Thursday 28 September 2017

Thư Về Phố Tịnh

Có một mùa giã biệt

Đoàn Xuân Kiên






Ngày... tháng... năm...
Phố Tịnh thân quen và thương nhớ,

Cứ ngỡ là trong cuộc sống còn khá bận rộn hiện nay, dù đã bước vào tuổi sáu mươi, tôi chưa thể dừng lại để nói về những ngày tháng ở Tống Phước Hiệp; cứ ngỡ là còn lâu tôi mới có dịp ngồi xuống để nhìn lại một chặng đường dài. Thế mà, tuần vừa rồi, tình cờ tôi nhận được một thư điện tử ở xa, thông tin về một người bạn đồng nghiệp đã có một đoạn đời ngắn ngủi cùng đi chung con đường hoạt động trong một dự án giáo dục của tôi ở Phố Tịnh [*]. Lá thư của những em học trò kia cho biết người bạn đồng nghiệp đang lâm bệnh hiểm nghèo. Bàng hoàng về một thông tin không mấy vui, tôi lặng ngắm vào mông lung của buổi chiều sớm rơi vào tối tại một thành phố tận trời Âu. Thương và nhớ người bạn hiền lương và giàu nghị lực.

Tôi tẩn mẩn nhìn lại là thư luân lưu chung kia. Tình cờ, tôi dừng mắt lại ở một cái tên khá quen. Cái tên của một người học trò tại Tống Phước Hiệp chưa từng học với tôi, nhưng lại in hằn trong kí ức về một thời thanh niên của tôi. Tháng 10 năm 1970, tôi đáo nhậm tại trường Tống Phước Hiệp. Buổi chiều Thứ Năm đầu tiên tại trường là một buổi sinh hoạt văn nghệ học trò. Tôi tò mò muốn đến dự buổi sinh hoạt nhạc Trinh Công Sơn do những cô cậu học trò lục tỉnh thực hiện. Ý tưởng khá đấy, tôi nghĩ thế và định bụng là nhất định phải đến để nghe những tiếng hát học trò về một người nhạc sĩ mà tôi và các bạn cùng lứa đều xem như người phát ngôn của thế hệ mình.

 Khi tôi bước lên phòng khánh tiết của trường thì Hiếu và một người bạn đang ôm đàn guitar hát duo bài “Người về bỗng nhớ”. Hai chàng trai trẻ mới vào tuổi 17 mà diễn đạt bài hát TCS thật mượt, thật an nhiên như lời thì thầm của buổi chiều nhiều nắng và nhiều màu xanh. Tôi nhớ Hiếu từ đấy, dù Hiếu không bao giờ là học trò trong lớp tôi.

Hôm nay, 38 năm sau, tôi gặp lại cái tên quen thuộc ấy. Có phải là Hiếu đấy không hay chỉ là một cái tên trùng hợp? Có hề gì! Cái tên ấy như thể một cái đinh treo lên giùm tôi một kỉ niệm. Thế là đủ rồi. Bao nhiêu bụi bặm qua đi, ngày tháng trôi qua và mất hút, nhưng cái còn đọng lại là những kỉ niệm.

Và Phố Tịnh ơi, tôi thấy phải nói về một kỉ niệm nho nhỏ tại ngôi trường tỉnh lị ấy. Số là, cái tên ấy gắn chặt với một kỉ niệm về một bài hát ra đời tại trường Tống Phước Hiệp, cách nay 35 năm.

*

Năm 1973. Tôi về Tống Phước Hiệp đã ba năm học. Trong ba năm ấy tôi đã hoàn tất một vài dự án giáo dục. Việc sưu tầm ca dao miệt vườn đã tạm xong. Tập ca khúc Phương trong thành phố ấy cũng vừa ra mắt. Một nhóm sinh hoạt tập thể cũng đã hoạt động được hai năm. Tất cả những dự án đó đều có bàn tay đóng góp của học trò tôi. Mỗi năm tôi đều có hằng mấy trăm học trò cùng chung sức làm việc cho những dự án như thế, chứ không bằng lòng với bài vở giáo khoa khô chết và nhàm chán. Nay là lúc cho một dự án mới. Tôi bắt đầu tính chuyện thuyên chuyển về một thành phố khác. Lần này tôi muốn được tìm về vùng đất cao nguyên mà tôi hoàn toàn chưa hiểu gì ngoài vài chuyến tạm dứng trên đường máy bay từ Sài Gòn về thăm nhà tại vùng đất biển. Lúc bấy giờ tôi ao ước được về dạy học tại một thành phố cao nguyên. Và tôi chọn hoán chuyển với một ai đó tại Đà Lạt.

