư Tịch này cũng đủ làm cho quyển sách có giá trị lớn cho các bạn trẻ cuả Đại Học Hè trong tương lai.

         Đọc kĩ phần Thư Tịch này, chúng tôi cũng có đôi điều bàn góp cùng tác giả, chỉ nhằm mục đích hoàn bị hơn nưã một công cụ nghiên cứu rất quý giá cho bạn đọc về sau.

         Trước hết, chúng tôi thấy là ở khoảng thế kỉ XVII, có thể thêm vào 10 tác phẩm chữ nôm do giáo sĩ Maiorica (thế kỉ XVII) chủ biên. Đây là kho tư liệu khổng lồ về mọi mặt liên quan đến tình trạng tiếng Việt ở thế kỉ XVII. Tất cả các tác phẩm do giáo sĩ Maiorica chủ biên đều là bản chép tay ở dạng bản thảo, hiện còn lưu trữ ở thư viện Vatican, gồm có:   
          
                  1 Ngắm lễ trong muà Phục Sinh  đến tháng bảy (1634)
                  2 Thiên Chuá thánh giáo hối tội kinh (1634)
                  3 Thiên Chuá thánh mẫu (1634-35)
                  4 Đức Chuá Giê Su (1638)
                  5  Các thánh truyện (1650-80)
                  6 Truyện Đức Chuá Giê Su(1668)
                  7 Dọn mình trước chịu Cô-mô-nhong ( 16? )
                  8 Thiên Chuá thánh giáo khải mông (16? )
                  9 Kinh những lễ muà phục sinh (16 ? )
                  10 Những điệu ngắm trong các ngày lễ trọng (16 ? )

         Vì số lượng tác phẩm khá nhiều, lại do chính những người Việt như một nhà sư được nhắc đến trong sách (tr. 20-21) cộng tác, thì những tác phẩm như thế sẽ rất có ý nghiã để tìm hiểu về ngữ âm, về từ vựng và cả về ngữ pháp tiếng Việt ở thế kỉ XVII. Đây sẽ là nguồn tài liệu quan trọng, bên cạnh bộ từ điển Việt-Bồ-La cuả De Rhodes (tài liệu số 9 trong sách) ra đời cùng thời kì. Nghiên cứu những tác phẩm cuả Maiorica sẽ là những đóng góp vào việc nghiên cứu tiếng Việt lịch sử. Một thí dụ nhỏ về từ là đá ở một đoạn trên đã gợi cho thấy ý nghiã tiềm tàng cuả việc nghiên cứu kho tác phẩm này.

         Các tác phẩm nghiên cứu về tiếng Việt cuả người Việt ở những thời kì đầu cần bổ sung tác phẩm cuả Trà Ngân Lê Ngọc Vượng, Khảo Cứu Về Tiếng Việt Nam (Hà nội, 1942). Đây là một tác phẩm nghiên cứu về tiếng Việt một cách nghiêm túc, mà đến nay vẫn ít người được biết. Tập sách này chứng thực cái nhiệt tâm cuả một người thiết tha yêu tiếng mẹ đẻ.

         Một tác giả lớn cuả nền ngữ học nước nhà như Nguyễn Bạt Tuỵ, mà tập Ngôn Ngữ Học Việt Nam (tài liệu số 183 trong sách) đã hé cho thấy những kiến giải xuất sắc về ngữ âm (chẳng hạn về bản chất cuả âm vị nguyên âm trong những tiếng như anh ách, long lanh, thuyết độ chạm, quan niệm về quan hệ kết hợp giưã âm chính và âm cuối trong âm tiết tiếng Việt, thể dài và thể ngắn cuả nguyên âm tiếng Việt) là một đóng góp gợi ý cực kì quan trọng. Ông còn một vài công trình nhỏ đã phổ biến trên các tạp chí. Mỗi bài cuả ông đều có những phát hiện nào đó rất đáng cho thế hệ trẻ tiếp nối. Dài dòng như thế để chúng tôi xin bổ sung một số bài có giá trị khác cuả ông, đáng để đưa vào Thư Mục khi tái bản:

1. "Tên người Việt Nam" in trong Kỷ Yếu Hội Khuyến Học Nam Việt Sàigòn,1952.
2. " Những phương pháp thực nghiệm để nghiên cứu âm lời" in Đại Học số 14 (3.1960) và 15 (5. 1960), Huế. (Bài này chỉ đăng dở dang hai số rồi ngưng).
3. "Các ngữ ở Việt Nam" Nghiên Cứu Việt Nam (tập san in ronéo), Huế, số 2 (1966). Bài này là một bài chỉnh biên lại một bài cũ đã in trên tập san Văn Hoá Nguyệt San (1961)
4. "Ngữ Giao trên đất Giao: I. Ngữ Giao Mường" Nghiên Cứu Việt Nam  (tập san in ronéo), Huế, số 4 (1966) và số 5-6 (1967).
5. Ngoài ra, ông còn một bài viết đăng nhiều kì trên tạp chí Phương Đông do Lm. Hoàng Sỹ Quý chủ biên, khoảng 1972, phê bình quyển sách cuả Trần Kim Thạch (Lịch Sử Thành Lập Đất Việt) và Bình Nguyên Lộc (Nguồn gốc Mã Lai  cuả dân tộc Việt Nam).

         Chúng tôi cũng nhận thấy một phần thiếu sót khá lớn về những công trình nghiên cứu cuả giới ngữ học tại Hà Nội, trong đó có một số quyển đánh dấu những công phu tìm tòi cuả họ. Chỉ xin kể một số những tác phẩm quan trọng, thật sự có những đóng góp nghiêm chỉnh:

1. Nguyễn Kim Thản (1963-64) Nghiện cứu về ngữ pháp tiếng Việt (2 tập).Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội.
2. Nguyễn Tài Cẩn (1975) Ngữ pháp tiếng Việt - Tiếng - Từ  - Từ ghép. Hà Nội: Nxb. Đại Học & Trung Học Chuyên Nghiệp.
3. Cao Xuân Hạo (1975) " Le problème du phonème en vietnamien" Études Vietnamiennes No 40 (1975): Essais Linguistiques.
4. Hoàng Tuệ & Hoàng Minh (1975) " Remarques sur la structure phonologique du Vietnamien" Études Vietnamiennes No 40 (1975): Essais Linguistiques.
5. Nguyễn Tài Cẩn (1979) Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội.
6. Cao Xuân Hạo (1985) Phonologie et Linéarité. Paris: SELAF.
7. Nguyễn Tài Cẩn (1995) Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt.Hà Nội: Nxb. Giáo Dục.

         Có một trường hợp thư tịch bị ghi trùng lặp: tài liệu số 184 và 192 chỉ là một.

         Có khi lại ghi thiếu chi tiết chính yếu: tài liệu số 173 không phải là Lời Nói Đầu, mà chính là một tập sách phiên lại tác phẩm nôm cuả Nguyễn Huy Hổ: Mai Đình Mộng Kí, do Hoàng Xuân Hãn phiên âm và Nghiêm Toản chú thích.

         Về tác phẩm cuả Lê Văn Lý, thiết tưởng cũng không là thưà để đề nghị tác giả bổ sung vào chi tiết liên quan đến tài liệu số 141 (Le Parler Vietnamien): quyển này có tái bản tại Saigon năm 1961, tác giả ghi ngoài bià là "có sưả chưã" -nhưng thật ra không có sưả chưã gì ngoài mấy lỗi in. Tài liệu số 236 (Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam) cũng nên bổ sung là bản in lần đầu ra năm 1968. Bản in 1972 chỉ là lần in thứ nhì.

         Tài liệu 239 là bộ sách Cơ Cấu Việt Ngữ cuả Trần Ngọc Ninh, cũng là một đóng góp quan trọng trong lịch sử nghiên cứu tiếng Việt. Bộ sách này đã ra đến tập III: "Danh từ và Lượng số từ". Lưả Thiêng, 1974, 362 tr. Giáo sư Trần Ngọc Ninh cũng viết một bài nghiên cứu tưạ đề là "Thương thảo về từ nguyên cuả hai tiếng cái con" in trong tạp chí Bách Khoa số 373, 374 và 375 (1972). Trong bài nghiên cứu công phu này, giáo sư đưa ra một số kiến giải về hướng nghiên cứu ngữ học lịch sử tiếng Việt.

         Ngoài ra tài liệu về ngữ tộc Nam Á là tài liệu số 298 chứ không phải 252 như đã ghi ở đoạn cuối trang 7.

