Sunday 8 October 2017





XEM LẠI MỘT VẤN ĐỀ
NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT:
NGUYÊN ÂM

Đoàn Xuân Kiên

  



Trong khi nói năng, người Việt phát ra từng tiếng rời nhau. Mỗi tiếng là một đơn vị nhỏ nhất cuả lời nói. Đấy là một đặc điểm cuả tiếng Việt. Tuy vậy, tiếng không phải là một khối âm thanh duy nhất, mà mỗi tiếng lại là một cấu trúc lập thành từ những yếu tố sau: âm đầu + âm chính + âm cuối + thanh điệu. Về mặt ngữ âm, đây  chính là cấu trúc cuả một âm tiết tiếng Việt. Mỗi thành phần của âm tiết sẽ do một âm vị đảm nhận:

•       thành phần âm đầu: do một phụ âm đầu đảm nhận;
•       thành phần âm chính làm nên phần hạt nhân của âm tiết, do một nguyên âm đảm nhận;
•       thành phần âm cuối do một phụ âm cuối đảm nhận;
•       thành phần thanh điệu: do một thanh đảm nhận.       

Mỗi âm tiết tiếng Việt không thể thiếu hai thành phần căn bản, là âm chính và thanh điệu. Cho đến nay những giải thuyết khác nhau về nguyên âm xem ra còn nhiều điểm cần bàn bạc thêm. Ngay từ tên gọi cũng khác nhau: có tác giả gọi nguyên âm là những mẫu âm (Lê, 1968), người khác gọi là âm chính (Nguyễn 1959, Đoàn 1977).   Đến như số lượng nguyên âm là bao nhiêu, và nhất là tính cách âm vị học cuả chúng thì dường như còn nhiều điều chưa giải đáp thoả đáng. Bài viết này thử xem xét lại một vài vấn đề về nguyên âm tiếng Việt.

Tiếng Việt có bao nhiêu nguyên âm ? 

Quan niệm thông thường trước nay khởi đầu với các nhà dạy chữ quốc ngữ, cho rằng nguyên âm tiếng Việt gồm có a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y (JMJ 1878).  Trương Vĩnh Ký (1883) còn thêm vào các tổ hợp ai, ay, au, ao nhưng lại bỏ y đi. Lối mô tả như trên chỉ xét đến khiá cạnh chữ viết nên chưa nhìn rõ bản chất cuả các đơn vị ngữ âm: sự phân biệt i y là hai âm vị cho thấy rõ điểm này.

Từ những công trình ngữ âm cuả Lê Văn Lý về sau này, việc mô tả hệ thống nguyên âm đã tiến những bước dài. Trong tình hình thư tịch hiện nay có thể quy về năm nhóm quan điểm mô tả các nguyên âm tiếng Việt như sau:

(1)   Lê Văn Lý (1948:44, 1968:15) lập thành bảng các âm vị nguyên âm như sau:

        độ mở              trước       giưã         sau
           1                      i             ư           u
           2                    iê           ươ         uô
           3                     ê           ơ (â)       ô
           4                     e           a (ă)       o
                               
(2)   Nguyễn Bạt Tuỵ (1959:30) thì sắp xếp hệ thống nguyên âm như sau:

                                                      điểm phát
                                            trước   giưã       sau
                          rộng             e          a          o
      độ khuếch    trung            ê         ơ         ô
                          hẹp               i           ư         u
                          kéo dài       ie(ia)  ươ(ưa) (ua)

Nhưng ông còn cho rằng mỗi nguyên âm trong số 9 nguyên âm đơn lại có thể ngắn cuả chúng.

(3)   Laurence Thompson (1965:20) đưa ra một bảng nguyên âm như sau:

                               trước             sau             sau
                                không tròn môi         tròn môi
         bán nguyên âm      j              g               w
trên  cao                         i              ư               u
         cao vưà                  ê             ơ               ô

                thấp vưà          e                              o
 dưới       hơi thấp          ă
                thấp                 a            â
                bán nguyên âm                h

(4)   Hoàng & Hoàng (1975: 81) thì lại xếp thành hệ thống như sau:

                                       trước      giưã      sau
                         đơn           i            ư         u
        hẹp           đôi            iê         ươ       uô

        trung bình                  ê           ơ       ô

         rộng                          e           a        o

(5)   Đoàn Thiện Thuật (1977: 207) mô tả hệ thống nguyên âm như sau:

                       cố định                       không cố định
        nhỏ          i       ư     u                 
                                                        iê     ươ  uô
        vưà         ê      ơ     ô

        lớn          e      a     o

                      bổng   trung    trầm              bổng   trung   trầm
                               hoà                                      hoà

 Lướt qua các bảng mô tả trên đây, có thể nhặt ra ngay một vài điểm đáng chú ý:

1.     Trước hết, trừ bảng mô tả cuả Thompson, các quan điểm khác đều có chung một điểm là đưa ba nguyên âm đôi vào trong hệ thống và xem chúng như là những nguyên âm có giá trị âm vị học ngang với các nguyên âm khác.

Lê Văn Lý là người tiên phong đưa ra bảng phân bố nguyên âm theo vị trí cấu âm cuả lưỡi. Ông cũng là người đầu tiên nhận ra tính cách đặc biệt cuả ba đơn vị iê, ươ so với các tổ hợp viết với hai kí hiệu nguyên âm thường thấy mà ông gọi là nhị trùng âm (diphthong). Điểm phân biệt này được nhắc đi nhắc lại trong các sách ngữ âm về sau như một kinh điển.

Thompson thì lại cho rằng ba tổ hợp iê, ươ và  là ba tổ hợp nguyên âm đặc biệt vì chúng có tính cách phát âm khác với những tổ hợp thường xem là loại "diphthong" như là ao, au, âu, ua… Ông cho rằng ba tổ hợp nguyên âm đặc biệt này yếu tố thứ nhất có khi nổi rõ hơn, khi khác thì yếu tố thứ nhì nổi rõ hơn, và có khi thì lại không nhận rõ yếu tố nào nổi hơn. Ông không xếp chúng vào cùng loại với các nguyên âm đơn, nhưng cũng không đưa ba tổ hợp này vào các tổ hợp mà ông gọi là "diphthong". Ông đưa chúng vào một loại riêng, gọi là "vowel cluster" (tổ hợp nguyên âm).

Vấn đề đáng bàn lại ở đây là: thế nào là một nguyên âm kép? Nguyên âm kép cuả tiếng Việt có phải là "diphthong" (yếu tố đầu mạnh hơn)? Hay là "vowel cluster" (mà Thompson xem cỏ vẻ như hai yếu tố đều mạnh)?

2.     Có hai nguyên âm được đưa vào hệ thống nguyên âm trong sách cuả Lê Văn Lý và Thompson nhưng lại không có trong các hệ thống mô tả khác, đó là nguyên âm ăâ. Nguyễn Bạt Tuỵ (1949) là người đầu tiên nhận ra tính cách cuả hai âm này: ông dưạ vào thuyết độ chạm để đưa ra nhận xét rằng nguyên âm có thể "thường" hay "ngắn" là do độ chạm cuả phụ âm cuối đi sau nó. Do vậy ông cho rằng hai nguyên âm này chỉ là những thể ngắn cuả hai nguyên âm aơ  chứ không  phải là những đơn vị độc lập. Từ đó về sau các tác giả bàn về ngữ âm tiếng Việt vẫn nhắc lại luận điểm này cuả ông, và thưà nhận rằng ă â chỉ là hai nguyên âm ngắn cuả aơ.

Vấn đề đặt ra là: tiếng Việt có bao nhiêu nguyên âm ngắn như thế ? Trong một kết hợp y hệt như thế, hai tiếng công kênh /kôngk kêngk/  và long lanh /longk lengk/ cũng có hai nguyên âm ngắn là ô, ê o, e. Bảng nguyên âm đã có ăâ thì cũng nên có cả các nguyên âm ngắn khác mới phải.

3.     Thompson đưa ra một bảng phân bố nguyên âm khá rậm, trong đó ông đưa vào những đơn vị mà người bản ngữ dễ nhận ra là chúng lạc ra khỏi hệ thống nguyên âm. Đó là những âm mà ông cho là các bán nguyên âm. Ông giải thích rằng các bán âm [ j, g ] xuất hiện ở sau nguyên âm cũng như [h] xuất hiện khi kéo dài nguyên âm. Nhưng rồi ông cũng nhận rằng về mặt âm vị học thì những hiện tượng trên không phải là những thuộc tính chính cuả nguyên âm, nên trong một bảng khác, ông chuyển các bán nguyên âm này sang các phụ âm cả. (1965: 21)

Nhìn chung thì tất cả những hệ thống mô tả nguyên âm tiếng Việt trên đây đều thưà nhận 12 nguyên âm, trong đó có 9 nguyên âm đơn là i ê e ư ơ a o ô u,  và 3 nguyên âm kép là iê, ươ và . Tuy nhiên về chi tiết các tác giả chưa thống nhất với nhau về số lượng các nguyên âm, và quan trọng hơn, là chưa minh định rõ một số tính cách âm vị học nổi bật cuả nguyên âm tiếng Việt.

Nguyên âm đơn và nguyên âm kép


Một trong số những khác biệt trên đây xuất phát từ  quan niệm khác nhau về đơn vị nguyên âm. Các tác giả đều thưà nhận là các tổ hợp như iê, ươ và uô có những tính cách tương đồng về nhiều mặt: (1) trước hết, chúng không tách rời nhau mà kết hợp thành một đơn vị duy nhất, làm thành phần chính cuả một âm tiết; (2) sau nưã, các tổ hợp này đều có yếu tố nguyên âm sau không phải là một âm cuối, vì các tổ hợp này đều có thể kết hợp được với một âm cuối  .

Tuy vậy, có một điểm khác biệt nổi bật giưã 9 đơn vị nguyên âm đơn và ba tổ hợp iê, ươ và uô là: nguyên âm đơn chỉ có một vị trí cấu âm và âm phát ra không thay đổi tính chất, trong khi ba tổ hợp iê, ươ và uô đều  có âm phát ra trượt từ nguyên âm thứ nhất nguyên âm thứ nhì. Tính cách này vạch hẳn một đường phân biệt hai nhóm nguyên âm tiếng Việt, một bên là 9 nguyên âm đơn và một bên kia là nhóm những nguyên âm kép.

Nguyên âm kép thường được hiểu là "hai nguyên âm đi liền nhau, phát âm cùng lúc như là một nguyên âm. Trong quá trình phát âm một âm tiết có mang một nguyên âm kép thì tất yếu có hiện tượng chuyển đổi tính cách cuả nguyên âm do hiện tượng trượt từ một nguyên âm sang một nguyên âm khác" (Dubois: 1973; Crystal: 1987). Hiểu như thế thì mỗi nguyên âm kép có giá trị như là một âm vị nguyên âm. Qua hiện tượng trượt từ một vị trí nguyên âm này sang một vị trí khác, một phần tử cuả tổ hợp nguyên âm kép luôn luôn ở vị trí mạnh hơn phần tử kia. Nếu yếu tố đứng trước mạnh hơn, như tổ hợp / aj / trong tiếng Anh pie, thì người ta gọi là nguyên âm kép giảm dần. Tuy vậy, cũng có những ngôn ngữ lại có nguyên âm kép tăng dần, như tổ hợp  / ai / trong tiếng Portuguese pais "xứ sở", trong đó có hiện tượng trượt tăng dần từ yếu tố  /a / sang / i /.

Căn cứ trên định nghiã này thì những tổ hợp mà Lê Văn Lý và Thompson  xem là "diphthong" hay "nhị trùng âm" xem chừng không phải, vì những tổ hợp như ao, ây không phải là những tổ hợp nguyên âm kép. Những tổ hợp mà ông Lý xem là những đơn vị một âm vị như iê, ươ, uô, hay những tổ hợp Thompson gọi là các tổ hợp nguyên âm "vowel cluster" về bản chất chính là các nguyên âm kép, là "diphthong" như sẽ phân tích ở phần dưới đây. Đã thế thì đưa khái niệm "vowel cluster" vào để phân nhóm các nguyên âm kép là thưà.

