Saturday 2 December 2017

Mạn đàm về vài hiện tượng
chung quanh tiếng Việt của chúng ta




Lưu lại đây cuộc mạn đàm với Ngô Quốc Phương
trên BBC Tiếng Việt, hôm 26/11/2017


https://www.youtube.com/watch?v=OFkCyZD4oJY&feature=youtu.be




Saturday 4 November 2017

Tiếng Việt của chúng ta:


NHAU hay RAU?



Bài viết này được gợi ý từ một bài báo trên VietnamNet: ""Chôn rau cắt rốn" hay "chôn nhau cắt rốn"?" (VietnamNet, ngày 03/11/2017). Sự thể bắt nguồn từ một trang sách giáo khoa Tiếng Việt Lớp 5 mà trang báo có chụp lại nguyên văn. Theo bài báo vừa kể thì trang sách nọ đã từng được một giáo viên tại Tp. HCM góp ý là không chỉnh. Nay đến lượt một phụ huynh học sinh tại Hà Nội lên tiếng cho rằng sách giáo khoa đã viết sai thành ngữ "chôn nhau cắt rốn".

Thông thường thì khi có ý kiến trái chiều dấy lên tất có chuyện gì đó chưa ổn đáng, và cần được nói lại cho rõ. Có vẻ là trang báo VietnamNet cũng đã có cố gắng tìm giải đáp trong các giới chuyên môn.

Trước tiên là nhà báo Kiều Hải. Ông dựạ trên một số từ điển mới biên soạn gần đây để cho là có thành ngữ "chôn rau cắt rốn" và "chôn nhau cắt rốn". Tưởng thế là đủ tóm ý của nhà báo rồi, nhưng ông lại phát biểu thêm: "Sợ rằng, trong Nam và trước đây quen dùng "nhau" thay cho "rau", tôi lại thử tra tiếp thì thấy "chôn rau cắt rốn" cũng xuất hiện cả trong cuốn "Việt Nam tự điển" của Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, xuất bản ở Sài Gòn lần đầu năm 1970." Nhà báo dường như có ý bảo rằng quyển từ điển Lê Văn Đức là cơ sở vững chắc để khẳng định rằng trong Nam trước kia cũng dùng "chôn rau cắt rốn"! Đây là một khẳng định rất bấp bênh, vì thực tế ngôn ngữ đàng trong không hề xác nhận một khẳng định như thế. Hơn nữa, bộ từ điển Lê Văn Đức chưa hề được học giới tin cậy vì nhiều lẽ, mà chủ yếu là ở phương pháp biên soạn từ điển của nhóm soạn giả này. 

Sau đó là ông Phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục lên tiếng. Ông khẳng định chắc nịch là trong tiếng Việt, rau hoặc nhau là hai cách phát âm (hai biến thể ngữ âm) của cùng một từ chỉ bộ phận nối thai nhi với thành tử cung của mẹ qua dây rốn để cung cấp dinh dưỡng, bài tiết chất thải và trao đổi khí qua máu cho thai nhi. Ông Tùng đưa dẫn chứng: Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (do Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2005) có cả hai mục từ rau và nhau, nhưng cho rằng rau là cách phát âm của phương ngữ (tr, 706, 822). Ở cương vị một phó giám đốc, chắc trình độ của ông phải đủ vững để cho công chúng biết hai biến thể của một từ hẳn phải phát xuất từ một từ gốc nào đó. Vậy trong trường hợp hai từ này, hai biến thể kia đi từ từ gốc nào của tiếng Việt phổ thông? Ông không nói. Vậy thì những điều gọi là lí giải của ông chưa đủ "khoa học", chưa thuyết phục. Có lẽ vì vậy, ông Tùng phải viện dẫn thêm ba chứng lí nữa, một từ cuốn sách y khoa, một từ quyển Thành ngữ học tiếng Việt của Hoàng Văn Hành, một từ câu thơ của Tố Hữu để đi đến kết luận là sách giáo khoa đã viết đúng. Tưởng thế là mọi lí giải đã ổn thoả, nhưng ông phó tổng biên tập lại đưa ra một phát biểu làm lung lay những khẳng định chắc nịch trên đây, khiến nó không còn chắc nịch chút nào: “Ở những địa phương quen gọi rau là nhau, các thầy, cô giáo có thể giải thích cho học sinh hiểu và học sinh cũng có thể sử dụng cách gọi nào quen thuộc hơn với mình” (VietnamNet, ngày 3/11/2017). Thế là thế nào?

Cuối cùng bài báo đưa ra ý kiến của một nhà ngôn ngữ cấp hàn lâm, ông PGS TS Phạm Văn Tình, tổng thư kí hội ngôn ngữ học Việt Nam, rằng “Chôn nhau cắt rốn” và “Chôn rau cắt rốn” là hai biến thể, mỗi nơi dùng một kiểu, và cả hai đều có thể dùng được!

Một bài báo phổ thông thì khó đòi hỏi nhà báo giải quyết rốt ráo vấn đề. Vả chăng, vấn đề bàn ở đây đòi hỏi một trình độ chuyên ngành chứ phát biểu kiểu cả vú lấp miệng em như ông Phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục, hay kiểu nước đôi như ông hàn lâm Tình thì một người đường phố cũng làm được và vẫn thường làm đấy.

Sự thật thì  ông Tùng và ông Tình không cho công chúng thấy biến thể trong ngôn ngữ phải là biến thể từ một thể gốc. Không có ngoại lệ. Ở trường hợp chữ nhau đang bàn ở đây, bộ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, đã cho biết từ rau là biến thể trong phương ngữ tiếng Việt; vì vậy các soạn giả bộ từ điển đã bảo người đọc tìm về từ nhau, và có giải nghĩa tường tận. Người bình thường khi xem đến thế thì đã hiểu rằng từ rau là biến thể của từ nhau. Những người soạn sách giáo khoa đã lười biếng để chỉ dựa theo kiến thức cục bộ địa phương của mình; nhưng những người biên tập ở đâu mà không làm việc chỉnh đốn lại? Đến ông phó tổng cũng lại lười biếng và chỉ dùng lối nói trịch thượng để bao biện cho thuộc hạ của mình. Về mặt giáo dục, nhà xuất bản Giáo Dục đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của sách giáo khoa là cung cấp cho học sinh phổ thông những kiến thức xác thực, nền tảng. Khi  thầy cô giáo phải diễn giảng theo địa phương mình thì tính nhất quán, tính xác thực ổn định của sách giáo khoa phổ thông không còn nữa. Giáo dục nước ta cho phép tuỳ tiện được sao?

Cách giải quyết vấn đề từ nhà báo Kiều Hải đến ông Tùng và ông Tình đều thiếu thuyết phục vì những ý kiến nêu ra nhằm biện hộ cho cái sai hiển nhiên của sách giáo khoa đều có tính cách nói suông, chẳng có chứng lí gì chống đỡ cho những phát biểu của quý vị. Đem ba pho từ điển ra chỉ để nói vo mà không cho biết gì nội dung của chúng thì đem chúng ra chẳng thêm chút sức nặng nào cho những điều gọi là lí giải của quý vị. Dựa vào một câu thơ của một cá nhân, hoặc một chứng từ công trình một cá nhân khác cũng không thể làm tăng giá trị lời phát biểu của quý vị.

Các vị có trong tay hơn một quyển từ điển, trong đó có hẳn một bộ biên soạn đứng đắn, có phương pháp nghiêm túc. Tuy vậy, chỉ lật qua lại trang nào có từ theo ý chủ quan của mình thì chưa thể gọi là tra cứu, cùng lắm thì chỉ là tra thôi chứ chưa có cứu tí nào cả. Đòi hỏi nhà báo phải tra cứu cẩn thận thì cũng quá đáng, nhưng hai ông Tùng và Tình thì phải tra cứu từ điển nghiêm túc hơn chứ!

Ở đây cần nói ngay một sai lầm nghiêm trọng của hai ông Tùng và Tình là các ông khá hời hợt trong việc tra cứu. Chỉ riêng bộ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học đáng ra đã đủ cho ông Tùng phủ định giá trị của trang sách giáo khoa kia rồi, và ông Tình đã từng ở cơ quan biên soạn ra bộ từ điển này, sao không nói được cho công chúng những gì cần phải nói?

Nếu đi chuyên sâu thêm trong việc tra cứu thì ông Tình còn có thể nhìn ra nhiều điều hay hơn, giá trị hơn lời phát biểu hời hợt không hơn một người ngoài đường phố. Là một người nghiên cứu ngôn ngữ, hẳn ông Tình phải hiểu rằng kiến thức chúng ta có hôm nay là một công phu kế thừa và phát triển trong dọc dài tích luỹ tri thức chuyên ngành. Đối với những thành ngữ như chúng ta đang bàn đây, một dúm từ điển ra đời khá mới về sau này, trong điều kiện học tập lệch lạc, khó có thể giúp người học hỏi tìm ra giềng mối để định đúng sai.

Trong số các từ điển mới, chúng ta đã biết là bộ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học công nhiên xem từ rau chỉ là biến thể thuộc phương ngữ của từ nhau. Bộ từ điển này giảng nghĩa từ nhau rõ và đủ như sau: "nhau, d.: Bộ phận đặc biệt ở dạ con, có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và thai. Cuống nhau. (Nơi) chôn nhau cắt rốn." (tr. 706). Định nghĩa này hoàn toàn ăn khớp với bộ Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931) mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị về trình độ tiếng Việt, về phương pháp soạn từ điển. Những ai quan tâm đến quá trình biên soạn pho từ điển của Hội Khai Tiến Đức đều thấy Ban Văn Học của Hội đã thu thập các mục từ một cách sâu rộng và sắp đặt có phương pháp chặt chẽ đúng quy cách một bộ từ điển tiêu chuẩn. Từ điển KTTĐ ghi mục từ nhau như sau: "Nhau. Đoạn ruột nối tử cung mẹ với cái thai khi ở trong bụng: Cắt nhauchôn nhau." (tr. 404). 

Trước đó nữa, bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895-96) cũng có mục từ nhau như sau: Nhau: n. Cái bọc con ở trong lòng mẹ. Nhau rún. Chỗ mình sinh sản, gốc gác. Nhau bọc. Cái bao gói cả đứa con ở trong bụng mẹ nó. Rước nhau. Rước cái nhau còn ở trong bụng mẹ con nít. Ngơi nhau. Cái nhau còn nín trong bụng mẹ. (T. 2, tr. 126). Ngoài ra, xin mách thêm một bộ từ điển Dictionnaire Annamite-Francais của J.F.M. Génibrel (1898) cũng có từ nhau, giải nghĩa là Cordon ombilical (cuống rốn), và có hai ví dụ: Người nhau rúnChỗ nhau rún.

