Thursday 14 September 2017

Bàn về chuyện "đánh dấu thanh"
trong tiếng Việt

Ðoàn Xuân Kiên


Hiện nay, trong cách viết "chữ quốc ngữ" tiếng Việt, có một vài khác biệt trong việc đánh dấu thanh. Những khác biệt này chủ yếu là ở lối bỏ dấu thanh trên các nguyên âm kép, tức là những tổ hợp có hơn một nguyên âm. Có khi dấu thanh bỏ trên nguyên âm thứ nhất, có khi lại đánh trên nguyên âm thứ nhì. Thí dụ: cúng viết một từ có âm / ua /, chúng ta viết quả nhưng lại viết tòa, hoặc là cùng để viết một từ có âm / ui /, ta viết thủy nhưng lại viết quí. "Bỏ dấu" như thế là thiếu nhất quán. Như vậy thì bỏ dấu thế nào mới "đúng", mới "hợp lí" ? 


Có một số tờ báo tiếng Việt đã công khai đặt vấn đề này ra, xem như một cách góp phần vào việc định chuẩn cho tiếng Việt. Chẳng hạn tập san Diễn Ðàn (Paris) cho rằng phải bỏ dấu thanh trên các nguyên âm chính; do vậy dấu thanh phải bỏ trên Y trong cặp UY (thí dụ: thuỷ, thuý, chuỳ), trên A trong cặp OA (thí dụ: hoà, toạ, xoã), trên E trong cặp OE (thí dụ: xoè, hoẹ). Trong một đoạn nhỏ nêu ra chủ trương cuả tờ báo, nhóm chủ trương cho rằng trong chính tả tiếng Việt hiện nay thì lối viết UA có phần thiếu hợp lí, vì nó ghi hai tổ hợp âm khác nhau: QUA, CUA. Nhóm chủ trương tập san cho rằng hai tổ hợp nguyên âm khác nhau về tính cách: / ua/ và /uô/, do vậy đánh dấu thanh có khác nhau: chữ đầu bỏ dấu trên âm chính là A: quá, trong khi chữ sau đánh dấu trên U vì nó là âm chính: của, tủa. (1)


Bài viết nhỏ này góp thêm một vài ý kiến liên quan đến chuyện "đánh dấu thanh" trên cơ sở ngữ âm tiếng Việt.
 
Thanh là thành phần của âm tiết tiếng Việt

Khi phát âm tiếng Việt, chúng ta phát âm từng đơn vị lời nói cắt rời nhau, gọi là âm tiết. Khi phát âm chậm một âm tiết, có thể nhận thấy khá rõ là mỗi âm tiết đều có thể kết hợp nhiều nhất là ba đơn vị phát âm: âm đầu + âm chính + âm cuối. Ba thành phần trên gồm những âm vị xuất hiện tương đối theo thứ tự trước sau, nên gọi là những âm vị tuyến tính.

Ngoài ra, mỗi âm tiết được định một bậc cao thấp, gọi là thanh điệu. Trong lời nói, mỗi âm tiết tiếng Việt đều mang một thanh. Thanh này xuất hiện lập tức khi âm tiết được phát ra, cho nên có thể nói rằng thanh là một thành phần bất khả phân cuả âm tiết. Thanh là thành phần âm vị phi tuyến tính cuả một âm tiết tiếng Việt. Thanh là một sắc thái cuả âm thanh các âm tiết, qua đó khi phát âm sẽ định bậc cao thấp khác nhau cuả mỗi đơn vị cuả chuỗi lời nói. Có sáu thanh làm tiêu chuẩn định bậc cao thấp khác nhau, thường gọi là ngang, hỏi, sắc, huyền, ngã, nặng.