Trước đây, các nhà ngữ âm đã biện luận rất nhiều về khả năng kết hợp cuả các nguyên âm kép  iê, ươ, uô  để thưà nhận chúng là những nguyên âm kép một âm vị (Lê: 1948; Nguyễn: 1949; Đoàn: 1977). Tuyệt nhiên không có tác giả nào quan tâm đến sự tương đồng giưã ba nguyên âm kép iê, ươ, uo và sáu nguyên âm trượt tăng dần khác từ nguyên âm / u / là uy, uyê, uê, oe, uơ/uâ, oa.

Những tính cách âm vị học cuả ba nguyên âm kép trên cũng tìm thấy ở sáu nguyên âm kép-trượt-tròn môi khác là uy, uyê, uê, oe, uơ/uâ, oa. Điều cần xem xét ở đây là tính cách cuả âm tròn môi mở đầu các tổ hợp nguyên âm tiếng Việt.

Khi loại bỏ sáu nguyên âm kép khác trượt từ âm tròn môi / u /  ra khỏi hệ thống nguyên âm tiếng Việt, các tác giả đi trước đã mượn đến khái niệm âm đệm và bán âm / u-/ và / i- / để giải thích kết hợp này. Chúng tôi thiết nghĩ đặc điểm phát âm các âm vị tiếng Việt không có hiện tượng các âm vị đệm, mờ nhạt, gọi là bán âm. Chính các tác giả như Đoàn Thiện Thuật cũng phải nhận rằng yếu tố / i- / / ư- / và    / u- / trong các tổ hợp vẫn được nhận là nguyên âm kép đều không phải là âm đệm. Vậy thì có gì khác biệt giưã / u / trong uô và / u / trong uê ?  Cứ liệu thực nghiệm không cho thấy khác biệt nào giưã các tổ hợp hai nguyên âm iê, ươ, uô và các tổ hợp khác mà các nhà ngữ âm thường xem là một bán âm + nguyên âm, chẳng hạn  ua, oe, uê:
  

Hình 1. Đối chiếu đường nét phát âm của iê, ươ, uôoa, uê, uyê
  Tất cả những đường nét cuả các nguyên âm kép đều cho thấy phần mang âm tiết tính đều có hai đỉnh cao: một đỉnh cuả nguyên âm thứ nhất, và một đỉnh cao hơn tiếp ngay sau đó là cuả nguyên âm thứ nhì. Khi đến đỉnh cao thì âm tiết bắt đầu khép lại.
  

                Hình 2: Đối chiếu đường nét phát âm  cuả "oa", và "uô"

Ảnh hưởng cuả cách nhìn nhận hiện tượng tròn môi như trong ngữ âm các tiếng Ấn Âu đã khiến việc mô tả nguyên âm kép tiếng Việt trở thành phức tạp, khi các tác giả đem khái niệm bán âm và âm đệm vào cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Vả lại, thưà nhận là có hai bán âm /-i-/ và /-u-/, cách giải thích này cũng không cắt nghiã được hiện tượng không cân đối giưã các nguyên âm trượt từ bán âm / -i-/ và bán âm  / -u-/. Thật ra, những phân tích trên đây cho thấy nguyên âm kép tiếng Việt chỉ là những nguyên âm trượt với nhau: ba nguyên âm ở bậc cao nhất là / i /, / ư /, / u / đều có khuynh hướng trượt sang các nguyên âm khác mà làm thành nguyên âm kép. Hiện nay, tất cả các tác giả ngữ  âm tiếng Việt đều công nhận là ba tổ hợp iê, ươ, uô là ba nguyên âm kép, và các yếu tố đầu là những nguyên âm thực thụ chứ không phải là bán âm. Yếu tố / i / và / u / trong    và    không phải là một bán âm thì không có lí do gì để bảo các yếu tố đó trong những tổ hợp nguyên âm kép trượt tăng dần khác là sự trượt từ một bán âm sang một nguyên âm.

Do vậy mà điều hợp lí hơn cả là thưà nhận rằng những tổ hợp nguyên âm gồm có / i /, / ư /, / u / kết hợp với một nguyên âm khác là những tổ hợp hai nguyên âm tiếng Việt trượt sang nhau. Nói cách khác, sáu tổ hợp nguyên âm tròn môi uy, uyê, uê, oe, uơ/uâ, oa cũng là những tổ hợp nguyên âm trượt tăng dần. Trong hệ thống nguyên âm kép tiếng Việt, có một nguyên âm trượt qua ba vị trí cấu âm: /uiê/. Mặc dù vậy, ba nguyên âm này trượt với nhau vẫn chỉ tạo thành một đỉnh âm tiết là nguyên âm / ê /, do vậy nguyên âm ba này vẫn chỉ có giá trị là một âm vị trong thành phần âm chính cuả âm tiết.

Để lập luận phản bác về tính cách tương đồng về chức năng âm vị học cuả yếu tố / u / trong và trong các tổ hợp uy, uyê, uê, oe, uơ/uâ, oa, có tác giả đã dựa trên ba hiện tượng: nói lái, hiện tượng láy từ và hiện tượng iêc-hoá (Xem, chẳng hạn, Đoàn 1977: 203-204; Cao 1985: 194).

Cả ba phép tạo từ này đều dùng biện pháp thay thế các âm vị trong một âm tiết. Khả năng phân xuất âm vị ở cả mọi thành phần cấu tạo âm tiết trong phép láy từ và phép nói lái cho thấy âm tiết chỉ là một cấu trúc chứ không phải một khối đơn vị âm thanh bất khả phân. Một điểm khá quan trọng liên quan đến phép láy và phép nói lái, là: có thể láy và nói lái cả bốn thành phần cuả âm tiết chứ không chỉ chiết xuất âm đầu và vần theo dạng đối lập C|(VC) mà thôi như các tác giả trên vẫn thường biện luận.

Trước hết, hãy thử xét phép láy từ. Tiếng Việt có phép láy cả bốn thành phần cuả âm tiết. Trong các phép láy từ có phép lặp một thành phần cho thấy rõ tính cách kết hợp bình đẳng cuả các thành phần âm tiết:

- láy thanh điệu: bâng quơ (láy thanh 1) , lụng thụng (láy thanh 6)   
- láy âm đầu: đỡ  >   đỡ đần
- láy âm chính: lét   > leo lét
- láy âm cuối: chúm  > chúm chím

Đến phép nói lái cũng vậy, một ngữ đoạn hai âm tiết có thể láy bốn lối bằng cách chiết xuất một thành phần cuả âm tiết. Chẳng hạn, có thể mượn lại hai ví dụ cuả Cao (1985:194) để thảo luận:

•       đi trốn có thể lái thành:  tri đốn (lái âm đầu), đô trín (lái âm chính), đin trố (lái âm cuối), trôn đí (lái thanh điệu);
•       lính tây có thể lái thành: tính lây (lái âm đầu), lếnh ti (lái âm chính), lí tênh (lái âm cuối), tấy linh (lái thanh điệu).

Tóm lại, tự thân chúng, hai phép láy từ và nói lái chưa đủ để bảo rằng vần có vai trò nào trội hơn trong cấu trúc âm tiết. Có chăng chỉ là dưạ trên căn cứ này để nhận ra rằng âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc gồm bốn thành phần mà thôi. Có nhìn nhận vấn đề như thế mới không lấy làm ngạc nhiên về hiện tượng lái con vịt thành vin cọt mà các tác giả trên thường trích dẫn, bởi vì đó chỉ là một trong bốn cách hoán vị bốn thành phần âm tiết mà thôi. Khó có thể dùng hai kiểu hoạt động ngữ âm này để biện giải một hiện tượng nhỏ hơn là thành phần một âm vị cuả mguyên âm kép.

 Phép  -iêc hoá trong tiếng Việt là hiện tượng ngữ âm đáng chú ý. Trước hết, là sự kiện lắp nguyên vần  -iêc để tạo một từ mới thì chỉ là một phép láy đặc biệt khác. Vần -iêc có khả năng ghép thành từ kép rất rộng, vượt khỏi lệ đối xứng về phát âm với các thành phần khác, như âm đầu, âm chính, thanh, và phụ âm cuối, lại càng không có trở ngại nào đối với các từ âm tiết mở đi kèm trước nó. Lợi thế về phát âm và kết hợp chính là một lí do vì sao vần -iêc trở thành một vần đặc biệt trong phép tạo từ kép. Thật ra thì trên bình diện ngữ âm-âm vị học thuần tuý, chúng ta có hàng loạt đơn vị dưới bậc âm tiết như -iêc, nhưng không vì thế mà phải viện dẫn những phân tích hình vị để nhằm nêu ra tính cách độc đáo cuả hiện tượng -iêc hoá. Một số thí dụ dưới đây có thể là những gợi ý cho những minh hoạ khác về khả năng kết hợp và hoán chuyển âm vị trong cấu trúc âm tiết: đơn vị l- trong "lùm xùm", "lí lắc", "lăng xăng"...,  k- trong "cà chớn", "cà ngơ", "cà ẹo", ba trong "ba trợn", "ba buá", ba lăng nhăng",... trong những mô hình láy từ các phương ngữ miền trong. Khả năng kết hợp rộng cuả một số tổ hợp như tổ hợp -iêc chỉ có thể dẫn đến kết luận khiêm tốn là có một lằn ranh giưã thành phần âm đầu và phần còn lại cuả cấu trúc âm tiết. Nhưng như thế thì chưa đủ để xem thế đối lập giưã âm đầu và phần còn lại là có ý nghiã âm vị học cao hơn giưã thanh và ba âm vị khác, hoặc thế đối lập giưã các thành phần khác với nhau, như đã thể hiện trong hai phép láy từ và phép nói lái trình bày trên kia.

Tóm lại, xét trên bình diện ngữ âm-âm vị học, dưạ trên ba phép nói lái, láy từ và iêc-hoá chỉ cho phép kết luận rằng: âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc gồm bốn thành phần, trong đó hai thành phần làm nên âm tiết tính là không thể thiếu được, đó là âm chính và thanh điệu. Cả bốn thành phần này khi có mặt trong âm tiết thì đều có vai trò và chức năng ngang nhau trong âm tiết. Dựa vào ba hiện tượng trên thì chưa đủ thuyết phục khi nêu lên tính cách đặc biệt cuả các tổ hợp nguyên kép iê, ươ, uô bên cạnh các tổ hợp khác cùng trượt từ nguyên âm / u/.

Đáng chú ý chăng là luận điểm cho rằng yếu tố /u/ trong khác hẳn với / u / trong các tổ hợp uy, uyê, uê, oe, uơ/uâ, oa là ở điểm: / u / trong quy định âm sắc chủ yếu cuả âm tiết chứ không phải chỉ có tác dụng trầm hoá âm sắc cuả âm tiết khi mới mở đầu, như là trong âm tiết quả  / kuả/  so với cả / kả /. Từ đó tác giả kết luận rằng 'chính vì vậy tổ hợp  uô vẫn được phân bố sau các âm môi, chẳng hạn /buồng/, /muống/ -giống như nguyên âm đơn làm âm chính cuả âm tiết: / bù/, /phụ/. Trong khi đó các tổ hợp có / u / làm âm đệm không bao giờ được phân bố sau các âm môi.' (Đoàn 1977:204). Hiện tượng này khá tương tự như hiện tượng iêc-hoá này, cho thấy khả năng kết hợp đặc biệt cuả một số vị trí phát âm. Ở đây chỉ nói lên sự phân bố kết hợp giưã nguyên âm và phụ âm đầu: phụ âm môi kết hợp được với ba nguyên âm / i /, / ư / và / u / hoặc là các tổ hợp nguyên âm trượt ở độ mở hẹp và cùng những vị trí phát âm. Do vậy mà các tổ hợp iê, ươ, uô là những tổ hợp hội đủ điều kiện hơn các tổ hợp khác. Ta không thấy những kết hợp âm tiết với các vị trí trượt xa đòi hỏi một cố gắng hơn mức thường, chẳng hạn *boàng /buàng/ , * phuê /fuê/ , *voeo /vuew/. Khả năng kết hợp với âm môi cuả do vậy không phải là một đặc trưng âm vị học đủ để vạch một lằn ranh giưã tổ hợp uô và các tổ hợp uy, uyê, uê, oe, uơ/uâ, oa.