 Cần lưu ý là ở ba bộ từ điển trên đây, mục từ rau là một từ khác hẳn, không lẫn lộn với từ nhau bàn ở đây.

Đến đây chúng ta có thể nhận thấy từ nhau là một từ phổ thông trong tiếng Việt đã lâu đời. Cha ông chúng ta không lẫn lộn từ địa phương và từ chuẩn. Các bộ từ điển đứng đắn ở cả nước từ xưa đến giờ đều thống nhất lề lối thu thập các mục từ là từ kho từ vựng phổ thông, từ vựng tiêu chuẩn. Tại sao đến thời này tiếng Việt trở nên rối loạn như thế? Một từ địa phương bị đem ra thay một từ phổ thông mà một PGS TS. như ông Tình không thấy xốn xang hay sao?

Đến đây có thể nói thêm gì về hiện tượng rau ∞ nhau khiến cho một ông phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục và một ông hàn lâm PGS TS cũng lúng túng rồi phát biểu như một người ngoài đường phố?

Sở dĩ có hiện tượng nói rau (ở vùng Nam Định, Ninh Bình rõ nhất) để chỉ cái nhau là vì người mình ở một số địa phương xa xôi có lối chuyển âm đầu tại các vùng từ Quảng Bình Quảng Trị ra tới Nam Định: nh ∞ ∞ r. Vài thí dụ: người Quảng Bình nói: "đi về " (nhà), người ở vùng Nam Định- Ninh Bình hay nói: Nhà ta năm nay rư rả (dư dả)... Những biến thể như vậy có rất nhiều, nhưng đối với nhà ngữ học thì chúng chỉ là biến thể. Điều cần thiết là phải biết những biến thể ấy là của những từ nào trong tiếng Việt phổ thông. Nhà ngữ học có làm tròn phần việc của mình thì nhà giáo dục mới có cơ sở vững chắc cho việc giảng dạy, biên soạn sách giáo khoa.


Hiện nay có tình hình đáng buồn là sách giáo khoa vẫn độc quyền trong tay một nhóm giáo chức thư lại mà hiểu biết chuyên ngành rất đáng ngờ. Công luận liên tục vạch ra những bất cập của hệ thống sách giáo khoa các cấp. Những phát biểu vô trách nhiệm của một phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục cộng thêm với phát biểu hời hợt của một PGS TS. ngôn ngữ học phản ảnh tình trạng đáng báo động về thói thư lại lười biếng trong xã hội hiện nay.

                                                            Đoàn Xuân Kiên


Saturday 21 October 2017

MỘT VIỆC NHỎ,

AI CŨNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC


Đặng Mi Lộc


                                Gửi Thu Thuỷ và những bạn bè đang trải nghiệm con đường này...  
Hơn hai mươi lăm năm kinh nghiệm về cuộc sống xa xứ như cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại chưa phải là một kinh nghiệm lớn so với những cộng đồng khác: cộng đồng Do Thái xa nơi đất tổ cuả họ cả hai nghìn năm; cộng đồng Hoa Kiều đã hình thành từ rất lâu, ít nưã cũng là từ khi những đoàn thương thuyền người Hán đi khắp nơi buôn bán trong buổi thịnh thời triều đại nhà Minh. Hai cộng đồng vưà kể đã không hề mất  tiếng mẹ đẻ cuả họ cho dù có thể họ không có điều kiện gắn bó với quê nhà. Đấy là những kinh nghiệm quý cho cộng đồng người Việt hôm nay khi nghĩ về việc gìn giữ và phát huy tiếng Việt trong hoàn cảnh lưu vong tại hải ngoại.
Cộng đồng người Việt tại hải ngoại vẫn đang cần một phương lược để làm sao giúp thế hệ trẻ giữ gìn được tiếng mẹ đẻ. Hiện nay các trường lớp dạy tiếng Việt do các hội đoàn, tổ chức cộng đồng đảm nhận vẫn hoạt động khắp nơi. Đặc biệt là những tổ chức tôn giáo đã tích cực sắm vai trò bảo vệ và phát huy văn hoá dân tộc, trong đó dạy và học tiếng Việt là một sinh hoạt chủ yếu. Nhưng đến nay, ngoại trừ các trung tâm văn hoá cuả các tôn giáo, không một trường lớp nào do các hội đoàn lập ra đã có thể vượt lên khỏi mức độ thoi thóp. Số học sinh tại các lớp cứ bớt dần thay vì cao lên.  Các bậc cha mẹ có ý thức văn hoá vẫn muốn gửi con đến trường lớp ngày cuối tuần, để con em mình nói và viết tiếng Việt ở một mức độ khiêm tốn nào đó cũng được. Nhưng rồi năm tháng qua đi, con em mình vẫn chẳng tiến thêm được bao nhiêu -nếu không nói là càng ngày càng quên dần vốn tiếng Việt rất nhỏ nhoi mà các cháu học được thuở còn bé tí ti, trước khi đến tuổi bước vào trường học.
Có nhiều lí do cắt nghiã hiện tượng này. Nhưng lí do cơ bản hơn cả vẫn là sự bế tắc cuả chính cộng đồng trong hướng duy trì tiếng Việt. Cộng đồng không thuyết phục được chính mình và các gia đình trong việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại. Không biết dạy và học tiếng Việt để làm gì, cho nên ai nấy chỉ quấy quá cho qua ngày, hết giờ.
Kết quả ? Sinh hoạt dành cho giới trẻ tại các tổ chức cộng đồng giảm xuống mức gần như chẳng có gì ! Sinh hoạt cộng đồng rút lại chỉ còn là những cơ hội để người lớn an ủi lẫn nhau trong một tình cảnh cuộc sống không mấy thoải mái và tự hào. Giới trẻ càng ngày càng lạc lõng giưã cái cộng đồng tự bao vây mình lại. Thế hệ cách nhau, cộng thêm với văn khoá khác biệt nhau. Chừng ấy cũng đã thưà sức làm suy yếu, rời rạc mối quan hệ giưã các thế hệ trong gia đình và trong cộng đồng.
Trong tình cảnh như thế, liệu có thể nào thay đổi được tình trạng như hiện nay không ?
Chúng tôi không nghĩ là có thể tìm ra được câu trả lời đơn giản, vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc gìn giữ  và phát huy tiếng Việt tại hải ngoại: ý thức cuả các bậc cha mẹ về những lợi lạc trong việc gìn giữ và phát huy tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống song ngữ; vướng mắc cuả thầy cô giáo trong việc dạy tiếng Việt tại hải ngoại: phương pháp dạy phải như thế nào ? tài liệu giảng dạy cần chọn lọc thế nào ? Nhưng còn một yếu tố nưã hệ trọng không kém, đó là những học viên cuả các lớp tiếng Việt.  Trong giáo dục học thì việc xác định đối tượng học tập rất là cần thiết.  
Trước hết, có thể thấy là đối tượng học tiếng Việt hiện nay có ít nhất là bốn thành phần: (1) các cháu bé Việt Nam sinh ra và lớn lên tại hải ngoại; (2) thanh thiếu niên Việt lớn lên tại hải ngoại và thiếu cơ hội để trau dồi gìn giữ tiếng mẹ đẻ; (3) người phương tây muốn tìm hiểu tiếng Việt trong cong việc giao dịch hằng ngày; (4) người phương tây học tiếng Việt để làm việc bằng sách vở, nghiên cứu.
Ở đây  tôi chỉ  xin chú ý đến đối tượng đầu tiên: trẻ Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Đó là thế hệ hoàn toàn bị cách biệt khỏi cộng đồng dân tộc và đất nước. Mối liên lạc duy nhất chỉ là thông qua gia đình. Cháu bé sẽ tiếp nhận Việt Nam qua những thành viên cuả gia đình. Điều đó có nghiã rằng gia đình là nơi nuôi dưỡng và phát huy tình tự dân tộc, hoặc là văn hoá dân tộc để trao truyền lại cho các cháu.
Vậy thì gia đình có thể làm được gì để giúp đỡ các cháu ?
Câu hỏi trên đây được đặt ra có vẻ như một dấu hiệu chối bỏ trách nhiệm cuả cộng đồng đối với con trẻ. Nhưng thật ra, đúng là trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà các tổ chức hội đoàn còn đang vướng mắc về phương hướng dạy và học tiếng  mẹ đẻ, thì không thể trông nhờ gì nhiều vào trường lớp do tổ chức cộng đồng hiện nay trong việc giúp đỡ con em chúng ta duy trì và phát triển vốn liếng tiếng Việt tại hải ngoại. Trước hết, là vì cộng đồng không nhận thấy hết những ý nghiã cuả việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại. Hầu hết các trường lớp tiếng Việt do cộng đồng lập ra đều dẫm theo một lối mòn: thầy cô giáo lặp lại mãi một bài dạy đã được soạn theo phương pháp cũ kĩ ở trong nước. Phương pháp như thế, áp dụng ở trong nước thì không lộ ra những nhược điểm về phương pháp, vì dù sao thì các cháu học sinh vẫn học nói, vẫn học đọc từng ngày, trong sinh hoạt thường ngày cuả các cháu. Ở trong nước các cháu học tiếng Việt không phải chỉ trong giờ học “đánh vần”, giờ học tiếng Việt, mà học mỗi giờ mỗi phút trong ngày. Bối cảnh đó không còn thấy ở hải ngoại. Ở ngoài này, hậu cảnh văn hoá là một cảnh trí khác. Các cháu bé phải ứng xử trong một khung cảnh văn hoá ngôn ngữ khác. Chỉ có khi nào về trong nhà, hoặc vào trong lớp học tiếng Việt , cháu mới tìm thấy lại khung cảnh văn hoá Việt Nam.
Giả dụ như cộng đồng  chúng ta có thể tạo được một khung cảnh xuất sắc để dạy tiếng Việt ngay lúc này chăng nưã thì cũng không thể đòi hỏi trường lớp tiếng Việt tại hải ngoại có thể xoay đổi tình thế so với hiện nay. Khả năng trường lớp tiếng Việt hiện nay rất giới hạn.
Tuy vậy, cả trường lớp tiếng Việt và gia đình hiện nay đang là hai khung cảnh chính để dắt trẻ trở lại với cộng đồng dân tộc. Lớp học tiếng Việt và khung cảnh gia đình chính là những hậu cảnh văn hoá cần thiết để giúp các cháu bé có đủ điều kiện chuẩn bị (vốn liếng ngôn ngữ, và sự hứng thú học tập) cần thiết cho một sự học tập đúng nghiã. Phát hiện điều này tuy giản dị nhưng rất can hệ. Tuy thế, trước nay, gia đình thường bỏ quên vai trò cuả gia đình trong việc giúp đỡ các cháu nắm bắt được những nét căn bản cuả văn hoá dân tộc.
Hãy thử nhìn xem sinh hoạt thường ngày trong một gia đình Việt Nam hải ngoại: sáng sớm dậy, các cháu ăn vội vã bưã ăn sáng, nói vội vàng với ông bà cha mẹ dăm ba câu tiếng Việt ngắn ngủi và đơn giản. Khi đến trường thì suốt ngày các cháu nghe, nói đọc, viết tiếng nói cuả xã hội chủ nhà. Chiều đến, khi cha mẹ đón cháu về sau buổi học, các cháu lại phải ngồi làm bài tập ở nhà trước khi xem chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi. Các chương trình này đều nói tiếng nói cuả xã hội nơi cháu cư ngụ. Chừng một tiếng đồng hồ ngồi chung với ông bà cha mẹ bên mâm cơm chiều là dịp ít ỏi khác trong ngày cháu được nói tiếng Việt. Chỉ dăm ba câu đơn giản, không cần nhiều từ vựng cho lắm. Sau đó thì cháu có thể đọc sách hoặc xem tiếp chương trình truyền hình trước khi đi ngủ. Đại khái đó là một thời gian biểu điển hình cuả các cháu bé sinh ra và lớn lên tại hải ngoại.
Gia đình hầu như vắng mặt trong đời sống các cháu bé: từ sáng đến tối, trẻ chỉ nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức… Hoạ hoằn lắm mới có đôi ba câu tiếng Việt đơn giản đến mức tối đa. Lớn lên trong khung cảnh gia đình như thế, các cháu Việt Nam hầu như không thấy có một nhu cầu gì, một hứng khởi nào để học thêm tiếng Việt cả. Vì không có cũng chẳng sao !
Đến cuối tuần cháu đi học tiếng Việt, một nét nổi bật cuả lớp tiếng Việt là bài vở buồn chán, vô vị. Các cháu không tìm thấy hứng thú nào để học tiếng Việt cả. Học cả năm trời (độ chừng trên dưới 30 giờ học) có khi cũng chưa đọc trôi một câu tiếng Việt.
           Để có thể thay đổi hẳn một chu kì buồn chán như trên về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ mới lớn, thiết tưởng các bậc cha mẹ cần tìm một hướng khác: các bậc cha mẹ cần ý thức một điều là gia đình trước hết và luôn luôn là môi trường thuận lợi nhất cho con trẻ học nói tiếng mẹ đẻ. Các cháu bé học tiếng Việt ngay từ trong gia đình. Cứ tính trung bình mỗi ngày các cháu quanh quẩn trong nhà với ông bà cha mẹ khoảng hai tiếng đồng hồ, vị chi mỗi tuần tệ lắm cháu cũng có thể nói tiếng Việt với người trong nhà mười bốn giờ là ít.
        
