Saturday 21 October 2017

MỘT VIỆC NHỎ,

AI CŨNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC


Đặng Mi Lộc


                                Gửi Thu Thuỷ và những bạn bè đang trải nghiệm con đường này...  
Hơn hai mươi lăm năm kinh nghiệm về cuộc sống xa xứ như cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại chưa phải là một kinh nghiệm lớn so với những cộng đồng khác: cộng đồng Do Thái xa nơi đất tổ cuả họ cả hai nghìn năm; cộng đồng Hoa Kiều đã hình thành từ rất lâu, ít nưã cũng là từ khi những đoàn thương thuyền người Hán đi khắp nơi buôn bán trong buổi thịnh thời triều đại nhà Minh. Hai cộng đồng vưà kể đã không hề mất  tiếng mẹ đẻ cuả họ cho dù có thể họ không có điều kiện gắn bó với quê nhà. Đấy là những kinh nghiệm quý cho cộng đồng người Việt hôm nay khi nghĩ về việc gìn giữ và phát huy tiếng Việt trong hoàn cảnh lưu vong tại hải ngoại.
Cộng đồng người Việt tại hải ngoại vẫn đang cần một phương lược để làm sao giúp thế hệ trẻ giữ gìn được tiếng mẹ đẻ. Hiện nay các trường lớp dạy tiếng Việt do các hội đoàn, tổ chức cộng đồng đảm nhận vẫn hoạt động khắp nơi. Đặc biệt là những tổ chức tôn giáo đã tích cực sắm vai trò bảo vệ và phát huy văn hoá dân tộc, trong đó dạy và học tiếng Việt là một sinh hoạt chủ yếu. Nhưng đến nay, ngoại trừ các trung tâm văn hoá cuả các tôn giáo, không một trường lớp nào do các hội đoàn lập ra đã có thể vượt lên khỏi mức độ thoi thóp. Số học sinh tại các lớp cứ bớt dần thay vì cao lên.  Các bậc cha mẹ có ý thức văn hoá vẫn muốn gửi con đến trường lớp ngày cuối tuần, để con em mình nói và viết tiếng Việt ở một mức độ khiêm tốn nào đó cũng được. Nhưng rồi năm tháng qua đi, con em mình vẫn chẳng tiến thêm được bao nhiêu -nếu không nói là càng ngày càng quên dần vốn tiếng Việt rất nhỏ nhoi mà các cháu học được thuở còn bé tí ti, trước khi đến tuổi bước vào trường học.
Có nhiều lí do cắt nghiã hiện tượng này. Nhưng lí do cơ bản hơn cả vẫn là sự bế tắc cuả chính cộng đồng trong hướng duy trì tiếng Việt. Cộng đồng không thuyết phục được chính mình và các gia đình trong việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại. Không biết dạy và học tiếng Việt để làm gì, cho nên ai nấy chỉ quấy quá cho qua ngày, hết giờ.
Kết quả ? Sinh hoạt dành cho giới trẻ tại các tổ chức cộng đồng giảm xuống mức gần như chẳng có gì ! Sinh hoạt cộng đồng rút lại chỉ còn là những cơ hội để người lớn an ủi lẫn nhau trong một tình cảnh cuộc sống không mấy thoải mái và tự hào. Giới trẻ càng ngày càng lạc lõng giưã cái cộng đồng tự bao vây mình lại. Thế hệ cách nhau, cộng thêm với văn khoá khác biệt nhau. Chừng ấy cũng đã thưà sức làm suy yếu, rời rạc mối quan hệ giưã các thế hệ trong gia đình và trong cộng đồng.
Trong tình cảnh như thế, liệu có thể nào thay đổi được tình trạng như hiện nay không ?