Tóm lại, tiếng Việt có 9 nguyên âm đơn, là i, ê, e, ư, ơ, a, o, ô, u, và 9 nguyên âm kép là iê/ia, ươ/ưa,  uyê/uya, uy, uê, oe (ue), oa (ua), uô, uo. Mười tám nguyên âm cuả tiếng Việt trên đây có thể xếp theo bảng chỉ các nguyên âm với các dạng kết hợp trong phần hạt nhân cuả âm tiết, trong đó các nguyên âm kép sẽ được làm nổi rõ tính cách trượt tăng dần cuả chúng:

                  Bảng 1: Âm vị nguyên âm theo điểm phát và độ khuếch

Bảng trên đây cho ta nhận biết đầy đủ các nét khu biệt cuả mỗi âm vị nguyên âm. Chẳng hạn, nhìn vào bảng trên, ta có thể biết rằng / a / là nguyên âm giưã, rộng, không tròn môi; nguyên âm kép / uie / là nguyên âm tròn môi, trượt từ hẹp ra trung, và từ sau ra trước.

Nguyên âm dài / ngắn


Quan hệ giưã nguyên âm và phụ âm cuối có thể là mối quan hệ chặt hay lỏng mà cho âm sắc khác nhau cho âm tiết. Hai âm tiết lùm xùm / lù:m xù:m/  (kết hợp lỏng), mà cũng có thể phát âm thành / lùm xùm / (kết hợp chặt). Cả hai kết hợp đều là kết hợp có ý nghiã trong tiếng Việt, vì nó tạo hai âm sắc khác nhau cuả hai phương ngữ bắc và nam. Có khi hai kết hợp tạo nên hai âm tiết khác nghiã hẳn: támtắm là hai âm tiết khác hẳn nhau chỉ từ một yếu tố quan hệ kết hợp - là một yếu tố phi tuyến tính. Trong cách viết chính tả hiện nay, mối quan hệ chặt giưã nguyên âm và phụ âm cuối thường biểu hiệu qua một nguyên âm ngắn hay một phụ âm cuối chặt. Nhưng cũng có trường hợp chính tả không phản ảnh đúng mối quan hệ lỏng chặt này. Chẳng hạn âm tiết  / anh /  chỉ khác âm tiết  / eng /  ở tính cách lỏng chặt cuả quan hệ nhưng đã biểu hiện qua một nguyên âm khác.

Trong số các nguyên âm đơn-dài, âm / a/ và / ơ / có thể ngắn / ă / và / â / hoạt động tương đối rộng hơn cả so với các nguyên âm khác. Tính cách này cuả âm / a / và / ơ/  là do vị trí trung hoà cuả hai nguyên âm này. Theo bảng 2 ở dưới đây thì  khả năng kết hợp cuả / ơ /  cũng không đầy đủ, chỉ có âm / a / là đúng vị trí trung hoà nên hai thể dài/ngắn cuả chúng cân đối thành từng cặp. Qua bảng này, ta thấy rõ sự phân bổ dứt khoát các kết cấu cuả nguyên âm ở thể dài và ngắn, không lẫn lộn. Sự phân bổ cuả chúng cũng đối lập ở mỗi nguyên âm. Do vậy, điều hợp lí là chúng ta xem chúng chỉ là những thể dài/ngắn cuả cùng một nguyên âm mà thôi.

Có tác giả cho rằng cần phân biệt thể ngắn cuả nguyên âm và nguyên âm ngắn, và cho rằng nguyên âm  e ngắn, o ngắn, â và ă trong các âm tiết anh, ong, âng, ăc là những nguyên âm đơn ngắn độc lập (Đoàn, 1977: 216 tđ.). Thật ra không có lí do nào xác đáng để đưa bốn nguyên âm này vào bảng khung nguyên âm tiếng Việt cả, vì căn cứ trên khả năng phân bố kết hợp cuả chúng thì ngoại trừ âm  ă và â, các âm ngắn khác không có khả năng kết hợp rộng, mà chỉ tuỳ thuộc một số âm cuối có giới hạn. Cũng qua bảng 2 này, nếu đã thưà nhận một nguyên âm ngắn là một âm vị độc lập thì phải thưà nhận tất cả các nguyên âm ngắn khác là những âm vị hoàn chỉnh. Một giải pháp như thế vưà cồng kềnh, lại vưà không xác đáng.

Khả năng hoạt động cuả các nguyên âm gọi là 'nguyên âm ngắn'  trong một số các sách ngữ âm tiếng Việt như vậy là rất giới hạn: chúng không tự đảm nhận vai trò âm chính trong một âm tiết mở   mà luôn luôn ở dạng kết hợp với các phụ âm cuối hay phụ âm cuối trong các âm tiết khép. Khả năng kết hợp như thế là khả năng chung cho mọi nguyên âm đơn ngắn, chứ không riêng gì bốn nguyên âm kể trên. Do những tính cách trên mà chúng tôi coi các nguyên âm ngắn chỉ là những thể ngắn cuả các nguyên âm mà thôi.
       

Nguyên âm đơn dài/ngắn


Như đã trình bày ở trên, khi kết hợp âm tiết, nguyên âm có thể bị rút ngắn lại vì tác động cuả phụ âm cuối. Trong trường hợp đó ta có thể ngắn cuả nguyên âm. Nói cách khác, nguyên âm ngắn là những dạng kết hợp cuả nguyên âm đơn-dài, với một số phụ âm cuối nhất định mà thôi chứ không phải là những nguyên âm độc lập.

Chín nguyên âm đơn đều là những nguyên âm có độ dài như nhau. Các nguyên âm đơn này có thể bị thu ngắn trường độ trong một số kết hợp với phụ âm cuối. Dưới đây là bảng kê các khả năng kết hợp cuả hai thể ngắn và dài cuả từng nguyên âm với các phụ âm cuối :

                     Bảng 2 : Các kết hợp cuả nguyên âm đơn với phụ âm cuối
             

Nguyên âm kép dài/ngắn


Các nguyên âm kép cũng có thể ngắn khi chúng kết hợp trong các âm tiết khép, với phụ âm cuối ở thể kết hợp chặt. Dưới đây là bảng kê các kết hợp cuả nguyên âm kép với thể dài và thể ngắn tương ứng. Trong bảng chỉ ghi lại những kết hợp có ý nghiã, nghiã là có từ đang dùng trong tiếng Việt hiện đại mà thôi :

                Bảng 3 : Các kết hợp cuả nguyên âm kép với phụ âm cuối


Thể ngắn cuả nguyên âm kép phân bố không đồng đều: các nguyên âm kép iê, uyê/uya, ươ, uô không có kết hợp ở thể ngắn.

Thể ngắn cuả nguyên âm kép cũng phân bố không đầy đủ: các nguyên âm vưà có thể ngắn và dài thì cũng không cho thấy mô hình đối lập như ở nguyên âm đơn. Nguyên âm kép rộng /ua/ cũng không phân bố hoàn toàn với mọi phụ âm cuối như nguyên âm đơn /u/ và / a /. Thể ngắn cuả /ua/ kết hợp với đầy đủ các phụ âm cuối.

Tính cách cuả nguyên âm kép

Nguyên âm kép: trượt -  tăng dần

Nét đặc trưng của nguyên âm kép tiếng Việt là ở tính cách trượt tăng dần. Trước nay các tác giả bàn về ngữ âm tiếng Việt đều chỉ chú ý đến hiện tượng trượt giảm dần - vốn là hiện tượng trượt khá phổ biến cuả các ngôn ngữ Ấn Âu  - nên đã không tránh khỏi lúng túng khi nhận diện nguyên âm kép cuả tiếng Việt.

Các nguyên âm tiếng Việt có thể kết hợp với nhau để cho những nguyên âm kép trượt tăng dần. Dạng trượt tăng dần là nét đặc trưng cuả lối kết hợp nguyên âm kép tiếng Việt. Nguyên âm trượt tăng dần là các nguyên âm kép lập thành từ một trong hai trường hợp như sau: (a) hoặc là một nguyên âm cùng bậc (hẹp, trung bình, rộng) nhưng đối lập nhau ở điểm phát âm (trước, giưã, sau) trượt về với nhau theo chiều: sau   <>   giưã  <>  trước ; (b) hoặc là hai nguyên âm khác bậc và điểm phát âm cùng trượt về với nhau theo chiều  cao  >  thấp, nghiã là trượt từ vị trí mở hẹp sang rộng hơn.

Dưới đây là phần mô tả cụ thể hướng trượt cuả các nguyên âm kép tăng dần:

(1)   Trượt từ sau ra trước:     nguyên âm sau ở độ mở hẹp nhất, trượt về nguyên âm hàng trước : / u /  >  / i / ,  / u / >   / e /, và / u /  >  / e /. Trong chính tả hiện nay, các âm tròn môi đều viết với cả hai đồ vị 'u' và 'o'.
       
        / u / > / i / :     /ui/  :       huy, tuỳ, quý, khuy
        /u /   > / iê / :    /uiê/:     khuya, nguyệt, tuyển
        / u / > / ê /  :    /uê/ :      khuếch, tuếch
        / u / > / e /  :    /ue / :    hoe, que, khoe    
  

                Hình 2 : Nguyên âm kép trượt tăng dần từ hàng sau ra trước

(2)   Trượt từ sau ra giưã:      nguyên âm sau ở độ mở hẹp nhất, trượt về một nguyên âm ở hàng giưã: / u /  > / ơ / ,  /  â / , và / u /  >  / a /, /  ă  /. Trong chính tả hiện nay, các âm tròn môi đều viết với cả hai đồ vị 'u' và 'o':
     / u  / > / ơ / :    /uơ /  :  quơ, nguơn
     / u / >  / â/  :    /uâ/   :   quân, khuân
     / u / > / a /  :   /ua/   :   quan, khoan, hoa, qua, khoa
     /  u / > / ă /  :   /uă/  :     quăn, khoăn   


                 Hình 3 : Nguyên âm kép trượt tăng dần từ hàng sau về giưã

(3)   Trượt từ bậc cao xuống thấp, nghiã là từ độ khuếch hẹp xuống rộng hơn:



 Ví dụ:  phiên phiến   nườm nượp   tuồn tuột
               biền biệt     gương lược    buồn muôn

Trong hình dưới đây, hướng trượt thật sự được kẻ bằng đường liền, và đường đứt là theo chính tả hiện nay:
                       

      Hình 4: Nguyên âm kép trượt tăng dần từ bậc cao (độ mở hẹp) xuống thấp (độ mở rộng)

Khi đối chiếu nguyên âm kép tiếng Việt với loại âm vị tương đương trong ngôn ngữ Ấn-Âu, có hai điểm cần chú ý là:

(1)   Hiện tượng nguyên âm kép trượt tăng dần trong tiếng Việt hoàn toàn tương đồng về tính cách âm vị học với các nguyên âm kép trượt giảm dần trong các ngôn ngữ Ấn-Âu: đó là những nguyên âm có hai yếu tố trượt lẫn nhau nhưng vẫn chỉ có giá trị như một âm vị. Trong tiếng Anh, white / wajt/ có một nguyên âm kép trượt giảm dần, nhưng chỉ có giá trị như một âm vị nguyên âm. Có tác giả xem loại nguyên âm này trong tiếng Anh chỉ là một nguyên âm thôi, nhưng đã bị giảm tính cách trong quá trình phát âm. (Ladefoged, 1982:76).