          Thế mà cha mẹ ông bà lại trông cậy vào một hai tiếng đồng hồ tại lớp học tiếng Việt thì thật là lãng phí ! Trong khi thật ra các cháu bé Việt Nam có thể vẫn rất giỏi nói tiếng Việt, nếu như gia đình không quên chuẩn bị vốn liếng tiếng Việt cho các cháu, bằng cách nói năng với các cháu thường xuyên hơn, từ những chuyện giản đơn đến những chuyện phức tạp trong đời sống. Đó là cách chuẩn bị cơ sở vững chắc cho các cháu khi muốn học đọc và học viết tiếng Việt về sau này. Nói thế là chúng tôi muốn nói đến vai trò cuả vốn từ ngữ nói (verbal vocabulary) cuả trẻ.

             Vốn từ nói tiếng Việt là kho từ ngữ được in dấu trong óc các cháu bé qua sinh hoạt nói năng với những người trong nhà hằng ngày. Nhờ nói đến cái bàn các cháu mới in trong đầu tiếng bàn trong óc, nói về quyển vở thì cháu mới có thể ghi được tiếng quyển vở trong óc được. Nếu không bao giờ được nghe nói đến quả gấc thì cháu không thể có khái niệm về tiếng gấc trong kho từ ngữ tiếng Việt cuả mình. Kết quả những cuộc thực nghiệm tâm lí giáo dục tại các nước phương tây cho thấy rất rõ ràng là vốn từ ngữ nói cuả trẻ trước khi đến lớp học sẽ giúp cháu học đọc học viết nhanh hơn, giỏi hơn. Do vậy các cháu ít được nói năng tiếng Việt với người xung quanh thì cũng khó học tiếng Việt có kết quả tốt trong các trường lớp tiếng Việt tại hải ngoại được.
Học tiếng Việt tại hải ngoại là học nghe, học nói, học đọc, và học viết tiếng Việt. Chỉ có thể học đọc và viết khi các cháu bé đã có một vốn từ nói tối thiểu trong não bộ. Phải có những hình ảnh âm thanh cuả “cái nhà” được nghe qua và giữ lại trong trí nhớ, thì cháu bé mới hứng thú học đọc một từ nh - à trong giờ học tiếng Việt sau này. Thông thường, một trẻ bắt đầu học đọc và viết tiếng Việt cần có một vốn từ nói tối thiểu là 1000 từ. Các cháu bé được cha mẹ và người thân trong nhà chăm nói chuyện bằng tiếng Việt ở trong nhà, thì còn có thể có vốn từ cao hơn, khoảng từ 2000 đến 5000 từ. Đây chính là số vốn mà các cháu học tiếng mẹ đẻ ở trong nước không bao giờ thiếu. Và chính số vốn từ nói đó đã giúp cháu học tiếng Việt nhanh, có kết quả.
Như thế thì đến đây chúng ta có thể rút ra được một nguyên tắc lớn cho việc học tiếng Việt tại hải ngoại: gia đình và trường lớp cần chuẩn bị vốn từ nói tối thiểu cho trẻ mới lớn, trước khi nghĩ đến dạy trẻ học đọc và học viết.
            Vậy thì cha mẹ và những người lớn trong nhà đừng tiếc thì giờ và công sức để nói chuyện với các cháu bé trong mọi tình huống sinh hoạt trong gia đình. Các cháu sẽ học vốn từ phong phú qua những sinh hoạt đa dạng trong gia đình. Tuổi học ngôn ngữ lí tưởng nhất là khoảng tuổi từ lớp mẫu giáo đến khi các cháu bé được 13 tuổi. Trong thời gian hơn mười năm đầu đời các cháu có thể học nhiều ngôn ngữ một lúc mà vẫn không bị rối, bị “mụ người” như một số cha mẹ thường nghĩ. Ngược lại, trí thông minh cuả trẻ chỉ phát triển khi óc não cuả các cháu được vận động, được “tập thể thao”  nhiều bằng sự học tập ngôn ngữ, học tính toán…
        Khi gia đình và thầy cô giáo ý thức được điều này thì học tiếng Việt sẽ trở thành dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn.
                                                    Đặng Mi Lộc 
                                                                                Tập san Diễn Đàn (London) 1993

Thursday 19 October 2017

Thư Về Phố Tịnh:


Dư vang ngày tháng cũ, 
trên ấy

Đoàn Xuân Kiên




Ngày... tháng... năm....

Phố Tịnh thương mến

Hãy tưởng tượng, bây giờ em và tôi đang bước lên cầu thang Phòng Khánh Tiết đó nhé. Bước nhẹ thôi để tiếng guốc đủ vang một giọng trung nhẹ như tiếng lá khô bay dưới sân. Đừng cho tiếng guốc vang lên sắc đanh, e kinh động không gian mênh mông trên kia. Tôi thích lắm, mỗi lần bước lên cầu thang, không vội, không nặng nề. Để đủ một thoáng dấu lặng mà nghe tiếng vang nhẹ của những đôi guốc, đôi dép chim sáo.

Tôi thật có duyên với cái Phòng Khánh Tiết ấy. Tôi đã kể em nghe chuyện một buổi văn nghệ Chiều Thứ Năm thật duyên dáng mà tôi ngẫu nhiên đến tham dự khi mới chân ướt chân ráo đến làm việc tại trường. Sau buổi Chiều Thứ Năm ấy, tôi còn nhiều dịp lên xuống cầu thang rộng thênh thang ấy. Chỉ để nghe tiếng guốc, tiếng đế giày gõ nhẹ trên sàn ván. Để nhớ những tiếng guốc vang hiên trường thời niên thiếu. Em có nhớ những tiếng guốc học trò của em và các bạn không? Những tiếng guốc tiếng đế giày gõ nhẹ trên sàn gỗ như e sợ nó kinh động lên trên lầu, khiến các cô các cậu chỉ bước nhẹ bước nhẹ cho những tiếng kêu giòn chỉ đủ cho ai đó nghe thôi.

Tôi  cũng có nhiều buổi lên đứng trên lầu nhìn xuống lối sân từ cổng chính dẫn vào trường. Có thể đứng bên cửa sổ mà nhìn xuống để thấy những tà áo trắng đã ngả màu xanh tư mã, dấy khởi chút lãng mạn thầm kín của một cậu bé thoát ra từ giàn bầu nậm của Nguyễn Tuân mà say đắm nhìn những chiếc bóng áo xanh thấp thoáng dưới kia.

Có bao giờ em đứng trên cửa sổ bên này mà nhìn mông sang dãy lớp học cũ mé góc sau cột cờ không? Đẹp lắm. Màu tường vôi vàng buồn tẻ mà sao ăn nhịp với màu ngói đỏ xỉn chút rêu, đứng vững chãi bên hàng cây phượng trên lối sân. Màu sắc đó, kiến trúc đó luôn gợi nhắc những kỉ niệm rất riêng của tôi tại một ngôi trường ở Sài Gòn bốn năm trước. Nơi phòng học trên lầu toà nhà cũ kĩ như ở đây, có những buổi trưa vắng tôi nhìn mưa bay nghiêng cửa sổ, bỗng nhiên nghe có tiếng kêu chíp chíp trên mái ngói, rồi có khi một con chim vụt bay ra từ chỗ có tiếng chíp chíp mỏng manh kia. Một cảnh tượng bất chợt trong giây lát mà đọng lại trí nhớ rất dài lâu. Vì thế mà tôi vẫn muốn đi tìm lại một cánh chim bay vụt ra từ một ô cửa nào đó, nơi đây. Và cũng vì thế mà chỉ có đứng trên khung cửa sổ của hội trường mênh mông này tôi mới được những phút riêng tây mà chờ một vết dĩ vãng chưa xa có thể bất chợt quay về.
 
