Tuesday 12 June 2018


Những cánh mộng dở dang
lẩn khuất trong trang viết cũ




Tháng 4/1970, Sài Gòn lại trải qua những ngày bất ổn định. Trường đại học đóng cửa vì bãi khoá. Đường phố đầy bóng cảnh sát, có nơi bị phong toả kẽm gai chống biểu tình.

Tôi có thì giờ suy nghiệm lại những gì thu hái được từ bốn năm dùi mài ở khuôn viên hai ba trường đại hoc. Và thấy là ít ỏi quá. Một năm say mê với những bài giảng tại Vạn Hạnh còn để lại nhiều hứng thú nội tâm. Bốn năm lê la các giảng đường Văn Khoa và Sư Phạm không để lại gì nhiều trong trí. Chắt lọc lại thì cũng có vài kỉ niệm đáng nhớ. Một vị thầy đáng kính thì chỉ vào đọc lại những gì ông viết trước và đã in ra sách mà tôi thì là con mọt sách đã nghiến chúng từ trước khi vào lớp của thầy. Một vị khác dạy văn học sử VN áp dụng rất máy móc vụng về quan điểm "thế hệ" mà tôi đã được biết qua bản dịch cuốn sách của Albérès, đã khiến cậu bé 19 tuổi phóng bút một bức thư dài gần 20 trang pelure gửi thầy, xem như kết toán khá sớm một khoá giảng trọn năm Dự bị. Một vị thầy khác thật đáng nhớ qua phong thái khoan thai mặc dù mặt mũi hôm nào cũng đỏ gay như say rượu, lừ đừ xuống xe xích lô, vào lớp là nối ngay bài giảng từ tuần trước, nhưng không hề có bài soạn sẵn trong tay. 

Tôi trân trọng những giờ học quý hiếm với những vị thầy cổ học mà trí nhớ còn minh mẫn như chưa hề lão hoá so với tuổi đời các vị; các thầy như những bộ từ điển sống về Việt học, Hán học, văn hoá đông phương mà thế hệ chúng tôi còn may mắn thụ giáo. Tôi trân quý tình thầy trò mà một nhà ngữ học tôi nể trọng từ khi đọc sách thầy ở Đà Nẵng đã ưu ái đối với một sinh viên trẻ; thầy đã cho tôi thừa thụ kiến thức từ kho sách nhỏ nhưng chắt lọc về ngữ học hiện đại ở thời điểm những năm 70...

Rốt lại thì kỉ niệm về bốn năm ở SG chỉ là những ân tình. Nhìn về con đường tôi sắp đi tới, bỗng thấy ngán ngẩm vì những bất cập của nó. Hai bài viết dưới đây là kết quả của những suy nghĩ ấy. Nó đưa đường cho những cao vọng về sau này. Có thể gọi những ước vọng của thời tuổi trẻ ấy là những cánh mộng dở dang khi diều đứt dây, khi rồng mất mây...

Giờ đây, sau 48 năm, đọc lại, nhiều ý kiến của chàng tuổi trẻ tỏ rõ sự non nớt, ảo tưởng. Dầu vậy, chúng vẫn có thể thực chứng cho một tấc lòng son gửi lại cho những người đang tới...

                                                             ĐXK


Quốc Văn Trong Học Đường


Lê Nguyên Thuỵ



Bầu không khí sinh hoạt giáo dục bấy lâu nay được khuấy động không ngớt; từ cuộc phỏng vấn về cải tổ giáo dục của Tổng hội Sinh viên Sài gòn (1) đến một vài thay đổi trong lãnh vực giáo dục của nhà nước, tất cả như một "biến cố" khiến những người bàng quan nhất cũng phải chú tâm đến. Người ta bàn tán với nhau về chuyện thay đổi hệ thống giáo dục cũ sang hệ thống 12 năm; người ta bàn tán với nhau về trường trung học tổng hợp đang được thí nghiêm tại vài địa phương; người ta bàn về những dự án cải tổ chương trình...

Chúng tôi thiết nghĩ dù cho cải tổ gì đi nữa thì cũng không gì cấp thiết bằng cải tổ nội dung của công tác giáo huấn, nghĩa là vấn đề chương trình học vẫn là vấn đề hàng đầu. Nghĩ thế nên chúng tôi không quản tài sơ trí mọn, mạnh dạn góp ý với những vị có thẩm quyền trong giơi giáo dục một vài ý nghĩ của chúng tôi về vấn đề quốc văn trong học đường.

I. TÌNH TRẠNG QUỐC VĂN BÂY GIỜ

Dù thế nào đi nữa, quốc văn vẫn là môn học căn bàn để cho người Việt thành người Việt; thế mà lâu nay, vì lẽ này lẽ nọ, quốc văn bị bỏ bê một cách não nề. Cứ đọc những bài luận văn của học trò bây giờ là thấy ngay học trò bây giờ xa lạ với tiếng mẹ đẻ biết chừng nào. Nguyên do của sự tệ hại ấy thật phức tạp, nhưng đại khái có thể quy vào những lẽ sau đây:

1. Chưa quan niệm nghiêm chỉnh thế nào là tiếng Việt và thế nào là Việt văn. Đây là một tiền đề căn bản mà hầu hết các giáo sư quốc văn đều vô tình hay cố ý quên lãng; bởi lẽ phải có một trình độ hiểu biết đầy đủ về tiếng Việt mới có thể học Việt văn được. Hiện nay trong chương trình trung học chưa thấy nhấn mạnh về điểm đó. Giáo sư thì thường không dám đặt vấn đề đó ra vì lẽ rất phiền toái; thành thử học sinh cứ phải nghe thầy rung đùi ngâm thơ cổ kiểu như thơ Bà Huyện Thanh Quan, mặc dù chúng chẳng thấy thú vị gì.

2. Chương trình xếp đặt không hợp lý: hiện nay, sự phân phối chương trình học quốc văn vẫn coi như dừng lại ở mức khởi hành (chương trình Hoàng Xuân Hãn, 1945); có thay đổi chăng thì cũng chỉ là những thay đổi cục bộ, chưa đi đến đâu cả. Chẳng hạn, riêng các tác giả thuộc thời kỳ văn học tiền bán thế kỷ XIX thôi mà học trò phải học đến hai lần (một ở lớp đệ tứ và một ở lớp đệ nhị); trường hợp ba tác giả thuộc văn đoàn Tự Lực được đưa vào chương trình lớp đệ nhị cũng là đề tài đáng nói, vì lẽ: nếu muốn học sinh hiểu biết về văn học mới thì chừng ấy tác giả chưa gọi là đủ, nếu muốn học sinh hiểu biết về vai trò cách mạng của Tự Lực Văn Đoàn thì càng nên xét lại.

3. Thiên trọng về giảng văn: từ khi vào lớp đệ thất cho đến khi thi tú tài I, học sinh thường bị nghẹt thở vì sức nặng của những bài văn, nhất là những bài cổ văn chi chít chú thích chữ cổ và điển tích. Hầu như thì giờ học quốc văn đều dồn cả vào học cổ văn, khiến cho học sinh ngỡ là văn chương Việt Nam chỉ có thế thôi. Vì quan niệm học quốc văn là học giảng văn nên học sinh ít được hướng dẫn cách viết một câu cho "đúng mẹo", viết một lá thư cho đúng kiểu, làm bài luận có trật tự.

4. Không cập nhật hoá chương trình quốc văn: Đa số các học sinh ở cấp Tú tài, kể cả ban văn chương, khi rời khỏi trường học đều rất mù mờ về kiến thức văn chương hiện đại của nước nhà. Họ như bị đẩy lùi lại quá xa trước nền văn chương sống đang có mặt trên đất nước họ. Đầu óc họ chật ních những Nhị thập tứ hiếu, Gia huấn ca, Lục Vân Tiên, Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Công Trứ... Cùng lắm thì có thể kể thêm Phạm Quỳnh, Tự Lực Văn Đoàn. Ở đây tưởng cũng nên nhắc lại điểm độc đáo của những người đưa Tự Lực Văn Đoàn vào trường trung học từ rất sớm. Dấu vết hiển nhiên là những chương sách trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm. Kể từ khi ấy đến nay đã gần ba mươi năm rồi  mà chương trình vẫn còn dẫm chân tại chỗ. Quan niệm cho rằng chỉ nên dạy cho học sinh những tác giả đã trở thành "cổ điển" chỉ là quan niệm lười biếng của những giáo sư lười biếng mà thôi.

5. Thiếu giáo sư có khả năng: Hiện nay, việc đào tạo giáo sư quốc văn các lớp trung học đều giao cho các Đại Học Sư Phạm. Những sinh viên được huấn luyện để trở thành thầy giáo quốc văn thường phải đi nghe giảng trung bình 24 giờ mỗi tuần, gồm có: 8 giờ về cổ học (trong số có 2 giờ chữ nôm và 4 giờ hán văn) và 8 giờ kiến thức chuyên môn về việt học, và số giờ còn lại dành cho ngành chuyên nghiệp (sư phạm). Đại khái, chương trình vừa nặng nề vừa vô bổ cho một giáo sư trung học vì số giờ dành cho cổ học chỉ có mỗi mục đích: để thử thách sinh viên trong kỳ thi lên lớp cuối năm. Thực tế chứng minh rất rõ ràng là: hầu hết những sinh viên gốc Tàu và những sinh viên Việt thuần tuý không biết gì về văn chương Việt Nam lại là những sinh viên đậu cao hơn những sinh viên cặm cụi đọc sách. Nói thế nghĩa là lối tổ chức thi tuyển cùng lối phân phối chương trình học còn quá nhiều sơ hở, thiếu sót, không đánh giá đúng mức khả năng sinh viên.

Với số vốn èo uột về Việt học,với trình độ Việt ngữ chưa đủ để nói chuyện, thử hỏi các sinh viên khi ra trường sẽ xoay xở làm sao với đám học trò đệ nhị cấp? Số vốn Hán văn (văn cổ) còn có đôi chút đắc dụng khi soạn bài giảng các tác giả cổ điển; nhưng với các tác giả cận/hiện đại thì sao?

Chính thái độ tắc trách của những vị giáo sư Đại Học Sư Phạm đã tiếp tay cho bệnh ấu trĩ của các giáo sư trung học trẻ.


                        II. MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ

1. Quan niệm vấn đề dạy quốc văn và dạy quốc ngữ

Không thể lẫn lộn việc dạy văn chương Việt và dạy tiếng Việt, nhất là đối với học sinh các lớp nhỏ, chưa xa thời còn học tiểu học là mấy. Với những học sinh nhỏ tuổi, điều cần thiết là cung cấp cho chúng một kiến thức về Việt ngữ khả dĩ giúp chúng một cách hữu hiệu trong đời sống hằng ngày: giao thiệp, thư tín... Chỉ dành phần văn chương Việt cho các lớp lớn mà thôi.

Khi đã quan niệm đứng đắn thế nào là học tiếng Việt và thế nào là học văn Việt thì công việc giảng dạy của giáo sư mới bớt lúng túng, và học trò mới học đến nơi đến chốn được.  Thật là phí công cho cả thầy lẫn trò, với số tuổi trung bình chưa quá 13, cứ phải nghe mãi những câu thơ "sấm" trong Bích câu kỳ ngộ chẳng hạn, rặt những điển cố cùng mỹ từ pháp hóc búa.

