Tuesday 12 June 2018


Những cánh mộng dở dang
lẩn khuất trong trang viết cũ




Tháng 4/1970, Sài Gòn lại trải qua những ngày bất ổn định. Trường đại học đóng cửa vì bãi khoá. Đường phố đầy bóng cảnh sát, có nơi bị phong toả kẽm gai chống biểu tình.

Tôi có thì giờ suy nghiệm lại những gì thu hái được từ bốn năm dùi mài ở khuôn viên hai ba trường đại hoc. Và thấy là ít ỏi quá. Một năm say mê với những bài giảng tại Vạn Hạnh còn để lại nhiều hứng thú nội tâm. Bốn năm lê la các giảng đường Văn Khoa và Sư Phạm không để lại gì nhiều trong trí. Chắt lọc lại thì cũng có vài kỉ niệm đáng nhớ. Một vị thầy đáng kính thì chỉ vào đọc lại những gì ông viết trước và đã in ra sách mà tôi thì là con mọt sách đã nghiến chúng từ trước khi vào lớp của thầy. Một vị khác dạy văn học sử VN áp dụng rất máy móc vụng về quan điểm "thế hệ" mà tôi đã được biết qua bản dịch cuốn sách của Albérès, đã khiến cậu bé 19 tuổi phóng bút một bức thư dài gần 20 trang pelure gửi thầy, xem như kết toán khá sớm một khoá giảng trọn năm Dự bị. Một vị thầy khác thật đáng nhớ qua phong thái khoan thai mặc dù mặt mũi hôm nào cũng đỏ gay như say rượu, lừ đừ xuống xe xích lô, vào lớp là nối ngay bài giảng từ tuần trước, nhưng không hề có bài soạn sẵn trong tay. 

Tôi trân trọng những giờ học quý hiếm với những vị thầy cổ học mà trí nhớ còn minh mẫn như chưa hề lão hoá so với tuổi đời các vị; các thầy như những bộ từ điển sống về Việt học, Hán học, văn hoá đông phương mà thế hệ chúng tôi còn may mắn thụ giáo. Tôi trân quý tình thầy trò mà một nhà ngữ học tôi nể trọng từ khi đọc sách thầy ở Đà Nẵng đã ưu ái đối với một sinh viên trẻ; thầy đã cho tôi thừa thụ kiến thức từ kho sách nhỏ nhưng chắt lọc về ngữ học hiện đại ở thời điểm những năm 70...

Rốt lại thì kỉ niệm về bốn năm ở SG chỉ là những ân tình. Nhìn về con đường tôi sắp đi tới, bỗng thấy ngán ngẩm vì những bất cập của nó. Hai bài viết dưới đây là kết quả của những suy nghĩ ấy. Nó đưa đường cho những cao vọng về sau này. Có thể gọi những ước vọng của thời tuổi trẻ ấy là những cánh mộng dở dang khi diều đứt dây, khi rồng mất mây...

Giờ đây, sau 48 năm, đọc lại, nhiều ý kiến của chàng tuổi trẻ tỏ rõ sự non nớt, ảo tưởng. Dầu vậy, chúng vẫn có thể thực chứng cho một tấc lòng son gửi lại cho những người đang tới...

                                                             ĐXK


Quốc Văn Trong Học Đường


Lê Nguyên Thuỵ



Bầu không khí sinh hoạt giáo dục bấy lâu nay được khuấy động không ngớt; từ cuộc phỏng vấn về cải tổ giáo dục của Tổng hội Sinh viên Sài gòn (1) đến một vài thay đổi trong lãnh vực giáo dục của nhà nước, tất cả như một "biến cố" khiến những người bàng quan nhất cũng phải chú tâm đến. Người ta bàn tán với nhau về chuyện thay đổi hệ thống giáo dục cũ sang hệ thống 12 năm; người ta bàn tán với nhau về trường trung học tổng hợp đang được thí nghiêm tại vài địa phương; người ta bàn về những dự án cải tổ chương trình...

Chúng tôi thiết nghĩ dù cho cải tổ gì đi nữa thì cũng không gì cấp thiết bằng cải tổ nội dung của công tác giáo huấn, nghĩa là vấn đề chương trình học vẫn là vấn đề hàng đầu. Nghĩ thế nên chúng tôi không quản tài sơ trí mọn, mạnh dạn góp ý với những vị có thẩm quyền trong giơi giáo dục một vài ý nghĩ của chúng tôi về vấn đề quốc văn trong học đường.