(2)   Hướng trượt cuả nguyên âm kép trong hai loại hình ngôn ngữ cũng trái ngược nhau: nguyên âm kép tiếng Việt trượt đi từ hai vị trí hẹp/cao; trong khi đó nguyên âm kép ở tiếng Anh chẳng hạn, tất cả các hướng trượt đều ngược lại: từ một nguyên âm ở vị trí thấp, rộng trượt về vị trí hẹp, cao. So sánh hướng trượt nguyên âm trong hình 4 dưới đây và ba đồ hình hướng trượt cuả nguyên âm kép tiếng Việt trên kia, có thể thấy rõ hướng trượt cuả các nguyên âm kép trong hai ngôn ngữ này hoàn toàn trái ngược hẳn nhau. Trừ một trường hợp duy nhất: /ju/ trong you. Nhưng chính nguyên âm kép này cũng bị đặt thành nghi vấn về bản chất cuả nó: đó là hai nguyên âm, hay là một bán âm đầu (Gimson 1980:212) hoặc một phụ âm lỏng /j-/ (Ladefoged 1982:78) kết hợp với một nguyên âm /u/ ?:
   

                 Hình 5: Các hướng trượt cuả nguyên âm kép tiếng Anh

Tóm lại, nguyên âm trượt tăng dần là một đặc trưng âm vị học cuả nguyên âm kép tiếng Việt. Đó là hai nguyên âm trượt sang bên nhau từ một trong hai vị trí khác nhau:

•       hoặc là từ vị trí hẹp trượt sang vị trí rộng hơn ở bậc thấp hơn,
•       hoặc là trượt từ vị trí hàng sau về hàng trước hoặc giưã.

Có hiện tượng nguyên âm trượt-giảm dần trong tiếng Việt ?

Trong kết cấu âm tiết khép tiếng Việt có phụ âm cuối làm giảm dần âm lượng cuả nguyên âm. Có hai trường hợp nguyên âm kết hợp với phụ âm cuối / -j / và / -w / thường vẫn được các tác giả đi trước xem như là bán âm. Đó là trường hợp các nguyên âm  kết hợp với u, o, i, y  ở phiá sau chúng. Thí dụ: sáu, đảo, nhái, thấy

Nhìn như thế thì có thể bảo rằng có hiện tượng nguyên âm trượt giảm dần trong tiếng Việt. Nhưng bản chất cuả những lối kết cấu này khác hẳn những trường hợp nguyên âm kép-trượt-tăng-dần bàn đến ở phần trên. Những trường hợp này đều có một kết cấu giống nhau: âm chính + âm cuối.

Trong kết cấu âm tiết cuả bốn từ sáu, đảo, nhái, thấy trên đây thì  au, ao, ai, ây  không phải là những nguyên âm kép, vì lẽ một nguyên âm kép luôn luôn chỉ là một đơn vị âm chính cuả âm tiết, do vậy nó còn có thể kết hợp thêm với một âm cuối. Ta biết rằng tiếng Việt có 8 âm vị sau đây đảm nhận thành phần âm cuối trong âm tiết: m, p, n, t, ng (nh), c (ch), o (u), i (y). Bốn tổ hợp au, ao, ai, ây  không thể kết hợp thêm với một âm cuối nào trong số 8 âm cuối kể trên, vì lẽ chúng đã có âm cuối rồi. Chẳng hạn, không thể có kết hợp *au+n, *ao+n, *ai+n, *ay+n  trong tiếng Việt.

Khi phát âm thì kết cấu đang bàn ở đây cho thấy tức khắc sự khác biệt cuả chúng: những tổ hợp này không trượt tăng dần như các nguyên âm kép. Ngược lại, chúng "trượt" giảm dần theo đúng quy cách khép âm tiết khi có thành phần âm cuối. Những âm u, o, i, y trong trường hợp này chính là những âm cuối để khép âm tiết lại. So sánh hai từ sau đây: thuỷthủi. Từ trên có âm chính là nguyên âm kép /uy/ trượt tăng dần từ /u/ sang /i/; từ thứ hai có nguyên âm đơn /u/ là âm chính và âm cuối /i/ khép âm tiết lại.

Những tổ hợp nguyên âm + /-j / hay /-w/ này có những tính cách chung như sau:

•       trước hết, các kết cấu có hình thức chữ viết là 'nguyên âm trượt giảm dần' luôn luôn trượt từ một nguyên âm đơn hay kép (thuộc thành phần âm chính cuả âm tiết) sang một phụ âm cuối (thuộc phần âm cuối cuả âm tiết); nói cách khác, kết cấu trong tổ hợp trượt giảm dần là một kết cấu cuả hai âm vị, theo chiều: nguyên âm  >  phụ âm cuối;

•       những tổ hợp kết cấu có / -j / và / -w / này không thể có khả năng kết hợp với một phụ âm cuối nào nưã cả, vì lí do giản dị là:  yếu tố thường vẫn xem là bán âm cuối chính là phụ âm cuối đóng vai trò khép âm tiết lại rồi;

•       trong tổ hợp trượt giảm dần, âm vị nguyên âm luôn luôn là đỉnh cuả âm tiết.
       
Vì những lẽ trên, hiện tượng 'trượt giảm dần' trong tiếng Việt không được kể là những nguyên âm kép, mà chính là hai âm vị riêng rẽ.  Đây là một hiện tượng có tính cách ngược hẳn với nguyên âm trượt giảm dần trong các ngôn ngữ Ấn-Âu. Trong các ngôn ngữ này, nguyên âm trượt giảm dần là một âm vị cuả thành phần âm chính, và do đó chúng có thể kết hợp được với phụ âm cuối.

Hiện tượng 'trượt giảm dần' tiếng Việt có một nét chung đối lập với loại trượt tăng dần ở điểm là hiện tượng trượt giảm dần bắt đầu từ nguyên âm -là thành phần chính cuả âm tiết- qua phụ âm cuối để kết thúc âm tiết. Nói cách khác, hiện tượng trượt giảm dần chính là hiện tượng giảm âm lượng từ đỉnh âm tiết trước khi khép âm tiết lại. Vì thế, khi thể hiện ra chữ viết, nguyên âm này thường mang dấu thanh cuả âm tiết: mấy, cày, nẫu, ngãi, rượi, nhiễu, nghễu (nghện).

Nguyên âm kép có giá trị cuả một âm vị

 Nguyên âm trượt tăng dần cuả tiếng Việt có đầy đủ những nét thoả đáng cuả một âm vị nguyên âm:

•       đó là những âm vị làm hạt nhân cuả âm tiết như các nguyên âm đơn khác;

•       có thể hoán chuyển nguyên âm trượt tăng dần này với một nguyên âm đơn dài trong một âm tiết mà không làm thay đổi tính cách cuả âm tiết: trường > tràng,  hoàn > hòn, hợp > hiệp;   
   
•       có độ dài ngang với một nguyên âm đơn;

•       kết hợp được với các âm cuối như các nguyên âm đơn;

•       có thể đứng cuối âm tiết như một nguyên âm đơn dài.
       
Trước hết, như đã trình bày về hiện tượng nguyên âm kép trượt tăng dần ở trên kia, các nguyên âm kép tiếng Việt đều là những nguyên âm trượt qua nhau chứ không có vai trò nào cuả phụ âm cuối (hay âm đệm). Các nguyên âm kép trượt từ hai hoặc ba vị trí khác nhau trong hệ thống nguyên âm.

Thứ đến là trong kết hợp âm tiết, tất cả các tổ hợp nói trên đều có hơn một thành tố cấu tạo, nhưng không phải là hai đơn vị nguyên âm độc lập. Trong kết hợp âm tiết, các thành tố nguyên âm trong tổ hợp kết hợp với nhau thành một đỉnh âm tiết mà thôi. So sánh cách phát âm các tiếng sau đây:

                            (a)                        (b)
                        đi - ên                      điên
                        khuy - ên                 khuyên
                        khu - y                     khuy
                        cư - ỡi                      cưỡi
                        thu - ế                      thuế
                        kho - ẻ                     khoẻ
                        mu - ốn                    muốn
                        khu - a                     khua

Khi phát âm cột (a), ta nhận ra hai âm tiết, mỗi âm tiết có một đỉnh do một nguyên âm đơn tạo thành. Trong khi đó, cột (b) khi phát âm chỉ có một âm tiết, đỉnh âm tiết tạo thành do hai nguyên âm trượt qua nhau rất nhanh, đỉnh âm tiết này đạt đỉnh cao ở thành tố nguyên âm thứ nhì. Có thể biểu diễn đường nét âm tiết cuả hai tiếng đi - ên và điên như sau:

                   Hình 6 : Đồ biểu âm tiết các tiếng đi - ên  và điên

Điều này có ý nghiã rằng: tổ hợp nguyên âm kép chỉ tạo nên một âm tiết, do vậy trường độ cuả nguyên âm kép này xem như có độ dài tương đương một nguyên âm đơn ở thể bình thường. Nói cách khác, mỗi nguyên âm kép chỉ có giá trị âm vị học như một âm vị mà thôi.

Nguyên âm kép vẫn được xem là một nguyên âm đơn dài, nghiã là vẫn chỉ là một một âm vị trong âm tiết. Những tổ hợp như / ai / và / au /  trong tiếng Anh là những nguyên âm kép. Nhưng những tổ hợp như /  aj / và / aw / , hay là các tổ hợp âm trượt  giưã một âm vẫn thường gọi là phụ âm / j- / và / w- /  với một  nguyên âm để làm thành một nguyên âm kép tăng dần  (chẳng hạn / ja /  hay là / wa /) thì có được nhận là nguyên âm kép không? Các nhà ngữ âm tiếng Anh hãy còn chưa thống nhất ý kiến về vấn đề này. 

Đối với kết hợp / u / và / i / ở sau nguyên âm, chúng tôi xem chúng là hai phụ âm cuối, dưạ trên tính cách phụ âm rõ rệt cuả chúng. Đối với những kết hợp trước nguyên âm khác, chúng tôi nhất loạt xem hai âm này là nguyên âm thứ nhất trong tổ hợp nguyên âm kép. Chúng tôi căn cứ vào sự phân bố thống nhất cuả các kết hợp / u / + nguyên âm trong tiếng Việt là một hiện tượng nằm trong quy luật hoạt động phổ biến cuả nguyên âm trong mọi ngôn ngữ: hiện tượng tổ hợp nguyên âm ( kép) trượt-tăng dần, và cho rằng nét khu biệt cuả những kết hợp này khá thống nhất trong phần âm chính cuả âm tiết. Các tổ hợp nguyên âm tăng dần có cùng tính cách và giá trị âm vị học như nhau cuả một nguyên âm kép, từ mô hình kết hợp đến trường độ phát âm.

Để thấy thêm tính cách đơn nhất cuả tổ hợp các âm tròn môi (nghiã là có âm /u/) đi kèm với một nguyên âm khác, chúng ta hãy xem xét một số từ láy tiếng Việt, trong đó có hiện tượng âm chính là một nguyên âm đơn láy với một nguyên âm kép tròn môi cùng bậc hay cùng hàng với nó: bâng khuâng, sung sướng, ngượng ngùng, lúng liếng... Các từ láy này đều có mô hình cấu trúc như sau:
                  
                Hình 7: âm chính trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt

Trong tất cả các thí dụ về loại từ láy dẫn trên, những âm tiết có tròn môi đều có một kết cấu âm tiết với thành phần âm chính như / iê /, / ươ /, / uơ / : chỉ có một đường ranh dứt khoát giưã âm đầu và âm chính: kh-uâ-ng, s-ướ-ng, ng-ượ-ng, l-iế-ng. Nghiã là hiện tượng tròn môi cuả âm / u /  là hiện tượng thuộc về âm chính, vì đó là một yếu tố cuả các nguyên âm trong phần âm chính. Cho nên đưa tất cả những tổ hợp hai nguyên âm vào nhóm các tổ hợp nguyên âm kép là một việc hợp lẽ.   

Một kết luận khác rút ra từ những thảo luận trên đây, là: dù là nguyên âm đơn hay nguyên âm kép, nguyên âm ngắn hay dài, các âm vị này chỉ là một âm vị duy nhất đảm nhận thành phần âm chính trong cấu trúc âm tiết.

Kết luận thứ ba là: vì không có loại âm vị gọi là bán âm trong tiếng Việt nên cũng không có thành phần gọi là âm đệm trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt do vậy mà chỉ có bốn thành phần,  không có đơn vị gọi là âm đệm độc lập, hoặc xem là tiền âm chính -hiểu như một tính cách cuả âm đầu.

Nguyên âm kép có yếu tố nào mạnh hơn ?

