Thursday 28 February 2019


Phải chăng tác giả Truyện Phan Trần
là Nguyễn Huy Lượng ?

Đoàn Xuân Kiên



Khoảng thời gian ba thế kỉ XVII-XVIII-XIX là thời thịnh của thể loại truyện nôm. Các nhà văn thời này đều có chấp bút và đã lưu lại nhiều tác phẩm văn chương lôi cuốn nhiều thế hệ người đọc. Truyện Phan Trần là một truyện nôm ra đời trong thời kì này, cụ thể là khoảng cuối thế kỉ XVIII, trễ lắm là đầu thế kỉ XIX.

Nội dung truyện là câu chuyện tình yêu của hai người trẻ tuổi tên là Phan Tất Chính và Trần Kiều Liên. trước kia, khi hai bên cha mẹ là Phan công và Trần công cùng làm quan trong triều vua Tĩnh Khang nhà Tống, đã có lời đính ước với nhau khi hai phu nhân cùng thụ thai. Không bao lâu cả hai ông về trí sĩ thì loạn li khiến hai nhà lạc nhau, hai người trẻ tuổi cũng lưu lạc, Phan sinh thì lên kinh học thi, cô gái Kiều Liên thì cha mất và rồi lạc mẹ sau cơn biến loạn, phải vào chùa tu. Cuộc sống run rủi cho hai người gặp nhau, và yêu thương nhau thầm lén trong khung cảnh nhà chùa. Hai người dần biết là họ chính là những người con đã đính ước từ lâu, nên đã thành hôn với nhau. Khi Phan sinh thi đỗ, hai người trở về đoàn tụ với gia đình đôi bên. Từ đó hai người sống hạnh phúc tròn vẹn trong cuộc đời thành đạt.

Chuyện tình ái đầy chất đam mê của đôi nam nữ trong truyện được kể lại tường tận qua văn từ cũng sôi nổi, cụ thể không kém, từ khi chàng thư sinh lên vãn cảnh chùa đã si mê sư cô trẻ mà quên mất lời đính ước hôn nhân gia nghiêm đã từng dặn dò, đến khi chàng thanh niên ốm tương tư và chỉ nhờ cuộc viếng thăm mầu nhiệm của sư cô trẻ mà khỏi bệnh để rồi lại càng đắm say với tình yêu không bình thường giữa một thư sinh và một ni cô tươi trẻ. Cũng may là khi họ đi lại với nhau, dần dà mới cùng nhận ra họ chính là đôi trai gái đã từng được đính ước từ nhỏ, chỉ vì xiêu tán mà lạc nhau. Thế là nhờ may mắn mà tình yêu lãng mạn đắm say và lệch khuôn thước xã hội đã được kết thúc có hậu trong khuôn khổ lễ giáo.

Đương thời, có người đã phê phán chuyện tình Phan-Trần qua câu vè:

        Đàn ông chớ kể Phan Trần
        Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều

có lẽ là do lối hành văn nhã luyện, lôi cuốn của các tác giả dành cho hai câu chuyện tình lệch khuôn thước xã hội, và xem như là hai tác giả nhà văn nho sĩ tài hoa này đã cổ vũ cho lối sống lãng tử, vượt bỏ lề thói xã hội chăng? Nếu thế thì có phần khắt khe quá đối với  tác giả truyện Phan Trần và truyện Kim Vân Kiều, vì có phải riêng hai truyện nôm này như thế đâu, mà đấy cũng là nét chung của dòng văn chương tài tử thời đó, dù có vượt bỏ khuôn thước gò bó của lễ giáo Nho gia nhưng cũng chưa hẳn đoạn tuyệt được với hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội. Thời ấy đã như làn sóng tràn những câu chuyện tình yêu tươi trẻ chưa từng thấy xuất hiện trong kho tàng văn học nôm cổ, nào có riêng gì hai truyện nôm nhắc tới trong câu vè kia! Chúng tôi thiển nghĩ câu chuyện ngự sử văn đàn này, không phải là chuyện thuần văn học hay luân lí, mà mang đậm chất chính trị-xã hội của một thời xã hội còn đang dao động sau cuộc sang trang đổi đời của chính trị xứ ta sau 1802, như sẽ nói ở phần dưới bài.
 
Phong thái phóng túng của nhà nho tài tử thời kì này rốt cùng cũng chỉ được trút ra trên trang văn thơ trữ tình, và những nhà văn nho sĩ được gọi là những nhà nho tài tử vì phong thái lệch khuôn thước của họ. Chỉ nói riêng về phong cách ngôn từ cùa thế hệ những nhà nho tài tử này thì có thể nói thời kì thịnh đạt của văn nôm này cũng là thời của những câu thơ chuốt lọc nhất, kĩ xảo nhất. Chất thơ, chất trữ tình đã được thể hiện ở mức tinh luyện nhất của câu văn nôm. 3254 câu văn Kiều nôm là những câu văn giàu tính văn nhã, tiêu biểu cho trình độ trang nhã cao nhất của ngôn ngữ văn học thời thịnh nôm. 938 câu lục bát của truyện Phan Trần cũng có vô vàn những câu văn nhã luyện không kém văn Kiều. Và cũng trong dòng chữ nghĩa đẹp và nhã như thế, câu văn trong truyện Hoa Tiên, truyện Nhị Độ Mai hay những bài ngâm nổi tiếng như Chinh Phụ Ngâm, Bần Nữ Thán... đều cho ta niềm tự hào về tầm cao nhã của câu văn nôm Việt thời thịnh nôm này. Cho nên cũng không lạ gì khi một số nhà nghiên cứu trước đây đã lẫn lộn chất trữ tình và chất nữ tính trong câu văn nôm thời này, và đã bảo lưu một định kiến lâu dài là câu văn trữ tình và giàu nữ tính hẳn phải là sản phẩm của nhà văn nữ. Đó là khi các vị biện hộ cho bà Đoàn Thị Điểm vì muốn giành tác quyền  bản diễn ca Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng cho bà, làm như thể Phan Huy Ích không có khả năng cao diệu như thế.
  
Trở lại Truyện Phan Trần. Nhìn lại tất cả các bản in thì có thể thấy ngay là cho đến nay, Truyện Phan Trần không thấy có tên tác giả, cho nên vẫn thường được xếp vào kho truyện nôm khuyết danh (1). Trong điều kiện tài liệu hiện nay, có thể nào truy tầm tác giả truyện nôm này không? Để trả lời câu hỏi này thiết tưởng cũng nên để ý qua hiện tượng văn nôm khuyết danh của thời kì thịnh nôm cuối Lê-đầu Nguyễn.

