Sunday 17 September 2017

Thư về Phố Tịnh

Căn nhà bên Cầu Kinh

Đoàn Xuân Kiên




Ngày… tháng…. năm…

 Phố Tịnh thân mến,

Chiều Chủ Nhật đó, tôi và Vĩnh lại trở ra bến xe đò miền tây. Hành lí chẳng có gì nhiều ngoài hai valise chứa đủ ít quần áo, sách vở và ít ki lô café ngon thửa đi từ quán café quen tại phố Pasteur, hai chiếc giường vải nhà binh.

Lại nhìn sóng trường giang, bèo xanh mà lẩm nhẩm mấy câu thơ của Huy Cận: “Lòng quê dờn dợn vời con nước, Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Bỗng thấy xôn xao trong lòng nỗi niềm lữ thứ của Đường thi.

Chúng tôi về thẳng căn nhà bên Cầu Kinh.  Căn nhà vuông có mái hình bánh ú, xây cất khá cao. Căn nhà nằm ngay ngã tư, một đường dốc dẫn lên Cầu Lộ, một  ngả dẫn sang Cầu Kinh. Đằng sau nhà là một con đường nhỏ, có nhiều nhà lụp xụp, vách phên chen nhau như thể những chòi cất tạm bợ qua ngày.

Căn nhà chiều nay ồn ào, khác với lần trước nhiều. Bước qua cửa chính là lối đi ở giữa, hai bên là các phòng của khách thuê. Tôi nghe tiếng trẻ thơ khóc, tiếng mẹ bé ru trên võng đưa kẽo kẹt. Phòng cạnh đó thì có tiếng thì thào của một người đàn ông và một  người đàn bà. Phòng cạnh đó lại có tiếng hai trẻ nhỏ hát một bài hát thiếu nhi, đứa nọ tranh cao giọng hơn đứa kia. Phòng chúng tôi là phòng nhỏ ngăn vách ván ở giữa hai phòng trước và sau. Phòng hình chữ L. Hai chiếc giường vải nhà binh ngả ra trước tiên. Nằm xuống. Nhìn trần nhà. Em biết không, tôi đã nhìn thấy một con dơi vắt vẻo trên sà nhà cao. Tôi tự hỏi: lữ thứ hay lưu đày thế này?.

Phòng có một cửa sổ lớn ngó ra lối đi cạnh nhà. Bên ngoài là một dãy bốn năm cây xoài. Dưới đất đọng vũng nước bẩn thỉu. Chắc trời mới mưa.

Hai đứa lang thang ra chợ, ngồi đúng cái quán cơm lần trước đã ghé ăn trưa. Ngồi nhìn khách qua đường, vừa nhâm nhi đĩa cơm và chai bia lùn.  Về lại phòng trọ, tôi lôi “đồ nghề” ra pha hai li cà phê phin hai đứa chúng tôi khệ nệ đem từ Sài Gòn xuống đấy. Vĩnh thả khói Bastos xanh, tôi làm một cối 79. Hai đứa tôi im lặng nhìn giọt cà phê rơi chậm. Trước mặt Vĩnh là xấp giấy vàng võ. Anh chàng đang phác ý cho một bài tiểu luận mới, sau này sẽ in trên tập san Văn ở Sài Gòn.  Một vài tiểu luận văn học của Vĩnh sẽ ra đời tại căn phòng này, và xuất hiện trên tập san Khởi Hành hoặc Văn, qua bút hiệu Cao Huy Khanh. Bạn bè ít ai biết Vĩnh cũng làm thơ, cho nên tất cả đều ngạc nhiên thích thú khi hai đứa tôi tặng các thầy và bạn đồng môn hai món quà “văn nghệ”, tập ca khúc Chia xa của tôi và tập thơ Mùa không. Mưa hoàng hậu của chàng, kí tên  là Từ Trần.