Tôi yêu thích những chuyến đi từ khi còn nhỏ. Mà thực sự thì tuổi nhỏ của tôi đã là một tuổi thơ nhiều xê dịch, từ quê Bắc vào Nam khi mới lên bảy, tôi đã làm quen với những địa danh mới: Nha Trang, Ba Ngòi, Mỹ Tho, Quy Nhơn, Tuy Hoà, Đồng Đế, Khánh Hoà. Mỗi nơi ở vài tháng trước khi định cư tại phố biển Đà Nẵng trong mười năm. Tuổi học trò của tôi thường đắm say trên những trang tuỳ bút mê hoặc cuả Nguyễn Tuân. Tôi vẫn thường ước ao được đi khắp miền đất nước, thưởng lãm những cảnh sắc và hương vị đia phương. Thế cho nên khi về Phố Tịnh, tôi không nghĩ là mình lại yên phận với đời công chức cặm cụi và mòn mỏi. Tôi muốn được sống trọn vẹn với cuộc đời dạy học mà mỗi ngày mới là một ngày mới tinh. Tại sao không? Ba năm qua, tôi vẫn sống như thế trong lớp học, ngoài sân trường, ngoài đường phố. Mỗi giờ học có thể cho tôi nhiều hứng khởi khác nhau từ những giao tiếp ý tưởng, mà nói theo ngôn ngữ thời thượng ngày nay là “cọ sát tư duy”, thường cho tôi những thích thú nhiều khi bất ngờ. Đẹp lắm nghề dạy học, Phố Tịnh biết không?

Thế sao thầy lại muốn lên đường? Phố Tịnh sẽ hỏi tôi, như một học trò đã trố mắt hỏi tôi thế. Chẳng phải tôi mâu thuẫn với mình đâu, Phố Tịnh ơi. Tôi muốn đổi thay cho một dự án mới, thế thôi. Tôi là công chức, nên chuyện muốn đổi thay không tuỳ nơi mình. Cho nên cũng phải làm đơn xin thuyên chuyển, cũng phải đợi chờ “phê duyệt”. Nhưng đó là chuyện của định chế, của xã hội chung quanh. Trong tôi đã dấy động một niệm về sự chia xa, về một sự lên đường. Tôi bắt đầu sống với tâm cảnh của một kẻ “lòng không ở” từ khi kí tên vào hàng cuối cuả cái đơn xin thuyên chuyển vào một ngày đâu năm học 1973-74.

Trường dạo ấy có truyền thống làm báo tường. Các lớp thi đua nhau làm báo vào những dịp sinh hoạt lớn. Một năm trước đó, đã từng có một phòng triển lãm do học trò thực hiện, trải rộng ra ba phòng lớp học liền nhau. Thật nhiều báo tường, những công trình nhân văn –xã hội về Vĩnh Long hoặc văn hoá truyền thống được bàn tay học sinh thực hiện thật quy mô. Tôi thực ngạc nhiên thích thú khi một em học trò nhận lời hứa thực hiện một bảng mẫu các loại gỗ tại Vĩnh Long, con số mẫu lên đến hàng mấy chục loại. Một em khác ghi tên tham gia một bảng mẫu ba mươi sáu giống lúa địa phương. Đến ngày hội tết, những lời hứa của các em được thực hiện trọn vẹn. Còn báo tường thì không thể đếm được. Gần như mỗi lớp có thể đóng góp được một tờ báo tường khổ lớn một sải tay. Đấy là tiềm lực của hơn một nghìn con ong cần mẫn dưới mái trường Tống Phước Hiệp dạo ấy.

Cho nên báo tường Mùa Xuân năm ấy phong phú là chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ. Cho nên, buổi trưa hôm ấy, tôi tha thẩn lại phòng báo tường học trò là để tận hưởng cái thú bất ngờ từ những mảnh ánh sáng lấp lánh tên từng bài viết của tuổi học trò.

*

Tôi chợt dừng lại ở tờ báo tường của lớp 12A1. Bài thơ Có một mùa giã biệt là của một học trò viết khi sắp phải rời trường để vào một hành trình khác của đời em.
        