Sự kiện một khối lượng lớn các truyện nôm khuyết danh là điều khó hiểu nhưng lại là điều thường xảy ra trong dọc dài lịch sử văn học hán-nôm nước ta trước đây. Hiện tượng này có nguyên do xã hội của nó. Trong thời đại mà văn chương chỉ là thứ văn chương nhàn phóng, trà dư tửu hậu, thì chuyện đề tên người trứ thuật không phải là chuyện đáng quan tâm hàng đầu của nhà văn nho gia. Tác giả có thể viết tay đề tặng bạn tri âm tri kỉ một bài văn khi có cuộc bình văn. Người bạn yêu thích bài văn lại có thể chia sẻ với bạn bè. Trong khi ngâm ngợi, nhóm bạn lại còn có thể nhuận sắc, thay đổi một vài chữ chỗ này chỗ khác cho "đạt" hơn, "nhã" hơn... Có thể bản văn truyên nôm Kim Vân Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) hay Phan Trần cũng như bao nhiêu tác phẩm văn nôm của ta đã chuyên tay trong tình cảnh như thế mà nay khó có thể truy nguyên bản văn gốc và những tác phẩm văn nôm đã bị "nhuận sắc". Hoạ hiếm lắm mới có được một trường hợp như Truyện Hoa Tiên mà ngày nay ta còn may mắn giữ được bản văn nguyên tác (của Nguyễn Huy Tự) và nhuận sắc (của Nguyễn Thiện).

Trong hoàn cảnh chung thì đã như thế. Đến những thời kì khá đặc biệt như trong hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương thời cuối Lê - đầu Nguyễn (thế kỉ XVIII-XIX), lại còn một tình cảnh khác thường, "nhạy cảm". Trong hoàn cảnh tế nhị đó, nhiều nhà văn nhà thơ có để lại nhiều di cảo hoặc bản khắc in lúc sinh tiền; nhưng con cháu đã phải cất giấu sách vở của cha ông, hoặc có giữ lại thì cũng cắt bỏ phần lạc khoản, như thể các di cảo kia là của những người vô danh nào đó. Chỉ đến khi xã hội đã hết nhập nhằng, tạm gọi là ổn định, người đời sau có quý chuộng sách hay thì lôi ra khắc in, cũng mặc nhiên bỏ trống phần lạc khoản nêu rõ danh tính người soạn sách.

Trường hợp điển hình mà chúng ta nay còn biết được là bản sách chép-in tập Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc của Phan Huy Ích, được biết là bản rập của bản khắc in khoảng sau 1814 (năm ông soạn xong bản diễn ca này). Bản rập này chỉ khác bản in từ ván khắc ở điểm là nét chữ  sắc sảo, chân phương. Trên trang đầu của sách có đầy đủ khung chữ đề danh tính tác giả ở trang đầu nhưng đã để trống. Một sự lạ. Sách có bài nguyên tự dài khoảng ba hoặc bốn trang, nhưng đã bị tháo bỏ tờ có hai trang cuối ấy, chắc chắn phải có ghi đầy đủ lạc khoản nêu rõ danh tính người làm sách và những người liên quan đến bản khắc in. Ngày nay ta biết được tác giả của bản Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc này là nhờ vào những dữ kiện khác về tác giả của nó chứ không dựa vào bài tựa thiếu trang kia.

Tại sao một tác gia nổi tiếng như Phan Huy Ích mà số phận sách in phải truân chiên như thế? Chỉ vì ông sống đúng vào thời mà đất nước chưa qua buổi tao loạn nhiễu nhương. Ta không quên rằng năm 1802, ông và người anh vợ  (Ngô Thì Nhậm) là hai ông tiến sĩ đã phải bị đòn roi ngoài Văn Miếu! Cho nên cũng là sự thường (!) thôi, nếu những năm đầu triều Nguyễn sách vở của những nho thần triều Lê-Trịnh hay Tây Sơn có bị vùi dập, đẩy lùi vào vòng ẩn danh, rồi rơi xuống khuyết danh, thậm chí vô danh (!), khi đời sau in lại các di cảo của họ.

Trong số nhiều danh sĩ tiền triều ở đầu thế kỉ XIX có Nguyễn Huy Lượng (?-1808). Ông là văn thần và là nhà thơ sống cuối đời Lê trung hưng, có ra làm quan với nhà Tây Sơn, và đến đầu đời nhà Nguyễn có được vời làm chức tri huyện rồi chết tại chức, có thể vì một lí do mờ ám, khi ông mới trên dưới tuổi 60.

Cho đến nay chúng ta biết được là Nguyễn Huy Lượng có bút hiệu Bạch Liên Am. Người đương thời vẫn gọi ông là Bạch Liên Am Nguyễn. Trong Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, Hoàng Xuân Hãn đã sao lục và phiên chuyển ra chữ quốc  ngữ một bài văn lục bát 246 câu của Bạch Liên Am Nguyễn, phỏng dịch ra văn nôm từ nguyên tác hán văn Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn (2). Một số tài liệu trích diễm còn cho tác giả của tập Cung Oán Thi là của Bạch Liên Am Nguyễn (3), số tài liệu khác lại cho là của Nguyễn Huy Lượng (5). Có lẽ cho đến nay chỉ có Maurice Durand là người đầu tiên nhận ra sự kiện Bạch Liên Am Nguyễn và Nguyễn Huy Lượng là cùng một người (3). Chúng ta cũng được biết là Nguyễn Huy Lượng từng góp lời bình trong một bản cảo Truyện Kiều của Nguyễn Du khi truyện nôm này vừa được phổ biến (4)... Những chỉ dấu hiếm hoi và rải rác trên thư tịch cũ cũng đủ cho thấy ông là người đã từng theo nghiệp sáng tác và có giao du cùng với những nhà văn cùng thời như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du...

Tiếc thay, Maurice Durand và Trần Nghĩa đã bỏ mất cơ duyên khảo sát văn phong Cung Oán Thi, phú Tây Hồ, văn tế Tướng Sĩ Trận Vong, hay gần hơn là bản phỏng dịch Chinh Phụ Ngâm (là những chứng tích văn chương của Nguyễn Huy Lượng) để từ đó nhận ra văn phong khá thống nhất với tác phẩm truyện nôm mà các ông đã dày công khảo đính và phiên chuyển: Truyện Phan Trần. Văn phong ấy chỉ có thể là của nhà văn Nguyễn Huy Lượng thôi.

Thật vậy, Nguyễn Huy Lượng là người viết văn không ngại liên hệ bản thân khi làm văn. Ông đã có lần cho biết khi làm bài phú Tây Hồ, ông đã ngoài 50 tuổi: "Ngoài năm mươi thẹn bóng tang du" (Tụng Tây Hồ). Mở đầu truyện nôm Phan Trần, ông cũng bảo:

        Liên Am 莲  nhân gặp hội vui
        Tưởng ân tình nghĩa, xem chơi quyển vàng

Chúng tôi trích theo bản phiên chuyển từ bản nôm Phan Trần Trùng Duyệt do Thần Khê Đồng Phong Thừa Thư khắc in (1904). Đây là một bản khắc in khác hẳn hệ ván khắc của một số lớn các bản khắc in đầu thế kỉ XX.