Bên ngoài khung cửa sổ là phượng còn xanh 
Nghe nhạc: https://www.youtube.com/watch?v=Ydpgl2V-U5o&feature=youtu.be
Những phút giây yên tĩnh như thế không nhiều. Cửa ra vào Phòng Khánh Tiết thường khoá trái ở dưới. Khi cửa mở là cái hội trường mênh mông của trường mà mọi người vẫn quen gọi là Phòng Khánh Tiết ấy thường náo nhiệt tiếng cười nói, tiếng loa phóng thanh, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống.


Tôi vẫn nghe vang vang đâu đó giòng nhạc dặt dìu như sóng lúa, như sóng trùng dương của bài Lòng Mẹ (Hải Linh) mà nhóm hợp xướng tám nữ sinh thôi đủ làm xôn xao trong tôi những cảm xúc vừa nghẹn vừa hạnh phúc của một đứa con xa nhà nhớ về người mẹ nơi biển cát Sơn Trà ngày ấy. Tôi cũng nghe dìu dặt đâu đây giai điệu của bài hát Phượng Còn Xanh mà Thu Thuỷ, Mỹ Dung và Xuân Chi hát trên sân khấu này. Tiếng hát run rẩy e lệ của ba cô bé lại tạo thêm nét hoa mĩ cho bài hát. Hạnh phúc chứ!

Chắc em cũng còn nhớ, vào một ngày nắng tươi, hội trường này cũng vang lên tiếng hát khoẻ mạnh, giòn chắc của mấy anh chị lớn trong giai điệu mượt mà hùng tráng của bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ (Nguyễn Đức Quang), hay tiếng hát sắc đanh của các anh chị đó khi hát cho chúng ta nghe Chưa mòn giấc mơ, Huế-Sài Gòn-Hà Nội (Trịnh Công Sơn). Tôi đã nghe các bạn trẻ hát lên những tâm nguyện của chúng tôi, những người trẻ cùng thao thức trăn trở về đất nước, về tương lai mà tâm hồn tự do của chúng tôi không khép vào trong những định hướng, những chỉ thị có rất nhiều quanh đấy. Em thấy không, những ngày ấy cũng có những người bạn trẻ thao thức trở về với quê hương không qua những cặp kính màu nào, để đập cùng nhịp thở của đất mẹ, nhắc nhở cùng nhau nỗi vui và niềm đau của quê hương mình. Còn mãi lâu về sau tôi vẫn nghe vang vọng đâu đó tiếng hát chất phác nhưng đầy sức sống của những người bạn trẻ quanh tôi trên hội trường thân quen ấy.

Nói về những thao thức, những ước mơ của tôi, một anh giáo trẻ trong những năm 1970 đó, tôi cũng muốn kể em nghe một chút kỉ niệm khác, rất khác.

Trong tập Kỷ yếu Tống Phước Hiệp 1974 còn hai tấm hình rất quý hiếm một thời. Đó là hai tấm hình chụp tại ngay trên hội trường này, với số lượng người thật hùng hậu. Đó là khoảng giữa năm học 1973-1974. Trong một buổi họp hội đồng giáo sư hàng tuần, có sáng kiến đưa ra một buổi hướng dẫn chọn ban chuyên khoa cho các học sinh lớp 9 năm đó. Đây là phần hành của Phòng Tâm Lý-Khải Đạo của trường, nhưng lúc ấy ban này chưa hoạt động đúng mức độ yêu cầu của nó. Nhóm giáo sư trẻ được huy động để hỗ trợ và lần này sẽ do Thư Viện nhà trường điều hợp phần thuyết trình và giải đáp thắc mắc của học sinh trong việc chọn hướng theo ba Ban A (Sinh & Hoá), B (Toán & Lí), C (Ngữ, Văn & Triết, Sử).
 
Vẫn còn nghe những tiếng thì thầm. Khôn nguôi...
Có những lúc tôi lướt nhanh xuống khối học trò đông đảo lúc ấy mà vui niềm vui của việc ươm trồng những định hướng mới cho việc học hành của lớp trẻ. Không vui sao được khi nhìn thấy trước mặt mình là một lớp người trẻ mới mà hai thập niên nữa thôi sẽ là những người góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước liên tục và bền bỉ qua bao đời. Trong niềm phấn khích bất ngờ ấy, tôi không nói nhiều về những nội dung đã ghi sẵn trên tập giấy viết sẵn, mà nói nhiều về hướng nhìn khác về Ban C mà lâu nay tôi vẫn tâm nguyện là sẽ phải góp phần thay đổi. Ngồi trước micro trên bàn thuyết trình, tôi cứ thấy những thoáng chớp loé của thời gian mười năm trước, tôi cũng đi qua kinh nghiệm bản thân về chuyện chọn lựa hướng đi lên. Mặc dù được ưu tiên chọn ban và đã chọn ban B, tôi chỉ ngồi trong lớp chưa đến 7 ngày mà đã nếm trải khá đủ hương sắc của ban B. Khi tôi lặng lẽ xuống xin thầy quyền Hiệu Trưởng lúc ấy cho qua lớp Tam C, thầy trợn mắt nhìn tôi như nhìn một thằng bé dở người. Tôi mơ hồ hiểu rằng có một điều gì không ổn quanh đây, nhưng tôi vẫn dứt khoát xin chuyển. Tôi đã thấy rất sớm khi ngồi trong Lớp Tam C đó rằng cái Ban C của tôi bị bao phủ kha khá những định kiến, những ngộ nhận. Cần phải chuyển hoá cách nhìn nhận của xã hội quanh đấy về cái ban C của tôi. Trong vài phút ngẫu hứng, tôi đã nói với các cô bé hồn nhiên ngây thơ trong hội trường về ước nguyện của tôi đối với Ban C, để các cô bé sẽ tự tin như tôi mười năm trước khi bước vào hoặc không bước vào cửa lớp 10 C sắp tới.
 
Nghe nhạc: bài hát Trường Cũ (ĐXK)
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/truong-cu-ngoc-mai.1g2gCkqFer.html
Hơn 40 năm rồi, tôi vẫn như thấy anh giáo trẻ kia say sưa với niềm đam mê và thao thức về con đường anh chọn. Tôi còn nghe thoảng đâu đây những khoảnh khắc yên lặng đầy ngạc nhiên của bao nhiêu cặp mắt đang nhìn lên ông thầy trẻ ngồi đấy.

Không lâu sau ngày nắng đẹp ấy, những ước mơ của tôi về một nền giáo dục ngữ-văn nhằm phát huy tự do suy tưởng trong một nền giáo dục khai phóng bị thử thách nghiêm trọng. Sao đến nông nỗi đó, quê hương tôi ơi? Một ước mơ thầm kín về một nền giáo dục có thể cất cánh cho những Nguyễn Du, những Ngô Thì Nhậm của tương lai mà khó thế ư?

Nhiều lần tôi nhìn lâu vào những tấm ảnh hội trường lớn với những khung cửa sổ gợi nhiều kỉ niệm, tôi chỉ còn nghe được những lời thì thầm vương vất trong những góc khuất của căn hội trường cao rộng kia. Tôi vẫn còn nghe những lời thì thầm đó. Khôn nguôi.

Phố Tịnh ơi, hãy bước khẽ để những dư vang ngày cũ đừng tan biến, nghe em.

Thương mến, và hẹn em thư sau,

                                                 Đoàn Xuân Kiên







Sunday 15 October 2017


MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ
DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT
TẠI HẢI NGOẠI


Đoàn Xuân Kiên



Cũng là một tấm lòng son. Gửi lại...

Hơn hai thập niên đã qua. Cộng đồng người Việt hải ngoại đã không ngừng tăng trưởng ý thức về nguồn. Các trung tâm giảng dạy tiếng Việt mở ra khắp nơi, nói lên nguyện vọng của mọi gia đình Việt Nam là trao truyền tiếng nói dân tộc cho thế hệ con em lớn lên trong hoàn cảnh xa xứ. Tiếng nói là cưả sổ cuả văn hoá, là biểu hiệu cho ý thức dân tộc. Đã gần như một sự tự nhiên là ở đâu có cộng đồng người Việt là ở đó có lớp dạy tiếng Việt.  Cũng đã gần như là mọi người đều thống nhất ý kiến về chuyện giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho con em, chẳng phải là vì tiếng mẹ đẻ đem lại mối lợi vật chất nào cả, mà vì cộng đồng chúng ta hiểu rằng chúng ta không muốn thế hệ con cháu lâm vào tình cảnh mất gốc, rằng chúng ta xem việc gìn giữ tiếng nói dân tộc là thể hiện ý thức về gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.

Đồng ý với nhau về những nguyên do vì sao phải học tiếng Việt cũng không vì thế mà việc dạy và học tiếng Việt sẽ dễ dàng hơn đâu. Hiện nay một số câu hỏi liên quan đến việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại hầu như vẫn chưa được đặt ra một cách rộng rãi và nghiêm túc [1]. Trong bài này, chúng tôi muốn được bàn góp về một số vấn đề liên quan đến phương hướng, phương pháp và nội dung cuả một kế hoạch chung cho việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại.

1.            Dạy tiếng Việt là phương tiện để truyền đạt văn hoá Việt

Để vượt qua những trở ngại ban đầu về mặt tài liệu giảng dạy, các thầy cô giáo đã hết sức linh động tìm tòi trong thư viện điạ phương để có được những quyển dạy học vần tiếng Việt, những quyển bài tập đọc, những bài giảng văn rải rác trong các sách có được trong tầm tay. Một số nhà xuất bản cũng kịp thời nhận thấy sự cần thiết phải đáp ứng nhu cầu tài liệu cho các trung tâm dạy tiếng Việt, và họ lần lượt sao lục để tái bản các sách được biên soạn từ trước 1975 tại Sài Gòn. Rải rác đã có thêm một vài công trình biên soạn mới để cung ứng tài liệu cho việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại. Công trình cuả nhóm soạn giả tại đại học Victoria (Úc) là một cố gắng mới nhất. Sự quan tâm cuả học giới đối với việc cung ứng tài liệu học tập là một khích lệ lớn cho các thầy cô giáo đứng lớp.
Một lớp tiếng Việt tại London (1986)

Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn thấy một khoảng trống rất lớn về mặt tài liệu giảng dạy cho đối tượng trẻ em Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Thời gian đã đủ dài để chúng ta nhìn lại sự việc, và đầu tư vào một việc cần thiết là đi tìm một phương thức dạy tiếng Việt cho lớp trẻ em này - những học viên nhỏ tuổi, có những nhu cầu học hỏi khác với các học viên tương đối lớn tuổi hơn. Những học viên nhỏ tuổi này cũng chính là những học viên song ngữ, hằng ngày các cháu không nói tiếng Việt trong trường học mà phải dùng chuyển ngữ là một ngôn ngữ Ấn Âu.

