Friday 22 September 2017

Một kỉ niệm nhỏ:


Ngày Phan Châu Trinh
tại Đà Nẵng, 1966

Đoàn Xuân Kiên



Gửi Lê Đình Diệu của một thời rất xa           

Năm học 1965-1966 là năm học cuối của tôi tại trường Phan Châu Trinh. Tôi  tự thấy lòng mình có nhiều đổi thay, từ một học sinh chăm chỉ với bài vở nhà trường, năm nay tôi bỗng dưng thờ ơ, thiếu hăng say trong các giờ học ở lớp. Một phần vì thời cuộc rối ren lúc đó, một phần vì lòng tôi có chút đổi thay: tôi quan tâm nhiều hơn đến những bài học hoạt động nhóm. Đó là động lực đưa tôi ra ứng cử Trưởng Ban Đại Diện Học Sinh niên khoá 1965-1966.

Năm ấy, Ban Đại Diện chúng tôi đề ra một hoạt động bề thế cho năm học: Ngày Phan Châu Trinh 1966. Chúng tôi chọn đề án này là vì năm ấy đánh dấu 40 năm sau ngày cụ Phan qua đời.

Qua họp bàn với các bạn trưởng lớp, chúng tôi huy động các dạng sinh hoạt báo chí và văn nghệ học sinh để có sự tham gia rộng khắp của các lớp. Chúng tôi cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ tinh thần của các thầy cô trong Hội Đồng Cố Vấn, mà thầy Đỗ Toàn và thầy Tôn Thất Lan là hai người chủ chốt: thầy Toàn lúc ấy mới ra trường, cho anh em biết thầy sẽ thực hiện trong dịp này một tượng đồng cụ Phan để tặng lại nhà trường. Thầy Lan thì điều khiển sinh hoạt văn nghệ trong đêm kết thúc chương trình Ngày Phan Châu Trinh năm ấy. Tôi đề nghị các bạn ban C năm ấy chủ động tham gia diễn vở kịch Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa của Vũ Khắc Khoan, tuy được viết ra khá lâu rồi (1948) nhưng theo tôi biết chưa có khi nào được trình diễn trên sân khấu.

Có hai khoản sinh hoạt lớn khác thì do anh em chúng tôi đích thân huy động: một phòng tranh sơn dầu và một phòng triển lãm sách báo học trò. 

Phòng tranh năm 1966 đó chủ yếu là tranh của Huỳnh Bá Thành (Nhất B2), thêm vào đó là vài ba bức của Lê Đình Diệu (Nhất C). Thành năm ấy rất hăng hái đóng góp phần mình vào Ngày Phan Châu Trinh, hẳn là cũng có hứng khởi với dự án của anh em bạn bè năm ấy. Sau này, Thành sẽ còn đi sâu vào nghề vẽ qua bút hiệu Ớt nổi tiếng trên báo Điện Tín, qua các tranh biếm hoạ sâu sắc, rồi trở thành một người của bên kia. Nhưng đó là chuyện về sau.

Trong số các tranh của Thành có bức chân dung cụ Phan vẽ trên khung vải bố, khá to (kích thước 120 x 90), sau này tặng lại cho nhà trường để lưu niệm, cùng tượng đồng cụ Phan trước sân trường. Bức tranh của Thành được vẽ theo bức ảnh quen thuộc chụp cụ Phan ngồi hơi nghiêng và nhìn về phía trước. Không hiểu bức tranh chân dung quý báu ấy nay có còn được lưu giữ nơi một phòng truyền thống của trường Phan Châu Trinh, hay lưu lạc nơi nào? Có một thời người ta muốn chặt đứt truyền thống, nên đã đang tay vứt bỏ những kỉ niệm rất đáng trân trọng. Mong rằng bức chân dung quý hiếm của một cậu  học trò 18 tuổi kia không rơi vào tình cảnh đáng buồn.

Bức tượng đồng bán thân cụ Phan do Thầy Đỗ Toàn thực hiện cũng được trang trọng công bố vào dịp Ngày Phan Châu Trinh năm 1966, và được hoàn thành gần một năm sau. Bức tượng được ra đời từ đó, mang trong nó một ấp ủ của người tạo dựng và cũng là tâm nguyện của một thế hệ học trò Phan Châu Trinh năm học 1965-1966 đó. Thế hệ học sinh Phan Châu Trinh sau này không nên phụ rẫy tấm lòng thế hệ đàn anh, và cần giữ lấy bức tượng đồng kia như một “chút của tin” của một thế hệ, góp phần làm cho cuộc tiếp nối tinh thần Phan Châu Trinh được tròn đầy.

