Wednesday 11 October 2017

 Thư về Phố Tịnh


Những nụ cười 
còn ở lại


Ngày... tháng... năm...
Phố Tịnh thương mến,

Nhìn lại thì những năm tháng làm việc ở Phố Tịnh không nhiều, nhưng những hình ảnh kỉ niệm của tôi lại không thiếu tiếng cười, có tiếng cười dòn dã của những cô bé học trò, và những nụ cười nhẹ lắm khi không thành tiếng của bạn bè. Những bụi bặm nhem nhuốc của cuộc sống rồi sẽ trôi đi hết thôi, cái còn lại trong tôi vẫn chỉ là những nụ cười. Tôi sẽ kể em nghe những nụ cười của đồng nghiệp tôi mà mỗi lần nghĩ về họ tôi đều thấy ấm áp vì những tiếng cười dành cho nhau, cho dù thân xác có thể mai một.

 Cười trong những cuộc chơi lớn

Sau trại hè Vũng Tàu hè 1971, anh Kiệt [1] và tôi thường có những dịp chuyện trò thường xuyên, khi thì trong Phòng Giáo Sư, lúc thì ở ngoài quán bia lạnh gần khu đất thánh tây. Câu chuyện thường xoay quanh những dự toán của anh cho việc phát triển sinh hoạt hiệu đoàn. Qua vài câu chuyện qua lại, tôi hiểu anh là người rất quan tâm đến việc phát huy những hoạt động nhóm, hoạt động ngoại khoá mà anh tin là như thế mới đầy đủ ý nghĩa giáo dục của nhà trường. Tôi nhớ lại những sinh hoạt tập thể sôi động trong mấy ngày trại hè Vũng Tàu với nhiều ấn tượng, và nói với anh là tôi cũng đồng quan điểm với anh về sinh hoạt hiệu đoàn như một phương cách giáo dục tinh thần tập thể, tinh thần cộng đồng cho tuổi trẻ. Trong một lúc cao hứng, anh nói nhiều hơn về những dự tính hoạt động trong thời gian tới. Tôi nói với Kiệt là tôi rất ấn tượng về tinh thần tập thể cao của học sinh TPH qua trại hè 1971 vừa rồi, và hỏi anh là trường đã có những hoạt động tập thể cấp toàn trường, chẳng hạn sinh hoạt cứu trợ nạn nhân bão lụt, hoặc một hội chợ toàn trường. Anh bắt ngay ý tưởng một hội chợ cho ngày tết sắp tới.
 
Anh Kiệt trước bảng phấn
Ý tưởng và kế hoạch hội chợ Tết 1972 đã ra đời trong một buổi bia lạnh mùa hè, nhưng không phải là một ngẫu hứng, mà là một trực giác về tiềm lực của tập thể trường chúng tôi, và cũng là thể hiện một đam mê sinh hoạt hiệu đoàn để giáo dục tình đồng đội, tinh thần tập thể trong trường học.

Anh Kiệt và tôi đã gặp gỡ và chia sẻ với nhau trên một quan niệm sinh hoạt học đường. Anh vẫn giữ đam mê đó qua nhiều hoạt động hướng dẫn sinh hoạt hiệu đoàn và đã bỏ mình trên đường hoạt động, ở độ tuổi đang sung mãn ý tưởng và năng lượng làm việc. Anh mất đi là một mất mát quá lớn đối với tập thể Tống Phước Hiệp. Tôi bàng hoàng rất lâu vì mất đi một người bạn đồng nghiệp đàn anh năng nổ và nặng tình với sự nghiệp giáo dục theo nghĩa một sự rèn luyện thường xuyên và toàn diện.
 
Anh Mai Phùng Võ (Hội trưởng HPHHS) tại Hội Tết 1972
Mỗi lần tưởng nhớ đến anh, tôi lại thấy một nụ cười rạng rỡ như gói trọn tin yêu anh gửi lại bạn bè và môn sinh.  
  
Nụ cười và tâm sự hoài cảm

Vào năm học 1973-74, cũng là sau khi anh Kiệt qua đời vì tai nạn, tôi chỉ làm việc ở trường Tống Phước Hiệp hai ngày rưỡi đầu tuần nên ít có mặt trong các sinh hoạt thường kì ở trường. Mỗi trưa Thứ Tư là tôi từ trường ra thẳng bến xe về Sài Gòn. Thời gian này, ngoài khoá cao học giáo dục mỗi cuối tuần, tôi còn đảm nhiệm vai trò Giám Học một trường tư ở Chợ Lớn.
 
Anh Vỹ với vòng tròn siêu đẳng

Mặc dầu vậy, có một chút duyên bất ngờ khiến tôi lại tham gia một sinh hoạt hiệu đoàn quy mô khác trong năm học này.

Một buổi kia, đang nhâm nhi li trà nóng trong giờ nghỉ, anh Vỹ [2] miệng phì phà tẩu thuốc, ngồi xuống cạnh tôi. Anh nói với tôi thôi mà giọng vang như cho cả mọi người trong phòng giáo sư đều nghe: "Cậu viết hộ vở kịch thơ cho ngày Hai Bà Trưng năm nay đấy nhé. Biết cậu bận nên chỉ dám nhờ có thế thôi, đừng nói 'không' đấy nhé". Tôi bị bất ngờ đến hai lần, một là một bậc đàn anh trước nay ít tham dự các sinh hoạt mà anh Kiệt và chúng tôi tổ chức trong hai năm học vừa qua nay lại can dự vào một cuộc chơi lớn của trường; hai là trước nay, có dễ gần ba năm sinh hoạt cùng trường, hai chúng tôi chưa hề chuyện trò với nhau. Thường thì anh hay ngồi một góc bàn kề cửa sổ trong phòng giáo sư, đốt tẩu thuốc và nhìn mông ra ngoài cửa sổ; thỉnh thoảng lại nói nhát gừng điều gì đó với một đồng nghiệp ngồi cạnh anh, thường là anh Thái Hùng hay anh Ánh, chị Tùng. Lớp thầy giáo trẻ chúng tôi hay ồn ào ở một khoảnh khác bên chiếc bàn dài, với những câu chuyện khác. Cuối hè 1973, trường có nhiều thay đổi. Một số thầy cô giáo thuyên chuyển đi nơi khác, một số khác mới về. Anh Vỹ lại thêm ít nói, ngoài chiếc tẩu cố hữu làm bạn trong giờ nghỉ. Khi anh ngỏ lời về một kịch bản cho sinh hoạt hiệu đoàn anh đang ấp ủ, tôi hơi bất ngờ nhưng cũng nghĩ là anh chọn đúng người để nhờ việc, nên cũng nhanh nhẹn nhận lời.
 
Một lều trại (Lớp 11B) tại lễ hội Hai Bà
Anh Vỹ cho tôi nghe dự tính về một ngày lễ hội Hai Bà Trưng gồm một cụm sinh hoạt đậm tính cách của một ngày phụ nữ: một cuộc thi đua giữa các lớp về mĩ thuật gian hàng lều trại bao gồm cả một cuộc thi gia chánh. Lồng trong khung cảnh một ngày hội thi giữa các lớp đó là cuộc trình diễn ngoài trời màn kịch Hai Bà Trưng khởi binh chống quân Nam Hán.

Không lâu sau đó tôi giao bản thảo vở kịch thơ cho anh. Anh rất vui, xem ngay trong giờ nghỉ giải lao. Sau đôi ba lần hội ý, tôi hoàn chỉnh kịch bản vở kịch thơ Hai Bà Trưng cho năm 1974 ấy. Tôi không có nhiều dịp xem các em học trò tập dượt cho màn kịch này. Đến hôm Hội Lễ Hai Bà, tôi có tham dự, và nhận ra công phu tập luyện trong một thời gian ngắn mà màn kịch xem như đạt thành quả rất đáng nhớ. Khuôn viên trình diễn màn kịch ngoài trời là khoảnh sân tennis gần cổng trường. Phụ huynh và học sinh đứng chật quanh sân khấu lộ thiên để xem các em học sinh đóng vai hai bà Trưng và quân binh hai bên trong trận chiến cuối cùng giữa hai bà và Tô Định. [3]
  
Ban Giám Khảo hội thi gia chánh trong ngày lễ hội Hai Bà 1974
Hẳn nhiên là màn kịch ngoài trời kia chỉ là một tiết mục trong ngày lễ hội Hai Bà Trưng năm ấy thôi. Một khối lượng lớn các gian hàng hội chợ do chính các học sinh các lớp tham gia có đủ sắc thái gọn nhẹ nhưng vẫn màu sắc. Mỗi đơn vị gian hàng thực hiện một tiết mục thi đua nấu nướng có chấm thưởng. Tôi cũng tham gia ban giám khảo gồm đại diện Hội Phụ Huynh và Giáo Sư.

Ngày lễ hội Hai Bà năm 1974 ấy là một bước ngoặt trong mối giao tình giữa anh Vỹ và tôi. Trong thời gian chuẩn bị ngày lễ hội, anh Vỹ thường chuyện trò với tôi, nhiều khi chỉ là những chuyện gẫu mà thôi. Những câu chuyện đùa của anh Vỹ thường đậm chất Bắc, hóm hỉnh kín đáo nhẹ nhàng. Có một hôm, anh bảo tôi là anh sẽ cùng lên Sài Gòn "chơi" với tôi. Ngồi trên xe, chúng tôi chuyện trò về đủ mọi chuyện, chủ yếu là về những ngày còn nhỏ, anh và bạn bè chơi đùa với nhau. Toát lên từ những câu chuyện cũ kia là chút hoài niệm về những năm tháng rất đẹp đã mất hút về quá khứ. Hôm ấy, anh dẫn tôi đi ăn trưa tại một quán ăn bắc tại đường Tôn Đản. Nhà hàng nhỏ nhắn nhưng lịch sự, có vẻ như là một quán ăn gia đình, chủ nhân là hai người đứng tuổi nói giọng bắc nguyên vẹn. Bữa cơm trưa hôm ấy có  món cá rô rán, canh rau đay và cà pháo. Thực tình là qua anh Vỹ tôi mới biết đến con đường quán ăn bắc ấy. Mấy năm ở Sài Gòn tôi chỉ biết những quán Huế và Nam ở khu Ngã Bảy và Ngã Sáu Sài Gòn. Món Bắc thì chỉ biết sạp hàng quán ở chợ Nguyễn Tri Phương và khu chợ Hoà Hưng mà thôi. Ăn trưa xong, chúng tôi thả bộ về xem một phim mới tại cine Rex. Hôm ấy rạp chiếu Rex chiếu phim Double life of Veronica. Đến chiều thì anh Vỹ lại quay trở về bến xe lục tỉnh. Khi lên xe, anh nói: "Lâu lắm moi mới có một buổi dạo phố thú vị, đậm hương sắc". Tôi chợt nhận ra tâm sự hoài hương của anh mà suốt thời gian dài ba năm qua tôi chưa hề có cơ duyên để biết. Đọng lại trong tôi chiều hạnh ngộ hôm ấy là một người anh lưu lạc từ Hà Nội hai mươi năm trước về miền đất mới nhưng vẫn mang theo bản sắc một thư sinh Hà Nội, từ chất giọng nói năng đến cảm quan sâu kín mà hóm hỉnh trong ứng xử thường ngày. Anh đi rồi tôi mới nhận ra sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa tâm sự của một nhân vật trong phim chiều hôm ấy và tâm sự của một người đồng nghiệp đàn anh lúc nào cũng cười như thể rất trẻ trung hồn nhiên nhưng cũng có những nếp gấp tâm sự sâu kín.

Từ cái duyên ngày lễ hội Hai Bà Trưng năm ấy, tôi còn có thêm niềm vui được nhìn một công trình lớn khác của anh Vỹ khi anh điều hợp công việc thực hiện tập Kỷ yếu Tống Phước Hiệp 1974 rất phong phú về nội dung và đẹp mắt về hình thức. Đây là món quà lưu niệm thật quý giá mà anh Vỹ để lại cho các thế hệ học trò Tống Phước Hiệp. Bao nhiêu dâu bể đã qua đi, nhưng nụ cười hóm hỉnh cuả anh vẫn còn lưu lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Anh Vỹ là hình ảnh của một thoáng chớp mắt ngắn ngủi nhưng là một lưu lại mãi mãi.
  
Vẫn còn đó một nụ cười hiền

Tháng 10/1970, tôi về trường Tống Phước Hiệp trình Sự Vụ Lệnh.  Hôm đó anh Thọ [4] tiếp tôi thân mật, gần gũi như không phải lần đầu. Anh hỏi tôi về những chuyện cần thiết và gần gũi mà một người mới đến phải giải quyết, là chuyện ăn chuyện ở. Rồi anh đưa tôi sang phòng Giám Học. Cuộc gặp gỡ ngắn gọn nhưng đầy đủ. Và gần gũi, thân mật. Trong gần một năm đó, khi anh còn là Hiệu Trưởng, tôi ít khi gặp anh, chỉ dăm ba câu chuyện thường nhật khi gặp nhau ở phòng giáo sư hay trong phòng họp. Tuy thế, dòng chảy miên man của những sinh hoạt học đường cho thấy anh hiện diện thường xuyên cùng thầy trò trong trường.
 