Như vậy thì mỗi âm tiết tiếng Việt đầy đủ có tối đa bốn đơn vị cấu thành. Tối thiểu thì mỗi âm tiết cũng phải có hai thành phần: âm chính + thanh. Sơ đồ dưới đây có thể tóm tắt về kết cấu bốn thành phần cuả một âm tiết tiếng Việt:

Hình 1: sơ đồ kết cấu âm tiết tiếng Việt

Tính cách ngữ âm cuả thanh trong âm tiết

Trong phạm vi một âm tiết, thanh có hai tính cách như sau:
  1. Thanh có tính vang phụ thuộc vào tính cách cuả các nguyên âm trong âm tiết. Cùng ở bậc thanh cao nhất (thanh sắc), nhưng thanh sắc cuả nguyên âm /u/ khác với thanh sắc trong nguyên âm /ê/.
     
  2. Tính cách đặc trưng cuả mỗi thanh đạt mức rõ rệt nhất khi âm tiết đạt đến đỉnh cao cuả nó. Mỗi âm tiết có một đỉnh cao về mặt âm lượng, ấy là khi phát âm một âm tiết tại thành phần âm chính.
Hình 2: đồ biểu một âm tiết tiếng Việt / mai /

Khi phát âm chậm hai âm tiết /cái bàn/ chẳng hạn, có thể nhận ra hai âm đầu cũng mang tính cách cuả thanh cuả âm tiết đó. Khi kéo dài phần cuối cuả mỗi âm tiết trên ta cũng nhận thấy rõ là thanh còn "đọng" lại ở các âm cuối cuả âm tiết. Nhưng cũng hiển nhiên một điều là thanh thể hiện rõ nhất ở hai âm chính cuả âm tiết qua hai nguyên âm /a/.
 
Thể hiện thanh qua chính tả

Nói đến thanh là chủ yếu nói về mặt phát âm. Khi thể hiện ra chữ viết thì nhiều ngôn ngữ không thể hiện thanh -nói riêng- và các yếu tố ngôn điệu -nói chung. Ngay tiếng Việt chúng ta cũng có hiện tượng như thế. Khi xưa ta viết chữ nôm, mỗi chữ là một khối vuông ghi lại một tiếng lẻ bằng những nét viết cuả chữ Hán. Kết cấu một chữ nôm không cho thấy kí hiệu nào để chỉ thanh cả. Ðến khi chúng ta chuyển sang dùng "chữ quốc ngữ" thì chúng ta dùng một hệ thống chữ viết ghi âm, nghiã là mỗi đơn vị phát âm -gọi là âm vị- được thể hiện ra chữ viết bằng một kí hiệu chữ viết gọi là đồ vị. Trước kia chúng ta thường quá để ý vào từng chữ cái nên nghĩ rằng chữ quốc ngữ có nhiều sai chệch giưã phát âm và chữ viết. Chúng tôi đã lập một bảng đồ vị thì thấy rằng mỗi âm vị tiếng Việt đều có một đồ vị tương ứng. (Phạm et al., 1998). Kí hiệu ghi thanh điệu cũng thế: mỗi âm tiết khi ghi lại bằng chữ viết đều mang một 'đồ vị thanh' mà chúng ta thường gọi là dấu thanh.

Tại sao lại phải dùng dấu thanh trong khi các ngôn ngữ khác trên thế giới không dùng kí hiệu chữ viết để thể hiện nó?

Ðúng là các ngôn ngữ dùng bảng chữ cái Latin không dùng thêm kí hiệu chỉ thanh, mà chỉ ghi lại các âm vị tuyến tính bằng các đồ vị là con chữ. Hệ thống chữ viết khối vuông như chữ Hán và chữ Nôm cũng không có kí hiệu chỉ thanh. Nhưng trường hợp chữ quốc ngữ có khác. Khi dùng bảng chữ cái Latin, các đồ vị con chữ chưa đủ để phân biệt ý nghiã một từ được viết ra, vì có đến sáu thanh phải phân biệt. Ðã đành thanh chỉ là yếu tố ngữ âm không thuộc về thành phần âm vị tuyến tính, nhưng thanh tiếng Việt không hẳn chỉ là một yếu tố ngôn điệu mang tính cách hoa mĩ cho âm tiết, mà là một thành phần không thể thiếu được khi phát âm một âm tiết. Nói cách khác, âm tiết tiếng Việt chưa hoàn chỉnh khi chưa được định thanh. Có lẽ các nhà sáng chế ra chữ viết theo bảng chữ cái Latin mà ta thường gọi quen là "chữ quốc ngữ" đã hiểu rất rõ tính cách bất khả phân của thanh đối với âm tiết tiếng Việt, cho nên các vị đã dùng đến những kí hiệu để chỉ thị các bậc thanh tương ứng.