I. TÌNH TRẠNG QUỐC VĂN BÂY GIỜ

Dù thế nào đi nữa, quốc văn vẫn là môn học căn bàn để cho người Việt thành người Việt; thế mà lâu nay, vì lẽ này lẽ nọ, quốc văn bị bỏ bê một cách não nề. Cứ đọc những bài luận văn của học trò bây giờ là thấy ngay học trò bây giờ xa lạ với tiếng mẹ đẻ biết chừng nào. Nguyên do của sự tệ hại ấy thật phức tạp, nhưng đại khái có thể quy vào những lẽ sau đây:

1. Chưa quan niệm nghiêm chỉnh thế nào là tiếng Việt và thế nào là Việt văn. Đây là một tiền đề căn bản mà hầu hết các giáo sư quốc văn đều vô tình hay cố ý quên lãng; bởi lẽ phải có một trình độ hiểu biết đầy đủ về tiếng Việt mới có thể học Việt văn được. Hiện nay trong chương trình trung học chưa thấy nhấn mạnh về điểm đó. Giáo sư thì thường không dám đặt vấn đề đó ra vì lẽ rất phiền toái; thành thử học sinh cứ phải nghe thầy rung đùi ngâm thơ cổ kiểu như thơ Bà Huyện Thanh Quan, mặc dù chúng chẳng thấy thú vị gì.

2. Chương trình xếp đặt không hợp lý: hiện nay, sự phân phối chương trình học quốc văn vẫn coi như dừng lại ở mức khởi hành (chương trình Hoàng Xuân Hãn, 1945); có thay đổi chăng thì cũng chỉ là những thay đổi cục bộ, chưa đi đến đâu cả. Chẳng hạn, riêng các tác giả thuộc thời kỳ văn học tiền bán thế kỷ XIX thôi mà học trò phải học đến hai lần (một ở lớp đệ tứ và một ở lớp đệ nhị); trường hợp ba tác giả thuộc văn đoàn Tự Lực được đưa vào chương trình lớp đệ nhị cũng là đề tài đáng nói, vì lẽ: nếu muốn học sinh hiểu biết về văn học mới thì chừng ấy tác giả chưa gọi là đủ, nếu muốn học sinh hiểu biết về vai trò cách mạng của Tự Lực Văn Đoàn thì càng nên xét lại.

3. Thiên trọng về giảng văn: từ khi vào lớp đệ thất cho đến khi thi tú tài I, học sinh thường bị nghẹt thở vì sức nặng của những bài văn, nhất là những bài cổ văn chi chít chú thích chữ cổ và điển tích. Hầu như thì giờ học quốc văn đều dồn cả vào học cổ văn, khiến cho học sinh ngỡ là văn chương Việt Nam chỉ có thế thôi. Vì quan niệm học quốc văn là học giảng văn nên học sinh ít được hướng dẫn cách viết một câu cho "đúng mẹo", viết một lá thư cho đúng kiểu, làm bài luận có trật tự.

4. Không cập nhật hoá chương trình quốc văn: Đa số các học sinh ở cấp Tú tài, kể cả ban văn chương, khi rời khỏi trường học đều rất mù mờ về kiến thức văn chương hiện đại của nước nhà. Họ như bị đẩy lùi lại quá xa trước nền văn chương sống đang có mặt trên đất nước họ. Đầu óc họ chật ních những Nhị thập tứ hiếu, Gia huấn ca, Lục Vân Tiên, Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Công Trứ... Cùng lắm thì có thể kể thêm Phạm Quỳnh, Tự Lực Văn Đoàn. Ở đây tưởng cũng nên nhắc lại điểm độc đáo của những người đưa Tự Lực Văn Đoàn vào trường trung học từ rất sớm. Dấu vết hiển nhiên là những chương sách trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm. Kể từ khi ấy đến nay đã gần ba mươi năm rồi  mà chương trình vẫn còn dẫm chân tại chỗ. Quan niệm cho rằng chỉ nên dạy cho học sinh những tác giả đã trở thành "cổ điển" chỉ là quan niệm lười biếng của những giáo sư lười biếng mà thôi.

5. Thiếu giáo sư có khả năng: Hiện nay, việc đào tạo giáo sư quốc văn các lớp trung học đều giao cho các Đại Học Sư Phạm. Những sinh viên được huấn luyện để trở thành thầy giáo quốc văn thường phải đi nghe giảng trung bình 24 giờ mỗi tuần, gồm có: 8 giờ về cổ học (trong số có 2 giờ chữ nôm và 4 giờ hán văn) và 8 giờ kiến thức chuyên môn về việt học, và số giờ còn lại dành cho ngành chuyên nghiệp (sư phạm). Đại khái, chương trình vừa nặng nề vừa vô bổ cho một giáo sư trung học vì số giờ dành cho cổ học chỉ có mỗi mục đích: để thử thách sinh viên trong kỳ thi lên lớp cuối năm. Thực tế chứng minh rất rõ ràng là: hầu hết những sinh viên gốc Tàu và những sinh viên Việt thuần tuý không biết gì về văn chương Việt Nam lại là những sinh viên đậu cao hơn những sinh viên cặm cụi đọc sách. Nói thế nghĩa là lối tổ chức thi tuyển cùng lối phân phối chương trình học còn quá nhiều sơ hở, thiếu sót, không đánh giá đúng mức khả năng sinh viên.