Cùng Thủ tướng Trần Văn Hương
tại sân trường Tống Phước Hiệp (1969)
Trường Tống Phước Hiệp những ngày tháng đó thật sống động. Khi tôi về trường thì “hội” tennis của giáo sư đã hoạt động đều. Mỗi buổi chiều thầy giáo và học sinh đều có một vài tiết. Những buổi văn nghệ chiều Thứ Năm cũng đang hoạt động đều. Nhóm sinh hoạt văn nghệ, báo chí cũng tíu tít. Các lớp lớn thường có những buổi du ngoạn miệt vườn, thường cũng có cả một số thầy cô giáo không bận bịu gia đình... Những dạng sinh hoạt như thế bảo là tự phát cũng phải thôi, nhưng bảo là có phần góp ý khuyến khích của anh và của Hội Phụ Huynh TPH cũng không sai. Tôi có nhiều dịp trò chuyện cùng ông Hội Trưởng Mai Phùng Võ, thì biết rằng Hội có chủ động trong một số sinh hoạt ngoại khoá, có nhiều lần chính anh gợi ý cho Hội. Hẳn nhiên là điều hành một trường lớn như Tống Phước Hiệp thì công việc của vị chỉ huy lãnh đạo như anh là phải biết tất cả những hoạt động đông vui ấy.

Sự quan hệ của anh với các cấp chính quyền sở tại cũng đã giúp nhiều cho sinh hoạt hiệu đoàn được khởi sắc. Quan hệ gắn bó ấy thể hiện qua những buổi chiều trên sân tennis của trường, khi các giáo sư giao đấu cùng ông tỉnh trưởng hay một vài chức sắc của tinh và tiểu khu. Mối quan hệ gắn bó với giới chức tỉnh thể hiện qua hàng loạt convoi do tiểu khu điều động sang giúp đỡ trường di chuyển thầy trò đi cắm trại hè ở xa, khi Vũng Tàu, khi Rạch Giá... Quan hệ đó bàng bạc đằng sau vẻ thanh bình, an ninh rất cao của một trường lớn, lúc đó ngót nghét hai nghìn học sinh mà phần lớn là nữ sinh, vì năm 1970 ấy trường Tống Phước Hiệp đang chuyển tiếp sang trường nữ.

Bận rộn thế nhưng anh vẫn luôn là một con người gần gũi, thân thiện. Luôn luôn dành cho đồng nghiệp và học trò một nụ cười hiền. 
Kết thúc Hội Tết 1972 
(nhân vật chính của Ban Tổ Chức 
không có mặt)

 Tôi hoà vào dòng sinh hoạt của trường thoải mái, tự nhiên, và cũng sôi động, vì có được môi trường sinh hoạt thuận lợi như thế. Một hoạt động lớn rộng mà anh đã hết mình khuyến khích và hỗ trợ, là ngày hội tết Tống Phước Hiệp vào dịp tết 1972. Ngày hội tết năm ấy là một sinh hoạt mới, nhiều công phu, và huy động gần như toàn bộ nhân lực của trường. Học sinh bỏ ra ba ngày trời để dựng lều (lợp tranh, rơm hay lá dừa), chuẩn bị vật liệu cho ngày hội chợ chính thức. Trong những ngày này, người ra kẻ vào tấp nập, nhiều học sinh huy động cả thân nhân gia đình vào tiếp sức để cho gian hàng của lớp mình được tươm tất, vì ban tổ chức có thưởng thi đua gian hàng đẹp, đặc sắc. Ban tổ chức chính thức gồm ba người: anh Lương Văn Kiệt, anh Đặng Ngọc Diệp, và tôi. Là người mới về trường, chưa quen biết nhiều các mặt sinh hoạt khác, tôi chỉ chú tâm nhiều vào phẩm chất nội dung ngày hội, còn những việc liên quan đến an ninh ngày sinh hoạt, quan hệ đối ngoại thì hai vị đồng nghiệp thâm niên gánh cho.

Ngày  hội tết Tống Phước Hiệp năm ấy là một niềm tự hào chung cho cả trường, thể hiện cao độ sự hợp tác toàn diện của thầy trò. Khách dự hội tết không chỉ là học trò (trên dưới hai nghìn học sinh thì không phải là ít), mà còn cả thân nhân, gia đình, và bà con quần chúng trong thị xã và các nơi. Ngày hội diễn ra suôn sẻ, an toàn trọn vẹn. Chiều hôm đó, sau khi kết thúc ngày hội linh đình có một không hai của trường, anh Kiệt thở phào nhẹ nhõm, cười tươi rạng rỡ bên li bia lạnh và nói với tôi rằng anh mừng nhất là mọi chuyện diễn ra tốt đẹp quá sức mong đợi. Chúng tôi biết là công lao ấy phải dành cho anh. Hầu như không ra mặt từ buổi đầu bàn soạn tổ chức cho đến khi kết thúc ngày hội dưới sân cờ; nhưng anh là người đã góp phần rất kín đáo trong sự thành công tốt đẹp cho ngày hội tết Tống Phước Hiệp năm ấy. Anh nắm bắt được nghệ thuật lãnh đạo ngay từ những năm còn trẻ: tin cậy và uỷ nhiệm chứ không ôm việc. Sau này, sinh hoạt trong nhiều môi trường khác nhau, tôi càng có nhiều dịp chiêm nghiệm lại những ngày tháng Tống Phước Hiệp để nhận ra vai trò chỉ huy lãnh đạo nhà trường Tống Phước Hiệp là then chốt trong mọi thành quả lớn nhỏ của trường.

Năm sau thì anh rời Vĩnh Long sang gầy dựng cho Sở Học Chánh Cần Thơ vừa thành lập. Mặc dầu vậy, anh vẫn là nguồn hỗ trợ lớn cho trường. Những hoạt động có lắng xuống chút ít nhưng vẫn đều và chắc nhịp.

Biến cố 1975 đã dẫn đến một quãng cách khá dài giữa những người từng gắn bó ít nhiều với trường Tống Phước Hiệp trước đó. Tôi vẫn thủy chung với quan niệm sống tùy duyên và vô cầu. Chấp nhận dâu bể tang thương là chuyện thường tình, và vui vẻ sống với nó không bận lòng gì với những chuyện chia xa, đổ vỡ. Hơn bốn mươi năm sau, tôi bắt liên lạc lại được với bạn bè đồng nghiệp và học trò cũ. Rồi nhận được tin nhắn của anh. Góp mặt trở lại cùng anh em Tống Phước Hiệp, tôi có dịp theo dõi hình ảnh những bạn bè đồng nghiệp và học trò cũ qua các DVD do anh chị gửi qua. Tôi nhận ra phong thái anh vẫn như ngày nào. Thoải mái, tự nhiên và thân tình.

Bốn mươi năm qua không biết bao nhiêu là biến cố trong mỗi cuộc đời chúng ta. Anh cũng trải qua nhiều biến động như mọi người chung quanh. Tuy vậy, anh vẫn giữ được sự vững chãi trong tâm hồn. Nụ cười của anh vẫn thật là hiền.

Mãi đến Tháng Ba năm 2013, tôi mới sang thăm anh chị. Một hôm trước ngày hẹn gặp nhau, anh chị Nhàn [5] báo cho biết là anh vừa vào bệnh viện.
 
Tại bệnh viện Fountain Hill (2013)
Chúng tôi vào thăm anh. Hơn bốn mươi năm mới gặp lại mà thời gian tưởng chừng như chưa từng qua lâu. Gặp lại nhau nơi góc bể chân trời, trong khung cảnh anh nằm giường bệnh, tôi vẫn như thấy lại hình ảnh người hiệu trưởng ngày nào, năng động, chân tình và lạc quan. Cháu Tuấn cho hay là anh đã tỉnh táo hơn hôm trước. Anh nói chuyện vui vẻ, pha nhiều câu dí dỏm. Giờ đây, đang đối mặt với bệnh tật, anh vẫn còn nụ cười tươi, như thể anh và bệnh đang sống chung hoà bình. Anh có được vẻ an nhiên của người tu tập thiền quán, không nao núng trước những xao động của hôm nay. Nụ cười ấy phải là nụ cười của thiền sư.

Chúng tôi từ giã anh ở bệnh viện, mang theo nụ cười.

Phố Tịnh ơi, mấy tuần sau đó thì anh đi. Tôi tin là anh ra đi với nụ cười nguyên vẹn đó.

Đoàn Xuân Kiên
                        Trang nhà tongphuochiep.vinhlong, 21/03/2017



[1] Gs. Lương Văn Kiệt
[2] Gs Ngô Quang Vỹ
[3] Xem bài: "Tô Định kể lại chuyện xưa": http://tongphuochiep-vinhlong.com/2017/03/to-dinh-ke-lai-chuyen-xua/
[4] Gs Đào Khánh Thọ
[5] Gs Phan Thanh Nhàn và Gs Đặng Thị Thanh Nhàn



Tuesday 10 October 2017


XEM LẠI MỘT VẤN ĐỀ
NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT: 
CẤU TRÚC ÂM TIẾT

Đoàn Xuân Kiên




I

1     Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta chỉ nói năng với nhau qua từng câu nói. Mỗi câu nói là một chuỗi dài ngắn những mẩu âm thanh cắt rời nhau, gọi là tiếng. Câu nói:

              Cái bàn này hình bán nguyệt

có sáu tiếng. Mỗi tiếng như thế, đứng trên bình diện ngữ âm, là một âm tiết. Âm tiết là một cấu trúc cơ bản của một câu nói về mặt phát âm. Âm tiết là một khái niệm thuộc ngữ âm học phương tây để chỉ một đơn vị lời nói được phát ra. Trước kia, chúng ta chỉ gọi đơn vị này là một tiếng.

       Một "tiếng" trong tiếng Việt được nói lên là một đơn vị ngữ âm, và cũng là một đơn vị ngữ pháp. Một "tiếng" là một đơn vị phát ngôn, và là một đơn vị cuả lời nói để tạo ra những kết cấu lời nói trong hoạt động nói năng giao tiếp. Đặc tính này cuả tiếng chính là một tính cách loại hình cuả tiếng Việt, trong đó mỗi đơn vị phát âm trùng khít với đơn vị ngữ pháp (hình vị, và từ). Khi xét trên bình diện ngữ âm, tiếng là một đơn vị cuả ngữ âm, tức là một âm tiết. Câu tiếng Việt sau đây là một tập hợp 6 âm tiết: "trèo lên cây bưởi hái hoa", và là sáu từ, mỗi từ là một hình vị  -nếu nhìn từ cấp độ ngữ pháp.

       Tính cách này cuả tiếng cuả tiếng Việt sẽ không tìm thấy trong ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ biến hình cuả Ấn-Âu, trong đó ba cấp độ đơn vị kể trên hoàn toàn không trùng nhau. Câu nói " I climbed the grapefruit tree picking some of its flowers " có 10 từ  nhưng 13 âm tiết và 15 hình vị. Ba cấp đơn vị này được xem xét ở ba cấp độ ngôn ngữ khác nhau. Âm tiết  / klaimd / có hai hình vị, và phải căn cứ vào hai hình vị đó mới hiểu đúng ý nghiã cuả từ 'climbed'; do vậy, cấp bậc âm tiết trong ngôn ngữ Ấn-Âu là một cấp độ phân tích không đầy đủ. Trong các ngôn ngữ như thế, việc phân tích âm vị sẽ có vai trò khá quan thiết: âm vị / d / ở sau âm tiết vưà kể là một âm vị không thể bỏ qua, vì nó là cơ sở cuả phân xuất hình vị chỉ thì quá khứ cuả động từ 'trèo' trong tiếng Anh.

       Vai trò cuả âm tiết trong loại hình ngôn ngữ Ấn-Âu không có ý nghiã âm vị học đặc biệt, cho nên trong một công trình ngữ âm học về tiếng Anh trước đây, Chomsky và Halle (1968) đã không hề nhắc nhở gì đến âm tiết cả.

       Vai trò cuả âm tiết trong tiếng Việt có khác với âm tiết trong các ngôn ngữ Ấn-Âu. Mỗi âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc ổn định, và là cơ sở để phân xuất các thành phần cấu tạo trực tiếp. Trước khi tiếp xúc với phương tây, việc tìm hiểu "tiếng" cuả chúng ta theo truyền thống âm vận học Trung Hoa mà phân xuất một "tiếng" là hai thành phần: khuôn thanh (thanh mẫu) và khuôn vần (vận mẫu). Ví dụ: tiếng bàn gồm thanh mẫu là b- và vận mẫu là -àn. Việc chiết xuất một "tiếng" ra hai thành phần như thế có ý nghiã rất lớn trong giáo dục từ hàn, vì kiến thức về vận mẫu là cơ sở để gieo vần trong thi (thơ ca) và phú (văn biền ngẫu).

       Các nhà âm vận học Trung Hoa về sau còn chia khuôn vần thành các nhiếp và tứ thanh. Nhiếp là những vận bộ có âm cuối như nhau, có âm chính giống hoặc gần giống nhau. Tứ thanh là hệ thống thanh thuộc khuôn vần. Tứ thanh gồm có thanh "bình" (bằng), "thượng" (lên), "khứ" (đi), "nhập" (vào). Thanh "nhập" là những thanh đi với các âm cuối nhập ( tức là các âm /-p,-k, -ch, -t/. Hệ thống tứ thanh lại chia hai bậc bổng trầm mà các nhà âm vận học Trung Hoa gọi là bậc "thanh" (trong) và "trọc" (đục). Hệ thống thanh có thể sắp xếp như sau:  
    
Tuy vậy, việc tìm hiểu âm vận học Trung Hoa thời cổ chưa giải quyết những mỗi quan hệ bên trong cấu trúc cuả các "tiếng".