Tôi hát thầm câu hát mới về tràng giang: “Ai hát trên sông chiều, hú hồn tịch liêu. Con nước trôi theo dòng, bèo dạt về đâu?...” Đó là nhạc đề của ca khúc Bến chiều, ra đời khi nhìn trời nước trên chuyến phà Mỹ Thuận.

Khi nhắp giọt cà phê tự pha lấy, tôi nhận ra có một cái gì thiếu vắng. Những tiếng động ồn ào chung quanh thật khác xa với những xao động nơi quán café Pasteur. Thiếu chút nhạc từ giọng hát Khánh Ly, thiếu chút khói mờ từ những chiếc bàn thấp.

Tối hôm đó, tôi ngồi đọc sách đến khuya. Nhìn ra cửa sổ tối om chẳng nhìn thấy gì. Các phòng bên cạnh cũng đã im ắng. Tôi ra cửa chính để vòng ra sau nhà, về phía nhà cầu và nhà tắm làm riêng ở mé sau, ngoài căn nhà chính. Ra đến nhà cầu tôi nghe loáng thoáng tiếng khóc một người đàn bà. Tiếng khóc vọng ra từ căn nhà nhỏ sát vách nhà cầu và nhà tắm. Đấy là một phòng xây gạch trên khuôn viên căn nhà tôi ở, nhưng quay mặt ra con đường nhỏ phía sau căn nhà chính. Cửa sau của phòng thuê này trổ ra vườn bên hông căn nhà chính. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng một người đàn ông dỗ dành người đàn bà nhưng xem ra không hiệu nghiệm lắm. Tiếng khóc day dứt, khiến lòng tôi xao động nhiều.

Tôi trở vào nhà, lòng bâng khuâng về những tiếng đời tôi đã nghe trong ngày đầu ở căn nhà này. Tôi vùi đầu vào gối chờ giấc ngủ. Tiếng khóc nhỏ nhẹ mà u ẩn nỗi giận hờn còn theo vào giấc ngủ.

Sáng sớm hôm sau, tôi đến trường. Ngày đầu tiên là một lớp Bảy, nằm ở dãy phòng học xây đơn giản cạnh sân tennis, tách biệt khỏi khu trường chính xây kiên cố theo kiến trúc thời Pháp. Buổi đầu tiên chỉ là buổi học để cho tôi trắc nghiêm trình độ tiếng Việt của học sinh, khả năng hiểu và cảm thụ ngôn ngữ văn học. Vì thế, ngày dạy học đầu tiên qua đi nhẹ nhàng,

Khi tôi lững thững rời trường ra phía quán cơm đầu chợ nhà lồng, tôi lại nghe vọng bên tai những âm thanh lẫn lộn như một câu nhạc hợp xướng, trong đó có tiếng trẻ thơ khóc, tiếng trẻ con cãi nhau, tiếng người mẹ la mắng. Như một bè trầm, tiếng khóc nhỏ nhẹ của người đàn bà “hàng xóm” đêm qua thoáng hiện thoáng chìm lẩn.