Đối tượng đã khác xưa, khung cảnh học tập cũng khác xưa. Đó là những yếu tố cần xét đến khi nghĩ đến việc biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em tại hải ngoại. Nhìn lại các sách biên soạn từ trước 1975 tại Sài Gòn, có thể thấy ngay là các sách được biên soạn cho một đối tượng khác hẳn: học viên là những trẻ học tiếng mẹ đẻ và học toàn thời gian trong trường. Hậu cảnh văn hoá cũng nâng đỡ cho việc học nói và viết tiếng Việt trong lớp học.

        Khi còn ở trong nước, hằng ngày được sống trong lòng dân tộc, nói tiếng nói và sống, nghĩ theo cung cách văn hoá dân tộc, thì việc dạy và học tiếng mẹ đẻ là củng cố một tập quán văn hoá. Dạy tiếng mẹ đẻ trong một bối cảnh như vậy có những điều kiện thuận lợi mà ngày nay, trong hoàn cảnh xa xứ, chúng ta không dễ tìm thấy bối cảnh văn hoá truyền thống để hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng mẹ đẻ. Hãy chỉ cần nhìn lại trường hợp các cháu tuổi mới vào trường, sẽ thấy sự khác biệt  giữa hai khung cảnh học tập: trẻ ở trong nước được nâng đỡ bằng cả một xã hội, một khung cảnh văn hoá, một môi trường ngôn ngữ. Hằng ngày các cháu được hít thở trong khung cảnh văn hoá một cách tự nhiên không cần điều chỉnh, không cần đắn đo gì cả. Ở cùng lứa với các cháu, một bạn nhỏ ở nước ngoài sẽ phải tạm quên một bối cảnh xã hội và văn hoá tại nước chủ nhà nơi các cháu có thể đã sinh ra và nay đang sinh sống cùng với gia đình. Cháu chỉ có những buổi cuối tuần để học tiếng Việt, hoặc giả ở một số quốc gia các cháu có thể được học tiếng Việt ngay trong trường cháu học hằng ngày. Trong giờ học tiếng Việt cháu được dẫn dắt về một cộng đồng dân tộc thu hẹp trong chốc lát. Nhưng khung cảnh văn hoá này không kéo dài lâu hơn buổi học. Cháu sẽ phải tự điều chỉnh tâm trạng mình khi hoà nhập trở lại với khung cảnh văn hoá âu tây mà các cháu quen thuộc hằng ngày. Đó là nói những lớp học may mắn có những phương tiện trợ huấn cụ về mặt thính thị để giúp các cháu hội nhập với khung cảnh văn hoá dân tộc suốt thời gian ở trong lớp tiếng Việt. Theo sự quan sát của chúng tôi thì tuyệt đại đa số các lớp học tiếng Việt không hề quan tâm đến điều kiện chuẩn bị này. Trong điều kiện tổ chức lớp học nghèo nàn như thế thì các cháu học sinh ngồi trong lớp tiếng Việt là một cực hình: lớp học thiếu sinh động, lề lối dạy học vẫn chỉ là nhồi sọ buồn tẻ. Trong điều kiện học tập như thế, các cháu bé không hề thiết tha gì đến tiếng nói mẹ đẻ, đến ý nghĩa sâu sắc cuả việc học tiếng Việt. Vì không gây nổi hứng thú học tập cho lớp tiếng Việt nên mới có hiện tượng buồn cười là các học sinh lớp học tiếng Việt lại chỉ thích nói tiếng tây với nhau. Vì không có phương hướng thích hợp cho nên các lớp tiếng Việt chỉ dẫm chân tại chỗ, và phụ huynh rất thường than phiền là con trẻ đến lớp bao nhiêu năm mà trình độ không tiến thêm được gì.
Hợp xướng Quê Hương -phổ thơ Đỗ Trung Quân (1987)
lồng trong sinh hoạt lớp tiếng Việt hải ngoại

        Điều kiện học tập khác biệt như thế đã có tầm chi phối rất lớn đến việc dạy và học tiếng mẹ đẻ, mà những ai quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại không thể bỏ qua. Một cháu bé ở trong nước nghe cô giáo dạy đọc: Mẹ đi chợ, Tí về quê… có thể hình dung được rất rõ những hình ảnh cụ thể cuả người mẹ quê trong khung cảnh sống quen thuộc hằng ngày cuả đất nước, cháu cũng hiểu được hình ảnh cậu bé tung tẩy trở về quê vào dịp nghỉ hè. Nói cách khác hậu cảnh văn hoá xã hội đằng sau bài học đã có thể giúp cháu nhận được lượng thông tin từ bài học. Bạn bè của cháu ở hải ngoại không có được hậu cảnh văn hoá đó, không có dịp nhìn thấy con đường làng và người mẹ quê đi chợ xa đang rảo bước về nhà, cháu cũng khó hình dung được hết ý nghiã cuả hình ảnh cậu bé học trò tung tăng về làng để nghỉ ba tháng hè sau chín tháng dài học tập… Hai cách gợi tả hình ảnh quê hương khác nhau như thế không thể trùng lặp với nhau được. Trong hoàn cảnh cuả cháu bé ở xa xứ, muốn gợi lên hình ảnh quê hương dân tộc trong tâm khảm cháu thiết tưởng cần tìm những hình ảnh khác sao cho thể cô đọng súc tích để có thể để lại ấn tượng sâu và sắc. Nói cách khác, nội dung bài học cần phải khác. Thì giờ học ngắn quá, ít quá, mà yêu cầu học hỏi thì nhiều, bài học cần cô đọng chứ không nên dàn trải loãng nhạt quá.

        Ngày nay chúng ta dễ dàng nhận ra mức độ loãng nhạt về nội dung truyền thụ văn hoá trong các sách giáo khoa học vần do các tác giả trước đây biên soạn từ khi ở trong nước. Ngày trước, cả thầy cô giáo và các thế hệ học sinh ở nhà đều không cảm thấy bài học nhạt nhẽo, vì tất cả đều đang ở giưã khung cảnh văn hoá dân tộc, cho nên hình ảnh nào rồi cũng gợi lên hình ảnh cảnh sắc văn hoá dân tộc dù là ở những cấp độ loãng nhạt nhất. Chúng ta không hề thấy phí phạm ngày giờ với những bài học như thế. Nhưng mà trong hoàn cảnh sống tại hải ngoại, thầy trò đều không có nhiều ngày giờ, và cảnh sắc văn hoá cũng khác nhiều với cảnh sắc quê hương. Nhu cầu dạy tiếng Việt để qua đó truyền đạt văn hoá Việt càng trở nên bức xúc. Đó chính là nguyên do ẩn kín cắt nghiã vì sao  phần lớn thầy cô giáo và học sinh các lớp tiếng Việt tại hải ngoại cảm thấy không hứng thú khi phải dạy và học những bài văn "không chở hồn sống của dân tộc".

        Vậy thì sắc thái văn hoá dân tộc nằm ở đâu, và bài học tiếng Việt cần truyền đạt những nội dung văn hoá gì ?  Trả lời câu hỏi này không đơn giản. Ở đây chúng tôi chỉ xin gợi một vài ý nhỏ: vẻ đẹp cuả văn hoá dân tộc có khi nằm ở câu chất ngất hùng khí cuả bài Bình Ngô Đại Cáo, có khi lại chỉ lãng đãng thướt tha trong nhịp cân phương dịu dàng của câu ca dao lục bát; có khi lại sâu kín trong những hoa văn trống đồng nhưng lại cũng có thể phảng phất những hình nét cụ thể qua lời ăn tiếng nói, qua lối xưng hô, qua nếp cư xử với nhau trong đời sống hằng ngày; bản sắc văn hoá dân tộc có khi ẩn tàng qua cung cách hùng tráng của hội nghị Diên Hồng, nhưng cũng có thể ẩn tàng trong cả điệu thơ Kiều trữ tình lãng mạn…Vẻ đẹp  muôn màu của văn hoá dân tộc đang rất cần hệ thống hoá lại để nhắc nhở con cháu đã đành, mà cũng còn là điểm tưạ cho thầy cô giáo khi soạn bài dạy học tiếng Việt cho học trò.
Vận động tổ chức dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng

        Trong hướng nhìn như thế, chúng tôi không thấy có gì trở ngại khi chúng ta tập cho các cháu mới học vỡ lòng tiếng Việt tập đánh vần và đọc một đôi bài ca dao lục bát, tập kể lại những câu chuyện bát ngát tình cảm nhân văn trong kho tàng truyện cổ dân gian. Cũng không phải là quá cao nếu thầy cô giáo cho các học sinh tập đánh vần các chữ có khuôn vần ông trong nhóm từ trống đồng Đông Sơn chẳng hạn. Nếu đồng ý rằng cần phải cô đọng nội dung văn hoá khi biên soạn bài giảng tiếng Việt tại hải ngoại, thì phải thực hiện ngay từ rất sớm những bài học có sức chuyên chở sắc thái văn hoá dân tộc cho các lớp vỡ lòng trở lên. Cụ thể  là mỗi bài học là một mảnh nhỏ của nét đẹp dân tộc, một gợi ý về bản ngã dân tộc. 

         Cũng trong hướng nhìn như thế, chúng tôi thấy cần nhắc lại kinh nghiệm biên soạn bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Các soạn giả đã tỏ ra đi rất sát với quan niệm dạy quốc ngữ là dạy quốc văn, dạy quốc học. Các tác giả đã phân phối, dàn trải nội dung văn hoá dân tộc dưới nhiều dạng phong phú. Có nhiều nội dung còn bền vững đến ngày hôm nay, sau hơn nưả thế kỉ văn hoá dân tộc trườn qua những ngã rẽ lịch sử khác nhau. Nếu mà hôm nay thế hệ chúng ta không thể đem bộ sách này ra dạy cho học trò thì chẳng phải là vì bộ sách đã hoàn toàn hết giá trị, mà chỉ vì có rất nhiều nội dung đã cần phải thay đổi. Nhưng thế hệ hôm nay vẫn cần phải học hỏi người trước về sự nhất quán trong phương châm dạy và học tiếng Việt được thể hiện trong bộ sách đó.