       Khi bắt đầu cuộc giao tiếp với phương tây, việc tìm hiểu ngữ âm tiếng Việt tiến sang một hướng khác. Hệ thống chữ viết theo mẫu tự Latin đã dẫn đến sự kiện là "chữ quốc ngữ" là một hệ thống chữ viết ghi âm là một thuận lợi, cộng thêm vào đó là những thuận lợi về những tiến bộ cuả việc nghiên cứu ngữ âm cuả phương tây.

       Các nhà ngữ âm đã có những cố gắng mô hình hoá các quy tắc chung về hoạt động cuả âm tiết (Hyman, 1975: 189). Những quy tắc đó có thể được diễn giải khác nhau, nhưng chúng không ngoài một số tính cách chung sau đây: (a) âm tiết phải có tính vang; (b) mỗi âm tiết phải có bộ phận hạt nhân gồm ít nhất một nguyên âm; (c) âm tiết luôn có khuynh hướng tăng khả năng kết hợp cuả âm đầu, và khuynh hướng hạn chế khả năng kết hợp cuả âm phụ cuối.

       Điạ vị cuả âm tiết trong phân tích âm vị học phương tây đã trải qua nhiều thăng trầm, với rất nhiều quan điểm khác biệt nhau. Ngoại trừ  một trường hợp duy nhất là Chomsky và Halle (1968) trong đó âm tiết không hề được nhắc đến một cách minh nhiên, nhìn chung thì các khuynh hướng khác nhau đều có chú ý đến vai trò cuả âm tiết trong phân tích ngữ âm-âm vị học.

2     Âm tiết là một cấu trúc, nghiã là một tổng thể được cấu tạo từ các đơn vị âm thanh, gọi là âm vị. Mỗi ngôn ngữ có thể chọn lưạ trong kho âm vị tự nhiên cuả ngôn ngữ loài người, để lập riêng cho mình một hệ thống âm vị phù hợp với lối phát âm của ngôn ngữ mình sử dụng.

       Các âm vị trong tiếng Việt có ba loại: nguyên âm, phụ âm và thanh. Nguyên âm và phụ âm là những âm vị tuyến tính, nghiã là những âm vị kết hợp với nhau theo trật tự trước sau trong quá trình phát âm. Chúng là những âm vị có thể phân tách ra thành từng đơn vị nhỏ hơn, nên còn gọi là những âm vị đoạn tính. Trái với loại âm vị trên, thanh là âm vị phi tuyến tính, vì nó là một âm vị bao trùm toàn bộ âm tiết, và gắn liền với âm tiết trong suốt quá trình phát âm một âm tiết. Thanh không thể chiết ra khỏi âm tiết được, mà nhất thiết là nó phải gắn với âm tiết, vì thế nên thanh còn gọi là âm vị siêu đoạn tính.

       Tóm lại, âm tiết , hay "tiếng" cuả tiếng Việt là một đơn vị cuả lời nói nhưng âm tiết tiếng Việt cũng là một đơn vị ngôn ngữ. Âm tiết là một chỉnh thể ngữ âm. Âm tiết là cơ sở phân tích cấu trúc kết hợp các âm vị, nhưng chính âm tiết là một chỉnh thể đơn vị nhỏ nhất cuả phân tích lời nói.

II. Các quan điểm về cấu trúc âm tiết

       Cho đến nay, trong truyền thống phân tích ngữ âm phương tây, có ít nhất là năm quan điểm khác nhau về cấu trúc nội tại cuả âm tiết. Sau đây là phác hoạ các mô hình cấu trúc âm tiết:

(a)   cấu trúc CV, nghiã là không có thành phần kết cấu theo tầng bậc, mà chỉ có các thành phần cấu tạo trực tiếp nên âm tiết, tức là các âm vị nguyên âm (V=vowel) và phụ âm (C=consonant). Điển hình cho quan điểm cấu trúc phẳng là mô hình các cấu trúc âm tiết gọi là phổ biến cho mọi ngôn ngữ, do Clements & Keyser (1983) đề nghị trong công trình quan trọng cuả hai ông:

                      Loại 1:   CV
                    Loại 2:   V
                    Loại 3:    CVC
                    Loại 4:    VC

       Trong số các tác giả Việt Nam, có Lê Văn Lý (1948) cũng dùng công thức như vậy khi mô tả các âm tiết tiếng Việt.

(b)   cấu trúc phân nhánh, gồm có ba nhánh với các thành phần cấu tạo liên quan đến từng nhánh. Theo mô hình này, âm tiết cấu trúc như sau (theo McCarthy, 1979, Vennemann, 1984): phần chính cuả âm tiết là tổ hợp cuả phần âm mở đầu và phần hạt nhân cuả âm tiết, phần phụ là phần còn lại cuả âm tiết:


        Mô hình cấu trúc phân nhánh còn được thể hiện theo chiều ngược lại: trước hết là phân lập giưã phần đầu cuả âm tiết và phần còn lại cuả nó là phần vần, kế đó là phân lập giưã hai thành phần cuả vần là phần hạt nhân và phần cuối vần. Đây là mô hình cấu trúc âm tiết được các nhà âm vận học Trung Hoa áp dụng, chẳng hạn các học giả đời Tống khi biên soạn bộ Đẳng Vận Thư. Mô hình này được trình bày trong Chao (1948) và Karlgren (1954), Pike & Pike (1947), Halle & Vergaud (1978), Selkirk (1982). Dưới đây là mô hình cuả Pike & Pike (1947):  

       Mô hình âm tiết này về sau đã trở thành một công thức quen thuộc trong các sách giáo khoa ngữ âm-âm vị học, với một vài thay đổi tên gọi. Chẳng hạn, thành phần gọi là "hạt nhân" trong sơ đồ cấu trúc cuả Pike đã chuyển thành "vần", và thành phần "cao điểm" nay thường gọi là "hạt nhân" trong sơ đồ âm tiết được dùng hiện nay.



(c)   cấu trúc phân nhánh hình rẽ quạt: mô hình này đưa ra thành phần cấu thành âm tiết xếp hàng ngang nhau. Mô hình này cũng được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng, như Hockett (1955), Haugen (1956), Davis (1985), Noske (1992), Hall (1992). Mô hình rẽ quạt thường được trình bày như sau:

(d)   cấu trúc "Mora" (là các yếu tố có ý nghiã âm vị học trong âm tiết, xét từ quan điểm mệnh danh là ngữ âm học cân phương - metrical phonology). Các nhà ngữ âm học Hyman (1985), McCarthy & Prince (1986), Hayes (1989) đã dùng mô hình này để phân tích âm tiết cuả các ngôn ngữ có nhiều dấu nhấn (như tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Phần Lan), mà những sơ đồ âm tiết quen thuộc xưa nay đều không biểu hiện được. Cấu trúc 'mora' sẽ làm nổi lên những yếu tố mang trọng âm hay kéo dài hơn so với những yếu tố khác. Dưới đây là một thí dụ về mô hình cấu trúc âm tiết với các 'mora' (Hayes, 1989)

Những mô hình cấu trúc âm tiết trên đây dù có khác nhau chi tiết, nhưng đều có một điểm chung là: chúng chỉ nhằm mô tả các cách kết cấu âm vị trong âm tiết, và quan trọng hơn nưã là âm tiết trong những trường hợp này chỉ là một cấu trúc trung gian giưã các âm vị và các cấu trúc ở các cấp độ trên âm tiết, là "từ". Một điểm nưã là các mô hình cấu trúc âm tiết trên đây không có chỗ đứng cho các yếu tố kết hợp bên ngoài yếu tố liên hợp (chẳng hạn các mối quan hệ tiếp hợp trong âm tiết, hoặc là thanh điệu). Do vậy, các mô hình cấu trúc âm tiết này chỉ là mô hình cuả một loại hình ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ đơn tiết, trong đó âm tiết có vai trò trung tâm cuả phân tích âm vị học.

III. Điểm lại một số quan điểm về âm tiết tiếng Việt
      
       Tiếng Việt và các ngôn ngữ thuộc loại hình cách thể, trong đó mỗi âm tiết là một đơn vị hoàn chỉnh đứng độc lập, và là một đơn vị cuối cùng trong việc phân xuất các đơn vị cuả lời nói. Một đặc tính quan trọng khác cuả âm tiết tiếng Việt là nó có thanh điệu -hiểu là một yếu tố có giá trị ngữ âm quan yếu trong việc phân biệt các âm tiết với nhau. Không thể có âm tiết tiếng Việt hoàn chỉnh mà không có yếu tố thanh điệu. Thanh là một âm vị phi tuyến tính, nó xuất hiện cộng thời với các âm vị tuyến tính để làm thành một chỉnh thể là âm tiết tiếng Việt. 

     Những mô hình cấu trúc âm tiết chỉ ghi lại các âm vị tuyến tính đều tỏ ra không phản ảnh đúng âm tiết tiếng Việt, trong đó thanh có vai trò rất khác biệt yếu tố điệu tính cuả ngôn ngữ Ấn Âu. Chẳng hạn, khi muốn đưa thanh điệu vào cấu trúc âm tiết tiếng Việt biển /biẻn/, quan điểm ngữ âm phi đoạn trình bày một mô hình nhiều lớp như sau: (a) lớp thứ nhất có thể gọi tên là tầng khung, trình bày mô hình âm tiết; (b) lớp thứ nhì đi vào chi tiết về mặt âm điệu cuả âm tiết, có thể gọi tên là tầng âm đoạn cho thấy các âm tố phân bố trong cấu trúc như thế nào; (c) lớp thứ ba ghi lại các âm tố xếp đặt theo trật tự tuyến tính cuả âm tiết, gọi là tầng chiết đoạn; (d) lớp cuối cùng là tầng ngôn điệu, thể hiện tuyến điệu cuả thanh trong âm tiết như thế nào.

                            
       Mô hình như trên cho thấy đường nét cuả thanh trong âm tiết là đường nét  cao-thấp-cao (HLH), nhưng mặt khác lại không cho thấy được tính cách cụ thể cuả thanh 4 (thanh  hỏi), và vị trí cuả nó trong toàn bộ sáu thanh cuả tiếng Việt ra sao. Nói cách khác, mô hình âm tiết như trên vẫn không thể hiện được thanh điệu cuả loại ngôn ngữ có thanh.

       Từ những đặc tính trên đây cuả âm tiết tiếng Việt, việc xác định cấu trúc cuả âm tiết là một phần việc quan trọng không chỉ có ý nghiã đối với nghiên cứu ngữ âm học, mà còn rất có ý nghiã về mặt giáo dục, cụ thể là việc dạy học tiếng Việt cho trẻ ở giai đoạn đầu tiên.

1     Trong công trình nghiên cứu về tiếng Việt, Lê Văn Lý bàn về các cách kết hợp cuả âm vị tiếng Việt thành những âm hiệu có ý nghiã, tức là một âm tiết (1948: 42). Và ông cho rằng có bốn loại âm hiệu tiếng Việt như sau (1948:123):

1.Chỉ có nguyên âm;
2.Nguyên âm + Phụ âm;
3.Phụ âm + Nguyên âm
4.Phụ âm + Nguyên âm + Phụ âm.

       Mặc dù thưà nhận rằng mỗi âm hiệu tiếng Việt chỉ có thể mang một thanh (tr.126), tác giả vẫn cho rằng mỗi âm hiệu tiếng Việt không thể có quá ba âm vị. Sở dĩ thế là vì ông cho rằng thanh chỉ là một yếu tố ngôn điệu như trong ngữ âm tiếng Ấn Âu, và do vậy không phải là một âm vị gắn liền với âm tiết. Nói các khác, âm tiết tiếng Việt -theo như mô tả trong Le Parler Vietnamien - chỉ gồm ba âm vị tuyến tính như được ghi lại trên kia. Trong một công trình khác xuất bản hai mươi năm sau, Lê Văn Lý vẫn ghi lại đúng những quan niệm cuả ông như đã từng bàn đến trong tập trước. (Lê 1968: 21-24). Vì lẽ đó chúng tôi xếp quan điểm cuả ông vào quan điểm mô tả theo cấu trúc CV hiểu theo nghiã rằng quan điểm cuả tác giả là chỉ chú trọng đến các yếu tố tuyến tính mà bỏ ra ngoài các yếu tố phi tuyến tính:

 Loại 1:     V
                    Loại 2:     VC
                    Loại 3:     CV
                    Loại 4:     CVC

       Nguyễn Bạt Tuỵ cũng bàn về âm tiết, mà ông gọi là "vần". Tác giả định nghiã "vần" là một hay nhiều âm cùng phát ra một hơi mà lập thành một tiếng hay một phần tiếng. Ông cũng lưu ý độc giả là đừng nên lẫn với "vận" -là sự trở lại cuả cùng một âm ở cuối hai hay nhiều câu thơ. (Nguyễn 1949: XII). Khi mô tả các dạng kết hợp "vần", tác giả cho rằng "vần" tiếng Việt có ba loại lớn (sđd : 78-85):

1.vần chính  là vần có toàn âm chính ghép thành;
2.vần bán là vần do âm chính và âm bán ghép thành;
3.vần phụ là vần do âm chính và âm phụ, hay âm chính, âm bán và âm phụ ghép thành.