           Có một mùa giã biệt

Hình như nỗi buồn lớn nhất của đời người
là lúc bỏ trường mà đi
như giọt sương trong thôi ngậm cỏ, bài hát buồn mang mang
như em thôi những ngày áo trắng

Hạnh phúc như chiếc cặp mỗi ngày em mang trên tay
chân mây tóc gió có bao giờ em nguôi yêu dấu
thỉnh thoảng trang điểm bằng nỗi buồn lãng đãng
đó là em mỗi bữa đến trường

Thêm một chút phấn cho ngày em vừa lớn
thêm một chút dịu dàng cho đôi tay
đã biết nhặt những chiếc lá vàng khi chiều mưa tới
và thêm trong ngăn cặp gói ô mai

Dễ thương làm sao những bãi cỏ ở sân trường
qua suốt bốn mùa màu xanh không nguôi mơ ước
là bàn chân mỗi ngày bước xuống ngu ngơ
vứt xa đôi guốc sợ qua giờ rộn rã

Mùa xuân reo vui hoa vàng trên tóc
mùa hạ buồn buồn mắt phượng rưng rưng
mùa thu qua tím cành lưu ly thảo
mùa đông về sao lá rụng đìu hiu

Có một mùa để chia tay và ba mùa đi học
sao mai mốt có mùa em vời vợi xa trường
mai mốt em đi chắc sẽ có nhiều mây bay
và mưa sẽ rơi hoài suốt ngày hôm đó

Lúc giã từ em xin nhắm mắt một chút
để thương tiếc một thời đáng yêu
và xin mở to mắt một chút
để nhìn ngôi trường lần cuối
em sẽ không khóc bao giờ 
bởi sợ ra đời em chẳng còn nước mắt.

                                        Mai
Bùi Thị Xuân Mai
12A1 Tống Phước Hiệp
1972-1973

Tôi đọc được ở trong đó những hạnh phúc nhẹ nhàng mà đắm say của tuổi học trò; tôi cũng đọc ra những nao nao của tâm trạng chia xa trộn lẫn giữa nỗi bâng khuâng của tuổi và nỗi hoang mang của con chim lúc sắp tung cánh bay vào trời xanh mênh mông. Tôi bồi hồi đứng đọc trọn bài thơ. Thật lạ. Tôi cũng đang sống trong tâm trạng chia xa nên tôi cảm nhận được tâm trạng của cô bé học trò ở lớp cuối đang níu kéo những ngày tháng cuối của tuổi học trò.


Nhưng không phải chỉ là tâm trạng. Bài thơ khá giàu hình tượng. Hình tượng văn học là đòi hỏi khắc nghiệt để một bài thơ không rơi tõm xuống kho chứa những bài vè đồ sộ trên khắp các thi văn đoàn hay bút nhóm nhan nhản vào thời ấy. Tôi nghĩ thầm: quái, cô bé nào mà làm thơ hay đáo để. Tôi cười một mình với niềm vui nho nhỏ. Phố Tịnh ơi, hạnh phúc của tôi là những giây phút bất ngờ loé sáng niềm vui như thế đấy.

Khi hạnh phúc nở trong tôi, tôi hát với lòng mình. Câu mở đầu bài thơ của em học trò bật thành một giai điệu: “Hình như nỗi buồn lớn nhất của đời là lúc bỏ trường mà đi…”. Tôi hiểu ra tại sao câu hát đã lao xao trong tôi giây phút đó. Bốn chữ bỏ trường mà đi cũng chính là bốn chữ trong một bài cùng tên của người thầy học cũ tại Đà Nẵng những năm xưa. Ba năm trước, về thăm Đà Nẵng, tôi đến thăm thầy tại thư viện trường cũ. Thầy tặng tôi một tập bài hát. Trước kia, tôi đã được nghe thầy kể những chuyện vớ vẩn và bẩn thỉu của chuyện người lớn về những ngày ông phải bỏ trường mà đi, nay thấy lại những kỉ niệm đắng chát ấy trong bài hát “Bỏ trường mà đi” của ông. Tôi bùi ngùi cho thầy, và tôi nghĩ đến những phận người lênh đênh. Hôm nay, tôi sống lại những ngậm ngùi khi hai thầy trò chuyện trò về nghiệp dĩ của chúng tôi.