Tôi về nhà nghỉ trưa, vì có hai tiếng đồng hồ nghỉ trước khi vào lớp buổi chiều. Đang lúc tôi ngồi ngắm nhìn mấy con chim chuyền cành trên gốc xoài ngoài cửa sổ, một người đàn ông mặc quân phục ủi hồ thẳng thớm, đi ngang qua để vào cửa sau căn phòng sau nhà. Có phải người đàn ông này đã dỗ dành người phụ nữ hồi đêm qua? Hẳn là thế. Tôi vừa nghe tiếng người phụ nữ hồi khuya nói lớn: “Anh đừng nên về đây nữa. Đi đi… Đi đi…” Rồi tiếng khóc rưng rức. Trong trí tưởng anh giáo trẻ, hình ảnh cô Mai của Nửa chừng xuân thoáng qua. Có phải thế chăng? Tôi lại mường tượng ra hình ảnh Kiều khuyên Thúc Sinh hãy về cùng gia đình. Có phải thế chăng? Tiếng đời thực nghe sao cũng não nuột như tiếng than của đôi tài tử giai nhân trong Tì bà hành: Nghe não ruột mấy dây buồn bực Dường than niềm tấm tức bấy lâu…” Tôi chợt nhận ra có tiếng ai đó đang giễu cợt mình: “Anh giáo trẻ của tôi ơi, anh lãng mạn quá rồi đó. Cứ là khéo tưởng tượng, như thể đời thực cũng lãng mạn như trong văn học”. Phố Tịnh thấy không, anh giáo trẻ mộng mơ như ở trên mây.
Tôi đứng lên, bước ra khỏi nhà, trở lại trường cho buổi dạy chiều. Chiều nay tôi có hai tiết ở Lớp 10C. Khi nhìn Thời Khoá Biểu do anh Giám học trao cho tôi rất thích, vì có một lớp C. Là dân C, tôi dành nhiều cảm tình cho những học trò can đảm chọn ban C. Trong khung cảnh giáo dục miền Nam từ khi tôi lớn lên, ban C dường như chỉ dành cho những học sinh không chịu nổi gánh nặng của các môn học như Toán, Lý, Hoá, Sinh, nên đành chọn vào lớp C. Đây là một sai lầm của hệ thống giáo dục đương thời. Bọn chúng tôi cùng khoá đào tạo Sư Phạm cùng nhận ra điều đó, và đã hẹn nhau về lại trường cũ để “làm mới” nó. Chúng tôi hẹn nhau ba năm nữa sẽ trở về.

Bây giờ thì thầy trò tôi hãy cùng sống và học tập với nhau. Trong tình tự những kẻ cùng hội cùng thuyền.

Lớp học không đông lắm. Học sinh nữ chiếm gần hết lớp, chỉ chừa hai dãy bàn cho nam sinh. Tôi hơi thất vọng khi thấy tỉ lệ buồn thảm ấy. Ít ra là so với thời chúng tôi, cũng gần nửa lớp là nam sinh chứ chẳng mỏng manh như thế kia! Tôi chọn giờ học đầu tiên này để gửi gắm chút tâm tình của những người dân ban C. Sau phần giới thiệu nhau, tôi hỏi cả lớp: “Tại sao em chọn ban C?” Một vài cô bé nhíu mày khi nghe câu hỏi. Vài cô bé khác đỏ mặt, không hiểu vì bị chạm tự ái hay vì cả thẹn. Chỉ sau một chút ngỡ ngàng, lớp học sôi động hẳn lên, các cô cậu hăng hái giơ tay xin nói.  Có nhiều lí do khiến những học trò lớp 10C trước mặt tôi kia chọn vào lớp này. Người thì thích văn chương, người mê ngoại ngữ, người thì vô ban C vì mến một thầy hay cô giáo Quốc Văn...

Tôi chú ý đến một hai cô bé ít nói, chỉ thỉnh thoảng tủm tỉm cười. Tôi gọi hai cô bé lên cho ý kiến. Hồng Phúc đứng lên. Cô bé người cao dong dỏng, dáng vẻ thẹn thùng. Nhưng giọng nói khá mềm mại mà vẫn vững vàng: “Em chọn ban C vì em sợ những bài toán khô khan, và những bài Vật Lý thật xa vời, trừu tượng”. “Có phải giờ học văn chương là ướt át không? Thế thì phải chia buồn cùng em trước rồi, giờ học Văn của tôi sẽ rất ít ướt át lắm đó!” Rồi tôi nói thêm cho cả lớp nghe về những cách nghĩ sai về môn học văn chương, khiến cho học sinh cứ ngỡ là thầy dạy Quốc Văn là những thầy giáo thuộc trường phái “tán”.