       Tác giả có bàn về việc ghép thanh vào mỗi "vần", nhưng quan niệm cuả ông không thật rõ ràng. Một đằng tác giả vẫn cho rằng thanh gắn liền với âm chính, và ông cho các âm chính mang thanh khi ghép "vần"; đằng khác, khi phân loại các "vần" thì ông lại chỉ nhắc đến ba thành phần âm vị là âm chính, âm bán, âm phụ mà thôi, nghiã là các âm vị tuyến tính  -nếu nhìn từ quan điểm ngữ âm học loại hình ngôn ngữ Ấn Âu.

       Trong những buổi đầu cuả ngữ âm học tiếng Việt, một tác giả khác cũng bàn về cấu trúc âm tiết tiếng Việt, là Emeneau (1951). Đáng chú ý là tác giả nhận ra từ khá sớm là từ cuả tiếng Việt trong nhiều trường hợp đã trùng khít với âm tiết. Và vì thế, từ có thể là một hạt nhân chủ yếu gồm một trong nhóm cuả 11 nguyên âm, hay những kết hợp khác nhau cuả hai hay ba âm vị  cuả nhóm đó. Trước phần hạt nhân này có khi không có gì, hoặc là có một trong 21 âm vị phụ âm. Sau phần hạt nhân có thể không có gì (một số tổ hợp nguyên âm không cho thêm gì nưã cả), hoặc là có một trong 8 phụ âm mà trong đó có 7 tương tự với nhóm 21 phụ âm đầu.

       Tác giả cũng nhắc đến vai trò cuả thanh điệu, và cũng nhận thấy là các tổ hợp âm vị đều có một trong 6 thanh và trọng âm đặt ở nguyên âm đầu hay nguyên âm thứ nhì. Tuy vậy, sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt  được tác giả mô tả là một tổ hợp cuả "phụ âm  + nguyên âm + phụ âm". Điều đó cho thấy quan điểm cuả tác giả vẫn không ra ngoài quỹ đạo cuả quan điểm ngữ âm Ấn Âu, xem âm tiết chỉ là một kết hợp cuả những âm vị tuyến tính mà thôi.

       Laurence Thompson (1965) là người tiếp thu những biện giải cuả các tác giả trường phái Nga (như Andreev và Gordina) nhưng đã đẩy xa hơn mà nhìn nhận vai trò cuả thanh điệu như là một thành phần không thể thiếu trong kết cấu âm tiết tiếng Việt. Ông nhận ra cấu trúc âm tiết tiếng Việt chỉ đơn giản là một kết cấu gồm ba thành phần: âm đầu + hạt nhân + thanh điệu, trong đó hạt nhân là nguyên âm và bất kì âm vị nào đi theo sau nó. Ở điểm này, tác giả không nói thêm là "hạt nhân" cuả âm tiết có phải là một kết hợp bậc hai cuả cấu trúc, hay chỉ là sự mở rộng cấu trúc ba phần đó. Chỗ khác ông lại cho thấy rằng một âm tiết có ít nhất là một nguyên âm và một thanh. (Thompson 1965:45). Sau đó, khi mô tả cấu trúc cuả thành phần hạt nhân âm tiết, tác giả cho biết là hạt nhân âm tiết tiếng Việt có thể là gồm một yếu tố (một nguyên âm), hoặc hai yếu tố (bao gồm một nguyên âm và một bán âm hay một phụ âm cuối), cũng có thể là một kết cấu ba yếu tố (gồm một nhóm nguyên âm và một phụ âm cuối). 

     Tác giả không trình bày thêm về mối quan hệ thứ bậc cuả các "yếu tố" vưà nêu đối với cấu trúc âm tiết. Mặc dù vậy, đây là một bước tiến rất lớn trong việc tìm hiểu âm tiết tiếng Việt. Ít ra là cũng từ đây đã hình thành một quan điểm khác về cách nhìn cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Các tác giả đi sau vẫn thường nối tiếp ông mà phát triển thêm quan điểm cho rằng  âm tiết tiếng Việt  là một cấu trúc hai bậc:    
   


       Cấu trúc âm tiết tiếng Việt được mô tả như trên tỏ ra rất khớp với khuôn mẫu chung cuả âm tiết mà Pike lập ra, chỉ khác chăng là ở mô hình Pike đưa ra trước kia không có yếu tố thanh điệu.

2     Trong số những tác giả người Việt nghiên cứu về âm tiết tiếng Việt có Nguyễn Quang Hồng chủ trương khác hẳn các tác giả khác. Trong một bài nghiên cứu dưạ theo luận án đệ trình năm 1974, tác giả dưạ trên cơ sở tiếng Việt và tiếng Hán mà chủ trương rằng tiết vị (syllabème) là đơn vị âm thanh cơ bản cuả ngôn ngữ. Ông có nhận xét về tính cách khác biệt cuả hai loại hình ngôn ngữ Ấn Âu và ngôn ngữ đơn tiết: trong khi ở các ngôn ngữ loại trên những đơn vị cơ bản cuả ngôn ngữ là âm vị, các ngôn ngữ loại dưới lấy âm tiết làm đơn vị phân tích cuối cùng. Ông theo truyền thống âm vận học Trung Hoa và các nhà đông phương học Nga mà xem âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc chung, "đơn nhất" - hiểu theo nghiã cuả tác giả là một đơn vị phân tích ngữ âm nhỏ nhất, một tiết vị. Tác giả cho rằng âm tiết tiếng Việt chỉ gồm có hai yếu tố cấu thành, là khuôn thanh và khuôn vần, kết hợp nhau theo thế lưỡng phân. Khuôn thanh có thể vắng mặt, nhưng khuôn vần luôn luôn có mặt. Khuôn thanh và khuôn vần lại có thanh điệu là yếu tố siêu đoạn tính thực hiện chức năng khu biệt các hình tiết; ngoài ra, hình tiết tiếng Việt còn một dạng âm sắc rất đặc biệt, gọi là "hô". Tác giả cho một vài trường hợp thí dụ về "hô": sự đối lập rõ rệt về "hô" (khai khẩu/hợp khẩu) trong các cặp âm tiết như kè-què, lan-loan, xiên-xuyên... và nói thêm là thanh và hô chỉ là những yếu tố phụ trợ, khi thì gắn liền với khuôn vần, khi thì với khuôn thanh, có khi gắn với cả hai. (Nguyễn 1976: 36). Sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt theo Nguyễn Quang Hồng là:


       Quan điểm về âm tiết là đơn vị cơ bản cuả tiếng Việt thật ra đã được biết đến từ sớm hơn thế. Cao Xuân Hạo đã trình bày "quan điểm phi đoạn về âm vị và cấu trúc âm tiết tiếng Việt" (1965), trong đó ông đã khẳng định là "âm vị tự bản chất là phi đoạn". Tác giả đã nêu ra ba yếu tố cuả âm tiết phát sinh đồng thời: thanh điệu, âm chính và tính chất cuả mối quan hệ cấu âm. Sự kết hợp phi tuyến tính như vậy cho thấy là âm tiết tiếng Việt không phải là một kết  hợp cùng tính chất như trong các ngôn ngữ ấn âu. Trong một công trình quan trọng về cấu trúc âm tiết tiếng Việt ra đời mười năm sau, Cao (1975) lại khẳng định tính không phân lập cuả âm tiết tiếng Việt. Ông đưa ra một minh hoạ về tính cách phi đoạn cuả âm tiết tiếng Việt so sánh với âm tiết ấn-âu qua thí dụ về một âm tiết [lun] như sau:


   Trong bài nghiên cứu in trong tập san Études Vietnamiennes 40 (1975), Hoàng Tuệ & Hoàng Minh (tức Cao Xuân Hạo) lại đưa ra một cấu trúc tầng bậc, trong đó đáng chú ý là tác giả đưa mối quan hệ kết hợp giưã âm chính và âm cuối vào trong sơ đồ cấu trúc. Khi thưà nhận vai trò khu biệt âm tiết cuả yếu tố tuyến điệu trong cấu trúc âm tiết (thanh điệu và quan hệ kết hợp) là thưà nhận những yếu tố phi tuyến tính bên cạnh những kết hợp tuyến tính cuả các âm vị tiếng Việt. Đây là một điểm mới trong nghiên cứu tiếng Việt.

             
       Quan điểm phi đoạn về âm tiết tiếng Việt về sau được kết tập trong một công trình lí thuyết quan trọng cuả Cao Xuân Hạo, Phonologie et Linéarité (1985). Lí thuyết phi đoạn về âm tiết tiếng Việt có ý nghiã lớn ở chỗ đã nêu lên được tính cách đặc thù cuả âm tiết tiếng Việt so sánh với các ngôn ngữ loại hình khác. Mặc dù những đóng góp quan trọng về lí thuyết ngữ âm học phi đoạn, cho đến nay, các nhà ngữ âm Việt Nam dường như vẫn dừng lại ở việc mô tả âm tiết tiếng Việt theo quan điểm "truyền thống", là quan điểm chính thống dưới đây.

3     Hiện nay quan điểm tầng bậc về cấu trúc âm tiết tiếng Việt vẫn còn đang là một thứ quan điểm "chính thống". Đó là quan điểm được trình bày trong cuốn sách giáo khoa về ngữ âm tiếng Việt cuả Đoàn Thiện Thuật (1977). Tác giả trình bày sơ đồ cấu trúc âm tiết trên dưới hai dạng: biểu đồ hình cây và hình hộp. Dưới dạng hình hộp, sơ đồ cấu trúc cuả tác giả cho thấy rõ tính cách bao trùm cuả thanh điệu lên toàn bộ cấu trúc âm tiết:  


       Tác giả chỉ chú trọng lên sơ đồ các âm vị tuyến điệu và phi tuyến điệu kết hợp thành âm tiết mà xem các mối quan hệ là một yếu tố bên ngoài thành phần âm vị. Trong sơ đồ cấu trúc cuả tác giả, những âm tiết khởi đầu bằng một nguyên âm như dạng dưới đây:

 (a)       nguyên âm + thanh:  A !  Ồ !  Ơ ! Uả !
và    (b) nguyên âm + thanh + phụ âm cuối:  Ấy  ! Ối !

được tác giả xem như là các âm tiết có "âm đầu zéro" về mặt biểu hiện ra chữ viết, nhưng tác giả lại cho rằng các âm tiết đó thật ra vẫn có âm đầu - ở đây là âm tắc hầu   / ʔ / đứng làm âm đầu. Một nét khác biệt nưã là thành phần âm đệm cuả âm tiết nay đã trở thành một bộ phận vần cuả âm tiết. Quan điểm về cấu trúc âm tiết tiếng Việt trình bày trong quyển Ngữ Âm Tiếng Việt (1977) đã trở thành quen thuộc trong học giới trong nhiều năm nay. Quyển sách này được xem là một thứ "kinh điển" để tham khảo nghiên cứu và giảng dạy ở trong nước.

IV
       Lướt qua những quan điểm khác nhau về mô hình cấu trúc âm tiết tiếng Việt cuả các tác giả trên đây, có thể thấy rằng chúng phản ảnh đà tiến chung cuả việc nghiên cứu âm tiết nói chung: sự phát triển việc tìm hiểu âm tiết tiếng Việt từ Lê Văn Lý đến nay ghi nhận một sự phát triển từ quan niệm chỉ mô hình hoá những kết hợp cuả các âm vị tuyến tính (nguyên âm và phụ âm), đến sự quan tâm đến những yếu tố phi tuyến tính (thanh, mối quan hệ kết hợp giưã nguyên âm và phụ âm cuối). 

       Tuy nhiên, cho đến nay, các sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt kiểu tầng bậc đều tỏ ra còn lúng túng về một số điểm lớn, khiến cho việc mô tả cấu trúc âm tiết tiếng Việt chưa giàu tính thuyết phục. Những điểm còn cần tìm hiểu thêm có thể quy ra như sau:

1.  âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc, nghiã là một chỉnh thể kết hợp từ những thành phần. Nhưng có bao nhiêu thành phần kết hợp mà thành ? Cho đến nay, các tác giả có thể đồng ý với nhau về ba thành phần căn bản cuả âm tiết tiếng Việt, là thành phần đứng làm âm đầu, âm chính, âm cuối, và thanh điệu. Nhưng khi đi vào phân tích chi tiết, các quan điểm khác nhau là ở vấn đề dưới đây:

2.  âm tiết tiếng Việt có thành phần gọi là âm đệm hay không ? Trả lời câu hỏi này không tránh khỏi việc xem xét lại bản chất cuả hai âm vị thường gọi là bán âm /-u-/ và /-i-/ .

3.  Mối quan hệ giưã các thành phần trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt là mối quan hệ tầng bậc hay là mối quan hệ ngang hàng ? Có thể mô hình hoá vị trí cuả các âm vị tuyến điệu được không ?

       Dưới đây là một số đóng góp thảo luận về ba câu hỏi trên đây. Để trả lời câu hỏi 1, chúng ta sẽ thảo luận về vai trò cuả vần trong cấu trúc âm tiết. Câu hỏi 2 dẫn đến việc xem xét lại hệ thống nguyên âm tiếng Việt  -là loại âm vị đảm nhận vai trò âm chính trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt, và hệ thống phụ âm cuối cuả tiếng Việt.  Câu hỏi 3 sẽ đặt trong phạm vi vấn đề vai trò cuả thanh điệu và mối quan hệ kết hợp bên trong âm tiết.