        Chúng tôi quan niệm rằng một giáo trình tiếng Việt tại hải ngoại đang rất cần được biên soạn một cách hệ thống, nhất quán theo tinh thần phương châm mà Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã đạt được. Muốn có được một giáo trình như thế thì việc đầu tiên là phải nghĩ đến những hướng chung về việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại để xác định phương hướng và mục đích đã. Đến đây xin trở lại câu hỏi vưà nêu ra ở trên: đâu là nội cung cuả văn hoá dân tộc, bản sắc dân tộc cần phải truyền đạt trong một giáo trình tiếng Việt tại hải ngoại ?

        Trước hết, xin góp ý về những nội dung có tính cách khái quát cần được nhất quán trong toàn bộ giáo trình. Đó là:

(1)        cảnh trí đất nước quê hương;
(2)        truyền thống lịch sử hào hùng;
(3)        quan niệm về đời sống gia đình;
(4)      quan niệm về các mối quan hệ xã hội;
(5)      đức tính con người theo quan điểm đức lí Việt Nam.

Nội dung (1) chính là những nét chính cuả điạ lí Việt Nam. Nội dung (2) là ôn lại lịch sử cuả đất nước ngàn năm. Nội dung (3)  trình bày những nét cơ bản về quan niệm người mình về đời sống gia đình mang đậm tình cảm tập thể như là tình nghiã vợ chồng, tình cảm cha mẹ và con cái (đạo hiếu), tình cảm anh em, tình nghiã thầy trò. Nội dung (4) là những gợi ý về các mối quan hệ xã hội đã từng ăn sâu vào nếp sống cuả cả dân tộc kinh qua bao nhiêu thay đổi về tập quán, ý thức hệ tư tưởng. Đó là những quan niệm về xã hội nặng tính cách gia đình: trên kính dưới nhường, chính danh. Đó cũng có thể là nghiã đồng bào, tình đoàn kết tương thân… Nội dung (5) chính là những quan niệm về triết lí nhân sinh cuả người Việt: tinh thần nhân nghiã, tính quân bình động, tính lạc quan, óc thực tế… Tất cả những tính cách nêu trên đây có thể đã từng được các học giả khác nhau mô tả qua những tên gọi khác nhau nhưng thật ra cùng là những nội dung như nhau. Những khác biệt chỉ là ở trên bình diện ngôn từ mà thôi, thiết tường nhà giáo dục không nên quá sa vào chi tiết tranh luận về những khác biệt.

Những nội dung như trên bao gồm kiến thức về nhiều lĩnh vực nhân văn và xã hội. Điều này không thể tránh được khi chúng ta muốn soạn thảo một giáo trình tiếng Việt mang những hoài bão như trên vưà trình bày. Thể hiện những nội dung trên như thế nào lại là phần việc thuộc về phương pháp sư phạm. Tuy nhiên, dù thế nào đi nưã thì năm nội dung trên cần được dàn trải theo mô hình những vòng tròn đồng tâm  đi từ cấp nhỏ lên đến các cấp học cao hơn. Nghiã là năm nội dung trên đây được dạy đủ tại các cấp lớp, chỉ khác nhau về mức độ khái quát, mức độ sâu sắc mà thôi. Một ví dụ: nội dung liên quan đến đời sống gia đình được thể hiện ở cấp lớp nhỏ nhất là những lề thói ứng xử cụ thể (đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng…), lên cao một bậc có thể là tình gia tộc, cao hơn nưã là tinh thần cộng đồng làng xóm (tứ hải giai huynh đệ…)

2.    Dạy tiếng Việt tại hải ngoại theo phương pháp dạy song ngữ

Ngày nay, tại hải ngoại, việc dạy và học tiếng Việt không còn như ở trong nước nưã. Các lớp học thường chỉ tổ chức trên cơ sở tình nguyện vào những ngày cuối tuần. May mắn được học trong trường của nhà nước như tại Hoà Lan thì số giờ học cũng không hơn gì tại các trung tâm dạy tiếng Việt do các tổ chức cộng đồng mở ra. Giờ học ít ỏi như thế, nhưng yêu cầu đặt ra cho các giờ học tiếng Việt như thế lại rất cao, không kém gì đòi hỏi cuả môn học Tiếng Việt tại quê nhà: học tiếng Việt để nắm bắt được hồn tính dân tộc, bản sắc dân tộc.

Khung cảnh học tập đã khác, khiến cho việc biên soạn tài liệu phải khác trước. Đến cả phương pháp biên soạn tài liệu và phương pháp giảng dạy e cũng phải thay đổi cho phù hợp với khung cảnh mới, đối tượng học sinh khác.  Trong muôn một các sách dạy tiếng Việt được biên soạn từ trước, hoạ hoằn chỉ có một bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư là có khả năng tham khảo cả về mặt phương châm lẫn phương pháp biên soạn. Tuy nhiên, về mặt sư phạm, một tập sách giáo khoa gọi là thích hợp thì cần phải chưá đựng những nội dung truyền đạt hiện đại mà vẫn không thời thượng, trái lại phải có tính bền vững ổn định. Cả hai điểm này đều đã thấy nhẹ lắm trong bộ sách soạn ra đã ngót nghét một thế kỉ rồi. Vì thế vẫn cần phải đặt ra vấn đề biên soạn một giáo trình tiếng Việt cho trẻ Việt tại hải ngoại vào cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, trong hoàn cảnh sống tại khung cảnh song ngữ và bối cảnh giáo dục rất tiến bộ.

Phương pháp song ngữ là gì ? Thật ra cho đến giờ vẫn không có một lí thuyết về phương pháp dạy học mang tên là phương pháp song ngữ. Gọi là phương pháp song ngữ chẳng qua là để chỉ một lối thực hành giảng dạy dưạ theo điều kiện xã hội ngôn ngữ học cuả các học viên song ngữ.

Hiện tượng song ngữ khá phổ biến tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có sự chung sống giưã hai cộng đồng ngôn ngữ. Trong sinh hoạt nói năng của cộng đồng song ngữ thường có hiện tượng chuyển hoá ngôn ngữ: đang lúc nói với nhau bằng ngôn ngữ A người ta thường bật ra những từ hay những lối nói cuả ngôn ngữ B, và ngược lại. Hiện tượng này cũng khá thông thường trong môi trường học ngôn ngữ thứ hai.

Cộng đồng song ngữ thường gồm có một ngôn ngữ dùng làm chuyển ngữ chung cho toàn xã hội, và một ngôn ngữ của nhóm thiểu số. Thực tế cho thấy luôn luôn có sự cạnh tranh ảnh hưởng và vị trí xã hội cuả hai ngôn ngữ. Những kinh nghiệm từ cộng đồng song ngữ (chẳng hạn cộng đồng Hispanic tại Hoa Kì và cộng đồng nói tiếng Pháp tại Canada) cho thấy là khuynh hướng giáo dục song ngữ không phải là đã ổn định. Vẫn đang còn những tranh cãi giưã ít nhất là hai khuynh hướng trái ngược nhau:

(1)       khuynh hướng thứ nhất - tạm gọi là khuynh hướng 'bảo tồn' - cho rằng duy trì tiếng mẹ đẻ là để bảo tồn văn hoá truyền thống cuả cộng đồng song ngữ trong hoàn cảnh sinh hoạt đa văn hoá. Dạy học theo phương hướng song ngữ là gia tăng khả năng hội nhập  xã hội, tạo ổn định tâm lí của học viên trẻ, đồng thời cũng tăng thêm sự bén nhạy về khả năng ngôn ngữ và khả năng nhận thức của trẻ. Để được như vậy, việc dạy và học theo phương pháp song ngữ cần được duy trì liên tục từ những cấp học nhỏ cho đến lưá tuổi thiếu niên;

(2)       khuynh hướng ngược lại -tạm gọi là khuynh hướng 'chuyển tiếp' - thì cho rằng giáo dục song ngữ sẽ khiến cho trẻ thiên về khuynh hướng tách li, cô lập, tự hạn hẹp tầm nhìn xã hội. Về khả năng ngôn ngữ, trẻ song ngữ thường cũng không đạt tiêu chuẩn mong muốn về khả năng diễn đạt cả hai ngôn ngữ  ở trình độ cao, làm hạn chế khả năng hội nhập xã hội, và điều này chẳng có lợi gì cho việc học tiếng mẹ đẻ nưã. Vì thế chỉ nên duy trì việc học tiếng mẹ đẻ của cộng đồng ngôn ngữ thiểu số ở một chừng mức giới hạn nào đó mà thôi.

Dù là theo quan điểm 'bảo tồn' hay 'chuyển tiếp', có một điểm đáng nói là nơi nào chủ trương giáo dục song ngữ cũng đều tận dụng khả năng chuyển dịch ngôn ngữ để giảng dạy tiếng mẹ đẻ cũng như dạy ngôn ngữ dùng làm chuyển ngữ cuả cả xã hội. Tận dụng lợi thế cuả cả hai ngôn ngữ là then chốt cuảa phương pháp tạm gọi là phương pháp song ngữ. Đấy là kinh nghiệm cuả cộng đồng song ngữ ở Québec.

Vào những năm 1960, cộng đồng thiểu số nói tiếng Anh ở Québec áp dụng phương pháp dạy song ngữ cho trẻ như sau: người ta muốn cho trẻ nói lưu loát tiếng Pháp ngay từ những ngày mới cắp sách đến trường. Vì thế các cô giáo cứ cho trẻ tự do nói tiếng mẹ đẻ (tiếng Anh) với cô giáo, nhưng các cô giáo  -vốn cũng là những người song ngữ - sẽ đáp lại trẻ bằng tiếng Pháp (lúc này chỉ là ngôn ngữ thứ nhì đối với trẻ). Dần dần trẻ có thể nói lưu loát ngôn ngữ thứ nhì  (tiếng Pháp) này.

Đến giai đoạn sau cuả bậc tiểu học trẻ mới lại dùng tiếng Anh. Chương trình nghiên cứu thực nghiệm này đã dẫn đến một mô thức dạy học như sau: giai đoạn mẫu giáo hoàn toàn dùng tiếng Pháp; đến giưã học trình tiểu học thì trẻ được học khoảng 60% thời gian cho tiếng Anh và 40% cho tiếng Pháp; lên bậc trung học thì trở lại hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Mô thức giáo dục song ngữ này xem ra được ủng hộ nhiều vì những thành đạt tỏ ra rất khích lệ.mức độ lưu loát cao hẳn lên so với trước kia, thái độ cuả trẻ nói tiếng Anh đối với cộng đồng nói tiếng Pháp cũng trở nên tích cực hơn so với các thế hệ trước được dạy theo phương pháp truyền thống.

