Tên người Việt:
Nét chung và riêng
Đoàn
Xuân Kiên
![]() |
Nghe nhạc: ca khúc Mẹ năm 2000: https://www.youtube.com/watch?v=e6kV0lf50ws |
Tên riêng là một đề tài thu hút khá nhiều người
nghiên cứu. Thư tịch tên riêng của người
phương tây khá phong phú, nhờ có một truyền thống khá lâu. Đối với người Việt chúng ta, bàn về chuyện
này hãy còn là mới lạ, với vỏn vẹn ba bài khảo luận nhỏ bé của ba nhà ngữ học [1] bên cạnh ít ghi chép về các mặt dân tộc
học của các tác giả khác [2].
Vấn đề tuy không phức tạp gì cho lắm nhưng ít nhiều góp phần soi sáng ý nghĩa về
mặt văn hoá dân tộc; cho nên tưởng cũng không thừa khi nhìn lại nó thêm một lần.
Bài viết này không dừng lại ở mặt “mô tả” các
phương thức gọi tên người Việt chúng ta, mà muốn đẩy thêm việc khảo sát vào những
khía cạnh khác: lượm lặt những ý nghĩa riêng của việc đặt tên trong cộng đồng
dân tộc Việt Nam bên cạnh những nét chung của nó so sánh với tên gọi của người
các nước khác. Những suy nghĩ của người
viết đặt trên tiền đề là tên riêng của mỗi người không chỉ là một tên gọi, nó
còn là dấu hiệu chỉ báo nhiều ý nghĩa sâu sắc về mặt ngôn ngữ, dân tộc học,
nhân học và cả triết học nữa.
Những tiếng để trỏ một khái niệm về một sự vật/
sự kiện cụ thể chính là những tiếng thuộc từ loại danh từ, động từ, tính từ
trong ngữ pháp. Hãy lấy một vài ví dụ:
danh từ bàn diễn tả khái niệm về đồ vật
có bề mặt và một bộ phận chống đỡ khỏi mặt đất; động từ học diễn tả một khái niệm về một việc làm cụ thể: thu thập hiểu biết
từ bên ngoài; tính từ vui biểu thị một
khái niệm về một tính cách, một trạng thái tâm hồn lúc được toại lòng. Những từ ngữ trên đây cho ta một ý niệm chung
về một tập hợp sự vật/sự kiện chứ không trỏ riêng một cá thể nào; "bàn"
chẳng hạn, là một ý niệm khái quát nhất về cái bàn, không phân biệt bàn tròn,
vuông, hay chữ nhật, không để ý đến bàn làm bằng gỗ hay sắt, hay bằng kính. Về
mặt ngữ nghĩa, các loại từ nói trên đây là những “thực từ”.
Tên riêng không nằm trong phạm trù ngữ pháp
“thực từ” nói trên. Tên gọi không cho ta
khái niệm về một tập hợp, một loại; mỗi tên gọi một người chỉ là một định danh
cho một cá nhân đặc thù mà thôi, không hơn không kém. Trong bao nhiêu người ở trong cộng đồng dân tộc
Việt, chỉ có một con người ấy là Nguyễn Trãi, sống cách nay hơn 600 năm, là một
con người lừng lẫy và là tác giả tập thơ mang thiên cổ hận là “Quốc Âm Thi Tập”. Những ông Trãi khác trước đó và sau này là những
cá nhân khác, không thể nhầm lẫn được! Nhận thức được điều này có ý nghĩa lớn đối với ngữ pháp học. Chúng ta không thể không nhìn nhận tính cách
riêng của tên riêng bên cạnh những thực từ gọi là danh từ.
Hiện nay, các sách ngữ pháp vẫn mặc nhiên xếp
tên riêng vào từ loại danh từ, ấy là căn cứ trên vị trí của nó trong một cấu
trúc câu nói (cú pháp) nhưng chưa lưu ý đúng mức đến sự khác biệt quá lớn giữa
tên riêng với cả loạt thực từ: trong khi thực từ là những từ có nội dung là một
khái niệm chung về một tập hợp sự vật/ sự kiện nào đó, thì tên riêng chỉ là một
cái vỏ âm thanh gọi tên một cá thể độc nhất, không chứa đựng thêm một khái niệm
nào về bản chất cá nhân đó. Quan tâm đến
mặt ý nghĩa của tên riêng, hẳn là phải quan tâm đến ranh giới khá dứt khoát giữa
tên riêng và tập hợp các thực từ khác:
Tóm lại, về mặt ngữ nghĩa, tên riêng không thật
sự có một nghĩa về một loại sự kiện/sự vật chung nào, mà nó chỉ liên hệ đến một
cá nhân cụ thể nào đó. Tương quan này
cũng chỉ giới hạn ở mức độ định danh một người nào thôi, không cho ta biết gì
hơn về con người đó. Đấy là tất cả những
nét riêng của tên riêng và thực từ.