Hạnh vỗ tay khi tôi nói xong. Rồi em tự tin đứng lên nói em thích ban C vì nó gần gũi với cuộc sống, em thích tìm hiểu con người và cuộc sống mà em không biết được nhiều qua các ban khoa học. Tôi thấy cô bé này khá “hợp” với mình, nhưng vẫn hỏi vặn cô bé: “Tại sao khi em nhai cơm lâu trong miệng thì thấy ngọt?” Hạnh đứng im một lúc rồi cười lớn: “Thầy hỏi gì mà trần tục quá!” Tôi cũng cười phá lên: “Nhầm to, cô bé ơi. Cuộc sống quanh ta nó là như thế. Khoa học giúp cho ta hiểu về mình đó chứ. Các em phải hỏi thầy hay cô giáo dạy Vạn Vật để có câu trả lời nghe. Tôi chỉ muốn mượn câu hỏi này để cho Hạnh và các bạn thấy nửa kia của khoa học. Các em học khoa học về con người về mặt nhân văn, còn các bạn học các ban khoa học là học về con người ở bình diện tự nhiên. Chúng ta cần học đầy đủ cả hai mặt. Nhưng đó là chuyện của người lớn, không phải là chuyện các em phải bận tâm. Tôi chỉ muốn hé cho các em thấy là trong giờ Quốc Văn của tôi, chúng ta sẽ có thể cần nhiều đến kiến thức và phương pháp của khoa học tự nhiên đấy. Tôi sẽ nói cho các em nghe trong năm học này những gì chúng ta có thể biết được về những con người sống trước ta rất lâu, rồi những con người cùng thời với ta. Đó là ý nghĩa của ban C”.

Sau phần “chuẩn bị tinh thần”  như thế là phần chuẩn bị việc học tập cụ thể. Mỗi tuần bốn giờ học giảng văn theo chương trình, và hai tiết tập làm văn. Có tiếng than dài thượt: “Chết rồi thầy ơi, học kiểu này ngán quá. Một tháng một bài luận đi thầy ơi!”. Tôi nghiêm giọng: “Không cho phép thương lượng chuyện này được! Học Quốc Văn khổ như vậy đó. Ai bảo sướng đâu!”.

Tôi bắt đầu chương trình bằng một vài câu hỏi nữa để trắc nghiệm trí nhớ và hiểu biết của học sinh về vị trí của một số nhà văn nhà thơ trong chiều dài thời gian. Tôi nói với học trò về khái niệm thế hệ văn học mà tôi và Vĩnh rất tâm đắc khi đọc Alberès. Từ việc nêu ra những tính cách khác biệt giữa các thế hệ, tôi bắt đầu giới thiệu một bảng lược đồ văn học nước nhà để học sinh sẽ biết vị trí trong trục thời gian của những nhà văn nhà thơ tôi giới thiệu trong năm học này, với chút hi vọng là các em sẽ nhận rõ hơn tính cách sống động của môn văn học, vì thầy trò sẽ được tiếp cận những con người có thật cũng sướng khổ như chúng ta ở đây và bây giờ. Phố Tịnh ơi, lúc đó, trong tôi lại văng vẳng tiếng khóc rưng rức của người đàn bà “hàng xóm” đêm qua.

Hết giờ rồi mà học trò còn xúm quanh bàn thầy giáo để chuyện vãn. Có một cậu con trai có vẻ khoái vì nghe thầy “tán” về môn học của mình ghê quá. Vinh quang và vĩ đại quá. Các cô gái thì mải mê ăn quà hơn, nhưng vẫn cứ ngồi nấn ná trong phòng học cho đến khi tôi đứng lên ra khỏi lớp. Tôi ghé qua phòng giáo sư hớp một chén trà  rồi tha thẩn bước ra phía cổng trường. Lớp lớp nữ sinh áo trắng cũng đi ra cổng. Tôi nói với tôi: chiều áo xanh! Áo xanh sẽ đi vào một bài hát. Phượng còn xanh.