Chúng tôi không nghĩ là có thể tìm ra được câu trả lời đơn giản, vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc gìn giữ  và phát huy tiếng Việt tại hải ngoại: ý thức cuả các bậc cha mẹ về những lợi lạc trong việc gìn giữ và phát huy tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống song ngữ; vướng mắc cuả thầy cô giáo trong việc dạy tiếng Việt tại hải ngoại: phương pháp dạy phải như thế nào ? tài liệu giảng dạy cần chọn lọc thế nào ? Nhưng còn một yếu tố nưã hệ trọng không kém, đó là những học viên cuả các lớp tiếng Việt.  Trong giáo dục học thì việc xác định đối tượng học tập rất là cần thiết.  
Trước hết, có thể thấy là đối tượng học tiếng Việt hiện nay có ít nhất là bốn thành phần: (1) các cháu bé Việt Nam sinh ra và lớn lên tại hải ngoại; (2) thanh thiếu niên Việt lớn lên tại hải ngoại và thiếu cơ hội để trau dồi gìn giữ tiếng mẹ đẻ; (3) người phương tây muốn tìm hiểu tiếng Việt trong cong việc giao dịch hằng ngày; (4) người phương tây học tiếng Việt để làm việc bằng sách vở, nghiên cứu.
Ở đây  tôi chỉ  xin chú ý đến đối tượng đầu tiên: trẻ Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Đó là thế hệ hoàn toàn bị cách biệt khỏi cộng đồng dân tộc và đất nước. Mối liên lạc duy nhất chỉ là thông qua gia đình. Cháu bé sẽ tiếp nhận Việt Nam qua những thành viên cuả gia đình. Điều đó có nghiã rằng gia đình là nơi nuôi dưỡng và phát huy tình tự dân tộc, hoặc là văn hoá dân tộc để trao truyền lại cho các cháu.
Vậy thì gia đình có thể làm được gì để giúp đỡ các cháu ?
Câu hỏi trên đây được đặt ra có vẻ như một dấu hiệu chối bỏ trách nhiệm cuả cộng đồng đối với con trẻ. Nhưng thật ra, đúng là trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà các tổ chức hội đoàn còn đang vướng mắc về phương hướng dạy và học tiếng  mẹ đẻ, thì không thể trông nhờ gì nhiều vào trường lớp do tổ chức cộng đồng hiện nay trong việc giúp đỡ con em chúng ta duy trì và phát triển vốn liếng tiếng Việt tại hải ngoại. Trước hết, là vì cộng đồng không nhận thấy hết những ý nghiã cuả việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại. Hầu hết các trường lớp tiếng Việt do cộng đồng lập ra đều dẫm theo một lối mòn: thầy cô giáo lặp lại mãi một bài dạy đã được soạn theo phương pháp cũ kĩ ở trong nước. Phương pháp như thế, áp dụng ở trong nước thì không lộ ra những nhược điểm về phương pháp, vì dù sao thì các cháu học sinh vẫn học nói, vẫn học đọc từng ngày, trong sinh hoạt thường ngày cuả các cháu. Ở trong nước các cháu học tiếng Việt không phải chỉ trong giờ học “đánh vần”, giờ học tiếng Việt, mà học mỗi giờ mỗi phút trong ngày. Bối cảnh đó không còn thấy ở hải ngoại. Ở ngoài này, hậu cảnh văn hoá là một cảnh trí khác. Các cháu bé phải ứng xử trong một khung cảnh văn hoá ngôn ngữ khác. Chỉ có khi nào về trong nhà, hoặc vào trong lớp học tiếng Việt , cháu mới tìm thấy lại khung cảnh văn hoá Việt Nam.