Tuy tách riêng như vậy, giữa các thực từ và
tên riêng vẫn có chút quan hệ qua lại.
Trước hết, ta thấy tên riêng thường rút ra từ kho từ vựng chung; các tên
riêng lại thường sử dụng các thực từ chứ không – hay hoạ hoằn – dùng hư từ. Một người tên Tuấn, chính là lấy từ “tuấn”
(nghĩa là tốt đẹp) trong vốn từ chung vậy.
Có nhiều trường hợp, một từ nào đó trong vốn
từ chung đã trở thành một tên riêng gán cho một người nào đó. Loại tên này thường được gọi là xước danh/hỗn
danh: Ba sứt môi, Tư thọt,
Hóng tiên sinh...
Cũng trong mối liên hệ này, ta thấy không ít
các tên riêng đã trở thành một từ trong kho từ vựng chung bao hàm một khái niệm
về một loại sự vật/sự kiện có cùng một tính cách: những nàng Kiều không
phải chỉ một Thuý Kiều trong truyện thơ của Nguyễn Du nữa, mà trở nên một tên
chung chỉ những người phụ nữ có cùng một cảnh ngộ trầm luân ba chìm bảy nổi ở đời.
Những nét riêng chung về ý nghĩa của tên
riêng nói trên không những đúng cho trường hợp tiếng Việt chúng ta mà còn có thể
gặp cả trong mọi ngôn ngữ. Bởi lẽ rằng
đó là những nét nghĩa đặc biệt của tên riêng, một đặc sản của nhân loại chỉ
dành riêng cho họ mà thôi.
Khi đặt tên riêng cho mỗi người con, cha mẹ
nào cũng mặc nhiên ý thức về sự phân biệt cá nhân này và những cá nhân
khác. Ý thức về cá thể hoá có thể xem là
ý thức chung của bất kì dân tộc nào. Người
Việt chúng ta biểu trưng cho mỗi con người một tên riêng theo kiểu thức nào? Có
gia đình đặt tên cho con cái có cùng một âm phụ đầu (Minh, Mẫn, Mạnh, Miễn...),
một vần (Hiền, Thuyên, Kiện, Điển...), hoặc có khi cùng một tiếng đệm (Hồng
Phương, Ngọc Phương, Lan Phương...)... Có thể kéo dài không hết những kiểu dáng
riêng như vậy. Một số người Anh gốc
Germanic cũng ưa chuộng kiểu đặt tên riêng này, và họ gọi là phương thức alliteration:
Những người con của ông Merewald nào đó có tên là Mildthryth, Mildburh,
Mildgyth [3].
Cùng một ý thức cá thể hoá mà người Việt vẫn
có những quan niệm khác với người phương tây ở cách phân biệt. Nếu người phương tây chỉ dùng tên để phân biệt
trong nhà với nhau, thì người Việt lại quan niệm tên đẻ là để phân biệt từng cá
nhân với nhau ở ngoài xã hội lẫn trong gia đình. Lí thú thay, hai quan niệm
khác nhau lại cùng gặp nhau ở điểm chung này; phần phân biệt cá nhân – cá nhân
ngoài xã hội phải căn cứ vào phần cuối.
So sánh:
Nguyễn
Văn Huấn John F. Kennedy
Phần đầu của tên Việt Nam là họ, chỉ
khoảng 300, một con số rất hạn chế, do đó dễ trùng lắp. Phần đầu (first name) của
người phương tây cũng thế thôi, chỉ một số rất giới hạn, không thể không nhờ bộ
phận họ (surname- tên để xưng hô chỗ công cộng) giúp phân biệt, nhờ thế
ta không lẫn John F. Kennedy với John F. Smith. Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra
ông Huấn họ Nguyễn của ta không phải ông Huấn họ Cù (Cù Đình Huấn) chẳng hạn. Xem thế mới rõ là cái logic riêng /chung ở
đây khá tế nhị. Đảo ngược cái tên riêng
Việt Nam không những là đảo lộn trật tự phân biệt mà cũng phá luôn cái logic của
ngôn ngữ, của tư duy dân tộc. Ở chỗ công
cộng, người phương tây gọi phần cuối của tên Mr Kennedy là đúng với trật
tự logic của sự cá thể hoá tên người; trật tự ấy và logic ấy ở người Việt chúng
ta cũng có, cũng ở phần cuối, và ta gọi tên ông Nguyễn Văn Huấn trên kia như thế
này: Ông Huấn.