2. Duyệt lại toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam: công việc này không thể bỏ quên được. Từ khi tập Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm (2) ra đời đến nay đã hơn 25 năm. Trong khoảng thời gian này đã có rất nhiều tài liệu được phát hiện, làm đảo lộn những kết luận của cuốn sách trên. Do vậy, việc duyệt soát lại các tài liệu cũ là bước cần thiết mở đầu cho việc soạn thảo một khoá bản cho bậc trung học. Vả lại chỉ khi nào có một khoá bản nhất định, công việc phân phối chương trình cho các lớp mới tránh được nạn xào xáo vô trật tự như hiện nay.

3. Với các lớp nhỏ (3), công việc giảng dạy cần chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh cách viết đúng một câu văn, viết nổi bài luận miêu tả và viết thư một cách có trật tự. Công việc giảng văn chỉ nên chú trọng các bài văn xuôi giản dị của các nhà văn cận, hiện đại. Ngoài ra, chính tả và ngữ pháp cũng cần phải xét lại: cần phối hợp bài học ngữ pháp với bài chính tả để tạo cơ hội cụ thể cho học sinh dễ thấu đáo. Vấn đề cung cấp số vốn tiếng Hán Việt cũng nên bắt đầu từ lớp 6; tuy nhiên, học tiếng Hán Việt không có nghĩa là phải học chữ Hán như quan niệm phổ thông từ trước đến giờ.

4. Cần đặt lại ranh giới hai ban C và D ở bậc trung học chuyên khoa. Nên khuyến khích học sinh lựa chọn ban theo đúng khả năng của chúng. Chúng tôi nghĩ nên gọi ban C là ban văn chương hiện đại và ban D là ban văn chương cổ điển. Phân chia như vậy có điểm lợi là có thể giải quyết được vấn đề cập nhật hoá chương trình quốc văn (ban C) cũng như có thể giải quyết được vấn đề học hỏi văn chương cổ điển (ban D).

Riêng với ban C và D chương trình văn chương cần nâng lên lớp 12, ngõ hầu giúp học sinh được hoàn tất công việc học hỏi văn chương nước nhà của chúng một cách đầy đủ. Như vậy, trong ba năm liên tục, học sinh được hoàn toàn tự do và hứng thú học hỏi văn chương; do vậy kết quả thu thập được bền và phong phú hơn là ép buộc chúng phải học dông học dài trong suốt 7 năm trung học với thái độ uể oải, tắc trách.

5. Hướng dẫn thấu đáo cách suy luận: với lớp tuổi trung bình từ 14 đến 16, học sinh thường tỏ ra ham thích lý luận. Đây là thời gian tốt nhất để hướng dẫn chúng một cách đầy đủ những phương pháp suy luận khả dĩ giúp đỡ chúng thành công trong các bài văn nghị luận. Về giảng văn, thiết tưởng những bài nghị luận danh tiếng trong văn học Việt Nam đủ giúp chúng một kiến thức toàn diện về tiếng Việt. Ở lớp tuổi này, việc dạy phân tích câu (cú pháp) đủ để tạo căn bản vững chắc về ngữ pháp Việt Nam.

6. Ngoài ra, công việc học quốc văn của học sinh cần được hỗ trợ bằng những bài thuyết trình tại lớp, để huấn luyện cho chúng có được một khả năng hùng biện, hay khiêm nhường hơn, một khả năng ăn nói trôi chảy.

7. Duyệt lại học trình của ban Việt Hán của Đại Học Sư Phạm: Như đã trình bày, hiện giờ chương trình Việt học (chuyên môn) của ban Việt Hán chưa đáp ứng nổi những đòi hỏi cần thiết cho một giáo sư văn chương; chương trình cổ học quá nặng nề không cần thiết: sinh viên phải học chữ Hán, chữ Nôm, ngoài ra còn phải học cả văn bạch thoại và cả tiếng quan thoại nữa! Mục đích của chương trình cổ học đã bị sai lạc một cách thảm hại.

Có thể nói người sinh viên Việt Hán trong trường Đại Học Sư Phạm được đào tạo làm chuyên viên nghiên cứu - nếu được phép nói thế- hơn là làm giáo sư trung học. Nếu hiểu giáo sư trung học là người dạy tiếng Việt, và hướng dẫn học sinh phương pháp lập ý, suy luận và giảng dạy văn chương Việt Nam cổ điển và cận, hiện đại thì với chương trình huấn luyện hiện giờ, chưa đâu vào đâu cả; cùng lắm là đào tạo thành những giáo sư chuyên dạy Hán tự, mà môn này lại chỉ dành riêng cho ban D thôi; các lớp khác chỉ cần biết tiếng Hán Việt cũng đủ.

Tóm lại, với những ý nghĩ trên đây, chúng tôi mong được làm một tiếng nói với những tiếng nói thẩm quyền khác về một vấn đề đang trở thành thời sự trong giới giáo dục nước nhà. Chúng tôi cũng cần thưa một lời cuối nữa là mặc dù những nhận xét và đề nghị của chúng tôi chỉ giới hạn ở các lớp trung học, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ là vấn đề quốc văn và quốc ngữ trong học đường cần phải liên tục từ cấp tiểu học. Tuy nhiên vì chưa tìm hiểu kỹ chương trình quốc văn và quốc ngữ ở các lớp đó nên chúng tôi không dám lạm bàn. Mong các vị giáo chức liên hệ chỉ giáo cho. Muôn vàn cảm tạ.

                                                                 Lê Nguyên Thuỵ
      (Báo Chính Luận, ngày 22/04/1970. tr. 7 & 23/04/1970, tr. 7.)

(1) Xin đọc : tạp chí Đất Nước số 16 (tháng 1 - 1970)
(2) Sách đã được chuẩn nhận làm sách giáo khoa bậc trung học từ lâu.
(3) Theo thiển ý chúng tôi, có thể phân hạng tuổi, các học sinh trung học làm ba lớp: lớp nhỏ: tương ứng  với các lớp 6 và 7; lớp trung bình: tương ứng với các lớp 8-9 và 10; lớp lớn: tương ứng với lớp 11 và 12.


VIỆT VĂN LỚP 12 ?

Lê Nguyên Thuỵ


Từ trước đến nay, người ta chưa hề nghe nói đến Việt văn lớp đệ nhất (lớp 12 mới); nay kẻ này viết hàng chữ trên đây hẳn là muốn lập dị chăng? Thật ra, khi viết bốn tiêng đơn giản làm đầu đề cho bài viết hôm nay, chúng tôi không hề nuôi ý đồ lập dị với những gì đang được gọi là truyền thống, đang được coi là bình thường trong chương trình giáo dục cấp trung học; trái lại, chúng tôi muốn được góp ý với các thức giả về một sự kiện phức tạp và nghiêm trọng của trung học Việt Nam: có nên đưa quốc văn lên lớp 12 (đệ nhất cũ) không?

Chúng tôi nói quan trọng là vì việc đem Việt văn lên lớp 12 sẽ kéo theo những vấn đề quan trọng khác như việc chuẩn bị tài liệu giáo khoa, việc thay đổi toàn diện chương trình Việt văn trung học, và còn vấn đề thiếu hụt nhân viên giảng huấn có thể xảy ra lúc ban đầu. Có lẽ vì phức tạp như thế nên mới xảy ra những tranh luận sôi nổi giữa phái bảo thủ và phái cấp tiến trong Hội đồng cải tổ giáo dục nhóm tại trường Sư Phạm Sài Gòn cách đây hai tháng? Người đầu tiên đem vấn đề này ra trước Hội đồng là giáo sư Lê Hữu Mục (trường ĐHSP Sàigòn).

Nhưng mặc dù vấn đề có phức tạp, khó khăn, thiết tưởng những ai quan tâm đến giáo dục, thao thức tìm đường mới cho giáo dục nước nhà cần để ý tìm hiểu. Chúng tôi chưa được biết và rất mong được biết, những lý do khiến giáo sư Lê Hữu Mục lên tiếng về việc đưa Việt văn lên lớp 12. Chúng tôi chưa thoả mãn về lý do khiến giáo sư bênh vực cho ý kiến của ông là để thoả đáp quyền lơi được chấm thi tú tài II, như lời tường thuật của ông Đoàn Dự trên một tờ nhật báo nọ.

Riêng chúng tôi thấy phải đưa việt văn lên lớp 12 vì những lẽ sau đây:

- Nhu cầu liên tục của môn học văn chương Việt của học sinh Việt, nhất là ban văn chương. Không phải phân bì với các ban khác, các môn học khác, nhưng là vì không phải dựa lý do gì để cắt bỏ nó đi; cũng không phải thêm bớt một năm học đã ảnh hưởng đến sự kém cỏi quốc văn của học trò, mà chỉ vì không thể cắt bỏ không lý do một môn học quan thiết cả một đời người.

- Nhu cầu cập nhật hoá chương trình văn chương Việt Nam hiện là vấn đề quan hệ cho một học sinh sắp giã từ cửa ngõ trung học. Giáo dục quần chúng là phải đưa quần chúng đến cuộc đời trước mặt chứ không thể chỉ bắt quần chúng lùi quá xa về quá khứ bụi mờ để rồi tầm mắt chỉ còn thấy có quá khứ.

                                                1

Khi nói rằng cần đem Việt văn lên lớp 12, chúng tôi nhận thấy vấp phải việc thu xếp vị trí,vai trò của hai môn học triết học và văn chương ở lớp 12. Rất tiếc, chúng tôi chưa được tìm hiểu kỹ ý kiến về việc dạy triết ở trung học trong cuộc hội thảo giữa những giáo sư dạy triết tổ chức cách đây không lâu. Nhưng chúng tôi xin mạo muội đưa ý kiến riêng về chương trình triết học lớp 12 hiện hành:

Chúng tôi nghĩ, chương trình triết học lớp 12 hiện còn đang vướng nhiều khuyết điểm: trước hết, môn triết rất nặng nề và cổ điển. Trong một năm ngắn ngủi, học sinh phải học đủ những ngành triết: Luận lý, Đạo đức, Tâm lý, Siêu hình, Triết đông. Vì học quá nhiều nên kiến thức của học sinh không thể nào đầy đủ gọi là có "căn bản" về triết học. Đã thế, những điều giảng dạy trong chương trình lại quá cũ, có khi bị vượt qua từ lâu; ví dụ: trong khi Âu Mỹ đã tiến đến ngành Tâm lý học thực nghiệm thì học sinh Việt vẫn còn le te chạy đuổi theo Tâm lý học thuần lý. Ngoài ra, cũng cần thêm rằng môn triết kinh viện hiện hành quá xa cách với đời sống, đã đưa đến bệnh thông thái hão trong đầu óc học sinh, trở thành môn trang sức rởm cho một số học sinh, trong khi thực chất của môn học không phải thế. Vì những khuyết điểm trên, chương trình triết học lớp 12 chỉ là một thử thách cho học sinh trong kỳ thi, hơn là giúp kiến thức cho chúng.
Do vậy, phải quan định lại vai trò của triết học ở lớp 12, Triết hoc lớp 12 không nên- và không thể- ra ngoài mục đích trao kiến thức căn bản về triết lý cho học sinh,để sửa soạn cho chúng một thái độ suy nghĩ, thái độ sống khi rời mái trường trung học, hay là để giúp chúng một bước đầu quan trọng cho việc nghiên cứu triết học ở cấp đại học. Ngoài ra, triết học lớp 12 cũng cần giúp học sinh óc phân tich, óc hệ thống để chúng nhìn lại, tìm hiểu văn chương VN. Thế thì chương trình học lớp 12 cần được dọn lại để xứng hợp với vai trò của nó. Chúng tôi muốn nói là chương trình triết học lớp 12 không cần quá chuyên biệt và nặng nề- do đó cũng choán quá nhiều giờ học - như hiện nay.