Những kinh nghiệm giảng dạy tại các cộng đồng song ngữ đều xác nhận rằng việc tận dụng khả năng chuyển dịch ngôn ngữ để ứng dụng vào giảng dạy ngôn ngữ sẽ giúp đỡ học sinh rất nhiều so với học chuyên một ngôn ngữ mà thôi. Một vấn đề có liên quan đến trường hợp cuả chúng ta: phương pháp song ngữ có thể ứng dụng được chăng đối với hai ngôn ngữ khác hẳn nhau về tính cách, như trường hợp tiếng Việt và một ngôn ngữ Ấn Âu?  Phương pháp song ngữ  không phải là phương pháp so sánh điểm giống nhau và khác nhau giưã các ngôn ngữ, mà chỉ nhằm giúp học viên tiếp thu hai cơ cấu ngôn ngữ qua sinh hoạt nói năng mà thôi. Do vậy sự gần gũi hay khác biệt tính cách giữa hai ngôn ngữ không phải là điều kiện để áp dụng phương pháp song ngữ.

Từ những lợi thế cuả phương pháp song ngữ  dẫn đến một hệ luận cho việc làm mới việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại là: cần xúc tiến biên soạn những tài liệu giảng dạy có thể phù hợp với phương pháp song ngữ. Vả chăng cũng là điều phải lẽ thôi. Thời thế đã đổi khác, hoàn cảnh đã khác, đối tượng học viên cũng đã không như trước kia. Giáo dục không thể đứng chân tại chỗ cũ mãi, tự giam hãm mãi trong ao tù cuả quá khứ.

3.     Phân bố chương trình giảng dạy tiếng Việt tại hải ngoại 

Mỗi quốc gia có thể chế giáo dục riêng cho mình. Cộng đồng người Việt định cư tại các nước đều phải thích ứng với chế độ giáo dục tại đó, do vậy lịch phân phối chương trình học có thể khác nhau tuỳ theo điều kiện mỗi nơi. Trong chừng mức nào đó chúng ta chỉ nên bàn những điểm chung nhất về một lịch phân phối chương trình dạy và họctiếng Việt mà các nơi đều có thể đáp ứng được.

Điểm chung đầu tiên là: trừ các tuần lễ nghỉ giưã học kì và các kì nghỉ dài trong một năm học, trung bình mỗi năm học kéo dài khoảng 30-32 tuần lễ. Một điểm chung khác nưã là: tại một phần lớn các nước định cư, việc dạy và học tiếng Việt tuỳ thuộc vào các tổ chức cộng đồng, và các lớp tiếng Việt thường chỉ có thể hoạt động vào ngày cuối tuần. Mỗi tuần lễ học sinh phải học nhiều môn học khác nhau, do vậy trung bình mỗi tuần học sinh có thể học được ít nhất là 2 tiết học môn tiếng Việt, và giờ học môn tiếng Việt khó có thể nhiều quá 4 tiết mỗi tuần.

Thế có nghiã là thì giờ dạy và học tiếng Việt không được nhiều, chỉ thu lại một vài giờ mỗi tuần. Điều kiện khách quan này dẫn đến việc hoạch định một chương trình học có tính cách dài hạn, kéo dài suốt thời kì tiểu học và trung học, tối đa là 12 năm. Nhìn như thế thì không phải là thiếu thốn thì giờ cho lắm -nếu không nói là khá phong phú.  Vấn đề đặt ra cho các giới quan tâm đến việc giáo dục tiếng mẹ đẻ tại hải ngoại là: chương trình học sẽ phân phối như thế nào ?

Một chương trình học môn Tiếng Việt có hiệu quả cần phải hội đủ một số yếu tố sau đây:

(1)        Học sinh có đủ điều kiện học nghe và nói, đọc và viết một cách cân đối, không quá nghiêng về hội thoại, cũng không thể nặng phần học từ chương như phương pháp quen thuộc xưa nay;

(2)        Chương trình học cần chuyên chở năm nội dung như đã trình bày ở trên kia;

(3)        Chương trình học cần nhắm mục đích giúp trẻ năng động phát huy khả năng ngôn ngữ cuả chính mình chứ không nhắm giúp trẻ thụ động tiếp nhận kiến thức do thầy cô giáo giảng giải các tác phẩm văn chương dưới hình thức giảng văn. Nói cách khác, chương trình môn Tiếng Việt cần quan tâm đúng mức đến nhu cầu cuả học viên chứ không phải dựa theo ý muốn cuả thầy cô giáo.

(4)        Để bảo đảm mục đích nêu trên đây, phương pháp dạy môn Tiếng Việt cần quan tâm đến phát triển tâm lí cuả học viên để đưa ra những biện pháp giáo dục thích hợp với nhu cầu cuả học viên.

(5)        Chương trình Tiếng Việt cần theo sát mục đích yêu cầu của toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, là nhắm phát triển tư duy độc lập cuả học sinh trong một môi trường lớp học tôn trọng sự phát triển tự do sáng kiến cá nhân. Để thực hiện được một chương trình dạy và học tiếng Việt có hiệu quả cũng cần phải đặt phương châm "thầy giáo hướng dẫn, học sinh chủ động làm việc". Mỗi giờ học là một khung cảnh sinh hoạt mà học sinh phải được tạo điều kiện tham gia vào việc thu nhận kiến thức cho chính bản thân mình chứ không thụ động tiếp nhận kiến thức do thầy co giáo truyền đạt cho.

Một thí dụ điển hình cho phương hướng phân bố thời lượng và phương pháp giảng dạy môn học Tiếng Việt ở giai đoạn đầu tiên đã được cụ thể hoá trong việc biên soạn các Giáo Án cho từng bài học theo đó học sinh được tạo điều kiện làm việc theo phương hướng như kể trên[2].

4.            Dạy học đọc ở bước đầu tiên (học vỡ lòng/học "đánh vần") 

Mọi chương trình dạy và học tiếng mẹ đẻ đều bắt đầu với phần nhập môn. Ý nghiã cuả việc nhập môn này rất lớn, vì đấy là lần đầu tiên học sinh được tiếp xức với thế giới ngôn ngữ viết của ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ -vốn là một thế giới mới mẻ đối với các cháu.  Giai đoạn nhập môn này chính là giai đoạn mà chương trình dạy môn Tiếng Việt xưa nay vẫn gọi là "học vỡ lòng" hoặc "học đánh vần".

Chúng ta không thiếu sách dạy học vần tiếng Việt. Những sách này đều đã được soạn ra từ lâu, đã từng dạy dỗ không biết bao nhiêu là thế hệ thiếu nhi Việt học chữ quốc ngữ từ đầu thế kỉ XX đến bây giờ. Nhìn chung các sách soạn ra đều theo một trình tự như nhau: (1) giới thiệu bảng chữ cái cuả chữ quốc ngữ, rồi đi vào chi tiết để giới thiệu các nguyên âm và phụ âm tiếng Việt; (2) dạy các vần tiếng Việt bao gồm vần mở và vần đóng; (3) các phép ghép từ.

Truyền thống dạy học đánh vần tiếng Việt trước nay thường không chú trọng phát âm đúng các âm vị, mà thường chú trọng giới thiệu chữ viết. Đây là một nhược điểm dẫn đến tình trạng không khắc phục được lỗi phát âm điạ phương.

Có thể nói là trong suốt bao nhiêu năm, kể từ 1917 là năm ra đời bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Đồng Ấu, các sách dạy học vần ra đời sau này chỉ là nối theo truyền thống biên soạn cuả QVGKT. Ở đây lại một lần nưã chúng ta thấy công lao mở đường cuả nhóm soạn giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận.

Những tiến bộ cuả khoa ngữ học cho phép thế hệ thầy cô giáo hôm nay nhìn lại các công trình biên soạn đã lâu đời nhằm đáp ứng nhu cầu cuả những thời kì đã qua. Nhìn từ quan điểm ngữ học thì có thể nhận ra những điểm cần bổ sung cho hệ thống "học vần" được trình bày trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Đồng Ấu. Xin đưa ra một số gợi ý như sau:

Ở phần (1) giới thiệu bảng chữ cái, chúng ta có thể thấy là giới thiệu bảng chữ cái sẽ dẫn đến những rắc rối không thể giải quyết được, chẳng hạn cùng phát âm là / i / mà có khi viết là i, có lúc lại viết là y, hoặc là cùng đọc là /g/ mà lại vưà viết là g, vưà viết gh,…Vậy thì thầy cô giáo muốn giới thiệu các âm vị (phoneme) và đồ vị (grapheme) tiếng Việt hay là giới thiệu chữ viết ?  Ngay cả việc giới thiệu bảng chữ cái cũng phải đặt lại: thầy cô giới thiệu thế nào về các trường hợp c/k/q, g/gh/, ng/ngh, i/y  ?  Các trường hợp vưà kể viết khác nhau nhưng đọc như nhau cả, trong khi đó ba trường hợp sau đây lại được kể là ba đơn vị khác nhau a/ă/â , trong khi chúng là những cặp đối lập cuả hai đơn vị a/ă ơ/â.

Thiết tưởng một bảng giới thiệu hợp lí phải giúp học sinh nhận biết được các đơn vị phát âm của tiếng Việt. Việc giới thiệu như thế cần bắt đầu từ hai thành phần cơ bản của một tiếng [3] là nguyên âm và thanh điệu; sau đó là các đơn vị phụ âm đầu và phụ âm cuối. Phân loại như thế sẽ làm sáng lên tính cách hệ thống của cấu trúc âm tiết tiếng Việt.

Giai đoạn (2)  dạy về các vần trong tiếng Việt. Có 149 lối ghép vần trong tiếng Việt. Cho đến nay bao nhiêu thế hệ học sinh Việt cứ học thuộc lòng các vần từ đơn giản đến phức tạp. Chúng tôi thấy là có thể rút ngắn thời gian học 149  vần tiếng Việt bằng cách hệ thống hoá hai loại vần: vần mở (còn gọi là vần thông) và vần đóng (còn gọi là vần cản). Ta biết là khuôn vần cuả tiếng Việt gồm có thành phần âm chính (tạo thành vần mở) hoặc các âm chính kết hợp với các âm cuối mà thành (tạo thành vần đóng). Khi đã biết phát âm các phụ âm cuối như đã được học ở giai đoạn (1) trước đó rồi thì việc học vần sẽ không còn gì phức tạp nưã, không cần phải tốn quá nhiều thì giờ để học đủ 149 vần như phương pháp hiện hành.