Ðã là kí hiệu thì chỉ là vấn đề quy ước. Vậy thì có thể dùng quy ước gọi tên thanh bằng số thứ tự (như có người đã làm thế trong một giáo trình ngữ âm tiếng Việt những năm 1960): thanh 1, 2, 3, 4, 5, 6. Có thể thấy ngay là bảng gọi tên thanh tiếng Việt như thế có ý nghiã rằng cách gọi tên các thanh như ngày xưa chỉ là cách gọi "tượng thanh", nghiã là một thứ quy ước khác mà thôi. Bản chất thanh thứ năm chẳng hạn, là "thanh cao vút lên, ở một bực thanh nhạc cao nhất trong số sáu thanh tiếng Việt", cho nên có thể gọi nó là thanh sắc, hay thanh vút (như Nguyễn Bạt Tuỵ), hay là thanh 5 thì cũng chỉ là chuyện gọi tên. Vấn đề đặt ra là khi nhìn thấy một chữ mang thanh 5 đó thì phải nâng âm tiết lên đúng độ cao nhất trong sáu bậc thang thanh điệu tiếng Việt chứ không thể lên nửa chừng rồi bẻ cong xuống (theo đường tiến của một dấu hỏi) như một số người làm việc trên đài truyền hình và truyền thanh hiện nay. Trở lại cách gọi truyền thống, chúng ta có thể nhận ra một điểm lợi lớn là gợi ngay cho chúng ta bậc cao thấp cuả chính thanh vưà được gọi tên.

Nhưng vấn đề không chỉ là định danh, mà còn là trình bày thanh thế nào dưới dạng đồ vị. Ở đây, cách dùng con số không tỏ ra thích hợp nưã. Làm thế cũng chẳng khác gì hành vi cực đoan khác trước kia, khi một nhà báo Việt Nam - ông Nguyễn Văn Vĩnh- dùng con chữ để chỉ thị thanh điệu trong khi viết. Ông cho rằng như thế rất tiện dụng cho nhà máy in, vì chẳng cần đúc thêm những kí hiệu chỉ thanh như chữ quốc ngữ hiện hành. Thể nghiệm cuả ông nhanh chóng đi vào quên lãng, vì nó không có cơ sở nào cả.

Một vấn đề nưã: thanh điệu tiếng Việt là thành phần âm vị phi tuyến tính, nghiã là thành phần bao trùm cuả âm tiết, thì thanh có thể đặt trên bất cứ bộ phận nào cuả chữ viết; hà tất phải câu nệ mà bỏ dấu thanh vào một vị trí cố định?

Trước hết, cần xác minh là, về mặt ngữ âm, nói thanh là âm vị phi tuyến tính chỉ có nghiã là thanh không xuất hiện theo trật tự trước sau cuả các âm vị tuyến tính: âm đầu ---> âm chính ---> âm cuối. Nhưng thanh còn một tính cách quan trọng khác là có tính vang. Thanh thể hiện rõ nét nhất là ở thành phần âm chính cuả âm tiết do nguyên âm đảm nhận. Cho nên thể hiện cách viết các dấu thanh theo quy ước truyền thống từ thế kỉ XVII đến nay là một điều xác đáng. Các nhà sáng chế chữ quốc ngữ đã tiến đến ổn định vị trí cuả dấu thanh tiếng Việt là đặt trên nguyên âm -tức là thành phần âm chính cuả âm tiết khi phát âm. Chẳng hạn câu sau đây: "Người lên ngưạ kẻ chia bào" đều có các dấu thanh đặt ngay trên các nguyên âm. Ðiều này có thể chỉ là cảm nhận tinh tế ban đầu, nhưng đã tỏ ra rất xác đáng về mặt âm học và ngữ học.