Xin trở lại câu chuyện thu xếp địa vị cho giờ quốc văn và giờ triết học lớp 12 bằng trường hợp thí nghiệm của trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức. Trong bản hướng dẫn học sinh chọn ban chuyên khoa, phổ biến vào cuối niên học 1968-69, nhà trường có dành cho học sinh lớp 12 ban văn chương đặc quyền chọn một trong 2 lối: hoăc là học 8 giờ triết, hoặc là 5 giờ triết học + 3 giờ Việt văn mỗi tuần. Thực ra dự định, thí nghiệm của trường THKM Thủ Đức vẫn chỉ là một thí nghiệm chưa có nội dung, vì đến nay trường chưa có lớp 12; nhưng chúng tôi nghĩ đây là giải pháp rất tốt, nếu như nội dung của 5 giờ Triết dành cho những học sinh chọn học cả Việt văn và Triết được cải tổ toàn diện, khiến nó vừa đáp ứng cho nhu cầu học hỏi của cả học sinh chọn học 8 giờ lẫn 5 giờ triết. Đấy là chưa nói đến việc xác định nội dung 3 giờ triết "chuyên biệt" (1) cũng như 3 giờ Việt văn có thực sự xứng đáng với tính cách chuyên biệt của nó chăng.   

                                        2

Thực ra, việc đem quốc văn lên lớp 12 không thể không kéo theo việc cải tổ tận nền tảng chương trình học của ban chuyên khoa.
Trong tình trạng hiện nay,việc dạy Việt văn chưa được hợp lý cho lắm (2). Thiết tưởng muốn cải tổ giáo dục, giới hữu trách phải dứt khoát với quá khứ, không nên dựa vào chương trình cũ mà vá víu cho qua loa được.

1. Điều cần trước tiên là phân định rõ ràng hai cấp học: phổ thông (đệ nhất cấp) - cấp chuyên khoa (đệ nhị cấp). Có phân định rõ như vậy mới bớt lúng túng khi soạn thảo chương trình; bởi vì chúng tôi nghĩ rằng cấp phổ thông và cấp chuyên khoa tuy cùng liên tục nhau nhưng mục tiêu không giống nhau; chẳng hạn môn Việt văn ở cấp phổ thông chỉ nên chú trọng đến việc trau dồi tiếng Việt, học cách thức tác văn bằng cách học những bài văn mẫu và bằng những bài thực tập, trong khi ở cấp chuyên khoa phải hướng trọng tâm về học hỏi văn chương nước nhà.

Khi nói rằng học sinh cấp chuyên khoa học văn chương Việt, chúng tôi muốn nói rằng chỉ ở cấp chuyên khoa mới cần thiết cho học sinh một ý niệm về diễn trình văn học sử VN đồng thời hiểu những sắc thái văn học nước nhà, cổ điển cũng như hiện đại, chứ không cần và không nên dành thì giờ để giảng giải lịch sử văn học ở cấp phổ thông, dù là chỉ 5 giờ trong toàn niên học lớp 9 (đệ tứ cũ) như bây giờ.

2. Hiện nay, ở cấp chuyên khoa có 4 ban: A, B, C, D. Xét riêng chương trình quốc văn ban C và D ta thấy chương trình hiện nay chưa ổn đáng. Chẳng hạn, học sinh ban C chỉ được học văn chương nước nhà từ đời Trần đến 1945, thêm một phần văn chương truyền khẩu. Ghi như vậy chứ thực ra học sinh không được học đầy đủ như vậy; ví dụ khi học văn chương truyền miệng, học sinh chỉ được biết tục ngữ ca dao ,trong khi văn chương truyền miệng không phải chỉ có tục ngữ ca dao mà còn cả truyện truyền miệng, dân ca, chèo, tuồng. Về văn học thành văn, học sinh chỉ thực sự học từ Lê Thánh tông (đời Lê), hoàn toàn bỏ rơi văn học đời Lý, Trần, Hồ; hoặc là về văn học hiện đại, học sinh chỉ được học 3 tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn trong khi văn học mới không phải chỉ có 3 tác giả ấy.

Chừng ấy chương trình học được phân phối cho hai năm học: lớp 10 và lớp 11. Kết quả: sau khi đỗ bằng tú tài 1, học sinh sẽ dần quên mớ kiến thức vốn đã không lấy làm sung mãn về văn học nước nhà, trước khi xong năm học cuối cùng ở Trung học.

3. Ngoài ra, hiện nay chưa có một quan niệm thật tính xác về ban văn chương. Chẳng hạn ban C (văn chương) và ban D (cổ ngữ) thực sự không khác nhau, chỉ khác nhau ở chỗ một bên học hai sinh ngữ, một bên học một sinh ngữ và một cổ ngữ? Thế thì phải gọi ban C là ban văn chương hay sinh ngữ? và ban D là cổ ngữ hay ban văn chương? Chúng tôi cho rằng không thể gọi ban D là ban cổ ngữ hay rộng rãi hơn gọi là "ban cổ điển", bởi lẽ rằng  môn cổ ngữ chỉ là một môn học sinh ngữ 2 của ban C, chứ không hề là một môn học chính yếu. Vả chăng, ở trung học, sinh ngữ hay cổ ngữ chỉ là môn học chung và cần thiết chứ không phải là một ngành riêng biệt như ở trên đại học . Do đó, việc chính danh cho ban C và ban D cũng cần phải đặt ra bên cạnh việc cải tổ chương trình học.

Chúng tôi đề nghị nên quan định lại nội dung và tên gọi của ban văn chương. Nếu bên khoa học có hai ban là ban A (khoa học thực nghiêm), ban B (khoa học thuần lý) thì ngành văn chương cũng có thể có hai ban là ban C (văn chương hiện đại) và ban D (văn chương cổ điển). Lối nhận định như trên có nhiều cái lợi:

Trước hết, lối phân chia ban văn chương hiện đại, văn chương cổ điển có thể giúp đỡ học sinh khi lựa chọn ban; bởi lẽ nếu có những học sinh ưa thích những cái mới, thì cũng có học sinh chuộng cổ (chúng tôi muốn nói đến chuộng văn chương cổ điển chứ không ám chỉ cổ ngữ, mặc dù trong chương trình ban văn chương cổ điển cần có chữ Hán).

Lại nữa, sự phân chia như vậy sẽ giúp học sinh tuy mới chỉ thực sự tìm hiểu văn chương Việt Nam trong ba năm chuyên khoa (3) nhưng cũng đủ thì giờ dể tìm hiểu kỹ lưỡng và hăng say. Kết quả chắc chắn sẽ nhiều hơn là học dông học dài trong cả bảy năm trung học mà vẫn không chút hứng thú gì.

Ngoài ra, việc phân chia ban văn chương hiện đại và văn chương cổ điển cũng có cái lợi là cập nhật hoá được chương trinh quốc văn, giúp cho học sinh làm quen với những trào lưu, những màu sắc mới mẻ đang "sống" trong sinh hoạt văn học hiện đại. Được mở mắt nhìn thấy sinh hoạt văn chương sống động ngay từ khi học ở trung học , tất nhiên học sinh ban văn chương hiện đại sẽ có đầy đủ bản lĩnh khi bước chân khỏi ngưỡng cửa trung học để vào đời hay lên đại học.

                                                3

Khi đã phân định được hai ban văn chương: hiện đại và cổ điển rồi thì việc phân phối chương trình quốc văn các lớp chuyên khoa sẽ không còn nan giải là mấy. Và cũng do đó việc đưa quốc văn lên lớp 12 không còn khó khăn nữa.

Đại để, học sinh ban C và ban D cần được tìm biết những vấn đề sau đây trong giờ quốc văn:

1. Lịch sử văn học Việt nam (tức là giờ văn học sử): học sinh cả hai ban văn chương đều phải cần biết rõ những bước thăng trầm của văn học dân tộc qua quá trình lịch sử; bởi vì không nắm được lịch sử văn học, học sinh sẽ không hiểu thấu đáo những sự kiện văn học khi tìm hiểu các tác giả trong chương trình học. Dĩ nhiên, đối với ban C (văn chương hiện đại), cần chú trọng lịch sử văn học hiện đại hơn; trong khi các học sinh ban D (văn chương cổ điển) thì ngược lại, cần hiểu kỹ hơn về lịch sử văn học cổ điển nước nhà. Thiết tưởng, chương trình văn học sử cần được chu toàn trong hai năm đầu của bậc chuyên khoa (lớp 10 và lớp 11).

2. Tìm hiểu các tác giả tiêu biểu trong lịch sử văn học Việt Nam (tức là giờ giảng văn): song song với chương trình văn học sử, học sinh sẽ được tìm hiểu kỹ từng tác giả quan trọng khả dĩ tiêu biểu cho những thời kỳ văn học. Học sinh ban C sẽ chú trọng đến văn hiện đại, trong khi học sinh ban D sẽ chú trong đến văn cổ điển, và cũng học liên tiếp trong hai năm (lớp 10 và lớp11).

3. Tìm hiểu những sắc thái, những trào lưu văn học hiện diện trong văn học Việt nam (tức giờ khảo luận văn học): học sinh được hướng dẫn tìm hiểu một cách thống quan và toàn bộ những đặc tính văn học nước nhà. Học sinh ban C (văn chương hiện đại) được học về những lý thuyết văn học mới mẻ đang chi phối sinh hoạt văn học hiện đại, tìm những cơn gió nào đã thổi đến văn học Việt nam trong thời hiện đại, tìm những vấn đề văn học, những chủ đề văn học trong thời hiện đại... Học sinh ban D (văn chương cổ điển) sẽ ngược lịch sử để tìm những sắc thái, những khuynh hướng, những lý thuyết văn học đã chi phối văn học cổ điển nuóc nhà;chẳng hạn, học sinh tìm hiểu những nét cá biệt khiến cho thời kỳ 200 năm văn học nhà Lý khác với thời kỳ văn học sau đó..., học sinh tìm hiểu những vấn đề văn học, những chủ đề văn học trong thời cổ điển của nước nhà,
Giờ học này đòi hỏi một trình độ trưởng thành về kiến thức văn học của học sinh, nó cũng cần có óc suy luận tổng hợp tinh tế của học sinh. Do đó, giờ học này nên dành cho học sinh lớp 12, song song với chương trình nhập môn triết học có ghi trong chương trình lớp này.

4. Thực tập tác văn nghị luận văn học (tức là giờ luận văn): thực ra môn luận văn là môn học cần thiết của học sinh từ khi bước chân vào học đường đến khi tốt nghiệp. Nhưng ở bậc trung học, học sinh cần được hướng dẫn về cách tác văn trong suốt mấy năm ở cấp phổ thông. Trên nguyên tắc, khi lên đến ban chuyên khoa, thực tập tác văn chỉ là để tập suy luận sắc bén hơn, đào sâu vấn đề thực tập mà thôi.