Nhưng có một câu hỏi đáng đặt ra ở đây là: học vần có cần thiết hay không ? Nếu khi trẻ được học tiếng tam các cháu cần phải học vần am thì tại sao lại không được học các lối kết hợp giưã phụ âm đầu và nguyên âm: ta ? Nói cách khác, vần cuả tiếng Việt có thật là một cấu trúc riêng biệt cần phải học mới biết đọc một từ cuả tiếng Việt không ? Nên chú ý là vần trong học vần không phải là khuôn vần trong thơ phú, vì vần thơ luôn có thanh điệu. Tách thanh ra khỏi khuôn vần là một việc làm không thực tế, và do vậy việc dạy đọc trở nên cầu kì mà học sinh phải học một cấu trúc không thật.

Giai đoạn (3) là học ghép từ. Thật ra giai đoạn này đã lồng vào trong hai giai đoạn trên rồi, nếu việc học vần thật sự được dạy chu đáo. Một từ/tiếng trong  tiếng Việt được cấu tạo tối đa từ bốn thành phần: âm đầu + âm chính + âm cuối + thanh điệu. Học sinh được học kĩ các nguyên âm để biết nhận ra các âm chính, và các phụ âm đầu để nhận ra các âm đầu, phụ âm cuối để nhận ra các âm cuối, học sáu thanh để nhận ra bậc cao thấp của mỗi tiếng được học. Tất cả các đơn vị vưà kể cộng lại chỉ có 52 âm vị mà thôi. Nếu được học kĩ cách phát âm 52 đơn vị này, và nhận rõ các đồ vị để ghi lại 52 đơn vị nói trên là học xong phần gọi là "học đánh vần". Đây là một hướng đúng để giúp trẻ Việt học đọc tiếng Việt ở giai đoạn đầu tiên.

Trên đây chúng tôi có nhắc đến sáu thanh cuả tiếng Việt. Sách Quốc Văn Giao Khoa Thư - Lớp Đồng Ấu có 34 bài học vần, nhưng các tác giả để đến bài thứ 14 mới dạy trẻ học về thanh. Chúng tôi cho rằng như thế không hợp lí: thanh phải được học ngay từ bài học đầu tiên. Một tiếng đơn giản như A !, Ồ ! Ư ? Uả ?  đã phải có ba thanh ghép với ba nguyên âm mới thành đấy chứ !  Cho nên dạy về thanh  ngay từ bài đầu tiên là hợp lí cả về mặt ngữ âm học cũng như về mặt sư phạm.

Trong bài này, chúng tôi không có ý đi vào chi tiết việc phân bố chương trình dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại. Đây chỉ là những ý tưởng đề dẫn về một đại cương kế hoạch chung mà cộng đồng hải ngoại trước sau gì cũng phải để tâm giải quyết. Một chương trình tiếng Việt cho trẻ Việt tại hải ngoại hiện nay chưa ra đời thật sự, cho dù các trung tâm dạy tiếng Việt đang có mặt khắp nơi tại các quốc gia có người Việt định cư. Các trung tâm vẫn theo một quán tính là nối dài những sinh hoạt mình đã quen làm khi còn ở trong nước. Có sao thì cứ lặp lại nguyên vẹn. Cho gọn ! Nhưng điều đáng buồn là hoàn cảnh nay đã khác, đâu có thể quay trở lại ẩn mình trong quá khứ mãi được ! Vả chăng, gia sản giáo dục môn Tiếng Việt cuả chúng ta trước 1975 có phải đâu là toàn hảo, mà có nhiều điều đến nay cần phải duyệt xét lại!

Ngày hôm nay chúng ta có thưà phương tiện kĩ thuật để làm tốt việc dạy học, kể cả môn Tiếng Việt. Có thể dùng phương tiện thính thị, thậm chí cả CD-Rom để giúp đỡ cho việc dạy và học tiếng Việt. Nhưng mà phương tiện kĩ  thuật chỉ là yếu tố hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục mà thôi, nó không thể thay thế nội dung chương trình giáo dục được. Nói khác đi, trong lúc này, sự đầu tư cuả con người vào việc soạn thảo một chương trình giáo dục vẫn là một việc phải đặt lên hàng đầu. Bài viết này mong làm một cố gắng nhỏ góp vào việc suy nghĩ cho một hướng tìm tòi mới cho nội dung một chương trình dạy học tiếng Việt tại hải ngoại mà chúng ta sẽ hướng đến. Đấy chính là một công phu mà tập thể hải ngoại sẽ tự hào trong việc góp phần canh tân giáo dục cho đất nước ngày mai vậy.

                                                          Đoàn Xuân Kiên
                                                                    Thế Kỷ 21 số 133 (th.5/2000), tr. 45-48 
                                                                          & số 134 (th.6/2000), tr. 77-80




[1] Từ năm 1986 đến nay chúng tôi đã can dự vào những cuộc vận động lớn để phát triển sinh hoạt dạy và học tiếng Việt tại Anh Quốc. Qua đó chúng tôi đã từng tham dự một số hội thảo về vấn đề dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại do các tổ chức người Việt tại London tổ chức. Cảm tưởng chung là một sự thất vọng lớn. Những người tổ chức tỏ ra không hiểu gì về ý nghĩa giáo dục đối với việc gìn giữ bản sắc văn hoá đã đành, họ còn tỏ ra không nắm vững phương hướng đề dẫn thảo luận. Kết quả là người tổ chức không rút được kế hoạch hoạt động sắp đến, mà người tham dự cũng không rút được kết luận gì bổ ích cho bản thân mình. Kết quả chỉ là những màn kịch hời hợt để các tổ chức có thành tích để báo cáo mà xin tài trợ tiếp cho tổ chức của mình.
Một điều cơ bản mà không thấy hội nghị nào đề cập đến, là: có gì khác nhau giữa việc dạy trẻ học tiếng Việt ở trong nước và trẻ ở hải ngoại hay không, và nếu có thì hệ quả của nó là gì. Chúng tôi quan niệm là phải nghiêm túc đầu tư vào việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại ngõ hầu có thể giúp thế hệ trẻ ý thức rõ hơn về bản sắc văn hoá cuả mình trong quá trình hội nhậpvới thế giới bên ngoài. Muốn thế thì phải có những cố gắng song hành và liên tục: các lớp dạy tiếng Việt cần tổ chức theo quy cách giáo dục tây phương: học vui và tích cực, thầy cô hướng dẫn, trò năng động làm việc. Một chương trình vận động rộng lớn do Ban Văn Hoá Giáo Dục cuả Cộng Đồng Tị Nạm Tại Vương Quốc Anh được phát động từ khi tổ chức này vừa ra đời (1986). Cho đến nay, sau gần 15 năm, tình trạng dạy và học tiếng Việt tại London vẫn như thế: bài vở theo lối Quốc Văn Giáo Khoa Thư, phương pháp cổ lỗ buồn tẻ. Các trường dạy tiếng Việt thường chỉ eo sèo một số rất nhỏ dân số trẻ em tại địa phương. Đây là một sự phí phạm rất lớn mà tổ chức cộng đồng người Việt chưa ý thức đầy đủ: trong khi các sắc dân thiểu số khác có kế hoạch dạy và học tiếng mẹ đẻ của họ thì cộng đồng Việt Nam vẫn hài lòng với những di sản thảm hại của một chế độ giáo dục tiếng mẹ đẻ rất lạc hậu. Vì bản thân các trung tâm dạy tiếng Việt chưa sẵn sàng để góp phần vào việc vận động nâng cao chất lượng cho việc dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại, chương trình học và thi GCSE Tiếng Việt mà chúng tôi đã soạn thảo và được Hội Đồng Khảo Thí Phiá Nam (Southern Examination Board) chấp thuận (1988) đã trở thành lạc lõng, và mất tác dụng trong công trình dài lâu sau 5 năm hoạt động; và mấy cuộc tổ chức Đố Vui Để Học (1986, 1988, 1993) cũng không đủ sức vực dậy một phong trào.
Những người bi quan thường cho rằng người Việt chúng ta thiếu ý thức tự hào dân tộc, và sẵn sàng mất gốc, không như những cộng đồng Do Thái, Hoa, Mĩ La Tinh, Ấn… Chúng tôi thì chỉ nghĩ rằng cộng đồng chúng ta coi rẻ việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ vì nhiều nguyên do rất cụ thể: tình trạng dân trí thấp kém, ý thức tổ chức và vận động quần chúng của cộng đồng không mạnh, và trường lớp dạy tiếng Việt thường nghèo nàn nên không đủ sức lôi cuốn được sự chú ý cuả quần chúng. Một công trình chung cuả xã hội thì cần những tài khéo về mặt quản lí thì mới có thể được việc chứ không cần viện đến những chuyện xa vời như ý thức dân tộc, lòng yêu văn hoá dân tộc, hay lòng yêu nước…
            Chúng tôi quan sát việc dạy và học tiếng Việt ở Hoà Lan, Na Uy, Pháp và Đức đều thấy tình hình như vậy. Điểm khác biệt lớn giữa các nơi là ở chỗ: trình độ hiểu biết và quan tâm đến giáo dục của các nhân vật hoạt động cộng đồng giúp cho việc dạy và học được chặt chẽ, liên tục và tiến bộ hơn. Đặc biệt là nơi nào quan tâm đến ý nghĩa văn hoá của việc dạy tiếng Việt thì nơi đó việc dạy và học tiếng Việt khá hẳn lên. Ở đây có thể kể đến vai trò rất quan trọng của các cộng đoàn Công Giáo và các tổ chức Gia Đình Phật Tử trong vai trò làm những cơ sở văn hoá dân tộc tại điạ phương. Một điểm thuận lợi đặc biệt mà trẻ Việt ở Hoà Lan có được là bộ giáo dục Hoà Lan đưa việc dạy tiếng Việt vào trường học như là một môn học chính thức. Hiện nay, học sinh tại Hoà Lan được học đọc tiếng Việt ở bước đầu tiên qua bộ sách Học Kĩ Đọc Đúng cuả chúng tôi, do nhà xuất bản Zwijsen ấn hành  (Tilburg 1998). Nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên mà thôi. Còn phải quan tâm đến những bước tiếp theo nưã thì mới có được một công trình hoàn chỉnh.
           
[2] Xem Phạm Tú Minh, Nguyễn Văn Thế & Đoàn Xuân Kiên (1998), Học Kĩ Đọc Đúng- Sách Hướng Dẫn. Tilburg: Zwijsen.

[3] Một tiếng trong tiếng Việt là một đơn vị của lời nói cuả tiếng Việt. Đây là đơn vị căn bản của cấu trúc ngữ âm tiếng Việt, gọi là một âm tiết  (syllable).






  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...