Giả dụ như cộng đồng  chúng ta có thể tạo được một khung cảnh xuất sắc để dạy tiếng Việt ngay lúc này chăng nưã thì cũng không thể đòi hỏi trường lớp tiếng Việt tại hải ngoại có thể xoay đổi tình thế so với hiện nay. Khả năng trường lớp tiếng Việt hiện nay rất giới hạn.
Tuy vậy, cả trường lớp tiếng Việt và gia đình hiện nay đang là hai khung cảnh chính để dắt trẻ trở lại với cộng đồng dân tộc. Lớp học tiếng Việt và khung cảnh gia đình chính là những hậu cảnh văn hoá cần thiết để giúp các cháu bé có đủ điều kiện chuẩn bị (vốn liếng ngôn ngữ, và sự hứng thú học tập) cần thiết cho một sự học tập đúng nghiã. Phát hiện điều này tuy giản dị nhưng rất can hệ. Tuy thế, trước nay, gia đình thường bỏ quên vai trò cuả gia đình trong việc giúp đỡ các cháu nắm bắt được những nét căn bản cuả văn hoá dân tộc.
Hãy thử nhìn xem sinh hoạt thường ngày trong một gia đình Việt Nam hải ngoại: sáng sớm dậy, các cháu ăn vội vã bưã ăn sáng, nói vội vàng với ông bà cha mẹ dăm ba câu tiếng Việt ngắn ngủi và đơn giản. Khi đến trường thì suốt ngày các cháu nghe, nói đọc, viết tiếng nói cuả xã hội chủ nhà. Chiều đến, khi cha mẹ đón cháu về sau buổi học, các cháu lại phải ngồi làm bài tập ở nhà trước khi xem chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi. Các chương trình này đều nói tiếng nói cuả xã hội nơi cháu cư ngụ. Chừng một tiếng đồng hồ ngồi chung với ông bà cha mẹ bên mâm cơm chiều là dịp ít ỏi khác trong ngày cháu được nói tiếng Việt. Chỉ dăm ba câu đơn giản, không cần nhiều từ vựng cho lắm. Sau đó thì cháu có thể đọc sách hoặc xem tiếp chương trình truyền hình trước khi đi ngủ. Đại khái đó là một thời gian biểu điển hình cuả các cháu bé sinh ra và lớn lên tại hải ngoại.
Gia đình hầu như vắng mặt trong đời sống các cháu bé: từ sáng đến tối, trẻ chỉ nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức… Hoạ hoằn lắm mới có đôi ba câu tiếng Việt đơn giản đến mức tối đa. Lớn lên trong khung cảnh gia đình như thế, các cháu Việt Nam hầu như không thấy có một nhu cầu gì, một hứng khởi nào để học thêm tiếng Việt cả. Vì không có cũng chẳng sao !
Đến cuối tuần cháu đi học tiếng Việt, một nét nổi bật cuả lớp tiếng Việt là bài vở buồn chán, vô vị. Các cháu không tìm thấy hứng thú nào để học tiếng Việt cả. Học cả năm trời (độ chừng trên dưới 30 giờ học) có khi cũng chưa đọc trôi một câu tiếng Việt.
           Để có thể thay đổi hẳn một chu kì buồn chán như trên về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ mới lớn, thiết tưởng các bậc cha mẹ cần tìm một hướng khác: các bậc cha mẹ cần ý thức một điều là gia đình trước hết và luôn luôn là môi trường thuận lợi nhất cho con trẻ học nói tiếng mẹ đẻ. Các cháu bé học tiếng Việt ngay từ trong gia đình. Cứ tính trung bình mỗi ngày các cháu quanh quẩn trong nhà với ông bà cha mẹ khoảng hai tiếng đồng hồ, vị chi mỗi tuần tệ lắm cháu cũng có thể nói tiếng Việt với người trong nhà mười bốn giờ là ít.
        