Với số vốn èo uột về Việt học,với trình độ Việt ngữ chưa đủ để nói chuyện, thử hỏi các sinh viên khi ra trường sẽ xoay xở làm sao với đám học trò đệ nhị cấp? Số vốn Hán văn (văn cổ) còn có đôi chút đắc dụng khi soạn bài giảng các tác giả cổ điển; nhưng với các tác giả cận/hiện đại thì sao?

Chính thái độ tắc trách của những vị giáo sư Đại Học Sư Phạm đã tiếp tay cho bệnh ấu trĩ của các giáo sư trung học trẻ.


                        II. MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ

1. Quan niệm vấn đề dạy quốc văn và dạy quốc ngữ

Không thể lẫn lộn việc dạy văn chương Việt và dạy tiếng Việt, nhất là đối với học sinh các lớp nhỏ, chưa xa thời còn học tiểu học là mấy. Với những học sinh nhỏ tuổi, điều cần thiết là cung cấp cho chúng một kiến thức về Việt ngữ khả dĩ giúp chúng một cách hữu hiệu trong đời sống hằng ngày: giao thiệp, thư tín... Chỉ dành phần văn chương Việt cho các lớp lớn mà thôi.

Khi đã quan niệm đứng đắn thế nào là học tiếng Việt và thế nào là học văn Việt thì công việc giảng dạy của giáo sư mới bớt lúng túng, và học trò mới học đến nơi đến chốn được.  Thật là phí công cho cả thầy lẫn trò, với số tuổi trung bình chưa quá 13, cứ phải nghe mãi những câu thơ "sấm" trong Bích câu kỳ ngộ chẳng hạn, rặt những điển cố cùng mỹ từ pháp hóc búa.

2. Duyệt lại toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam: công việc này không thể bỏ quên được. Từ khi tập Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm (2) ra đời đến nay đã hơn 25 năm. Trong khoảng thời gian này đã có rất nhiều tài liệu được phát hiện, làm đảo lộn những kết luận của cuốn sách trên. Do vậy, việc duyệt soát lại các tài liệu cũ là bước cần thiết mở đầu cho việc soạn thảo một khoá bản cho bậc trung học. Vả lại chỉ khi nào có một khoá bản nhất định, công việc phân phối chương trình cho các lớp mới tránh được nạn xào xáo vô trật tự như hiện nay.

3. Với các lớp nhỏ (3), công việc giảng dạy cần chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh cách viết đúng một câu văn, viết nổi bài luận miêu tả và viết thư một cách có trật tự. Công việc giảng văn chỉ nên chú trọng các bài văn xuôi giản dị của các nhà văn cận, hiện đại. Ngoài ra, chính tả và ngữ pháp cũng cần phải xét lại: cần phối hợp bài học ngữ pháp với bài chính tả để tạo cơ hội cụ thể cho học sinh dễ thấu đáo. Vấn đề cung cấp số vốn tiếng Hán Việt cũng nên bắt đầu từ lớp 6; tuy nhiên, học tiếng Hán Việt không có nghĩa là phải học chữ Hán như quan niệm phổ thông từ trước đến giờ.

4. Cần đặt lại ranh giới hai ban C và D ở bậc trung học chuyên khoa. Nên khuyến khích học sinh lựa chọn ban theo đúng khả năng của chúng. Chúng tôi nghĩ nên gọi ban C là ban văn chương hiện đại và ban D là ban văn chương cổ điển. Phân chia như vậy có điểm lợi là có thể giải quyết được vấn đề cập nhật hoá chương trình quốc văn (ban C) cũng như có thể giải quyết được vấn đề học hỏi văn chương cổ điển (ban D).

Riêng với ban C và D chương trình văn chương cần nâng lên lớp 12, ngõ hầu giúp học sinh được hoàn tất công việc học hỏi văn chương nước nhà của chúng một cách đầy đủ. Như vậy, trong ba năm liên tục, học sinh được hoàn toàn tự do và hứng thú học hỏi văn chương; do vậy kết quả thu thập được bền và phong phú hơn là ép buộc chúng phải học dông học dài trong suốt 7 năm trung học với thái độ uể oải, tắc trách.