Có điều rằng xưa nay việc ghi dấu thanh cho các từ có hơn một một nguyên âm thì thường thiếu tính cách nhất quán, dẫn đến những lối ghi khác nhau. Nguyên nhân không phải là từ bản thân tiếng Việt hay là từ hệ thống chữ quốc ngữ đâu. Mà chính là vì sự thiếu nhất quán trong việc mô tả hệ thống nguyên âm kép (dipthong) cuả tiếng Việt. Cho nên tìm hiểu hệ thống nguyên âm kép tiếng Việt sẽ giúp giải quyết đúng vấn đề "đánh dấu thanh" khi viết.
 
Nguyên âm kép cuả tiếng Việt

Trước nay các sách mô tả ngữ âm tiếng Việt đều chấp nhận giải thuyết cho rằng nguyên âm kép cuả tiếng Việt gồm có ba đơn vị như sau: iê (ia), ươ (ưa), uô. Các nhà ngữ âm đã biện luận rất nhiều về khả năng kết hợp cuả các nguyên âm kép / iê /, / ươ /, / uô / để thưà nhận chúng là những nguyên âm kép một âm vị (Lê 1948, Nguyễn 1949, Thompson 1965, Ðoàn 1977). Tuy nhiên các tác giả trước đây không thống nhất ý kiến nhau về tính cách cuả các nguyên âm kép tiếng Việt, do vậy mà ý kiến cuả các vị cũng rất phân tán.

Ðể biện giải rằng ba nguyên âm kép nói trên là ba nguyên âm kép, các tác giả đều đưa ra mấy lẽ như sau:
  • (a) về mặt ngữ âm, cả ba đơn vị nguyên âm vưà kể đều là một âm vị;
  • (b) cả ba nguyên âm này đều có yếu tố nguyên âm đầu mạnh hơn yếu tố sau (2);
  • (c) ba tổ hợp này đều có thể kết hợp với phụ âm môi, trong khi các tổ hợp khác không thể.
Chúng tôi đã chứng minh (3) là hai tính cách đầu có thể tìm thấy ở cả chín tổ hợp nguyên âm kép trượt tăng dần. Chỉ có điểm thứ ba thì cần bàn thêm cho rõ: về mặt ngữ âm thuần tuý thì những phụ âm đầu có thể kết hợp được với ba tổ hợp iê (ia), ươ (ưa), uô (ua) cũng có thể kết hợp được cả với các tổ hợp khác. Tiếng Việt không có * boàng, *phuế, *voe, & chỉ là vì chúng ta muốn áp dụng luật tiết kiệm ngữ âm mà thôi: phụ âm môi mở đầu trượt tiếp sang âm chính ở vị trí hẹp, cao như i, ư, u để dừng lại ở một bậc dưới chúng (ê, ơ, ô) thì không phải gắng sức nhiều bằng khi phát âm các tổ hợp khác có khoảng cách biệt rộng hơn. Cho nên luận điểm (c) nói ở trên không phải là tính cách quyết định. Tính cách âm vị học nổi bật nhất của nguyên âm kép tiếng Việt là: dù phát âm từ những vị trí khác nhau, tất cả đều là những tổ hợp nguyên âm trượt tăng dần. Những tính cách âm vị học cuả ba nguyên âm kép trên cũng tìm thấy ở sáu nguyên âm kép-trượt-tròn-môi khác để làm thành một tập hợp chín nguyên âm kép thường viết ra dưới dạng như sau: iê (ia), ươ (ưa), uô (ua), uơ, uê, oe, oa (ua), uy, uyê (uya) (4).