Khi tìm hiểu ngữ âm tiếng Việt, các tác giả phương tây và sau này các tác giả người Việt đều lấy khái niệm diphthong cuả các ngôn ngữ phương tây để chỉ các tổ hợp như  iê, ươ, uô và đều cho là trong các tổ hợp hai nguyên âm kia, yếu tố nguyên âm kế ngay trước là yếu tố "mạnh" hơn. Nguyễn Bạt Tuỵ (1949: 35-36) cho rằng khi hai nguyên âm đi với nhau thì thế nào cũng có một âm yếu, và ông cho rằng trong ba tổ hợp iê, ươ, uô thì các âm ê, ơ, ô có phần yếu hơn các âm i, ư, u. Ông cũng khẳng định điều này một lần nưã khi cho rằng thanh nhiễm mạnh hơn ở các yếu tố nguyên âm đầu i, ư, u. Đoàn Thiện Thuật (1977: 204) cũng cho rằng thành tố nguyên âm thứ nhất trong các nguyên âm đôi là thành phần nguyên âm mạnh hơn, và do đó âm sắc chủ yếu cuả mỗi nguyên âm đôi là do yếu tố thứ nhất quy định.

Nhưng cũng có tác giả khác lại nhận thấy yếu tố đầu trong các tổ hợp kiểu trên có khác nhau về tính cách, và phải tách ra làm hai nhóm khác nhau. Lê Văn Lý đã làm thế, và ông cho rằng chỉ có các tổ hợp kiểu ai, ay, ao, êu, eo… là các nhị trùng âm, còn ngoài ra ba tổ hợp iê, ươ, uô là những tổ hợp có giá trị như nguyên âm đơn. Phân biệt hai loại tổ hợp này là một thành tựu có ý nghiã, mặc dù vậy tác giả Le parler vietnamien  chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng tây phương khi chỉ định những tổ hợp kiểu ai, ay, ao, êu, eo… là các nhị trùng âm (diphthong), để chỉ thưà nhận các tổ hợp iê, ươ, uô là những tổ hợp đặc biệt vì rất gần tính cách với các nguyên âm đơn. Ông chỉ quên một điều là chính vì những tổ hợp nguyên âm kép trong ngôn ngữ phương tây rất gần tính cách cuả nguyên âm đơn nên chúng mới được gọi là diphthong.

Đi sau ông, Emeneau (1951) đã cảm nhận tính cách trượt tăng dần của một số tổ hợp nguyên âm tiếng Việt, nhưng vẫn tỏ ra lúng túng trong việc phân cách hai loại tổ hợp trên mà Lê Văn Lý đã rất tách bạch. Trong số bảy nhóm nguyên âm mà ông ghi nhận được từ những cứ liệu phát âm thì có năm nhóm là những tổ hợp nguyên âm, trong đó một nhóm có các âm /ui/, /oi/, /au/ … là những nhóm âm mà ông gọi là "falling diphthong". Còn lại ba nhóm sau cùng đều cho phép kết luận là những nhóm âm tăng-dần, hoặc tăng-rồi-giảm: /uơ/, /ua/, /uy/, /uôi/,/ươi/, /uyu/,/oay/... Riêng nhóm thứ ba gồm ba âm /uô/, /ươ/, /iê/ thì ông không cho biết chúng có phải là "falling diphthong" hay không. Emeneau quan sát và cũng đã nhận ra được tính cách tăng-giảm cuả một số tổ hợp nguyên âm, nhưng ông không dứt khoát được vì vẫn lúng túng trong quan niệm "diphthong" là phải giảm dần.

Những khẳng định cuả ông Nguyễn  (1949 và 1959) đều không được chứng minh cụ thể nên không biết ông dựa trên cơ sở nào. Những thuyết minh cuả ông Đoàn về âm sắc cuả âm tiết được quy định do nguyên âm đầu cuả tổ hợp nguyên âm đôi và ba chỉ cho thấy rằng chúng đều là những nguyên âm đúng nghiã chứ không phải là bán âm, nhưng chưa thể từ đó khẳng định được là yếu tố nguyên âm thứ nhất trong các tổ hợp iê, ươ, uô là những yếu tố mạnh hơn yếu tố thứ nhì. Vả chăng, khi đã xác định là các nguyên âm đôi đều bắt đầu bằng một yếu tố thuộc bậc thanh lượng nhỏ rồi chuyển sang một yếu tố khác cùng loại âm sắc ở bậc thanh lượng lớn hơn (Đoàn 1977:221) thì khó có thể kết luận là yếu tố thứ nhất mạnh hơn yếu tố nguyên âm thứ nhì.

Đoạn thuyết minh về cách hiệp vần trong thi ca giưã các nguyên âm i - iê - ê,  hoặc ư - ươ - ơ, u - uô - ô cũng không chứng tỏ được là 'mỗi nguyên âm đôi hiệp vần với một nguyên âm đơn cùng âm sắc với yếu tố đầu cuả nguyên âm đôi ấy' (Đoàn, 1977:222-223). Như sẽ trình bày trong mục "hoà phối nguyên âm", sự gieo vần thông cho phép các nguyên âm cùng gần gũi nhau về điểm phát âm, chẳng hạn cùng là nguyên âm hàng trước  i - iê - ê, hàng giưã ư - ươ - ơ, và hàng sau u - uô - ô, có thể gieo vần với nhau, gọi là những "vần thông".

Thật ra, cả hai điều thuyết minh cuả ông Đoàn đều tỏ ra bất nhất, mâu thuẫn với thực nghiệm ngữ âm, theo đó thì yếu tố thứ nhì luôn mạnh hơn -như  Lê Văn Lý (1948: 44) đã nhận thấy và Emeneau mơ hồ cảm nhận như thế.

Trong số các tác giả bàn về tính cách loại tổ hợp nguyên âm này có Thompson (1965:30) thận trọng hơn khi ông cho rằng các tổ hợp iê, ươ và uô khác hẳn tính cách các tổ hợp khác mà ông thưà nhận là "diphthong", vì âm sắc cuả chúng không rõ ràng, có khi thì yếu tố nguyên âm đầu mạnh hơn, có khi yếu tố thứ nhì nổi rõ hơn, mà cũng có trường hợp khó nhận ra đâu là yếu tố trội hơn. Trong một bảng kê tất cả các lối kết hợp nguyên âm, tác giả đã lúng túng khi xếp loại các tổ hợp nguyên âm kép: ông đưa vào hai loại "vowel cluster" và "diphthong" các tổ hợp nguyên âm không theo tiêu chuẩn xác đáng.

Gần đây chúng tôi đã kiểm nghiệm lại bằng cứ liệu thực nghiệm (Xem Hình 1), và cũng nhận thấy là hai kiểu kết hợp mà Lê Văn Lý phân biệt đều có nét diễn biến âm điệu khác nhau, chẳng hạn hai tổ hợp oa và ao có đường nét âm điệu như sau:
        

            Hình 8: Khác biệt về đường nét âm điệu cuả hai âm đoạn / oa / và / ao /

Dưạ trên những cứ liệu thực nghiệm đó, chúng tôi nghĩ là có thể xác nhận những nhận xét cuả Lê Văn Lý là đúng: trong các tổ hợp nguyên âm kép, các yếu tố nguyên âm đi trước là những yếu tố trượt từ độ mở hẹp về các vị trí có độ mở rộng hơn, vì vậy các yếu tố ở vị trí rộng là những yếu tố mạnh hơn, quy định âm sắc cuả âm tiết đó.

Đến đây có thể quy kết một số tính cách chung về khả năng kết hợp cuả 9 tổ hợp nguyên âm kép-trượt tăng dần cuả tiếng Việt là:

(i )   chúng có khả năng kết hợp với tất cả các phụ âm đầu, tương tự như các nguyên âm đơn;

(ii ) chúng có khả năng kết hợp với tất cả các phụ âm cuối hoặc phụ âm cuối, tương tự như mọi nguyên âm đơn;

(iii ) chúng có khả năng kết hợp với đủ sáu thanh;

(iv ) trong kết hợp âm tiết, các tổ hợp nguyên âm kép cũng đều giống nhau về tính cách: chúng đều có độ mở từ hẹp đến rộng, và thành tố nguyên âm thứ nhì luôn luôn mạnh, và là yếu tố nguyên âm cảm nhiễm thanh mạnh hơn.

Tiếng Việt có tất cả 9 nguyên âm kép, đều là những nguyên âm trượt tăng dần cường độ từ một nguyên âm hẹp / i /  hay âm tròn môi / u /  ở trên hàng cao nhất để sang một nguyên âm thứ nhì ở bậc thấp hơn và có độ mở lớn hơn, do đó có âm lượng mạnh hơn. Chính tính cách trượt tăng dần này sẽ là tính cách chung nhất cuả 9 nguyên âm kép cuả tiếng Việt, tạo thành một hệ thống nhất quán. Vì yếu tố nguyên âm thứ nhì mạnh hơn nên chúng cảm nhiễm thanh mạnh hơn. Vì thế, các đồ vị thanh được ghi trên các đồ vị ghi âm vị mạnh cuả âm tiết: tuý luý, kià, huề,quế, hoè, quẽ, khoẻ, ngoẻo, quở, muá, quấn, khoá, thưả...
       

Hoà phối nguyên âm

 Một nét đặc trưng cuả nguyên âm tiếng Việt là sự hoà phối ngữ âm. Đấy là sự hoà phối với nhau nhằm tạo âm hưởng cân đối, hài hoà. Có nhiều cách hoà phối nguyên âm:

(1)   Hoà phối trong nội bộ một âm tiết: Đây là phép hoà phối cuả các nguyên âm kép trong nội bộ một âm tiết. Chúng kết hợp với nhau theo phép trượt tăng dần. Như vậy, phép trượt tăng dần trong nguyên âm kép chính là một trong những phương thức hoà phối ngữ âm cuả nguyên âm tiếng Việt. Hiện tượng trượt tăng dần cuả nguyên âm kép chính là một lối thể hiện quy luật thuận thanh âm cuả phép hoà phối ngữ âm.

(2)   Hoà phối trong kết hợp song tiết: Hoà phối nguyên âm còn có thể thực hiện trong phép cấu tạo các tổ hợp hai âm tiết thường gọi là từ láy. Phép láy từ cuả tiếng Việt là một lối hoà phối ngữ âm trong kết hợp song tiết. Nguyên âm trong hai âm tiết cuả từ láy tiếng Việt có thể hoà phối với nhau theo hai cách:

        (a) lặp: nguyên âm cuả âm tiết thứ hai chỉ lặp lại nguyên vẹn nguyên âm cuả âm tiết thứ nhất: căm căm, hầm hầm, sầm sập, cùm cụm, toè loe, đuồn đuỗn...

        (b) láy: nguyên âm hoà phối với nhau bằng cách láy với nhau theo luật hài âm. 

Luật hài âm này thể hiện theo hai lối như sau:

•       nguyên âm cuả hai âm tiết hoà phối với nhau từ vị trí khác hàng nhưng cùng độ khuếch: hàng trước  < >      hàng giưã      <  >   hàng sau
                                             

                     Hình 9 : Hoà phối nguyên âm cùng độ khuếch

Ví dụ: 
        hàng trước  < >  hàng giưã: hí hửng ( i  < >   ư )
                                                        vẻ vang  (e  < >   a)
        hàng giưã  < > hàng sau:     vàng vọt (a  < > o)
                                         gọn gàng (o < > a)
        hàng trước  < >  hàng sau:   hó hé  (o < >  e)
                                                       vi vu (i   < >  u)
                                                       ngô nghê (ô < > ê)

•       nguyên âm hoà phối với nhau từ hai vị trí cùng hàng nhưng khác độ khuếch: nguyên âm hẹp  < >  nguyên âm trung  < > nguyên âm rộng.     
  

                      Hình 10 : Hoà phối nguyên âm cùng hàng

  Ví dụ: 
        nguyên âm hẹp  < > nguyên âm rộng: phì phà (i < > a)
                                                                       ngút ngàn (u < > a)    
        nguyên âm trung < > nguyên âm rộng: hớt hải (ơ  < > a)
                                                                         hể hả  (ê < > a)
                                                       rộn ràng (ô < > a)
        nguyên âm hẹp < >   nguyên âm trung:   tỉ tê (i   < >   ê)
                                                                        lững lờ (ư  < > ơ)
                                                      đụng độ (u  < > ô)

(3)   Phép gieo vần trong thi ca: âm vận học cổ điển  rất chú trọng đến việc gieo vần thơ. Vần cuả thi ca là phối hợp cuả ba thành phần âm tiết: âm chính, âm cuối và thanh. Ba bộ phận này kết hợp nhau thành 'khuôn vần' cuả âm tiết.