          Thế mà cha mẹ ông bà lại trông cậy vào một hai tiếng đồng hồ tại lớp học tiếng Việt thì thật là lãng phí ! Trong khi thật ra các cháu bé Việt Nam có thể vẫn rất giỏi nói tiếng Việt, nếu như gia đình không quên chuẩn bị vốn liếng tiếng Việt cho các cháu, bằng cách nói năng với các cháu thường xuyên hơn, từ những chuyện giản đơn đến những chuyện phức tạp trong đời sống. Đó là cách chuẩn bị cơ sở vững chắc cho các cháu khi muốn học đọc và học viết tiếng Việt về sau này. Nói thế là chúng tôi muốn nói đến vai trò cuả vốn từ ngữ nói (verbal vocabulary) cuả trẻ.

             Vốn từ nói tiếng Việt là kho từ ngữ được in dấu trong óc các cháu bé qua sinh hoạt nói năng với những người trong nhà hằng ngày. Nhờ nói đến cái bàn các cháu mới in trong đầu tiếng bàn trong óc, nói về quyển vở thì cháu mới có thể ghi được tiếng quyển vở trong óc được. Nếu không bao giờ được nghe nói đến quả gấc thì cháu không thể có khái niệm về tiếng gấc trong kho từ ngữ tiếng Việt cuả mình. Kết quả những cuộc thực nghiệm tâm lí giáo dục tại các nước phương tây cho thấy rất rõ ràng là vốn từ ngữ nói cuả trẻ trước khi đến lớp học sẽ giúp cháu học đọc học viết nhanh hơn, giỏi hơn. Do vậy các cháu ít được nói năng tiếng Việt với người xung quanh thì cũng khó học tiếng Việt có kết quả tốt trong các trường lớp tiếng Việt tại hải ngoại được.
Học tiếng Việt tại hải ngoại là học nghe, học nói, học đọc, và học viết tiếng Việt. Chỉ có thể học đọc và viết khi các cháu bé đã có một vốn từ nói tối thiểu trong não bộ. Phải có những hình ảnh âm thanh cuả “cái nhà” được nghe qua và giữ lại trong trí nhớ, thì cháu bé mới hứng thú học đọc một từ nh - à trong giờ học tiếng Việt sau này. Thông thường, một trẻ bắt đầu học đọc và viết tiếng Việt cần có một vốn từ nói tối thiểu là 1000 từ. Các cháu bé được cha mẹ và người thân trong nhà chăm nói chuyện bằng tiếng Việt ở trong nhà, thì còn có thể có vốn từ cao hơn, khoảng từ 2000 đến 5000 từ. Đây chính là số vốn mà các cháu học tiếng mẹ đẻ ở trong nước không bao giờ thiếu. Và chính số vốn từ nói đó đã giúp cháu học tiếng Việt nhanh, có kết quả.
Như thế thì đến đây chúng ta có thể rút ra được một nguyên tắc lớn cho việc học tiếng Việt tại hải ngoại: gia đình và trường lớp cần chuẩn bị vốn từ nói tối thiểu cho trẻ mới lớn, trước khi nghĩ đến dạy trẻ học đọc và học viết.
            Vậy thì cha mẹ và những người lớn trong nhà đừng tiếc thì giờ và công sức để nói chuyện với các cháu bé trong mọi tình huống sinh hoạt trong gia đình. Các cháu sẽ học vốn từ phong phú qua những sinh hoạt đa dạng trong gia đình. Tuổi học ngôn ngữ lí tưởng nhất là khoảng tuổi từ lớp mẫu giáo đến khi các cháu bé được 13 tuổi. Trong thời gian hơn mười năm đầu đời các cháu có thể học nhiều ngôn ngữ một lúc mà vẫn không bị rối, bị “mụ người” như một số cha mẹ thường nghĩ. Ngược lại, trí thông minh cuả trẻ chỉ phát triển khi óc não cuả các cháu được vận động, được “tập thể thao”  nhiều bằng sự học tập ngôn ngữ, học tính toán…
        Khi gia đình và thầy cô giáo ý thức được điều này thì học tiếng Việt sẽ trở thành dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn.
                                                    Đặng Mi Lộc 
                                                                                Tập san Diễn Đàn (London) 1993

No comments:

Post a Comment

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...