Khi loại bỏ sáu nguyên âm kép khác trượt từ âm tròn môi / u /, / ô/ và / o / ra khỏi hệ thống nguyên âm tiếng Việt, các tác giả đi trước phải dùng đến khái niệm âm đệm và bán âm / u-/ và / i- / để giải thích kết hợp này. Ảnh hưởng cuả cách nhìn nhận hiện tượng tròn môi như trong ngữ âm các tiếng Ấn Âu đã khiến việc mô tả nguyên âm kép tiếng Việt trở thành phức tạp, khi các tác giả đem khái niệm bán âm và âm đệm vào cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Vả lại, thưà nhận là có hai bán âm /-i-/ và /-u-/, cách giải thích này cũng không cắt nghiã được hiện tượng không cân đối giưã các nguyên âm trượt từ bán âm / -i-/ và bán âm / -u-/. Thật ra, những phân tích trên đây cho thấy nguyên âm kép tiếng Việt chỉ là những nguyên âm trượt với nhau: ba nguyên âm ở bậc cao nhất là / i/ - /ư/ - /u / đều có khuynh hướng trượt sang các nguyên âm khác mà làm thành nguyên âm kép. Hiện nay, tất cả các tác giả ngữ âm tiếng Việt đều công nhận là ba tổ hợp /iê/ - /ươ/ - /uô/ là ba nguyên âm kép, và các yếu tố đầu là những nguyên âm thực thụ chứ không phải là bán âm. Yếu tố / i / và / u / trong / ie / và / uô / không phải là một bán âm thì không có lí do gì để bảo các yếu tố đó trong những tổ hợp nguyên âm kép trượt tăng dần khác là sự trượt từ một bán âm sang một nguyên âm. Do vậy mà điều hợp lí hơn cả là thưà nhận rằng hai nguyên âm tiếng Việt trượt sang nhau.

Trong hệ thống nguyên âm kép tiếng Việt, có một nguyên âm trượt qua ba vị trí cấu âm: /uiê/. Mặc dù vậy, ba nguyên âm này trượt với nhau vẫn chỉ tạo thành một đỉnh âm tiết là nguyên âm / ê /, do vậy nguyên âm ba này vẫn chỉ có giá trị là một âm vị trong thành phần âm chính cuả âm tiết.

Những kiểm nghiệm qua cứ liệu thực nghiệm âm học gần đây nhất đã xác nhận hiện tượng trượt tăng dần cuả các tổ hợp nguyên âm tiếng Việt. Tìm hiểu hiện tượng trượt cuả các tổ hợp này sẽ thấy rằng chúng đều là những "nguyên âm kép trượt tăng dần" từ nguyên âm thứ nhất (I, U, Ư) sang nguyên âm thứ nhì.

Các nguyên âm tiếng Việt có thể kết hợp với nhau để cho những nguyên âm kép trượt tăng dần. Dạng trượt tăng dần là nét đặc trưng cuả lối kết hợp nguyên âm kép tiếng Việt. Nguyên âm trượt tăng dần là các nguyên âm kép lập thành từ một trong hai trường hợp như sau:
  • (a) hoặc là một nguyên âm cùng bậc (hẹp, trung bình, rộng) nhưng đối lập nhau ở điểm phát âm (trước, giưã, sau) trượt về với nhau theo chiều: sau ---> giữa, sau ---> trước;
     
  • (b) hoặc là hai nguyên âm khác bậc và điểm phát âm cùng trượt về với nhau theo chiều cao ---> thấp, nghiã là trượt từ vị trí mở hẹp sang rộng hơn.
Các nguyên âm kép trượt tăng dần cuả tiếng Việt đều có tính cách chung là âm tiết mang chúng có hai đỉnh cao, trong đó đỉnh thứ nhì [ ở chỗ nguyên âm thứ nhì ] cao hơn và là đỉnh cao cuả âm tiết (Hình 3). Nguyên âm thứ nhì này sẽ là yếu tố cảm nhiễm thanh mạnh hơn trong bộ phận âm chính cuả âm tiết. Vì thế, đồ vị thanh được ghi trên các đồ vị ghi âm vị mạnh cuả âm tiết: tuý luý, kià, huề, quế, hoè, quẽ, khoẻ, ngoẻo, quở, muá, quấn, khoá, thưả...