Điều kiện đầu tiên cuả gieo vần là vần thơ phải cùng thanh. Ví dụ:

•       cùng vần bằng (khi có một trong hai thanh bằng: thanh ngang và thanh huyền):
                  Vầng trăng ai xẻ làm đôi
                        Nưả in gối chiếc nưả soi dặm trường   
                                     (đôisoi cùng thanh bằng)

•       hoặc là vần trắc (khi có hai trong số bốn thanh trắc vần với nhau):
                  Sương đầu núi buổi chiều như gội
                       Nước lòng khe nẻo lội còn sâu        
                                     (gội lội cùng thanh trắc)

Điều kiện thứ nhì là hai "khuôn vần" phải cùng âm cuối.
       
Điều kiện thứ ba là về âm chính. Luật thơ đòi hỏi là khuôn vần phải có âm chính giống nhau để có vần chính, hoặc là âm chính gần giống nhau như trong các vần thông.

Gieo được 'vần chính' là khi hai khuôn vần có các nguyên âm giống nhau về độ khuếch, cùng điểm phát. Câu thơ dưới đây gieo đúng 'vần chính':
        Sao tua mấy cái nằm kề
          Thương em từ thuở mẹ về với cha.  
                             ( cùng nguyên âm / ê / vần với nhau)

Gieo được 'vần thông' là khi nào hai khuôn vần có các nguyên âm ở cùng điểm phát (cùng là nguyên âm hàng trước, hay là cùng hàng giưã, hàng sau). Theo quy định  này thì hai tiếng lo - so (vần chính) có thể thông vần với cô - tô, minh - tinh (vần chính) có thể thông vần với thanh - chênh, đắc - trắc (vần chính) có thể thông vần với tấc - bấc. Câu thơ dưới đây là một ví dụ về vần thông:

        a < > â:   Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
                               Trải qua một cuộc bể dâu                (Kiều)

'Vần thông' cũng còn là khi hai khuôn vần có một âm tròn môi vần với nguyên âm không tròn môi cùng hàng và gần gũi về độ mở:  
    
        oa < >  a:  Sao sa sa xuống vườn hoa
                                  Thương em từ thuở người ra người vào
        i < > uiê:   Sao mai thương nhớ người đi
                                  Thương em chỉ có trời khuya nhìn về  
                                                                  (Ca dao)

Ngoài ra, theo Nguyễn Bạt Tuỵ thì vần thông cũng còn là khi hai khuôn vần không cùng hàng nhưng có cùng độ khuếch, nhưng ông cũng phải thưà nhận rằng lối thông vần này rất hiếm (theo Nguyễn 1959: 51):

•      Những âm hẹp:   i < > ư < > u   ?  (chúng tôi vẫn chưa tìm thấy dẫn chứng nào)

•      Những âm trung: ê < >  ơ < > ô      
                      Nhân dân nghe thấu sự
                             Sắm sanh áo cánh quần hồ ra đi (Thạch Sanh)

•      Những âm rộng:  e < >   a < >  o 
                      Đệm hồng thuý thơm tho mùi xạ
                             Bóng bội hoàn lấp trong trăng     (Cung Oán)

 Tóm lại, nguyên âm tiếng Việt có 9 nguyên âm đơn và 9 nguyên âm kép. Mỗi nguyên âm này lại có thể phát ra ở dạng bình thường hay ở dạng thể ngắn tuỳ theo quan hệ kết hợp lỏng hay chặt với các phụ âm cuối. Các nguyên âm kép tiếng Việt có một tính cách chung là những nguyên âm trượt-tăng-dần. Tính cách nổi bật này đã phân cách hẳn những đơn vị nguyên âm gọi là "diphthong" tiếng Việt và các ngôn ngữ Ấn Âu -trong đó các "diphthong" gần như là toàn bộ các nguyên âm trượt giảm dần mà thôi.

Một hệ thống nguyên âm như thế cồng kềnh quá chăng ? Chúng tôi không nghĩ vậy. Một hệ thống nguyên âm cơ bản gồm 9 âm vị không phải là cồng kềnh, mà có thể nói là tinh giản:


                        Hình 11: Nguyên âm tiếng Việt

Những tổ hợp nguyên âm kép như được phân tích trong bài này chỉ nên xem là những phân bố bậc hai, từ những đơn vị cơ bản trên đây.

Nhận ra tính cách đặc trưng này có ý nghiã lớn nhiều mặt. Trước hết là sáng lên tính hệ thống cuả nguyên âm kép tiếng Việt, và giải toả những ngộ nhận về tính cách đặc trưng cuả nguyên âm kép vì quá nệ vào tiêu chí về nguyên âm kép trong loại hình ngôn ngữ phương tây. Những phân tích về nguyên âm kép trên đây còn gợi lại việc xem xét cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Trước đây, các tác giả ngữ âm tiếng Việt thường băn khoăn về các âm tròn môi /-w-/ ở giưã phụ âm đầu và nguyên âm. Đó là hiện tượng thần âm hoá (Lê 1948) hay đó là những âm đệm nằm giưã hai thành phần âm đầu và âm chính cuả một âm tiết (Đoàn 1977). Khi nhận diện được là âm tròn / u / và âm hẹp / i / là những bộ phận cuả một tổ hợp nguyên âm kép, cái gọi là thành phần "âm đệm" trong âm tiết tiếng Việt không còn nưã. Âm tiết tiếng Việt được trình bày lại với một cấu trúc ổn định, sáng lên tính hệ thống cuả nó.

                                                Đoàn Xuân Kiên
                           (tập san Hợp Lưu số 45 (th. 2&3/1999), tr. 5-31)


                               Tài liệu tham khảo:

Cao Xuân Hạo (1985) Phonologie et Linearité. Paris: S.E.L.A.F.
Crystal, D. (1987) A Dictionary of Linguistics and Phonetics. London:Basil Blackwell.
Dubois, J et al., (1973) Dictionnaire de Linguistique. Paris: Larousse.
Đoàn Thiện Thuật (1977), Ngữ Aâm Tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. ĐH & THCN.
Emeneau, M.B. (1951) Studies in Vietnamese (Annamese) Grammar. Berkeley & Los Angeles: University of California Press.
Gimson, A.C. (1980), An Introduction to pronunciation of English. (3e ed.) London:  Edward                Arnold.
Hoàng Tuệ & Hoàng Minh (1975) " Remarques sur la structure phonologique du                                vietnamien" in  Essais Linguistique. (series Etudes Vietnamiennes No 40). Hanoi:                Xunhasaba
JM J (1878) Notions pour servir à l' Étude de la Langue Vietnamienne. Tân Định: Impr. de                Mission
Ladefoged,  P. (1982) A Course in Phonetics. New York: Harcourt Brace Jovanovich.
Lê Văn Lý (1948), Le Parler Vietnamien. Paris: Hương Anh.
Nguyễn  Bạt Tuỵ (1949), Chữ Và Vần Việt Khoa Học. Sài Gòn: Ngôn Ngữ
Nguyễn, Bạt Tuỵ (1959), Ngôn Ngữ Học Việt Nam. Sài Gòn: Ngôn Ngữ
Thompson, L. (1965) A Vietnamese Grammar. Seattle: Uni. of Washingtn Press. 
Trương, Vĩnh Ký (1883) Grammaire de la Langue Annamite. Saigon: C. Guilland et Martiron



Thursday 5 October 2017


KHI TUỔI TRẺ HẢI NGOẠI
TÌM VỀ NGUỒN

ĐOÀN XUÂN KIÊN

       


Khi nói đến việc nhận diện những bản sắc văn hoá là mặc nhiên thừa nhận có những giá trị khác nhau cùng tồn tại bên nhau. Gia đình Việt Nam cư ngụ trên đất nước phương tây đều có kinh nghiệm trực tiếp về sự chung sống giữa hai văn hoá: một bên là văn hoá đông phương xuất phát từ cơ sở xã hội nông nghiệp, nặng tinh thần gia trưởng và cơ sở văn hoá Khổng Mạnh, bên kia là văn hoá thị dân của xã hội công nghiệp phát triển, của chủ nghĩa tự do cá nhân, và tinh thần dân chủ. Mỗi nền văn hoá đều hun đúc con người trong những lề lối cư xử với nhau trên cơ sở văn hoá đó. Môi trường để khuôn nắn cách ứng xử của con người chính là gia đình, nhà trường và giao tiếp xã hội thường ngày. Cho nên mỗi gia đình Việt Nam tại hải ngoại đều có kinh nghiệm hằng ngày về những khác biệt văn hoá như thế. Con cái đi học ở trường được chỉ dạy những khuôn thước mà cha mẹ và ông bà các cháu có thể không tiếp cận được vì thế hệ của cha ông đã được rèn tập trong một môi trường văn hoá dân tộc khác hẳn. Khác biệt văn hoá như thế là một yếu tố nền tảng và có tính cách bao trùm lên nếp sống của các gia đình trong môi trường giao tiếp giữa hai hay nhiều văn hoá khác nhau.


Từ những khác biệt

Tìm hiểu những vấn đề liên quan đến những khác biệt, thậm chí những xung đột quan điểm trong gia đình VN tại hải ngoại, có thể ghi nhận một nét chung là gia đình VN có nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, nhờ đó mà có thể khắc phục những khó khăn trong quá trình hội nhập trong đời sống hải ngoại. Gia đình VN rất siêng năng cần mẫn trong việc gây dựng lại cuộc sống. Cha mẹ làm việc cật lực để cho con ăn học nên người.

Chúng ta vẫn thường nói rằng: Gia đình là một tổ ấm, là nơi tạo dựng "cảm thông", "tình người". Phải chăng những ghi nhận trên đây cho thấy một tình trạng khủng hoảng, một đổ vỡ ? Thật ra, những gì chúng ta thấy trên đây chỉ là biểu hiện của một hiện tượng khác biệt văn hoá mà tất cả các gia đình trong một hoàn cảnh song văn hoá đều trải qua.

Từ những vấn đề ghi nhận như ở trên, có thể nào gia đình VN giải gỡ được những vướng mắc về khác biệt thế hệ, khác biệt văn hoá, để cùng xây đắp một gia đình hạnh phúc cho mình ? Câu trả lời là: có. Mấu chốt của sự giải toả khác biệt trong gia đình sẽ là ở sự đối thoại văn hoá. Tất cả sẽ bắt đầu từ việc đối thoại từ trong chính các gia đình, trong đó các thế hệ cùng chia sẻ, bàn bạc với nhau những vấn đề của nhau. Đối thoại ở đây đòi hỏi hai yếu tố: biết lắng nghe và biết nói năng cho rành rọt.

Trong đời sống gia đình thường ngày có một khoảng thời gian đặc biệt có ý nghĩa: bữa cơm gia đình. Đây là lúc mọi người trong gia đình có thể thoải mái quây quần ăn uống và chuyện trò với nhau. Nếu như mỗi gia đình Việt Nam có thể hình thành một thói quen mới là mỗi tuần lễ, hay thậm chí mỗi một tháng, sau bữa cơm như thế, mọi người trong nhà cùng dành cho nhau một mẩu thời gian thoải mái và quý báu để chuyện trò về một vấn đề nào đó quan hệ đến bản thân và gia đình của mình. Ngồi bên li trà, đĩa bánh, mọi người thuộc các thế hệ khác nhau trong gia đình cùng nói với nhau bằng ngôn ngữ thương yêu, hiền từ; những đề tài đem ra bàn bạc với nhau không phải là để phê phán nhau, chỉ trích nhau (nghĩa là chỉ nhắm đến khía cạnh tiêu cực của cuộc sống), mà chỉ nhằm chia sẻ với nhau những suy nghĩ nghiêm chỉnh và tích cực của mỗi người dành cho người thân bên cạnh mìnnh, hoặc là nhằm phân tích để giúp nhau tu tiến bản thân, khích lệ những thành công của những thành viên trong gia đình vừa đạt được. Những buổi họp mặt gia đình như thế chính là bí quyết nho nhỏ để tạo hạnh phúc gia đình. Trong hoàn cảnh sống giao lưu văn hoá tại hải ngoại, những buổi họp mặt gia đình sẽ là những dịp đối thoại để tạo cảm thông gữa các thế hệ trong cùng một gia đình, từ những khác biệt ở trên tầm mức khác biệt văn hoá vậy. Làm được thế sẽ có ý nghĩa nhiều hơn bao nhiêu thuyết lí trừu tượng và xa vời về hạnh phúc.