“Hình như nỗi buồn lớn nhất của đời là lúc bỏ trường mà đi…”. Câu hát đã định hình. Tôi nhận ra nó cũng là nhạc đề của bài hát tôi sắp viết. Tôi đã nhìn ra cấu trúc của ca khúc vừa tượng hình: đoạn 1 là nỗi bâng khuâng của lúc sắp chia xa; đoạn 2 sẽ gói lại những kỉ niệm đẹp đẽ của một thời tung tẩy cùng hạnh phúc; đoạn 3 là nỗi hoang mang trước dấu hỏi lớn về ngày sau. Tôi hình dung bài hát của tôi sẽ trở về dừng lại ở nhạc đề để dứt bài hát, để cho tâm trạng mang mang của câu hát đầu tiên kia sẽ cứ ngân vọng như không thể dứt được. Đại thể bài hát là thế, đã tượng hình với nhạc đề thật duyên dáng. Tôi ra về lòng dạt dào một niềm hạnh phúc bất ngờ vừa bắt được.

Năm ấy tôi không dạy lớp 12A1, nên hôm sau, tôi phải nhờ bạn Nguyễn Đức Thân, giáo sư cố vấn của lớp 12A1 nhắn với cô bé Bùi Thị Xuân Mai, tác giả bài thơ “Có một mùa giã biệt” viết lại cho tôi xin bài thơ dễ thương của em. Người bạn đồng nghiệp hiền lành mau mắn nhận lời. Anh lúc nào cũng cười cười hiền lành, chân tình giúp đỡ bạn. Như lần này. Chỉ ngày hôm sau tôi đã nhận được món quà văn nghệ nho nhỏ. Bài thơ viết trên hai trang giấy tập vở học trò, nét chữ con gái mềm mại và đều. Tôi đọc nhẩm nhiều lần để lấy ra những hình tượng có trong lời thơ và rải đều trong từng đoạn ca khúc mà tôi đã phác xong khi đứng trước tờ báo tường mấy hôm trước. Bài hát được phổ biến lần đầu trong trang bìa bốn của một tập san báo chí của trường Tống Phước Hiệp vào mùa tết năm sau. Bài hát được viết tay trên giấy stencil để in ronéo. Ở góc cuối bài có đề ngày làm xong: 22/03/1973, và một lời đề tặng "chân mây tóc gió". Lúc ấy Xuân Mai đã xa trường rồi.


Đấy là một trong vài ba ca khúc tôi phổ nhạc từ ý và lời thơ của người khác. Tôi sống cùng tâm trạng chia xa ấy dai dẳng rất lâu về sau. Bài hát đó như thể chứng tích của tâm trạng chia xa của một thanh niên vào những ngày tháng đó đang căng đầy những lí tưởng.

*

Bài thơ của Xuân Mai vẫn nằm trong xấp bản thảo ca khúc của tôi. Cho đến hôm nay. Đáng lẽ nó chưa được lần giở lại sớm như thế, nếu không có một cái duyên. Bởi vì Xuân Mai là em gái của chàng trai trẻ Bùi Chí Hiếu mà cái tên đã in đậm trong trí nhớ tôi từ khi dự buổi sinh hoạt văn nghệ bỏ túi Chiều Thứ Năm tại phòng khánh tiết trường Tống Phước Hiệp, khi tôi mới chân ướt chân ráo về miệt vườn. Không phải là duyên thì gọi là gì bây giờ, hở Phố Tịnh thương và nhớ?

Khi tôi giở lại những trang giấy cũ, kỉ niệm ào về. Phố Tịnh ơi, tôi lại sống trong nỗi nhớ quay quắt những ngày tháng đẹp trong suốt và ngọt ngào của một thời thanh niên nhiều cao vọng. Lung linh trong ành lửa chập chờn của kỉ niệm, những nhân vật của một thời lại ẩn hiện như những vì sao lấp lánh của Daudet mà tuổi thơ tôi từng say mê tìm bắt.

Hôm nay tôi gửi về em bài hát cũ, như một vật chứng của một thời đã xa, một kỉ niệm nhỏ thôi mà sao vẫn chứa cả một trời sao. 

Hẹn em thư sau,

                                                  Đoàn Xuân Kiên
                                          Giai phẩm Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp 
                                                                           (USA) 2009


[*] Gs. Nguyễn Đức Hùng

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...