Nhân tiện, chúng tôi xin mở dấu ngoặc để nói về giờ học sinh ngữ của ban văn chương C và D. Dĩ nhiên, với học sinh ban C (văn chương hiện đại), vấn đề sinh ngữ chính và phụ là điều bắt buộc: Anh ngữ và Pháp ngữ, riêng với ban D (văn chương cổ điển), vấn đề sinh ngữ và cổ ngữ cần để ý. Hiện nay, ban cổ điển vẫn dạy hai cổ ngữ: La tinh và Hán. Chúng tôi nhận thấy chữ Latin được ghi làm cổ ngữ cho ban cổ điển Việt Nam là cả một vô lý quái gở, bởi lẽ nó không giúp cho học sinh Việt tìm hiểu cổ văn Việt Nam. Chúng tôi nghĩ chỉ cần ghi chữ Hán làm cổ ngữ chính thức cho ban văn chương cổ điển Việt Nam là đủ, cùng lắm là ghi thêm chữ Nôm vào chương trình lớp 12. Chúng tôi đóng ngoặc.

                                                4

Học đường trung học hiện nay đang đòi hỏi một cải tổ sâu rông, vì nhu cầu học hỏi của học sinh đang cấp bách. Nhưng cải tổ không có nghĩa là nuối tiếc quá khứ một cách mù quáng để trở thành chắp vá tạm bợ. Việc đưa môn quốc văn lên lớp 12 không phải là vấn đề đơn giản,nhất đán có thể thực hiện được; nhưng đồng thời nó cũng không phải một ý kiến ảo tưởng hay hẹp hòi để đến nỗi sẽ bị bỏ lơ một cách lười biếng cố chấp. Dù sao vấn đề cũng cần phải được thảo luận nghiêm túc hơn, sâu rộng hơn. Nêu những ý kiến nhỏ trên đây, chúng tôi không có ý nghĩ nào khác hơn là "bàn góp" với những người có trách nhiệm. Chúng tôi mong được các bậc cao minh sẵn lỏng chỉ dạy.

                                                       Lê Nguyên Thuỵ
   (Báo Chính Luận, ngày 08/05/1970. tr. 7 & 09/05/1970, tr. 7.)


 (1) Nói theo các sinh viên dự bị Văn Khoa Saigon trước đây.
(2) Xin đọc: Lê Nguyên Thuỵ, "Quốc Văn trong học đướng". Chính Luận, ngày 22/4/1970 & 23/04/1970.
 (3) Bởi vì, như đã trình bày ở trên, trong 4 năm đầu ở trung học chương trinh không chú trọng nhiều đến văn học sử, văn chương mà chỉ nhắm đến trau dồi quốc ngữ sao cho học sinh giỏi.              












Monday 22 January 2018

Ca dao miệt vườn
   Sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử


Năm 1971-1972, một số học sinh lớp lớn thường tổ chức những cuộc du ngoạn đồng quê. Tôi bị hấp lực của cảnh trí và người miệt vườn, bèn cùng học trò sưu tập lại các câu hò hát miệt vườn. Những học sinh cũ của tôi lúc ấy rất bé bỏng, nay chắc còn có thể nhớ lại thấy Kiên “bắt” mình về nghe ông bà, ba má… ca lại những bài hò hát để cho các em ghi lại. Đó chính là công trình sưu tập mà tôi cho ấn hành tại Vĩnh Long, mang tên Tâm sự Cửu Long(nhà xuất bản Phố Tịnh, 1973), hình bìa do người bạn miệt vườn Lê Triều Điển vẽ trên giấy stencil.
Trong lời tựa (“Những tiếng hát bỏ quên”), tôi viết rằng: “Chúng tôi cũng ghi nhận tinh thần sốt sắng của các học sinh lớp 6/6, 6/7, 9/6, 11A3 nk 1972-1973 trung học Tống Phước Hiệp. Tinh thần nhiệt nồng của các em đã khích lệ chúng tôi nhiều lắm”.
Nay xin ghi lại hai trích đoạn trong số những chương tôi viết về ca dao miệt trong thời gian ở trường Tống Phước Hiệp, như một vết tích kỉ niệm ở Phố Tịnh. ( ĐXK )



I

Miệt Vườn

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất rộng mênh mông, màu mỡ, bao gồm một phần khá lớn đất đai miền Nam.  Phong nhiêu màu mỡ nhất là dải đất nằm hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu. 

Người Việt đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp ở miền đất này từ bao giờ, nay ta chưa thể dò biết chắc chắn.  Nhưng có thể biết được điều này:  những tập đoàn người Việt đến sinh sống tại vùng đất này đã từ khoảng nửa sau thế kỉ XVII, khi đất nước bùng ra những biến động lịch sử dẫn đến những biến động dân số vào thời kì bấy giờ.

Cho đến đầu thế kỉ XX thì đồng bằng sông Cửu Long mênh mông từ vùng đất Ba Giồng đến tận miệt Rạch Giá, Cà Mau ở phía dưới, đâu đâu cũng in đậm dấu tích của công trình lao động của người Việt trên bước đường lưu xứ.  Địa thế khá phức tạp, đến nỗi một người ở Gò Công, Tân An, khó hình dung được cảnh đất Rạch Giá;  người ở Cái Bè lên thăm miệt Tân Châu sẽ không khỏi ngỡ ngàng với cảnh đất nơi đây.  Tên gọi  “đồng bằng sông Cửu long” cũng chỉ là một tên gọi mới có từ vài chục năm nay thôi.  Theo kinh nghiệm hiểu biết của dân chúng sinh sống ở đây, người ta đã phân cách rạch ròi từng vùng đất nhỏ, dựa theo những tính cách riêng của địa thế từng vùng:

o Miệt Trên:  vùng đất miền đông, bao gồm khoảng đất Biên Hoà, Bình Dương xuống khoảng Long An;
o Miệt Vườn: bao gồm vùng đất màu mỡ ven sông Tiền xuống tận ven bờ sông Hậu, nay là khoảng đất chạy dài từ Cái Bè xuống Vĩnh Long, Cần Thơ;
o Miệt Tháp Mười: vùng đất phèn trũng Đồng Tháp;
o Miệt Hai Huyện: vùng đất cồn Cù Lao Ông Chưởng nối sông Hậu qua sông Tiền ở mé trên, nay thuộc khoảng đất Long Xuyên;
o Miệt Xà Tón, Bảy Núi: vùng đất xa xôi ở phía biên giới phía nam, nay thuộc khoảng đất Châu Đốc;
o Miệt Dưới: vùng đất phèn mặn ở Rạch Giá, Cà Mau.

Trong những miệt đất nói trên thì đến thế kỉ XIX, Miệt TrênMiệt Vườn đã sớm trở thành những trung tâm kinh tế sầm uất, nổi bật là Cù Lao Phố, vùng Bến Nghé, Ba Giồng và cảnh chợ Long Hồ.  Đời sống vật chất thoải mái, Miệt VườnMiệt Trên sớm được xem là đất văn vật ở vùng Lục Tỉnh (1).

Biểu hiện của văn vật miền Lục Tỉnh này chính là kho tàng văn học dân gian phong phú, gắn liền với gia tài dân ca cũng không kém phần độc đáo.  Trên các con sông dài ngút mắt vang ngân tiếng hát những tay lái thương hồ, hoặc để tức cảnh mây nước hữu tình, hoặc để đối đáp với những bạn ghe khác cũng đang cùng lênh đênh trên sông nước cảnh xa.  Những câu hát điệu hò dần dần tạo nên bản sắc riêng mà về sau phân thành những tên gọi khác nhau cho từng làn điệu:  hò Cần Thơ, hò Đồng Tháp, hò Ngã Bảy, hò Cái Bè, hò Vĩnh Long... Hò hát đã trở thành một sinh hoạt gắn bó với lao động ( hò cấy, hò chèo ghe...), khi vui chơi (lí qua cầu, lí chim khuyên...).

*
Đến cuối thế kỉ XIX, sinh hoạt miệt vườn càng thêm sầm uất, nhờ có công cuộc mở mang kinh tế (đào kinh, khẩn hoang đất đai), ruộng lúa được bội thu, buôn bán phát đạt.  Từ đó mà dẫn  theo cả sự bộc phát phong trào văn nghệ. Sách báo bắt đầu ra nhiều, nhà in tung ra hàng loạt ấn phẩm đáp ứng nhu cầu nói thơ trong dân gian, truyện tàu được dịch ra ồ ạt phục vụ cho phong trào nói truyện, rồi đến phong trào ca nhạc tài tử, ca ra bộ ra đời bên cạnh hình thái tuồng quen thuộc đã từ lâu.  Tất cả đã tạo nên một khung cảnh sinh hoạt văn nghệ độc đáo; hò, hát, nói thơ, nói truyện, ca nhạc tài tử đã gắn bó với sinh hoạt miệt vườn mãi đến những năm hai mươi của thế kỉ XX.

Nhưng đến những năm ba mươi thì tình hình có khác. Từ những năm tháng sau 1929 trở đi, miệt vườn chịu hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới, cũng là thời kì câu hát dạ cổ hoài lang (vọng cổ) và hát cải lương đã chiếm lĩnh vai trò, thay thế hò hát, nói thơ, nói truyện. Ca dao miệt vườn, và gắn liền với nó là sinh hoạt hò hát dân gian, chỉ còn lờ mờ trong trí nhớ của người dân miệt vườn, không còn là thứ giải trí tinh thần gắn liền với sinh hoạt hằng ngày nữa. Đã hết rồi những câu hò thậm thượt của anh thương hồ như muốn thi với chiều dài của con sông không chỗ tới; đã không còn nữa những cuộc hò đối đáp giữa các cặp trai gái ở ngoài đồng đang cấy vần công... Trong các sinh hoạt tập thể, hình thức trình diễn phổ biến vẫn là mấy câu vọng cổ mùi rệu, giàu tính nhạc, lại vừa giữ được tính dân gian như trong hò hát ngày nào mà không kém phần ‘văn minh lịch sự’. Từ đó, ca dao lui về bên chiếc nôi ru em hay trong khoảnh bếp nhà khiêm nhường, âm thầm tự bảo dưỡng trong một thời thế nhiều bể dâu của xã hội miệt vườn trong khoảng năm mươi năm nay. Mới chỉ năm mươi năm mà như thể đã lâu lắm, vì khác với ca dao ở đàng ngoài thường có một lịch sử lâu dài cho việc trau chuốt các câu ca bài hò cũng như việc lưu truyền trong quảng đại quần chúng, ca dao miệt vườn - trái lại- chỉ mới khai sinh không lâu, chưa có bao lăm thời gian để gọt dũa và bảo tồn thì thời thế đã đẩy vào lãng quên. Ca dao miệt vườn ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như thế nên đến hôm nay chúng ta không thể không băn khoăn là có hay chăng một thành phần văn học dân gian gọi là ca dao miệt vườn.

Thật ra, văn học dân gian miệt vườn vẫn còn đó, ca dao miệt vườn vẫn sống âm thầm trong sinh hoạt thường ngày của người dân dưới dạng những câu hát ru em... Nhưng nó không hiện diện ồn ào trong nghệ thuật diễn xướng như những ngày thịnh đạt xa xưa.