Ðường biểu diễn về âm lượng cuả âm tiết /mười/ có thể hình dung như sau:
Hình 3: âm tiết có hai đỉnh tạo nên do nguyên âm kép trượt qua nhau

Tóm lại, nguyên âm trượt tăng dần là một đặc trưng âm vị học cuả nguyên âm kép tiếng Việt. Ðó là hai nguyên âm trượt sang bên nhau từ một trong hai vị trí khác nhau:
  • hoặc là từ vị trí hẹp trượt sang vị trí rộng hơn ở bậc thấp hơn,
  • hoặc là trượt từ vị trí hàng sau về hàng trước hoặc giưã.
Nhận ra tính cách âm vị học cuả 9 tổ hơp nguyên âm kép tiếng Việt thì vấn đề thành phần âm chính cuả âm tiết tiếng Việt được giải quyết thoả đáng, và cấu trúc âm tiết tiếng Việt do vậy mà trở nên ổn định, với bốn thành phần. Không có thành phần gọi là âm đệm.

Trên đây là tính cách âm vị học nổi bật cuả các nguyên âm kép trượt tăng dần cuả tiếng Việt. Tất cả những nguyên âm kép tiếng Việt nói trên đều có những tính cách chung sau đây:
  • đó là những âm vị làm hạt nhân cuả âm tiết như các nguyên âm đơn;
  • có độ dài ngang với một nguyên âm đơn ở thể bình thường;
  • yếu tố thứ nhì luôn luôn mạnh hơn yếu tố thứ nhất;
  • kết hợp được với các loại âm tiết mở (khi không có âm cuối), và âm tiết khép (nghiã là khi có âm cuối để khép âm tiết).    

Nguyên tắc viết dấu thanh tiếng Việt

Trong các tính cách trên đây cuả nguyên âm kép tiếng Việt có một tính cách liên quan trực tiếp đến cách viết dấu thanh: ta biết rằng trong nguyên âm kép tiếng Việt, yếu tố nguyên âm thứ nhì luôn luôn mạnh hơn, làm thành đỉnh cao cuả âm tiết. Ðiều này dẫn đến quy tắc viết dấu thanh tiếng Việt, trong các tiếng có nguyên âm kép, như sau: dấu thanh luôn luôn đặt trên các nguyên âm đứng sau. Không có ngoại lệ.

Ứng dụng cụ thể quy tắc trên thì có những trường hợp nguyên âm kép như sau:
  • Nguyên âm trượt từ I có iê, ia. Thí dụ: kiến, miễn, tiền, kià, miá, viá 
  • Nguyên âm trượt từ Ư có ươ, ưa. Thí dụ: dưới, mười, mưả, vưà 
  • Nguyên âm trượt từ U có uy, uyê/uya, uê, oe, ua/oa, uô, uơ. Thí dụ: khuỵu, quỳ, quýt, khuyến, nguyệt, khuya, huế, hoè, quả, hoạ, cuốc, chuộc, quở, thuở (5)
  • Những nguyên âm kép kết hợp ở thể ngắn có một số dạng như sau: uâ, oă/ua. Thí dụ: quất, choắt, quắt.
     
Một trường hợp có thể gây nhầm lẫn

Chính tả tiếng Việt có một số trường hợp cũng viết với hai đồ vị nguyên âm, nhưng thật ra bản chất cuả chúng khác hẳn những trường hợp nguyên âm kép-trượt-tăng-dần bàn đến ở phần trên. Ðó là trường hợp các nguyên âm kết hợp với U, O, I, Y phiá sau chúng. Thí dụ: sáu, đảo, nhái, thấy.