Vần cuả âm tiết ?

       Khi đưa ra mô hình cấu trúc âm tiết hai bậc (Hình 7, 10 và 11), có tác giả đã lập luận rằng đây là một cấu trúc có thật trong cảm nhận cuả người bản ngữ, và như vậy nó là một cấu trúc tự nhiên (Cao, 1985). Việc nhận biết vần cuả tiếng Việt như vậy là sự nhận biết từ cấu trúc khái quát hoá trong tâm lí cuả người bản ngữ.

       Bảo rằng vần của âm tiết tiếng Việt là một thành phần cấu trúc có thật trong tâm thức của mỗi người bản ngữ có nghiã rằng vần cuả âm tiết không phải là tính cách cuả chính tả, nếu nhớ rằng chữ viết ô vuông cuả tiếng hán và kiểu chữ nôm cuả tiếng Việt trước kia cũng đều không cản trở việc gieo vần trong phép làm thơ phú; mà việc nhận ra vần là một việc cần thiết để có thể tập làm câu đối, làm thơ phú, nghiã là một phần rất quan trọng trong giáo dục trường quy.

       Cảm nhận tự nhiên về 'khuôn vần' trong tâm lí người bản ngữ là một tri giác ngôn ngữ chung cho mọi ngôn ngữ. 'Khuôn vần' âm tiết loại hình ngôn ngữ đơn tiết thì đã được các nhà âm vận học quan tâm ở Trung Hoa và Việt Nam cổ đại. Khuôn vần là phần còn lại cuả âm tiết khi đã tách khỏi âm đầu. Dùng khái niệm ngữ âm ngày nay thì có thể nói: khuôn vần là tập hợp cuả âm chính, âm cuối (hai âm vị tuyến tính) và thanh điệu (âm vị phi tuyến tính) cuả một âm tiết. Sự nhận biết khuôn vần rất can hệ đối với việc gieo vần trong phép làm thơ, vì gieo vần chính là sự thực hành phép hoà phối ngữ âm trong nghệ thuật thi ca vậy. Khái niệm 'khuôn vần' như thế có phần khác với 'vần' trong thuật ngữ ngữ âm phương tây, vì vần cuả âm tiết các ngôn ngữ kia chỉ là kết hợp cuả hạt nhân âm tiết và phần âm cuối, là hai loại âm vị tuyến tính mà thôi.

       Cho dù có đồng nhất hai khái niệm vần cuả âm tiết và 'khuôn vần' trong âm vận học cổ điển phương đông thì vẫn hãy còn một vấn đề cần xem xét: đâu là lằn ranh phân cách khuôn vần và thành phần bên cạnh nó ?  Chúng ta thường cho rằng khuôn vần là phần còn lại cuả âm tiết ở sau phần âm đầu. Ngay trong số các tác giả nghiên cứu ngữ âm loại hình ngôn ngữ Ân Âu cũng đã thấy quan niệm khác về thành phần gọi là hạt nhân âm tiết. Sơ đồ cấu trúc âm tiết cuả họ đã đưa thành phần âm đầu và âm chính vào hạt nhân cuả âm tiết. Vậy thì cấu trúc vần có phải là một cấu trúc cố định, hay chỉ là những kết hợp lâm thời ? Nhưng những cứ liệu tâm lí ngôn ngữ cho thấy là 'khuôn vần' có thể có hơn một lằn ranh phân cách. Trẻ con không quan niệm học vần theo như những quy định truyền thống. Chúng tôi ghi nhận được một số cách ghép vần cuả một số cháu bé Việt Nam, theo những mô hình như sau:

              bà                 ba   -- `         bà
             nhau            nha -- u           nhau
              tênh             tê -- nh            tênh

Hoạt động ghép tiếng cuả trẻ trong trường hợp kể trên là từ một âm tiết mở tiến về một âm tiết khép, đúng theo tiến trình học tập phát âm tự nhiên cuả tâm lí ngôn ngữ.       

       Thưà nhận rằng ý niệm vần là một tri thức tự nhiên, thì cũng không vì thế mà bảo là vần cuả âm tiết tiếng Việt là khối cấu trúc chặt chẽ đối lập với thành phần âm đầu. Hiện tượng nói lắp khiến cho một người Việt có thể nói tiếng lốp thành chuỗi âm /lə-lə-lə-lop/, nhưng một người Nga nói lắp thì có thể nói tiếng lob thành một chuỗi /lo-lo-lo-bə-bə-bə/. Sở dĩ thế là vì lằn ranh phân cách các bộ phận cuả âm tiết không nhất thiết là cố định, và người nói không thể phát âm theo dạng phân xuất C+VC [C: phụ âm-V: nguyên âm] như một người Việt, mà lại phân xuất CV+C (Cao, 1985:194). Vậy thì sự nhận biết vần cuả âm tiết tiếng Việt là thuộc về nhận thức về mặt cấu trúc hay về mặt tâm lí ?

       Khái niệm cấu trúc chìm và cấu trúc nổi cuả Chomsky cho đến nay vẫn chỉ dùng trong ngữ pháp tạo sinh. Nhưng nếu hiểu cấu trúc chìm quyết định ý nghiã cuả câu và cấu trúc nổi hiểu như là yếu tố ngữ âm, thì hai tầng cấu trúc này là những tầng bậc không chỉ riêng gì cho cú pháp, mà là những phạm trù phổ biến cho cả các lĩnh vực khác cuả ngữ pháp. Khái niệm "yếu tố quyết định ý nghiã cuả câu nói" trong ngữ pháp bao hàm ý niệm khái quát về những yếu tố được nhận thức trong hoạt động ngôn ngữ nhưng không minh nhiên biểu hiện trên cấu trúc vật lí cuả âm thanh. Vần là hạt nhân cuả âm tiết, là yếu tố quyết định tính âm tiết cuả âm tiết; do vậy nhận thức về vần nằm ở cấu trúc tâm lí ngôn ngữ (cấu trúc chìm) cuả âm tiết. Trong khi đó, kết hợp âm vị cuả âm tiết dù có phân thành nhiều đẳng trật, vẫn là cấu trúc nổi cuả âm tiết, là những biểu hiện về mặt ngữ âm. Và chính cái cấu trúc nổi đó là đối tượng cuả phân tích ngữ âm-âm vị học. Âm tiết /bàn/  có hai bậc cấu trúc mặt cấu trúc: bậc 1 gồm có thanh huyền T + âm đầu Đ + khuôn vần V, bậc 2 là cấu trúc của vần gồm có âm chính làm hạt nhân N + một âm cuối C, Về mặt ngữ âm, cấu trúc của âm tiết / bàn / chỉ gồm có những thành phần Đ + N +C | T. Hai mô hình âm tiết dưới đây có thể cho thấy sự tương quan giữa hai cấu trúc này:



      Để chứng minh bộ phận vần là một lớp cấu trúc có ý nghiã trong việc phân xuất âm tiết, các tác giả Việt Nam còn thường viện dẫn những phép thay thế thành phần âm vị  cuả âm tiết trong các phép láy từ, phép nói lái, và phép tạo từ với vần /-iek/ mà họ gọi là phép -iêc hoá ( Vũ 1976: 42, Đoàn 1977:84-85, Cao 1985: 194).

       Cả ba phép tạo từ này đều dùng biện pháp thay thế các âm vị trong một âm tiết. Khả năng phân xuất âm vị ở cả mọi thành phần cấu tạo âm tiết trong phép láy từ và phép nói lái cho thấy âm tiết chỉ là một cấu trúc chứ không phải một khối đơn vị âm thanh bất khả phân. Một điểm khá quan trọng liên quan đến phép láy và phép nói lái, là: có thể láy và nói lái cả bốn thành phần cuả âm tiết chứ không chỉ chiết xuất âm đầu và vần theo dạng đối lập C|(VC) mà thôi như các tác giả trên vẫn thường biện luận (Võ,1982: 41-42).

       Trước hết, hãy thử xét phép láy từ. Các sách ngữ âm thường dưạ vào lối phân xuất âm đầu | vần  để nói đến hiện tượng láy bộ phận âm đầu, láy vần, và láy thanh điệu. Trước hết, tách thanh ra khỏi khuôn vần là một thao tác không hợp lí, vì thanh là yếu tố gắn bó với khuôn vần này. Sau nưã là có nhiều từ láy không lắp lại toàn bộ vần mà chỉ một bộ phận của nó thôi: thòm thèm chẳng hạn, không lắp lại âm /e/ mà lại biến âm thành /o/. Xem vậy thì dùng khái niệm vần hay khuôn vần trong khi phân tích hiện tượng láy từ không tránh khỏi lúng túng.

Quan sát các trường hợp láy từ sẽ dễ dàng nhận thấy không phải chỉ có một hai lối, mà có đến bốn cách láy:

       -láy thành phần thanh điệu: bâng quơ (thanh - + -) , lụng thụng (thanh  .+ .)
       -láy thành phần âm đầu: đỡ    >   đỡ đần
       -láy thành phần âm chính: lét  >  leo lét
       -láy thành phần âm cuối: chúm  >  chúm chím

Chúng tôi thấy phải phân xuất âm tiết làm bốn thành phần thì việc phân tích hiện tượng láy trở thành sáng tỏ và rất hệ thống. Bốn thành phần này chính là bốn thành phần cấu thành một âm tiết tiếng Việt vậy. Trong các phép láy từ có phép lặp một thành phần cho thấy rõ tính cách kết hợp bình đẳng cuả các thành phần âm tiết.
     
Đến phép nói lái cũng vậy. Các tác giả giáo khoa ngữ âm tiếng Việt thường dưạ trên sự phân xuất âm đầu | vần để phân tích hiện tượng nói lái.Và họ không cho rằng nói lái con vịt thành vin cọt là hiện tượng bình thường (Đoàn 1977). Thu thập các lối nói lái sẽ có thể nhận ra tính cách nhất quán và hệ thống của phép nói lái, theo đó thì  có tối đa bốn cách nói lái, căn cứ trên sự hoán chuyển vị trí cuả các thành phần cấu thành cuả âm tiết. Chẳng hạn, có thể mượn lại hai ví dụ cuả Cao (1985:194) để thảo luận:

·đi trốn có thể lái thành:  tri đốn (lái âm đầu), đô trín (lái âm chính), đin trố (lái âm cuối), trôn đí (lái thanh điệu);
·lính tây có thể lái thành: tính lây (lái âm đầu), lếnh ti (lái âm chính), lí tênh (lái âm cuối), tấy linh (lái thanh điệu).

Cho nên, có thể nói một các chính xác rằng một ngữ đoạn hai âm tiết có thể láy bốn lối bằng cách chiết xuất một thành phần cuả âm tiết đó.

Tóm lại, tự thân chúng, hai phép láy từ và nói lái chưa đủ để bảo rằng vần có vai trò nào trội hơn trong cấu trúc âm tiết. Có chăng chỉ là dưạ trên căn cứ này để nhận ra rằng âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc gồm bốn thành phần mà thôi. Có nhìn nhận vấn đề như thế mới không lấy làm ngạc nhiên về hiện tượng lái con vịt thành vin cọt mà các tác giả thường trích dẫn, bởi vì đó chỉ là một trong bốn cách hoán vị bốn thành phần âm tiết mà thôi.

        Phép  -iêc hoá trong tiếng Việt là hiện tượng ngữ âm đáng chú ý. Trước hết, là sự kiện lắp nguyên tổ hợp   -iêc để tạo một từ mới thì chỉ là một phép tạo ra một từ mới thuộc nhóm mà Durand gọi là "cảm từ" mới đặc biệt khác. Tổ hợp -iêc có khả năng ghép thành từ kép rất rộng, vượt khỏi lệ đối xứng về phát âm với các thành phần khác, như âm đầu, âm chính, thanh, và phụ âm cuối, lại càng không có trở ngại nào đối với các từ âm tiết mở đi kèm trước nó. Lợi thế về phát âm và kết hợp chính là một lí do vì sao tổ hợp -iêc trở thành một tổ hợp đặc biệt trong phép tạo từ kép. Thật ra thì trên bình diện ngữ âm-âm vị học thuần tuý, chúng ta có hàng loạt đơn vị dưới bậc âm tiết như -iêc, nhưng không vì thế mà phải viện dẫn những phân tích hình vị để nhằm nêu ra tính cách độc đáo cuả hiện tượng -iêc hoá mà các tác giả trường phái Nga đã theo chân Gordina trong bao lâu nay. Một số thí dụ dưới đây có thể là những gợi ý cho những minh hoạ khác về khả năng kết hợp và hoán chuyển âm vị trong cấu trúc âm tiết: đơn vị l- trong "lùm xùm", "lí lắc", "lăng xăng"...,  k- trong "cà chớn", "cà ngơ", "cà ẹo", b- trong "ba trợn", "ba buá", ba lăng nhăng",... trong những mô hình láy từ các phương ngữ miền trong. Khả năng kết hợp rộng cuả một số tổ hợp như tổ hợp -iêc chỉ có thể dẫn đến kết luận khiêm tốn là có một lằn ranh giưã thành phần âm đầu và phần còn lại cuả cấu trúc âm tiết. Nhưng như thế thì chưa đủ để xem lằn ranh giưã âm đầu và phần còn lại là có ý nghiã âm vị học cao hơn lằn ranh phân cách giưã thanh và ba âm vị khác, hoặc giưã các thành phần khác với nhau, như đã thể hiện trong hai phép láy từ và phép nói lái trình bày trên kia.