*
Cho đến nay, việc tìm hiểu nghiên cứu ca dao miệt vườn chỉ mới ở bước đầu. Các công trình giới thiệu, sưu tầm, nghiên cứu ca dao- dân ca- hay nói chung, văn học dân gian – thường có khuynh hướng chú ý đến những câu ca bài hát tiêu biểu chung cho cả nước, nhưng thật ra là chỉ tham khảo những câu ca bài hò trong kho tàng ca dao- dân ca miền ngoài. Tuyển tập Tục Ngữ Phong Dao đồ sộ và rất có giá trị của nhà giáo học giả Nguyễn Văn Ngọc chẳng hạn, chỉ sưu tập ca dao đồng bằng sông Hồng; về sau này, các sách giáo khoa hoặc nghiên cứu vẫn thường trích dẫn từ pho Tục Ngữ Phong Dao của ông, không khỏi gây ấn tượng thiên lệch về giá trị văn học của ca dao các địa phương khác. Tình trạng ấy kéo dài mãi về sau 1954, khi ở cả hai miền bắt đầu xuất hiện thêm những công trình nghiên cứu mới. Ngoài Bắc, sách Tục Ngữ, Ca Dao và Dân Ca của Vũ Ngọc Phan đáng kể là một công trình sưu tập nghiên cứu có giá trị nhờ ở kho tài liệu phong phú về ca dao ba miền đất nước. Trong Nam, sách Ca Dao Giảng Luận của Thuần Phong có thể xem như tài liệu đầu tiên nghiên cứu các mặt đề tài, nội dung, nghệ thuật ca dao miền nam. Thuần Phong cũng là người khơi dậy ý hướng sưu tập nghiên cứu văn học dân gian vùng đồng bằng Nam bộ trong các giảng đường đại học, mà kết quả bước đầu là hai công trình giới thiệu Câu Hò Giải Thoát của Ngô Thuần Phượng, và tiểu luận cao học của Nguyễn Kiến Thiết có tựa đề là Mấy tính cách đặc thù của ca dao miền Nam. Cả hai tiểu luận cao học văn khoa nói trên đều chưa được phổ biến rộng ra ngoài công chúng. Tiếc là hai công trình nghiên cứu của trường văn khoa vừa kể trên chưa thoát ra khỏi khuôn khổ những bài tập nhà trường, lại thêm ý hướng tự hào địa phương, nên không mấy giá trị về mặt nghiên cứu.

Ta có thể kể thêm vào bảng danh sách này vài quyển sách mỏng của một nhà văn sinh trưởng ở miền Nam: Nói Về Miền NamVăn Minh Miệt Vườn của Sơn Nam. Trong hai tập vừa kể, rải rác có những nhận định của tác giả về các mặt sinh hoạt văn học dân gian miệt vườn mà hò hát là phần chủ yếu.

Những năm sau này, theo với nhịp tiến triển của của khoa nghiên cứu văn học, ý thức sưu tập và nghiên cứu của ca dao – dân ca các miền đất nước được đặt thành mục tiêu nghiêm chỉnh. Đó là sự hứa hẹn ban đầu rất đáng khích lệ.

Điểm qua tình hình nghiên cứu, sưu tập ca dao và dân ca vùng đất phía nam, ta không khỏi ngạc nhiên là kết quả còn rất sơ sài. Nguyên nhân của sự thể này là sự thiếu vắng một thái độ nghiên cứu nghiêm túc nên dễ rơi vào một trong hai cực đoan: hoặc là dựa trên cơ sở tự hào địa phương chật hẹp, hoặc là sự xem thường giá trị của kho tàng văn học dân gian địa phương.

Ngày nay, nghiên cứu và sưu tập văn học dân gian miệt vườn là một việc nên và cần làm. Trước tiên là về mặt phương pháp, chúng ta đã thừa hưởng những thành tựu về mặt phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian. Nhưng lí lẽ thuyết phục hơn cả vẫn là ở chính bản thân văn học dân gian miệt vườn.  Ca dao – dân ca miệt vườn đã trước bạ sự có mặt của cộng đồng người Việt tại vùng đất này từ hơn ba trăm năm nay. Hò hát đã từng là sinh hoạt gắn bó với công việc hàng ngày của người địa phương, đã là vốn liếng tinh thần của họ. Vốn cũ này chỉ thu hẹp trong những khung cảnh giới hạn, và có nguy cơ tiêu trầm vì thiếu nuôi dưỡng. Một thành trì cuối cùng của ca dao miệt vườn nằm ở sinh hoạt ru em, cũng đã tỏ ra lung lay quá; người ta không chuộng ca dao nữa mà hát nhạc mới, ngâm ngợi mấy câu vọng cổ, hoặc thậm chí nhờ máy hát. Cho nên thu thập ca dao miệt vườn có nghĩa là nhặt nhạnh những mảnh vụn tản mát trong trí nhớ đã mơ hồ, kề cận với lãng quên.

Ca dao – dân ca miệt vườn cũng như bao nhiêu địa phương khác, mang dấu vết của cá tính con người địa phương cũng như xã hội đặc thù của địa phương đó. Tìm hiểu ca dao miệt vườn, chúng ta sẽ gặp lại con người trong bối cảnh sống của họ. Điều đó rất có ý nghĩa, vì ăn sâu những đặc trưng của văn học là những vẻ dáng riêng của con người quen thuộc trong khung cảnh quen. Vẻ riêng ấy không hề làm nhẹ đi dáng chung của toàn cảnh xã hội của dân tộc. Giới hạn trong văn học, có thể nói rằng nghiên cứu văn học dân gian địa phương sẽ giúp ta nhìn rõ hơn vẻ đa dạng những vần thống nhất của văn học dân gian của cả dân tộc. Và đó là ý nghĩa đặc sắc của việc tìm hiểu nghiên cứu văn học dân gian địa phương vậy.

Để tiến hành việc tìm hiểu ca dao miệt vườn, cần phải trả lời thanh thoả một vài câu hỏi về mặt lí luận.

Trước nay, khái niệm văn học dân gian miệt vườn chưa được phổ thông, bất quá chỉ có ‘văn học dân gian miền Nam’ mà thôi, hiểu như là vùng văn học dân gian bao trùm Lục Tỉnh ngày xưa. Tự thân văn học dân gian các miền này có những nét giống nhau về đề tài, chủ đề, thể loại, cách biểu diễn, phong cách ngôn ngữ; nét giống nhau này còn có thể mở rộng thêm ra đến cả địa giới của Nam Trung Bộ nữa. Thật vậy, so sánh các câu ca dao Lục Tỉnh – đặc biệt là ở miền Đông – với các câu hát Nam Trung Bộ, có thể thấy những nét gần gũi về nội dung và cấu trúc câu hát; điểm gần gũi còn hiển nhiên ở phong cách âm nhạc của câu dân ca: so sánh bài hát chòi Bình Định với lối nói thơ pha tuồng ở miền Trung với ca ra bộ trong Nam, giữa các điệu lí ở các vùng đất đàng trong này...

Tuy thế, trong những nét tương đồng vẫn hiện lộ dáng vẻ đặc thù của địa phương. Càng tiến về nam, câu hát điệu hò càng trở nên phóng túng hơn, mềm mại hơn: điệu nói thơ Vân Tiên ở Nam không mạnh và chắc như câu hò thai ở Trung, câu hò miền Nam như muốn dài ra... Câu lục bát từ miền Đông Nam Bộ xuống đến miệt vườn đã khác lắm. Những nét dị biệt như thế không phải là tình cờ và tản mạn, mà ngược lại rất có hệ thống, đủ giúp cho ta vạch những đường ranh khoanh lại những vùng văn học dân gian riêng biệt.
Một vấn đề khác nữa là cách gọi tên đối tượng tìm hiểu. Trong dân gian miệt vườn không thấy nói đến ca dao - dân ca, mà chỉ noi đến hò, hát: hò Cái Bè, hò chèo ghe, hát huê tình... Sinh hoạt hò hát là sinh hoạt âm nhạc diễn xướng dân gian (dân ca) hay là sinh hoạt văn học (ca dao) ? Dựa vào tính cách của hò hát trong dân gian chúng ta hiểu rằng trong sinh hoạt, quần chúng không phân chia rạch ròi ranh giới giữa văn học và nghệ thuật trình diễn; người ta cứ hò, hát, cứ sáng tác các câu hát bài hò sao cho có thể diễn đạt đầy đủ nhất những cảm xúc của họ trước ngoại cảnh. Nhận thức nghệ thuật dân gian không phân biệt loại hình sáng tác và trình diễn: trong khi hò hát, người ta phải ứng tác tại chỗ một tác phẩm bằng lời (đó là sáng tác văn học), tác phẩm này sẽ được hát lên theo cung bậc nào đó với những nhịp điệu tiết tấu ổn định (đó là hoạt động âm nhạc, trình diễn), nhiều khi còn phải phối hợp cả dáng điệu, cử chỉ (đó là hoạt động trình diễn). Nói cách khác, hò hát trong dân gian kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật thuộc về nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau; sự phối hợp này diễn ra cộng thời trong một quá trình trình diễn/ sáng tác/ trình diễn của một nghệ nhân. Đặc trưng nghệ thuật này chính là tính cách nguyên hợp của văn học nghệ thuật dân gian.

Nhìn từ quan điểm này, ca dao miệt vườn không phải là một bản văn tĩnh tại mà nhất thiết phải gắn liền với sắc thái âm nhạc và hoạt động trình diễn của nó. Nhìn nhận tính cách đặc thù của văn học dân gian như thế thì có thể không cần bó hẹp nội dung của từ ngữ ‘ca dao’ như cách hiểu phổ biến hiện nay trong một số sách giáo khoa văn học. Theo cách hiểu này, ca dao là những câu thơ dân gian sáng tác theo những khuôn khổ thi ca dân tộc, và vì vậy thuộc về lĩnh vực văn học; trong khi đó, dân ca là những câu hát, và thuộc phạm vi tìm hiểu của âm nhạc. Sự phân biệt như thế mặc dù khá phân minh nhưng sẽ khiến chúng ta bối rối khi muốn tìm hiểu ca dao miệt vườn. Tính cách nguyên hợp của văn học dân gian ở đây xem ra trùng khít với cách hiểu đầy đủ ý nghĩa của thuật ngữ "ca dao" trong sách vở Trung Hoa (2).

Vì thế, chúng tôi nghĩ là không có gì gượng ép khi gọi tên sinh hoạt hò hát dân gian miệt vườn là ca dao miệt vườn. Trong chừng mức đòi hỏi của ngành folklore, chúng ta có thể giới hạn ý nghĩa của từ ‘dân ca’ trong âm nhạc, còn thuật ngữ ca dao thì dành cho văn học dân gian – hiểu theo nghĩa nguyên hợp của từ ngữ.


(1)  Lục Tỉnh là tên gọi cũ của phần đất miền Nam thuộc khu vực đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long.  Lục Tỉnh gồm có ba tỉnh miền Đông (là Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) và ba tỉnh miền Tây (là Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ).

(2) Trong Kinh Thi có câu: “Tâm chi ưu hi, ngã ca thả dao” (lòng buồn bã, ta ca và dao) [Ngụy Phong, bài Viên Hữu Đạo]. Sách Mao Truyện thì viết rằng: “Khúc hợp nhạc viết ca, do ca viết dao” (khúc hát có nhạc đệm theo thì gọi là ca, hát trơn thì gọi là dao). Sách Cổ Dao Ngan có bài Phạm Lễ phân biệt thêm: ca khác dao ở chỗ dao có thế lợi của nhiều bài ca.Cách hiểu như thế hoàn toàn phù hợp với định nghĩa trong các từ điển củaTrung Hoa. Từ Nguyên định nghĩa ca là khúc hát đặt hợp với một giai điệu âm nhạc; dao là hát suông, không cần dựa vào nhạc. Khang Hi Từ Điển cũng hiểu như thế khi định nghĩa ‘dao’ là kéo dài giọng nói, trẻ con cũng làm được.