Những trường hợp này đều có một kết cấu giống nhau: âm chính + âm cuối. Trong kết cấu âm tiết cuả bốn từ sáu, đảo, nhái, thấy trên đây thì au, ao, ai, ây không phải là những nguyên âm kép, vì lẽ một nguyên âm kép luôn luôn chỉ là một đơn vị âm chính cuả âm tiết, do vậy nó còn có thể kết hợp thêm với một âm cuối.

Ta biết rằng tiếng Việt có 8 âm vị sau đây đảm nhận thành phần âm cuối trong âm tiết: m, p, n, t, ng (nh), c (ch), o (u), i (y). Bốn tổ hợp au, ao, ai, ây không thể kết hợp thêm với một âm cuối nào trong số 8 âm cuối kể trên, vì lẽ chúng đã có âm cuối rồi. Chẳng hạn, không thể có kết hợp *au+n, *ao+n, *ai+n, *ay+n trong tiếng Việt.

Khi phát âm thì kết cấu này không trượt tăng dần như các nguyên âm kép. Ngược lại, chúng "trượt" giảm dần theo đúng quy cách khép âm tiết khi có thành phầm âm cuối. Những âm U, O, I, Y trong trường hợp này chính là những âm cuối để khép âm tiết lại. So sánh hai từ sau đây: thuỷthủi. Từ trên có âm chính là nguyên âm kép /uy/ trượt tăng dần từ /u/ sang /i/; từ thứ hai có nguyên âm đơn /u/ là âm chính và âm cuối /i/ khép âm tiết lại.

Trong kết cấu âm tiết kiểu âm chính + âm cuối /u/, /o/, /i/, /y/ này, thành phần âm chính có thể gồm một nguyên âm đơn hay một nguyên âm kép. Kết hợp sẽ như sau:
  • một nguyên âm + /u/, /o/, /i/, /y/: màu, sáo, nhài, lủi, vẩy 
  • một nguyên âm kép + /u/, /o/, /i/, /y/: khuỷu, ngoéo, muối, nguẩy
Dù trong trường hợp nào thì dấu thanh cũng không đặt trên bốn âm cuối /u/, /o/, /i/, /y/, mà chỉ đặt trên nguyên âm đơn hay trên nguyên âm thứ nhì cuả tổ hợp nguyên âm kép đứng trước các âm cuối đó.

Tóm lại, dấu thanh tiếng Việt có nguyên tắc viết rất nhất quán, và có thể tóm tắt như sau:
  1. Dấu thanh đặt trên thành phần âm chính cuả âm tiết khi viết;
     
  2. Thành phần âm chính cuả âm tiết có thể là:
·       một nguyên âm đơn: dấu thanh đặt trên nguyên âm;
·       một nguyên âm kép: dấu thanh đặt trên nguyên âm thứ nhì.

                                                                      Ðoàn Xuân Kiên
                                                                                       (Talawas, 2003)*
 

(1) Xem Diễn Đàn (Paris) số 55 (01.09.1996), tr. 2-3.

(2) Riêng tính cách này thì Lê Văn Lý lại không thừa nhận, vì ông nhận thấy yếu tố sau nhiễm thanh mạnh hơn (Lê (1948), tr. 44). 

(3) Xem:  Ðoàn Xuân Kiên (1999): "Xem lại một vấn đề ngữ âm tiếng Việt: Nguyên âm". Hợp Lưu số 45 (th. 2&3.1999), tr. 5-31.

(4) Trong cách viết hiện nay, một số các thể ngắn của nguyên âm kép được viết riêng dưới hình thức , (). Điều này cóthể gây ngộ nhận là tiếng Việt chỉ có hai nguyên âm ngắn đó mà thôi. Thật ra thì mỗi nguyên âm tiếng Việt đều có hai thể: thể thường và thể ngắn. Xem Đoàn (1999), bđd.