Trang đầu Phan Trần Truyện Trùng Duyệt (1904)

Các bản khắc in khác thì khắc  "trên 𨕭 (am)" với chữ nôm liên + thượng, và lại đổi thành câu khác hẳn:

        Trên am thong thả sách cầm
        Nhàn nương án ngọc buồn ngâm quyển vàng




Trang đầu Phan Trần Truyện bản Văn Đường (1867)

Trước nay chúng ta biết khá nhiều trường hợp người đời sau tự tiện nhuận sắc văn người xưa theo ý mình, hoặc có khi vì không hiểu ý văn người xưa mà đổi ra cho dễ hiểu theo ý mình. Chỉ xét riêng trường hợp hai câu mào đầu khác nhau này, chúng ta có thể nhận ra ngay hai phong cách văn chương khác nhau. Câu mở đầu của bản Trùng Duyệt cho ta thấy phong cách thoải mái, an nhiên của nhà văn khi đặt bút xuống trang giấy; ông nói về cảm nghĩ của bản thân mình trong buổi đầu lúc khai mào truyện. Phong cách ấy nhất quán với phong cách sảng khoái của nhà văn khi tụng cảnh Tây Hồ hay khi viết bài tế tướng sĩ trận vong. Thật khác với phong cách nhàn rỗi, thừa thãi thì giờ của một người ra ngẩn vào ngơ như hai câu mở đầu của bản văn khác.

Nguyễn Huy Lượng còn để lại nhiều tác phẩm văn nôm. Phong cách văn ông vừa tài hoa, vừa có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Trước nay học giới đã quen với phong cách mạnh mẽ hùng biện của ông qua các bài phú, văn tế. Trong khung cảnh học thuật cổ thời, văn biền ngẫu mà có phong cách lôi cuốn như bài Tụng Tây Hồ Phú và bài Văn Tế  Nghĩa Sĩ Trận Vong thì phải là người văn tài hơn người.

Cho đến nay, chúng ta biết được văn tài Nguyễn Huy Lượng qua các bài văn Tụng Tây Hồ Phú và Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong. Hình ảnh nhà văn Nguyễn Huy Lượng qua những câu văn biền ngẫu trên là một người học rộng, thấm nhuần phong cách văn chương cổ điển, chữ nghĩa người xưa đầy ắp trong câu văn ông mà quý thay con người cá nhân nhà văn vẫn không chìm ngập trong kho chữ nghĩa tập cổ đó; ông đã lặn sâu trong chữ nghĩa mà vẫn nổi lên khỏi nó để chữ nghĩa văn từ trong bài văn vẫn là mình, phản ảnh bản sắc con người mình. Một bài phú Tây Hồ đã tập đại thành đầy đủ phong cách văn chương này. Hiểu và thích thú với văn chương bài phú đòi hỏi công phu làm quen với phong cách từ chương cổ điển; nhưng chữ nghĩa vẫn không làm mờ nhạt bản sắc văn phong cá nhân tác giả bài văn biền nổi tiếng (6).

Bên cạnh con người nhà văn nho sĩ có khẩu khí hào sảng, tràn đầy sức sống, từ nay chúng ta còn biết thêm là có một Nguyễn Huy Lượng tài hoa, văn chương nhã luyện của phong cách văn chương thời đại ông: văn chương lãng mạn, tài tử. Phong cách bài phỏng dịch Chinh Phụ Ngâm của Bạch Liên Am là phong cách tài hoa, giàu mĩ cảm. Những câu thơ tự tình lục bát mềm mại của bài ngâm cũng đã thể hiện nữ tính đa cảm của người chinh phụ, khắc hoạ một chân dung cảm xúc phong nhiêu của một nhà văn giàu sức liên cảm với số phận những con người quanh ông, cụ thể trong bài văn Chinh Phụ Ngâm này là của người phụ nữ mong chồng chinh chiến sớm trở về. 246 câu thơ lục bát đó còn là biểu hiện của tấm lòng liên ái những phận người kém may mắn, thua thiệt trong một xã hội đã quá nhiều tao loạn. Tấm lòng rộng lớn của nhà văn chưa đủ làm nên nhà văn lớn nếu ông không có một tài năng hơn người khi vận dụng ngôn từ để trải lòng mình ra trên giấy. Những cung bậc tình cảm của người phụ nữ trong bài Chinh Phụ Ngâm lục bát đã phản ảnh con người tài hoa đa cảm của nhà văn Bạch Liên Am.

Phong cách văn nhã của nhà văn nhà thơ Bạch Liên Am đã một lần nữa phả vào từng câu thơ lục bát trong Truyện Phan Trần. Từ lối văn lục bát tự tình trong bài ngâm chuyển sang lối tự sự trong thể truyện, nhà văn đã gói vào trong câu văn tự sự những mẩu suy nghĩ, những cảm nhận của ông về những cảnh đời của những con người dù là hư cấu đấy mà vẫn mang đậm những tình cảm thật của những con người thật mà ông từng gặp gỡ, từng chung sống và chia sẻ tâm tình thời đại trong những khung cảnh xã hội khác nhau.

Trong Truyện Phan Trần, những nhân vật (vốn xuất thân là những người thuộc đẳng cấp nho sĩ) đã nếm trải hết mùi vị cuộc sống, từ dùi mài kinh sử, đến yêu đương nồng nhiệt của tuổi trẻ, từ những thất bại trong khoa trường và tình trường đến những hạnh phúc gia đình yêu thương và vinh hoa của đời phục vụ xã hội. Những hạnh phúc và đau khổ, những khuôn thước xã hội và những quá đà trong đời sống tình cảm tuổi trẻ, những cảm nhận về nhân tình thế thái mà ta thấy trong dọc dài câu chuyện kể về một mối tình lãng mạn hẳn phải là phản ảnh kho kinh nghiệm sống của tác giả truyện nôm này. Nói cách khác, Bạch Liên Am phả vào từng câu thơ phong cách con người đa tình tài hoa của một nhà văn nho thần.

Nói về phong cách văn chương Truyện Phan Trần, không thiếu những câu lục bát giàu chất thơ như ta thường gặp trong kho tàng truyện nôm lục bát ở thời kì cuối thế kỉ  XVII-đầu thế kỉ XIX. Phong cách chung những câu lục bát trong truyện nôm là những kĩ xảo tiểu đối, cân phương, hô ứng, ý ở ngoài lời..., tạo nên phong cách bóng bẩy của văn chương, của ngôn từ văn học một thời. Trong chừng mức này, Truyện Phan Trần là một truyện nôm sánh ngang cùng những danh tác cùng thời đại của nó.