Tôi nhận ra cô bé Hồng Phúc đi một mình, rảo bước trước tôi chừng chục thước. Dáng đi yểu điệu thục nữ. Không quay ngang quay ngửa mà chỉ hướng về trước. Tôi bước chậm lại khi nhận ra cô bé đi cùng hướng về phía căn nhà tôi thuê trọ. Bước qua cổng nhà, cô bé rẽ sang lối vườn bên trái. Tôi bước vào phòng, bâng khuâng khi nghĩ đến hình ảnh một cô bé trong căn phòng tối hôm qua. Tiếng đời thực quanh ta và tiếng đời trong văn học như trùng lên nhau. Vẫn biết văn học là gì đâu nếu không phải là đi ra từ tiếng khóc câu cười của con người, thế nhưng Phố Tịnh ơi, tại sao một cô bé thơ ngây hồn nhiên như thế mà phải nghe tiếng đời sớm như vậy nhỉ? Cô bé hãy còn ở tuổi chim khuyên mà sao đã phải nghe những tiếng đời xao động thế, thật bất nhẫn!

*
Chiều Thứ Tư, Vĩnh về Sài Gòn giao bài cho báo.  Tôi ở trường tạt qua quán cơm Tân Tân rồi về nhà. Một chốc sau, có bốn năm cô bé lớp 9 ghé thăm tôi trong căn phòng nhỏ hẹp. Một cô bé kêu lên: “Trời ơi, sao thầy ở nhà này?” Thầy có thấy ma không?” Tôi cười, nói đùa: “Tôi cũng có ý tìm xem có cô Đạm Tiên đi qua đây thì hỏi chuyện mà chưa thấy…”  Một cô bé hỏi: “Ủa, tên cô là ĐạmTiên hả thầy?”. Cả bọn cười vang. Một em kể cho tôi nghe chuyện từng xảy ra tại căn nhà này. “Hồi đó, hai nên đánh nhau dữ quá. Việt Cộng bò sát mé Cầu Kinh và bắn sập một góc nhà. Lính Bảo an đứng chốt trong nhà chết nhiều lắm. Từ đó chủ nhà dời đi nơi khác rồi. Vậy mà sao thầy dám ở. Ghê quá thầy ơi!”. Tôi nói với các em học trò: “Các em đừng lo. Người trong nhà này bây giờ khá nhiều, ma không làm gì thầy đâu mà lo!”. Các cô bé còn khéo tưởng tượng, kể rằng lối vườn ngoài cửa sổ tôi thỉnh thoảng có bóng người mặc áo trắng đi qua lại sau vườn. Hỏi ra thì chẳng cô bé nào tận mắt thấy gì, chỉ nghe đồn thế thôi. Dù sao câu chuyện kể của học trò cũng cho tôi chút lịch sử của một căn nhà, tại một vùng đất.

Các cô bé kiếu từ ra về. Tôi đi theo ra ngoài cổng. Đến bấy giờ tôi mới để ý là mái sau căn nhà có một mảng lợp tôn. Tôi bèn làm một cuộc khảo sát thực địa về những gì các cô bé học trò vừa kể. Tôi bước ra mé Cầu Kinh nhìn ngược lại căn nhà. Chắp nối những mẩu chuyện kể do mấy cô bé kể lại, tôi đưa ra giả thuyết: hẳn là trận đánh Tết Mậu Thân ở phía này của thị xã là một đường tiến quân của du kích. Căn nhà này hẳn là đã trở thành chốt phòng ngự của toán địa phương quân thị xã; hẳn là góc nhà kia đã lãnh một quả B40 chẳng hạn; hẳn là trận địa lúc ấy cam go, rối loạn lắm đây; hẳn là ngưới la kẻ réo chát tai; hẳn là máu me vương vãi đầy nhà, hẳn là những mảnh thịt văng xa, hẳn là cũng có du kích trúng đạn mà ngã xuống sông hay nằm gục bên mé cầu...

Phố Tịnh ơi, vậy là căn nhà tôi ở đây đã từng chứng kiến nhiều dâu bể tang thương của nhiều cuộc đời từng gắn bó xa gần với nó.  Tôi trở vào nhà, nhìn lại từng cây cột nhà bóng màu gỗ lâu năm. Bây giờ tôi mới để ý rằng gánh nặng thời gian hằn lên từng chi tiết của căn nhà. Tôi nhìn ra cửa sổ phòng mình. Những thanh sắt to đen hắt bóng chúng lên mặt gương cánh cửa.