Năm ấy, phòng sách báo học sinh cũng phong phú lắm, dàn trải kín một phòng học dành riêng làm phòng triển lãm sách báo trong ngày giỗ cụ Phan. Phòng triển lãm sách báo năm ấy có sự góp tay đắc lực của Trần Ngọc Châu (Nhị C). Khá nhiều báo tường với hình thức quen thuộc và nhiều bài viết được nắn nót viết tay trên một tờ giấy khổ to, có trang trí hình vẽ màu sắc để tạo sự bắt mắt. Đặc biệt, năm ấy có nhiều lớp hưởng ứng đề nghị của chúng tôi, thực hiện những tập báo khổ giấy 21 x 27 của lớp, thực hiện qua hình thức viết tay do chính các tác giả bài viết đảm nhận, chỉ cần một trang bìa trình bày đẹp và tài khéo của các bạn thực hiện trong việc tô điểm trang trí tập báo. Lớp Nhất C năm đó còn có đóng góp một tập thơ tình học trò thật dễ thương, do bạn Võ Hợi thực hiện. Tôi rất thích tập thơ chàng lúc ấy giàu chất lãng mạn và nhiều phong vị đồng quê như thơ Bùi Giáng trong Mưa Nguồn. Hợi cũng tham gia đóng kịch Thằng Cuội…, hoạt động khá náo nhiệt những ngày cuối năm đó. Võ Hợi vào sư phạm với tôi sau này, vẫn tiếp tục làm thơ, viết ca khúc, kí tên Vũ Đức Sao Biển, trong đó có bài Chiều Mơ phản ảnh chất lãng mạn của một cậu học trò đa tình mà tôi đã tìm thấy trong tập thơ tình mỏng góp phần trong phòng triển lãm năm ấy.

Phòng triển lãm tranh và sách báo học trò mở cửa trong ba ngày liền. Lượng khách viếng thăm tuy không nhiều nhưng đối với chúng tôi đó là một thành quả lớn. Sự thực thì thành quả của chương trình hoạt động sách báo năm ấy là ở ngay trong sự hưởng ứng của các lớp đối với chủ đề sách báo năm ấy là hướng về tinh thần Phan Châu Trinh. Tham gia viết bài trong tinh thần hướng về một chủ đề như thế mới là chủ đích của ban tổ chức chứ không chỉ là ở lượng khách viếng thăm phòng triển lãm trong mấy ngày nghỉ học lúc đó.

Buổi văn nghệ sân khấu là sinh hoạt kết thúc Ngày Phan Châu Trinh năm ấy cũng được thực hiện theo tinh thần chuyển đến cử toạ một lời nhắn gửi của thầy trò chúng tôi năm ấy nhân Ngày Phan Châu Trinh. Lời nhắn ấy là mấu chốt của cả buổi sinh hoạt văn nghệ, chứ không phải là ở các bài hát, câu ca riêng rẽ. Có thêm gì chăng thì chỉ là chút công sức nâng cao phẩm chất nội dung sinh hoạt đóng kích của bọn học trò chúng tôi lúc ấy. Chọn một vở kích giàu chất văn học, chúng tôi muốn “làm mới” một sinh hoạt khá phổ biến trong nhà trường nhưng thường không vượt quá tình trạng những màn kịch ngắn chỉ có mục đích gây cười trong thoáng chốc.

Có lẽ Ngày Phan Châu Trinh năm 1966 chỉ thoảng qua đi trong đời bận rộn của tuổi học trò chúng tôi trong khoảng thời gian mà Đà nẵng có khá nhiều biến động dồn dập suốt ba năm xáo trộn. Sau này, tôi tìm thấy chút ghi chép hiếm hoi của một bạn học cũ, nhưng những chi tiết trần trụi và rời rạc trong tập hồi kí của bạn đã không nói lên được điều gì về những ngày tháng cũ, nếu không muốn nói là xuyên tạc chỉ để nhằm mục đích đề cao cá nhân: “Tết năm 1966, trường Phan Châu Trinh thật tưng bừng. Trước Tết, trường tổ chức nhiều loại hình hoạt động. Tôi tham gia đóng một vở kịch nói, Trần Ngọc Châu ra báo, Huỳnh Bá Thành tổ chức một phòng triển lãm tranh riêng” (Vũ Đức Sao Biển, 35 năm chuyện  trò cùng chữ nghĩa. Nxb. Trẻ, Sài Gòn, 2003, tr. 91).

Việc cử hành ngày giỗ cụ Phan được lồng trong một chuỗi hoạt động lúc ấy đối với tôi không chỉ đơn thuần là một sinh hoạt học đường, mà còn là một nỗ lực nhìn lại bài học của cụ Phan trong thế hệ chúng tôi lúc ấy. Các hoạt động này khác có thể qua đi, nhưng tinh thần Phan Châu Trinh đã in đậm trong tâm tư chúng tôi từ thời tuổi trẻ. Và vẫn còn trong tôi qua bao năm tháng. Lạ. Bài học Phan Châu Trinh vẫn còn mới tinh sau hơn một trăm năm. Xem ra, trong tình hình đất nước hôm nay, bài học Phan Châu Trinh càng cần thiết hơn cho hành trang tuổi trẻ Việt Nam đi về tương lai.

                                                                Đoàn Xuân Kiên
                                          (Đặc san kỉ niệm 60 năm thành lập trường trung học 
                                                         Phan Châu Trinh, Đà Nẵng (USA), tr. 141-144)

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...