5. Hướng dẫn thấu đáo cách suy luận: với lớp tuổi trung bình từ 14 đến 16, học sinh thường tỏ ra ham thích lý luận. Đây là thời gian tốt nhất để hướng dẫn chúng một cách đầy đủ những phương pháp suy luận khả dĩ giúp đỡ chúng thành công trong các bài văn nghị luận. Về giảng văn, thiết tưởng những bài nghị luận danh tiếng trong văn học Việt Nam đủ giúp chúng một kiến thức toàn diện về tiếng Việt. Ở lớp tuổi này, việc dạy phân tích câu (cú pháp) đủ để tạo căn bản vững chắc về ngữ pháp Việt Nam.

6. Ngoài ra, công việc học quốc văn của học sinh cần được hỗ trợ bằng những bài thuyết trình tại lớp, để huấn luyện cho chúng có được một khả năng hùng biện, hay khiêm nhường hơn, một khả năng ăn nói trôi chảy.

7. Duyệt lại học trình của ban Việt Hán của Đại Học Sư Phạm: Như đã trình bày, hiện giờ chương trình Việt học (chuyên môn) của ban Việt Hán chưa đáp ứng nổi những đòi hỏi cần thiết cho một giáo sư văn chương; chương trình cổ học quá nặng nề không cần thiết: sinh viên phải học chữ Hán, chữ Nôm, ngoài ra còn phải học cả văn bạch thoại và cả tiếng quan thoại nữa! Mục đích của chương trình cổ học đã bị sai lạc một cách thảm hại.

Có thể nói người sinh viên Việt Hán trong trường Đại Học Sư Phạm được đào tạo làm chuyên viên nghiên cứu - nếu được phép nói thế- hơn là làm giáo sư trung học. Nếu hiểu giáo sư trung học là người dạy tiếng Việt, và hướng dẫn học sinh phương pháp lập ý, suy luận và giảng dạy văn chương Việt Nam cổ điển và cận, hiện đại thì với chương trình huấn luyện hiện giờ, chưa đâu vào đâu cả; cùng lắm là đào tạo thành những giáo sư chuyên dạy Hán tự, mà môn này lại chỉ dành riêng cho ban D thôi; các lớp khác chỉ cần biết tiếng Hán Việt cũng đủ.

Tóm lại, với những ý nghĩ trên đây, chúng tôi mong được làm một tiếng nói với những tiếng nói thẩm quyền khác về một vấn đề đang trở thành thời sự trong giới giáo dục nước nhà. Chúng tôi cũng cần thưa một lời cuối nữa là mặc dù những nhận xét và đề nghị của chúng tôi chỉ giới hạn ở các lớp trung học, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ là vấn đề quốc văn và quốc ngữ trong học đường cần phải liên tục từ cấp tiểu học. Tuy nhiên vì chưa tìm hiểu kỹ chương trình quốc văn và quốc ngữ ở các lớp đó nên chúng tôi không dám lạm bàn. Mong các vị giáo chức liên hệ chỉ giáo cho. Muôn vàn cảm tạ.

                                                                 Lê Nguyên Thuỵ
      (Báo Chính Luận, ngày 22/04/1970. tr. 7 & 23/04/1970, tr. 7.)

(1) Xin đọc : tạp chí Đất Nước số 16 (tháng 1 - 1970)
(2) Sách đã được chuẩn nhận làm sách giáo khoa bậc trung học từ lâu.
(3) Theo thiển ý chúng tôi, có thể phân hạng tuổi, các học sinh trung học làm ba lớp: lớp nhỏ: tương ứng  với các lớp 6 và 7; lớp trung bình: tương ứng với các lớp 8-9 và 10; lớp lớn: tương ứng với lớp 11 và 12.


VIỆT VĂN LỚP 12 ?

Lê Nguyên Thuỵ


Từ trước đến nay, người ta chưa hề nghe nói đến Việt văn lớp đệ nhất (lớp 12 mới); nay kẻ này viết hàng chữ trên đây hẳn là muốn lập dị chăng? Thật ra, khi viết bốn tiêng đơn giản làm đầu đề cho bài viết hôm nay, chúng tôi không hề nuôi ý đồ lập dị với những gì đang được gọi là truyền thống, đang được coi là bình thường trong chương trình giáo dục cấp trung học; trái lại, chúng tôi muốn được góp ý với các thức giả về một sự kiện phức tạp và nghiêm trọng của trung học Việt Nam: có nên đưa quốc văn lên lớp 12 (đệ nhất cũ) không?