(5) Xem thế thì những trường hợp như của, mùaquả... mà tập san Diễn Đàn cho rằng phải bỏ dấu thanh khác nhau xét ra chưa thoả đáng. Cho dù đó là hai tổ hợp nguyên âm khác nhau /ua/ và /uô/, hai tổ hợp trên đều là những nguyên âm kép-trượt-tăng-dần từ /u/ sang /ô/. Nói cách khác, tất cả những tổ hợp này đều bỏ dấu thanh ở nguyên âm thứ nhì.

(*) Sau khi tôi cho đăng tải bài viết ngắn trên đây trên trang mạng Talawas, anh Dũng Vũ có bài viết dài bàn về dấu thanh tiếng Việt, cũng trên Talawas. Bài viết dài nhưng nói nhiều vê những điều căn bản của sách giáo khoa ngữ âm học. Khi cần nói về những gì đáng bàn thì anh lại gán cho tôi vài điều tôi không làm: (1) Tôi không chủ trương "cải cách" điều gì cả. Tôi chỉ góp ý về việc chuẩn hoá chính tả; (2) Quan điểm của tôi về việc đánh dấu thanh là dựa trên quan niệm của tôi về nguyên âm đôi và âm tiết tiếng Việt. (3) Anh Dũng Vũ dựa trên điểm nhìn của ngữ âm hoc tây phương rồi gán cho tôi những điều không nằm trong quan niệm về chính tả dấu thanh của tôi. Ngay cả những dữ liệu thực nghiệm hỗ trợ cho quan điểm của tôi anh Dũng Vũ xem ra không hiểu và chỉ áp đặt những suy diễn của anh lên quan điểm của tôi (chẳng hạn anh đưa trọng âm vào để biện luận về thanh điệu, hoặc cố tình kéo dài cách đọc /thuý/ và /thu/-/ý/ như thể là tôi quan niệm như thế.)

Dẫu sao sự thảo luận sòng phẳng như anh Dũng Vũ vẫn đáng trân trọng. Xin gửi anh lời cảm ơn muộn màng. 

Cũng là một hạnh ngộ khi đoc bài góp ý của anh Cao Xuân Hạo. Tiếc là đọc suốt bài chỉ thấy anh nói lại những thu hoạch giáo khoa từ thời những năm 1960 của anh, như thể thời gian đã ngừng lại từ đó. Những "kết luận" của bài cho thấy anh không có gì trái với tôi. Nhưng sao phải loanh quanh thế?

Mời bạn đọc tham khảo: 

Dũng Vũ, "Vấn đề đánh dấu thanh tiếng Việt", Talawas, ngày 20.7.2006: phần 1 (http://www.talawas.org/talaDB/suche.php? res=7657&rb=07) và phần 2 (http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=7658&rb=0501)
Cao Xuân Hạo,  "Về bài vấn đề đánh dấu thanh tiếng Việt của Dũng Vũ", Talawas, ngày 02/08/2006: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=7695&rb=0501


Tài liệu tham khảo

1.       Tập san Diễn Ðàn (Paris): số 55 (1.9.1996).
2.       Ðoàn Thiện Thuật (1977): Ngữ âm Tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. ÐH & THCN.
3.       Ðoàn Xuân Kiên (1999): "Xem lại một vấn đề ngữ âm tiếng Việt: Nguyên âm". Hợp Lưu số 45 (th. 2&3.1999), tr. 5-31.
4.       Gimson, A.C. (1980): An Introduction to pronunciation of English. (3e ed.) London: Edward Arnold.
5.       Lê Văn Lý (1948): Le Parler Vietnamien. Paris: Hương Anh.
6.       Nguyễn Bạt Tuỵ (1949): Chữ Và Vần Việt Khoa Học. Sài Gòn: Ngôn Ngữ
7.       Phạm Thị Tú Minh, Nguyễn Văn Thế & Ðoàn Xuân Kiên (1998): Học Kĩ Ðọc Ðúng - Sách Hướng Dẫn I. Tilburg:Zwijsen.
8.       Thompson. L. (1965): A Vietnamese Grammar. Seattle: Uni.of Washington Press.





No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...