Tính đến khi bản khắc in sớm nhất mà nay ta còn được biết là năm 1867, Nguyễn Huy Lượng mất đi chỉ nửa thế kỉ thôi. Chỉ trong 50 năm ấy mà tác phẩm còn lại của ông đã trôi lạc lênh đênh qua mấy thể dạng sau:

(1) Có tác phẩm bị gán nhầm tác giả, như trường hợp tập Cung Oán Thi bị gán cho Nguyễn Hữu Chỉnh, và bài Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong bị gán cho tổng trấn Nguyễn Văn Thành;

(2) Có tác phẩm  bị những người hẳn là ở vị thế của những chủ nhân ông mới của xã hội Bắc hà sau 1802 dè bỉu qua một câu vè tưởng như vô tình nhưng có mang màu thù nghịch thường thấy trong buổi giao thời: "Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều". Hai tác phẩm liên can chính là Truyện Phan TrầnĐoạn Trường Tân Thanh. Trước nay các nhà bình luận chỉ nhìn ở khía cạnh phê phán bản thân hai quyển truyện nôm mà quên rằng hai tác phẩm văn chương này không khác là bao về nội dung tài tử, lãng mạn vượt khỏi quy lệ Nho gia. Tính cách chung của văn nôm thời kì cuối Lê - đầu Nguyễn là như vậy chứ có riêng gì hai tác phẩm trên đây! Từ Song Tinh Bất Dạ (thk XVII) đến một loạt những truyện nôm ở thk. XVIII-XIX như Hoa Tiên Truyện, Nhị Độ Mai, Sơ Kính Tân Trang, và hàng loạt truyện nôm mà nay còn khuyết tên tác giả như Tống Trân, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh, Phương Hoa, Lý Công..., ở những mức độ khác nhau, tính cách lãng mạn vượt qua những quy ước ứng xử Nho gia đã là nét chủ đạo của những truyện nôm này. Sao lại chỉ phê phán hai truyện nôm Phan TrầnKim Vân Kiều? Sự thực là thời tranh tối tranh sáng những năm đầu triều Gia Long là những năm tháng không êm ả cho rất nhiều những nhà văn nho thần đã từng phục vụ tiền triều. Họ có thể bị căng nọc trước văn miếu vì cái tội là tiến sĩ mà không chọn đúng chủ mà thờ! Họ có thể bi triệu phái, lưu dung một thời gian trước khi bị thải hồi khi hết cần thiết (như Phan Huy Ích) hoặc thậm chí chết thảm (như Nguyễn Huy Lượng). Một câu vè "Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều" chỉ có thể hiểu cạn lẽ trong bối cảnh xã hội cụ thể đó thôi;

(3) Có những tác phẩm thời cuối Lê - đầu Nguyễn, nhất là vào triều đại Tây Sơn đã vì thời cuộc mà bị đẩy vào kho văn chương khuyết danh một thời gian dài. Khi hậu thế lục tìm lại trong kho sách cũ những sách vở giá trị để khắc in thì chỉ có thể tìm được những quyển văn mất đầu thiếu đuôi... Khối lượng những tác phẩm truyện nôm thường bị coi là khuyết danh, vô danh (!) trong khoảng thời gian này nhiều lắm, nhiều một cách bất thường, phần lớn là vì lí do xã hội của chúng. Sự kiện một số tác phẩm của Nguyễn Huy Lượng bị che giấu danh tính tác giả cũng nằm trong hoàn cảnh thời thế, xã hội những năm đầu đổi đời đó.

Tóm lại, trong chừng mức hiện nay, với những chứng liệu có từ văn bản truyện nôm Phan Trần và một vài tài liệu liên quan, có thể đã đến lúc trả lại tác quyền truyện nôm Phan Trần cho nhà văn Nguyễn Huy Lượng. Trước tiên là phong cách văn chương khá sát sao giữa bản phóng dịch Chinh Phụ Ngâm mà tác giả kí tên Bạch Liên Am Nguyễn và văn phong truyện nôm Phan Trần; bên cạnh đó, chứng từ khá hiển nhiên là tác giả tự nêu danh tính ở câu đầu tiên truyện nôm này. Thêm một bàng chứng nữa là những sự kiện chung quanh cảnh ngộ cá nhân nhà văn trong một hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương đã khiến sự nghiệp văn học của ông bị phủ mờ khói bụi của thời gian. Có thể trong tương lai, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra thêm những cứ liệu xác tin hơn để trả lại cho Cesar những gì của Cesar, trong ý hướng đẩy lùi dần tình trạng khuyết danh tác giả những áng văn chương trong kho tàng văn học hán-nôm nước nhà.

                                                       Đoàn Xuân Kiên

(1) Cho đến nay, tác phẩm này đã được khắc in nhiều lần. Bản in chữ nôm cũ nhất còn giữ được là Phan Trần Truyện, bản khắc in vào mùa thu năm Đinh Mão (1867), thời vua Tự Đức (hiện còn một bản lưu tại thư viện École des Langues Orientales, Paris). Sau đó nhiều bản in khác hiện còn bản in lưu tại các thư viện hán nôm các nơi: bản in Phan Trần Truyện khắc in năm Nhâm Thìn (1892), đời vua Thành Thái (hiện còn bản lưu trữ tại Bibliothèque Nationale, Paris) ; một bản Phan Trần Truyện khác in năm Nhâm Dần (1902), cũng vào đời Thành Thái (một bản in hiện lưu tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội); một bản in Phan Trần Truyện nữa khắc in mùa đông 1926, vào đời Bảo Đại (hiện còn một bản in tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội). Một bản khắc in khác được thực hiện mùa hạ năm Giáp Thìn (1904), đời Thành Thái, có tựa đề Phan Trần Truyện Trùng Duyệt, có khi gọi là Phan Trần Truyện Tăng Đính (có bản in hiện lưu tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội).

Bản in chữ quốc ngữ cũng có khá nhiều, rải rác từ cuối thế kỉ XIX đến nay. Bản in sớm nhất là Phan Trần Truyện do Trương Vĩnh Ký phiên chuyển, và do nhà in A. Bock in năm 1889 (có một bản lưu tại thư viện École des Langues Orientales, Paris); Phan Trần Truyện Dẫn Giải do Đinh Xuân Hội biên tập tại Toà Hán Việt Tu Nguyên, và do nhà Tân Dân Thư Quán xuất bản năm 1930; Truyện Phan Trần do Đinh Gia Thuyết đính chính và chú thích, và do nhà Tân Việt xuất bản tại Sài Gòn (1952); bản in Truyện Phan Trần, do Nguyễn Trác, Lê Tư Thực và Nguyễn Tường Phượng hiệu đính, khảo thích và giới thiệu, do nhà Văn Hoá xuất bản (Hà Nội, 1961). 

Ngoài ra, phải kể đến hai bản in vừa nôm vừa chữ quốc ngữ sau đây: bản thứ nhất là Phan Trần (roman en vers), do Maurice Durand khảo đính, phiên chuyển và giới thiệu từ văn bản Phan Trần Trùng Duyệt (do Thần Khê Đồng Phong Thừa Thư khắc in năm 1904), do École Francaise d'Extrême-Orient xuất bản (hai tập in ronéo, Paris, 1962); và bản in mới: Truyện Phan Trần do Trần Nghĩa khảo đính, phiên chuyển từ bản in cổ nhất hiện còn (bản in đời Tự Đức, 1867), và giới thiệu, nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) in năm 2009. 