       Tóm lại, xét trên bình diện ngữ âm-âm vị học, chưa có luận cứ nào có đầy đủ tính cách thuyết phục về vai trò lớn cuả thành phần gọi là vần trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Căn cứ vào những biện giải về phép láy từ, phép nói lái và phép tạo từ với tổ hợp -iêc chỉ cho phép kết luận rằng: âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc gồm bốn thành phần, trong đó hai thành phần làm nên âm tiết tính là không thể thiếu được, đó là âm chính và thanh điệu. Cả bốn thành phần này khi có mặt trong âm tiết thì đều có vai trò và chức năng ngang nhau trong âm tiết, mà phép láy từ và phép nói lái là những thể hiện các lối hoán chuyển vị trí các thành phần cuả cấu trúc âm tiết mà thôi.

Có âm đệm trong âm tiết tiếng Việt hay không ?

       Các công trình mô tả ngữ âm tiếng Việt trước nay thường tranh luận nhiều về một đơn vị ngữ âm thường xuất hiện giưã âm đầu và âm chính cuả âm tiết. Qua sự phân tích trên đây thì có thể thấy cấu trúc âm tiết bao gồm bốn thành phần.  Nếu như vậy thì chỗ đứng cuả một thành phần gọi là âm đệm thường được nhắc đến trong các sách giáo khoa trước đây là ở đâu? Vấn đề được đặt ra ở đây là: âm tiết tiếng Việt có một thành phần nằm giưã âm hai phần âm đầu và âm chính hay không ?

       Đây là một vấn đề còn đương gây nhiều tranh cãi giưã các tác giả khi miêu tả âm vị học tiếng Việt. Có thể ghi nhận được ba giải thuyết chính về vấn đề này.

(1)   Hiện tượng thần âm hoá (môi hoá): Lê Văn Lý (1948, 1968) cho rằng hiện tượng chúm môi đi kèm với âm đầu là tính cách cuả âm đầu, và ông cho đó là hiện tượng "thần âm hoá" (labialisation). Tác giả cho rằng hầu hết các phụ âm đầu đều có hiện tượng thần âm hoá, và là một tính cách cuả phụ âm đầu chứ không phải là một nét khu biệt làm cho một phụ âm đầu có thể trở thành hai âm vị đối lập nhau về tính cách, chẳng hạn /t/ đối lập với /tw/.

 (2) Âm /w/ là bộ phận cuả một thành phần âm tiết: Phần đông các tác giả đều cho hiện tượng chúm môi đó là hiệu quả cuả một bán âm / -w- /  chen giưã phụ âm đầu và nguyên âm. Emeneau (1951) xem âm /w/ là một âm vị hẳn hoi. Tuy nhiên, ông cho rằng có thể xem vai trò cuả / w/ này là một vai trò nước đôi: hoặc là một phần cuả hạt nhân âm tiết, hoặc cũng có thể là một phần cuả cụm âm đầu. 
    
       Cũng xem hiện tượng chúm môi này là hiện tượng 'môi hoá', các tác giả khác (Hoàng et al., 1962) lại kết hợp với quan điểm thứ nhì mà cho là chúng có tính cách nước đôi: có thể xem như là một tính cách cuả âm đầu, hoặc là một thành phần trước âm chính.  Tác giả đưa ra công thức cuả âm tiết không có phụ âm đầu là WV, trong đó /w-/ là một âm vị đảm nhận vai trò như một âm đầu cuả âm tiết.

       Bán âm này thuộc về âm đầu hay âm chính cuả âm tiết ? Ý kiến cuả các nhà nghiên cứu khá phân tán: có ý kiến cho bán âm /-w-/ thuộc về âm đầu (Thompson 1965); những người khác lại xem bán âm /-w-/ là một âm vị riêng kèm theo sau phụ âm đầu (Hoàng & Hoàng 1975).

(3)   Âm chúm môi /-w-/ là âm vị độc lập, làm thành phần cuả âm tiết: một số các nhà nghiên cứu trường phái Nga (Đoàn 1977), cho rằng âm /w/ là một âm vị riêng, có chức năng vai trò riêng trong âm tiết tiếng Việt: đó là những âm đệm nằm giưã thành phần âm đầu và âm chính cuả âm tiết. Và vì vậy, những âm tiết nào không có âm đệm thì chỉ là vì chúng có 'âm đệm zero' (Đoàn 1977:187).

       Xem thế thì ý kiến cuả các nhà ngữ âm về vấn đề bán âm (hay âm đệm) /w/ rất khác biệt. Mỗi giải thuyết đều để lại rất nhiều vấn nạn chưa có giải đáp.

       Trước hết, xem /-w-/ là một hiện tượng thần âm hoá (môi hoá) mới chỉ là dưạ trên sự cấu âm mà chưa giải đáp rõ hơn để xác định hiện tượng cấu âm này là hiện tượng chính hay chỉ là phụ thứ. Nếu là hiện tượng ngữ âm chính và là một nét khu biệt cuả âm đầu hay âm chính, thì chúng phải được đưa vào hệ thống phụ âm đầu hay nguyên âm; nếu chỉ là hiện tượng ngữ âm phụ, một nét hoa mĩ cuả các âm đầu hay âm chính mà thôi, và như thế thì chúng không phải là thành phần âm tiết. Nói khác đi, giải thuyết thứ nhất không làm sáng tỏ vai trò cuả âm /-w-/ trong âm tiết.

       Quan điểm ngược lại, xem /w/ là thành phần cuả âm đầu cũng không đủ sức thuyết phục, vì lằn ranh giưã âm đầu và âm chính trong một số âm tiết cho thấy là hiện tượng chúm môi không nhất thiết thuộc về âm đầu: b-âng kh-uâng, l-ay h-oay, s-ượng s-ùng, th-uế th-iếc, l-ẩn q-uẩn.... Một luận điểm khác cuả quan điểm này là sự biện biệt giưã âm    /-w-/ trong âm tiết " quá"  / kuá / và "cuá" / kuó /. Tác giả cho rằng đó là hai âm vị khác nhau: âm /-u/ trong tổ hợp / -ua/ là một âm đệm, vì nó là một âm yếu hơn nguyên âm chính, và vì tính cách kết hợp cuả nó không bền vững mà có thể bị tách khỏi kết hợp (trong phép nói lái và -iêc hoá, âm /u-/ có thể tách khỏi tổ hợp /ua/). Trong khi đó thì âm / u-/ trong tổ hợp /uo/ là yếu tố cuả một âm đôi, vì nó có hai tính cách ngược hẳn: tính bền vững trong kết hợp, và là một âm tố mạnh cuả tổ hợp. (Đoàn 1977:186, 197).

       Những biện giải về tính bền vững cuả các tổ hợp /ie/, /ươ/, /uo/, và về tính mạnh yếu cuả âm /-u-/ trong các tổ hợp này và các tổ hợp âm chúm môi khác có thể là những ý kiến cần phải xem xét lại, vì không sát với thực tế. Thật ra, dữ kiện thực nghiệm đều xác nhận ý kiến cuả Lê Văn Lý là xác đáng: ông cho rằng yếu tố thứ nhì trong các tổ hợp /ie/, /ươ/, /uo/ là những yếu tố cảm nhiễm thanh mạnh hơn (Lê 1948:44). Âm /-w-/ trong hai kết hợp /ua/ và /uo/ không có gì khác nhau cả: đường biểu diễn âm tiết đều cho thấy đỉnh cao cuả âm tiết là nguyên âm thứ nhì, trong khi âm /-w-/ chỉ là một đỉnh thấp hơn. Những cứ liệu thực nghiệm do chúng tôi thực hiện không cho thấy nét khác biệt về tính cách đệm hay tính cách âm đôi cuả âm /-w-/ này (Hình 13).

       Bảo rằng kết hợp cuả /-u/ trong các tổ hợp /ie/, /ươ/, /uo/ là bền vững hơn các tổ hợp hai nguyên âm khác cũng thiếu cơ sở: trong phép láy, phép nói lái, phép -iêc hoá đều cho thấy là âm /u/ có thể bị tách ra  khỏi tổ hợp như trong các tổ hợp khác:

·phép láy: lẩn quẩn = luẩn quẩn, lay hoay = loay hoay;
·phép nói lái: qua đấy    quây đá - ca đuấy... ; cua đá      > ca đuá - qua đố
·phép -iêc hoá:  thuế thiếc - * thuế thuyếc, nước niếc - * nước nuyếc, cua kiếc - *cua quyếc

       Tính cách tương đồng này không chỉ giưã hai âm /-w-/ đang bàn ở đây, mà còn phổ biến ở mọi tổ hợp hai nguyên âm tiếng Việt.[1]  Tất cả các cứ liệu thu nhặt được đều cho phép chúng tôi xem xét lại bản chất cuả âm thường gọi là bán âm /-w-/ và cả /-i-/ nưã.

       Những luận điểm trên đây cuả các tác giả đi trước hầu hết đã bị ảnh hưởng cuả lối nhìn nhận cuả ngữ âm học phương tây, mà ý kiến cuả Emeneau (1951) đã phản ảnh một cách đầy đủ. Tuy vậy, ít ra Emeneau còn tỏ ra phân vân nước đôi, mặc dù ông đã cố gắng nhiều để thoát ra ảnh hưởng cuả lối nhìn nhận âm tiết tiếng Việt theo quan điểm tây phương. Ông vưà nhận ra tính cách trượt từ âm đệm /w/ sang một nguyên âm thứ nhì ở vị trí trọng âm (các âm xếp vào loại từ âm sau-cao-tròn sang âm sau-không tròn- hay âm trước-không tròn:hoặc các âm ông gọi là âm ba lên-xuống  nhưng ông lại cho rằng âm/-w-/ trong các tổ hợp / uâ, ươ/ là một âm mạnh. Chỉ có thể cắt nghiã rằng việc cảm nhận phát âm cuả một người nước ngoài đã dẫn tác giả đến những mâu thuẫn này.

       Một điểm vướng khác cuả lối nhìn hiện tượng /-u-/ như là một bán âm cuả phương tây, là các tác giả đều cố ý bỏ sót một 'bán âm' khác: /-i-/. Bán âm trong ngữ âm học là gì ? Đó là những âm rất phụ nhưng lại không đủ tính cách cuả một phụ âm mà lại rất gần tính cách một nguyên âm. Khi phát âm thì bán âm trượt nhanh từ một vị trí phát âm rất phụ và rất yếu đến vị trí  một nguyên âm. Bán âm thường là / w / và / i /. Nhưng các bảng mô tả bán âm tiếng Việt thường cố tình quên bán âm trước / i / này. Một nhược điểm khác nưã mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài viết về nguyên âm[2], là các tác giả Việt Nam đều bị ảnh hưởng cuả lối phân tích nguyên âm kép (dipthong) theo nhãn quan phương tây, vốn xuất phát từ tập quán ngôn ngữ Ấn-Âu. Chính lối nhìn khiên cưỡng như thế đã hơn một lần dẫn nhà nghiên cứu đến một thủ pháp khiên cưỡng khác là xem những hiện tượng lạc ra ngoài mô hình cuả họ là 'âm vị zero'!

       Chúng tôi căn cứ trên cứ liệu thực nghiệm để đề nghị một giải thuyết mới về vai trò cuả các 'bán âm' ( hay 'âm đệm') [3], dưạ trên một lối nhìn nhận khác với tập quán ngôn ngữ phương tây. Vì thế mà chúng tôi đề nghị ở đây một mô hình cấu trúc âm tiết tiếng Việt đã không có thành phần thứ năm là các 'âm đệm'. Chúng tôi xem hiện tượng gọi là bán âm hoặc phụ âm cuối tròn môi / u-/ hoặc bẹt / i-/ không phải là một đơn vị âm vị học độc lập với hệ thống nguyên âm và hệ thống phụ âm cuối, và do đó không thể xem là một thành phần riêng rẽ cuả cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Các âm này chính là một yếu tố làm thành một nguyên âm kép trượt tăng dần [4]. Trong âm tiết, các nguyên âm trượt tăng dần này hoàn toàn có giá trị một âm vị làm thành âm chính cuả âm tiết.

Thành phần âm chính có bao nhiêu âm vị ?

       Một vấn đề đáng đặt ra cho ngữ âm tiếng Việt, là: tới chừng mức nào thì nguyên âm được thưà nhận là một âm vị ? Nói cách khác, những tổ hợp nhiều nguyên âm trong một âm tiết là một âm vị hay nhiều hơn ? Để trả lời câu hỏi đặt ra trên kia, trước hết cần lưu ý một điều là rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới đều có hiện tượng nguyên âm ngắn và nguyên âm dài. Về mặt âm học, thì một nguyên âm dài dài xuýt xoát gấp đôi một nguyên âm ngắn, cho dù là tính cách cuả sự khác biệt còn tuỳ thuộc vào các yếu tố ngữ âm khác trong lúc phát âm.