Chúng tôi nói quan trọng là vì việc đem Việt văn lên lớp 12 sẽ kéo theo những vấn đề quan trọng khác như việc chuẩn bị tài liệu giáo khoa, việc thay đổi toàn diện chương trình Việt văn trung học, và còn vấn đề thiếu hụt nhân viên giảng huấn có thể xảy ra lúc ban đầu. Có lẽ vì phức tạp như thế nên mới xảy ra những tranh luận sôi nổi giữa phái bảo thủ và phái cấp tiến trong Hội đồng cải tổ giáo dục nhóm tại trường Sư Phạm Sài Gòn cách đây hai tháng? Người đầu tiên đem vấn đề này ra trước Hội đồng là giáo sư Lê Hữu Mục (trường ĐHSP Sàigòn).

Nhưng mặc dù vấn đề có phức tạp, khó khăn, thiết tưởng những ai quan tâm đến giáo dục, thao thức tìm đường mới cho giáo dục nước nhà cần để ý tìm hiểu. Chúng tôi chưa được biết và rất mong được biết, những lý do khiến giáo sư Lê Hữu Mục lên tiếng về việc đưa Việt văn lên lớp 12. Chúng tôi chưa thoả mãn về lý do khiến giáo sư bênh vực cho ý kiến của ông là để thoả đáp quyền lơi được chấm thi tú tài II, như lời tường thuật của ông Đoàn Dự trên một tờ nhật báo nọ.

Riêng chúng tôi thấy phải đưa việt văn lên lớp 12 vì những lẽ sau đây:

- Nhu cầu liên tục của môn học văn chương Việt của học sinh Việt, nhất là ban văn chương. Không phải phân bì với các ban khác, các môn học khác, nhưng là vì không phải dựa lý do gì để cắt bỏ nó đi; cũng không phải thêm bớt một năm học đã ảnh hưởng đến sự kém cỏi quốc văn của học trò, mà chỉ vì không thể cắt bỏ không lý do một môn học quan thiết cả một đời người.

- Nhu cầu cập nhật hoá chương trình văn chương Việt Nam hiện là vấn đề quan hệ cho một học sinh sắp giã từ cửa ngõ trung học. Giáo dục quần chúng là phải đưa quần chúng đến cuộc đời trước mặt chứ không thể chỉ bắt quần chúng lùi quá xa về quá khứ bụi mờ để rồi tầm mắt chỉ còn thấy có quá khứ.

                                                1

Khi nói rằng cần đem Việt văn lên lớp 12, chúng tôi nhận thấy vấp phải việc thu xếp vị trí,vai trò của hai môn học triết học và văn chương ở lớp 12. Rất tiếc, chúng tôi chưa được tìm hiểu kỹ ý kiến về việc dạy triết ở trung học trong cuộc hội thảo giữa những giáo sư dạy triết tổ chức cách đây không lâu. Nhưng chúng tôi xin mạo muội đưa ý kiến riêng về chương trình triết học lớp 12 hiện hành:

Chúng tôi nghĩ, chương trình triết học lớp 12 hiện còn đang vướng nhiều khuyết điểm: trước hết, môn triết rất nặng nề và cổ điển. Trong một năm ngắn ngủi, học sinh phải học đủ những ngành triết: Luận lý, Đạo đức, Tâm lý, Siêu hình, Triết đông. Vì học quá nhiều nên kiến thức của học sinh không thể nào đầy đủ gọi là có "căn bản" về triết học. Đã thế, những điều giảng dạy trong chương trình lại quá cũ, có khi bị vượt qua từ lâu; ví dụ: trong khi Âu Mỹ đã tiến đến ngành Tâm lý học thực nghiệm thì học sinh Việt vẫn còn le te chạy đuổi theo Tâm lý học thuần lý. Ngoài ra, cũng cần thêm rằng môn triết kinh viện hiện hành quá xa cách với đời sống, đã đưa đến bệnh thông thái hão trong đầu óc học sinh, trở thành môn trang sức rởm cho một số học sinh, trong khi thực chất của môn học không phải thế. Vì những khuyết điểm trên, chương trình triết học lớp 12 chỉ là một thử thách cho học sinh trong kỳ thi, hơn là giúp kiến thức cho chúng.
Do vậy, phải quan định lại vai trò của triết học ở lớp 12, Triết hoc lớp 12 không nên- và không thể- ra ngoài mục đích trao kiến thức căn bản về triết lý cho học sinh,để sửa soạn cho chúng một thái độ suy nghĩ, thái độ sống khi rời mái trường trung học, hay là để giúp chúng một bước đầu quan trọng cho việc nghiên cứu triết học ở cấp đại học. Ngoài ra, triết học lớp 12 cũng cần giúp học sinh óc phân tich, óc hệ thống để chúng nhìn lại, tìm hiểu văn chương VN. Thế thì chương trình học lớp 12 cần được dọn lại để xứng hợp với vai trò của nó. Chúng tôi muốn nói là chương trình triết học lớp 12 không cần quá chuyên biệt và nặng nề- do đó cũng choán quá nhiều giờ học - như hiện nay.