Hai bản phiên chuyển ra chữ quốc ngữ có kèm bản nôm này đã chọn hai bản in thuộc hai hệ khắc bản khác nhau, và dù hai bản khắc mà hai vị sử dụng có quãng cách thời gian khác nhau 42 năm thì chúng cũng chỉ là các truyền bản từ những bản in cũ trước đó mà thôi. Tính cách chung của các khắc bản ra đời cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX đều mang sắc thái chữ nôm thế kỉ XIX đã được điển chế nhiều so với chữ nôm những thời kì sớm hơn. Sắc thái chữ nôm điển chế này có lẽ đã định hình từ khi có bộ từ điển Nhật Dụng Thường Đàm của Phạm Đình Hổ (1851). Ngoài lẽ trên liên quan đến chữ Nôm của văn bản, còn yếu tố ngôn từ: hai bản in thuộc hai hệ bản khắc nói trên cũng không cho thấy tính cách cổ hơn của bản in trước, vì đều là ngôn từ sử dụng trong thời cuối Lê - đầu Nguyễn. (Có nhiều từ ngữ trong bản phiên chuyển của Trần Nghĩa được ông cho là "cổ" nhưng vẫn còn ghi lại trong từ điển Taberd (1838). CHo nên muốn thẩm định việc khảo đính văn bản thì còn cần thêm công phu hơn nữa). Vì lẽ trên, chúng tôi chọn dùng bản phiên chuyển từ Phan Trần Truyện Trùng Duyệt (1904).

(2) Hoàng Xuân Hãn, Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (Nxb. Minh Tân, Paris, 1953), tr. 207-218.

(3) Theo Maurice Durand. Xem: Digital Collections: Cung Oán Thi (AB. 549): http://findit.library.yale.edu/catalog/digcoll:4671

(4) Xem: Thuỵ Khuê, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn & Tạ Trọng Hiệp (Nxb. Văn Nghệ, USA, 2002), tr. 188-189.

(5) Xem: Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam (Tân Việt, 1960), tr. 659.

(6) Tương truyền là khi "bài phú ông Lượng" được lưu hành từ buổi tế hạ năm Tân Dậu hoàng triều Bảo Hưng (1801), bài văn đã mau chóng trở thành một hiện tượng văn học đương thời: dân Hà thành hồi ấy đổ xô đi tìm mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên.(Theo sách Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nxb. Lao động, 2009, trang 312.)

Văn Việt, ngày 21/03/2019 (http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/phai-chang-tc-gia-truyen-phan-tran-l-nguyen-huy-luong/)

                                             
                                          Phụ đính:

Tiểu sử Nguyên Huy Lượng
trích theo Wikipedia có bổ sung:

Nguyễn Huy Lượng bút hiệu là Bạch Liên Am Nguyễn tiên sinh, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, sau dời sang làng Lương Xá, huyện Chương Mỹtỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Chương Mỹthành phố Hà Nội).
Họ Nguyễn Huy là một trong những họ có nhiều người hiển đạt của làng Phú Thị. Nguyễn Huy Nhuận đỗ tiến sĩ năm 1703 (làm quan trải đến chức tể tướng). Con ông là Nguyễn Huy Dẫn đỗ tiến sĩ năm 1748. Con ông Dẫn là Nguyễn Huy Cẩn đỗ tiến sĩ năm 1760, v.v...Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, thì dường như cha Nguyễn Huy Lượng có dính líu đến vụ tố cáo âm mưu Trịnh Khải chống lại cha là chúa Trịnh Sâm, nên khi Trịnh Khải lên làm chúa thì ông phải lánh sang tị nạn ở làng Lương Xá. Tuy nhiên, theo Gs. Nguyễn Lộc thì cha Nguyễn Huy Lượng không đỗ đạt gì, chỉ ở nhà chuyên làm ruộng (Theo Từ Điển Văn Học, bộ mới. Nxb. Thế Giới, 2004, tr. 1249).
Dưới thời Lê-Trịnh, Nguyễn Huy Lượng thi đỗ hương cống (cử nhân), được bổ làm Phụng nghị ở bộ Lễ (tức là một chức quan nhỏ phụ trách việc xem xét các lễ vật khi cúng tế).
Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung ra Bắc, đại phá quân Thanh (Trung Quốc), giải phóng Bắc Hà. Nguyễn Huy Lượng sau đó ra làm quan cho triều Tây Sơn.
Năm 1801, vua Cảnh Thịnh làm lễ tế giao ở một địa điểm gần hồ Tây, đã giao cho Nguyễn Huy Lượng, bấy giờ đang là Hữu thị lang bộ Hộ (nên còn được gọi là Hữu Hộ Lượng, tước Chương Lĩnh hầu), soạn một bài thơ và một bài phú tiến dâng, và bài Tụng Tây Hồ phú nổi tiếng đã ra đời nhân dịp này.
Sau khi nhà Tây Sơn bị diệt, triều Nguyễn (Gia Long) triệu tập ông, bổ làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Khi vua Gia Long đi tuần du, ông được đi theo. Nhờ vậy, ông soạn được bài Ngự đạo hành cung nhật trình (Con đường từng ngày của nhà vua qua các hành cung).
Theo sách Minh đô sử thì ông bị bức tử năm 1808, nhưng theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì ông bị chết trận tại nơi trị nhậm, năm 1807.

Sáng tác của Nguyễn Huy Lượng đều viết bằng chữ Nôm, hiện còn:
·      Tụng Tây Hồ phú (Phú ca tụng hồ Tây). Đây là bài phú chữ Nôm, gồm 86 liên, dùng chỉ một vần "hồ" (độc vận). Dụng ý của tác giả là mượn cảnh Tây Hồ để tán tụng sự nghiệp và công đức của nhà Tây Sơn. Đây là lúc triều đại này đã suy mà ông vẫn viết nên bài phú với một niềm say sưa không hề giảm.
·        Lượng như long phú (Phú Lượng như rồng).
·    Ngự đạo hành cung nhật trình (Con đường từng ngày của nhà vua qua các hành cung).
·      Cung oán thi (Thơ về nỗi oán của người cung nữ). Đây là tập thơ gồm 100 bài thơ Đường luật (thất ngôn bát cú). Có tài liệu nói đây là tác phẩm của Vũ Trinh hoặc Nguyễn Hữu Chỉnh, tuy nhiên gần đây mới xác định là của ông.
·      Văn tế tướng sĩ trận vong (khoảng cuối năm 1802, tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành tổ chức tế truy điệu các tướng sĩ trận vong tại Thăng Long, có mời một số văn gia nho thần làm hộ văn tế, trong đó có bài của Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng. Bài của ông Lượng được chọn đọc tại cuộc tế đàn này.)
·      Chinh phụ ngâm (phỏng dịch)
·      Phan Trần truyện







Saturday 29 September 2018


Philiphê Bỉnh


những bài thơ

trong

Nhật Trình Kim Thư 

Khất Chính Chúa Giáo

 





Định Hướng Tùng Thư xuất bản và phát hành lần thứ nhất 2004

Phố Tịnh 
2013 
(có sửa chữa và bổ sung)











LỜI CẢM TẠ


Để thực hiện việc phiên chuyển và chú thích tập bản cảo 
những bài thơ này, tôi đã được Lm Roland Jacques, Gs. Lê Hữu Mục, anh Hiền Quang (Canada), Ts. Nguyễn Đăng Trúc (Pháp) giúp đỡ về mặt tư liệu, và góp ý kiến về các khía cạnh đặc thù của sinh hoạt sống Đạo ở những thời kì xa xưa. 
Xin quý vị nhận ở đây lòng biết ơn và trân trọng của chúng tôi. 