II

Sản phẩm của 
một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt

Ca dao miệt vườn ra đời và phát triển không ra ngoài truyền thống chung của văn học dân gian cả nước. Tuy nhiên không vì thế mà nó không mang bản sắc riêng. Những nét riêng của ca dao miệt vườn đều có thể lí hội được phần nào khi chúng ta lưu ý đến hoàn cảnh lịch sử đã góp phần khai sinh ra nó. Lịch sử của vùng đất mang tên là Lục Tỉnh sau này đã góp phần của nó vào việc định hình tính cách của sinh hoạt văn học địa phương cũng như tính cách của con người ở đây.  Cho nên sẽ không là thừa khi phác lại bối cảnh lịch sử hình thành cuộc đất phương nam của tổ quốc, nơi đã ấp ủ và nuôi lớn những câu hò bài ca khoẻ khoắn, ngồn ngộn chất tươi trẻ, thênh thang như thiên nhiên nơi đó.

Vùng đất đồng bằng sông Cửu Long đón tiếp những lưu dân người Việt khá trễ tràng, sau vùng Giản Phố (lưu vực sông Đồng Nai) đến non một thế kỉ. Nếu tính theo sách vở thì mãi đến cuối thế kỉ XVII mới có người Việt xuống lập nghiệp ở miệt vườn. Nhưng lịch sử hình thành vùng đất này thực ra phức tạp hơn thế.

Đầu mối của sự kiện lịch sử thường được mệnh danh là “cuộc nam tiến” là ở Nguyễn Hoàng. Khi vào trấn thủ Thuận Hoá, chủ ý của ông là muốn giữ thân, tránh khỏi mưu hại của Trịnh Kiểm; nhưng dần dần ý đồ xây dựng một cơ nghiệp riêng để đối chọi với họ Trịnh đã khiến các chúa Nguyễn không ngừng phát triển vùng đất địa đầu, hoặc là bằng cách đưa một phần dân chúng đi di thực , hoặc là chiêu mộ lưu dân đưa vào những vùng hẻo lánh ở ngoài địa vực Đại Việt để tăng thêm nguồn lực kinh tế cùng quân sự của Đàng Trong. Giở lại các tài liệu lịch sử, ta biết rằng có ít nhất là bốn đợt di chuyển lớn một số lượng dân chúng đáng kể từ các xứ phía bắc Đàng Trong (tức là vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay) vào các vùng đất phía nam chỉ trong vòng hai thế kỉ XVI và XVII.

Năm Mậu Dần 1578, “vua (tức chúa Nguyễn Hoàng) uỷ cho Lương Văn Chánh làm trấn biên quan, chiêu tập lưu dân đến Cù Mông, Ba Đài khẩn hoang ở Đa Diễn (tức vùng sông Đà Rằng). Năm thứ 54 (Tân Hợi 1611), người Chiêm xâm lấn biên cảnh, vua sai chủ sự là Văn Phong dẹp yên, lấy đất ấy làm hai huyện Đông Xuân và Tuy Hoà, đặt phủ Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam và dùng ông làm Lưu Thủ” (1). Thế nghĩa là từ đấy biên giới chính thức của Đàng Trong kéo dài xuống phía nam đèo Cù Mông lối 40 cây số nữa, đến Đông Xuân và Tuy Hoà. Đó là đợt di dân lớn đầu tiên còn ghi lại đến nay.
Lần thứ hai là sau khi đại thắng quân Trịnh ở Quảng Bình năm Mậu Tí 1648, bắt sống được ba vạn tướng sĩ Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Lan chia ra cho ở các nơi, từ Thăng Hoa Điện Bàn cho đến Phú Yên, cứ 50 người làm một ấp, cấp cho lương ăn nửa năm (2).

Lần thứ ba, trong cuộc giao tranh lần thứ năm giữa họ Trịnh và họ Nguyễn (Ất Mùi 1655), quân Nam chiếm sâu đến mé sông Cả ở Nghệ Tĩnh, cưỡng bách nhiều đoàn dân chúng tại đây vào khẩn hoang trong nam. Một số được đưa vào rải từ Thăng Hoa đến Tuy Hoà, một số khác được đưa sâu vào tận đất Chiêm và Giản Phố Trại (thuộc Thuỷ Chân Lạp). Nguyên do là chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) có gả một con gái (quận chúa Ngọc Vạn) cho vua Chân Lạp Chey Chetta II; vì vậy năm Quí Hợi 1623, chúa sai sứ sang Chân Lạp xin phép vua Chey Chetta II cho phép người Việt vào lập nghiệp ở vùng đất Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay) (3). Đây là những người Việt đầu tiên đặt chân đến vùng đất Lục Tỉnh sau này vậy. Trong số những người dân bị cưỡng bách đi Nam đợt này có cả tổ tiên Nguyễn Huệ bị đưa vào thực dân ở ấp Tây Sơn Nhất, huyện Qui Ninh (thuộc Qui Nhơn) (4).

Lần thứ tư, vào năm Mậu Dần 1698, cuộc chiến Nam Bắc kết thúc thì cũng vừa lúc nước Chiêm bị chúa Nguyễn thôn tính trọn, mở rộng cương giới đến đồng bằng sông Đồng Nai. Quốc Chúa (Nguyễn Phúc Chu) sai Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Cao Miên, đem xứ Đồng Nai làm dinh Trấn Biên, lập làng, lập ấp, định thuế khoá. Trong dịp này, ông đã chiêu tập thêm những lưu dân từ châu Bố Chính trở vào Nam, lập ra được hai huyện là Phước Long (Biên Hoà ngày nay) và Tân Bình (địa phận Gia Định và Sài Gòn bây giờ). Nhờ thành tích này, ông Chưởng Cảnh được phong Lễ Tài Hầu. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi lại cụ thể về lần mở đất di dân này như sau: “Mùa xuân năm Mậu Dần, đời vua Hiển Tông, Hiến Minh Hoàng Đế sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược... lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định Phủ... Đất đai mở rộng ngàn dặm và dân số hơn bốn vạn hộ, chiêu mộ những lưu dân từ Bố Chính châu trở vô nam đến ở khắp nơi, đặt ra phường ấp xã thôn; chia cắt địa phận, mỗi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh thuế điền và lập bộ tịch đinh điền” (5). Lê Quý Đôn cũng viết về sự kiện này như sau: “Đất Đồng Nai thuộc phủ Gia Định, từ các cửa biển lớn nhỏ như cửa Cần Giờ, cửa Sài Lấp đi vô chỉ toàn là rừng rậm hoang vu, mỗi đám rừng rộng cỡ đến hơn nghìn dặm... Nhà Nguyễn chiêu mộ những người có vật lực từ các xứ Quảng Nam, phủ Điện Bàn, phủ Quảng Nghĩa và phủ Qui Nhơn thiên cư vào đó...” (6).

Qua năm sau, Kỉ Mão 1699, vua Chân Lạp phản trắc, chúa Nguyễn cử Lễ Tài Hầu làm thống soái đi chinh phạt. Thắng trận trở về, cánh quân di chuyển theo đường Châu Đốc, An Giang về đến Vĩnh Kim (Định Tường) thì quan thống soái bị bệnh nặng, mất tại đây (tháng 5 năm Canh Thìn 1700).Trên lộ trình rút quân từ Hậu Giang về Tiền Giang, nhiều thương bệnh binh và cả quân sĩ đã đào ngũ hoặc được giải ngũ, ở lại lập nghiệp dọc theo vùng đất miệt vườn ngày nay (7).

Qua những làn sóng di dân kể trên, ba lần đầu chủ yếu là đưa dân vào khai khẩn vùng đất từ Quảng Nam vào đến Bình Định bấy giờ. Chỉ lần thứ tư mới đưa dân vào khai khẩn miệt Biên Hoà, Gia Định, đồng thời cấy một đợt di dân đầu tiên cho vùng đất sau này sẽ gọi là miệt vườn. Mà việc này chỉ mới xảy ra ở vào những năm cuối thế kỉ XVII.

Như vậy có phải chăng là đến lúc đó mới có người Việt sinh sống ở vùng đất mà sau này gọi là Lục Tỉnh? Sự thật xem ra không phải thế. Qua nhiều tài liệu rải rác, có thể khẳng định là trước khi các chúa Nguyễn chính thức thiết lập chính quyền ở những vùng đất mới thì ở đó đã có sẵn dân Việt di cư đến trước.  Chẳng hạn như trường hợp vùng đất Biên Hoà, mãi đến năm 1698 mới thiết lập chính quyền đại phương ở đó nhưng người mình đã có mặt sẵn hàng thế kỉ trước rồi. Bằng chứng là từ năm 1658, khi vua Chân Lạp xâm phạm biên cảnh, phó tướng Trấn Biên Dinh (lúc ấy là Phú Yên) được lệnh đem quân trừng phạt, bắt được vua Chân Lạp đem về Quảng Bình, sau tha cho về nhưng bắt phải cam kết “không được xâm nhiễu dân sự ở ngoài biên cương” (8). Một câu khác gần đó còn xác nhận rõ hơn: “Khi ấy địa đầu Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai đã có lưu dân của nước ta đến ở chung lộn với người Miên để khai khẩn ruộng đất” (8).

Một trường hợp khác: trong đợt rút quân từ Nam Vang về, đạo quân đông đảo của Nguyễn Hữu Cảnh đã giảm sút rất đáng kể, đó là điều khó hiểu khi chính họ vừa thắng trận trở về. Hẳn là sự kiện đào ngũ hay giải ngũ như vừa nhắc đến ở trên chỉ là cái cớ để che giấu mưu đồ của chính quyền Đàng Trong là cấy người ở lại để kinh dinh đất mới. Hẳn là những binh sĩ gốc hai huyện đó đã thấy tận mắt cảnh đất và cuộc sống của những lưu dân đang ở sẵn đấy từ trước nên đã rời đội ngũ mà ở lại sống chen lẫn với họ. Đó là diễn tiến ôn hoà nhưng hữu hiệu của quá trình ‘nam tiến’ của người Việt vậy. Quá trình đó đã định hình từ những thời kì xa về trước, nhưng đến thời các chúa Nguyễn thì rõ nét: ban đầu là một số lưu dân có thể bị phát vãng đến để an trí hoặc là để trốn sưu lậu thuế; rồi đến những đợt di dân có chủ ý của nhà nước, hoặc là mở chiến tranh bình định biên giới để xác lập tình thế lấn chiếm đất đai; sau cùng mới tiến lên lập dinh định phủ khi đã có đông đảo dân chúng lập nghiệp ở vùng đất mới. Đến khi vùng đất có tên là Tầm Phong Long được sáp nhập vào lãnh địa Đại Việt để trở thành Tân Châu Đạo, Châu Đốc Đạo và Đông Khẩu Đạo (1757), cuộc nam tiến đã kể như hoàn tất, người Việt chính thức làm chủ nhân ông vùng đất nơi đã chôn vùi nền văn minh Óc Eo rực rỡ xa xưa. Miệt Vườn đã là đất của người Việt.