Tên riêng là để phân biệt cá nhân với nhau,
nhưng trong một gia đình, một giòng họ, người ta lại muốn đạt một yêu cầu khác
khá nghịch lí: ý thức liên tục truyền thừa. Người phương tây hay người Việt đều có ý thức kính trọng công ơn tổ
tiên, nhưng cách biểu hiện lại rất khác
xa nhau: Tây có thể dùng lại tên đẻ của người mẹ yêu quý để đặt cho đứa con gái
đầu lòng của mình để tỏ tình yêu thương trân trọng; mô thức này có thể lập lại
với tên cha, tên ông bà nhiều đời trước nữa. Trong cộng đồng dân tộc Việt, ý thức kính trọng tổ tiên lại biểu hiện ở
việc kiêng tên. Lấy tên ông bà đặt cho
con cháu là hình thức xúc phạm, bất kính, thậm chí bất hiếu.
Người Việt chúng ta thể hiện ý thức truyền thừa
dòng họ ở nhiều hình thái khác nhau [4],
riêng ở khía cạnh đặt tên, ý thức này thể hiện rõ nét ở niềm kì vọng vào tương
lai đứa con qua cái tên: tên đẻ cần có ý nghĩa tốt đẹp đã đành, lại còn phải chọn
tên con sao cho tốt hơn cha, “đè” lên tên cha mới tốt: bố tên Mẫn chẳng
hạn, không ngần ngại gì đặt tên Minh cho con, vì Minh thường đi trước, đứng trên Mẫn. Ngô Thì Sĩ (仕)
đặt tên cho con trưởng của mình là Ngô Thì Nhậm (任)
chính là thể hiện kì vọng vào đứa con, vì Nhậm hơn hẳn Sĩ một nét viết!
Tuy vậy, không phải ý thức tự hào về gia
đình, dòng họ có thể đẩy xa đến sự kiêu ngạo, lố bịch. Những cái tên bộc lộ rõ quá những ý nghĩa cao
quý tốt đẹp, không phải là những cái tên lành: cho dù hôm nay, chúng ta không
còn ở thời kì phong kiến nữa rồi, tự do rồi, nhưng nghe cái tên Vũ Thiên Hoàng
vẫn thấy “thế nào” ấy, vì ý nghĩa Thiên Hoàng rất là cao ngạo, hợm
hĩnh. Người Việt rất “kiêng” những cái
tên “anh hoa phát tiết” thái quá như vậy, phải chăng là thể hiện ý thức muốn bảo
lưu dòng họ gia đình một cách “phải chăng” để được bền lâu, không muốn “một
phút huy hoàng rồi chợt tối” vì cái tên đẹp nhưng không lành. Tâm thức này không
chỉ riêng đối với một dân tộc nào đâu, đó chỉ là biểu hiện đức khiêm tốn lẫn niềm
kì vọng sâu xa vào tương lai con cháu, là biểu hiện của cái chín (văn
hoá nhân bản) đã vượt lên khỏi cái sống man dã của muông thú. Ở đây cũng nên chú ý rằng quan niệm về sống/chín
không dứt khoát như nhau ở mọi cộng đồng xã hội, cho nên khó có thể dùng khuôn
thước sinh hoạt ở một xã hội này để đánh giá một xã hội khác.
Bàn về tên riêng người Việt, cũng không thể bỏ
qua lối xưng hô trong xã hội Việt Nam. Tên người không chỉ được gọi trần trụi
mà thường kèm một tiếng chỉ định vai trò, địa vị trong gia đình hay ngoài xã hội
của người được gọi tên. Sự kiện này không chỉ thấy trong việc gọi tên ở trong
gia đình mà còn cả ở ngoài xã hội nữa. Vì thế cho nên ta gọi anh giáo Thức,
ông kĩ sư Ngà, thủ tướng MacMillan ... (tiếng chỉ tước vị + bộ phận
tên để phân biệt) hay Ông Đinh Trí Thức, thủ tướng Rajib Ghandi (tiếng
chỉ tước vị + tên đầy đủ).
Dưới đây là một vài minh hoạ về lối gọi tên của người Việt. Người Việt
không thể gọi tên nhau trần trụi mà không bị chê trách là khiếm nhã (a), trừ
phi chúng ta muốn tỏ tình thân thiện với nhau (b) hoặc có ý khinh rẻ (c)
(a)
Ông Quang làm hộ tôi việc
này.
(b)
Quang làm hộ tôi việc này.
(c)
Nguyễn Văn Quang can tội lường
gạt, y bị kết án tù.
Ý
nghĩa việc gọi trần tên đầy đủ trong văn học lại có một sắc thái khác nữa:
(d)
Nguyễn Công Trứ là một mẫu
người giàu nghị lực nên
thơ văn ông cũng nồng nàn tính lạc quan yêu đời.
thơ văn ông cũng nồng nàn tính lạc quan yêu đời.