 

 

       Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo

của 
Philiphê Bỉnh

phần IV: Thi thơ
(trang 425 – 467)














Bản hội các Thầy viên hành thơ

Muôn nước nghìn non chí chẳng chồn
Quyết ra tay gỡ mối càn khôn
Cương thường quằn quằn hai vai gánh
Trung nghĩa rành rành một tấc son
Mái bắc trời che thù hãy đội
Cõi tây bể lắc tiết không mòn
Muôn trông ơn đức nhân lành giúp
Non nước còn âu tiếng hãy còn


Hoà

Kẻ chồn có kẻ cũng không chồn
Vì một người là một trí khôn
Mồi nọ ngon lành che lưới sắt
Cơn kia cay đắng giại lòng son
Vàng hay nhạt chữ tình nào nhạt
Đá dầu mòn bia miệng chẳng mòn
Xin hãy cậy trông lời đã phán
Giúp thiêng xưa mất ắt nay còn

             Quí sửu niên
       Ngày mồng 4 tháng 8 năm 1798

Saturday 7 July 2018


Tên người Việt:  

Nét chung và riêng


Đoàn Xuân Kiên


Nghe nhạc: ca khúc Mẹ năm 2000:
https://www.youtube.com/watch?v=e6kV0lf50ws

Tên riêng là một đề tài thu hút khá nhiều người nghiên cứu. Thư tịch tên riêng của người phương tây khá phong phú, nhờ có một truyền thống khá lâu. Đối với người Việt chúng ta, bàn về chuyện này hãy còn là mới lạ, với vỏn vẹn ba bài khảo luận nhỏ bé của ba nhà ngữ học [1] bên cạnh ít ghi chép về các mặt dân tộc  học của các tác giả khác [2]. Vấn đề tuy không phức tạp gì cho lắm nhưng ít nhiều góp phần soi sáng ý nghĩa về mặt văn hoá dân tộc; cho nên tưởng cũng không thừa khi nhìn lại nó thêm một lần.  

Bài viết này không dừng lại ở mặt “mô tả” các phương thức gọi tên người Việt chúng ta, mà muốn đẩy thêm việc khảo sát vào những khía cạnh khác: lượm lặt những ý nghĩa riêng của việc đặt tên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam bên cạnh những nét chung của nó so sánh với tên gọi của người các nước khác.  Những suy nghĩ của người viết đặt trên tiền đề là tên riêng của mỗi người không chỉ là một tên gọi, nó còn là dấu hiệu chỉ báo nhiều ý nghĩa sâu sắc về mặt ngôn ngữ, dân tộc học, nhân học và cả triết học nữa.

Tên riêng của chúng ta thuộc phạm trù triết học về cái danh. Tương quan giữa “danh” và “thực” đã là môt vấn đề xưa cũ của triết học đông, tây. Phái danh gia thời Chiến Quốc đã cho rằng “Ngựa trắng” không phải là “Ngựa”. Ý hẳn Công Tôn Long muốn nhấn mạnh đến mối mâu thuẫn hai mặt giữa cái vỏ ngôn ngữ và cái nội dung khái niệm về sự vật thực hữu! Cho nên không lạ gì nhà ngữ học đã phải lập lại mối quan hệ giữa cái danh và cái thực trong mối liên hệ ba chiều của một tam giác ngữ nghĩa cổ điển:
                                

Những tiếng để trỏ một khái niệm về một sự vật/ sự kiện cụ thể chính là những tiếng thuộc từ loại danh từ, động từ, tính từ trong ngữ pháp. Hãy lấy một vài ví dụ: danh từ bàn diễn tả khái niệm về đồ vật có bề mặt và một bộ phận chống đỡ khỏi mặt đất; động từ học diễn tả một khái niệm về một việc làm cụ thể: thu thập hiểu biết từ bên ngoài; tính từ vui biểu thị một khái niệm về một tính cách, một trạng thái tâm hồn lúc được toại lòng.  Những từ ngữ trên đây cho ta một ý niệm chung về một tập hợp sự vật/sự kiện chứ không trỏ riêng một cá thể nào; "bàn" chẳng hạn, là một ý niệm khái quát nhất về cái bàn, không phân biệt bàn tròn, vuông, hay chữ nhật, không để ý đến bàn làm bằng gỗ hay sắt, hay bằng kính. Về mặt ngữ nghĩa, các loại từ nói trên đây là những “thực từ”.

Tên riêng không nằm trong phạm trù ngữ pháp “thực từ” nói trên.  Tên gọi không cho ta khái niệm về một tập hợp, một loại; mỗi tên gọi một người chỉ là một định danh cho một cá nhân đặc thù mà thôi, không hơn không kém. Trong bao nhiêu người ở trong cộng đồng dân tộc Việt, chỉ có một con người ấy là Nguyễn Trãi, sống cách nay hơn 600 năm, là một con người lừng lẫy và là tác giả tập thơ mang thiên cổ hận là “Quốc Âm Thi Tập”. Những ông Trãi khác trước đó và sau này là những cá nhân khác, không thể nhầm lẫn được! Nhận thức được điều này có ý nghĩa lớn đối với ngữ pháp học. Chúng ta không thể không nhìn nhận tính cách riêng của tên riêng bên cạnh những thực từ gọi là danh từ.  

Hiện nay, các sách ngữ pháp vẫn mặc nhiên xếp tên riêng vào từ loại danh từ, ấy là căn cứ trên vị trí của nó trong một cấu trúc câu nói (cú pháp) nhưng chưa lưu ý đúng mức đến sự khác biệt quá lớn giữa tên riêng với cả loạt thực từ: trong khi thực từ là những từ có nội dung là một khái niệm chung về một tập hợp sự vật/ sự kiện nào đó, thì tên riêng chỉ là một cái vỏ âm thanh gọi tên một cá thể độc nhất, không chứa đựng thêm một khái niệm nào về bản chất cá nhân đó.  Quan tâm đến mặt ý nghĩa của tên riêng, hẳn là phải quan tâm đến ranh giới khá dứt khoát giữa tên riêng và tập hợp các thực từ khác:
                                      

Tóm lại, về mặt ngữ nghĩa, tên riêng không thật sự có một nghĩa về một loại sự kiện/sự vật chung nào, mà nó chỉ liên hệ đến một cá nhân cụ thể nào đó. Tương quan này cũng chỉ giới hạn ở mức độ định danh một người nào thôi, không cho ta biết gì hơn về con người đó.  Đấy là tất cả những nét riêng của tên riêng và thực từ.