Xin trở lại câu chuyện thu xếp địa vị cho giờ quốc văn và giờ triết học lớp 12 bằng trường hợp thí nghiệm của trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức. Trong bản hướng dẫn học sinh chọn ban chuyên khoa, phổ biến vào cuối niên học 1968-69, nhà trường có dành cho học sinh lớp 12 ban văn chương đặc quyền chọn một trong 2 lối: hoăc là học 8 giờ triết, hoặc là 5 giờ triết học + 3 giờ Việt văn mỗi tuần. Thực ra dự định, thí nghiệm của trường THKM Thủ Đức vẫn chỉ là một thí nghiệm chưa có nội dung, vì đến nay trường chưa có lớp 12; nhưng chúng tôi nghĩ đây là giải pháp rất tốt, nếu như nội dung của 5 giờ Triết dành cho những học sinh chọn học cả Việt văn và Triết được cải tổ toàn diện, khiến nó vừa đáp ứng cho nhu cầu học hỏi của cả học sinh chọn học 8 giờ lẫn 5 giờ triết. Đấy là chưa nói đến việc xác định nội dung 3 giờ triết "chuyên biệt" (1) cũng như 3 giờ Việt văn có thực sự xứng đáng với tính cách chuyên biệt của nó chăng.   

                                        2

Thực ra, việc đem quốc văn lên lớp 12 không thể không kéo theo việc cải tổ tận nền tảng chương trình học của ban chuyên khoa.
Trong tình trạng hiện nay,việc dạy Việt văn chưa được hợp lý cho lắm (2). Thiết tưởng muốn cải tổ giáo dục, giới hữu trách phải dứt khoát với quá khứ, không nên dựa vào chương trình cũ mà vá víu cho qua loa được.

1. Điều cần trước tiên là phân định rõ ràng hai cấp học: phổ thông (đệ nhất cấp) - cấp chuyên khoa (đệ nhị cấp). Có phân định rõ như vậy mới bớt lúng túng khi soạn thảo chương trình; bởi vì chúng tôi nghĩ rằng cấp phổ thông và cấp chuyên khoa tuy cùng liên tục nhau nhưng mục tiêu không giống nhau; chẳng hạn môn Việt văn ở cấp phổ thông chỉ nên chú trọng đến việc trau dồi tiếng Việt, học cách thức tác văn bằng cách học những bài văn mẫu và bằng những bài thực tập, trong khi ở cấp chuyên khoa phải hướng trọng tâm về học hỏi văn chương nước nhà.

Khi nói rằng học sinh cấp chuyên khoa học văn chương Việt, chúng tôi muốn nói rằng chỉ ở cấp chuyên khoa mới cần thiết cho học sinh một ý niệm về diễn trình văn học sử VN đồng thời hiểu những sắc thái văn học nước nhà, cổ điển cũng như hiện đại, chứ không cần và không nên dành thì giờ để giảng giải lịch sử văn học ở cấp phổ thông, dù là chỉ 5 giờ trong toàn niên học lớp 9 (đệ tứ cũ) như bây giờ.

2. Hiện nay, ở cấp chuyên khoa có 4 ban: A, B, C, D. Xét riêng chương trình quốc văn ban C và D ta thấy chương trình hiện nay chưa ổn đáng. Chẳng hạn, học sinh ban C chỉ được học văn chương nước nhà từ đời Trần đến 1945, thêm một phần văn chương truyền khẩu. Ghi như vậy chứ thực ra học sinh không được học đầy đủ như vậy; ví dụ khi học văn chương truyền miệng, học sinh chỉ được biết tục ngữ ca dao ,trong khi văn chương truyền miệng không phải chỉ có tục ngữ ca dao mà còn cả truyện truyền miệng, dân ca, chèo, tuồng. Về văn học thành văn, học sinh chỉ thực sự học từ Lê Thánh tông (đời Lê), hoàn toàn bỏ rơi văn học đời Lý, Trần, Hồ; hoặc là về văn học hiện đại, học sinh chỉ được học 3 tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn trong khi văn học mới không phải chỉ có 3 tác giả ấy.

Chừng ấy chương trình học được phân phối cho hai năm học: lớp 10 và lớp 11. Kết quả: sau khi đỗ bằng tú tài 1, học sinh sẽ dần quên mớ kiến thức vốn đã không lấy làm sung mãn về văn học nước nhà, trước khi xong năm học cuối cùng ở Trung học.