Phong cách này được du nhập từ cách hành văn
phương tây khi nhắc nhở đến một nhân vật tiếng tăm, được công luận công nhiên
thừa nhận thế giá. Hiện tượng này trái
ngược với lối gọi tên trần ở câu (c) thường chỉ dùng cho những con người đáng
xem thường.
Đặc trưng nói trên đã ít nhiều đối lập với lối
gọi tên trần của người phương tây. Khi gọi
tên có kèm tiếng chỉ tước vị, người phương tây cũng dùng bộ phận cuối của tên,
nhưng lại có ý nghĩa lịch sự, trịnh trọng chứ không có màu sắc tình cảm như lối
nói của người Việt.
Khi không cần rào đón, lễ nghi, người phương
tây chỉ gọi bộ phận đầu của tên (first name) là đủ, không kể tuổi tác, đẳng trật
trong gia đình, ngoài xã hội của nhau.
Người Việt được học tập ý thức đẳng trật xã hội
từ khi tập gọi tên nhau ở tuổi còn thơ.
Em phải gọi anh chị kèm theo vị thứ trong nhà:
(đ)
Anh Hiển ơi, đợi em với.
Bạn đồng liêu, đồng sự với nhau không quên ý
thức về tuổi tác (e) địa vị (g) hoặc đơn giản hơn, kính trọng một người trưởng
thành trong xã hội (h):
(e)
Chú
Hải nhớ gọi dây nói cho chúng cháu nhá.
Chị sao hộ em bản thông báo này.
(g)
Ông Giám Đốc
đi vắng rồi.
(h)
Bác
Dương thôi đã thôi rồi... (thơ Nguyễn
Khuyến)
Ý thức về tôn ti đẳng trật xã hội trong việc
gọi tên nhau không nên lí giải như một phản ánh tâm thức phong kiến lạc hậu của
người phương đông – vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ nho gia – mà đặt
trong toàn khối sinh hoạt trí thức dân tộc, ý thức trên chỉ nói lên quan niệm
nhân hậu của người Việt trong quan hệ giữa người với người. Khi người cha già gọi người con lớn như thế
này:
(i) Anh có ra phố thì mua hộ thầy gói
thuốc lá.
Hay khi hai người bạn cùng lứa nói chuyện với
nhau xưng hô tôi/bác thì không cứ phải già nua tuổi tác như Nguyễn
Khuyến (h), mà tuổi trung niên ở Việt Nam ở thế kỉ XX này vẫn còn dùng lối nói ấy.
Ở đằng sau lối xưng hô ấy là cả gia sản về tinh thần truyền thống dân tộc. Đó là ý thức “đôn hồ nhân, cố năng ái” bàng bạc
trong lối ứng xử ngoài xã hội và trong gia đình ở vào những hoàn cảnh đất nước
an lành và tinh thần truyền thống dân tộc chưa bị chao đảo trong những đợt va
chạm về mặt văn hoá.
Tóm lại, tên riêng người Việt và những hiện
tượng chung quanh nó đã cho thấy rõ một điều: cái tên không chỉ là cái vỏ danh
xưng, mà gói bên trong nó là cả một loạt những ý nghĩa phản ánh những nét riêng
của sinh hoạt văn hoá dân tộc bên cạnh những nét chung của hình thái sinh hoạt
ý thức trong cộng đồng nhân loại. Nhận
biết những nét chung và riêng ấy không chỉ đơn thuần là công việc của người
nghiên cứu, mà là cả trong kinh nghiệm sử dụng và ý thức bảo trọng của mỗi người
chúng ta nữa.
Đoàn Xuân Kiên
Tập san Việt Báo (London, th. 12/86)
Xem
Nguyễn Bạt Tuỵ, “Tên người Việt Nam “, Kỷ yếu Hội
Khuyến Học Nam Việt, Janvier 1954, tr 47-77.
Nguyễn Đình Hoà , “Vietnamse Names and Titles”, Asian Culture, Saigon, Vol 2, No 2, June
1960, tr.117-131.
Hoàng
Tuệ, “Về tên riêng” in trong Chuẩn
hoá chính tả và thuật ngữ. Nxb Giáo Dục, H, 1984, tr77-91.
Nhất
Thanh, Đất Lề Quê Thói. Nam Chi Tùng
Thư, Sài Gòn, 1971, tr. 34-52
Toan Ánh, Nếp
Cũ- Con Người Việt Nam. Nam Chi Tùng Thư,Sài Gòn 1967, Tr.46-55.
[3] E.G Withycombe, The Oxford
Dictionary of English Christian names, 3rd ed. Oxford, 1977,tr. XXXIII
[4] Từ thời kì Bắc thuộc (43 - 939 SCN) gần nghìn năm, người Việt chịu ảnh hưởng sâu đậm
của chế độ gia đình phụ hệ Trung Hoa, xem trọng con trai vì là kẻ kế thừa dòng
họ.
No comments:
Post a Comment