Tuy tách riêng như vậy, giữa các thực từ và tên riêng vẫn có chút quan hệ qua lại.  Trước hết, ta thấy tên riêng thường rút ra từ kho từ vựng chung; các tên riêng lại thường sử dụng các thực từ chứ không – hay hoạ hoằn – dùng hư từ.  Một người tên Tuấn, chính là lấy từ “tuấn” (nghĩa là tốt đẹp) trong vốn từ chung vậy.

Có nhiều trường hợp, một từ nào đó trong vốn từ chung đã trở thành một tên riêng gán cho một người nào đó.  Loại tên này thường được gọi là xước danh/hỗn danh: Ba sứt môi,  Tư thọt, Hóng tiên sinh...

Cũng trong mối liên hệ này, ta thấy không ít các tên riêng đã trở thành một từ trong kho từ vựng chung bao hàm một khái niệm về một loại sự vật/sự kiện có cùng một tính cách: những nàng Kiều không phải chỉ một Thuý Kiều trong truyện thơ của Nguyễn Du nữa, mà trở nên một tên chung chỉ những người phụ nữ có cùng một cảnh ngộ trầm luân ba chìm bảy nổi ở đời.

Những nét riêng chung về ý nghĩa của tên riêng nói trên không những đúng cho trường hợp tiếng Việt chúng ta mà còn có thể gặp cả trong mọi ngôn ngữ.  Bởi lẽ rằng đó là những nét nghĩa đặc biệt của tên riêng, một đặc sản của nhân loại chỉ dành riêng cho họ mà thôi.

Khi đặt tên riêng cho mỗi người con, cha mẹ nào cũng mặc nhiên ý thức về sự phân biệt cá nhân này và những cá nhân khác.  Ý thức về cá thể hoá có thể xem là ý thức chung của bất kì dân tộc nào.  Người Việt chúng ta biểu trưng cho mỗi con người một tên riêng theo kiểu thức nào? Có gia đình đặt tên cho con cái có cùng một âm phụ đầu (Minh, Mẫn, Mạnh, Miễn...), một vần (Hiền, Thuyên, Kiện, Điển...), hoặc có khi cùng một tiếng đệm (Hồng Phương, Ngọc Phương, Lan Phương...)... Có thể kéo dài không hết những kiểu dáng riêng như vậy.  Một số người Anh gốc Germanic cũng ưa chuộng kiểu đặt tên riêng này, và họ gọi là phương thức alliteration: Những người con của ông Merewald nào đó có tên là Mildthryth, Mildburh, Mildgyth [3].

Cùng một ý thức cá thể hoá mà người Việt vẫn có những quan niệm khác với người phương tây ở cách phân biệt.  Nếu người phương tây chỉ dùng tên để phân biệt trong nhà với nhau, thì người Việt lại quan niệm tên đẻ là để phân biệt từng cá nhân với nhau ở ngoài xã hội lẫn trong gia đình. Lí thú thay, hai quan niệm khác nhau lại cùng gặp nhau ở điểm chung này; phần phân biệt cá nhân – cá nhân ngoài xã hội phải căn cứ vào phần cuối.  So sánh:

        Nguyễn Văn Huấn       John F. Kennedy

Phần đầu của tên Việt Nam là họ, chỉ khoảng 300, một con số rất hạn chế, do đó dễ trùng lắp. Phần đầu (first name) của người phương tây cũng thế thôi, chỉ một số rất giới hạn, không thể không nhờ bộ phận họ (surname- tên để xưng hô chỗ công cộng) giúp phân biệt, nhờ thế ta không lẫn John F. Kennedy với John F. Smith. Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ông Huấn họ Nguyễn của ta không phải ông Huấn họ Cù (Cù Đình Huấn) chẳng hạn. Xem thế mới rõ là cái logic riêng /chung ở đây khá tế nhị. Đảo ngược cái tên riêng Việt Nam không những là đảo lộn trật tự phân biệt mà cũng phá luôn cái logic của ngôn ngữ, của tư duy dân tộc. Ở chỗ công cộng, người phương tây gọi phần cuối của tên Mr Kennedy là đúng với trật tự logic của sự cá thể hoá tên người; trật tự ấy và logic ấy ở người Việt chúng ta cũng có, cũng ở phần cuối, và ta gọi tên ông Nguyễn Văn Huấn trên kia như thế này: Ông Huấn.

Tên riêng là để phân biệt cá nhân với nhau, nhưng trong một gia đình, một giòng họ, người ta lại muốn đạt một yêu cầu khác khá nghịch lí: ý thức liên tục truyền thừa. Người phương tây hay người Việt đều có ý thức kính trọng công ơn tổ tiên, nhưng cách biểu hiện lại rất khác xa nhau: Tây có thể dùng lại tên đẻ của người mẹ yêu quý để đặt cho đứa con gái đầu lòng của mình để tỏ tình yêu thương trân trọng; mô thức này có thể lập lại với tên cha, tên ông bà nhiều đời trước nữa. Trong cộng đồng dân tộc Việt, ý thức kính trọng tổ tiên lại biểu hiện ở việc kiêng tên. Lấy tên ông bà đặt cho con cháu là hình thức xúc phạm, bất kính, thậm chí bất hiếu.

Người Việt chúng ta thể hiện ý thức truyền thừa dòng họ ở nhiều hình thái khác nhau [4], riêng ở khía cạnh đặt tên, ý thức này thể hiện rõ nét ở niềm kì vọng vào tương lai đứa con qua cái tên: tên đẻ cần có ý nghĩa tốt đẹp đã đành, lại còn phải chọn tên con sao cho tốt hơn cha, “đè” lên tên cha mới tốt: bố tên Mẫn chẳng hạn, không ngần ngại gì đặt tên Minh  cho con, vì Minh thường đi trước, đứng trên Mẫn.  Ngô Thì Sĩ () đặt tên cho con trưởng của mình là Ngô Thì Nhậm () chính là thể hiện kì vọng vào đứa con, vì Nhậm hơn hẳn Sĩ một nét viết!

Tuy vậy, không phải ý thức tự hào về gia đình, dòng họ có thể đẩy xa đến sự kiêu ngạo, lố bịch. Những cái tên bộc lộ rõ quá những ý nghĩa cao quý tốt đẹp, không phải là những cái tên lành: cho dù hôm nay, chúng ta không còn ở thời kì phong kiến nữa rồi, tự do rồi, nhưng nghe cái tên Vũ Thiên Hoàng vẫn thấy “thế nào” ấy, vì ý nghĩa Thiên Hoàng rất là cao ngạo, hợm hĩnh.  Người Việt rất “kiêng” những cái tên “anh hoa phát tiết” thái quá như vậy, phải chăng là thể hiện ý thức muốn bảo lưu dòng họ gia đình một cách “phải chăng” để được bền lâu, không muốn “một phút huy hoàng rồi chợt tối” vì cái tên đẹp nhưng không lành. Tâm thức này không chỉ riêng đối với một dân tộc nào đâu, đó chỉ là biểu hiện đức khiêm tốn lẫn niềm kì vọng sâu xa vào tương lai con cháu, là biểu hiện của cái chín (văn hoá nhân bản) đã vượt lên khỏi cái sống man dã của muông thú.  Ở đây cũng nên chú ý rằng quan niệm về sống/chín không dứt khoát như nhau ở mọi cộng đồng xã hội, cho nên khó có thể dùng khuôn thước sinh hoạt ở một xã hội này để đánh giá một xã hội khác.