3. Ngoài ra, hiện nay chưa có một quan niệm thật tính xác về ban văn chương. Chẳng hạn ban C (văn chương) và ban D (cổ ngữ) thực sự không khác nhau, chỉ khác nhau ở chỗ một bên học hai sinh ngữ, một bên học một sinh ngữ và một cổ ngữ? Thế thì phải gọi ban C là ban văn chương hay sinh ngữ? và ban D là cổ ngữ hay ban văn chương? Chúng tôi cho rằng không thể gọi ban D là ban cổ ngữ hay rộng rãi hơn gọi là "ban cổ điển", bởi lẽ rằng  môn cổ ngữ chỉ là một môn học sinh ngữ 2 của ban C, chứ không hề là một môn học chính yếu. Vả chăng, ở trung học, sinh ngữ hay cổ ngữ chỉ là môn học chung và cần thiết chứ không phải là một ngành riêng biệt như ở trên đại học . Do đó, việc chính danh cho ban C và ban D cũng cần phải đặt ra bên cạnh việc cải tổ chương trình học.

Chúng tôi đề nghị nên quan định lại nội dung và tên gọi của ban văn chương. Nếu bên khoa học có hai ban là ban A (khoa học thực nghiêm), ban B (khoa học thuần lý) thì ngành văn chương cũng có thể có hai ban là ban C (văn chương hiện đại) và ban D (văn chương cổ điển). Lối nhận định như trên có nhiều cái lợi:

Trước hết, lối phân chia ban văn chương hiện đại, văn chương cổ điển có thể giúp đỡ học sinh khi lựa chọn ban; bởi lẽ nếu có những học sinh ưa thích những cái mới, thì cũng có học sinh chuộng cổ (chúng tôi muốn nói đến chuộng văn chương cổ điển chứ không ám chỉ cổ ngữ, mặc dù trong chương trình ban văn chương cổ điển cần có chữ Hán).

Lại nữa, sự phân chia như vậy sẽ giúp học sinh tuy mới chỉ thực sự tìm hiểu văn chương Việt Nam trong ba năm chuyên khoa (3) nhưng cũng đủ thì giờ dể tìm hiểu kỹ lưỡng và hăng say. Kết quả chắc chắn sẽ nhiều hơn là học dông học dài trong cả bảy năm trung học mà vẫn không chút hứng thú gì.

Ngoài ra, việc phân chia ban văn chương hiện đại và văn chương cổ điển cũng có cái lợi là cập nhật hoá được chương trinh quốc văn, giúp cho học sinh làm quen với những trào lưu, những màu sắc mới mẻ đang "sống" trong sinh hoạt văn học hiện đại. Được mở mắt nhìn thấy sinh hoạt văn chương sống động ngay từ khi học ở trung học , tất nhiên học sinh ban văn chương hiện đại sẽ có đầy đủ bản lĩnh khi bước chân khỏi ngưỡng cửa trung học để vào đời hay lên đại học.

                                                3

Khi đã phân định được hai ban văn chương: hiện đại và cổ điển rồi thì việc phân phối chương trình quốc văn các lớp chuyên khoa sẽ không còn nan giải là mấy. Và cũng do đó việc đưa quốc văn lên lớp 12 không còn khó khăn nữa.

Đại để, học sinh ban C và ban D cần được tìm biết những vấn đề sau đây trong giờ quốc văn:

1. Lịch sử văn học Việt nam (tức là giờ văn học sử): học sinh cả hai ban văn chương đều phải cần biết rõ những bước thăng trầm của văn học dân tộc qua quá trình lịch sử; bởi vì không nắm được lịch sử văn học, học sinh sẽ không hiểu thấu đáo những sự kiện văn học khi tìm hiểu các tác giả trong chương trình học. Dĩ nhiên, đối với ban C (văn chương hiện đại), cần chú trọng lịch sử văn học hiện đại hơn; trong khi các học sinh ban D (văn chương cổ điển) thì ngược lại, cần hiểu kỹ hơn về lịch sử văn học cổ điển nước nhà. Thiết tưởng, chương trình văn học sử cần được chu toàn trong hai năm đầu của bậc chuyên khoa (lớp 10 và lớp 11).

2. Tìm hiểu các tác giả tiêu biểu trong lịch sử văn học Việt Nam (tức là giờ giảng văn): song song với chương trình văn học sử, học sinh sẽ được tìm hiểu kỹ từng tác giả quan trọng khả dĩ tiêu biểu cho những thời kỳ văn học. Học sinh ban C sẽ chú trọng đến văn hiện đại, trong khi học sinh ban D sẽ chú trong đến văn cổ điển, và cũng học liên tiếp trong hai năm (lớp 10 và lớp11).