Trong đời sống hằng ngày, có nhiều vấn đề vướng mắc mà nguyên nhân chỉ là từ những khác biệt văn hoá mà ra. Trước hết là những vấn đề đặt ra trong chính cộng đồng người mình với nhau. Giữa người lớn tuổi và người trẻ, dường như có những bức tường ngăn cách sự thông cảm nhau. Những khó khăn vướng mắc như thế chẳng khác gì những khó khăn như ở trong gia đình. Những điểm khác cũng sẽ có thể có những cách nhìn khác nếu đứng từ góc nhìn khác. Sự bàn cãi sẽ không bao giờ dứt điểm nếu chỉ mải đi tìm những khác biệt.

Từ những khác biệt như thế, có thể nào nối kết các thế hệ trong sự giao tiếp xã hội được chăng ? Chúng tôi nghĩ là có. Tất cả cũng cần bắt đầu từ sự đối thoại văn hoá để nhận ra những khác biệt. Có thế mới có thể ghi nhận những khác biệt, và tiến đến giải toả khác biệt. Hiện nay, những cuộc đối thoại giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt hải ngoại chưa có nhiều. Chưa có những cố gắng để giải toả khác biệt thế hệ vốn đã nhân lên khá nhiều từ sự khác biệt văn hoá trong cuộc sống hải ngoại. Hiện tượng khác biệt thế hệ vẫn gần như nguyên vẹn đó, đang cần vỡ hoang.


Qua kinh nghiệm các cộng động di dân khác

Tại sao lại bàn đến kinh nghiệm cuả những cồng đồng khác? Đấy là một cách tiếp cận khác để nhằm giải quyết vấn đề cuả chính mình thôi. Những cộng đồng như Do Thái và Trung Hoa đã kinh nghiệm lâu đời về đời sống di dân tại hải ngoại. Họ cũng là những người kiều cư đã giải quyết khá vững vàng bài toán hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hoá cuả mình.

Trước hết là các cộng đồng Do Thái và Hoa kiều ở hải ngoại rất giàu lòng tương thân tương trợ lẫn nhau. Các tổ chức đoàn thể của họ đã là nguồn giúp đỡ quý báu cho người lớn được ổn định về đời sống. Đặc biệt là các cộng đồng nói trên cũng rất quan tâm giúp đỡ thế hệ con em trong việc hội nhập văn hoá.

Cả hai dân tộc Do Thái và Trung Hoa đều là những dân tộc rất quý trọng giá trị văn hoá dân tộc của họ. Đi sinh sống khắp trên thế giới, người Do Thái và Trung Hoa đều đem theo họ những nét tiêu biểu cho văn hoá dân tộc mình nơi đó. Có thể nói đó là những dân tộc rất thiết tha với việc gìn giữ bản sắc dân tộc, mặc dù có pha trộn nòi giống đến đâu chăng nữa. Có thể nói là mỗi người Do Thái và Trung Hoa là hiện thân của một nhà bảo tàng văn hoá dân tộc họ.
       
Để thể hiện tinh thần dân tộc, các cộng đồng Do Thái và Trung Hoa đều thiết tha gìn giữ tiếng nói của họ. Đâu đâu trên thế giới, trẻ em Do Thái và Trung Hoa đều được chỉ dạy tiếng mẹ đẻ, vì đó chính là cửa ngõ để truyền thụ văn hoá dân tộc. Hơn ai hết, người Do Thái và người Trung Hoa tại hải ngoại hiểu rõ rằng: trong vườn hoa nhân loại, mỗi dân tộc là một loài hoa quý. Họ đã biết giữ gìn hương sắc loài hoa dân tộc họ trong lòng vườn hoa muôn sắc của xã hội đa văn hoá nơi họ đến cư ngụ.
       

Vấn đề chung: hội nhập và giữ gìn bản sắc

Vấn đề đặt ra là: tại sao những cộng đồng trên đây lại quan tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc họ trong đời sống kiều ngụ ? Câu trả lời khá dứt khoát nhưng lại không giản dị chút nào: họ đã giải quyết khá xác đáng bài toán hội nhập văn hoá. Câu trả lời có vẻ nghịch lí, nhưng sự thật là như thế: sự hội nhập sẽ tốt đẹp khi một cộng đồng văn hoá mới không quên giữ gìn bản sắc của nó trong cuộc giao tiếp văn hoá với cộng đồng văn hoá chủ nhà.
       
Nhìn lại cộng đồng người Việt tại hải ngoại mới thấy là trong hai mươi năm qua, việc gìn giữ tiếng Việt cho con em chưa được quan tâm đúng mức. Gia đình Việt Nam chúng ta hãy còn lơ là trong việc dạy trẻ học tiếng Việt, vì nghĩ rằng "tiếng Việt còn ích gì cho con em mình nơi xứ người?" Đó đây đã có những tiếng thở dài ngao ngán của những vị thức giả khi các vị bảo rằng người Việt mình có thể xem là một cộng đồng không có bản sắc riêng, và dễ dàng mất gốc mau chóng tại hải ngoại. Có biết đâu là dạy trẻ học tiếng Việt có muôn ngàn cái lợi. Cái lợi đầu tiên là để bắc những nhịp cầu cảm thông giữa thế hệ già và thế hệ trẻ nơi xứ người. Sau nữa, gìn giữ vốn tiếng Việt cho con cháu là để gìn giữ và trao truyền bản sắc văn hoá của dân tộc mình cho con cháu mình. Trong đời sống của cộng đồng xã hội đa văn hoá thì việc giữ gìn và phát huy bản sắc thường chỉ tăng thêm lòng tự tín trong cuộc giao tiếp và hội nhập văn hoá mà thôi. Thành thử khuyến khích con em học tiếng Việt là thể hiện lòng trân trọng đối với những giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc mà chúng ta muốn con em mình giữ lấy và trao lại cho mai sau.       
                                                       
Hội nhập văn hoá là một khái niệm then chốt cần được làm sáng tỏ ý nghĩa. Sau thế chiến thứ nhì, hiện tượng di dân trên quy mô toàn cầu đã dẫn đến việc tìm hiểu tâm lí của các cộng đồng di dân  trên địa bàn văn hoá xã hội mới. Hiện nay, có nhiều lối hiểu về quá trình hội nhập văn hoá. 

Trước hết là quan niệm cho rằng hội nhập văn hoá của một cộng đồng di dân vào một cuộc sống mới tại một xã hội mới, là khả năng và trình độ thích nghi và bắt kịp nếp sống nếp nghĩ và lề lối ứng xử của xã hội nơi họ đến cư ngụ. Theo quan niệm này thì cha mẹ con cái trong gia đình di dân cần thích ứng càng nhanh càng tốt, học tiếng nói mới, cư xử theo nếp sống mới.  Nói các khác, hội nhập văn hoá ở đây được hiểu là một cố gắng tột bực để tan hoà vào nếp sống mới y như một người bản xứ.

Cũng có một quan niệm khác cho rằng một cộng đồng di dân khó có thể đồng hoá theo nếp sống nếp nghĩ của một cộng đồng văn hoá khác. Muốn tan hoà vào cộng đồng văn hoá mới cũng phải mất ít ra là đôi ba thế hệ. Nhưng mà một cộng đồng văn hoá có bản sắc vẫn không thể nào có thể giũ sạch bản sắc của mình. Do vậy, hội nhập văn hoá chỉ là quá trình mà một cộng đồng văn hoá di dân có thể thích nghi với nếp sống mới nhưng vẫn không bỏ mất bản sắc của mình.

Ngược lại với hai quan niệm trên là thái độ hoài nghi thậm chí phủ nhận khả năng thích nghi vào xã hội mới. Người ta cho rằng một người mãi mãi sẽ chỉ là sản phẩm của một văn hoá nào đó, không thể nào bôi xoá nó được – “You are what you are!”. Những người quan niệm như thế thường thể hiện ra đời sống hằng ngày bằng thái độ luôn luôn quan tâm đến việc bảo vệ lối sống nếp nghĩ của mình, không muốn bị văn hoá của xã hội chủ nhà cuốn phăng đi. Nói cách khác, những người di dân này luôn luôn hướng về quê xưa như một hướng quay về, và họ xem cuộc sống di dân chỉ là một cuộc dung thân tạm bợ.

Gần với kiểu nhìn như trên là một quan niệm khác cho rằng chẳng có gì gọi là văn hoá dân tộc, do đó cũng chẳng có gì là mất mát nếu một cộng đồng di dân đến lưu ngụ tại một xã hội khác. Con người sẽ như bao nhiêu loài sinh vật khác, sẽ sống tan hoà vào môi trường thiên nhiên xung quanh mình, rất tự nhiên. Nói cách khác, chẳng nên đặt ra vấn đề nhiêu khê là hội nhập hay không hội nhập văn hoá, vì đó chỉ là một vấn đề giả tạo.

Bốn quan điểm trên đây -nói cho cùng- đều xoay chung quanh hai trục của vấn đề: (1) một cộng đồng văn hoá di cư đến một xã hội khác có cần gìn giữ bản sắc văn hoá của mình hay không; (2) cộng đồng văn hoá di dân có cần phải thiết lập mối liên hệ qua lại với các cộng đồng văn hoá khác chăng. Tuỳ theo thái độ và quan điểm cùa mỗi cá nhân và cộng đồng mà sẽ dẫn đến bốn quan niệm đúc kết lại trong sơ đồ dưới đây:                                                               

 Dưới góc nhìn của tâm lí học đa văn hoa thì trong bốn mô thức trên đây, chỉ có mô thức 1 là mô thức thoả đáng và thành công. Nếu đồng ý với nhau về định nghiã một cộng đồng là một tập hợp những người cùng chia sẻ những tính cách chung về văn hoá và ngôn ngữ, thì hội nhập theo nghiã này có nghiã là một thành viên hoặc cả một cộng đồng khi chung sống bên cạnh một người hay một cộng đồng khác có thể hoà nhập cùng nhau trong mối liên hệ qua lại mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá cuả mình. Những mô thức khác đều không phải là hội nhập, và sẽ dẫn tới những hệ quả tâm lí, xã hội và văn hoá không tốt cho những người di dân trong cuộc sống mới tại nơi lưu cư. Những cá nhân hay gia đình di cư đến một xứ sở mới lạ mà biểu lộ những dấu hiệu như: mất hạnh phúc, bị hội chứng thần kinh bệnh, thường xuyên bất mãn hoăc luôn biểu lộ tâm trạng hoài nghi, bất đắc chí... là vì những cá nhân hay gia đình đó gặp trở ngại lớn trong quá trình hội nhập văn hoá. Trong đời sống xã hội thì những cá nhân hay nhóm người di dân “có vấn đề” trong việc hội nhập văn hoá thì biểu lộ những thói ứng xử không mấy tích cực của những người hoài nghi, bất đắc chí…

Để hiểu rõ hơn tại sao những kiểu tiếp cận khác lại dẫn tới những vấn nạn, thậm chí những đổ vỡ trong cuộc sống di dân, hãy thử lần lượt xem xét các mô hình hội nhập trên đây. Mô thức 2 chỉ đặt nặng việc tạo dựng những mối liên hệ qua lại với các cộng đồng khác trong cuộc chung sống; tuyệt nhiên không đặt ra việc có nên giữ gìn bản sắc văn hoá cuả cộng đồng mình trong cuộc chung sống với các cộng đồng. Trong đời sống hằng ngày, mọi người chỉ bận rộn với việc làm sao cho giống người ta trong nếp sống, và phải an ủi mình rằng tiếng nói cuả mình, văn hoá cuả mình sẽ chẳng ích gì cho việc hội nhập cuộc sống mới cả. Trong lịch sử đã từng có những cuộc thôn tính văn hoá như thế. Chính sách đồng hoá người Giao Chỉ cuả nhà Hán khi chiếm đóng xứ này là một bằng chứng về chủ trương đồng hoá một cộng đồng dân tộc với một cộng đồng khác mạnh hơn, thế lực hơn. Trong thời hiện đại, khi mà hiện tượng di dân đã lan tràn khắp nơi, chính sách đồng hoá người di dân đã không còn được thế giới ủng hộ nưã, vì nó đã đi ngược xu thế chung cuả thế giới thời hiện đại.