Thoáng qua rất nhanh là bóng người đàn ông mặc quân phục đi qua lối sân để vào nhà. Tối hôm đó không có tiếng khóc rưng rức như cố nén lại âm thanh không cho bật ra. Dù sao căn nhà đã chứng kiến hết cả.

Câu chuyện của học trò khiến tôi quan tâm thêm về góc nhà phía sau. Phòng góc trong đó có hai cô gái thuê chung. Hai cô thường đi làm ban tối, khuya khoắt mới thấy về. Mỗi lần thấy hai cô lại nghe tiếng cười khúc khích. Rồi cũng chẳng bao lâu không nghe thấy tiếng cười khúc khích. Cánh cửa phòng hai cô mở ngỏ, thỉnh  thoảng gió đập phập phồng vào vách ván.

Mấy tuần sau đó lại có tiếng khóc vẳng ra từ phòng bên cạnh. Người phụ nữ có đứa con thơ thường phải dỗ dành con mỗi khi nó khóc, hôm đó bỗng khóc thảm thiết vì người chồng vừa chết trận. Chiến tranh nhắc cho ta rằng nó đang có mặt, nó đang gặm nhấm những mảnh đời chung quanh. Tôi nghe tiếng đời xao động sau tiếng thở dài của những vách nhà xưa cũ. Không bao lâu, hai mẹ con người quả phụ dọn đi khỏi căn nhà, chắc là về quê hương bản quán chăng. Phòng đó bỏ không một thời gian, cho đến khi tôi dời đi khỏi căn nhà. 

*

Căn nhà bên Cầu Kinh còn chứng kiến thêm cảnh người đến người đi. Riêng tôi thì ngẫu nhiên mà cũng làm một người chứng về một cảnh ngộ cô bé học trò chưa đầy 17 tuổi đã trải nghiệm nỗi đau gia đình ba má em tan vỡ. Hồng Phúc không học hết lớp 10C ở đây thì phải rời đi. Hai mẹ con cô bé về Sài Gòn ở nhà bà ngoại em. Hôm cô bé chia tay ở lớp, em lên chào tôi. Nhìn đôi mắt to tròn của em rơm rớm nước mắt, tôi chẳng nói gì, chỉ chúc em cố gắng vượt qua khó khăn để tiếp tục con đường mình đi. Tôi muốn nói với em về những xúc động của mình khi nhận ra em là nạn nhân của một đổ vỡ nhưng nghĩ lại tôi thấy chẳng cần nói gì về chuyện đó, nghe lâm li và cải lương quá. Hồng Phúc thỉnh thoảng vẫn về lại Phố Tịnh thăm bạn bè, và thăm tôi. Em còn gửi dăm ba lá thư tâm tình trong những năm tháng mất mát buồn khổ đó. Tôi nhớ lại dáng đi hiền dịu và lẻ loi của cô bé mà không ngăn lòng mình bật lên câu hát: “Thương em mong manh như một cành lan”. Cành lan bé nhỏ của tôi năm xưa nay ở đâu, về đâu, em có biết không, Phố Tịnh?   

Phố Tịnh ơi, căn nhà bên Cầu Kinh ấy bây giờ ra sao? Em có tin tức gì thì cho tôi biết nhé. Đã lâu lắm tôi chưa về thăm Phố Tịnh, chẳng biết gì về căn nhà bên Cầu Kinh có chút tin vui nào. Bao giờ tôi về thăm Phố Tịnh, hãy chỉ cho tôi biết căn nhà ấy. Tôi sẽ hát cho em nghe lại câu hát cũ: “Thương em mong manh như một cành lan”...

Hẹn em thư sau.

                                                 Đoàn Xuân Kiên











   

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...