Wednesday 4 October 2017

tản mạn
những trang bìa sách 
Việt Nam 
nội hoá

Phố Tịnh



Tình cờ tôi lần tìm được trên mạng lưới vài địa chỉ bán sách Việt Nam từ trong nước. Mỗi tựa sách đều có chụp trang bìa bên cạnh mục sách. Là người làm việc khoa học xã hội ở ngoài nước, hẳn nhiên là tôi thấy vui vui vì được tiếp xúc trực tiếp với thị trường sách báo trong nước. Bên cạnh niềm vui, tôi lại có một đôi điều bâng khuâng nghĩ ngợi về những trang bià nhất cuả những quyển sách mới in từ trong nước.

Điều làm tôi bâng khuâng là những trang bià sặc sỡ rất nhiều màu sắc mà người trong nghề vẽ thường gọi là màu nguyên, màu và sắc rất “rợ”. Thôi thì đủ loại màu sắc “đậm đà” đến chói mắt. Nếu màu sắc là chất liệu cuả tranh nghệ thuật thì tranh bià lại có một yêu cầu khác. Khác như thế nào thì chưa biết, nhưng hẳn nhiên là màu sắc chói chan quá đáng thì không phải !

Nhìn ngắm bià sách thì không thể bỏ qua chuyện trình bày kiểu chữ. Trong nghệ thuật vẽ bià có những kiểu dáng thời thượng và thị hiếu dùng kiểu chữ khác nhau qua thời gian. Những năm 40 cuả thế kỉ trước (thế kỉ XX), kiểu chữ trình bày bià thường to, mập, đĩnh đạc. Nhưng từ những thập niên 60 trở đi, khuynh hướng dùng những kiểu chữ thanh, mảnh dần được ưa chuộng.

Cuối cùng là hình ảnh trang trí bià sách. Trước thời kì hội hoạ trừu tượng và lập thể, bià sách thường có khuynh hướng dùng những hình vẽ chân phương, tả thực. Theo thời gian, nghệ thuật trình bày bià sách cũng ngả sang các khuynh hướng tân kì trong nghệ thuật hội hoạ.

Vài mẫu bìa sách mới

Nhưng bià sách là một tổng hợp cuả những yếu tố màu sắc và nét chữ cùng hình ảnh trang trí. Ấn tượng về một trang bià sách không phải là về những chi tiết mà là toàn thể. Nhìn trang bià ta có ấn tượng quyển sách “rẻ tiền” hay “nghệ thuật”. Từ đấy mà có ngã rẽ cuả hai loại nghệ thuật trình bày bià sách: một loại dành cho sách “phổ thông”, “bình dân”, và một loại sách “trí thức”, “nghệ thuật”. Thật ra không thấy có ai đặt vấn đề quy cách vẽ bià sách theo hai kiểu phân loại bià sách như trên. Nhưng trên thực tế thì đã như vậy. Bước vào rừng sách ở bất cứ nước nào bây giờ cũng có thể nhận ra hai loại bià sách như thế, và lắm khi chỉ nhìn qua kiểu trình bày bià một quyển sách trưng bày trong tủ kính ta cũng có thể đoán được trình độ cuả độc giả mà sách muốn nhắm tới.

Những trang bià sách trong nước hôm nay thật là gần gũi biết bao với những bià sách cuả Lê Xuyên, cuả Bà Tùng Long, hay loại sách mà quần chúng đọc sách ở Sài Gòn dạo trước vẫn gọi là loại sách “bình dân”. Trước năm 1975 chỉ có những sách bình dân mới dùng loại bià vẽ loè loẹt và dễ dãi như vậy thôi. Loại sách mà ta thường gọi là sách “đứng đắn” thì không thế. Từ màu sắc đến hình vẽ trang trí và kiểu chữ đều cần chăm chút kĩ lưỡng. Những nhà xuất bản đứng đắn thường tạo những phong cách riêng cho mẫu bià sách cuả mình. Chẳng hạn, nhìn sang Pháp, người yêu sách không thể nào lẫn  phong cách bià sách cuả Edition Minuit và Gallimard hay PUF.


Vài mẫu bìa sách trước 1975
Vài mẫu bìa khác trước 1975

Trước 1975, sách xuất bản ở Sài Gòn đã đạt đến trình độ như thế. Mẫu bià sách cuả nhà xuất bản Cảo Thơm, Sáng Tạo hay Thời Mới đã nghiễm nhiên trở thành những dáng vẻ rất riêng, rất độc đáo: đơn giản mà vẫn sang trọng, rất “văn hoá”. Ngay đến một nhà xuất bản sách giáo khoa như  nhà Lưả Thiêng vào những năm cuối cùng cuả thị trường sách Sài Gòn trước 1975, cũng hình thành cho nó một phong cách trang nhã mà vẫn nghệ thuật. Nói chung nghề xuất bản sách cuả mình đã tiến lên trình độ rất cao về mặt trình bày mẫu bià. Tất cả các thể loại sách đều có thể có những bià sách nghệ thuật. Bià  sách biên khảo, truyện, thơ, hay sách giáo khoa, đều có thể đạt đến nghệ thuật nếu người vẽ bià là một người có trình độ nghệ thuật.

Vài mẫu bìa khác (của Khánh Trường ở xứ Cờ Hoa)

Bây giờ là những năm đầu thế kỉ XXI. Bià sách Việt Nam dường như đang hối hả như trào dâng nước lũ quay ngược trở lại dòng thời gian. Không phải vì một giá trị nghệ thuật nào đáng trân trọng, mà dường như chỉ vì những người đang độc quyền làm ăn trong nghề vẽ bià sách là những người chỉ có trình độ hiểu biết nghệ thuật vẽ bià “hiện thực” (nghiã là khá trần trụi, dung tục), và “xã hội chủ nghiã” (nghiã là kéo lùi nghệ thuật trở về những mốc thời gian rất cũ). Lướt qua hơn một nghìn bià sách bày bán trên mạng, lòng tôi chợt bâng khuâng vì trình độ nghệ thuật thụt lùi quá xa về sau xưa cuả những người đang góp phần vào việc nâng cao dân trí ở trong nước. Bià sách loè loẹt, sặc sỡ như cố gắng minh hoạ nội dung một quyển sách, nhưng kết quả chỉ là sự vẽ vời quê kệch thảm hại. Nghệ thuật như thế đã tự phơi bày trước mắt chúng ta những chứng tích cuả một giáo dục nghệ thuật lạc hậu đến độ kinh hoàng.

Một hiện tượng nhỏ nhoi trong sinh hoạt văn hoá như một trang bià sách mà dường như gói tròn trong nó một sự nghèo nàn, thoái hoá cuả thứ văn hoá khô cứng, lạc hậu. May thay, những người trình bày bià sách cuả chúng ta hiện nay ở California (mà Khánh Trường  là một tay cự phách) vẫn là chút ấm  lòng dành tặng cho người yêu mến sách Việt Nam. Viết đến đây, lòng tôi quặn đau vì vưà chạm vào một sự phí phạm rất lớn lao mà thế hệ người lớn làm nghề xuất bản sách không ngờ được: Bià sách cũng là một ấn chứng cuả văn hoá. Văn hoá nào thì bià sách ấy.

phố tịnh
(Thông Luận)
2002














No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...