Ngược lại với quan niệm đồng hoá là quan niệm cần gìn giữ bản sắc văn hoá. Đó là quan niệm được tóm vào mô hình 3 trên đây. Các cá nhân hay cộng đồng văn hoá cho rằng không thể hoà vào dòng chảy văn hoá cuả xã hội chung quanh: mối quan tâm lớn nhất cuả những người theo quan niệm như thế là làm sao gìn giữ được bản sắc văn hoá cuả mình, tránh hết sức những giao thoa mà họ cho rằng sẽ chỉ làm mờ tính cách văn hoá cuả riêng họ. Gìn giữ bản sắc văn hoá cuả cộng đồng mà không quan tâm đến việc tạo dựng mối liên hệ giưã các cộng đồng văn hoá khác là biểu hiệu cuả hiện tượng cách li văn hoá. Hệ quả của thái độ như thế là những “ghetto văn hoá”, những ốc đảo văn hoá trong lòng một cộng đồng văn hoá lớn.

Quan điểm được ghi nhận trong mô thức 4 cho rằng hiện tượng chung sống giưã các cộng đồng văn hoá cũng tự nhiên như cuộc sống tự nhiên xưa nay: trong khu rừng có muôn nghìn loại cây cỏ đua nhau vươn ra ánh sáng, nào có cần một sự chỉ đạo cuả ai đâu. Trong một thế giới tự nhiên như thế, không có vấn đề gìn giữ bản sắc hay cần thiết lập những mối liên hệ qua lại với ai. Quan niệm này hiện đang gặp một thách đố ngay trên thực tế: xã hội ngày nay đang chứng kiến những cuộc giao tiếp văn hoá thường xuyên, các cộng đồng văn hoá chung sống với nhau dù tự nguyện hay bị ép buộc. Đó là hiện tượng các cộng đồng đa văn hoá, trong đó mọi thành phần văn hoá đều được xem là có chỗ đứng trong xã hội, và xã hội cần khuyến khích để văn hoá các cộng đồng có thể đóng góp phần mình vào việc thăng tiến xã hội. Phủ nhận bản sắc văn hoá của các cộng đồng khác nhau là thái độ giả trá của những quan điểm phân biệt đối xử khác nhau mà thôi. Vì thế những quan điểm mang tính cách xem thường bản sắc văn hoá các cộng đồng đều bị đánh giá là mang màu sắc kì thị. Kì thị văn hoá không giúp ích cho các thành viên cộng đồng thăng tiến việc hội nhập đã đành, mà còn là mầm mống cuả những đau khổ do hiện tượng “bật rễ văn hoá” gây ra cho một cá nhân cũng như cộng đồng. Một thái độ ngược lại là một cộng đồng văn hoá tự coi thường bản sắc của mình. Cả hai thái độ muốn triệt tiêu văn hoá cộng đồng đều dẫn đến hiện tượng lạc lõng, mất phương hướng. Hệ quả là những khủng hoảng thường xuyên trong nội bộ các cộng đồng văn hoá, kéo theo những đổ vỡ trong cuộc sống xã hội.

Xem thế thì đối với một cộng đồng văn hoá di dân như tập thể người Việt chúng ta tại hải ngoại thì vấn đề hội nhập văn hoá có ý nghĩa bao trùm lên những thảo luận về những khác biệt, những xung khắc giữa các thế hệ trong đời sống gia đình. Giải quyết được bài toán hội nhập cũng có nghĩa là giải được bài toán then chốt trong cuộc sống di dân tại hải ngoại.


Riêng và chung

Tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại đang sống trong hoàn cảnh giao lưu văn hoá. Là những người tị nạn, người Việt cũng có những khó khăn chung như bao nhiêu những người phải buộc rời bỏ xứ sở của mình, đem theo những gia sản văn hoá của mình mà gieo trồng lên đất mới. Ý thức về những giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc của mình sẽ là một niềm tự hào, sẽ giúp chúng ta hội nhập vào cuộc sống mới với đầy đủ ý thức về mình, về người. Bạn trẻ chúng ta hôm nay đã ý thức một điều then chốt rằng: Làm một người Việt đàng hoàng tức là làm một người đàng hoàng. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm cho thấy những giá trị vững bền đã từng khiến tổ tiên chúng ta giữ gìn được nòi giống qua nghìn năm ngoại thuộc. Những giá trị đó sẽ lại giúp chúng ta thành công trong hội nhập văn hoá. Một bông hoa thơm trong vườn hoa nhân loại thì có gì đâu mà hổ thẹn.

                                           Đoàn Xuân Kiên
                         Tập san Thế  Kỷ 21, số 156 (th. 4/2002), tr. 23-29



Wednesday 4 October 2017

tản mạn
những trang bìa sách 
Việt Nam 
nội hoá

Phố Tịnh



Tình cờ tôi lần tìm được trên mạng lưới vài địa chỉ bán sách Việt Nam từ trong nước. Mỗi tựa sách đều có chụp trang bìa bên cạnh mục sách. Là người làm việc khoa học xã hội ở ngoài nước, hẳn nhiên là tôi thấy vui vui vì được tiếp xúc trực tiếp với thị trường sách báo trong nước. Bên cạnh niềm vui, tôi lại có một đôi điều bâng khuâng nghĩ ngợi về những trang bià nhất cuả những quyển sách mới in từ trong nước.

Điều làm tôi bâng khuâng là những trang bià sặc sỡ rất nhiều màu sắc mà người trong nghề vẽ thường gọi là màu nguyên, màu và sắc rất “rợ”. Thôi thì đủ loại màu sắc “đậm đà” đến chói mắt. Nếu màu sắc là chất liệu cuả tranh nghệ thuật thì tranh bià lại có một yêu cầu khác. Khác như thế nào thì chưa biết, nhưng hẳn nhiên là màu sắc chói chan quá đáng thì không phải !

Nhìn ngắm bià sách thì không thể bỏ qua chuyện trình bày kiểu chữ. Trong nghệ thuật vẽ bià có những kiểu dáng thời thượng và thị hiếu dùng kiểu chữ khác nhau qua thời gian. Những năm 40 cuả thế kỉ trước (thế kỉ XX), kiểu chữ trình bày bià thường to, mập, đĩnh đạc. Nhưng từ những thập niên 60 trở đi, khuynh hướng dùng những kiểu chữ thanh, mảnh dần được ưa chuộng.

Cuối cùng là hình ảnh trang trí bià sách. Trước thời kì hội hoạ trừu tượng và lập thể, bià sách thường có khuynh hướng dùng những hình vẽ chân phương, tả thực. Theo thời gian, nghệ thuật trình bày bià sách cũng ngả sang các khuynh hướng tân kì trong nghệ thuật hội hoạ.

Vài mẫu bìa sách mới

Nhưng bià sách là một tổng hợp cuả những yếu tố màu sắc và nét chữ cùng hình ảnh trang trí. Ấn tượng về một trang bià sách không phải là về những chi tiết mà là toàn thể. Nhìn trang bià ta có ấn tượng quyển sách “rẻ tiền” hay “nghệ thuật”. Từ đấy mà có ngã rẽ cuả hai loại nghệ thuật trình bày bià sách: một loại dành cho sách “phổ thông”, “bình dân”, và một loại sách “trí thức”, “nghệ thuật”. Thật ra không thấy có ai đặt vấn đề quy cách vẽ bià sách theo hai kiểu phân loại bià sách như trên. Nhưng trên thực tế thì đã như vậy. Bước vào rừng sách ở bất cứ nước nào bây giờ cũng có thể nhận ra hai loại bià sách như thế, và lắm khi chỉ nhìn qua kiểu trình bày bià một quyển sách trưng bày trong tủ kính ta cũng có thể đoán được trình độ cuả độc giả mà sách muốn nhắm tới.

Những trang bià sách trong nước hôm nay thật là gần gũi biết bao với những bià sách cuả Lê Xuyên, cuả Bà Tùng Long, hay loại sách mà quần chúng đọc sách ở Sài Gòn dạo trước vẫn gọi là loại sách “bình dân”. Trước năm 1975 chỉ có những sách bình dân mới dùng loại bià vẽ loè loẹt và dễ dãi như vậy thôi. Loại sách mà ta thường gọi là sách “đứng đắn” thì không thế. Từ màu sắc đến hình vẽ trang trí và kiểu chữ đều cần chăm chút kĩ lưỡng. Những nhà xuất bản đứng đắn thường tạo những phong cách riêng cho mẫu bià sách cuả mình. Chẳng hạn, nhìn sang Pháp, người yêu sách không thể nào lẫn  phong cách bià sách cuả Edition Minuit và Gallimard hay PUF.


Vài mẫu bìa sách trước 1975
Vài mẫu bìa khác trước 1975

Trước 1975, sách xuất bản ở Sài Gòn đã đạt đến trình độ như thế. Mẫu bià sách cuả nhà xuất bản Cảo Thơm, Sáng Tạo hay Thời Mới đã nghiễm nhiên trở thành những dáng vẻ rất riêng, rất độc đáo: đơn giản mà vẫn sang trọng, rất “văn hoá”. Ngay đến một nhà xuất bản sách giáo khoa như  nhà Lưả Thiêng vào những năm cuối cùng cuả thị trường sách Sài Gòn trước 1975, cũng hình thành cho nó một phong cách trang nhã mà vẫn nghệ thuật. Nói chung nghề xuất bản sách cuả mình đã tiến lên trình độ rất cao về mặt trình bày mẫu bià. Tất cả các thể loại sách đều có thể có những bià sách nghệ thuật. Bià  sách biên khảo, truyện, thơ, hay sách giáo khoa, đều có thể đạt đến nghệ thuật nếu người vẽ bià là một người có trình độ nghệ thuật.

Vài mẫu bìa khác (của Khánh Trường ở xứ Cờ Hoa)

Bây giờ là những năm đầu thế kỉ XXI. Bià sách Việt Nam dường như đang hối hả như trào dâng nước lũ quay ngược trở lại dòng thời gian. Không phải vì một giá trị nghệ thuật nào đáng trân trọng, mà dường như chỉ vì những người đang độc quyền làm ăn trong nghề vẽ bià sách là những người chỉ có trình độ hiểu biết nghệ thuật vẽ bià “hiện thực” (nghiã là khá trần trụi, dung tục), và “xã hội chủ nghiã” (nghiã là kéo lùi nghệ thuật trở về những mốc thời gian rất cũ). Lướt qua hơn một nghìn bià sách bày bán trên mạng, lòng tôi chợt bâng khuâng vì trình độ nghệ thuật thụt lùi quá xa về sau xưa cuả những người đang góp phần vào việc nâng cao dân trí ở trong nước. Bià sách loè loẹt, sặc sỡ như cố gắng minh hoạ nội dung một quyển sách, nhưng kết quả chỉ là sự vẽ vời quê kệch thảm hại. Nghệ thuật như thế đã tự phơi bày trước mắt chúng ta những chứng tích cuả một giáo dục nghệ thuật lạc hậu đến độ kinh hoàng.

Một hiện tượng nhỏ nhoi trong sinh hoạt văn hoá như một trang bià sách mà dường như gói tròn trong nó một sự nghèo nàn, thoái hoá cuả thứ văn hoá khô cứng, lạc hậu. May thay, những người trình bày bià sách cuả chúng ta hiện nay ở California (mà Khánh Trường  là một tay cự phách) vẫn là chút ấm  lòng dành tặng cho người yêu mến sách Việt Nam. Viết đến đây, lòng tôi quặn đau vì vưà chạm vào một sự phí phạm rất lớn lao mà thế hệ người lớn làm nghề xuất bản sách không ngờ được: Bià sách cũng là một ấn chứng cuả văn hoá. Văn hoá nào thì bià sách ấy.

phố tịnh
(Thông Luận)
2002














  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...