         Bên cạnh những công trình nghiên cứu, thảng hoặc tác giả có chêm vào một số bài tạp bút mới viết khoảng vài ba năm trở lại đây, liên quan đến các khiá cạnh cuả tiếng Việt. Chúng tôi có đọc qua một số bài, nhận thấy phần đông chỉ là những ghi chú nhanh, dưạ theo nhận định thường nghiệm, chưa hẳn là những bài nghiên cứu khoa học. Thiết tưởng tác giả nên chọn lọc lại, để hoặc đưa riêng sang một mảng tài liệu khác, hoặc mạnh dạn cắt bỏ. Ngược lại, những bài viết ngắn cuả Phan Khôi về ngữ pháp tiếng Việt, đăng trên Phụ Nữ Tân Văn khoảng năm 1930 thì lại đáng được đưa vào Thư Mục này, vì hai lẽ: một là chúng được soạn ra trong khoảng thời gian mà những người quan tâm tìm hiểu tiếng Việt theo tinh thần và phương pháp mới chưa nhiều, hai là những ý kiến cuả Phan Khôi về tiếng Việt đã thể hiện tinh thần tìm hiểu sát hợp với tinh thần tiếng Việt hơn, so với một số tác giả đi sau ông như Trần Trọng Kim chẳng hạn.

         Tác giả xếp thư tịch theo thứ tự thời gian. Thứ tự này cũng có cái lợi, là người sau có thể theo dõi sự phát triển cuả việc nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng người tìm hiểu tiếng Việt trong tương lai cần có một công cụ tra cứu nhanh để biết những chi tiết chính yếu mà đi tìm trong thư viện. Trong trường hợp như thế thì hai chi tiết cần yếu nhất vẫn là (a) tên tác giả, và (b) tên tác phẩm. Thư Mục cuả giáo sư Võ Long Tê sẽ hữu hiệu hơn nưã nếu được xếp theo thứ tự a, b, c và theo loại mục, chẳng hạn: Từ điển, Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp, Ngữ nghiã, Phong cách, Tâm lí-Ngôn ngữ, Xã hội-Ngôn ngữ, Dân tộc-Ngôn ngữ, Giáo dục-Ngôn ngữ, Ngữ học lịch sử...
        
8       Giới thiệu tiếng Việt và chữ quốc ngữ cho bạn trẻ trong một giới hạn thời gian cuả khoá Đại Học Hè, tác giả đã phải hi sinh nhiều mặt giới thiệu khác cũng khá quan thiết đối với việc tìm hiểu tiếng Việt: ngữ nghiã học (semantics), ngữ dụng học (pragmatics). Ngoài ra, trong hoàn cảnh sống đặc biệt, một vấn đề thú vị đối với bạn trẻ tại hải ngoại như là hiện tượng song ngữ, và ngữ học đối chiếu, có thể cũng là những gợi ý tốt cho các bạn trẻ tìm hiểu chính ngôn ngữ cuả mình trong mối tương quan với một ngôn ngữ khác. Có lẽ cũng vì muốn tránh sa vào những tế toái cuả khu rừng ngữ học, tác giả đã chỉ tự nhậm vai trò hướng đạo, để giúp các bạn đọc một hướng làm việc. Mong rằng sau công trình dẫn nhập này, tác giả và các bạn trẻ trong Đại Học Hè sẽ còn tiếp tục tô điểm cho sinh hoạt nghiên cứu tiếng Việt và văn hoá Việt tại hải ngoại, qua những công trình khởi sắc tiếp theo.
  
                                                               Đặng Mi Lộc
                                          Tập san Định Hướng, số 14 (Mùa Đông, 1997), tr. 144-159


1Xem A.G.Haudricourt (1953) "De L'Origine des tons en Vietnamien" (tài liệu 167 trong thư mục)

2 Xem  Nguyễn Bạt Tuỵ (1965) "Các ngữ ở Việt Nam" Nghiên Cứu Việt Nam số 2 ( Hè 1966), tr. 3-24.

3 Xem Phạm Đức Dương (1983) " Nguồn gốc tiếng Việt: từ tiền Việt-Mường đến Việt-Mường chung" in trong Tiếp Xúc Ngôn Ngữ ở Đông Nam Á. Hà Nội: Viện Đông Nam Á; Nguyễn Tài Cẩn (1995) Giáo Trình Lịch Sử Ngữ Âm Tiếng Việt. Hà Nội: Giáo Dục.

4 Xem Nguyễn Bạt Tuỵ (1959) Ngôn Ngữ Học Việt Nam. Sài gòn: Ngôn Ngữ, tr. 56.

5 Xem Trần Xuân Ngọc Lan (1980) "Góp một số ý kiến về bản phiên âm Quốc Âm Thi Tập" in trong Nguyễn Trãi -Kỉ yếu Hội Nghị Khoa Học 600 Năm Nguyễn Trãi tại Tp.HCM. Sài Gòn: Viện KHXH, tr. 372-379.

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...