3. Tìm hiểu những sắc thái, những trào lưu văn học hiện diện trong văn học Việt nam (tức giờ khảo luận văn học): học sinh được hướng dẫn tìm hiểu một cách thống quan và toàn bộ những đặc tính văn học nước nhà. Học sinh ban C (văn chương hiện đại) được học về những lý thuyết văn học mới mẻ đang chi phối sinh hoạt văn học hiện đại, tìm những cơn gió nào đã thổi đến văn học Việt nam trong thời hiện đại, tìm những vấn đề văn học, những chủ đề văn học trong thời hiện đại... Học sinh ban D (văn chương cổ điển) sẽ ngược lịch sử để tìm những sắc thái, những khuynh hướng, những lý thuyết văn học đã chi phối văn học cổ điển nuóc nhà;chẳng hạn, học sinh tìm hiểu những nét cá biệt khiến cho thời kỳ 200 năm văn học nhà Lý khác với thời kỳ văn học sau đó..., học sinh tìm hiểu những vấn đề văn học, những chủ đề văn học trong thời cổ điển của nước nhà,
Giờ học này đòi hỏi một trình độ trưởng thành về kiến thức văn học của học sinh, nó cũng cần có óc suy luận tổng hợp tinh tế của học sinh. Do đó, giờ học này nên dành cho học sinh lớp 12, song song với chương trình nhập môn triết học có ghi trong chương trình lớp này.

4. Thực tập tác văn nghị luận văn học (tức là giờ luận văn): thực ra môn luận văn là môn học cần thiết của học sinh từ khi bước chân vào học đường đến khi tốt nghiệp. Nhưng ở bậc trung học, học sinh cần được hướng dẫn về cách tác văn trong suốt mấy năm ở cấp phổ thông. Trên nguyên tắc, khi lên đến ban chuyên khoa, thực tập tác văn chỉ là để tập suy luận sắc bén hơn, đào sâu vấn đề thực tập mà thôi.

Nhân tiện, chúng tôi xin mở dấu ngoặc để nói về giờ học sinh ngữ của ban văn chương C và D. Dĩ nhiên, với học sinh ban C (văn chương hiện đại), vấn đề sinh ngữ chính và phụ là điều bắt buộc: Anh ngữ và Pháp ngữ, riêng với ban D (văn chương cổ điển), vấn đề sinh ngữ và cổ ngữ cần để ý. Hiện nay, ban cổ điển vẫn dạy hai cổ ngữ: La tinh và Hán. Chúng tôi nhận thấy chữ Latin được ghi làm cổ ngữ cho ban cổ điển Việt Nam là cả một vô lý quái gở, bởi lẽ nó không giúp cho học sinh Việt tìm hiểu cổ văn Việt Nam. Chúng tôi nghĩ chỉ cần ghi chữ Hán làm cổ ngữ chính thức cho ban văn chương cổ điển Việt Nam là đủ, cùng lắm là ghi thêm chữ Nôm vào chương trình lớp 12. Chúng tôi đóng ngoặc.

                                                4

Học đường trung học hiện nay đang đòi hỏi một cải tổ sâu rông, vì nhu cầu học hỏi của học sinh đang cấp bách. Nhưng cải tổ không có nghĩa là nuối tiếc quá khứ một cách mù quáng để trở thành chắp vá tạm bợ. Việc đưa môn quốc văn lên lớp 12 không phải là vấn đề đơn giản,nhất đán có thể thực hiện được; nhưng đồng thời nó cũng không phải một ý kiến ảo tưởng hay hẹp hòi để đến nỗi sẽ bị bỏ lơ một cách lười biếng cố chấp. Dù sao vấn đề cũng cần phải được thảo luận nghiêm túc hơn, sâu rộng hơn. Nêu những ý kiến nhỏ trên đây, chúng tôi không có ý nghĩ nào khác hơn là "bàn góp" với những người có trách nhiệm. Chúng tôi mong được các bậc cao minh sẵn lỏng chỉ dạy.

                                                       Lê Nguyên Thuỵ
   (Báo Chính Luận, ngày 08/05/1970. tr. 7 & 09/05/1970, tr. 7.)


 (1) Nói theo các sinh viên dự bị Văn Khoa Saigon trước đây.
(2) Xin đọc: Lê Nguyên Thuỵ, "Quốc Văn trong học đướng". Chính Luận, ngày 22/4/1970 & 23/04/1970.
 (3) Bởi vì, như đã trình bày ở trên, trong 4 năm đầu ở trung học chương trinh không chú trọng nhiều đến văn học sử, văn chương mà chỉ nhắm đến trau dồi quốc ngữ sao cho học sinh giỏi.              












No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...