Biết được quá trình di dân lập nghiệp một cách khái quát như trên thật ra cũng chưa cho ta hình dung cụ thể dáng vẻ riêng của cộng đồng người Việt thuở ban đầu ở vùng đất mới. Nhìn kĩ hơn vào thành phần những người Việt tiền phong này sẽ cho ta một ấn tượng rõ nét hơn về con người và sản phẩm văn học của họ tạo sinh trong khung cảnh sống này. Chính những người dân cụ thể ấy, khi rời vùng đất Bố Chính nghèo khó để xuôi nam, đã không chỉ mang theo trần trụi một thân phận xiêu lạc để tìm một cuộc sống no đủ mà còn mang theo cả vốn liếng văn hoá của truyền thống để tạo dựng một cơ đồ cho con cháu. Nhưng đó là chuyện về sau. Còn chính bản thân họ, những người Việt tiền phong trên những vùng “kinh tế mới” ấy là những ai?
Trước hết, đó là những người tử tội bị lưu đày phát vãng. Luật Hồng Đức đã định lệ lưu viễn châu (thường là những miền đất ma thiêng nước độc hoặc là vùng đất biên ải). Vào những buổi đầu, một vùng đất mới tiếp thu thường là nơi phát vãng những phần tử bị xem là nguy hiểm cho xã hội; cho nên sau khi biên giới phía nam đã mở xuống tận phủ Hoài Nhơn (Bình Định) thì vua Thánh Tông nhà Lê định lệ rằng những kẻ phạt tội lưu cận châu thì phải sung về quận ở Thăng Hoa (Quảng Nam), lưu ngoại châu thì sung về quận Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), lưu viễn châu thì sung vệ quân ở Hoài Nhơn.
Cuộc chiến tương tàn kéo dài hàng hai trăm năm, trong đó đến bảy trận đánh lớn trong vòng 45 năm trời (1627-1672) đã làm điêu linh không biết bao nhiêu gia đình vì chết chóc, tàn phá và đói khổ. Nhưng có lẽ lớp người khốn khó nhất vì chiến tranh phải kể đến trước hết là binh lính. Cho nên hiện tượng đào ngũ không phải là chuyện khó hiểu, và nơi trú ẩn cho những người trốn lánh không gì hơn là những vùng đất xa xôi hoang vắng ở tận cuối trời Nam. Một người Pháp đã ghi lại một chi tiết quý  giá về hiện tượng loạn lạc của xã hội Đại Việt trong thời kì chiến tranh: Ở trang nhật kí ngày 14 tháng giêng năm 1750, sau khi kể lại rằng ông đã gặp dọc đường hơn hai trăm người nông dân bị gông cổ dẫn về Huế sung quân, đã nhận xét về quân đội chúa Nguyễn ở Đàng Trong như sau: “Nhà vua hiện nay chỉ có binh lính bằng cách sử dụng bạo lực. Nhiều binh sĩ đào ngũ và trốn vào Đồng Nai vì họ không được trả lương và vì cơ cực quá. Nạn đào ngũ đã xảy ra như cơm bữa nên chẳng còn biết có thể trấn áp bằng biện pháp nào, cho nên hễ có tóm được một đào binh thì cũng chỉ phạt y một vài đòn roi tượng trưng” (9). Mấy giòng nhật kí này cộng vào những ghi chép trong sách cũ của chúng ta đã nói đủ về một thành phần thứ hai trong cộng đồng người Việt đi tiên phong ở vùng đất mới.
Một thành phần khác trong số những người Việt đến ở vùng đất miền nam chính là binh lính và gia đình họ. Muộn nhất thì cũng là để trấn biên ải và bảo vệ dân đinh; sớm nữa thì như trường hợp đạo quân của Nguyễn Hữu Cảnh, trên đường rút quân về, một số đông đã bỏ ngũ hoặc giải ngũ để ở lại khai khẩn cuộc đất mà họ vừa đi ngang qua. Hẳn là họ phải được nhà chúa tán trợ hành động này nếu không muốn nói là chính triều đình Đàng Trong đã ngầm chủ trương như thế. Cứ lấy trường hợp vùng đất Cái Sao (Hậu Giang), nguyên trước là vùng đất hoang vu không người, năm 1700, đạo quân quan chưởng cơ trở về qua đó dừng chân lại một thời gian ngắn chừng một tháng thôi, sau đó không lâu trở thành một vùng đất thuộc do người Việt khai thác.
Cũng không thể quên thành phần khác nữa trong đám người vào sinh sống tại những vùng đất mới: đó là một số nhỏ những nhà có của ở miền Trung muốn tìm nơi để phát triển mở mang sản nghiệp, đã phiêu lưu về vùng đất phía nam. “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ cửa biển trở vào toàn là rừng rậm trải hơn nghìn dặm. Chúa Nguyễn ... chiêu mộ những dân có vật lực ở các phủ Điện Bàn, Quảng Nghĩa, Qui Nhơn (xứ Quảng Nam) di cư đến, chặt phá cây cối, cắt cỏ rậm, khai phá thành đất bằng, đất đai màu mỡ, cho họ tự tiện chiếm lấy lập vườn, trồng cau, làm nhà” (6).
Trong số những thành phần cư dân vừa kể, có phần chắc là số lưu dân chiếm phần không nhỏ. Hoàn cảnh xã hội đàng trong vào những năm chiến tranh căng thẳng không được sáng sủa cho lắm: thuế khoá cao, bắt lính liên miên, quan lại ức hiếp nhũng nhiễu dân lành... “Như việc thuế khoá, trấn Thuận Hoá đã có pháp lệnh phiền phức, các nhân viên đốc thuế lại đông, những kẻ cùng đinh nghèo khó thường cay cực vì sưu cao thuế nặng... (10) Tại hai trấn Thuận Hoá và Quảng Nam, nạn quan lại tham nhũng càng ngày càng quá đáng. Sự nhũng nhiễu của đám quan lại lớn bé, của bọn phu hồ đã khiến cho những kẻ nghèo khó phải buộc li hương xiêu tán vào chốn phương nam hoang vu. Trong một tờ trình lên chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1750, Nguyễn Cư Trinh có mô tả cảnh sống của dân Quảng Nghĩa nhưng cũng có thể xem là khái quát cảh sống của dân chúng Đàng Trong thời tao loạn: “Dân đến Quảng Nghĩa chịu thống thuộc nhiều nơi, đã chịu lệnh của nha trường điền tô, lại chịu lệnh của các nha biệt tải, biệt nạp, lại còn chịu lệnh của các nha sai viên vi tử, nha sai viên đầu nguồn, chịu lệnh ban phủ rồi lại chịu lệnh nha môn, chịu lệnh sai nhân rồi lại còn chịu lệnh bọn thợ săn ngang dọc, há chẳng phải cảnh mười con trâu mà đến chín kẻ chăn? Nghèo khó, thất nghiệp, thật là đáng tội nghiệp” (10). Nguyễn Cư Trinh có nói đến số lượng đông đảo những hạng dân lậu và phân biệt làm hai loại: một loại là dân vì trốn thuế mà phải đi lang thang, một loại khác vì đói khổ mà phải xiêu tán. Trong cảnh huống ấy, tội phạm hẳn là nhiều, dân nghèo khó đành phải bỏ cửa nhà làng xóm mà lưu tán khắp nơi.
Tóm lại, trong đám người di dân vào vùng đất mới phương nam trong khoảng thế kỉ XVII và XVIII, có nhiều thành phần phức tạp: Những tù nhân bị lưu đày, những người trốn lánh binh dịch hoặc đào ngũ, những nông dân cùng khổ không sống nổi nơi xóm làng mà phải phiêu linh; cũng có một số ít nhà có của hưởng ứng lời kêu gọi của nhà chúa mà đi mở đất làm giàu, nhưng chủ yếu vẫn là dân nghèo khó phải thất sở li hương kiếm ăn – mà sách cũ gọi là “lưu dân”. Lớp người này đã tìm thấy ở vùng đất mới nơi biên viễn là nơi dung thân tương đối lí tưởng.
*
Trên đây là phác họa đôi nét về hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của vùng đất mới phía nam trong những buổi đầu, qua đó nổi bật lên hiện tượng tụ tập của những người lưu dân tiền phong vào khai phá vùng đất trẻ mà sau này sẽ gắn chặt với đất mà họ đã chọn làm quê hương. Thời thế - hay là hoàn cảnh chính trị xã hội vào những thế kỉ loạn lạc điêu linh của hai miền tổ quốc (thế kỉ XVI-XVIII)- với những cuộc đổi thay triều đại liên miên, kéo theo đó là cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các tập đoàn vua chúa đương thời, đã là cơ duyên cho việc mở mang bờ cõi đất nước về phương nam. Thật vậy, trong khi xã hội văn vật Đàng Ngoài đang trên triền dốc khủng hoảng thì tận địa đầu phương nam, cương giới cứ mở dần theo chiến lược tàm thực, tạo tiền đề cho một cơ duyên lịch sử đặc biệt khác về sau: làm trẻ lại khuôn mặt xã hội bằng một lực lượng quần chúng mới sinh hoạt trong khung cảnh văn hoá tương đối cởi mở hơn so với đất Thăng Long thời buổi ấy đang trở nên bệnh hoạn già nua. Sự ra đời của một vùng đất mới đã kéo theo nhiều hệ quả khác về mặt giá trị ăn hoá tinh thần. Những yếu tố của khung cảnh thiên nhiên và hoàn cảnh lịch sử xã hội sẽ tác động mạnh mẽ và sâu sắc với tiến trình văn hoá của người dân trên vùng đất mới. Qua ba trăm năm, văn hoá của vùng đất trẻ trung này đã định hình rõ nét, thể hiện ra ngoài trong cách ăn lối mặc, lề lối qui hoạch nhà cửa, tổ chức xóm làng... thể hiện ra ở quan niệm sống hào sảng bộc trực phóng khoáng, ở quan niệm về thẩm mĩ hướng về sự giản dị, chân tình. Văn hoá của vùng đất trẻ này còn thể hiện qua các sáng tác văn học nghệ thuật phản ánh trung thực con người và cuộc sống ở vùng quê mới.
Lịch sử khá trẻ trung của vùng đất mới phương nam có thể là một thiệt thòi, vì ba trăm năm có lẽ chưa đủ để mọi giá trị văn hoá của phương nam được trau chuốt thành qui củ ổn định. Thật vậy, ngôn ngữ văn học miệt vườn chẳng hạn chưa được tinh tế nhã luyện như ở Đàng Ngoài. Cũng là bày tỏ tình yêu, văn học dân gian ở vùng đất văn vật nghìn xưa thể hiện như thế này:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào
Hình ảnh kín đáo bóng bẩy đã phong kín vẻ ý nhị cuả lối ướm hỏi, đến độ như là những con người đang yêu nhau kia đang nói chuyện trời mây trăng gió ở đâu đó. Phong cách đài các của ngôn từ trong ca dao đàng ngoài đã đến mức ‘cổ điển’, cho nên có thể là khi nói “áo anh sứt chỉ đường tà”, Hữu Loan không có ý nói về một chiếc áo sứt chỉ đường tà nào cụ thể mà chỉ gợi lại kiểu tỏ tình ý nhị của chàng trai trong ca dao đàng ngoài: “Hôm qua tát nước đầu đình...” Cũng vì ngôn từ ca dao miền ngoài đã trở nên ‘cổ điển’ nên có người cho là tình cảm của con người ở đàng ngoài như bị khuôn khổ, qui tắc của những chuẩn mức nặng tính cách qui phạm, cho nên ca dao miền bắc tinh diệu thật đấy, nhưng không khỏi khuôn sáo, tiểu xảo. E rằng nhận xét như vậy có phần quá đáng và thiên lệch, vì đã quá chuộng vẻ tự nhiên tươi sống của kiểu dáng biểu hiện cảm xúc của người miền trong. Hãy xem họ thể hiện tâm tình theo một cung cách khác xa:
Anh thương em
Thương lún thương lụn
Thương lột da óc
Thương tróc da đầu
Ngủ quên thì nhớ
Thức dậy thì thương...
Thương sao thương quá bất nhơn
Bữa nay gặp mặt thương hơn bữa nào!
Ngôn từ thật là sượng, nhưng khoẻ mạnh, ngồn ngộn chất tươi nguyên. Tính cách đó -nếu có thể gọi là tính cách- là tính cách trẻ trung của vùng đất văn hoá mới còn non trẻ quá nếu so với tuổi hơn bốn nghìn của vùng đất văn vật Thăng Long. Chính đặc tính này cắt nghĩa tại sao nhiều câu ca dao miệt vườn dài thậm thượt, vần nhịp lỏng lẻo vô cùng. Ca dao ở miền này chỉ mới ra đời chưa quá ba trăm năm, nghĩa là chưa đi quá tuổi thơ ấu nếu so với tuổi tác văn học những miền ngoài. Thể thơ ổn định của ca dao nước ta là thể lục bát mềm mại đã trở thành cái vỏ nghệ thuật của một tỉ lệ lớn tuyệt đối các câu ca dao miền ngoài. Tỉ lệ đó không còn nữa ở ca dao miệt vườn. Khuynh hướng nới lỏng nhịp điệu cân phương gọn gàng của câu thơ lục bát tăng lên dần nếu ta so sánh giữa ca dao miệt hai huyện và ca dao miệt vườn. Bảng đối chiếu dưới đây lập thành từ cứ liệu thống kê trong sách Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc và trong số hơn 800 câu ca dao miệt vườn mà chúng tôi thu thập tại miệt vườn:

Tục ngữ phong dao
ca dao miệt vườn (808 bài)
Thể thơ lục bát
703 (87%)
338 (39%)
Lục bát biến thể
60 (7.5%)
508 (54%)
Thể thơ khác
45  (5.5%)
18 (0.2%)





Qua những phân tích trên đây, chúng ta hiểu thêm được rằng ca dao miệt vườn là một gia sản mới mẻ, chưa có đủ điều kiện thời gian để tự trui luyện nó trở nên tinh nhã. Sự khác biệt có ý nghĩa về tỉ lệ các câu lục bát hoàn chỉnh và các câu biến thể trong bảng trên đã nói khá rõ sự phóng túng về vần, nhịp của câu ca dao miệt vườn. Nhìn từ trạng thái tĩnh thì có thể bảo rằng đặc tính này là nét đặc thù của ca dao miệt vườn, mà nhìn từ chiều kích thời gian thì có thể nói được rằng ca dao miệt vườn là sản phẩm của lịch sử ngắn ngủi của miệt vườn để lại. Giá mà lịch sử kéo dài thêm cho miệt vườn có nhiều thời gian tô chuốt các câu ca bài hò! Nói như thế tức là đã thừa nhận sự kiện là ca dao miệt vườn hình thành và phát triển tự nhiên như ca dao các vùng đất khác mà thôi: Những dáng riêng của ca dao miền này được định hình như hôm nay thật ra cũng có thể tìm thấy ở ca dao bất cứ địa phương nào. Nói một cách khác, ca dao miệt vườn đã không đủ thời gian cần thiết để tự hoàn chỉnh nghệ thuật cho nó chứ không phải tự thân ca dao miệt vườn muốn dừng lại ở trạng thái lỏng lẻo vần điệu như hiện nay.
Ở trên đã nói nhiều đến thành phần cư dân buổi đầu của vùng đất mới phương nam. Đây là một cộng dồng kém may mắn nhiều mặt. Cuộc sống cơ cực trong một xã hội nghèo đói loạn lạc đã khiến cho bao nhiêu nỗ lực của con người chỉ còn thu nhỏ lại và chuyện miếng cơm manh áo. Những người đi khai hoang không phải là đã tìm thấy ngay thiên đường ở vùng đất trắng xa lạ. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã chan lên số phận những lớp lưu dân tiền phong. Vốn liếng văn hoá tinh thần đem theo từ vùng đất cũ chỉ là chút trí nhớ mà lắm khi cũng phải được đánh giá lại từ kinh nghiệm thực tế khắc nghiệt. Cho nên không lạ gì miệt vườn đã hình thành những khuôn thước mới khoáng đạt hơn cho những giá trị văn hoá dân tộc ở vùng quê mới. Tư tưởng nho gia chẳng hạn có bớt giáo điều hơn tại miệt vườn nếu so sánh với đất thần Kinh hay Thăng Long văn vật. Nhưng đó lại là chuyện của những thế hệ con cháu về sau. Riêng những thế hệ đầu tiên đến miệt vườn, khó có thể nói rằng quê hương mới lại có ngay những tiện nghi văn hoá cho họ: không có thầy đồ dạy học, mà cũng không chắc có được sách vở chữ nghĩa trong mớ hành trang nghèo nàn họ mang đi từ khi rời bỏ xóm làng quê cha. Ta không quên rằng trong xã hội cũ, các thầy đồ đã đóng vai trò sứ giả văn hoá tại địa phương: Chính họ là những quan viên quan họ - hay ít ra cũng là ‘thầy nhắc tuồng’ cho các ‘liền anh liền chị’ – trong các hội mùa ở Bắc Ninh hay Nghệ An; chính họ là tác giả những áng văn lưu hành trong dân gian; cũng chính họ là người rao giảng chữ nghĩa thánh hiền trong các pho kinh-sử-tử-tập cho nhiêu thế hệ thư sinh. Thế mà họ không phải là những con người dễ tìm thấy ở những nơi hẻo lánh sơn cùng thuỷ tận như miệt vườn những buổi đầu. Lưu dân là những người đã phải ứng tác lấy các câu ca bài hát cho chính họ để thoả đáp nhu cầu tinh thần mà chính họ thấy cần được bù đắp trong suốt những chuỗi ngày dài hẩm hút nơi cuối trời lận đận. Trong hoàn cảnh như thế, không có gì là đáng ngạc nhiên khi ca dao miệt vườn còn lưu lại đến nay có nhiều câu mà một nhà sinh trưởng ở miền nam- ông Sơn Nam- đã phải bảo là ‘dốt hay nói chữ’ (7) vì đã dùng sai nghĩa một từ Việt Hán, trưng dẫn sai một điển xưa tích cũ.
Tìm hiểu ca dao miệt vườn, có một điểm rất dễ nhận thấy là câu ca dao thường không chau chuốt, không thuần nhã so với ca dao những vùng khác có truyền thống văn học lâu đời. Các câu hát ra đời ở miệt vườn thường nghèo hình tượng, thô sơ mộc mạc như chưa đi qua mức tự nhiên của hệ thống ngôn ngữ công cụ. Thuật ngữ văn học Trung Hoa có phú, tỉhứng để chỉ ba thể cách sáng tác ca dao; tính hình tượng tăng dần từ hứng sang tỉ và đạt đến mức tinh tế nhất là phú, trong đó cảnh và tình quan hệ biện chứng sinh thành một cách ý nhị, kín đáo, sâu sắc. Các câu hát theo thể hứng trong ca dao miệt vườn chiếm tỉ lệ khá cao. Nếu ca dao là những câu hát sơ khai thì ca dao miệt vườn là những câu ca đang còn ở mức sơ nguyên nhất, chưa trải qua nhiều công phu lọc lõi của nhiều thế hệ. Nếu ca dao là những đứa trẻ ra ngõ lần đầu thì ca dao miệt vườn là những đứa trẻ rụt rè bỡ ngỡ vô cùng.
Những non yếu về nghệ thuật sáng tác đề cập đến ở đây – nói cho cùng- chỉ là hệ quả tất yếu của hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của vùng đất mới phương nam này.
Ra đời trong bối cảnh sinh hoạt không mấy thuận lợi về sinh hoạt văn học nghệ thuật, ca dao miệt vườn càng tỏ ra có giá trị và đã tự xác lập vị thế của nó trong hoàn cảnh sinh hoạt của con người nơi đây. Nhu cầu giải trí, tiêu khiển là nhu cầu tự nhiên và cần thiết; cho nên những thế hệ lưu dân đến ở vùng đất mới đã làm sống dậy tiềm thức tập thể dân tộc khi chế tác những câu hát mới, hoặc nếu may mắn còn nhớ lại mơ hồ những câu hát cũ ở quê nhà mà họ được nghe từ lúc còn nằm trong nôi. Tất cả chỉ là để thoả nhu cầu tiêu khiển sau những buổi làm việc mệt nhọc vì miếng cơm manh áo nơi vùng quê mới.
Lại nữa, nhu cầu diễn đạt tình cảm lắm khi cũng thôi thúc đứa con xa xứ phải ứng tác, phải tâm sự, phải trần tình, cho vơi nỗi nhớ quê nhà mà họ biết là còn giữ rất nhiều kỉ niệm một thời họ không bao giờ có thể quên. Diễn đạt lòng mình, dù chỉ đê cho mình thôi, cũng để thoả một nhu cầu rất lớn của sáng tác văn học nghệ thuật. Bởi vì cội nguồn của văn nghệ chính là ở tình cảm của chúng ta đó thôi; tình cảm thì chẳng biết chia giàu nghèo sang hèn. Những con người lưu xứ buổi đầu bị đẩy vào thế cùng, đành phải vong gia thất sở phiêu bạt đến xứ xa như thế, thì nhu cầu văn nghệ là nhu cầu tự nhiên họ phải tự vượt thắng những trở lực về kiến thức và kĩ năng để vươn lên làm chủ đời sống văn học của chính mình tại quê mới. Cứ thế,theo với ngày tháng cùng sự phát triển của cộng đồng quần cư nơi đất mới, dần dà những ngày hội hè, những buổi hò hát đầy kịch tính cũng được tổ chức, đưa sinh hoạt văn học nghệ thuật tiến thêm những bước mới về chất lượng.
Cuối cùng, cũng không nên quên là cái nền của mọi sinh hoạt văn nghệ miệt vườn là khung cảnh ruộng đồng sông nước. Ở đây, sông nước mênh mông lại là một dữ kiện của hoàn cảnh khá đặc thù để làm đà cho sự phát triển mạnh những câu hò lê thê như những con sông không chỗ tới ở miệt vườn. Không ở đâu trên quê hương chúng ta mà có hân hạnh làm chủ những câu hò dịu ngọt như thế.
Những nỗ lực như thế chính là những sinh hoạt văn hoá đúng nghĩa nhất, vì nó là những công phu đưa cuộc sống hàng ngày của con người vượt lên tình trạng tươi sống của tự nhiên để thành những sản phẩm chín mang đầy ắp dấu tích của tim óc chúng ta.
Đoàn Xuân Kiên
Thế Kỷ 21 số 32 (th. 12/1991), tr. 1--15

(1)  Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà
(2)  Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, q. III
(3)  Xem: Tân Việt Điểu, “Theo dấu hai bà...” Văn Hoá Nguyệt San,  số 43, tr.867 trở đi.
(4)  Hoa Bằng, Quang Trung, anh hùng dân tộc. Nxb Bốn Phương, Sài Gòn, tr.21-22.
(5)  Gia Định Thành Thống Chí , q.III. tr. 9a
(6)  Lê Quí Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, q.V, tr. 213a-b. Bản dịch của Lê Xuân Giáo. Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1972.
(7)  Sơn Nam, Nói về Miền Nam. Nxb. Lá Bối, Sài gòn, 1965, tr42, tr.67.
(8)   Gia Định thành thông chí , q.III., tr 4a.
(9)  Henrie Cordier, "Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine - Journal d’un voyage à la Cochinchine" (29.8.1749 – 11.2.1750). Revue d'Extrême-Orient. Tome 4, tr. 489.
(10)  Lê Quí Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, q.III, tr. 102a-b. Bản dịch của Lê Xuân Giáo. Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1972.

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...