       Nếu vấn đề dài/ngắn cuả một nguyên âm là hiển nhiên, thì vấn đề nguyên âm đơn hay nguyên âm kép sẽ có được nhìn nhận cùng một cách ? Nguyên âm kép - hay có tác giả gọi là nhị trùng âm (Lê, 1968)- thường được hiểu là "hai nguyên âm đi liền nhau, phát âm cùng lúc như là một nguyên âm". Hiểu như thế thì mỗi nguyên âm trong tổ hợp nguyên âm kép là "một nưả" nguyên âm. Một điểm rất đáng chú ý khác là nguyên âm thứ nhất thường chuyển nhanh sang nguyên âm thứ nhì. Một phần tử cuả tổ hợp nguyên âm kép luôn luôn ở vị trí mạnh hơn phần tử kia. Nếu yếu tố đứng trước mạnh hơn , như trong các tổ hợp / aj / trong tiếng Anh, thì người ta gọi là nguyên âm kép giảm dần. Tuy vậy, cũng có những ngôn ngữ lại có nguyên âm kép tăng dần, như tổ hợp / ia /, trong đó yếu tố / a / mạnh hơn.

       Tình hình nghiên cứu về những kết hợp nguyên âm với hai âm /w/ và /i/ ở trước hay ở sau nó cũng có nhiều giải thuyết khác nhau. Đối với kết hợp /w/ và /i/ ở sau nguyên âm, chúng tôi xem chúng là hai phụ âm cuối, dưạ trên tính cách phụ âm rõ rệt cuả chúng. Đối với những kết hợp trước nguyên âm khác, chúng tôi nhất loạt xem hai âm này là nguyên âm thứ nhất trong tổ hợp nguyên âm kép. Chúng tôi căn cứ vào sự phân bố thống nhất cuả các kết hợp / w / + nguyên âm trong tiếng Việt là một hiện tượng nằm trong quy luật hoạt động phổ biến cuả nguyên âm trong mọi ngôn ngữ: hiện tượng tổ hợp nguyên âm ( kép) trượt-tăng dần, và cho rằng nét khu biệt cuả những kết hợp này khá thống nhất trong phần âm chính cuả âm tiết. Các tổ hợp nguyên âm tăng dần có cùng tính cách và giá trị âm vị học như nhau cuả một nguyên âm kép, từ mô hình kết hợp đến trường độ phát âm. Chẳng hạn, cứ liệu thực nghiệm không cho thấy khác biệt nào giưã các tổ hợp hai nguyên âm / ie, ươ, uo /, và các tổ hợp khác mà các nhà ngữ âm thường xem là một bán âm + nguyên âm: / ua, ue, uie /. Tất cả những đường nét cuả các nguyên âm kép đều cho thấy phần mang âm tiết tính đều có hai đỉnh cao: một đỉnh cuả nguyên âm thứ nhất, và một đỉnh cao hơn tiếp ngay sau đó là cuả nguyên âm thứ nhì. Khi đến đỉnh cao thì âm tiết bắt đầu khép lại.
       Cho nên đưa tất cả những tổ hợp hai nguyên âm vào nhóm các tổ hợp nguyên âm kép là một việc hợp lẽ. Một kết luận khác rút ra từ những thảo luận trên đây, là: dù là nguyên âm đơn hay nguyên âm kép, nguyên âm ngắn hay dài, các âm vị này chỉ là một âm vị duy nhất đảm nhận thành phần âm chính trong cấu trúc âm tiết. Kết luận thứ ba là: vì không có loại âm vị gọi là bán âm trong tiếng Việt nên cũng không có thành phần gọi là âm đệm trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Sơ đồ cấu trúc âm tiết đề nghị ở đây không có đơn vị gọi là âm đệm độc lập, hoặc xem là tiền âm chính -hiểu như một tính cách cuả âm đầu.

Tóm lại, mỗi âm tiết tiếng Việt gồm có bốn thành phần âm vị học. Bốn thành phần cuả cấu trúc âm tiết tiếng Việt sẽ có giá trị âm vị học như nhau. Âm tiết tiếng Việt được sắp xếp theo cấu trúc như sau:

       Mỗi thành phần của âm tiết sẽ do một âm vị đảm nhận:

thành phần âm đầu: do một phụ âm đầu đảm nhận;
thành phần âm chính làm nên phần hạt nhân của âm tiết, do một nguyên âm đảm nhận;
thành phần âm cuối do một phụ âm cuối đảm nhận;
thành phần thanh điệu: do một thanh đảm nhận. 

       Có thể lập lại sơ đồ trên dưới dạng công thức như sau, trong đó các thành phần âm tiết được biểu hiệu bằng các nhánh hình cây và một ô trong sơ đồ hình chữ nhật:


  
     Sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt trên đây cho thấy bốn thành phần có vai trò chức năng ngang nhau trong việc xác định âm tiết. Trong bốn âm vị thì ba âm vị: phụ âm đầu, nguyên âm và phụ âm cuối là những âm vị tuyến tính, nghiã là phát âm tương đối theo trật tự trước sau, và khi phân tích âm tiết, chúng cũng được phân cách theo thứ tự cấu thành âm tiết. Ngược lại, thanh là một âm vị phi tuyến tính, vì nó có mặt ngay lập tức cùng với khi phát ra âm tiết, và do vậy tính cách cuả thanh là bao trùm toàn thể âm tiết. Sơ đồ cấu trúc âm tiết trong hình 17 dưới đây là một cách thể hiện khác, có thể cho thấy sự phân biệt hai loại âm vị đảm nhận thành phần âm tiết.

      
     
  Âm tiết tiếng Việt không thể thiếu hai thành phần chính yếu làm nên âm tiết tính cuả nó, là: âm chính, và thanh điệu. Âm chính có thể gồm ít nhất một nguyên âm, hoặc là một tổ hợp nguyên âm. Âm tiết "nguyệt" ŋuiẹt / có sơ đồ cấu trúc như sau :       
                
       Câu:' A ! Mẹ về ! ', khi phát ngôn, cho ba âm tiết như trong đồ hình dưới đây:

        Như thế, trong một âm tiết tiếng Việt có bốn thành phần âm vị. Đó là một cấu trúc phổ biến và ổn định.

Các kiểu cấu trúc âm tiết tiếng Việt

       Sơ đồ cấu trúc như trình bày ở Hình 17 trên kia được xem là mô hình cấu trúc đầy đủ nhất. Trên thực tế thì một âm tiết tiếng Việt có thể biểu hiện ra dưới một trong bốn dạng thức:

(a)   âm tiết gồm âm chính + thanh: đây là một dạng âm tiết mở, trong đó âm chính        không bị phụ âm cuối cản trở làn hơi;

(b)   âm tiết gồm âm chính + âm cuối + thanh: đây là dạng âm tiết khép, trong đó phụ âm cuối có mặt để khép làn hơi nói ở cuối mỗi âm tiết.

(c)   âm tiết gồm âm đầu + âm chính + âm cuối + thanh: đây là một dạng âm tiết mở khác bắt đầu với một phụ âm đầu trước khi phát ra âm chính;

(d)   âm tiết gồm âm đầu + âm chính + âm cuối + thanh: đây là dạng âm tiết khép với đầy đủ bốn thành phần cuả một âm tiết tiếng Việt.

       Trong tất cả bốn kiểu kết hợp trên đây, âm chính và thanh là thành phần bắt buộc phải có để âm tiết có âm tiết tính. Tiếng Việt không có dạng âm tiết cấu tạo toàn phụ âm -dù là phụ âm vang như tiếng Tiệp chẳng hạn.

       Theo như bốn mô thức thể hiện âm tiết tiếng Việt trên đây, chúng ta có thể thấy là, tuỳ theo vị trí quan sát,  âm tiết tiếng Việt có hai loại cấu trúc lớn.

       Bốn dạng âm tiết tiếng Việt có thể tóm tắt trong mô hình dưới đây:
  

        
Nếu xét tiêu chí có hay không có âm đầu, âm tiết tiếng Việt có thể có hai loại cấu trúc:

I/     Âm tiết không có âm đầu: loại cấu trúc này bao gồm các dạng cấu trúc (a) và (b) trong hình 19.

II/    Âm tiết có âm đầu: loại cấu trúc này bao gồm các dạng cấu trúc (c) và (d) trên kia.

       Nếu xét tiêu chí có hay không có âm cuối, âm tiết tiếng Việt lại có thể có hai loại cấu trúc như sau:

1. Âm tiết mở: là những âm tiết không có thành phần âm cuối, và bao gồm các dạng (a) và (c) trong hình 19.

2. Âm tiết khép: là những âm tiết có thành phần âm cuối, và gồm các dạng cấu trúc (b) và (d) trên kia.

VI
       Âm tiết tiếng Việt không chỉ là sự kết hợp cuả các âm vị tuyến tính, mà còn các yếu tố phi tuyến tính cũng làm nên nét đặc trưng có ý nghiã cuả âm tiết.

Quan hệ kết hợp giưã nguyên âm và phụ âm cuối

Hai âm tiết / tan / và / tăn / đều có bốn âm vị giống nhau. Trong trường hợp này, mối quan hệ kết hợp giưã nguyên âm /A/ với phụ âm cuối /n/ làm nên sự khác nhau giưã hai âm tiết này.
       Quan hệ giưã nguyên âm và phụ âm cuối có thể là mối quan hệ chặt hay lỏng mà cho âm sắc khác nhau cho âm tiết. Hai âm tiết lùm xùm / lù:m sù:m/ (kết hợp lỏng), mà cũng có thể phát âm thành / lùm sùm / (kết hợp chặt). Cả hai kết hợp đều là kết hợp có ý nghiã trong tiếng Việt, vì nó tạo hai âm sắc khác nhau cuả hai phương ngữ bắc và nam. Có khi hai kết hợp tạo nên hai âm tiết khác nghiã hẳn: tám / tám/ và tắm / tắm / là hai âm tiết khác hẳn nhau chỉ từ một yếu tố quan hệ kết hợp - là yếu tố phi tuyến tính. Đây chính là lí do khiến Hoàng & Hoàng (1975) đưa quan hệ kết hợp vào sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt, xem như là một âm vị điệu tính có ý nghiã, bên cạnh các âm vị tuyến tính và thanh điệu.

       Sơ đồ cấu trúc âm tiết mà chúng tôi trình bày ở đây không đưa quan hệ này thành một yếu tố cấu tạo âm tiết, vì lẽ rằng trong nội bộ âm tiết tiếng Việt, có nhiều mối quan hệ khác nưã: quan hệ giưã thành phần âm đầu và thành phần âm chính, quan hệ kết hợp trong nội bộ thành phần âm chính, quan hệ giưã phụ âm cuối và thanh. Những yếu tố phi đoạn này cuả cấu trúc âm tiết có tính cách khác với thanh điệu, là yếu tố phi đoạn khác có ý nghiã âm vị học nổi bật. Vả chăng, các mối quan hệ này đều đã được biểu hiện bên cạnh các yếu tố đoạn tính: chẳng hạn quan hệ chặt giưã nguyên âm và phụ âm cuối thường biểu hiệu qua một nguyên âm ngắn hay một phụ âm cuối chặt. Âm tiết  anh ŋk/ khác âm tiết eng ɛŋk / qua phát âm và qua các đồ vị khác nhau.

       Vì thế sơ đồ cấu trúc âm tiết bốn thành phần đã chỉ ghi nhận thanh là một yếu tố phi tuyến tính có ý nghiã ở cấp âm tiết mà thôi.
      
Vị trí của thanh điệu trong cấu trúc âm tiết

       Cho đến nay có thể nhận ra hai cách nhìn nhận vai trò cuả thanh điệu trong âm tiết: hướng thứ nhất xem thanh điệu là một yếu tố ngôn điệu, tạo âm sắc cho âm tiết nhưng không phải là một thành phần cấu thành âm tiết. Lối nhìn nhận thứ hai xem thanh điệu là yếu tố phi tuyến tính cuả âm tiết bên cạnh các yếu tố tuyến tính khác, và như thế thì thanh là một thành phần cấu tạo cuả âm tiết tiếng Việt. Hai hướng nhìn nhận sẽ dẫn đến hai quan điểm khác nhau về cấu trúc âm tiết.

       Quan niệm rằng thanh là yếu tố ngôn điệu là căn cứ trên tính cách tạo âm sắc cho âm tiết. Đây là nét đặc trưng cuả âm tiết loại hình ngôn ngữ đa tiết, trong đó các âm vị tuyến tính kết hợp với nhau. Đó là những kết hợp ổn định và làm nên nét khu biệt cuả âm tiết này với âm tiết khác. Trong khi đó thì yếu tố ngôn điệu như trọng âm câu nói có thể thay đổi tuỳ theo ngữ cảnh, cho nên chỉ được xem là yếu tố tạo âm sắc cho âm tiết mà thôi. So sánh ba lối nhấn trọng âm trong cùng một câu nói ngắn dưới đây:

Thanh cuả tiếng Việt không thế. Mỗi âm tiết chỉ có thể mang một thanh ổn định, tạo nên nét khu biệt cuả âm tiết. Thanh là một yếu tố gắn liền với âm tiết, và không thể tuỳ tiện thay đổi nó mà không làm mất nét khu biệt cuả nó bên cạnh các âm tiết khác.

       Nhìn lại các sơ đồ cấu trúc âm tiết trên kia, có thể thấy những cố gắng để làm bật lên tính cách riêng cuả thanh trong âm tiết tiếng Việt, từ chỗ nó chỉ là yếu tố bên lề, thanh đã được nhìn nhận như một âm vị cuả âm tiết, có chức năng âm vị học rõ rệt.