Bàn về tên riêng người Việt, cũng không thể bỏ qua lối xưng hô trong xã hội Việt Nam. Tên người không chỉ được gọi trần trụi mà thường kèm một tiếng chỉ định vai trò, địa vị trong gia đình hay ngoài xã hội của người được gọi tên. Sự kiện này không chỉ thấy trong việc gọi tên ở trong gia đình mà còn cả ở ngoài xã hội nữa. Vì thế cho nên ta gọi anh giáo Thức, ông kĩ sư Ngà, thủ tướng MacMillan ... (tiếng chỉ tước vị + bộ phận tên để phân biệt) hay Ông Đinh Trí Thức, thủ tướng Rajib Ghandi (tiếng chỉ tước vị + tên đầy đủ).  

Dưới đây là một vài minh hoạ về lối gọi tên của người Việt. Người Việt không thể gọi tên nhau trần trụi mà không bị chê trách là khiếm nhã (a), trừ phi chúng ta muốn tỏ tình thân thiện với nhau (b) hoặc có ý khinh rẻ (c)

(a)                  Ông Quang làm hộ tôi việc này.
(b)                  Quang làm hộ tôi việc này.
(c)                  Nguyễn Văn Quang can tội lường gạt, y bị kết án tù.

Ý nghĩa việc gọi trần tên đầy đủ trong văn học lại có một sắc thái khác nữa:

(d)                  Nguyễn Công Trứ là một mẫu người giàu nghị lực nên 
            thơ văn ông cũng nồng nàn tính lạc quan yêu đời.

Phong cách này được du nhập từ cách hành văn phương tây khi nhắc nhở đến một nhân vật tiếng tăm, được công luận công nhiên thừa nhận thế giá. Hiện tượng này trái ngược với lối gọi tên trần ở câu (c) thường chỉ dùng cho những con người đáng xem thường.

Đặc trưng nói trên đã ít nhiều đối lập với lối gọi tên trần của người phương tây.  Khi gọi tên có kèm tiếng chỉ tước vị, người phương tây cũng dùng bộ phận cuối của tên, nhưng lại có ý nghĩa lịch sự, trịnh trọng chứ không có màu sắc tình cảm như lối nói của người Việt.
Khi không cần rào đón, lễ nghi, người phương tây chỉ gọi bộ phận đầu của tên (first name) là đủ, không kể tuổi tác, đẳng trật trong gia đình, ngoài xã hội của nhau.

Người Việt được học tập ý thức đẳng trật xã hội từ khi tập gọi tên nhau ở tuổi còn thơ.  Em phải gọi anh chị kèm theo vị thứ trong nhà:

        (đ)    Anh Hiển ơi, đợi em với.

Bạn đồng liêu, đồng sự với nhau không quên ý thức về tuổi tác (e) địa vị (g) hoặc đơn giản hơn, kính trọng một người trưởng thành trong xã hội (h):

(e)                  Chú Hải nhớ gọi dây nói cho chúng cháu nhá.
        Chị sao hộ em bản thông báo này.
       
(g)                  Ông Giám Đốc đi vắng rồi.
(h)                 Bác Dương thôi đã thôi rồi...  (thơ Nguyễn Khuyến)

Ý thức về tôn ti đẳng trật xã hội trong việc gọi tên nhau không nên lí giải như một phản ánh tâm thức phong kiến lạc hậu của người phương đông – vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ nho gia – mà đặt trong toàn khối sinh hoạt trí thức dân tộc, ý thức trên chỉ nói lên quan niệm nhân hậu của người Việt trong quan hệ giữa người với người.  Khi người cha già gọi người con lớn như thế này:

(i)      Anh có ra phố thì mua hộ thầy gói thuốc lá.

Hay khi hai người bạn cùng lứa nói chuyện với nhau xưng hô tôi/bác thì không cứ phải già nua tuổi tác như Nguyễn Khuyến (h), mà tuổi trung niên ở Việt Nam ở thế kỉ XX này vẫn còn dùng lối nói ấy. Ở đằng sau lối xưng hô ấy là cả gia sản về tinh thần truyền thống dân tộc. Đó là ý thức “đôn hồ nhân, cố năng ái” bàng bạc trong lối ứng xử ngoài xã hội và trong gia đình ở vào những hoàn cảnh đất nước an lành và tinh thần truyền thống dân tộc chưa bị chao đảo trong những đợt va chạm về mặt văn hoá.

Tóm lại, tên riêng người Việt và những hiện tượng chung quanh nó đã cho thấy rõ một điều: cái tên không chỉ là cái vỏ danh xưng, mà gói bên trong nó là cả một loạt những ý nghĩa phản ánh những nét riêng của sinh hoạt văn hoá dân tộc bên cạnh những nét chung của hình thái sinh hoạt ý thức trong cộng đồng nhân loại. Nhận biết những nét chung và riêng ấy không chỉ đơn thuần là công việc của người nghiên cứu, mà là cả trong kinh nghiệm sử dụng và ý thức bảo trọng của mỗi người chúng ta nữa.

                                                      Đoàn Xuân Kiên
                                  Tập san Việt Báo (London, th. 12/86)



[1]
Xem Nguyễn Bạt Tuỵ, “Tên người Việt Nam “, Kỷ yếu Hội Khuyến Học Nam Việt, Janvier 1954, tr 47-77.
Nguyễn Đình Hoà , “Vietnamse Names and Titles”, Asian Culture, Saigon, Vol 2, No 2, June 1960, tr.117-131.
Hoàng Tuệ, “Về tên riêng” in trong Chuẩn hoá chính tả và thuật ngữ. Nxb Giáo Dục, H, 1984, tr77-91.

[2] 
Nhất Thanh, Đất Lề Quê Thói. Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1971, tr. 34-52
Toan Ánh, Nếp Cũ- Con Người Việt Nam. Nam Chi Tùng Thư,Sài Gòn 1967, Tr.46-55.
[3] E.G Withycombe, The Oxford Dictionary of English Christian names, 3rd ed. Oxford, 1977,tr. XXXIII
[4] Từ thời kì Bắc thuộc (43 - 939 SCN) gần nghìn năm, người Việt chịu ảnh hưởng sâu đậm của chế độ gia đình phụ hệ Trung Hoa, xem trọng con trai vì là kẻ kế thừa dòng họ. 


                                          

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...