       Một đặc trưng khác cuả thanh là nó gắn vào yếu tố âm tiết tính cuả âm tiết, tức là nguyên âm. Và cũng là một sự kiện có ý nghiã khi hệ thống chữ viết tiếng Việt hiện nay đánh dấu thanh lên nguyên âm -là đỉnh âm tiết. Tuy vậy, định vị trí cho nó trong cấu trúc âm tiết lại đang còn là một vấn đề chưa ngã ngũ. Có ít nhất là hai giải thuyết chính về vai trò thanh điệu trong âm tiết tiếng Việt:

       (a) Thanh là yếu tố cuả âm chính: Nguyễn Bạt Tuỵ (1949:63) cho rằng thanh là yếu tố cuả âm chính. Ông cho rằng thanh nhiễm vào phần âm chính cuả âm tiết, hơn nưã vào nguyên âm mạnh cuả âm chính.

       (b) Thanh là yếu tố cuả âm tiết: Lê Văn Lý (1948) cho rằng thanh điệu là yếu tố thuộc về ngôn điệu, và mỗi âm tiết chỉ có thể mang một thanh như là một yếu tố quyết định tính cách thoả đáng cuả một âm tiết, vì nó làm nên ý nghiã cuả âm tiết. Lê Văn Lý cũng là người có đóng góp quan trọng khi ông khẳng định là thanh nhiễm mạnh trên nguyên âm mạnh trong các tổ hợp nguyên âm kép tăng dần. Do đó khi viết dấu thanh phải đặt trên nguyên âm mạnh. Tưởng cũng cần ghi nhận là trong Lê (1968), tác giả lại xem thanh là yếu tố cảm nhiễm vào thành phần âm chính cuả âm tiết mà thôi.

       Các nhà nghiên cứu khác (Cao 1975, Đoàn 1977, Nguyễn 1978) đều theo chủ trương là thanh là yếu tố cuả âm tiết chứ không phải chỉ là yếu tố cuả âm chính.

       Những cứ liệu thực nghiệm ngữ âm cho thấy là thanh nhiễm vào phụ âm đầu rất yếu ớt so với phần còn lại cuả âm tiết. Thanh "nhiễm" mạnh nhất ở đỉnh âm tiết và còn gắn vào cả âm cuối nưã. Khi phát âm một âm tiết nào đó, chỉ số đo độ cao cuả phần cuối âm tiết trước khi dứt âm tiết xác nhận điều đó. Điểm này có ý nghiã hơn khi đối chiếu với những phân tích xác đáng dưạ trên cứ liệu ngữ âm lịch sử (Haudricourt 1954, in lại trong 1972): thanh cuả tiếng Việt hình thành khi âm tiết tiếng Việt cổ rụng các phụ âm cuối tắc hầu/ Z /, âm xát / s /, và âm hầu / h /. Có thể căn cứ trên hiện tượng chuyển đổi phụ âm cuối sang thanh để tìm hiểu tính nhiễm thanh cuả phụ âm cuối không?  Võ Bình  (1982:42-44) đưa ra một giải thuyết về tính nhiễm thanh tăng dần từ thành phần âm đầu sang âm cuối, như diễn tả trong sơ đồ dưới đây:       

       Tác giả có viện dẫn sự hiệp vần trong thơ (với sự biệt loại "vần thông" và "vần chính") chứng tỏ trật tự tăng dần các kiểu kết hợp các thành tố đứng cuối âm tiết nếu đi từ "vần ép" đến "vần thông", rồi "vần chính". Thiết tưởng dưạ trên phụ âm cuối để so sánh giá trị hiệp vần thi ca để nói về trật tự tăng dần các kiểu kết hợp các thành tố đứng cuối âm tiết chỉ là một cách nhìn, bởi vì cũng có thể từ hiện tượng này mà nói đến vai trò chủ đạo cuả âm chính, bởi vì sự hiệp vần trong thi ca phải là sự hoà phối cuả khuôn vần -nói theo thuật ngữ âm vận học thời cổ điển.  Tác giả cũng dưạ trên một lí luận giả định để cho rằng các phụ âm cuối cổ rụng đi để trở thành thanh, rồi thanh lại tác động lại các âm vị tuyến tính gần nó (?), và ông cho rằng thanh nhiễm mạnh dần từ thành phần kết hợp tuyến tính từ đầu đến cuối âm tiết.  Tuy vậy, chính tác giả cũng thấy rằng sơ đồ như trên thích hợp nhất với âm tiết khép; đối với các âm tiết mở thì còn cần xem xét thêm. Nói cách khác, cách giải thích cuả tác giả về mối quan hệ giưã thanh và các thành phần âm vị tuyến tính chưa đủ tính thuyết phục về cái trật tự tăng dần sự kết gắn giưã các thành tố cuối âm tiết. 

       Tóm lại vai trò cuả thanh trong âm tiết là một vấn đề cho đến nay chưa được giải quyết cặn kẽ. Nghiên cứu thực nghiệm ngữ âm có thể là cơ sở để có những kết luận rõ ràng thêm nưã về chức năng cuả thanh trong kết hợp âm tiết. Là một âm vị tuyến tính, thanh không chỉ tác động lên một âm vị tuyến tính nào mà là yếu tố tạo âm sắc chung cho cả âm tiết. Tuy vậy, âm chính vẫn là thành phần âm tiết "nhiễm" thanh ở mức độ cao nhất. Âm đầu và âm cuối không có đầy đủ âm lượng để có thể "nhiễm" thanh mạnh hơn âm chính được. Khi kéo dài một âm tiết, có hiện tượng thanh gắn rõ nét ở âm cuối nếu so với âm đầu. Nhưng âm lượng ở giai đoạn khép âm tiết đã giảm rất nhiều rồi, khó mà có thể nói đến sự kết hợp chặt dần ở phiá cuối âm tiết với hàm ý rằng thanh nhiễm mạnh vào âm cuối. Thanh nhiễm mạnh nhất là ở đỉnh âm tiết, và chỉ ở đỉnh mà thôi. Nếu âm tiết khép có các phụ âm cuối /p, t, k/ chỉ mang thanh sắc và nặng, là vì những phụ âm đó phát ra đều kèm theo hiện tượng nghẽn thanh hầu, như hai thanh sắc và nặng.


VII
      
       Cấu trúc âm tiết tiếng Việt đã được mô tả theo nhiều quan điểm khác nhau, từ quan điểm phân lập chỉ chú trọng đến yếu tố tuyến tính đến quan điểm không phân lập, rồi quan điểm phân lập theo tầng bậc có bao gồm yếu tố điệu tính là thanh. Xem xét lại các quan điểm mô tả cấu trúc âm tiết, chúng tôi đã chọn mô hình bốn thành phần đẳng lập.

       Sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt mà chúng tôi đề nghị ở đây bao gồm trước hết là có cả hai yếu tố đoạn tính và phi đoạn tính, thể hiện sự phân nhánh trong sơ đồ hình cây. Trong sơ đồ hình chữ nhật, yếu tố phi tuyến tính được trình bày ở một ô riêng biệt đặt trên hoặc dưới tổ hợp tuyến tính:

                                                                 
Trong sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt trên có tối đa ba thành phần âm vị tuyến tính: âm đầu, âm chínhâm cuối. Vị trí cuả các âm vị được sắp xếp theo thứ tự chúng xuất hiện trong cấu trúc âm tiết. Sắp xếp theo hình cây như thế thì chưa làm bật lên được vai trò cuả âm chính trong cấu trúc âm tiết. Sơ đồ cấu trúc hình chữ nhật thể hiện sự kiện này rõ hơn, khi đồ vị thanh được đặt trong một khung trải dài suốt trật tự các âm vị tuyến tính, ngay vị trí đồ vị nguyên âm.

       Mô hình âm tiết đề nghị ở đây thể hiện được tính hệ thống nhất quán cuả cấu trúc âm tiết tiếng Việt, và đồng thời tỏ ra đơn giản hơn những mô hình tầng bậc trước đây. Cũng là điều thú vị khi nhận ra rằng khoa học thật ra cũng không phải là đối lập với giản dị.

                                  Đoàn Xuân Kiên
   tập san Hợp Lưu số 48 (th. 8 & 9/1999), tr. 22-54.

Thư mục



Về tiếng Việt
Cao, Xuân Hạo (1975) "Le problème du phonème en vietnamien" in Études Vietnamiennes No: 40: Essais Linguistiques. Hà Nội: Xunhasaba, pp. 98-127.
Cao, Xuân Hạo (1985) Phonologie et Linearité. Paris: SELAF.
Đinh, Lê Thư (1982) "Bàn về âm tắc thanh hầu mở đầu âm tiết tiếng Việt" Ngôn Ngữ số 3 (1982), tr. 47-51.
Đoàn, Thiện Thuật (1977), Ngữ Âm Tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. ĐH & THCN.
Emeneau, M.B. (1951) Studies in Vietnamese (Annamese) Grammar. Berkeley & Los Angeles: University of California Press.
Hoàng, Tuệ (1962) "Hệ thống ngữ âm và ngữ pháp tiếng Việt" trong Hoàng Tuệ et. al.(1962),      Giáo Trình về Việt Ngữ (sơ thảo), tập I. Hà Nội: Nxb. Giáo Dục.
Hoàng, Tuệ & Hoàng Minh (1975) "Remarques  sur  la structure phonologique du vietnamien"  in Études Vietnamiennes No: 40 : Essais Linguistiques. Hà Nội: Xunhasaba, pp. 66-98.
Lê, Văn Lý (1948) Le Parler Vietnamien. Paris: Hương Anh Imp.
Lê, Văn Lý (1968) Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam. Saigon: Trung Tâm Học Liệu.
Nguyễn, Bạt Tuỵ (1949) Chữ và Vần Việt Khoa Học . Sài Gòn: Ngôn Ngữ.
Nguyễn, Bạt Tuỵ (1959) Ngôn Ngữ Học Việt Nam. Sài Gòn: Ngôn Ngữ
Nguyễn, Phan Cảnh (1978) " Bản chất cấu trúc âm tiết tính của ngôn ngữ: dẫn luận vào một miêu tả không phân lập đối với âm vị học Việt Nam" in Ngôn Ngữ số 36 (2.1978), pp. 5-18.
Nguyễn, Quang Hồng (1976) "Âm tiết tiếng Việt, chức năng và cấu trúc của nó" in Ngôn Ngữ
số 29 (3. 1976), pp. 29-36.
Thompson, Laurence (1965) A Vietnamese Grammar. Seattle: Uni. of Washington Press.
Võ, Bình (1982) "Vài ý kiến bàn thêm về âm tiết tiếng Việt" in Ngôn Ngữ  số 52(2.1982), pp. 38-48.
Vũ, Bá Hùng (1976) "Vấn đề âm tiết của tiếng Việt" in Ngôn Ngữ số 29 (3.1976), pp. 37-45.

Các sách khác
Blevins, Juliette (1995) "The syllable in phonological theory" in Goldsmith, John (ed.) (1995) The Handbook of Phonological Theory. Oxford: Blackwell, pp. 206-244.
Bloomfield, Leonard (1935), Language. London: George Allen & Unwin.
Chomsky, N. & Halle, M. (1968) The Sound Pattern of English. New York: Harper & Row.
Clements, Georges & Keyser, Samuel (1983) CV Phonology - A Generative Theory of the Syllable. Cambridge, Mass.: M.I.T.
Hall, Tracy Alan (1992) Syllable Structure and Syllable-Related Process in German. Tubingen: Niemeyer.
Hayes, B. (1989) 'Compensatory lengthening in moraic phonology', Linguistic Inquiry 20 : 253-306.
Hulst, Harry van der & Smith, Norval (1984) (eds.) Advances in Nonlinear Phonology. Dordrecht: Foris Publications.
Hyman, Larry (1985) A Theory of Phonological Weight. Dordrecht: Foris.
McCarthy, J.(1979) 'Formal problems in Semitic phonologyand morphology'. PhD Dissertation, MIT.
McCarthy, J. & Prince, A. (1986) 'Prosodic morphology' MS, Uni. of Massachusetts.
Noske, Roland Gabriel (1992) A Theory of Syllabification and Segmental Alternation - With Studies on the Phonology of French, German, Tonkawa, and Yawelmani. Ph.D. Dissertation, Uni. of Brabant.
Pike, Kenneth  & Pike, Eunice Victoria (1947), " Immediate Constituents of Mazateco Syllables"
International Journal of American Linguistics, XIII (Apri. 1947), pp. 78-91.







[1] Xem Đoàn Xuân Kiên (1999) "Xem lại một vấn đề ngữ âm tiếng Việt: nguyên âm" Hợp Lưu số 45 (th. 2&3.1999), tr. 5-31.
[2] Đoàn Xuân Kiên, Bđd, tr. 11.
[3] Xin để ý là chúng tôi dùng hai thuật ngữ này với hai nội dung khác nhau: bán âm là để chỉ một loại âm vị, và âm đệm là để chỉ một thành phần chức năng trong cấu trúc âm tiết.
[4] Đoàn Xuân Kiên, Bđd, tr. 11-12.

  Phan Châu Trinh - ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ Đoàn Xuân Kiên Những năm đầu thế kỉ XX báo hiệu một bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà về...